Chồng Sói

Chương 22


Nghe Thủy ca nhi nói muốn về thăm nhà, ông Trịnh thầm khen thằng bé hiếu thảo, không quên nguồn cội.
Ông lặng lẽ vào nhà lấy một chiếc áo khoác dày ra khoác cho Thủy Thời.

Sau đó ông kẹp một xấp tiền vàng dưới cánh tay rồi dẫn Thủy Thời đi về phía sườn núi ngay gần đó.

Chẳng mấy chốc, một khoảng sân có địa hình rất cao, được bao quanh bởi hàng rào gỗ và nằm dựa lưng vào sườn núi đã hiện ra trước mắt Thủy Thời.
Mái nhà trong sân có vẻ khang trang và rộng rãi hơn những gian nhà Thủy Thời từng thấy xuyên suốt dọc đường.

Hai bên nhà chất hai vựa thóc cùng với mấy cái chuồng nhốt thú nuôi mà mọi gia đình thợ săn đều sở hữu.

Chính giữa là một gian nhà ngay ngắn nằm ở hướng bắc, cửa hướng về hướng nam, tường nhà được lợp bằng đất sét.
Mỗi tội căn nhà không có hơi thở của nhà nông, nó gọn gàng nhưng lạnh lẽo.

Cửa sổ nhỏ nhắn hình vòm hai bên đều mở, khung cửa sổ bằng gỗ chắc chắn với những chấn song phân bố dày đặc khiến cho ngôi nhà được thông gió mà vẫn an toàn.
Thủy Thời nhìn vào bên trong qua ô cửa sổ.

Căn nhà không trống hoác, nội thất như bàn ghế giường tủ còn nguyên, thậm chí trên bức tường đất đối diện giường còn treo một cây cung cỡ lớn.

Không gian bên trong ít bụi bặm, chắc hẳn do có ai đó thường xuyên vào quét tước.
Ông Trịnh lấy chìa khóa ra mở cửa bước vào, vừa đi vừa nói: "Mấy bữa trước các chú đến nhà cậu cháu lấy lại hết số bàn, ghế, tủ, hòm.

Cái loại nhà nó không xứng dùng đồ của anh Lâm.

Đặc biệt là cung tên của cha cháu, cả thị trấn cũng không tìm đâu ra cái nào chất lượng hơn thế nữa.

May mà không ai kéo được chứ không thì, hừ, dám chắc cái lũ ấy đã bán vội từ đầu."
Ông xoa chiếc cung: "May thay ca nhi về rồi, không uổng công các chú đưa cung trở lại."
Thủy Thời chạm lên chiếc cung to bản rồi lại nhìn căn nhà vốn thuộc về Thủy ca nhi.

Đây đúng là chốn dừng chân tốt.

Nơi này cách căn nhà gần nhất một con dốc, có không gian thoáng đãng xung quanh, rất hợp ý một người không giỏi giao tiếp với hàng xóm láng giềng như cậu.

Chưa kể nhà cửa cũng gọn gàng, các gian phòng trông còn rất mới.

"Chú cho cháu hỏi có phải mọi người hay đến quét dọn không ạ? Vì cháu thấy không có bụi bặm mấy."
Bấy giờ ông Trịnh mới ra ngoài mang cái chậu vào, xong xuôi ông vừa cầm dao đánh lửa vừa đáp: "Ừ, nhà còn tốt lắm, xây năm cháu chào đời mà, bất quá mười mấy năm chứ nhiêu.

Mọi người thường dọn dẹp tránh cho nhà đổ nát với suy nghĩ biết đâu khi lớn cháu cần dùng."
Ngày xưa Tôn Đầu Lớn vác tờ khế đất tới đòi bán nhà lấy tiền, nhưng bị nhóm thợ săn phản đối.

Nhà cửa vùng núi non thế này chẳng đáng bao đồng, các anh em liền góp ít tiền trả cho thằng cậu thì mới giữ được chỗ nương thân cho Thủy Thời hôm nay.

Mà mấy chuyện này ông Trịnh đều không kể.
Có lẽ thổn thức bởi nỗi nhớ người bạn xưa nên ông không nói nhiều.

Sau đó ông chỉ dẫn Thủy Thời ra quỳ trước cổng rồi châm lửa đốt xấp tiền giấp họ mang theo.
Nhìn ngọn lửa bập bùng, Thủy Thời cũng vô cớ thấy lòng mình buồn bã.

Cảm giác cảm xúc của cậu đang chung nhịp với cảm xúc của cơ thể này, dường như khoảnh khắc ấy cậu không phải Lâm Thủy Thời, mà là Thủy ca nhi, những cảnh tượng của thời ấu thơ lần lượt ùa về khiến cậu không kìm được nước mắt.
Khi tiền vàng cháy hết, cơ thể Thủy Thời chợt được thả lỏng, cậu thấy người nhẹ bẫng như đã không còn gì trói buộc mình nữa.

