Bác trai nói: “Nhã Dục, cháu thấy đấy, bố mẹ cháu mất sớm, tiền bồi thường do tai nạn lao động cũng chẳng được bao nhiêu, mấy năm trước đã tiêu hết cả rồi. Thực ra, gia đình như chúng ta không có khả năng cho cháu đi học cao trung, đại học. Chúng ta không có tài cán gì, nhưng cũng không thể làm lỡ dở cháu. Thực chất hiện nay học hành cũng chẳng có tác dụng gì, tiền sinh viên kiếm được còn không nhiều bằng lương công nhân đâu, nhiều người thất nghiệp lắm. Học cái nghề vẫn đảm bảo hơn. Chúng ta khẳng định đều là vì tốt cho cháu. Trấn ta có rất nhiều người đều tới một công xưởng ở Tương Thành làm việc. Nghe nói chỗ đó là do một người quê mình mở ra. Tháng sau cháu đi cùng bọn họ tới đó đi. Nghe nói lương tháng khoảng ba, bốn nghìn tệ. Kiếm được tiền nhớ gửi về nhà, đừng có tiêu linh tinh đấy! Hai bác sẽ giữ hộ cho.”
Lưu Nhã Dục im thin thít.
Bác trai bác gái đánh mắt nhìn nhau, bác gái nói: “Cháu đấy, chẳng nể tình thân gì cả, bình thường cũng không thân thiết gì với chúng ta. Bác và mẹ cháu giống nhau được sao? Cháu là do hai bác nuôi lớn đấy nhé! Sao có thể hại cháu được. Cơ hợi này mà vụt mất thì sau không tìm lại được nữa đâu! Bắt buộc phải đi, đến đó nhớ làm việc nghiêm túc, bắt tay xây dựng sự nghiệp.”
Mặt Lưu Nhã Dục đã đỏ bừng: “Nhưng cháu mới chỉ 15 tuổi!”
Ông bác nói: “Không sao, hóa ra mày lo lắng điều này. Khai man độ tuổi đi là được, đều là người quen cả, kiểu gì họ cũng nhận. Có điều, chắc tiền lương sẽ ít hơn người khác tầm dăm ba trăm tệ. Thế cũng đã tốt lắm rồi. Chúng ta nuôi mày lớn đến thế này, mày cũng nên báo đáp rồi đấy! Con người quan trọng nhất là phải có lòng biết ơn, không biết ơn thì chẳng khác nào loài lang sói!”
“Đi thì đi!” Lưu Nhã Dục đặt “cạch” chiếc cốc xuống bàn, đứng dậy đi về phòng, khóa cửa.
Hai ông bà mắng chửi vài câu rồi mặc kệ.
Mấy ngày sau, Lưu Nhã Dục vác balo rời khỏi đây cùng mấy thanh niên trong trấn. Ông bác không biết đã đi đâu, người bác gái thì đang đánh bài ở nhà hàng xóm. Lưu Nhã Dục đến nói lời tạm biệt, bà ta cười như hoa trên bàn bài: “Ai ya, Nhã Dục nhà chúng ta cũng ra ngoài kiếm tiền rồi, đi đường cẩn thận đấy nhé.” Song không hề đứng dậy.
Mấy bà cùng bàn cũng cười. Lưu Nhã Dục cảm thấy nụ cười giả tạo và ánh mắt của bọn họ nhìn mình đều tràn ngập chế nhạo cùng thương hại, như đang nói:
Đứa trẻ lớn thế này cũng đưa đi làm. Đúng là độc ác, cậu nhóc cũng đáng thương quá.Lưu Nhã Dục rời đi.
Thành tích kỳ thi tốt nghiệp Sơ trung của Lưu Nhã Dục lọt danh sách 20 người điểm cao nhất huyện, đứng đầu toàn trấn.
Ban đầu, Lưu Nhã Dục còn chưa quen với cộng sống trong công xưởng. Nhưng dù sao, cậu ta cũng đã rời khỏi trấn đó, rời khỏi căn phòng lạnh như hầm băng ấy, hơn nữa giờ cậu ta còn có thể kiếm ra tiền, đọc rất nhiều sách. Những thiếu niên bị giam hãm thường nóng lòng muốn bước vào tuổi thành nhân, cậu ta cũng không ngoại lệ.
Nhưng chỉ vài ngày sau, cảm giác mới mẻ do xưởng sản xuất rộng lớn mang lại đã biến mất. Cậu ta nhận ra hoàn cảnh sống hiện tại chẳng khác hồi trước là bao. Xung quanh ngoại trừ công nhân thì chính là nông dân cùng sống trong hương trấn. Mục tiêu đã lâu của cậu ta chính là Tương Thành – thủ phủ tỉnh Hồ Nam. Nghe nói ở đó có rất nhiều trường học, bệnh viện chất lượng tốt, còn có rất nhiều minh tinh, là mảnh đất anh tài hội tụ.
Thế nên tháng lương đầu tiên đã được trích ra mua điện thoại, sau đó ngồi xe bus vào thành phố dạo hết một ngày mới quay về. Cho dù chỉ có một mình thì cậu thiếu niên thôn quê cũng vô cùng vui vẻ.
