Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 63: Tháp Lôi Phong
Dọc hai bên đường, xe taxi đỗ chật kín, các bác tài ra sức chạy theo chào mời, chèo kéo khách du lịch. Đường Tư Kỳ cũng rất muốn nhảy lên một chiếc taxi cho nhanh nhưng đáng tiếc, cước phí cao quá, hỏi ai cũng đòi ít nhất 50 đồng trở lên. Thế là cô lại lếch thếch tha lôi Vali ra bến xe buýt, tự mò đường theo bảng hướng dẫn.
Cả xe buýt công cộng lẫn tàu điện ngầm đều không thể tới thẳng Tháp Lôi Phong. Nhưng cũng may vẫn còn sự lựa chọn khác, đó là xe buýt của các công ty du lịch với mức giá vô cùng hợp lý, năm đồng một lượt.
Đường Tư Kỳ mừng húm, lựa chọn ngay không cần suy nghĩ. Và sau một giờ đồng hồ, cô đã tới được khu du lịch thắng cảnh Tháp Lôi Phong nằm ở bờ nam Tây Hồ.
Nhưng mà tha lôi cái Vali cồng kềnh này thực sự quá bất tiện. Kéo nó đi theo thì vướng mà tìm khách sạn thì mất thời gian. Phiền quá đi mất, biết vậy không mang nó đi cho rồi!
Đường Tư Kỳ nhăn nhăn nhó nhó nhìn quanh ngó quất đặng tìm xem có chỗ nào cho ký gửi hành lý không.
À, kia rồi, góc kia có một tiệm bán báo, Đường Tư Kỳ chạy lại, thấp thỏm ướm lời: “Ông ơi, ông cho cháu hỏi, ở đây có nhận gửi hành lý không ạ?”
Cụ ông nâng đầu dậy khỏi tờ báo, khẽ chỉnh cặp kính viễn thị để nhìn cho rõ rồi lắc đầu nói: “Chỗ này của ông bé lắm, không đủ để hành lý.”
Rồi chợt thấy vẻ mặt rối rắm của cô gái nhỏ, ông lão thương tình chỉ dẫn: “Bên kia có cái khách sạn, cháu có thể tới đó gửi hoặc chịu khó đi thêm vài bước nữa là thấy một cửa tiệm tạp hoá, gửi đồ ở đó cũng được đấy. Nhưng mà hành lý của cháu to thế này, phỏng chừng là có thu phí.”
Chỉ cần tìm được chỗ gửi là mừng lắm rồi, Đường Tư Kỳ rối rít cảm ơn rồi nhanh chân đi theo hướng ông cụ chỉ. Quả đúng là có một tiệm tạp hoá chuyên bán nước và các mặt hàng đặc sản địa phương. Đường Tư Kỳ bước vào, mạnh dạn đặt vấn đề và đã thành công ký gửi được chiếc Vali to đùng với mức giá năm đồng một ngày.
Vừa bước ra khỏi quán, tin nhắn của hệ thống lập tức nhảy lên
[ Chúc mừng người chơi đã học được cách ký gửi hành lý. Khen thưởng: 50 đồng vàng. Bảo khố: 77 đồng vàng.]
Đường Tư Kỳ nheo mắt, có chút ngoài ý muốn.
Không thể ngờ đi gửi đồ mà cũng được thưởng hẳn 50 đồng vàng. Bất quá cũng vui, tuy rằng không nhiều lắm nhưng khá hơn ban sáng, Check-in hạng B mà cho có 10 đồng bọ. Đúng là bỏ công bỏ sức đi xa nó phải khác, chỉ đáng tiếc không được thưởng thêm thọ mệnh.
Nhưng mà không sao, cô đã thành công đến được Tháp Lôi Phong rồi. Chỉ một tí nữa thôi, cả thọ mệnh lẫn vàng và kim cương sẽ lại ào ạt chảy về túi thôi.
Để xem nào, nên giữ cái gì trước đây ta. Lẩu Haidilao thì cũng muốn ăn thật đấy nhưng hình như Vali cần thiết hơn. Mà không không, cô vẫn thích iPad nhất. Nếu kiếm được kim cương thì phải ngay lập tức kéo dài thời hạn cho con iPad 256Gb.
Cứ thế vừa đi, Đường Tư Kỳ vừa âm thầm tính toán, cân nhắc.
Tuy nhiên chưa thấy vàng bạc kim cương đâu thì đã phải xì ra 45 nhân dân tệ vé vào cổng rồi, Đường Tư Kỳ tiếc đứt cả ruột.
Đây là lần đầu tiên cô bỏ tiền mua vé tham quan đấy. Lần trước Check-in ngọn hải đăng Tùng Khẩu, cũng may có bác trai bác gái tốt bụng hướng dẫn nên được miễn phí tiền vé. Kể mà đi đâu cũng gặp may mắn như vậy thì tiết kiệm được biết bao nhiêu.
Tuy nhiên đã là may mắn thì làm gì có chuyện nhiều, xem ra từ giờ về sau riêng cái khoản vé vào cổng này là cũng tốn kha khá đây.
