Chúa Sẽ Phù Hộ Em

Chương 15

Tôi gọi điện cho Alice từ sân bay Hồng Kiều, nghĩ bụng con bé có thể hiểu được tâm trạng của tôi lúc này, tâm đầu ý hợp không phải là có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu, mà là sự đồng cảm với bất hạnh của người khác.

Bên kia đường dây rất ồn ào, điện thoại vừa kết nối, tôi đã buông một câu không đầu không cuối: “Chị đi Pakistan, khoảng một tháng nữa sẽ về.”

Alice không hề ngạc nhiên với quyết định lạ lùng này của tôi, chỉ hỏi: “Ồ, có đủ tiền không?”

“Đủ, giúp chị chăm sóc mẹ nhé.”

“Được.” Sau vài giây im lặng, Alice nói: “Một tháng không đủ thì ở hai tháng, hai tháng không đủ thì ba tháng, nhưng phải trở về đấy.”

“Ừ.”

Lại một khoảng lặng kéo dài, không ai chịu cúp máy trước. Cuối cùng, tôi ngập ngừng hỏi: “Ở đó bây giờ thế nào?”

Alice đáp một cách dứt khoát: “Em nghe nói họ đi Italia mua đồ cưới, Laila vốn không thích phong cách thiết kế của Paris. Ngải Mễ Lạp, không có chị, anh ta vẫn rất vui vẻ.” Một nhát dao đâm thẳng vào ngực tôi, không sao, điều tôi muốn chính là cảm giác này, sớm chết sớm siêu thoát. Vỏ ngoài bằng kim loại sáng lấp lánh của bốt điện thoại hắt bóng nét mặt ủ rủ muốn ngục ngã của tôi. Nhưng những lời thề non hẹn biển của anh vẫn còn văng vẳng bên tai. “Anh không hề hối hận về những gì đã làm với em, em hận anh cũng được, dù sao anh vẫn muốn từ thân thể đến trái tim của em, đều thuộc về anh.”

Thế giới rộng lớn, anh sợ không tìm thấy em.

Thế giới hỗn loạn, anh sợ em không còn chờ anh ở chỗ cũ.

Nếu đã như vậy, chi bằng trói chặt em từ bây giờ.

Anh có thể lấy bốn vợ, nhưng sẽ chỉ cưới một mình em thôi.

“Alô, alô? Ngải Mễ Lạp, nói đi chứ!” Alice gọi liên hồi.

Tôi không sao thốt nên lời, trong lòng như có một tảng đá đè nặng.

“Muốn khóc phải không? Trước khi khóc, không được chải mascara đâu nhé, xấu lắm đấy.”

“Ừ.” Tôi đáp. Nếu muốn khóc, tôi sẽ tìm một xó xỉnh nào đó mà khóc. Tôi vừa dứt lời thì Alice cúp máy.

Có người nói muốn quên một người cần ít nhất hai mươi mốt ngày, cũng có người nói thời gian để quên dài bằng thời gian yêu người đó. Einsten nói không gian và thời gian là tương đối, vì vậy, nếu sống một ngày bằng một năm thì hãy đi thật xa. Xa mặt cách lòng, đây cũng là lí do vì sao cảm xúc khi tha hương nhiều khi là liều thuốc chữa thất tình tốt nhất. Nhưng có liều thuốc chữa thất tình tốt nhất không có nghĩa là sẽ không cảm thấy đau, sẽ không thấy tim như dao cứa. Ngồi trên máy bay liên tục hơn bốn mươi tiếng đồng hồ khiến tôi có thể nghĩ lung tung đủ thứ chuyện.

Ngày thứ hai sau khi tôi biết Lâm đính hôn, Dela gọi điện cho tôi, nói có người đến một cửa hàng đồ gỗ ở khu chợ Changga đặt vật liệu để xây trường học có giá khoảng mười nghìn đô la Mỹ, thanh toán một lần và ghi rõ người kí nhận là tôi. Tin tức nhanh chóng được truyền tới thôn Gama, mọi việc sau đó đều rất thuận lợi. Wughi đã cử cậu ta tới Changga, nơi duy nhất có điện thoại quốc tế, để thông báo cho tôi.

Sau khi cúp máy, tôi phải mất đến vài tiếng đồng hồ để sắp xếp lại mạch suy nghĩ của mình, nhưng hiệu quả chẳng đáng là bao. Sau đó, tôi mua vé chuyến bay sớm nhất tới Pakistan, hậu quả của việc nhắm mắt mua vé là lộ trình của tôi cần chuyển tuyến bốn lần, thời gian bay dài tới năm mươi sáu tiếng. Dọc đường, tôi trằn trọc không yên, thời gian chênh lệch, từ máy bay to chuyển sang máy bay nhỏ, tóc tai tôi đã rối bù như tổ quạ, mặt mũi thì bơ phờ, tiều tụy.

Chuyến bay cuối cùng cất cánh lúc rạng sáng. Tôi ôm đầu, cuộn người ở hàng ghế cuối cùng của máy bay, hướng ánh mắt về nơi xa xăm. Ở độ cao ba mươi nghìn feet1 so với mực nước biển, không nhìn thấy gì cả, ngoài bầu trời đêm đen như mực, bên tai văng vẳng tiếng gầm rú của động cơ máy bay. Hơn bốn mươi tiếng đồng hồ, mặt trời mọc rồi lại lặn, máy bay cất cánh rồi lại hạ cánh, cơ thể dần mệt mỏi, rã rời, đầu óc trống rỗng. Nhưng cho đến khi hạ cánh xuống sân bay Islamabad, tôi không hề rơi một giọt lệ nào.

(*) Chú thích: 1. Khoảng hơn 9000 mét.

Đã thông thạo đường xá, tôi nhanh chóng gọi được xe đi Changga, tuy cũng phải mất vài ngày nhưng dù sao đường đi cũng bằng phẳng. Sau khi đến Changga, tôi vội vã tìm đến cửa hàng đồ gỗ theo lời chỉ dẫn của Dela.

Cậu ta không có ở đó, ông chủ cửa hàng nói với tôi toàn bộ tiền gỗ đều đã được thanh toán. Thực ra, không chỉ có gỗ, mà toàn bộ vật liệu xây dựng trường học ở Gama bao gồm sắt thép, xi măng, gạch ngói, thậm trí máy hiệu chuẩn, thước cuộn và dụng cụ hỗ trợ, đều đã được thanh toán hết. Ông chủ cửa hàng đồ gỗ khoảng trên dưới bốn mươi tuổi, nói người trả tiền dặn phải đích thân tôi kí nhận thì mới được giao hàng. Tôi hỏi người mua trông như thế nào, làm nghề gì, ông chủ nhất quyết không nói. Dela nói có thể là một nhà hảo tâm nào đó, tôi liền bảo cậu ta rằng ở Trung Quốc có rất nhiều tổ chức từ thiện, nhưng chẳng có tổ chức từ thiện nào lại chạy đến Pakistan để thanh toán toàn bộ tiền hàng rồi phủi mông đi cả. Dela lại nói liệu có thể là Lâm không. Tôi lập tức nói không phải. Người đàn ông đó đang tiêu dao ở tận châu Âu cơ mà, hơn nữa, nếu là anh chắc chắn không làm một việc thừa thãi là bắt tôi phải kí nhận như thế này. Với tính cách của anh, nhất định sẽ chuyển thẳng vật liệu về thôn Gama. Dela còn nói vật liệu được đưa đến đã chất đầy sân của cửa hàng đồ gỗ rồi, ông chủ đánh tiếng nếu tôi không chở vật liệu đi, sẽ tính phí lưu kho bãi. Đây là nguyên nhân Dela sót ruột muốn tôi đến Changga. Wughi đã triệu hồi khẩn cấp toàn bộ nam đinh trai tráng của thôn, xắn tay áo chuẩn bị làm một trận thật lớn, tất cả đã sẵn sàng, chỉ chờ tôi đến Changga là bắt đầu.

Ông chủ muốn tôi xuất trình hộ chiếu, bối rối giải thích: “Không phải là tôi không tin tưởng cô, nhưng gần đây, tình hình khá hỗn loạn.”

Ngày tôi trở lại Changga, quân Muja ở các trại tị nạn Pakistan và Afghanistan đang giao đấu với quân đội của Liên minh Phương Bắc tại Jalalabad, nghe nói binh lính Muja mỗi người đều có mấy khẩu súng, đạn dược đầy đủ, còn đạn dược của Liên minh Phương Bắc thì mãi tới khi binh sĩ nhảy ra khỏi chiến hào rồi mới tới đủ. Với trang bị như vậy, tất nhiên quân Muja toàn thắng.

