Chuế Tế - Ở Rể ( Bản Dịch)

Chương 18 - Chương 18: Tự Treo Cành Đông Nam

Chương 18: Tự Treo Cành Đông Nam Chương 18: Tự Treo Cành Đông Nam

Từ đêm trung thu đó khi khúc Thủy điệu ca bị tiểu Thiền vô tình làm lộ, liền mấy ngày nay Ninh Nghị vẫn giả đò bị bệnh nằm nhà đọc sách, rảnh rỗi thì cùng tiểu Thiền chơi cờ năm quân. Hôm nay mới lần đầu tiên đi ra ngoài, buổi sáng lên học đường giảng bài, xế chiều đi lấy tấm ván gỗ đặt người ta sơn trắng, sau đó tiện thể mua vài cục than, thẳng một đường đến đây vừa vặn gặp hai người Tần lão và Khang lão.

Đối với thơ từ, Ninh Nghị cứ tiện là mở miệng ngâm nga không chút ngại ngần. Gã biết những bài thơ đó ở thế giới này là một loại vốn liếng rất quý hiếm, nếu ngày sau không chịu nổi nhàm chán mà muốn làm việc gì, cần chút danh tiếng hỗ trợ, khi đó xuất ra một bài hẳn sẽ thu được tiếng tăm không nhỏ. Nhưng hiện tại, nếu chỉ vì thỏa mãn một chút hư vinh mà lấy ra dùng thì rất là vớ vẩn.

Tài tử văn nhân thời đại này nói chuyện đều dẫn kinh trích sử, nếu muốn thu lấy ít danh tiếng chắc hẳn không tránh được chuyện bị người ta suy xét, so sánh này kia. Vậy nên dù hôm nay có nôn nóng lấy hết vốn thơ Đường thơ Tống lận lưng ra thì cũng chẳng đủ. Bây giờ nếu có mấy cuốn sách như Luận Ngữ hay Cao Học nằm trước mặt, gã đều có thể trình bày lý luận linh tinh một hồi, thậm chí có thể nêu lên không ít ý tưởng mới lạ, nhưng về mấy phương diện khác thì không có gì. Bài thơ kia để lộ ra quá sớm, nhưng chuyện đã xảy ra rồi, với tính tình của gã thì cũng thoải mái tiếp nhận thôi.

Đối với gã vấn đề này không có gì lớn, đi đường vòng hay đường thẳng, phương thức giải quyết vấn đề đều luôn thiên biến vạn hóa. Hôm trước, mấy vị Tô lão thái công và Tô Bá Dung kêu gã cùng Tô Đàn Nhi đến dò hỏi một phen, gã tùy tiện bịa ra câu chuyện rằng bài từ này không phải do mình viết, đâu ngờ trời đưa đất đẩy thế nào mà…

Tô lão thái công nhìn gã hồi lâu, rồi cười nói:

- Chuyện đã đến nước này, đối với bên ngoài phải bí mật mới được…

Lão nhân gia tinh minh, chuyện tin hay không đều rất khó nói. Nhưng nếu thực sự gã là một đại tài tử thì trên lập trường của Tô gia cũng hơi khó xử, trước mắt mọi người là đang đoán xuôi đoán ngược.

Đâu có tài tử nào đi ở rể mà thư thái như gã: không làm việc nhiều, không phải chịu trách nhiệm. Mọi người cũng không chờ mong nhiều ở gã nên không hề có áp lực, lại được lão thái công chiếu cố, cuộc sống thế này mà muốn thoát ra thì đúng là thằng ngốc. Không dễ mới có được mấy tháng nhàn hạ. Nếu không gặp phải chuyện gì lớn, cái thân phận ở rể này gã kiên quyết giữ lấy. Trong lòng nghĩ như vậy tự nhiên cảm thấy khá là lý thú, chỉ là nếu nói với người khác, sợ ngay cả tiểu Thiền cũng không chịu tin gã..

Mấy ngày vừa qua nhất định đã có lời đồn, đại khái gã cũng có thể tự đoán được sơ bộ, chỉ khi tiểu Thiền kể với gã tình buống ở hội thơ Chỉ Thủy lúc đó, gã mới bị cái tên Khang Hiền dọa cho hết hồn, cuối cùng nhịn không nổi bật cười. Trước đây đã biết lão đầu này không đơn giản, chỉ không ngờ tên tuổi lại lớn như vậy.

Sau mấy ngày nghỉ ngơi, mấy chuyện kia bị gã ném qua một bên, quay lại với nhịp sống bình thường. Ai ngờ lúc giảng bài sáng nay lại bị người tới tận thư viện Dự Sơn tìm kiếm, người tìm đến là kẻ đã bị Khang lão khiển trách Ngu Tử Hưng, cùng vài tên văn sĩ tới xin lỗi.

Nói theo một nghĩa nào đó, Ngu Tử Hưng bị Khang lão răn dạy giữa hội thơ đã khiến thanh danh y tổn thất mất bảy tám phần, thực sự là tai bay vạ gió. Thế nhưng Khang lão tiếc tài nên sau khi rời khỏi hội thơ đã gặp riêng dặn dò, chỉ bảo cho y tới đây xin lỗi, sau này khi việc truyền ra y còn có thể gỡ lại được ít danh tiếng. Dù sao thì việc dám nhận lỗi, biết sửa sai cũng một hành động đẹp.

Bên kia là có ý mà đến, Ninh Nghị cũng phối hợp diễn xuất một phen, cả bọn còn mời gã tối đến tham dự hội học sinh tài tử gì gì đó, tất nhiên Ninh Nghị cũng thuận miệng từ chối. Sau khi từ biệt với mấy tên tài tử kia mới đi lấy cái bảng trắng.

- Phẩm chất Tử Hưng cũng không tệ, tài học tuy không kiệt xuất nhưng cũng thuộc nhóm nổi bật.

Khang Hiền cười nói:

- Bài Thủy điệu ca ngươi viết thực sự hay, e là vài mùa trung thu nữa, Tần Hoài cũng khó có người làm được bài thơ vịnh nguyệt tốt như vậy. Không ngờ tiểu tử vô học như ngươi mà biết làm thơ cơ đấy.

- Ta đã nói rồi, thực sự không hiểu thơ từ gì đâu.

Ninh Nghị uống một ngụm trà rồi tiếp:

- Lúc nhỏ có một đạo sĩ áo quần rách rưới tha phương đi ngang trước cửa nhà, ngâm bài thơ này. Ta nghe xong liền nhớ, chuyện là vậy đó…

Lúc giải thích với Tô lão thái công gã cũng nói thế. Tần lão cười phá lên:

- Ngươi nói như vậy sợ là thằng nhóc ba tuổi cũng không tin.

Khang Hiền cũng nói:

- Tên này bại hoại quá mức, đáng đánh đòn…Cái danh tài tử chẳng tốt sao, nhìn cô nương vừa rồi xem, từ dáng vẻ đến khí chất đều rất tốt, vừa rồi đồng hành trò chuyện với ngươi cũng rất vui vẻ, nếu mối nhân duyên mà thành thì…tiểu tử nhà ngươi phải cảm kích lão phu đấy..

Với thân phận ở rể như Ninh Nghị, muốn mơ tưởng tới người phụ nữ khác không phải là chuyện đơn giản, thực ra Khang Hiền chỉ là tiện thể trêu chọc gã mà thôi. Khi Ninh Nghị nói ra chuyện cứu người trước đây thì hai lão mới hiểu rõ mọi việc. Lúc này, ván cờ vừa xong, ba người ngồi nghỉ ngơi, Tần lão cầm lấy chén trà gật gù, nhất thời hứng thú với câu chuyện.

- Viết chữ? Nói vậy là ngươi muốn dùng miếng than này viết lên bảng để dạy học ư?

- Vâng. Bàn cát mỗi lần viết được ít chữ quá, làm như vậy thật là phiền phức, chung quy không bằng lấy cái này viết, vừa thuận tiện vừa dễ nhìn.

Nói về chuyện dạy học, hiện nay trên lớp toàn dùng bàn cát để viết chữ, thường thì viết một chữ lại phải lắc phẳng một lần, lão sư chỉ có thể diễn giải cho học sinh cách viết mà thôi. Phần lớn tri thức đều được truyền tải bằng miệng, yêu cầu học sinh phải tập trung tinh thần nghe giảng, sau khi lão sư giảng xong phải tự động ghi nhớ và hiểu lấy. Nếu không phải là học sinh thực sự thông minh hoặc có tinh thần tự giác học tập, vậy việc bắt kịp tiến độ học tập thực sự rất khó.

Phương pháp dạy học này đã kéo dài cả ngàn năm, đối với những người như Tần lão và Khang lão hẳn sẽ ko cảm thấy có vấn đề gì. Học vấn vốn là thứ cao quý, vậy muốn làm người cao quý mà không chịu khổ thì sao có thể, đây coi như là một loại thử thách vậy.

Tần lão cầm lấy một viên than viết lên tấm bảng trắng, sau đó nhíu mày:

- Bàn cát thì mềm mại, dùng cành cây viết lên cũng giống như cầm bút lông mà viết. Trong khi, than củi lại rất khó viết, cải tiến kiểu này sợ không thích hợp.

Vừa rồi Nhiếp Vân Trúc chỉ chú ý chữ viết trông ra làm sao, còn Tần lão thì khác, cầm viên than vạch hai vạch lão đã thấy được sự khác biệt nên đưa ra thắc mắc. Làm một vị tiên sinh đứng lớp mà không lấy kĩ thuật viết chữ bằng bút lông làm trọng, chuyện này nói lớn thì cũng được mà nhỏ rồi cũng xong. sau đó Khang lão cũng tới thử, cau mày nói:

- Việc này nên thận trọng một chút.

Nếu Ninh Nghị là đệ tử của lão, nói không chừng đã bị lão mắng cho một trận, bắt dừng lại, nghiêm khắc cảnh cáo tính nghiêm trọng trong việc này.

Dĩ nhiên Ninh Nghị có thể hiểu được lo lắng của bọn họ, gã cười cười, ngồi xổm xuống cầm một miếng than củi:

- Vấn đề này cũng không lớn, viết chữ là để hun đúc tính tình, huống hồ những chữ này gần như tương đồng với viết bằng bút lông, nếu dùng để ghi chép sao không nghĩ thoáng hơn một chút, coi như là thêm một cách viết nữa?!

Gã nói xong chìa tay viết mấy chữ: (1)

“Tay trắng muốt, rượu vàng rót (2), hai cái oanh vàng kêu liễu biếc” (3)

Câu này viết bằng lối chữ khải (4), sau đó đổi thành thể chữ lệ. (5)

“Ngoài đình cổ, ven đường xưa, (6) một hàng cò trắng vút trời xanh”. (7)

Hai hàng vừa viết xong, kiểu chữ chuyển sang thành Tống thể (8):

“Ba ngọn thanh sơn trời khuất nửa”. (9)

Thể chữ Tống đến bây giờ vẫn chưa xuất hiện, Tần lão và Khang lão liếc mắt nhìn nhau. Những vấn đề thế này, phương thức đánh thẳng vào cảm nhận luôn có hiệu quả tương đối tối. Trước đây khi chào hàng sản phẩm, Ninh Nghị luôn ưa thích phương thức đánh thẳng vào cách nhìn của đối phương, gã viết luôn một hàng bay bướm theo dạng Sấu Kim thể (10):

"Một vùng Bạch Lộ nước chia đôi."

Tiếp phía dưới lại chuyển thành chữ thảo (11): “Tây bắc có giai nhân, tự treo cành đông nam.”

Sau đó là lối chữ nghiêng in đậm: “Muốn trông xa vạn dặm, tự treo cành đông nam.” (12)

Cái bảng trắng to lớn như vậy cuối cùng cũng viết xong, gã vừa thu lại cục than hỏi thế nào? Tần lão và Khang lão đã cười mắng luôn:

- Chữ thì có thể xem được, thơ từ thì quá tệ...

- Bôi nhọ văn chương, quá thất vọng ..

- Tính tình tiểu tử ngươi cũng quá mức bại hoại, thứ này cũng tính là thơ từ ư…

Miệng thì nói vậy nhưng ánh mắt của hai người vẫn không rời khỏi tấm bảng gