Chia Rẽ Uyên Ương Vô Tội, Bỏ Chồng Có Lý

Chương 21

Những điều tốt đẹp luôn khiến người ta vô thức muốn quý trọng, giống như nét cười của Triệu Tấn, giống như Cổ bà bà hàng ngày canh giữ ngoài cửa thành.

Cổ bà bà đã đến tuổi bảy mươi, mỗi sáng sớm đều run rẩy từng bước nhỏ đến cổng thành, ngồi xuống dựa vào tường, cứ thế chờ đợi qua một ngày. Thi thoảng thời tiết không tốt hoặc mưa rơi tuyết đổ, Cổ bà bà vẫn trước sau như một, che ô đứng bên cổng thành, nhìn về phương xa…

Người nào trong thành cũng biết câu chuyện của Cổ bà bà. Bà lão, chính là Triệu bà bà, mỗi lần nhắc đến liền không nén được tiếng thở dài. Khi còn trẻ Cổ bà bà là một cô nương cực kỳ thanh tú xinh đẹp, lớn lên được mai mối, theo ý cha mẹ gả vào nhà họ Cổ trong thành.

Tuy Cổ gia không quyền không thế, nhưng gia cảnh cũng có thể coi là sung túc. Sau khi thành thân, tình cảm của Cổ bà bà và phu quân rất đằm thắm, hạnh phúc ngày qua ngày. Thành thân được ba năm, Cổ bà bà sinh cho nhà phu quân hai đứa con trai, hiếu thảo cha mẹ chồng, cung kính với trượng phu, gia đình tất nhiên rất hòa thuận. Khi đó, ai nhắc đến Cổ gia đều mang nét mặt hâm mộ.

Sóng gió đến không báo trước, việc làm ăn nho nhỏ của phu quân Cổ bà bà bị thua lỗ hết vốn liếng. Nhưng Cổ bà bà không quan tâm, bà nói chỉ cần người còn, cho dù mất đi nhiều tiền vẫn có thể kiếm lại được. Cổ bà bà lương thiện vừa an ủi phu quân, vừa quản lý thu xếp việc nhà ổn thỏa như trước đây.

Cổ bà bà không nhận ra phu quân không nghĩ giống như mình, bà chỉ cảm giác phu quân ngày càng không thích nói chuyện, không muốn cài trâm lên tóc bà, cũng không cười đùa với bọn trẻ nữa. Bà thấy phu quân luôn luôn nhíu mày, cho rằng phu quân vẫn canh cánh chuyện kia, cho rằng chỉ cần thời gian xóa nhòa chuyện kia đi thì phu quân sẽ thông suốt.

Cổ bà bà đã đoán đúng, phu quân của bà quả thực vẫn nặng lòng việc thua lỗ làm ăn, nhưng điều khiến bà không ngờ được là vào một buổi chiều trời trong nắng ấm, phu quân của bà đột nhiên… biến mất.

Điều này khiến cho Cổ bà bà vốn luôn coi phu quân là trời bị mất phương hướng, bà chạy khắp thành, thậm chí thường xuyên đi tìm ở những nơi xung quanh thành, hỏi xem có tung tích của phu quân hay không. Chuyện phu quân của mình vô duyên vô cớ bỏ đi khiến Cổ bà bà khó có thể tiếp nhận, bà luôn nhớ tới ngày tháng ngọt ngào trước đây, nhớ tới thương yêu mà phu quân dành cho bà, nhớ tới những lời ngọt bùi thề non hẹn biển. Vào đêm khuya yên tĩnh trống trải, không biết Cổ bà bà đã khóc hết bao nhiêu nước mắt. Trước mặt cha mẹ chồng, bà vẫn cố gắng nở nụ cười, vẫn hoàn thành bổn phận của con dâu như trước đây. Bà nói, trong nhà còn có người già, còn có trẻ nhỏ, bà mà gục ngã thì ai sẽ chăm sóc họ? Một mình Cổ bà bà nuôi sống cha mẹ chồng, cùng với hai đứa con nhỏ gào khóc đòi ăn.

Từ ngày đó, hàng ngày Cổ bà bà đều đến cửa thành trông về phương xa, hy vọng phu quân của mình có thể trở về. Cứ như vậy, Cổ bà bà đợi mãi đợi mãi, từ ngày xuân đợi đến tiết thu, từ một nữ nhân xinh đẹp đợi đến tóc bạc đầy đầu, bà vẫn không đợi được tin tức của trượng phu.

Không ai coi thường Cổ bà bà cả, dù thời kỳ này nữ nhân bị chồng bỏ luôn khiến người ta coi thường. Sự tin tưởng kiên định và tình cảm trung trinh của Cổ bà bà đã chinh phục mọi người, ai cũng có khi vô tình hay cố ý giúp Cổ bà bà hỏi thăm tung tích của phu quân. Về sau, đứa cháu lớn hồi xưa đi cùng phu quân của bà trở lại, nói rằng phu quân bà đã phát tài ở kinh thành, bây giờ giàu có nhà cao cửa rộng.

