Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 261: Đế Hậu quy hồi Long Môn
Trời xanh không phụ người có lòng, cuối cùng Đường Tư Kỳ cũng tìm được rồi. Thì ra “Đế Hậu lễ Phật đồ” không chỉ có một mà tận hai bức. Và bức thứ hai đó vẫn còn ở trong nước, hiện đang được bảo tồn toàn vẹn tại đền Thạch Quất, thành phố Củng Nghĩa, tỉnh Hà Nam.
Đã tìm được nguyên mẫu hoàn chỉnh, giờ Đường Tư Kỳ có thể bắt tay vào sáng tác rồi.
Có lẽ xuất phát từ cái duyên nên Đường Tư Kỳ đặc biệt thương cảm cho cảnh ngộ của bức phù điêu. Tận sâu trong thâm tâm, cô thật lòng mong nó có thể một lần trở về quê hương, về với Lạc Dương yêu dấu.
Đêm hôm ấy, Đường Tư Kỳ dựa vào những bức ảnh chụp trên mạng, tiến hành phác thảo những nét vẽ đầu tiên.
Cô miệt mài làm đến khuya, tới lúc hai mắt díp lại không chống đỡ nổi nữa mới chịu lên giường đi ngủ.
Đêm nay, cô mơ một giấc mơ kỳ lạ…
Trong mơ, cô xuyên vào bức hoạ, trở thành một tiểu cung nữ, tóc búi sau gáy, trâm cài đơn giản thuộc hàng sơ cung.
Phía trước là Hoàng Thượng cùng Hoàng Hậu cao quý, uy nghiêm, tuy thuộc tộc Tiên Ti (1) nhưng đều mặc Hán phục.
Sau khi tỉnh giấc, Đường Tư Kỳ tức khắc huỷ bỏ bản phác thảo đã dày công vẽ suốt đêm qua. Mượn giấc mơ làm cảm hứng, cô không ngại một lần nữa vẽ lại từ đầu.
Vốn dĩ Đường Tư kỳ chỉ định vẽ một bức nhưng nhất thời cô lại muốn thực hiện thêm nhiều bức, tốt hơn hết là làm thành cả một bộ luôn.
Nhưng trước nhất, vì quá nóng lòng muốn thông báo tới đông đảo người hâm mộ nên cô đã lên diễn đàn lập topic mới
[ Ngàn năm Lạc Dương, Đế Hậu quy hồi Long Môn. ]
Một tiêu đề để ngỏ, chưa có nội dung cũng chẳng có tác phẩm ấy vậy mà đã khiến dân tình sục sôi
“Aaaaa, Tiểu Kỳ comeback!”
“Ồ, hôm nay mình tới sớm, lót dép hóng-inggggg…”
“Ôi nội dung chưa mở mà tôi đã có mặt rồi. Nếu đi học mà cũng hăng hái như này chắc ba mẹ mừng lắm ha :)))”
“Từ Từ, ‘Ngàn năm Lạc Dương’ thì tôi có thể hiểu, nhưng ‘Đế Hậu quy hồi Long Môn’ là ý gì?”
“Nhìn chữ luận nghĩa, Đế Hậu tức là Hoàng Đế và Hoàng Hậu? Tôi vừa lên mạng tra cứu thì tượng Đại Phật Lư Xá Na lớn nhất Long Môn là do Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên xây dựng. Chẳng lẽ là tín vật định tình chăng? Chậc chậc, ghê nha ghê nha.”
“Cho nên chủ đề của bộ tranh tiếp theo đây sẽ xoay quanh tình yêu của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên?”
“Ồ, thâm cung bí sử chắc có lắm cái hay ho đây…”
“Tôi thì lại thấy không phải. Muốn tìm kiếm thâm cung bí sử việc gì phải tới tận hang đá Long Môn. Với cả mọi người hãy tập trung vào từ khoá kia kìa “quy hồi Long Môn” là gì? Không ai thắc mắc à?”
Tác phẩm vẫn đang dang dở thế mà topic đã được đẩy lên top đầu rồi.
Đường Tư Kỳ nhanh chóng hoàn thiện bức thứ nhất. Một cô cung nữ đáng yêu trong bộ Hán phục cung đình màu cánh sen, tóc búi cao, cài trang sức bạc đơn giản, đang đứng lấp ló phía sau hang động, thò cái đầu nhỏ ra, biểu cảm rụt rè, vừa có chút ngượng ngùng lại như thấp thỏm chờ đợi điều gì đó. Ánh mắt long lanh, cặp má ửng đỏ khiến ai nhìn vào cũng phải mềm lòng yêu thích.
Để nối mạch cảm xúc, Đường Tư Kỳ vẽ liền bức thứ hai. Là cảnh một vị cô cô đang nghiêm khắc giáo huấn ba cung nữ phạm lỗi. Bối cảnh xung quanh dĩ nhiên cũng vẫn là hang đá Long Môn.
Vẽ xong, Đường Tư Kỳ đăng cùng lúc hai bức lên diễn đàn.
Có tranh rồi, cuộc bàn luận lại càng sôi nổi gấp bội
“Haha, cô cung nữ ở bức đầu nhìn đáng yêu thế. Nhưng qua cách ăn mặc và kiểu tóc, hình như không thời Đường thì phải?”
“Tuy rằng chưa hiểu dụng ý của tác giả nhưng ngoi lên chỉ muốn nói một câu: vẫn đẹp như xưa a~~”
“Tui hiểu tui hiểu nè, ba tiểu cung nữ ở bức thứ hai đang bị mắng, haha”
“Chủ đề là Đế Hậu quy hồi Long Môn, thế Đế Hậu đâu?”
“Oa, lấy hang đá Long Môn làm chủ đề để sáng tác tranh cung đình sao? Chủ thớt sáng tạo thật. Không uổng mình theo bạn bao lâu nay. Cố lên nhé chủ thớt, mãi iu, moahh moahhh…”
“Chủ thớt ơi đừng vẽ nữa, ra đây nói cho mọi người biết rốt cuộc chủ đề lần này là gì được không? Cứ cái đà này tụi mình sắp gãy cổ đến nơi rồi.”
Và thể theo yêu cầu Đường Tư Kỳ cũng ngoi lên, nhưng không giải thích bằng câu chữ mà bằng một bức hoạ.
Bức thứ ba vừa đăng tải, gần như tất cả mọi người đều bị chấn động toàn tập.
Vốn dĩ ban đầu Đường Tư Kỳ không hề có kế hoạch dựng một bức phức tạp như vậy. Thay vào đó là mấy bức đơn giản, ghép lại thành một bộ tranh với ngụ ý “Đế Hậu lễ Phật đồ” quay về động Tân Dương.
Nhưng trong lúc cấu tứ ý tưởng, Đường Tư Kỳ lại cảm thấy với chủ đều Đế hậu quy hồi Long Môn thì phải có một cảnh tượng thật hoành tráng và rầm rộ mới phải, thế là bức thứ ba, bức Phúc trường đồ phức tạp nhất, đồ sộ nhất cứ thế ra đời theo trí tưởng tượng phong phú của Đường Tư Kỳ.
Đoàn người rầm rộ tiến vào quần thể hang đá Long Môn. Đi đầu là Hoàng Đế cùng Hoàng Hậu, phía sau hai hàng cung nữ thái giám dài tăm tắp.
Đế Hậu thành kính cầu nguyện, vì giang sơn xã tắc, vì bá tánh muôn dân, vì năm sau mưa thuận gió hoà, ấm no hạnh phúc.
Hoàng Đế hướng mắt lên Đại Phật Lư Xá Na, miệng lẩm bẩm cầu nguyện, biểu tình thành kính mà nghiêm túc. Hoàng Hậu đứng bên, nghiêng đầu nhìn đế vương, ánh mắt sùng bái nhu hoà.
Hai thái giám đứng hai bên tả hữu cẩn thận cầm lọng che nắng cho Đế Hậu. Tiếp theo là dàn cung nữ tay bưng cống phẩm dâng Phật gồm bánh oản, đồ chay và hoa sen thơm.
Dưới nữa là hai hàng cung nữ cùng thái giám cũng an tĩnh cúi đầu nghiêm trang. Tuy nhiên trong hàng không tránh khỏi vài cô cung nữ vì tò mò nên trộm liếc mắt thưởng thức cảnh sắc xung quanh. Có người không nhịn được, còn ngoái hẳn đầu ra sau, tham luyến ngắm nhìn. Thậm chí có vài cô rướn người về cuối hàng bụm miệng cười hí hí.
Thì ra là ba cô cung nữ bị mắng ở bức thứ hai cũng đã xếp vào hàng rồi nhưng vẫn còn uỷ khuất lau nước mắt.
Và cuối cùng không thể thiếu cô cung nữ mặc váy hồng xuất hiện ở bức đầu. Cô ấy cũng đã ra tới, thừa dịp mọi người không chú ý, lẻn vào cuối hàng. Nhìn dáng vẻ đích thị vừa rồi lén đi xem tượng Phật đây mà.
Đội quân triều đình khí thế hùng hậu, quanh cảnh Long Môn kỳ vĩ diễm lệ.
Bức tranh này quả thực đã chiếm của Đường Tư Kỳ rất nhiều thời gian, tâm huyết, trí não cùng sức lực. Bởi thế cho nên nó thành công khiến mọi người phải nghiêng mình chấn kinh cũng là điều dễ hiểu thôi.
===
Chú thích:
(1)Tiên Ti (tiếng Trung: 鮮卑, bính âm: Xianbei) là một dân tộc du mục ở phía bắc Trung Quốc, hậu duệ của người Sơn Nhung. Người Sơn Nhung bị liên quân Tề Yên tiêu diệt vào năm 660 TCN buộc họ chạy lên vùng đông bắc và bị đồng hóa thành người Đông Hồ.