Chim Sơn Ca Trong Túi Áo

Chương 18


Dùng bữa tối xong, Lâm Xuân Tư bị Phó Yến đẩy ra sofa ngồi nghỉ.

Cậu ngắm bức tranh gỗ khắc một đôi chim công đang xòe cái đuôi gồm nhiều lớp họa tiết trên tường.

Màu gỗ sẫm, đường vân mềm mại như sóng, rất ưng mắt.
"Em thấy chán thì bật TV lên xem." Phó Yến đang rửa bát nói vọng ra.
Cậu đáp vâng, cầm remote rồi lại bỏ về, thấy một cuốn sách dạy làm gốm ở dưới gối lót, tò mò mở ra xem thử.

Dấu sách có dây cột hình một chú mèo đang duỗi mình phơi cái bụng trắng mập.

Lâm Xuân Tư thầm cười: mèo đáng yêu, người đã kẹp dấu sách cũng đáng yêu nốt.
Phó Yến cầm ra hai tách trà gừng, ngồi xuống bên cạnh cậu: "Em đỡ hơn chưa? Có còn khó chịu không?"
"Đỡ rồi ạ, ăn vào là em dịu bớt." Cậu cảm ơn về trà, hiếu kỳ: "Anh có học làm gốm sao?"
"Ừ, để thư giãn.

Tôi học vào mỗi cuối tuần, được gần một năm nay." Phó Yến mỉm cười chỉ bộ ấm chén gốm trưng trên kệ: "Tay nghề nghiệp dư của tôi đấy."
Trên cái kệ hình lục giác còn có bốn chai rượu tây cột nơ, một máy hát đĩa than cổ như bông loa kèn lớn, một bình gốm sứ cắm một nhánh hoa trà nụ đỏ kiêu sa.

Đằng sau bình có treo một bức tranh chữ cổ.
Một góc nhỏ, nhưng đủ để nói lên rất nhiều về chủ nhân của nó.

Lâm Xuân Tư cảm thấy một sự hòa hợp giữa phương tây và phương đông.
"Anh tự cắm hoa đó sao?"
"Ừ, vì tự cắm nên chỉ đơn điệu vậy thôi."
"Thế tranh chữ cũng..."
"Dĩ nhiên là tác phẩm của một thầy thư pháp.

Sao tôi siêu đến thế được?"
Phó Yến đứng lên lấy một chiếc đĩa than đặt vào máy hát, rồi xoay cần đọc đĩa vào.

Tiếng nhạc du dương êm ái trút xuống phòng khách như một trận mưa phùn.
Lâm Xuân Tư cười tươi: "Nhạc của thầy."
"Ừ, nhạc em thích." Anh khom lưng vò tóc cậu, đoạn bất ngờ đột kích cái trán trơn bóng một nụ hôn.
Lâm Xuân Tư che trán, im lặng thẹn thùng.
Phó Yến lại ngồi xuống bên cậu, vừa nhấm nháp trà gừng hỗ trợ cho tiêu hóa vừa lắng nghe giai điệu từ máy hát.
Lâm Xuân Tư tiếp tục quan sát căn hộ, dần thấu hiểu sự cổ hủ của anh.

Màu sắc và mọi đồ vật đều mang âm hưởng hoài cổ, có sự pha trộn giữa phương tây và phương đông.

Tổng thể rất tối giản nên không hề có vẻ phô trương hay kệch cỡm.
Cậu thấy trên bàn làm việc có lọ mực và chiếc đèn Hoa Kỳ đế sứ, nội tâm dâng lên cảm giác rất thú vị, hỏi: "Phó Yến, anh có phải người vượt thời gian đến tương lai không đấy?"
"Em đang nói gì vậy?"
"Em đang xác định niên đại anh thuộc về."
Chiếc chuông gió hình búp bê Nhật treo trên lối ra ban công reo leng keng.

Trên lan can đặt một phiến đá tròn có cạnh lạ nhô lên, quan sát đôi lúc cậu mới nhận ra đó là một cái đồng hồ mặt trời nhỏ.

Chà, thế này thì cổ xưa* quá rồi.
* Đồng hồ mặt trời được cho là xuất hiện trước Công Nguyên.
Phó Yến có vẻ thích đồ cổ, hay nói chính xác hơn là anh mến chuộng mọi thứ mang lại cảm giác cổ xưa.