Cổ bà bà tóc bạc trắng nghe thấy tin tức này lại không vui mừng hoặc kích động như những gì mọi người dự đoán, cũng không đến kinh thành tìm kiếm phu quân mà mình tưởng niệm ngày đêm, bà chỉ bình tĩnh gật đầu, sau đó vẫn như cũ, ngày ngày đến cửa thành canh giữ, chờ đợi, bất kể gió mưa.

Rốt cuộc đến một ngày người kinh thành tới đây, đưa về một bộ quan tài, là phu quân của bà. Người ta nói phu quân bà khăng khăng muốn chôn ở quê nhà, bọn họ liền đưa linh cữu trở về.

Cổ bà bà không khóc, bà nói, nước mắt của bà đã chảy khô từ ngày người ấy rời đi. Nhưng hàng ngày Cổ bà bà vẫn run run đi đến cửa thành, ngây ngẩn ngóng nhìn phương xa…

Khóe mắt ta cay cay, có phải phu quân của Cổ bà bà đã lấy vợ khác ở kinh thành để kéo dài hương khói không? Triệu bà bà gật đầu.

Ta khó hiểu, thậm chí còn cảm thấy bất bình, vì sao biết rõ tất cả rồi còn muốn chờ nam nhân vô lương tâm kia cả đời?

Triệu bà bà trìu mến nhìn ta nói, cháu còn trẻ, chưa hiểu được chuyện này đâu.

Năm đó có thể bỏ vợ bỏ con, ra đi không lời từ biệt, đặt gánh nặng gia đình lên vai một nữ nhân, ông ta có thể an tâm ư? Sao ông ta còn mặt mũi mà về quê an táng? Chẳng lẽ nhiều năm như vậy ông ta không nghĩ đến cha mẹ vợ con ở nhà? Chẳng lẽ thế giới phù hoa bên ngoài thật sự có sức hấp dẫn đến thế, khiến cho ông ta không thể nhắn nổi một cái tin về nhà.

Triệu bà bà trầm mặc, khóe miệng của bà khẽ động đậy nhưng không nói gì cả.

Lòng của ta dần dần trầm xuống, nhìn bóng dáng lom khom nhưng lại vô cùng kiên định của Cổ bà bà, bà ấy, đúng là một nữ nhân xinh đẹp…

Triệu Tấn là thư sinh, gian khổ học tập bao năm chính là vì tương lai có thể đề tên bảng vàng, trở thành trạng nguyên. Mỗi lần nhàn rỗi không có việc gì làm, ta và Hoa Thành Cẩm luôn xấu tính ngồi cạnh hắn, lấy danh nghĩa là giám sát, nhưng thực ra là để quấy rầy. Lần nào Triệu Tấn cũng cười, không bao giờ tức giận.

Một lần, vào giữa trưa, Triệu Tấn gục xuống bàn ngủ say, ánh mặt trời xuyên qua cửa sổ chiếu vào, cả căn phòng đều ấm áp. Nghĩ đến hàng đêm hắn phải học hành khổ cực, để hắn chợp mắt một chút cũng tốt.

Ánh dương chói lọi càng lúc càng lên cao, sắp sửa rọi đến gương mặt ngủ say của hắn, căn phòng yên lặng khiến một góc nào đó trong lòng ta đột nhiên trở nên mềm mại. Ta tìm một cái quạt hương bồ, nâng tay che khuất ánh nắng quấy nhiễu mộng đẹp của người.

Dần dần, bàn tay mỏi, cánh tay đau, bầu không khí ấm áp khiến mí mắt của ta nặng trĩu, ta nghĩ, gục xuống bàn nghỉ một lát đi. Vì thế, một tay ta giơ quạt hương bồ, một tay khoanh trên bàn làm gối, nhắm hai mắt lại.

Không biết từ khi nào ý thức dần trở nên mờ nhạt, càng lúc càng xa, cánh tay cũng càng lúc càng nặng, sau đó sau đó sau đó nữa, rốt cuộc, ta ngủ quên, mà quạt hương bồ trong tay thì thuận thế đập xuống mặt Triệu Tấn… Trời cao chứng giám, tuyệt đối không phải ta cố ý…

Triệu Tấn vẽ quả thực không tệ. Có lần, hắn vẽ một bức tranh sơn thủy, xấu hổ hỏi ý kiến của ta.

Ta nhìn bức tranh kia, đỉnh núi dựng đứng, xung quanh là đá lớn, cành khô chọc nghiêng, cây tùng và chùa miếu xen kẽ ở giữa, trong thê lương mang theo sức sống, bút pháp có phần sắc sảo lại bị sắc núi trong tranh dung hòa, giống như bản thân Triệu Tấn, mơ hồ hiện ra hào quang, càng nhìn càng khiến người ta quyến luyến yêu thích.

Ta chỉ có thể viết một bài theo thể chữ nhỏ Trâm Hoa, vì thế đề lên: “Mộ vũ thanh sơn loan, lạc nhật ánh quang huy, tích niên nhân hà tại, địa thượng đạp ca hành.”
Bình Luận (0)
Comment