Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 195: Trường Hận Ca
Nữ du khách được hỏi cũng thật thà trả lời
“Được thì được thôi nhưng chúng tôi đều có tai nghe. Cho cô đi cùng mà không nghe được gì thì cũng như không. À hay là cô đi lên trên gần người hướng dẫn đi, dù không đeo tai nghe thì ít nhiều chắc cũng nghe được một tí.”
Đường Tư Kỳ nói cám ơn rồi liền đi theo đoàn này, tuy chỉ nghe được đứt quãng, nhưng méo mó có còn hơn không.
Ban nãy rõ ràng cô đã quan sát rất cẩn thận thế mà không phát hiện ra ba hàng đầu binh lính không mặc áo giáp, từ hàng thứ tư trở đi mới mặc giáp đeo khiên. Nghe anh hướng dẫn thuyết minh mới biết thì ra ba hàng đầu là lính tiên phong, cũng chính là quân tốt thí.
Ôi, tội nghiệp thật.
Không biết hơn hai ngàn năm trước, những binh lính tiền tuyến sẽ có cảm nghĩ gì khi biết xung trận là cầm chắc cái chết nhỉ?!
Rời khỏi hầm mộ thứ nhất, tiến sang hầm mộ thứ hai, Đường Tư Kỳ còn choáng váng và ngỡ ngàng gấp bội. Đây là hầm mộ lớn nhất trong quần thể bốn hầm mộ đã được khai quật, với diện tích lên tới hơn mười chín ngàn mét vuông, trong đó chứa khoảng một ngàn bốn trăm pho tượng kỵ binh, bộ binh và chiến xa.
Chiến xa Tần triều có thiết kế cửa sổ dưới dạng hình thoi độc đáo, đảm bảo bên ngoài không nhìn vào được nhưng bên trong lại có thể nhìn ra rất rõ, đồng thời khi mở cửa giúp thông gió mát mẻ cho mùa hè và khi đóng lại thì giữ nhiệt, ấm áp cho mùa đông.
Trong đó cỗ xe ngựa tứ mã có ô che được giới thiệu là báu vật trấn thủ của toàn thể khu bảo tàng trưng bày tượng binh mã Tần Thuỷ Hoàng.
Phần ô che có tán xoè rộng dùng để che mưa chắn nắng, nhưng điều đáng nói nằm ở phần cán ô bằng đồng được chế tạo bằng kỹ thuật luyện kim tối cao thời Tần Hán, có khớp khoá điều chỉnh cao thấp. Rất khó để tin một thiết kế hiện đại như vậy lại là văn vật chôn dưới lòng đất từ hơn hai ngàn năm trước.
Mà không chỉ một, tổng cộng có cả thảy 618 cỗ lận. Nhưng như vậy đã là gì, anh hướng dẫn viên còn thông tin thêm, địa cung dưới lòng đất của Tần Thuỷ Hoàng có diện tích gấp 70 lần Tử Cấm Thành với vô vàn châu báu ngọc ngà, nhiều tác phẩm thủ công quý giá, mô hình vũ trụ khảm ngọc và trên nóc mộ phủ kín trân châu lấp lánh biểu tượng cho những ngôi sao và các hành tinh.
Kinh khủng thật! Đường Tư Kỳ không nhịn được chợt nghĩ, nếu một ngày có thể bước vào tham quan lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng thì chắc là tuyệt lắm!
Cả đoàn tiếp tục di chuyển vào phía trong là phòng phục chế các tượng binh mã bị hư hại. Nghe nó mỗi bức tượng cần ít nhất nửa năm để sửa chữa và phục chế.
Vừa được nhìn tận mắt, vừa được nghe tận tai thuyết minh chi tiết, Đường Tư Kỳ cảm thấy buổi tham quan ngày hôm nay rất có thu hoạch, thế nên mặc dù không có tai nghe thì cô cũng vui lòng chia chi phí bằng với tất cả các thành viên trong đoàn.
Tất nhiên bên cạnh những nhận xét tích cực thì vẫn có những ý kiến trái chiều, nhiều người không mấy hứng thú, cho rằng khu triển lãm này chẳng có gì hay ho ngoài đống bùn đất bụi bẩn, cũ kỹ. Song Đường Tư Kỳ vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Đúng là không có đền đài nguy nga tráng lệ, cũng chẳng có phong cảnh non nước hữu tình, nhưng Đội quân đất nung đẹp theo cách riêng của nó, đủ sức khiến nhân loại phải ồ oà thán phục. Đã đến Tây An thì nên một lần ghé thăm Tượng binh mã Tần Thủy Hoàng, để biết vì sao nó được vinh dự xếp vào danh sách kỳ quan thứ tám của thế giới.
Tạm biệt Đội quân đất nung, Đường Tư Kỳ tiếp tục leo lên con buýt số năm tiến tới một địa danh nổi tiếng khác, đó là núi Lệ Sơn.
Nằm ở phía tây bắc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, núi Lệ Sơn là một phần của dãy núi Tần Lĩnh, có độ cao 1302m so với mực nước biển. Nó là một trong những địa điểm phong cảnh của bình nguyên Quan Trung. Vì cảnh quan xanh mát, đẹp tựa cẩm tú và mỗi khi mặt trời lặn cả ngọn núi được phản chiếu trong ánh hoàng hôn vàng rực, chính vì thế mà nó còn có tên gọi khác là “Tú Lĩnh” hay danh phong “Lệ Sơn vãn chiếu”.
Không biết có phải là do cảnh sắc quá tú mỹ mà rất nhiều bậc đế vương đã tới nơi này du ngoạn rồi viết nên những điển tích lưu danh sử sách.