Do tiền phương sặc mùi khói súng, Changga đã thay đổi rất nhiều so với lúc tôi rời đi hồi năm ngoái. Hơn nửa số hàng quán trong chợ đều đã đóng cửa, mọi người đi lại vội vã, cả thị trấn chìm trong bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt. Tin tức chiến tranh lan đi khắp nơi dưới mọi hình thức. Ai ai cũng bàn luận về chiến tranh, về đèo Khyber, về Kabul. Có người còn nói quân Muja đến từ Peshawar đựợc chính phủ Pakistan ngấm ngầm tài trợ, ông chủ lớn đứng phía sau chính là Cục Tình báo Mỹ. Cục Tình báo huấn luyện binh sĩ trong các trại tị nạn và học viện Hồi giáo ở khắp mọi nơi trên đất nước Pakistan, đây sớm đã không còn là bí mật nữa. Lại có người nhảy dựng lên phản bác, nói tin Cục Tình báo Mỹ ngầm hỗ trợ quân Muja này đã xưa như Trái Đất rồi, sau khi phương Tây rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ cũng lập tức ngừng hỗ trợ cho quân Muja, thứ mà họ để lại cho Pakistan là hàng triệu dân tị nạn Afghanistan đang kêu gào vì đói khát. Ngày nay, Liên minh Phương Bắc mới là đội quân chính nghĩa, nhiệm vụ của họ không chỉ là quét sạch các phần tử xấu còn sót lại của quân xâm lược, mà còn đáp trả sự tấn công của quân Muja, bởi nói cho cùng, sau lưng quân Muja là Pakistan, cho nên Liên minh Phương Bắc mới thực là đội quân danh chính ngôn thuận.

Từ những cuộc bàn luận này, tôi cũng vỡ ra đôi điều. Quân đội của dân tị nạn, cũng chính là quân Muja, được chia thành bảy đội quân chủ lực, hiện giờ, người phụ trách khu vực biên giới tây bắc của Pakistan là Hassan, nghe nói kẻ hỗ trợ anh ta chính là chính phủ Pakistan. Còn thủ lĩnh các tỉnh biên giới tây bắc của Liên minh Phương Bắc hiện nay là Ahmed, một người có mối quan hệ dây mơ rễ má với chính phủ Afghnistan đã sụp đổ, cũng chính là tổ chức chống thánh chiến. Nói cách khác, Hassan và Ahmed là thủ lĩnh của hai phe đối địch lớn, Thứ ba là Dostum, một đội quân du kích, hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ của tập đoàn tài chính nước ngoài để chi phí cho chiến tranh, đồng thời là đội quân khó lường nhất. Ngoài ra còn có rất nhiều thế lực quân sự khác, nhưng tôi không nhớ rõ.

Tình thế trước mắt là Liên minh Phương Bắc đóng quân ở Jalalabad, quyết một trận sinh tử với quân Muja. Jalalabad thuộc Afghanistan, nhưng chỉ cách Peshawar vài tiếng lái xe. Tôi sợ ngọn lửa chiến tranh sẽ lan tới thôn Gama, cũng may Gama nằm dưới chân núi tuyết, giao thông không thuận tiện, chắc sẽ không sao. Nhưng điều kì lạ lại là Dela không chờ tôi ở cửa hàng đồ gỗ như đã hẹn. Ông chủ cửa hàng nói: “Cậu ta đi kiểm tra xe chở vật liệu rồi, chắc sẽ về nhanh thôi, cô cứ uống trà đi.”

“Xe?” Tôi thắc mắc.

“Đúng rồi, xe.” Ông chủ vừa đáp vừa đẩy gọng kính, như thể đang giải thích phép tính cộng trừ nhân chia cho một học sinh siêu chậm hiểu. “Tiểu thư, nếu như cô muốn vận chuyển vật liệu xây dựng đến thôn Gama thì sao có thể không cần xe được.”

“Ồ, phải.” Tôi uống một ngụm trà, dụi dụi mắt, cố gắng tĩnh tâm. Nhìn tờ giấy đặt mua vật liệu xây dựng đã được thanh toán nhăn nhúm trước mặt, tôi thấy nó được viết bằng tay, chữ kí bên dưới loằng ngoằng, hơi bị ố vì dính mồ hôi hoặc là vết bẩn gì đó, nhìn mãi không nhận ra là chữ gì.

Tôi hỏi ông chủ: “Ông nói là một người đàn ông đã trả tiền, đúng không?”

Ông chủ đáp: “Đàn ông, người bản địa, hơn ba mươi tuổi, ăn mặc rất chỉnh tề.”

“Anh ta nói mình là người ủy quyền của tôi và tất cả vật liệu xây dựng đều là cho trường học ở Gama sao?”

Ông chủ liếc nhìn tôi qua cặp kính dày cộp, đáp: “Chúng tôi chỉ biết thu tiền, chuyển hàng, chứ không có trách nhiệm kiểm tra lai lịch của khách hàng.”

Tôi hơi bối rối, nghĩ cũng phải, mấy thông tin ít ỏi này có cũng như không. Tôi ngắm nhìn khung cảnh xung quanh, cửa hàng đồ gỗ sừng sững trên một khu phố nhỏ ở góc khu chợ, đối diện với cửa ra vào là một bảng cáo thị loang lổ, một bức ảnh quảng cáo xe máy bị rạch tan tành, thay vào đó là lời răn của Thánh Allah.

Hai bên đèo Khyber là một thùng thuốc nổ, cả thế giới đều dõi mắt theo những biến động nơi đây.

“Họ có đánh đến đây không?”

Câu hỏi không đầu không cuối của tôi vẫn được ông chủ nghiêm túc đáp lại, sau khi phóng ra một ánh mắt như nhìn người ngoài hành tinh. “Ngải tiểu thư, đây là Pakistan, không phải Afghanistan.”

Tôi cứng họng, phải rồi, đây là Pakistan, nhưng Pakistan và Afghanistan chẳng phải là máu mủ ruột rà với nhau sao? Hassan luôn nói muốn xây dựng một Pashtunistan thống nhất, lãnh thổ của đế quốc chưa từng xuất hiện trên trái đất này bao gồm toàn bộ Afghanistan hiện nay và cả Pakistan nữa.

Tôi chậm rãi uống trà, mặt trời dần chếch về hướng tây, vẫn không thấy bóng dáng của Dela đâu cả. “Cậu ta rốt cuộc đã đi đâu vậy, sao mà lâu thế không biết?” Tôi hỏi ông chủ.

Ông ta nhún vai, đáp: “Rất khó tìm được ô tô chăng?”

Tại sao Dela không tìm xe ngựa nhỉ? Đường từ Changga đến thôn Gama vốn không dành cho ô tô mà. Mùa đông năm ngoái, chúng tôi đã phải cưỡi ngựa rất lâu mới ra khỏi núi, chẳng lẽ vào mùa hè có thể đi ô tô?

Ông chủ cửa hàng thấy tôi sốt ruột, liền quay sang hỏi: “Tiểu thư, ban nãy cô nói lô hàng này không phải do cô mua sao?”

Tôi ngơ ngác nhìn ông ta.

“Vậy thì là ai mua?” Ông ta hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai? Thấy tôi cũng ù ù cạc cạc, ông ta đành chuyển chủ đề, hỏi: “Cô định xử lí lô hàng này thế nào?”

“Chờ Dela gọi xe đến, tôi sẽ chuyển số vật liệu này tới Gama trước.” Mặc dù không biết là ai đã ứng tiền mua số vật liệu này, nhưng tất phải có nguyên do, khi cần nhất định đối phương sẽ xuất hiện. Tôi không thể chờ người đó ở cửa hàng đồ gỗ mãi được, và cũng không dại gì từ chối ý tốt của người ta, hơn nữa, dân làng Gama đều đang mong ngóng lô hàng này.

“Sau đó thì sao?” Ông chủ lại hỏi.

“Sau đó cái gì cơ?”

“Ngải tiểu thư sẽ cùng cậu Dela đi Gama sao?”

“Ừm.” Tôi đáp qua quýt.

Đôi mắt phía sau cặp kính dày cộp của ông chủ thấp thoáng vẻ buồn bã. “Sau khi đến Gama thì sao?”

Tôi bắt đầu cảnh giác, tự hỏi tại sao ông ta lại quan tâm đến hành tung của tôi vậy? Tuy nhiên, tôi vẫn nhã nhặn trả lời: “Sau đó tôi sẽ về nước, trước khi hết mùa hè.” Dứt lời, tôi nhìn ra ngoài cửa, đầu hơi cúi xuống. Muốn xây trường học cần một khoảng thời gian nhất định, trong khi thời gian hiệu lực của visa chỉ có ba tháng, không biết ba tháng có xây kịp hay không. Chờ mọi việc xong xuôi, tôi sẽ về Hàng Châu, không bao giờ quay lại Thượng Hải nữa. Nghĩ đến đây, tôi bất giác khẽ thở dài.

Ánh nắng từ bỏng rát đã chuyển sang dịu dàng, ráng chiều dần khuất nơi chân trời, cửa hàng đồ gỗ cũng đến giờ đóng cửa, vậy mà Dela vẫn chưa về. Tôi đành phải để lại mẩu giấy nhắn, bảo cậu ta về thì đến khách sạn tìm tôi. Sau đó, tôi hỏi ông chủ chỗ mua văn phòng phẩm, ông ta bảo ở con phố đối diện với ngã rẽ, lại hỏi tôi đến đó làm gì.

“Tôi muốn mua cho bọn trẻ ở thôn Gama một ít vở và bút, có vấn đề gì không?” Tôi đáp. Mặc dù không có một giấc ngủ cho ra hồn suốt năm mươi tiếng đồng hồ nhưng tôi vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra có điều gì đó không ổn. Tiếng chuông báo động vang lên trong đầu, nhưng hơn nửa năm ở Giang Nam yên bình đã khiến tôi thiếu nhạy bén hơn trước. Thấy ông chủ không nói gì nữa, tôi liền bước ra khỏi cửa hàng.