Hơi có dự cảm, Thủy Thời lại quỳ xuống và dập đầu ba cái trịnh trọng về hướng tro giấy bay đi, coi như tiễn đưa gia đình họ sum vầy, đồng thời là lời cảm ơn vì thân xác mới.
Ông Trịnh thở dài, "Cháu đừng khóc, sau này phải sống thật hạnh phúc, cũng xem là báo đáp công ơn cha mẹ." Nói đoạn ông trả chậu sắt và dao đánh lửa về nhà xí, khóa cửa, rồi dẫn Thủy Thời xuống núi.
Thủy Thời đã quyết định xong xuôi nên suốt đường về chỉ suy nghĩ xem nên mở miệng thế nào.

Thấy cậu ít nói, ông Trịnh đoán cậu vẫn đau lòng vì hoàn cảnh gia đình, mỗi tội chuyện này ông cũng chẳng biết làm gì hơn được.
Nhà ông Trịnh cách chân dốc chừng trăm mét, lúc sắp đến cổng nhà, Thủy Thời quyết định chớp thời cơ ngay! Chứ để vào nhà gặp bao nhiêu là người, nào thím nào chị dâu cả chị dâu hai thì làm sao cậu nói lại nổi.
"Chú Trịnh ơi!"
Ông Trịnh quay lại, "Sao thế Thủy ca nhi?"
Thủy ca nhi nhìn ông bằng đôi mắt sưng vù, "Cháu muốn về sống trên sườn núi chú ạ, để bớt nhớ nhung cha mẹ cháu.

Cháu sống quen trên núi rồi nên ở một mình không sao cả."
Ông Trịnh cay mày, "Ai lại để ca nhi như cháu ở một mình.

Vai không thể vác, tay không thể gánh, nhỏ người sức yếu! Củi lửa cơm nước đều là việc khó, để cháu bơ vơ chú yên tâm sao được! Chưa kể đêm đến mà gặp trộm cướp gì thì làm sao!"
Nhưng Thủy Thời cứ khăng khăng muốn về, ông không cản nổi.

Cơ bản họ chưa phải người một nhà, thời gian chung sống chưa lâu nên ông không thể nói toẹt ra ý định của ông.


Thủy Thời lại thuyết phục, "Huống hồ hai nhà không xa, nhỡ có gặp chuyện gì cấp bách thì cháu đứng trên sườn núi hô mấy tiếng là mọi người đều nghe thấy cả ấy chứ.

Chẳng phải vẫn có chú Trịnh giúp đỡ cháu mà!"
Ông Trịnh thấy cũng có lý, cùng lắm bảo Đông Sinh năng lên sườn núi thăm nom, giúp đỡ Thủy Thời là xong, nghĩ đến đây ông mới đồng ý với Thủy Thời.
Tuy nhiên cậu chưa thể chuyển đi ngay bởi trước tiên cần nhóm củi dưới giường sưởi của căn nhà trên sườn núi, rồi lại đợi đến khi ấm áp xua tan hơi ẩm và cái lạnh.

Ban đầu Thủy Thời muốn tự mình lo, cuối cùng cả anh cả lẫn Đông Sinh đều dứt khoát ôm củi đi thay cậu.
Thủy Thời lấy làm áy náy, vậy là mình lại nợ nhà chú ấy thêm rồi, nhưng cũng chẳng biết làm sao, chỉ đành trả ơn từ từ vậy.
Nhà ông Trịnh nhộn nhạo một trận để chuẩn bị cho chuyến di dời của Thủy Thời.

Mọi người chuyển lên nhà mới của cậu – cụ thể là chất xuống cái kho ngầm sâu hai mét trong sân – rất nhiều đồ dùng, củi gạo, dầu muối, thêm cả chăn nệm, đèn dầu, thậm chí là cải trắng với khoai tây.

Những thứ này không quý giá gì nhưng đều cần thiết cho sinh hoạt thường ngày của cậu.
Thủy Thời không từ chối được nên cũng thuận theo.

Chẳng qua trước khi đi, cậu lại mở sọt, lấy ra mấy cụm linh chi lớn rồi đòi tặng cho nhà ông Trịnh bằng mọi giá.
Ông Trịnh không nhận, ông chăm sóc Thủy Thời một là để trả ơn người bạn cũ, hai là cũng dự tính về sau họ thành người một nhà chứ không cần báo đáp gì cả.

Huống hồ nhà ông chưa ai thấy linh chi vừa lớn vừa dày thế bao giờ! Không biết trị giá bao nhiêu tiền luôn nữa!
Chị dâu cả trợn tròn hai mắt, "Ôi, ca nhi! Em kiếm được cái này ở đâu thế! Trông tuyệt ghê!"
Ngẫm nghĩ chốc lát, Thủy Thời biết mình không nói dối được nên cứ khai thẳng, "Em hái trong rừng ở Đông Sơn đấy ạ."
Nhà họ vốn định hỏi chỗ hái để đi thử vận may, nhưng vừa nghe đến hai chữ "Đông Sơn" là tất cả đều im thin thít.
Đó là khu vực cấm từ thời tổ tiên, lòng sợ hãi trước Đông Sơn đã chảy sâu trong máu người dân thôn Nhiệt Hà.

Lần nọ lên núi là do toán thợ săn bọn họ đánh cược mạng sống để tìm Thủy Thời thôi, họ cũng rón rén đủ đường mà vẫn suýt mất mạng trước gấu, sói.

Thành ra sau khi trở về, toán thợ săn càng không dám đề cập đến Đông Sơn.
Chưa kể đã từng có tiền lệ.

Mới đây thôi, vì muốn tế Thủy Thời cho chó sói và đồng thời nổi lòng tham muốn tìm kiếm báu vật, thôn Viễn Sơn cả gan xông vào lãnh địa Đông Sơn, để rồi cả đám người nọ không chết thì điên.


Ngay cả dân thôn bình thường cũng gặp nạn, hễ người nào nuôi gia súc gia cầm là đều thấy chúng bỗng dưng bị cắn chết hết.
Do đó, nhà ông Trịnh không hỏi thêm chuyện linh chi mà cũng quyết giúp Thủy Thời giấu tiệt chuyện ấy.

Của báu này chớ để lộ ra, vừa tránh có thêm người nào mất mạng, vừa bảo vệ yên bình chốn thôn làng.
Cuối cùng ông Trịnh thấy để thế thật sự không yên tâm nên mới nhận linh chi.

Thủy ca nhi ở một mình đã nguy hiểm lắm rồi, nay còn cất giữ báu vật nữa thì nguy toi.

Trong khi đó, Thủy Thời không biết giá trị của nó nên chẳng nghĩ ngợi nhiều, thấy ông Trịnh nhận quà cậu còn mừng ra mặt.
Chính cậu đang giữ cây bự nhất đây! Sắp tới cậu sẽ được nằm giường sưởi, uống nước linh chi rồi!
Thế là trước khi dắt Bé Ngựa Đen chuyển nhà, Thủy Thời vẫn tíu tít dạy mọi người cách sử dụng linh chi, "Thím sấy khô nó rồi đun nước uống, hoặc mài vụn ra làm bánh ngọt ăn, cái này tốt cho gan, giải độc, mà còn giúp mọi người khỏe mạnh hơn đó ạ!"
Bà Trịnh nghe thế chỉ biết nhận lời một cách đầy gượng gạo, bụng nghĩ vật thần thánh trên Đông Sơn thì ai dám ăn? Thậm chí chưa ăn, mới thái ra thôi bà đã thấy tổn thọ rồi...
Nói chung, cuối cùng Thủy Thời cũng dọn sang nhà mới.

Khi trời sẩm tối, ngồi thu lu trên chiếc giường sưởi ấm áp, Thủy Thời khe khẽ thở phào, tận hưởng sự bình yên và tự do hiện tại.
Nhưng trầm ngâm chốc lát cậu lại đứng bật dậy, lôi hết số trứng chim xinh đẹp bọc trong lông sói ra và giơ từng quả ra trước ánh đèn quan sát.

Thấy không có gì bất thường xong cậu lại xếp chúng ngăn nắp lên đầu giường, vừa xếp vừa nghĩ không biết sau này có nở ra không nhỉ? Đúng lúc Thủy Thời đang phủ trứng thì có tiếng gõ cửa "cốc cốc cốc" vang lên, lại còn gõ rất có nhịp điệu.
Thủy Thời cẩn thận mở mắt mèo trên cửa gỗ, thấy bên ngoài là cái mõm ngựa dúi thẳng giữa mắt mèo.
Kể từ lúc mọi người về hết, Bé Ngựa Đen đã lững thững rảo bước quanh hàng rào cao cỡ một người mấy lần lận, thế rồi với lợi thế chân dài, nó cứ hết nhảy ra xong lại nhảy vào, chơi đến độ phát ngán lên được mà Thủy Thời vẫn chưa mở cửa mời nó vào chung! Nó chỉ còn cách nhượng bộ, vừa dùng vó trước đá cửa vừa nhòm vào phía trong nhà.

========== Truyện vừa hoàn thành ==========
1.

Ta Dựa Nói Ngọt Tung Hoành Hậu Cung
2.

Bình Sinh Hải
3.

Mình Cưới Nhau Đi
4.

