Chu Du Cùng Hệ Thống (Dịch Full)

Chương 307 - Chương 307 - Vườn Bách Thú Bắc Kinh

Chu Du Cùng Hệ Thống Chương 307 - Vườn bách thú Bắc Kinh

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 307: Vườn bách thú Bắc Kinh

Vào bên trong quán, nhìn cái quầy hàng là Đường Tư Kỳ tụt cả cảm xúc hết muốn ăn.

Cái gì đây trời, món nào món nấy đen thui thùi lùi, nhìn gớm muốn chết, ngon lành chỗ nào?

Nhưng mà tới cũng đã tới rồi, thôi thì nể tình cô em với lại nhập gia tuỳ tục đành phải nhắm mắt gọi đại hai món bánh mì cuộn đường với bánh đậu đỏ nghiền áp lò. Chứ tội nghiệp con bé giới thiệu gãy lưới mà các chị không ủng hộ thì cùng kỳ.

Nhưng lúc đồ ăn bưng lên, Đường Tư Kỳ mới tá hoả phát hiện cái món bánh mì cuộn đường mà cô gọi chính là mấy cục tròn tròn xoắn xoắn đen đen bị cô kỳ thị ngay từ khi bước vào. Nhưng nhìn ở khoảng cách gần thì xem ra chúng cũng không đen đến thế, chính xác hơn là màu nâu đậm.

Lòng đầy hồ nghi cùng ái ngại, Đường Tư Kỳ run run đưa lên miệng cắn một miếng.

Ồ, tưởng không ngon mà ngon không tưởng nha. Hương vị đường đỏ hoà quyện cùng sốt vừng nhanh chóng lấp đầy khoang miệng Đường Tư Kỳ. Bánh có nhiều lớp, mỗi lớp đều được phết đẫm nhân. Cắn miếng nào là vị ngọt tràn ra, bao trọn vị giác từ đầu lưỡi xuống cuống họng.

Nhìn nhỏ nhỏ vậy thôi mà cuộn nào cuộn nấy rất chắc tay, nuốt hết một cái là cũng tiêu thụ kha khá calories chứ đùa.

Trương Thiên Ý ngồi bên cạnh cũng đang say mê gặm một cuộn, vừa nhồm nhoàm nhai vừa hỏi: “bánh này bao tiền một cái vậy?”

Em gái mũm mĩm nhìn thoáng qua thực đơn rồi đáp dõng dạc: “Hai đồng rưỡi một cái.”

“Rẻ vậy? Mà cũng lạ miệng nữa, hay chúng mình gói mấy cái đem về tối đói ăn.”

“Thôi đừng, bánh này bảo quản khó với lại để lạnh mất ngon.”

Đường Tư Kỳ không nói gì, âm thầm chấm cho nó 9 điểm. Bị trừ 1 điểm vì ngọt quá, khé cả cổ, mấy miếng cuối cô phải tu nước ừng ực mới cố nuốt được hết.

Món tiếp theo là bánh đậu đỏ nghiền áp lò. Ban đầu gọi là vì tò mò cái tên, Đường Tư Kỳ không hiểu áp lò là ý gì nên gọi thử. Nhờ vậy mà biết thêm kiến thức mới, thì ra nó cũng giống như bánh nướng thông thường nhưng người dân Bắc Kinh thêm chứ “áp lò” phía sau để phân biệt bánh không nhân và bánh có nhân.

Cầm chiếc bánh bé con con, nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay nhưng nặng trịch, Đường Tư Kỳ cứ ngỡ nặng ở phần bột bánh nhưng không, vỏ bánh như một lớp áo mỏng tang ôm lấy cục nhân béo múp. Cho vào miệng cảm tưởng như chỉ ăn toàn nhân. Điểm đặc biệt là phần đậu đỏ không hoàn toàn nhuyễn mịn thành bột mà lẫn trong đó có cả đậu nguyên hạt, khi nhai tạo cảm giác rất thú vị.

Đậu đỏ đậm mùi nhưng không ngọt gắt, riêng điểm này là hơn đứt món bánh mì cuộn đường trước đó, Đường Tư Kỳ xông xênh cho hẳn điểm 10 tuyệt đối.

Mới vài cái bánh con con mà Đường Tư Kỳ đã cảm thấy lưng lửng rồi song khổ nỗi cô em Trương Thiên Ý bị cái tật đói con mắt gọi rõ nhiều mà ăn không hết, cuối cùng đành đẩy đĩa oản đậu hoàng sang cầu cứu Đường Tư Kỳ: “Chị nếm thử cái này đi, ăn giúp em với, em mua nhiều quá, ăn không hết.”

Đường Tư Kỳ nhón thử một khối vuông vức to bằng đầu ngón tay, màu vàng nhạt tinh tế.

Hương vị khá giống bánh đậu xanh, ngọt thanh, mềm bở, đưa vào miệng là tan ngay và lưu lại cảm giác hơi sàn sạn nơi đầu lưỡi.

Ngon thì có ngon thật nhưng nãy giờ toàn nạp món ngọt khiến bụng và cổ họng Đường Tư Kỳ có chút không thoải mái.