Lúc này, mặt trời đã lặn, mấy người đàn ông váng sung tiểu liên đi lên từ con đường nhỏ lát đá của khu chợ, nhìn thấy tôi, liền xua tay ra hiệu bảo tôi nhanh chóng ra về. Tôi rụt đầu vào chiếc khăn trùm, quyết định mua xong văn phòng phẩm sẽ lập tức trở về khách sạn.

Ở những nơi khô hạn nóng nực, chập tối luôn là khoảng thời gian dễ chịu nhất trong ngày. Trước đây vào lúc chiều muộn thế này, sẽ có rất nhiều người đổ ra đường, vậy mà lúc này nhìn khắp phố, chỉ thấy lác đác vài người đi lại vội vã, cũng may cửa hàng văn phòng phẩm vẫn mở cửa, và thật trùng hợp, nó lại  ở ngay cạnh nhà hàng Aubu Race, nơi tôi gặp Hassan lần đầu tiên.

Lần này quay lại Changga, ngoài việc xây trường học, còn có một việc nữa, đó là trả lại Hassan viên Khổng tước lam tím. Tôi vốn định nhờ Dela cầm sợi dây chuyền tới nhà hàng trả cho Hassan, vì tôi không dám đối mặt với anh ta. Không ngờ Dela lại không chờ tôi ở cửa hàng đồ gỗ, còn nhà hàng này thì lại đóng cửa kín mít.

Vừa đến Changga đã gặp chốn cũ, tôi nấp trong một góc khuất, cẩn thận quan sát nhà hàng. Mặc dù nghĩ số mình không đen đến mức vừa đến đã đụng phải Hassan nhưng tôi cũng không ngờ Aubu Race sẽ đóng cửa. Hỏi hàng xóm xung quanh, họ chỉ nói tình trạng này đã diễn ra một thời gian rồi, còn chủ nhà hàng đi đâu thì không ai hay biết.

Hassan còn một căn nhà nữa ở Changga, chính là nơi anh đã giam giữ tôi và gài bẫy Lâm. Nhưng tôi vốn là kẻ mù đường, trong khi khu chợ lại giống như một mê cung khổng lồ, nên chẳng mấy chốc tôi đã lạc đường. Nếu không tìm thấy nơi Hassan dừng chân thì biết trả Khổng tước lam tím cho anh ta thế nào đây? Đúng lúc này, một người đàn ông trông có vẻ giống cảnh sát đi tới, nhìn tôi chằm chằm. Tôi không nhìn rõ diện mạo của đối phương nhưng không biết vì sao tim bỗng đập loạn cả lên, cảm giác lo lắng ập tới. Tôi bước nhanh hơn trên con phố vắng tanh vắng ngắt, dưới ánh trăng vằng vặc, chỉ nghe thấy tiếng bước chân cô độc.

Đi qua một cửa hàng đồ sắt, tôi rẽ xuống một con dốc, cuối cùng cũng thấy ánh đèn vàng mờ ảo nhấp nháy phía trước, trong bụng yên tâm hơn phần nào, sắp về đến khách sạn rồi.

Bỗng nhiên có một cảnh sát xuất hiện, người này hơi béo, không phải là người mà tôi vừa nhìn thấy. Theo lí thì nhìn thấy cảnh sát phải thấy yên tâm mới phải nhưng tim tôi lại đập nhanh hơn, không kịp suy nghĩ, chân tôi đã tự động rẽ sang con đường nhỏ bên cạnh.

Một chiếc xe nhỏ thình lình xuất hiện và lao về phía tôi với tốc độ kinh người. Khi tới gần, chiếc xe phanh kít lại, hai người đàn ông mặc cảnh phục nhảy xuống, cùng với hai cảnh sát ban nãy, bao vây tôi, không nói một lời.

Tóc gáy tôi bỗng dựng ngược cả lên, những người này nhìn tôi tròng trọc với ánh mắt sáng quắc như mắt của bầy sói.

“Các ngài, có chuyện gì vậy?” Tôi run rẩy hỏi.

Cả bốn người đều kinh ngạc khi thấy tôi nói tiếng Urdu. Giây lát sau, một người cất tiếng hỏi: “Cô là Ngải Mễ Lạp?”

“Vâng. Tôi là Ngải Mễ Lạp.”

“Ngải Mễ Lạp, thay mặt chính phủ Pakistan, tôi mời cô đi theo chúng tôi.” Người đó nói tiếp.

“Hả? Tại sao?”

“Visa của cô có một số vấn đề cần xác minh lại, đề nghị cô theo chúng tôi.” Người cảnh sát mà tôi đoán là chỉ huy nói với giọng khô như ngói.

“Visa của tôi có vấn đề gì?” Tôi lo lắng hỏi.

“Điều này, chúng tôi không rõ lắm, nên muốn đưa cô về để làm rõ.” Vẫn là người cảnh sát đó nói.

Tôi cảm thấy yên tâm hơn đôi chút, nếu chỉ là vấn đề visa thì chắc cũng không nghiêm trọng lắm, nhưng tại sao họ lại đến bắt tôi vào lúc này, lại còn với điệu bộ thế này nữa?

“Vậy tôi có thể quay về khách sạn, lấy một số đồ dùng cá nhân không?” Tôi thận trọng hỏi. Được về  khách sạn là tốt nhất, chí ít cũng có người biết tôi bị ai dẫn đi.

“Chắc không mất cả đêm đâu.” Đối phương trả lời, sau đó giục tôi lên xe.

Có một người đi về hướng này, khi còn cách chỗ tôi đứng vài mét thì dừng lại, thấy tình hình không ổn, người đó lập tức quay sang hướng khác.

“Tôi muốn quay về khách sạn, để lại lời nhắn cho bạn tôi.” Tôi viện đại một lí do.

“Cô sẽ quay về nhanh thôi. Nhanh lên, đi thôi.”

Các anh chỉ đưa tôi đi hỏi chuyện thôi, đúng không? Thông thường sẽ mất bao lâu?” Tôi gặng hỏi.

“Chuyện này rất khó nói, phải do lãnh đạo quyết định.” Nói rồi, họ đẩy vào lưng tôi một cái.

Tôi loạng choạng suýt ngã, gào lên: “Có đúng là tới đồn cảnh sát không?”

“Đương nhiên.”

Pakistan từng là một phần lãnh thổ của Ấn Độ, vì thế, giống như Ấn Độ, hệ thống tư pháp đa phần được thừa hưởng từ Anh Quốc, cũng có các cơ quan như sở cảnh sát, tòa án, nhà tù,… Gần đây, thế cục hỗn loạn, rất nhiều người nước ngoài bị trục xuất hoặc bị mời đến sở cảnh sát tra hỏi, người nước ngoài ở đây không chỉ khách du lịch, mà là những thương nhân ở các quốc gia lân cận, vì lí do nào đó mà thường xuyên qua lại Changga.

Vài ngày trước, có một người Iran đã bị cảnh sát dẫn ra khỏi khách sạn, nguyên nhân là buôn lậu bươm bướm. Lúc biết chuyện, tôi như thể nghe thấy câu chuyện trong Nghìn lẻ một đêm. Buôn lậu bươm bướm ư? Thế thì có ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới? Nhưng có người lại nói nguyên nhân thật sự không phải là buôn lậu bươm bướm hay buôn lậu đỗ quyên, mà là nhà cầm quyền hiện giờ thần hồn nát thần tính, chỉ cần là nhân vật khả nghi, đều sẽ giam lại. Có thể tôi bị dẫn tới sở cảnh sát cũng là vì nguyên nhân này.

Thấp thỏm ngồi lên ô tô, tôi bị kẹp giữa hai cảnh sát lực lưỡng. Cảnh tượng này khiến tôi hoang mang, tôi có phải là phạm nhân đâu, sao họ lại đối xử với tôi như thế này? Tôi tự trấn an mình, nhất định là có chỗ nào nhầm lẫn thôi, visa của tôi thì có vấn đề gì được chứ, chẳng phải vẫn nhập cảnh thuận lợi đó sao? Hơn nữa, Pakistan là một trong những nước linh hoạt nhất thế giới về vấn đề visa, ngay cả việc xin gia hạn cũng dễ dàng, tại sao phải cử tới bốn người đàn ông lực lưỡng đi bắt tôi vậy?

Xe nổ máy, đi qua khu chợ và nhà hàng của Hassan, đi qua cửa hàng văn phòng phẩm, qua cửa hàng đồ gỗ. Tôi nheo mắt lại nhìn, thấy đống vật liệu chất cao ngang đầu người trong sân đã biến mất không chút dấu vết. Tim tôi lại bắt đầu đập thình thịch.

Ô tô dừng lại trước cổng sở cảnh sát, đó là một tòa nhà hai tầng. Mơ hồ nghe thấy tiếng kêu thảm thiết vọng lại trong đêm tối, tôi sởn hết cả da gà, nhưng hai bên là hai người đàn ông cao lớn, tình hình này chắc không chạy trốn được rồi. 

Thấy chúng tôi đi vào, một người đàn ông to béo mặc cảnh phục ngẩng đầu lên, bên cạnh ông ta là một phạm nhân đang bị phạt “ngồi máy bay”. “Ngồi máy bay” là hình phạt đặc biệt ở Pakistan, phạm nhân sẽ bị treo ngược lên bằng một cái móc sắt rất lớn và bị đanh đập dã man, do máu chảy ngược lên đầu nên cơn đau càng lớn gấp bội. Đây là một trong những hình phạt mà tôi căm ghét nhất, thậm chí còn hơn cả ném đá tập thể. 

Viên cảnh sát lau sạch vết máu trên tay, ngẩng đầu hỏi: “Là cô ta à?”

Viên cảnh sát áp giải tôi trả lời: “Phải chính là cô ta.”

“Đồ đâu?” Người kia hỏi tiếp.

Đồ gì? Tôi vừa mới kinh ngạc ngẩng đầu đã thấy cổ đau nhói một cái. Hóa ra tay cảnh sát áp giải tôi đã giật viên Khổng tước lam tím xuống. Tôi ôm lấy cổ, phẫn nộ hỏi: “Này, các người muốn ăn cướp hả?”

Vì muốn trả lại viên Khổng tước lam tím cho Hassan nên tôi luôn đeo nó trên cổ, hải quan Trung Quốc coi nó là hàng giả nên cũng không hỏi han gì. Sauk hi vào lãnh thổ Pakistan, tôi luôn rất cẩn thận, không để ai nhìn thấy, không biết mấy tên cảnh sát này làm thế nào mà biết viên Khổng tước lam tím trên người tôi.

“Có phải là hàng thật không?” Tay cảnh sát béo vừa hỏi vừa tỉ mỉ ngắm nghía viên Khổng tước lam tím trong tay.

“Hàng thật.”

“Hộ chiếu đâu?”

“Đây.”

“Rất tốt. Có ai nhìn thấy không?”

“Không có ai nhìn thấy, rất sạch sẽ.”

Tay cảnh sát béo gậy đầu, vỗ mấy cái lên hộ chiếu của tôi rồi đột nhiên ném vào đống tài liệu chất cao như núi ở góc bàn. Tôi nhảy dựng lên, quát: “Này, rốt cuộc các người là ai? Trả lại viên Khổng tước lam tím cho tôi!” Không ai thèm để ý, chỉ đến khi tôi giãy giụa kịch liệt, tên cầm đầu mới ngẩng lên nhìn tôi như một kẻ ngốc, nói: “Xem ra cô vẫn chưa hiểu được hoàn cảnh của mình nhỉ, Ngải tiểu thư.”

Tôi thực sự không hiểu bọn họ đang nói cái gì.

“Cô nghĩ tại sao chúng tôi bắt cô?” Tay cảnh sát béo hỏi tôi.

“Không phải vì vấn đề visa sao?”

Ông ta cười phá lên, ngay sau đó, những kẻ khác cũng cười theo. “Chúng tôi bắt cô là vì sợi dây chuyền này, đây là đồ cô ăn trộm phải không?”

“Ăn trộm? Tôi không ăn trộm, có người tặng cho tôi…” Tôi sợ hãi nói.

Ông ta mỉa mai: “Có người tặng cho cô ư?”

Tôi lắp bắp: “Tôi… có thể giải thích.”

“Tiểu thư, Khổng tước lam tím là quốc bảo của Pakistan, không phải là cô không biết chứ?”

Tôi ớn lạnh từ đầu đến chân. Quốc bảo? Hic, một thứ vô giá như thế, tất nhiên là đủ tư cách trở thành quốc bảo rồi.

Tay cảnh sát béo không thèm để ý tới tôi nữa, hất hàm ra hiệu cho thuộc hạ, nói: “Dẫn cô ta đi.”

Tôi kêu lên: “Không, cái này đúng là người ta tặng tôi mà, một người đàn ông tên là Hassan Naboo Hardel. Các anh có thể kiểm tra!” Tôi vốn không muốn dính líu gì đến Hassan nữa, nhưng bây giờ đã không thể bận tâm nhiều như vậy nữa rồi.

Nghe thấy lời tôi, mấy tay cảnh sát đều khựng lại. Hassan Naboo Hardel tiếng tăm lẫy lừng cả vùng Broughton, chắc chắn họ đã nghe tên.

Trán tôi ướt đẫm mồ hôi lạnh, tôi nhũn nhặn nói: “Anh có thể đi hỏi Hassan, anh ta sẽ nói cho anh biết đây không phải là đồ ăn trộm mà là quà anh ta tặng tôi.”

Trong nháy mắt, căn phòng trở nên yên tĩnh kì lạ, tất cả đều quay lại nhìn tên cảnh sát béo. Tôi cơ hồ nhìn thấy sự lưỡng lự trong ánh mắt ông ta, nhưng sau đó, ông ta nói: “Ngải tiểu thư, đại nhân Hassan Naboo Hardel đã rời khỏi Changga từ lâu rồi.” Rồi ông ta lại nghiêm trọng ra lệnh: “Dẫn đi!”

Hassan đã rời khỏi Changga rồi sao? Bụng tôi đột nhiên thắt lại, giờ phải làm sao đây?

Tại tầng hai của Sở cảnh sát Changga, sau cánh cửa sắt kiên cố là ba phòng giam, hai to một nhỏ, phòng nhỏ dành cho phạm nhân nữ. Mùa hè oi bức, cánh cửa sắt vừa được mở ra, tôi đã ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc, đó là thứ mùi khủng khiếp tổng hợp từ phân và nước tiểu, trộn lẫn với mùi mồ hôi. Thế mà ở nơi nóng bức ngột ngạt thế này, phạm nhân nữ vẫn phải trùm Burqa kín mít từ đầu tới chân, trông cứ như những con nhộng khổng lồ đen sì. Dạ dày tôi nhộn nhạo, khó khăn lắm mới kìm được con buồn nôn.

Tay cảnh sát áp giải tôi nói: “Không quen phải không? Không sao, rồi sẽ quen thôi.” Nói rồi, hắn ta đẩy tôi vào phòng giam và đóng sầm cửa lại.

“Không, anh đừng đi!” Tôi bám vào cánh cửa sắt, gọi với theo. “Tôi muốn gặp luật sư, gặp người của lãnh sự quán Trung Quốc, gặp…”  Nhưng viên cảnh sát đó không thèm nghe tôi nói hết câu đã đi mất, tôi lí nhí thốt ra những chữ cuối cùng: “… gặp ai cũng được, miễn là giúp tôi thoát khỏi cảnh này…”

Đáp lại tôi là đủ giọng đàn ông vang lên từ hai buồng giam bên cạnh, vọng đi vọng lại trên hành lang. Đầu tôi ong lên, cảm thấy trời đất quay cuồng, tôi ngồi phịch xuống đất.

“Cô phạm tội gì vậy?” Chờ tiếng ồn ào lắng xuống, một phạm nhân nữ hỏi tôi.

“Lúc đầu họ nói visa của tôi có vấn đề, sau đó lại bảo tôi ăn trộm.” Tôi lau mồ hôi trên trán, đáp.

“Cô ăn trộm thứ gì?”

“Tôi không ăn trộm gì cả! Họ đổ oan cho tôi!” Tôi phẫn nộ nói.

Nữ phạm đó hờ hững nói: “Ai chả nói mình bị oan!”

Tôi ấm ức đến mức không muốn vặc lại nữa, lát sau lại hỏi: “Thông thường, sau bao lâu họ sẽ cho phép phạm nhân liên lạc với bên ngoài?”

“Ba đến năm ngày.”

“Tôi không chờ được lâu như vậy. Tôi phải tìm lãnh sự quán.” Tôi vội nói.

“Đại sứ quán nào?”

“Lãnh sự quán Trung Quốc.”

Bà ta có vẻ ngạc nhiên, hỏi lại tôi: “Cô không biết đại sứ quán Trung Quốc đã rút khỏi Pakistan từ lâu rồi sao?”

“Cái gì?” Tôi kinh ngạc kêu lên.

“Cô không biết ở đây đang đánh nhau à?”

Nhìn gương mặt không vẻ có gì là đùa cợt của đối phương, tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Tất nhiên là khi mấy tay cảnh sát chẳng nói chẳng rằng bắt tôi ngay giữa đường, tôi cũng sợ hãi, nhưng sự sợ hãi lúc này còn lớn hơn gấp bội. Đó là sự hoảng sợ khi đối diện với vực thẳm. Trời ạ, bây giờ phải làm thế nào đây? Nữ phạm đó nhìn thấy khuôn mặt trắng bệch của tôi, đột nhiên hỏi: “Được rồi, vậy cô có muốn ra ngoài không?”

Tôi quay phắt sang nhìn bà ta.

“Hì hì, đừng nhìn tôi như vậy.” Bà ta bĩu môi, nói. “Cũng chẳng phải là chuyện gì mới mẻ, cô cứ gửi đơn lên tòa án, nộp ít tiền phạt, cho người này năm trăm, người kia một ngàn, nói chung là không cần nhiều lắm đâu. Chắc chắn cô sẽ được thả.”

Tôi run rẩy hỏi lại: “Ý bà là hối lộ?”

“Suỵt… Này, cô gái, hai chữ này không được nói to.”

Tôi lập tức im bặt. Thần người vài giây, tôi đã nhìn thấy một tia hi vọng, phải rồi, hối lộ, chỉ cần có thể ra khỏi đây, cách gì cũng không quan trọng.

