Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 295: Tư Mẫu Mậu Đỉnh
“Tư Mẫu Mậu Đỉnh được khai quật vào năm 1939, ngay giữa lúc chiến tranh chống Nhật. Chiếc đỉnh là do một người nông dân tên Ngô Bồi Văn sống tại thôn Ngô gia, An Dương, Hà Nam vô tình đào được. Lúc mới khai quật lên khỏi mặt đất, kỳ thật chiếc đỉnh chỉ có một bên quai.”
Vừa nghe thấy thế, mọi người lập tức sôi nổi bàn tán. Lúc mới khai quật chỉ có một bên quai mà giờ lại đủ cả hai, vậy là ở giữa đã xảy ra chuyện gì?
“Ban đầu, Ngô Bồi Văn cùng các anh em khiêng chiếc đỉnh đặt ngay trước sân nhà mình. Tuy nhiên không có bức tường nào không lọt gió, chẳng bao lâu quân Nhật đã hay tin tràn vào thôn lục soát hòng chiếm đoạt. Mấy anh em nhà họ Ngô sợ báu vật bị quân Nhật cướp đi nên đã đem Tư Mẫu Mậu Đỉnh chôn lại xuống đất. Sau đó, quân Nhật có quay lại mấy lần nhưng không tài nào tìm được tăm hơi chiếc đỉnh quý.”
Câu chuyện xưa cách xa gần trăm năm nhưng vẫn khiến người nghe phải thót tim sợ hãi.
Chiếc đỉnh cao tận 1.33m, dài 1.1m, rộng 0.79m và nặng 875kg, có phải bé tẹo như con kiến cái kim đâu mà nói giấu là giấu. Ấy vậy mà bằng sự mưu trí và dũng cảm của người dân, chiếc đỉnh khổng lồ đã vô thanh vô tức tàng hình ngay trước mũi người Nhật. Quả là quá nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy một chút là hậu quả khôn lường.
“Lúc bấy giờ cũng có người ra giá hai trăm ngàn đại dương để mua chiếc đỉnh. Nhưng yêu cầu phải chia chiếc đỉnh thành những phần nhỏ để tiện bề di chuyển. Người dân thôn Ngô gia cũng thử chia nhưng làm đủ cách chỉ có thể tách được một bên quai đỉnh. Nhận thấy đây rất có thể là bảo vật quốc gia, không thể tuỳ tiện phá hoại nên mọi người thống nhất lại chôn xuống đất chờ thời cơ. Tuy nhiên quân Nhật liên tục tới thôn quấy nhiễu, Ngô Bồi Văn cảm thấy cứ bị động đối phó thế này cũng không phải là cách hay, giấu được một ngày hai ngày đâu thể giấu được mãi, vạn nhất đâu…Cuối cùng, ông ấy tự mình bỏ tiền túi mua một cái đỉnh bằng đồng thau, dùng kế trộm long tráo phụng để lừa gạt quân Nhật. Phải như vậy, quân Nhật mới chịu buông tha cho thôn Ngô Gia và Tư Mẫu Mậu Đỉnh mới được an toàn. Sau khi giải phóng, Ngô Bồi Văn đào chiếc đỉnh lên và quyên tặng cho quốc gia.”
“Ôi má ơi, nghe kể mà nín thở luôn!”
“Công nhận nguy hiểm thật!”
“Ngô lão tiên sinh quá thông minh, nghĩ ra kế mua đồ giả để qua mặt quân địch.”
“Lỡ như năm đó Tư Mẫu Mậu Đỉnh bị người Nhật cướp đi thì có lẽ hiện giờ nó đang nằm ở viện bảo tàng quốc gia Nhật Bản hoặc một bảo tàng tư nhân nào đó rồi, đám con cháu hậu bối chúng ta chẳng có cơ hội mà chiêm ngưỡng!”
“Mẹ cái bọn Nhật Bản đáng chết!”
“Mà cũng phải khen Ngô lão tiên sinh không chỉ mưu trí mà còn dũng cảm hơn người. Nếu quả đấy mà bị bọn Nhật phát hiện thì khẳng định cả Ngô gia không giữ được tính mạng.”
“Nhưng mà cuối cùng ai là người đã gắn lại chiếc quai vào đỉnh?”
Đề tài một lần nữa quay lại, tiếng nghị luận tiếp tục sôi trào. Phải đến khi thuyết minh viên lên tiếng mọi người mới chịu yên lặng lắng nghe
“Việc ấy diễn ra vào thập niên 80, sau khi nhà nước tiếp quản, các chuyên gia khảo cổ tiến hành sửa chữa, phục dựng lại bên quai bị gãy thế nên chúng ta mới được chiêm ngưỡng hình dạng nguyên vẹn của Tư Mẫu Mậu Đỉnh.”
Nghe hết câu chuyện, Đường Tư Kỳ tự nhiên xúc động muốn rơi lệ. Khi xưa nếu không có những anh hùng áo vải xả thân bảo vệ thì không biết bây giờ bảo vật quốc gia đã rơi rụng nơi nào.
Rồi thì chiến tranh loạn lạc, biến cố lịch sử, thảm hoạ thiên nhiên, muốn giữ gìn một vật có tuổi thọ bằng mấy mươi đời người thực sự là một việc không tưởng!
Quá xúc động, Đường Tư Kỳ rất muốn tìm hiểu thêm về nguồn gốc xuất xứ của chiếc đỉnh đã kiên cường vượt qua bao gian truân và nạn kiếp. Đang tra tới đoạn “Từ Mẫu Mậu Phương Đỉnh là do đế vương Văn Đỉnh (thời nhà Thương) cho thợ đúc để thờ cúng mẫu vương mẹ của mình…” thì mọi người trong khán phòng bỗng dưng ồ lên.
Hoá ra bảo vật tiếp theo đã xuất hiện trên màn hình cùng dòng chữ “Tứ Dương Phương Tôn”.
Cái này cũng không mấy xa lạ với mọi người, ngay cả đứa học sinh tiểu học không biết gì tới giá trị lịch sử thì cũng làu làu thuộc tên quen mặt bởi nó được in ngay ngắn ngay trong sách giáo khoa mà.
Hơn nữa, Tứ Dương Phương Tôn còn vinh dự đứng hàng thứ ba trong mười bảo vật vô giá của lịch sử Trung Quốc. Có muốn không biết e rằng cũng khó đấy!
Nghe nói Tứ Dương Phương Tôn cũng trải qua nhiều phong ba bão táp li kỳ lắm. Khói lửa chiến tranh, mưa bom bão đạn, bị nổ tung vỡ vụn, bị thất lạc mất tích, trôi nổi chân trời góc bể. Mãi đến khi đất nước thanh bình, Tứ Dương Phương Tôn mới được chính phủ quy về một mối. Nhưng khi tiến hành trùng tu lại phát hiện vẫn thiếu một mảnh nhỏ. Mất rất nhiều thời gian và công sức tựa hồ như mò kim đáy bể, mãi lâu sau mới kiếm được người đầu tiên khai quật Tứ Dương Phương Tôn. Hoá ra người này đã cố tình giữ lại một mảnh nhỏ để làm kỷ niệm.
Mặc dù khó khăn vất vả, cuối cùng Tứ Dương Phương Tôn đã được trả về hình dáng ban đầu là một chiếc chén uống rượu có bốn con dê ở quanh thân. Hiện nó được công nhận là chén uống rượu bằng đồng nặng nhất và lớn nhất thế giới.
Sự choáng ngợp về văn minh đồ đồng thời Thương Chu Xuân Thu chưa qua thì sự tinh xảo duy mĩ của tượng gốm thời Đông Hán đã ập đến.
Bức tượng người đàn ông vừa hát vừa đánh trống được khai quật tại ngoại ô Thành Đô, Tứ Xuyên cũng từng xuất hiện trong sách giáo khoa.
Điểm nổi bật của bức tượng là thần thái của người đàn ông rất vui vẻ, cười tươi đến nỗi các nếp nhăn trên mặt hiện rõ. Tay phải giơ cao chiếc dùi, nách trái kẹp một chiếc trống cơm, cảm tưởng chỉ một giây sau dùi gỗ sẽ gặp mặt trống phát ra âm thanh tươi vui, rộn rã.
Người đàn ông biểu tình khôi hài, động tác hóm hỉnh, quơ chân múa tay khiến người ta nhìn vào không khỏi vô thức bật cười. Rõ ràng chỉ là một tượng gốm vô tri, ấy vậy lại có thể lan toả nét vui tươi tích cực đến với mọi người. Quả thật tài tình!