Hôm nay thời tiết tương đối đẹp, lại rơi đúng dịp cuối tuần thành ra khách thập phương rất đông, quầy bán vé chật kín người, Đường Tư Kỳ phải xếp hàng mãi mới mua được vé.
Vào cổng rồi, cô tiếp bước theo đoàn người tới trước một bậc thang…
Khoan, dừng khoảng chừng là hai giây…
Sao ở đây lại có thang cuốn?
Đường Tư Kỳ ngỡ ngàng nhìn hệ thống thang cuốn hiện đại được xây sát vào thềm đá cổ kính rêu phong. Hai hình ảnh đối lập không chút ăn khớp bất giác khiến cho người ta cảm thấy tức mắt.
Nhưng mà có thang cuốn tự động thì đỡ phải leo thang bộ chứ sao. Đường Tư Kỳ chẳng suy nghĩ nhiều, trực tiếp bước lên thang cuốn. Ôi trời, cái chân đi bộ nãy giờ mỏi nhừ, cuối cùng cũng được nghỉ ngơi đôi chút, thật là sung sướng biết bao!
Tháp Lôi Phong được thiết kế theo hình bát giác, gồm năm tầng, được xây bằng gạch và gỗ. Nền tháp được xây bằng gạch.
Thang cuốn tự động đưa du khách vào tham quan phần thứ nhất, cũng chính là chân tháp. Ở đây trưng bày các cổ vật được khai quật và một phần tháp Lôi Phong may mắn còn giữ được.
Nhìn khu di chỉ (1) với vỏn vẹn hai đống gạch một to một nhỏ nằm trên nền đất, Đường Tư Kỳ thoáng dâng lên dự cảm chẳng lành.
Không lẽ, Tháp Lôi Phong đã từng bị sập?!
Nhưng mà trong sách giáo khoa Ngữ văn Trung học đã dạy, Tháp Lôi Phong là một toà tháp cổ từ thời Ngũ Đại Thập Quốc cơ mà nhỉ. Chẳng hay sau này nó đã được xây dựng lại sao?!
Đường Tư Kỳ hoang mang tột độ với chính phỏng đoán của bản thân. Cô tá hoả đi tìm thông tin chứng thực.
Đây rồi, trên bảng giới thiệu có ghi rõ toà tháp được xây dựng năm 975, bị sập năm 1924 và xây dựng lại vào năm 2002.
Đường Tư Kỳ run rẩy hoảng loạn: “Không đúng, rõ ràng hồi nhỏ xem bộ “Thanh Xà Bạch Xà” là đã thấy cái tháp này rồi mà nhỉ? Hẳn là phải tồn tại từ lâu lắm rồi chứ, sao có thể ….?”
Chắc vì đồng cảm nên một cô gái đứng bên cạnh liền quay sang chia sẻ: “Haizzz, mình cũng thắc mắc y như bạn nên vừa phải lên mạng tra cứu thông tin xong. Thì ra Thanh Xà Bạch Xà quay ở một toà tháp cổ nằm tại Nam Kinh cơ. Lúc ấy Tháp Lôi Phong còn chưa được xây lại.”
Thôi xong, sự thật không hề giống với những gì Đường Tư Kỳ đã tưởng. Hoá ra cái tháp mà từ nhỏ tới lớn cô cứ nghĩ là Lôi Thong thì thực chất nó không nằm ở Tây Hồ mà ở tít tận Nam Kinh.
Ôi giời ơi, phen này tiêu tùng rồi! Bỗng nhiên, Đường Tư Kỳ phảng phất cảm thấy cuộc đời như một trò đùa vậy!
Mà thôi kệ đi, dù sao cũng đã tới đây rồi, chi bằng đi tham quan một chút để xem người ta đã trùng tu nơi này như thế nào.
Đường Tư Kỳ tiếp tục leo lên thang máy…
Đi lên…
Lên nữa…
Nữa…nữa…và cuối cùng cũng lên được đỉnh tháp.
Đường Tư Kỳ bước ra lan can, phóng tầm mắt thu trọn cảnh đẹp Tây Hồ.
Nhờ sự phối hợp của sắc trời mà khung cảnh Tây Hồ hôm nay hệt như một bức tranh hoàn mỹ, đẹp không tỳ vết!
Chỉ là cõi lòng Đường Tư Kỳ lúc này đã tan thành nước Tây Hồ mất rồi….
===
Chú thích:
(1)Di chỉ khảo cổ hay địa điểm khảo cổ học, đôi khi nói rút gọn là di chỉ, là địa điểm (hoặc một nhóm các địa điểm vật lý), trong đó các bằng chứng về hoạt động trong quá khứ được bảo tồn (tiền sử hoặc có lịch sử hoặc hiện đại), và đã và đang được hoặc có thể được điều tra bằng cách sử dụng phương pháp khảo cổ học và đại diện cho một phần hồ sơ khảo cổ. Các di chỉ có phạm vi từ khu vực có ít hoặc không có di vật có thể nhìn thấy trên mặt đất, tới các tòa nhà và các công trình khác vẫn đang được sử dụng.