“Thế cô có tiền không?” Bà ta nhìn tôi chằm chằm, hỏi tiếp.

“Còn một ít. Bọn họ đã tịch thu hết tư trang của tôi rồi, hộ chiếu, điện thoại, ví tiền,… nhưng may mà tôi vẫn còn một ít.”

“Ở đâu?” Bà ta vội hỏi

“Sao cơ?”

“Tiền của cô để ở đâu?”

Đến lúc này, tôi mới để ý đến ánh mắt tham lam và hung dữ của người đàn bà này. Tôi vô thức lùi lại, bà ta tiến đến, nói: “Tiền đâu? Đưa đây!”

Tôi cuống quýt nắm chặt con dao găm Skija trong ống tay áo, từ khi bị Laila rút dao đe dọa ở hội sở, tôi luôn giấu nó trong người để phòng thân. Tôi đeo nó vào cổ tay, trông như đeo một chiếc vòng, có lẽ vì vậy mà cảnh sát không để ý.

Đột nhiên, nữ phạm kia “gừ” một tiếng và hung hăng lao về phía tôi. Trước mắt tối sầm lại, chưa kịp rút dao ra tôi đã bị đẩy ngã xuống đất. Hassan nói thời điểm rút dao vô cùng quan trọng, đáng tiếc tôi không phải một học sinh xuất sắc. Quần áo tôi bị xé toạc, cuộn tiền phòng thân giấu ở góc áo rơi ra, bà ta lập tức buông tôi ra và bổ nhào đến chỗ cuộn tiền.

Lúc tôi lồm cộm bò dậy được, người đàn bà đó đã mất tăm mất tích từ lúc nào rồi. Cả người tôi như hóa đá, không biết là nên đi tìm bà ta hay là báo cảnh sát, hay là coi như mọi chuyện chưa từng xảy ra.

Trong lúc giằng co với nữ phạm kia, tôi đã va phải vài phạm nhân khác, họ vội vàng tránh sang một bên, những người không tránh được thì cất lời chửi bới, nhưng nhiều hơn cả vẫn là biểu cảm thờ ơ. Trong số những gương mặt thờ ơ đó, tôi đột nhiên bắt gặp một gương mặt quen thuộc, bốn mắt nhìn nhau, cả hai đều ngớ ra.

“Jiahan? Sao cô lại ở đây?” Tôi kinh ngạc thốt lên. 

Jiahan cũng kinh ngạc không kém, nhưng chỉ sau vài giây ngắn ngủi, cô ta đã trở về với vẻ thờ ơ như cũ, kéo khăn choàng lên, lảng tránh ánh mắt của tôi, cúi đầu, thu người vào góc.

Tôi cảm thấy có gì đó không ổn. Trong trí nhớ của tôi, Jiahan là một cô gái năng động, căng tràn sức sống, thích Lâm liền tỏ tình ngay, sau khi bị từ chối cũng không lằng nhằng đeo bám. Vậy mà cô gái ở trước mắt tôi lúc này trông vô cùng mệt mỏi như đã mất hết sức sống, quần áo thì đã tả tơi, rách rưới, khắp người đều là những vết đen như vừa chạy ra từ một đám cháy. Cô ta co ro ở một góc tường như một kẻ lang thang vừa trải qua kiếp nạn, không có đường để về.

“Jiahan? Jiahan, cô làm sao vậy?” Tôi lại gần cô ta, ngồi xuống hỏi. 

Cô ta vờ như không nghe thấy, chỉ gục đầu xuống hai đầu gối.

Tôi lo lắng hỏi tiếp: “Jiahan, tôi là Mễ Lạp đây. Sao cô lại ở đây, đã xảy ra chuyện gì?”

Đầu cô ta càng cúi thấp hơn.

Tôi giơ tay, khẽ chạm vào vai cô ta. “Jiahan, đừng làm tôi sợ, cô sao vậy?”

Cô ta rụt vai lại, tránh bàn tay của tôi. Hình như tôi đã đọc được ở đâu đó rằng, ghét bị người khác chạm vào người là tư thế tự vệ sau khi phải chịu một tổn thương nặng nề. Không hiểu rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra với cô ta.

Nhất thời, tôi không biết phải làm thế nào, ngoài việc lo lắng nhìn Jiahan. Mãi lâu sau, cô ta mới khẽ lẩm bẩm một câu: “Đều chết cháy cả rồi.” Dứt lời, cả người cô ta bắt đầu run rẩy. “Không còn lại một ai! Bố tôi… mẹ tôi… đều chết cháy cả rồi.”

Tôi sởn cả gai ốc, cuống quýt hỏi: “Sao lại đều chết cháy?”

Cuối cùng, cô ta cũng ngẩng đầu, đờ đẫn nhìn tôi, nói: “Thôn Gama… mấy trăm người của thôn Gamma hạ và Gama thượng, những ngôi nhà, rừng cây, trường học… tất cả đều bị đốt hết rồi. Bố mẹ và em trai tôi cũng bị chết cháy cả rồi.”

Chết cháy? Mấy chữ này từ từ vẽ nên một cảnh tượng thảm khốc trong đầu tôi. Thôn Gama bị cháy rồi sao? Wughi, Ceda, Sila… Trong đầu tôi vụt hiện lên hàng loạt cái tên, hình ảnh căn nhà mà tôi đã từng sống, rừng cây hạnh xinh đẹp, và cả những người dân lương thiện… Tất cả đều bị thiêu rụi rồi sao? Sao tự nhiên lại có đám cháy lớn như vậy?

“Sao lại xảy ra hỏa hoạn? Sao cô lại ra nông nỗi này? Mọi người có sao không?” Tôi tuôn ra một tràng câu hỏi, đột nhiên lại thấy thật kì lạ. Mười ngày trước, tôi còn nhận được điện thoại của Dela cơ mà, tôi đến Pakistan mới được vài ngày, căn cứ theo thời gian, thời điểm thôn Gama xảy ra hỏa hoạn trùng với thời gian tôi đến Pakistan, nhưng chẳng phải Dela nói rằng Wughi đã triệu tập tất cả dân làng để bắt tay xây dựng trường học sao? Thôn Gama ở chân núi tuyết, nhà cửa đều được xây bằng đá, sao có thể cháy được? Còn Dela, rốt cuộc anh ta đã đi đâu?

Jiahan nước mắt lã chã, hỏi: “Mấy trăm con người, nhà cửa, đồ đạc đều bị thiêu rụi bởi một mồi lửa, cô nói xem có sao không?”

Ý của cô ta là tất cả mọi người, cô bé Ceda đáng yêu, ông lão Wughi uyên bác, bà Sila hiền hậu, còn có bé Ali và vợ của Abbas nữa… đều chết rồi sao? Không! Điều này không thể là sự thật được. Đầu óc choáng váng, hai đầu gối bủn rủn, tôi ngã khuỵu xuống đất.

“Chúng tôi đều nghĩ đó là quân Dostum. Từ đầu mùa xuân, họ đã tập trung ở thung lũng. Bố tôi nói đèo Khyber là nơi nhiều thế lực quân sự đối địch, rất nhiều đội quân bí quá hóa liều, muốn vượt qua dãy Karakoram nên phải đánh bọc sương từ phía sau. Nhưng Gul nói không phải, đó là “những người ngoại tỉnh”.” Jiahan lẩm bẩm với ánh mắt trống rỗng.

Thì ra, sau khi nghe tin tôi mua vật liệu xây dựng trường học cho thôn Gama thượng, Jiahan thường xuyên đi ra khỏi thôn, vì cô ta không thích nghe dân làng suốt ngày bàn tán chuyện xây trường học, và nhất là tên của tôi. Một hôm, cô ta kéo Gul ra khỏi thôn, cũng có thể vì vậy mà cô ta thoát nạn.

Bọn họ đứng trên một dốc núi, nhìn thấy xa xa có hai chiếc xe tải Toyota vũ trang đầy đủ, chở đầy binh lính râu ria xồm xoàm, đầu đội khăn đen. Một nhóm binh sĩ liên tục vung vẩy súng tiểu liên, la hét om sòm, nhóm còn lại thì giơ bàn tay băng bó chằng chịt lên cao một cách đầy kiêu hãnh. Hai chiếc xe tải dừng lại ở một nơi khá rộng lớn của thung lũng Broughton, sau đó các binh sĩ xuống xe và đi bộ vào thôn Gama. Vừa vào thôn, họ liền đốt nhà. Ban đầu, họ chỉ đuổi dân làng đi, nhưng khi dân làng phản kháng, họ bắt đầu nổ súng, giết chết dân làng.

“Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết họ là ai, nhưng mỗi khi giết chết một dân làng, họ lại kêu to lên một tiếng: “Oui” (phải). Tôi sẽ không bao giờ quên từ này, tôi nhất định, nhất định sẽ báo thù cho người dân Gama!” Jiahan vừa nói vừa nghiến răng kèn kẹt, hai bàn tay đặt trên đầu gối run lẩy bẩy. Nhưng nỗ lực tỏ ra kiên cường đó hoàn toàn vô ích, chỉ trong giây lát, cô ta đã lại suy sụp, òa lên khóc. “Tôi không biết có ai còn sống sót không. Khi tôi và Gur định chạy về làng thì có kẻ đánh lén từ phía sau, khiến tôi ngất đi. Khi tỉnh dậy, tôi đã thấy mình ở đây rồi.”