“Uhm…cũng được đấy, nhưng thực sự chị ăn hết nổi rồi, mấy đứa ăn đi.”

Trương Thiên Ý gần như chúi đầu xuống bàn, vừa nhai vừa mếu: “Huhu, sao em lại gọi lắm thế này…ê cái món mì bò này ngon phết, mọi người ăn chung đi…ăn giúp em, không em bể bụng mất!”

Thế là bốn chị em chung vai gánh sức, chật vật mãi mới xử xong bàn đồ ăn vặt.

No bụng rồi, giờ đi chơi thôi. Cả đám khoác tay nhau thẳng tiến Vườn bách thú Bắc Kinh nằm chênh chếch ngay phía đối diện.

Vé vào cổng rẻ tới ngỡ ngàng, mấy chị em nhanh nhanh chóng chóng quét mã rồi ùa vào trong. Tuy nhiên bốn người theo đuổi bốn mục tiêu khác nhau, người muốn đi công viên hải dương, người lại nằng nặc đòi tới khu gấu trúc thăm Tam thái tử Manh Lan, ảnh hậu Bắc động Manh Manh và đặc biệt là trưởng công chúa Ya Ya.

Chỉ có Đường Tư Kỳ là tương đối bình thản. Bởi trước đó cô đã từng tới Vườn bách thú Hồng Sơn ở Nam Kinh thế nên cũng không mấy hiếm lạ. Cô định đi dạo loanh quanh, chủ yếu là tìm kiếm tư liệu và cảm hứng sáng tác.

Vì thế cả nhóm quyết định tách ra hoạt động riêng và hẹn ba tiếng đồng hồ sau tập hợp tại Sư Hổ Sơn.

Do kỹ năng xác định phương hướng rất í ẹ nên Trương Thiên Ý quyết định đi cùng Đường Tư Kỳ cho chắc, đỡ mất công lát nữa mọi người phải đi tìm mình.

“Chị, mình đi bên này đi, em cảm giác linh khí hướng này tốt”, Trương Thiên Ý tỏ ra khá sốt sắng.

Đường Tư Kỳ phì cười: “Ừ, đi thôi.”

Càng đi vào sâu bên trong Đường Tư Kỳ càng phát hiện kiến trúc nơi này không giống phần đông các vườn bách thú khác.

Đang mải miết ngắm nhìn vườn chim, chuồng khỉ vàng, hươu nai, thì không hiểu bất tri bất giác thế nào lại đi tới trước một toà kiến trúc mang đậm phong cách Pháp cổ.

“Ủa, chỗ này còn nằm trong khuôn viên vườn bách thú không?” Đường Tư Kỳ khá hoài nghi hai chị em đã đi nhầm đường.

“Chắc là không nhầm đâu, vẫn chưa ra khỏi khu linh dương mà. Chị nhìn kìa, bên kia mới là cổng tây, chị em mình vẫn chưa ra ngoài, chị yên tâm.”

Đường Tư Kỳ tiến lại gần toà nhà cổ, lẩm nhẩm đọc bảng tên treo ngay ngắn ngay chính diện: “Trường Quan Lâu”.

“Ở đây có bảng giới thiệu nè chị! ồ mai gót…toà nhà này có từ triều Thanh. Nó là một toà cung điện hoàng gia được thiết kế theo phong cách Baroque (1) bởi một kiến trúc sư người Pháp sống ở cuối thời Thanh. Trời ơi, chúng ta đang đi vào hành cung, chị ơi, chúng ta đang đi vào hành cung (2) của vua…”

Trương Thiên Ý bấn loạn rối rít tưởng rằng mình đã xuyên không thì bị bà chị Đường Tư Kỳ dội ngay cho gáo nước lạnh:

“Tỉnh tỉnh em ơi, chưa có xuyên đâu, đừng mừng vội!”

“Haizz…chẳng phải tình tiết trong tiểu thuyết đều viết giống vậy sao??” Trương Thiên Ý phụng phịu.

===

Chú thích:

(1)Baroque là một phong cách nghệ thuật bắt nguồn từ Phục Hưng Ý, bắt đầu vào khoảng năm 1600 tại Rome và Ý, sau đó lan khắp Châu Âu và cả những thuộc địa ở Tân thế giới cho tới cuối thế kỷ 18.

Phong cách Baroque đặc trưng với “ánh sáng phóng đại, cảm xúc mãnh liệt, thoát khỏi sự kiềm chế và thậm chí là một loại chủ nghĩa giật gân nghệ thuật”.

Mang tính chất vĩ đại, hùng mạnh, thể hiện quyền lực của nhà thờ và chế độ phong kiến.

Nghê thuật Baroque phát triển cả trong hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, kiến trúc, văn học.

(2)Hành cung là tên gọi chỉ công trình kiến trúc được xây dựng với chức năng chủ yếu là để dự phòng, chuẩn bị, dùng làm nơi dừng chân nghỉ ngơi của vua khi tuần du ra khỏi kinh thành hoặc đi kinh lý, thị sát ở địa phương.

Bình Luận (0)
Comment