Cậu ta gửi cho ông bà bác toàn bộ số tiền còn lại. Bọn họ không mấy vui vẻ, Lưu Nhã Dục không nói mấy câu đã lấy cớ phải đi làm rồi ngắt cuộc gọi.
Tháng sau, cậu ta cũng sẽ không gửi hết tiền lương mà sẽ càng ngày càng gửi ít hơn. Cậu ta đã tính số tiền sinh hoạt bọn họ dùng để nuôi cậu suốt mấy năm này. Trả đủ rồi sẽ không gửi thêm một cắc nào cho những kẻ đó nữa.
Cậu ta cuối cùng cũng được tự do.
Song thiếu niên dần dần mới hiểu ra, đời người cũng giống như leo núi. Bạn nỗ lực hết sức leo đến đỉnh, xóa tan bóng tối, nhưng lại phát hiện ra một ngọn núi mới đang chờ đợi mình nơi đó.
Vĩnh viễn sẽ không đến được con đường bằng phẳng.
Ban đầu, cậu ta không ý thức được bản thân khác biệt với đám lao động trưởng thành. Thỉnh thoảng sẽ có mấy người lớn đều khá chiếu cố cậu ta, không hay quản chuyện thừa thãi. Ngày đầu tiên bước vào kí túc xá, ba người kia nhìn thấy cậu thì đều kinh ngạc. Có lẽ không phải chỉ vì độ tuổi, mà còn do chiếc áo T-shirt trung niên của ông bác mà cậu đang mặc trên người cùng túi bao bố trong tay cậu ta. Từ Gia Nguyên cười nói: “Trẻ con chui ra từ hang núi nào thế này, đi nhầm phòng hả?”
Hai người còn lại cười ha hả. Lưu Nhã Dục không giỏi ăn nói, cậu ta đỏ bừng mặt lẳng lặng đặt chiếc túi bao bố bên giường.
Có lẽ chính lần gặp đầu tiên ấy đã xác định địa vị cao thấp giữa cậu ta và ba người đó, đặc biệt là cậu ta với Từ Gia Nguyên.
Mọi người dần phát hiện cậu thiếu niên này rất kiệm lời, không biết tranh giành chỉ im lặng làm việc: dọn dẹp phòng ngủ, nhận bưu kiện giúp mọi người, bị sai vặt cũng chẳng phản đối. Kiểu phục tùng này rất được lòng Từ Gia Nguyên, nhưng anh ta vẫn có cảm giác tên nhãi này chưa hoàn toàn thần phục. Hơn nữa, Lưu Nhã Dục mới tí tuổi, người lớn sai vặt trẻ con thì có sao? Đây chẳng phải là chuyện đương nhiên ư?
Hai người kia cũng rất hưởng thụ cảm giác cao hơn người khác một bậc thế này, thái độ với Lưu Nhã Dục cũng càng ngày càng tùy tiện và ác liệt.
“Này, giúp anh giặt quần áo phát.”
“Đi mua hộ anh bao thuốc lá.”
“Ngày mai anh có việc, thay ca hộ anh chút.”
“Ôi đm, mới có 10 giờ, đọc sách cái gì, mau kéo rèm cửa lại, ông đây còn phải ngủ!”
“Sao chú mày chưa đến 18 tuổi đã đi làm rồi? Anh thấy người nhà đối xử với mày cũng chẳng ra sao, hoặc là chú mày làm sai gì đó, không chịu học hành nên mới bị cho đi làm? Phần lớn đều là thế. Chỉ là người ở quê thì có thể mắc tội gì? Chú em mắc tội gì? Hửm?”
……
Không phải Lưu Nhã Dục không muốn từ chối. Mà là vì có những chuyện một khi đã bắt đầu sẽ khiến người ta như thành nghiện, không cho phép cậu ta từ chối nữa. Ba người bọn họ đều to con hơn cậu, cũng có địa vị trong công xưởng hơn. Bọn họ hiểu nhiều, quen biết rộng. Cậu ta để lộ hơi chút không tình nguyện là những người đó bắt đầu dùng ánh mắt, nụ cười nhạo báng, thậm chí dùng ngôn ngữ cơ thể để nói cho cậu ta biết rằng, cậu không có tư cách từ chối.
“Nghe lời chút, dù sao mày cũng chẳng có việc gì, vì sao không giúp?”
“Bọn quê đều là lũ ngu dốt, mày còn chưa thành niên, ngoại trừ bọn anh làm gì còn ai để ý đến mày?”
Từ Gia Nguyên là kẻ lạnh lùng nhất trong số đó, anh ta nhìn cậu ta, nói: “ĐM. Muốn ông đây tiết lộ mày là lao động vị thành niên, đuổi mày ra khỏi công xưởng à? Tự biết vị trí của mình đi, được chứ?”
Có những lúc sẽ động thủ.
Từ Gia Nguyên vỗ đầu, đẩy hoặc đá Lưu Nhã Dục.