“Từ lúc đó đến giờ, cô vẫn luôn ở đây à? Có gặp người nào khác trong thôn không?”

Cô ta vừa nức nở vừa lắc đầu, nói: “Tôi không biết. Sau khi tỉnh lại… tôi đã thấy mình ở đây rồi.”

Chuyện này thật kì lạ, nhưng rốt cuộc kì lạ ở chỗ nào thì nhất thời tôi lại không thể nhìn ra được. Trầm ngâm giây lát, tôi hỏi: “Cô có biết Dela ở đâu không?”

Jiahan ngỡ ngàng hỏi lại: “Chẳng lẽ Dela đợi cô ở Changga sao? Hại người không gặp được nhau à? Phải rồi, sao cô ta lại ở đây?”

Tôi cười khổ, cuối cùng thì cô ta cũng nhận ra điều này rồi. Vừa định trả lời thì một cảnh sát đi tới, vẫy tay gọi Jiahan và nói: “Có người tới thăm cô.”

Cả Jiahan và tôi đều vô cùng ngỡ ngàng, cô ta liền đứng dậy đi theo tay cảnh sát. Tôi thẩn người nhìn theo bóng họ, tự hỏi người tới thăm cô ta liệu có phải là Dela, người của thôn Gama hạ hay là người quen nào khác? Trái tim đang chìm trong tuyệt vọng đột nhiên lóe lên một tia hi vọng nhỏ nhoi, có người tới thăm cô ta nghĩa là tôi cũng được cứu ra?

Nhưng không ngờ Jiahan lại không quay lại nữa.

Tôi đứng ngồi không yên, lúc thì hy vọng Jiahan nhanh chóng quay về, lúc lại nghĩ cô ta không quay về thì tốt hơn. Sợ hãi và hi vọng luân phiên giày vò ruột gan tôi, cuối cùng, tôi túm lấy một viên cảnh sát, hỏi: “Cô gái lúc nãy đi đâu rồi, đi gặp ai? Có quay lại không?”

Viên cảnh sát đương nhiên không thèm để ý đến câu hỏi của tôi. Một nữ phạm không chịu được, bèn nói xen vào: “Họ sẽ không nói cho cô biết đâu, còn cô gái đó chắc đã đi từ lâu rồi.”

“Đi đâu?”

“Cô nói xem cô ta đi đâu? Đương nhiên là rời khỏi chỗ này rồi.” Cô ta đáp với vẻ khinh miệt.

Tôi nhìn cô ta, sững sờ một lúc rồi lắc đầu quầy quậy, nói: “Không đâu, cô ấy sẽ không bỏ tôi lại.”

Nữ phạm đó cười khẩy một cái rồi không thèm để ý tới tôi nữa.

Tôi không tin Jiahan sẽ bỏ mặc tôi ở đây, vấn đề là ai đã đưa cô ấy đi. Nếu là người của thôn Gama thì sẽ không thể chỉ cứu cô ấy mà bỏ tôi lại, vậy thì là ai? Thời gian càng trôi, tâm trạng bất an của tôi càng lúc càng lớn.

Sáng sớm hôm sau, tôi bị áp giải lên một chiếc xe tù càng vài phạm nhân khác. Cửa xe đóng sầm lại, sau đó xe lắc lư khởi động, hướng về phía ngoại thành Changga. Hàng ghế phía trước có bốn tay cảnh sát áp tải, dưới ánh nắng yếu ớt của buổi bình minh, tôi nhìn thấy khẩu súng lấp loáng trong tay họ.

“Chúng ta đang đi đâu vậy?” Tôi quay sang hỏi một phạm nhân ngồi trong góc. Ngoài tôi ra, trên xe còn ba phạm nhân nam khác. Cả ba đều nhíu mày nhìn tôi, như thể tôi đã quấy rầy việc suy nghĩ của họ. Lát sau, một người trả lời: “Peshawar.”

“Đến đó làm gì?”

“Cô nói xem để làm gì? Đương nhiên là đi ngồi tù rồi.”

Tôi túm chặt thanh vịn trên ghế, đến nỗi các khớp xương trở nên trắng toát. “Nhưng, tôi vẫn chưa trải qua một cuộc thẩm vấn nào mà.”

“Tôi không biết thẩm vấn thẩm viếc gì hết, tôi chỉ biết tôi, cô và bọn họ, đều phải đến nhà tù Peshawar.” Phạm nhân đó nói.

Lúc này, chiếc xe đang đi qua cổng thành của Changga, người đi đường đều nghiêng người tránh hoặc đứng im bất động, đợi chiếc xe tù đi qua. Dưới ánh nắng ban mai rực rỡ, đột nhiên nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc với chiếc áo dài bụi bặm. Muri! Đó là Muri!

Tôi lao tới, ra sức đập vào cửa sổ xe, gào ầm lên: “Muri! Muri!”

Chiếc xe lắc lư mạnh nhưng không dừng lại. Giật mình bởi tiếng gào thét của tôi, không ít người đi đường dừng lại, nhìn theo chiếc xe tù với ánh mắt nghi hoặc. Tay cảnh sát ngồi trong buồng lái phẫn nộ, nhảy vào thùng xe, vung cái dùi cui về phía tôi. “Bốp” một tiếng, tôi thấy máu chảy xuống một bên má, đám cảnh sát thì chửi bới om sòm. Tôi vẫn muốn gọi Muri, nhưng dùi cui cứ hết đợt này đến đợt khác rơi xuống như mưa, khiến tôi không sao mở miệng ra được.

Tôi cắn chặt môi chịu đau, sực nhớ còn con dao găm skija, nhưng một giây trước khi tôi bất chấp tất cả xông lên, phạm nhân ban nãy nói chuyện với tôi đã giữ chặt tay tôi lại, nói: “Cô gái, bình tĩnh!”

Tôi hất tay anh tar a, muốn bất chấp tất cả để nhảy ra khỏi chiếc xe tù này, Muri chỉ đứng cách đó có chục mét chỉ cần tôi thoát ra khỏi chiếc xe khốn kiếp này là có thể được tự do. Đúng lúc ấy, tôi nhìn thấy Muri quay người sang cúi đầu với thái độ cung kính, mấp máy môi nói gì đó với một cô gái có dáng người dong dỏng cao, mặc chiếc Burqa truyền thống. Mặc dù cả người cô gái bị Burqa che khuất, nhưng từ đôi mắt màu xanh xám đầy quyến rũ đó, tôi vẫn có thể nhận ra đó là Laila.

Tại sao cô ta lại ở Changga? Ánh mắt của Laila liếc qua chiếc xe tù, tôi nhìn chằm chằm vào cô ta qua ô cửa kính có song sắt, nhưng xa quá, không biết cô ta có nhìn thấy tôi không.

Chiếc xe tù xuyên qua đám đông, đi ra cổng thành Changga, bỏ lại Muri và Laila ở phía sau. Cảnh sát thấy tôi không nổi điên nữa, chỉ chửi mắng một hồi rồi quay đầu đi. Tôi đưa tay lên lau sạch vết máu trên mặt, khẽ lắc đầu, ý bảo mình không sao. Hàng loạt câu hỏi vần vũ trong đầu tôi: Laila đang ở Changga, còn Lâm thì sao? Anh có đang ở đây không? Phải chăng Laila cũng đang biết tôi đang ngồi trên chiếc xe tù này? Tôi ngước mắt nhìn mấy tên cảnh sát áp giải một lần nữa. Lúc này, phạm nhân ngồi bên cạnh tôi mới khẽ nói: “Cô gái, bất luận cô muốn gì, hãy đợi đến Peshawar rồi tính. Ở đó có gần một nghìn người, thế nào cũng có cách.”

Tôi quay sang nhìn anh ta chằm chằm. “Tôi tên là Wata. Rất vui được làm quen với cô.” Anh ta nhe hàm răng nham nhở ra cười, khẽ tự giới thiệu. Tiếng Urdu của anh ta mang nặng khẩu âm Pashtun. Tôi chỉ khẽ gật đầu rồi quay đi chỗ khác, giờ này làm gì còn tâm trạng để kết bạn. Mang tâm trạng hỗn loạn và bất an, tôi thẫn thờ nhìn những con đường, núi tuyết và đồng cỏ đang lùi dần về phía sau, thực sự không hiểu vì sao mình từ một du khách lại biến thành tù nhân chỉ trong một sớm một chiều như vậy.

Sau một chặng được dài, cuối cùng, chiếc xe đã đến đích vào buổi chiều cùng ngày. Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi trước mắt mình là bầu trời trong vắt của Peshawar.

Peshawar được gọi là “thành phố ngàn hoa”, thuộc tỉnh biên giới Tây Bắc của Pakistan. Tự cổ chí kim, nơi đây chính là điểm trung chuyển hàng hóa phồn hoa nhất, thùng thuốc nổ của lịch sử cận đại, chợ đen và nơi buôn bán vũ khí lớn nhất vùng Trung Á.

Nhà tù Peshawar sừng sững tọa lạc tại một góc của thành phố, đó là một công trình kiến trúc được tạo thành từ tường đỏ và gạch men trắng. Nhìn thoáng qua, nó cũng không có gì khác biệt so với các công trình kiến trúc khác của thành phố, đều là nóc nhà hình củ hành tây trắng muốt, đậm phong cách Hồi giáo Trung Á, nhưng bốn góc đều có đài quan sát, lúc nào cũng có cảnh vệ vác súng canh gác, còn trên tường là hàng rào dây thép gai kiên cố. Đó là một thế giới khác, một thế giới mà trước kia tôi cho rằng một nhân viên văn phòng làm công ăn lương như tôi không bao giờ có thể chạm tới được, thế giới không có tự do.

Cảnh sát mở cửa xe, gào lên: “Ra đi, đến nơi rồi!”

Vậy là tôi đã đến địa ngục. Nhà tù Peshwar, trông từ xa thì rất đẹp, nhưng đến gần mới phát hiện nó vô cùng xấu xí và cũ kĩ, như thể được xây từ thế kỉ trước, tường nhà loang lổ được xây từ bùn đất, chỉ cần có mưa lớn hay động đất là sẽ sụp đổ. Đáng tiếc, Trung Á nằm ở giữa lục địa, từ trước đến nay chưa từng xảy ra động đất, cũng rất ít mưa.

Chúng tôi lần lượt đi qua cánh cửa nhỏ duy nhất trên dãy tường bao dài dằng dặc, có vài cảnh sát cầm súng trường đứng ở đó, giống hệt những Môn thần mặt đen. Nhìn thấy khuôn mặt và làn da trắng khác hẳn người bản địa của tôi, họ đều vô cùng kinh ngạc.

Ấn dấu vân tay đăng kí xong, tôi cùng với các tù nhân được dẫn vào một căn phòng tối tăm, chật hẹp nhưng rất dài để lắng nghe bài giáo huấn vỡ lòng để quản giáo. Tôi đứng ở hàng cuối cùng, tinh thần vẫn vô cùng hoảng loạn. Laila xuất hiện ở Changga, Dela mất tích, Gama bị thiêu rụi, tôi bị hãm hại phải vào tù, tất cả những việc này chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên hay có liên quan với nhau? Phải chăng những việc này đều do Laila sắp đặt? Nghĩ đến đây, tôi rùng mình ớn lạnh, chẳng phải cô ta đã đính hôn với Lâm rồi sao? Cô ta đã là kẻ thắng cuộc, việc gì phải tốn công tốn sức hãm hại tôi chứ?

Thấy tôi không tập trung nghe, quản giáo nhìn chằm chằm vào mặt tôi, nói: “Có vài người trong số bọn mày phải ở lại đây rất lâu. Muốn sống thì chỉ có một cách, đó là ngoan ngoãn chấp hành quy định, bọn tao cho ăn cơm thì phải ăn cơm, bảo đi ngủ thì phải đi ngủ, cũng không được giở trò, gây sự. Nếu vi phạm quy định, tao bảo đảm bọn mày phải cầu xin Thánh Allah để không bao giờ phải gặp lại bọn tao nữa. Được rồi, bây giờ sẽ có người dẫn bọn mày đi tắm rửa, sau đó ai về buồng giam người đó.” Dứt lời, quản giáo quay người bỏ đi.

Tôi giơ tay, nói: “Xin hỏi, tôi có thể…”

Quản giáo quay phắt người lại, giận dữ quát: “Câm miệng! Bọn tao không hỏi thì chúng mày không được phép mở miệng. Nghe rõ chưa hả, đồ ngu?”

“Nhưng tôi không thể bị giam ở đây. Các người không có quyền bắt giam tôi, tôi muốn gọi điện cho lãnh sự quán!” Có lẽ đây là cơ hội cuối cùng để tôi cầu cứu, nên tôi không thể tiếp tục mềm yếu được nữa, lớn tiếng kháng nghị.

Đám phạm nhân kinh ngạc nhìn tôi. Quản giáo dõng dạc nói: “Tất nhiên là bọn tao có quyền giam mày ở đây, mà cũng không có điện thoại cho mày gọi đâu, bởi vì mày là một tên trộm, một kẻ năm lần bảy lượt phạm tội. Đây là lần thứ ba mày phải vào tù, thời hạn thi hành án là bảy năm, còn nữa, chẳng có lãnh sự quán nào liên quan đến mày cả, mày là người Pakistan, tên là Abu Bostan.”

Tôi nghe những lời tên quản giáo nói mà như nghe sét đánh bên tai. Abu Bostan, một cái tên Pakistan chính hiệu. Tôi thét lên, đầu tiên là bằng tiếng Anh, sau đó là tiếng Urdu: “Tôi không phải là Abu Bostan! Tôi không ăn trộm, cũng không phải là người Pakistan, tôi là…”

Đột nhiên, Wata đứng bên cạnh giơ tay bịt chặt miệng tôi, ghìm chặt không cho tôi giãy giụa, đồng thời hạ giọng nói: “Xin cô đấy, cô gái, hãy nghe lời tôi. Abu thì Abu, chẳng phải chỉ là một cái tên thôi sao?”

Nhưng nếu ngay đến cái tên của mình tôi cũng bị cướp mất thì tôi sẽ chết rục trong cái nhà tù này mà không ai hay biết mất. Bàn tay to lớn, đầy bùn đất của Wata gần như che kín cả mặt tôi, chỉ chừa lại một khe hẹp ở trên mặt, tôi nhìn thấy tên quản giáo với ánh mắt kinh miệt, nanh ác và tàn nhẫn. Wata ghé sát tai tôi, nói với vẻ lo lắng: “Hutu là tên khốn, đừng chọc giận hắn ta!”

Mắt tôi hoa lên, cơn ác mộng đã biến thành sự thật rồi, mặc dù không biết là ai, nhưng chắc chắn có kẻ muốn hãm hại tôi, từng bước từng bước dụ tôi chui đầu vào tròng, bây giờ, chiếc thòng lọng trên cổ tôi đã thít chặt lại rồi. Thế lực của đối phương ắt hẳn rất lớn, không chỉ lừa tôi đến Peshawar, còn gán cho tôi một thân phận giả, rõ ràng là muốn tôi biến mất khỏi thế gian này! Biến mất chứ không phải là chết, xét ở phương diện nào đó, phương thức này còn tàn khốc hơn nhiều so với giết người. Nhưng điều khiến tôi sợ hãi không chỉ có thế, nhìn quanh đều là đàn ông, từ tù nhân tới quản giáo, từ cai ngục tới giám ngục, tất cả đều là đàn ông, chỉ có mình tôi là phụ nữ.

Peshawar không có nhà tù riêng dành cho phụ nữ, trên thực tế thì khắp cả Pakistan đều không có, tất cả tù nhân đều bị giam cùng một nơi. Không giống như các nước khác, tù nhân nữ ở Pakistan đại đa số không phạm tội phóng hỏa hay giết người, mà là tội gian dâm, ngay cả những cô gái từ chối sự sắp đặt hôn nhân của cha mẹ hay yêu đương vụng trộm đều bị gán tội danh này. Vì số lượng quá ít nên họ giam chung với tù nhân nam, tuy luôn có một khu vực riêng dành cho nữ, nhưng điều này lại khiến cho tình hình càng tệ hại hơn, thử tưởng tượng ở một nơi toàn nam giới, bỗng lác đác xuát hiện vài người khác giới xem, thật đáng sợ!

Tôi và Wata bị nhốt ở hai khu vực khác nhau. Lúc chia tay, anh ta có vẻ rất lo lắng, dặn đi dặn lại: “Bất luận xảy ra chuyện gì, quan trọng nhất là phải tiếp tục sống!” Câu nói này của anh ta làm cho sự tuyệt vọng và hoảng sợ của tôi lên đến đỉnh điểm, đặc biệt là khi bị Hutu dẫn qua các buồng giam dành cho nam giới để sang buồng giam dành cho nữ giới. Đám tù nhân nam chen chúc về phía hang rào sắt, kêu gào ầm ĩ, giống như lên cơn cuồng hoan. Trong số họ có người là Pashtun, người Tajik, Kazakh, Sikh, thậm chí cả những người Ấn Độ da nâu.

Tôi khiếp đảm trước cảnh nước bọt văng tung tóe, những hàm răng nham nhở và những cặp mắt đỏ au, chỉ biết nghiến chặt hai hàm răng vào nhau, cắm cúi đi, không dám nhìn ngang nhìn dọc quá nhiều. Khi sống trong thời bình, người ta phân biệt người với người là bằng nhiều tiêu chí: quốc tịch, dân tộc, khu vực, thậm chí là quần áo, trang sức, vóc dáng, tuổi tác; nhưng trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó thì chỉ có một tiêu chí phân loại, đó là đàn ông và đàn bà.

Trong thế giới được bao bọc bởi dây thép gai này có vô số buồng giam. Buồng giam của nam giới ước tính khoảng năm mươi mét vuông, mỗi buồng giam hai mươi tù nhân, nhưng nhìn thoáng qua cũng thấy có tới cả trăm người bị nhét vào một buồng. Chỗ nào  cũng ô uế bẩn thỉu, hôi thối nồng nặc. Thế nhưng đây vẫn chưa phải là điều khó chịu nhất, không gian chật chội đã khiến các phạm nhân luôn trong trạng thái khó chịu và hung hăng, không ngày nào là không xảy ra các trận ẩu đả.