Không có sự phân biệt các nền văn hóa hay quốc gia.
Một lần nữa Lâm Xuân Tư cảm thấy anh rất đáng yêu.
Ở đây không có hộp cello, có lẽ anh cất đàn ở phòng khác.
"Anh biết chơi cờ không?"
"Biết chơi cờ tướng.


Cờ vua và cờ vây thì biết một chút."
"Nếu cello đã là cầm, khả năng viết nhạc là thư, tạm thời xem làm gốm là họa thì anh quả là có đủ cầm, kỳ, thư, họa.

Chính quý công tử thời cổ đại vượt thời gian đến tương lai rồi." Lâm Xuân Tư tự chọc mình cười lộ má lúm dễ mến.
"Vậy sao?" Phó Yến nhẹ nhàng dựa đầu vào vai cậu: "Thế thì em chính là tiểu thiếu gia khí phách hổ lạc đồng bằng* đang dùng mỹ nhân kế với tôi."
* "Hổ lạc đồng bằng bị chó khinh" nghĩa bóng chỉ người cao quý gặp cảnh sa sút bị kẻ thấp kém hơn coi thường.
Cậu thầm lặng ôm tim, nghĩ bụng: anh mới là mỹ nhân, em là tiểu tặc thấy sắc quên mình.
Phó Yến khoác cánh tay Lâm Xuân Tư, càng dựa sát vào cậu, khép mắt thỏ thẻ: "Tinh Tinh, em khiến tôi như đang nằm mơ.

Nơi này giống như đã chờ em từ rất lâu rồi, tôi ước chi thời gian dừng lại ở giây phút này..."
Cậu cũng không muốn uống trà quá nhanh, hương thơm và hơi ấm từ tách đan xen với kẽ tay.
Âm nhạc của thầy Trịnh lặng lẽ bao trùm lên cả hai.

Lâm Xuân Tư thầm hát một lúc, lại hỏi: "Anh có thường đưa đối phương về nhà không?"
Cậu chưa xác định được lời vừa rồi là anh nói thật hay là cao hứng tán tỉnh.
"Khi đã đủ thân mật thì có thể.

Mặt khác, nếu đối phương có nguyện vọng, tôi cũng không keo kiệt.

Song chỉ dừng ở bữa ăn hay chơi đùa, tôi không có thói quen cho ai đó qua đêm."
Đĩa chạy hết, Phó Yến đứng lên thay đĩa mới.
Lâm Xuân Tư chỉ vào một bức ảnh ở gần đó: "Em có thể xem nó không anh?"
"Là ảnh tôi tốt nghiệp cấp ba.

Mẹ tôi đứng bên cạnh." Anh lại quấn cậu: "Bố dượng là người chụp ảnh."
Đẹp thật.

Cả hai mẹ con đều đẹp.

Trong ảnh, Phó Yến không mặc áo thụng, chỉ sơ vin đồng phục, trên ngực áo sơ mi còn có tên lớp của anh.

Thiếu niên vừa tròn mười tám dáng thanh thoát, phơi phới tựa như xuân xanh um tùm, khoác trên mình ánh nắng trong veo.
Người phụ nữ có mắt như hoa đào, đằm thắm như hoa hồng xanh khoác hờ cánh tay con trai.
Lâm Xuân Tư ngắm ảnh một hồi, không thể kìm nén cảm xúc bùi ngùi đến đỏ hoe viền mi: "Em vĩnh viễn không biết được dáng vẻ tốt nghiệp của mình thế nào."
Phó Yến xót lòng ôm bả vai cậu, dịu dàng an ủi: "Sau này còn có thể, em vẫn có thể học đại học.

Lúc em tốt nghiệp, tôi sẽ chụp ảnh cho em."
"Nhưng khi đó tuổi mười tám của em đã xa rồi.

Em không thể lấy lại được thời gian của mình nữa..."
Cuộc đời cậu từng tràn đầy yêu thương, từng xuôi chèo mát mái, tựa dòng nước trôi chảy, như hoa nở trên đồng.

Nhưng ngói đỏ dễ vỡ, ngọc đá đều tan, cha mẹ xa rời, nhà cửa cũng mất.

Chỉ còn những đường kẻ đều đặn mong manh và nét khóa sol uyển chuyển còn ở với cậu, vẽ lối cho cậu may mắn gặp được anh.
Lâm Xuân Tư đặt ảnh xuống, cũng ôm lấy anh.

Trái tim cả hai phập phù qua lớp áo.