Lá Thư Từ Ánh Trăng
=====================================
Thủy Thời dở khóc dở cười, có phải thằng nhãi này không biết bản thân mình là ngựa không đó? Bên ngoài có cỏ có rơm nhưng nó lại cứ phải ngủ chung phòng với Thủy Thời mới chịu.

Cũng đành vậy, Thủy Thời vốn mềm lòng nên dễ dàng mở cửa cho nó.


Bé Ngựa Đen lúc lắc bím đuôi sam, bước đi có vẻ mệt mỏi, nó nằm xuống cạnh giường đất.
Thủy Thời cảm giác hình như tất cả động vật ở Đông Sơn đều rất chi là kiêu căng và cao quý, đơn cử như thằng nhãi Sói Con quấy phá, cô Sóc Mập, hay hiện tại là Bé Ngựa Đen miệng còn hôi sữa cũng làm ra cái vẻ như trời lớn nhất, nó lớn nhì.
Làm cho cậu trông chẳng khác nào con sen phải hầu hạ chủ nhân hàng ngày ấy!
Tuy nhiên khi cuộn tròn trong chăn và hồi tưởng lại những chuyện lặt vặt vừa qua, Thủy Thời lại thấy cảm động và biết ơn bọn chúng.

Nhờ có chúng, một chàng trai trói gà không chặt như cậu mới có thể sống sót giữa núi non đầy rẫy hiểm nguy.
Nghĩ đến đây, hình bóng người kia lại lần nữa hiện lên với bờ vai rộng và thân hình tràn trề sức sống.
Cậu thường thấy nhất là bóng lưng của người ta, chủ yếu là do anh ấy toàn đứng chắn trước mặt để bảo vệ mình.
Cũng có lẽ là bởi anh ấy luôn xoay người rời đi không một lời giã biệt.
Thủy Thời cứ thế chìm dần vào giấc ngủ với nỗi phiền muộn còn chất chứa trong lòng.
Thoáng chốc, chàng trai trên giường đã đắm sâu vào mộng mị.

Ngựa con dưới đất bỗng trằn trọc không yên, cuối cùng nó đứng dậy, cúi đầu, rời khỏi Thủy Thời và lẳng lặng nằm yên ở gian phòng phụ kế đó.
Có tiếng thầm thì bên tai nhưng Thủy Thời nghe không hiểu.

Cậu thấy mình đuổi theo một con sói trắng khổng lồ và phát sáng, cậu chạy mải miết, chạy rất nhanh, nhanh đến nỗi những rặng núi mênh mang và trùng điệp lướt ngang qua tầm mắt; cậu chạy qua không biết bao nhiêu mùa thu đông xuân hạ, chạy cho tới khi dừng chân trước dòng suối nước nóng trong veo.
Cậu không biết đây là mơ, không biết nơi mình đang đứng, cũng không biết tên họ của mình.

Dòng suối trước mắt choán đầy tâm trí cậu, rồi cậu nhảy xuống.
Gặp nước, cậu vùng vẫy theo bản năng nhưng vẫn không tỉnh lại.

Linh hồn của cậu xuyên qua làn nước suối, sa xuống một tòa tháp cao được làm từ ngà voi trắng.

Trong tháp có vô số cô gái, chàng trai vóc dáng cao to.

Bọn họ khi thì tay nắm tay chạy băng băng qua núi, khi thì ngửa mặt nhìn trăng và cất tiếng tru dài.
Càng lên cao, người càng ít, cậu cứ leo mãi cho tới lúc xung quanh chỉ còn từng tốp sói trắng đứng canh phòng.

Thủy Thời cứ chạy, như lạc vào vùng đất trống, chạy thẳng tới nơi cao nhất, tới cái mỏm trên cùng!
Không còn trần tháp, cậu nhìn được màu trời.

Cậu thấy vầng trăng khổng lồ treo giữa trời đêm, vầng trăng như thể ở sát gần đỉnh tháp, gần đến độ có thể quan sát những hố đen lấm tấm trên trăng.
Thủy Thời vô thức bước đi thêm, nhưng chợt thấy có bóng người cao lớn đứng phía cuối khoảng sân trời, người ấy thấy mình rồi, người ấy bỗng xoay người chạy lại!
Trong quá trình di chuyển về phía Thủy Thời, người nọ dần dần biến thân, hai tay hóa thành chân thú, mặt người cũng đổi thành mặt thú, gân cốt nhô ra khiến áo quần rách toạc, trông như một con thú khổng lồ thời cổ đại.
Thủy Thời đâm hoảng, cái gáy nhói đau.

Ngay lúc cậu dợm bước bỏ chạy thì đáy lòng không yên lại thôi thúc cậu quay đầu nhìn lại.
Để rồi thấy phía sau lưng, dưới vầng trăng vĩ đại, cặp mắt vàng đang nhìn cậu chằm chằm đầy dọa dẫm....

Bình Luận (0)
Comment