Buồng giam nữ phía sau buồng giam nam, mỗi buồng sáu tù nhân. Ở đây, buồng giam nữa được gọi là “hoa viên”, ban đầu, tôi tưởng đó là vì họ được ưu tiên hơn về mặt không gian so với phạm nhân nam, nhưng thực tế đã chứng minh tôi quá ngây thơ.

Khi tôi bước vào buồng giam, đám tù nhân nữ nhất loạt ngẩng đầu lên nhìn, trên gương mặt của họ có sự lạnh lùng, đờ đẫn và sự xót xa. Tất cả những phản ứng này, tôi đều đã lường trước, điều khiến tôi bất ngờ chính là trong số họ lại có cả Jiahan. Nhìn thấy tôi, Jiahan lại không có vẻ ngạc nhiên, chỉ nhìn tôi một cách đờ đẫn, như thể tôi là một người xa lạ.

“Giường của mày ở đằng kia.” Quản giáo Hutu vừa nói vừa nhìn chằm chằm vào người tôi.

Tôi nhìn chiếc giường, đúng lúc có một con gián to tướng bò qua chiếc nệm. Hutu toét miệng cười, nói: “Ghét bẩn phải không, nếu mày khiến tao vui vẻ, có thể không cần ngủ ở đó.” Vừa nói, hắn ta vừa sờ mông tôi. Không kịp đề phòng, tôi nhảy dựng lên. Phản ứng này càng khiến đối phương thích thú, nhăn nhở cười, nói: “Tối nay, ta sẽ tới thăm em, em yêu.”

“Tối nay, ta sẽ tới thăm em”, có người phụ nữ nào lại không hiểu được ẩn ý trong câu nói này chứ? Nỗi khiếp sợ dâng trào từ tận đáy lòng, tôi dựa cả người vào tường, đầu óc choáng váng.

Sau khi Hutu đi khuất, một tù nhân nữ nhổ nước bọt xuống đất, phẫn nộ nói: “Đêm nay, đừng có nghĩ tới chuyện ngủ.”

Tôi cố hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh. Một lúc sau, tôi đến gần Jiahan, hỏi: “Jiahan, sao cô lại ở đây?”

Jiahan quay lưng lại phía tôi và nằm xuống.

Tôi khẽ chạm vào người cô ta, gọi lần nữa. Đột nhiên cô ta thét lên: “Cút đi!” Đồng thời, một vật giống như chiếc khay bay đến, đập vào đầu tôi và rơi xuống đất, phát ra tiếng loảng xoảng chói tai.

“Jiahan?” Tôi ngây người sững sờ.

“Tôi không quen biết cô. Tránh ra!” Cô ta quay lại nhìn tôi, gằn từng tiếng một rồi lại quay đi.

Tôi vốn định hỏi xem hôm đó, ai tới thăm cô ta, tại sao cô ta lại bị đưa đến nhà tù Peshawar, quan trọng hơn nữa là muốn tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng tình hình này chắc là không hỏi han gì được rồi. Thẫn thờ một lúc lâu, tôi đành chậm rãi quay về giường của mình.

Bữa tối hôm đó là cháo. Lúc phát thức ăn, một cai ngục nhìn chằm chằm vào mặt tôi, nói với giọng điệu vô cùng dâm đãng: “Tao đã xếp hàng rồi.” Cả buồng giam im phăng phắc, bao gồm cả Jiahan…

Cuối cùng, màn đêm cũng buông xuống, cả buồng giam tối như cái hũ nút, khiến tôi vô cùng căng thẳng. Có con gì đó bò vào gáy tôi, tôi cắn chặt môi dưới, nuốt tiếng thét vào bụng. Thời gian chầm chậm trôi đi, tôi nhìn chằm chằm ra cửa, nhẩm đếm: “103, 102, 101,…” Nửa đêm, ngoài hành lang vang lên tiếng bước chân và tiếng cười nói của đàn ông, hình như không chỉ có một người, sau đó là tiếng chìa khóa va vào nhau leng keng, cửa buồng giam bị đẩy ra.

Tiếng bước chân nặng trịch tiến gần đến giường tôi, tôi sợ đến mức không dám thở. “Em cũng không chờ được nữa rồi, phải không?” Giọng của Hutu. Hắn ta cười khanh khách, ghé sát cơ thể hôi hám nồng nặc vào người tôi. Tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực.

Sau Hutu còn có mấy gã nữa. Cả bọn lao đến, tôi chỉ còn cách lùi lại góc tường, run rẩy như con thú nhỏ chạy trốn kẻ săn môi. Bóng của Hutu bao trùm cả người tôi, hắn cười dâm đãng, nói: “Ngoan nào, ta sẽ khiến em thấy dễ chịu ngay thôi.” Ngoài tiếng thở nặng nề của đám đàn ông, cả phòng giam không còn âm thanh nào khác, tất cả các tù nhân, bao gồm cả Jiahan, đều im lặng.

Tôi lao ra khỏi giường, nhưng chưa kịp chạy đã bị đám cai ngục kéo chân, lôi trở lại giường. Tôi cố gắng rút chan ra, nhưng lại bị chúng đè xuống. Tiếng quần áo bị xé toạc vang lên chói tai, khiến người ta không khỏi sởn gai ốc. Một bàn tay thô bạo kéo quần của tôi xuống và sờ soạng khắp người tôi. Hutu nhào đến, tôi nghiến chặt răng, kìm nén những giọt nước mắt đang chực trào ra, vung tay lên. Con dao găm trên cổ tay lập tức bung ra, đâm thẳng vào mắt hắn. Cơn đau khiến cho hắn bật ra khỏi người tôi, co rúm người lại, kêu rống lến. Bọn cai ngục khác thấy hắn đột nhiên kêu la thảm thiết thì không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi bị lôi ra khỏi giường, ném xuống đất, lục phủ ngũ tạng cơ hồ đều đảo lộn. Tôi gắng sức bò ra cửa, nhưng chưa được bao xa thì bị kéo lại, một vật sắc nhọn rạch vào mặt tôi, từ khóe môi đến mắt.

Tôi hết sức bình sinh gào lên: “Hutu, đợi tao thoát khỏi đây, nhất định tao sẽ khiến lũ chúng mày chết không toàn thây!” Một tên cai ngục lập tức cho tôi một cái tát nảy lửa, tôi lảo đảo ngã đập đầu vào chỗ nào đó, mặt mũi đầm đìa máu. Hutu đứng ở góc buồng giam, tay ôm chặt mắt, gào lên: “Giết nó cho tao!”

Máu chảy che khuất tầm nhìn, tôi cố gắng căng mắt lên, tay vẫn nắm chặt con dao găm, chắc mầm mình sẽ chết ở chỗ này, vào ngày này, nhưng ít nhất tôi có thể chết một cách trong sạch. Lại có một bóng đen cúi xuống nhìn tôi và giơ cao chiếc dùi cui trong tay. Đột nhiên đèn điện ngoài hành lang được bật lên, ánh sang chói mắt lập tức bao trùm cả buồng giam lộn xộn. Một giọng nói the thé vang lên: “Trời ạ, các người đang làm gì thế hả?”

Đám cai ngục đồng loạt dừng tay, khúm núm tranh nhau chào hỏi, ngay cả Hutu ở góc phòng cũng cố gắng đứng dậy, cung kính chào: “Đại nhân!”

Người được gọi là đại nhân đó bước vào phòng, mặt mũi dễ coi, quần áo chỉnh tề, là lượt từ đầu đến chân. Đó chính là Darla, giám ngục trưởng của nhà tù Peshawar. Cả buồng giam im thin thít, ai cũng kinh ngạc vì Darla xuất hiện ở đây vào lúc này, tôi nép vào một góc phòng, con dao găm vẫn lăm băm trong tay. Darla cất giọng the thé, ra lệnh: “Đưa nữ phạm này vào hầm tối, còn mấy người…” Anh ta chỉ tay vào đám cai ngục, nói tiếp: “Mau đỡ anh ta đi khám bác sĩ!”

Tôi kinh ngạc ngẩng đầu nhìn Darla, không ngờ mình lại nhận được sự giúp đỡ từ anh ta. Mặc dù hầm tối cũng chẳng phải là một nơi hay ho, nhưng lúc này, đối với tôi nó chính là hầm trú ẩn an toàn nhất. Sau khi để lại mệnh lệnh, Darla quay người bỏ đi luôn, nhưng được vài bước anh ta đột nhiên dừng lại, quay người tiến đến chỗ tôi cúi xuống, nói: “Cho ta xem con dao Skija của cô một chút được không?”

Tôi liền đưa nó cho anh ta. Sau này tôi mới biết, Skija đứng hang thứ bảy trong mười con dao găm tốt nhất thế giới, lưỡi dao được làm từ gỗ mun và hợp kim, có sức sát thương rất lớn, không những vậy, nó còn là con dao kép quý hiếm, tức là có thể tacsg ra sử dụng riêng. Con dao này đã có tuổi đời hàng trăm năm, là món quà mà người thợ làm dao nổi tiếng nhất bộ tộc Pashtun dành tặng hai cô con gái nhỏ yếu ớt của mình, cho nên nó có cả hai chức năng là tấn công và ngụy trang. Bây giờ, một con dao đang ở chỗ Laila, con còn lại ở chỗ tôi. Con dao của tôi đã bị Darla tịch thu, còn tôi thì bị ném vào hầm tối.
Bình Luận (0)
Comment