Không rõ có phải vì tâm trạng đột ngột thay đổi, dạ dày cậu lại bắt đầu đau, nhưng không quặn thắt như ban đầu mà âm ỉ như bị cái gì đó cắt vào lưng chừng.
"Khi tôi mười lăm tuổi..." Phó Yến vỗ về cậu, "ba tôi đã ngã từ mái nhà xuống đất, lúc đó tôi đang ở trên trường, và cây hoa cải mọc quá dày vô tình che khuất ba tôi bị thương.

Phải hơn một tiếng sau tôi đi học về mới phát hiện ra ông ấy nằm lạnh ngắt giữa những bông hoa ông yêu mến nhất.

Tôi sững sờ, điêu đứng, không biết phải làm gì.


Tôi lay ba, gọi tên ông, cố gắng kiểm tra mạch và làm hô hấp nhân tạo.

Cô Úc Diễm, mẹ em nghe thấy tiếng tôi và chạy đến giúp đỡ.

Tôi bị dị ứng phấn hoa rất nặng, trong lúc chờ xe cấp cứu thì chỉ biết không ngừng dụi đôi mắt cay xè, ho và nỗ lực thở để không ngất.

Khi ấy em có nhớ mình đã làm gì không?"
Lâm Xuân Tư hồi tưởng nhưng chẳng thể nhớ nổi.
"Em đã cầm lấy dụng cụ trợ thở và bắc ghế đưa cho tôi.

Thật lòng tôi không biết em nhìn thấy tôi sử dụng nó khi nào.

Vậy mà em còn nhỏ như thế đã biết cần phải làm gì để giúp tôi.

Em không nhớ chuyện đó sao? Em đã đứng trên ghế ra lệnh cho tôi phải thở thế nào đấy.

Lúc đó tôi nghĩ...!em quả là một người khổng lồ trong cơ thể tí hon."
Cậu nhỏ Lâm trèo lên ghế, cầm dụng cụ trợ thở đặt vào mặt Phó Yến, nghiêm túc làm mẫu: "Anh làm theo em thế này.

Hít vào...!đếm một, hai, ba, bốn, năm.

Thở ra...!đếm một, hai, ba, bốn, năm..."
Hít vào thì cái đầu cậu nhỏ hất về sau, bụng nhỏ cũng phồng lên theo.

Thở ra thì thân mình nhỏ cong lại.

Duy nhất đôi mắt long lanh, sáng rực là không thay đổi.
Đó là một ký ức rực rỡ đối với Phó Yến.
Đáng tiếc, Lâm Xuân Tư còn nhỏ quá nên không nhớ.
"Ba tôi được đưa vào phòng ICU*.

Tôi ở trong bệnh viện nỗ lực liên lạc với mẹ nhưng điện thoại bà tắt.

Rất nhiều thủ tục và giấy tờ tôi không hiểu.

Em có hình dung được nỗi hoang mang, hoảng loạn của một thiếu niên mười lăm tuổi ở hoàn cảnh đó không? Tôi đơn độc, chới với.

Tôi biết cầu cứu ai đây? Tôi gọi cho mẹ em và ba em đã đến giúp tôi.

Cái đêm cuối cùng của ba tôi là một đêm dài.

Dài hơn cả thế kỷ.

Điều khủng khiếp nhất là tôi đã ngủ quên vì quá mệt.

Và tôi vĩnh viễn không biết được ba tôi đã trăng trối lời gì..."
* Phòng Chăm sóc tích cực (dành cho bệnh nhân nặng).
Lâm Xuân Tư bần thần ôm chặt anh.
"Mẹ tôi mất một đêm để biết tin, và mất thêm nửa ngày tiếp theo để về nhà.

Lúc đó thi hài ba tôi đã lạnh.


Còn tôi có lẽ đã hoàn toàn tuyệt vọng với bà ấy.

Tôi thấu hiểu cảm giác cô độc ở trong bệnh viện đáng sợ như thế nào.

Vì thế tôi không chần chừ để đến với em.

Dẫu sao ngôi nhà này cũng không có ai để chờ đợi tôi, tôi tới bên em vì tự nguyện.

Tôi thiết tha mong em đừng xem đó là một món nợ cần trả cho tôi.

Tinh Tinh, là tôi nợ em và ba mẹ em mới đúng.

Vậy mà..." Có âm rung thổn thức khe khẽ len lỏi vào ngữ điệu của anh, "tôi đã ở đâu trong lúc em đau khổ nhất thế này?"
"Anh nói tiếp đi, hãy cho em biết thêm về anh." Lâm Xuân Tư dẫm một chân xuống sàn.

Phó Yến gần như quỳ trên sofa ôm chặt cậu, tiếng nói nghe tan nát cõi lòng.
Sơ vin của anh tuột ra.

Ánh sáng xuyên qua tầng sơ mi mỏng manh, thấy được cả đường nét sau lớp vải.

Hơi thở và bắp cơ Phó Yến căng thẳng, Lâm Xuân Tư biết anh thực sự đang đau lòng vì cậu.
Chính bản thân cậu cũng không rõ từ bao giờ mình bắt đầu hình thành các phản xạ thăm dò tính chân thực và dối trá của người khác.

Phản ứng cảm xúc là bản năng, lý trí tồn tại là để kiềm chế cảm xúc.
Hiện tại Lâm Xuân Tư rất tỉnh táo.
Bởi vì cậu cần phải lắng nghe và ghi nhớ những lời của anh.
"Em cũng biết ở các miền quê có lệ cưới gả sớm.

Mẹ tôi sinh ra tôi lúc hai mươi tuổi, bà phải hoãn việc học tập hai năm để chăm tôi.

Sau đó bà tiếp tục lên thành phố học đại học.

Suốt thời thơ ấu tôi luôn ở với ba, nhờ một tay ông nuôi dạy.

Mẹ tôi rất hiếm khi về nhà, dịp nguyên đán cũng chỉ về một, hai tuần không hơn.

Ba cũng không trách hay ép bà phải ra dáng vợ.

Ba tôi khá nhu nhược, vì so với vợ thì từ gia cảnh tới học vấn ông ấy đều không bằng.

Tôi cũng không rõ vì sao bọn họ lại cưới nhau.

Nhưng tôi biết mai này mẹ tôi đã hối hận.

Hối hận vì đã lấy ba, vì đã sinh ra tôi...
"Em có tưởng tượng nổi một người phụ nữ vừa mất chồng ba tháng dẫn theo một đứa con mười lăm tuổi tái hôn là như thế nào không? Tôi thấy mình không khác gì một trong các món hành lý bà ấy mang theo để chuyển nhà.

Tuy bố dượng đối xử với tôi không tồi nhưng tôi không có cách nào hòa thuận với ông ấy.

Mọi thứ cứ rối tinh rối mù lên.

Rồi từng thứ, từng thứ đều rời khỏi tôi mà tôi không biết phải làm gì."
Phó Yến úp mặt vào vai Lâm Xuân Tư: "Cuộc đời tôi như một bản nhạc hỗn loạn mà tôi không thể tự kiểm soát được chính mình."
Giọng anh thật nhẹ, một nỗi u buồn dịu dàng thấm vào lòng Lâm Xuân Tư.
"Vì vậy tôi rất muốn em viết cho tôi một bài hát.

Tôi tin em có thể tìm ra những mảnh vỡ thất lạc trong bản thân tôi, giúp tôi thấy yêu quý cuộc đời của chính mình.

Âm nhạc của em tràn ngập sự dịu dàng và bao dung với thế gian, tôi hâm mộ em biết bao.

Hãy dạy tôi được không em? Dạy tôi viết bài hát yêu thương thế giới này, cũng dạy tôi bao dung với cuộc đời mình."
Đĩa than chạy hết, đầu kim quét trên mặt đĩa phát ra tiếng rít nho nhỏ.
Lâm Xuân Tư đặt tay lên gáy Phó Yến, nhè nhẹ xoa bóp, nắm lấy bả vai run run của anh.

Anh không chịu ngẩng lên, bướng bỉnh như một đứa bé chôn mặt vào vai cậu, bàn tay dùng sức đến mức khớp trắng bệch.

Cậu không ép anh.

Chậm rãi, trên vai ươn ướt.
Lâm Xuân Tư bắt đầu cất tiếng hát.

Một trong những sáng tác cậu chưa từng công khai.

Thực ra cậu đã sáng tác rất nhiều đoạn nhạc ngắn, tự thu âm vài beat nhạc hoàn chỉnh, đồng thời viết ca từ cho chúng, nhưng cậu chưa bao giờ công khai một ca khúc nào cả.
So với văn chương, âm nhạc dễ bị sao chép và biến tấu hơn.

Văn chương đòi hỏi tác giả sao chép phải tự thân vận động vắt óc để che giấu.

Âm nhạc với sự hỗ trợ của công nghệ, chỉ cần điều chỉnh một nốt, một quãng, thay đổi nhạc cụ diễn tấu là đã có thể nghe khác hẳn, thính giả không có kinh nghiệm rất khó phát hiện vấn đề.
Thế mà Lâm Xuân Tư đã dâng cả kho tàng cho Phó Yến.

Ban đầu cậu chưa rõ tại sao mình làm vậy, bây giờ thì đã hiểu.
Cậu muốn trao tình yêu của bản thân cho anh.
Giống như một vị tri kỷ*.
* Mạn phép giãi bày: Độc giả đã đọc qua vài bộ truyện trước của tôi hẳn cũng phần nào hiểu rằng tôi miêu tả cảm xúc của nhân vật qua rất nhiều cung bậc.

Không ít lần tôi diễn tả một mối quan hệ rất giống tình yêu song lại không phải tình yêu.

Cậu Xuân tin mình là trai thẳng từ bé đến lớn, không thể đòi hỏi cậu ấy chấp nhận sự chuyển biến xu hướng tính dục quá nhanh.

Hiện tại có thể là rung động, có thể nảy sinh phản ứng quá khích của cảm xúc, có thể có sự đồng điệu trong tâm hồn nhưng chưa phải là yêu.
Bản thân cậu Xuân cũng nói rồi: chúng ta không thể xác định được khi nào bản thân bắt đầu yêu, khi ta nhận ra mình yêu thì chắc chắn là đã chìm trong bể tình.
Không lâu sau, Phó Yến che kín mặt, vịn vai cậu đứng dậy đi vào phòng tắm, mất một lúc mới tươi tỉnh đi ra, nói cậu uống hết trà để kịp giờ đi ngủ cho dễ chịu.
Phảng phất như không hề có gì phát sinh.

Nỗi u buồn của anh hòa tan theo dòng nước từ vòi rửa.
"Em sao vậy?" Phó Yến trở ra thấy cậu hơi nhíu mày, liền hỏi.
"Em không sao." Lâm Xuân Tư đáp, ngẩng đầu nhìn đồng hồ: "Em phải về thôi, khéo trễ."
"Tôi đưa em về."
"Em sẽ tự đi về, cảm ơn anh." Cậu mỉm cười, dứt khoát nói.
Phó Yến lấy áo khoác, tháo áo của cậu khỏi giá, cũng rất dứt khoát đáp: "Tôi tiễn em về."
Lâm Xuân Tư không từ chối.

Cả hai xuống tầng trệt, chậm rãi sóng vai đi trên vỉa hè.

Ngang qua một hiệu thuốc, người bên cạnh cậu sải bước ghé vào, muốn mua thuốc đau dạ dày.
Lâm Xuân Tư dừng chân, ngẩn ngơ nhìn anh.
Phó Yến mua sẵn một chai nước rồi cầm thuốc đưa cho cậu, tỉ mỉ chỉ dẫn cậu phải uống thế nào, còn dặn cậu lên xe taxi thì uống thuốc ngay để về ngủ cho ngon.
Cậu nhận lấy, đăm chiêu giữ trầm mặc.
Anh cũng yên lặng.
Trước khi lên taxi, Lâm Xuân Tư bỗng ôm anh thật chặt: "Phó Yến, nghe nhạc của em và ngủ ngon nhé."
Phó Yến rất bất ngờ: "Ừ...!em cũng ngủ ngon."
Bóng dáng anh nhỏ dần, lạc vào ánh đèn xe cộ.

Lâm Xuân Tư cầm thuốc trên tay, ánh mắt nghiền ngẫm.
Trên bàn làm việc của anh có thuốc ngủ.
Trên vai anh có hình xăm thứ ba mà anh đã không đề cập với cậu ở lần trước.
Một dòng, sáu chữ.
Cậu đã đọc được rành mạch.
Nguyện cầu tươi đẹp như xuân.
Lời tác giả: Dành cho ai đó thắc mắc quan niệm tình yêu của tôi là gì để có thể diễn tả nhiều mối quan hệ đặc biệt khăng khít thì tôi cũng xin trả lời luôn.

Xuyên suốt ba bộ truyện trước tôi đã thể hiện rõ các điều:
- Thứ nhất, vì nhau mà nỗ lực trở nên tốt đẹp hơn.

(Tốt đẹp với bản thân, tốt đẹp với thế giới xung quanh.)
- Thứ hai, luôn hành động vì sự bền chặt, dài lâu với người ấy.
- Thứ ba, khao khát đối phương chỉ thuộc về một mình mình.
Thiếu một trong cả ba điều thì tôi đều không xem là tình yêu đích thực..

Bình Luận (0)
Comment