Một trong số đó phải nhắc tới tích “Phóng hoả hí chư hầu” của vua Chu U Vương vì đổi lấy một nụ cười của Bao Tự mà khiến cả nhà Chu diệt vong.
Hay thiên tình sử giữa Đường Huyền Tông và Dương Ngọc Hoàn, cùng lời thề nguyện “trên trời nguyện làm chim liền cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành” trong đêm thất tịch tại điện Trường Sinh đã được Bạch Cư Dị đưa vào thơ ca lưu truyền tới muôn đời sau.
Hoặc ngay cả lão phật gia Từ Hi cũng yêu mến cảnh sắc và khí hậu ôn hoà mà thường chọn Lệ Sơn để nghỉ ngơi, du lãm.
Và thật thiếu sót khi không nhắc đến vị vua đầu tiên thống nhất Trung Hoa - Tần Thuỷ Hoàng, cũng đã chọn Lệ Sơn làm nơi dừng chân cuối cùng của cuộc đời mình.
Sau khi tiến vào bên trong, Đường Tư Kỳ mới biết thì ra Sự biến Tây An (1) từng gây chấn động thế giới đương thời cũng diễn ra tại Lệ Sơn.
Lên núi được một đoạn thì cô lại nhìn thấy chuyện lạ. Rất đông người đang xếp hàng trước một hòn non bộ và lần lượt lách mình chui vào trong khe hở.
Đường Tư Kỳ rất lấy làm hiếu kỳ bèn tiến lại gần xem xét. Ồ, thì ra là nơi trú ẩn năm đó của Tưởng Giới Thạch và cách đó chỉ vài bước chân chính là Binh Gián Đình, khu vực được xây dựng năm 1946 nhằm kỷ niệm vị trí chính xác Tưởng bị bắt giữ trong Sự biến Tây An 1936.
Nghe nói từ đây leo thẳng một đường là tới phong hoả đài (2) trên đỉnh núi. Tuy nhiên trên mạng đưa thông tin phải leo bốn tiếng đồng hộ lận thế nên Đường Tư Kỳ quyết định từ bỏ. Thời gian còn lại không nhiều, cô nhanh chóng di chuyển sang Hoa Thanh Trì.
Đáng tiếc ấn tượng về Đội quân đất nung quá mạnh mẽ thành thử ra đứng trước Hoa Thanh Trì cô cảm thấy tương đối bình thường, không có gì thu hút. Cô chỉ đi loanh quanh tham quan một chút cho biết rồi tiến vào quảng trường sân khấu đợi tới giờ biểu diễn “Trường Hận Ca” (3).
Rất may, hệ thống bố trí cho Đường Tư Kỳ chỗ ngồi tuyệt đẹp, ngay hàng đầu, chính giữa khán đài, tha hồ ung dung thưởng thức nghệ thuật.
Lúc đầu, Đường Tư Kỳ cũng không chờ mong gì lắm, chỉ nghĩ đơn giản là xem lại câu chuyện xưa của Dương Quý Phi cùng Đường Minh Hoàng như rất nhiều các vở kinh kịch cổ điển khác thôi. Nhưng không, cô đã lầm rồi, vở kịch được đầu tư công phu từ nội dung, phục trang, vũ đạo cho tới âm thanh, ánh sáng. Lấy núi Lệ Sơn làm bối cảnh, hồ Cửu Long làm sân khấu, dùng cung điện, đền đài, hành lang, mặt hồ, liễu rủ làm điểm nhất trang trí, kết hợp với các hiệu ứng sân khấu hiện đại để tạo ra khung cảnh hết sức sống động và choáng ngợp. Kể cả hôm nay có phải bỏ tiền ra mua vé thì cô cũng cảm thấy hoàn toàn xứng đáng.
===
Chú thích:
(1)Sự biến Tây An là cuộc binh biến bắt giữ Tưởng Giới Thạch do Trương học Lương và Dương Hồ Thành thực hiện, nhằm gây áp lực buộc Tưởng hợp tác với Đảng cộng sản chống Đế quốc Nhật Bản vào ngày 12 tháng 12 năm 1936, khi Tưởng đến Tây An.
(2)Phong hỏa đài: Vào thời Trung Quốc cổ đại, đây là một công trình quan trọng trong hệ thống phòng thủ, dùng khói lửa để truyền báo thông tin tình hình quân địch. Phong hỏa đài thường được xây dựng ở những nơi hiểm yếu hoặc tuyến đường giao thông quan trọng, nó được dùng để đề phòng sự xâm lược của kẻ thù. Vào ban ngày nếu có thông tin về quân địch thì quân lính lập tức đốt phân của chó sói, khói của nó sẽ bay thẳng lên và ngưng tụ ở trên cao mà không tản đi mất, do đó được gọi là khói sói. Ban đêm nếu phát hiện tình hình của quân địch thì người ta đốt lửa cảnh báo, binh lính trên các đài kế tiếp lần lượt đốt lửa theo, hết đài này đến đài khác, tin tức về quân địch nhờ thế được nhanh chóng truyền đi hàng trăm dặm, để các nơi khác gấp rút đưa quân tiếp viện hoặc chuẩn bị phòng ngự.
(3)Trường Hận Ca là vở ca vũ kịch thực cảnh cổ trang quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc do tập đoàn du lịch Thiểm Tây sáng tạo và ra mắt lần đầu vào ngày 9 tháng 3 năm 2006.
Tính đến nay, đã có hơn 2500 buổi biểu diễn, thu hút hơn 3,5 triệu khán giả.
Vở kịch dựa trên bài thơ nổi tiếng “Trường Hận Ca” của Bạch Cư Dị, kể về chuyện tình yêu giữa Đường Huyền Tông và Dương Ngọc Hoàn tại Hoa Thanh Cung hơn 1300 năm trước.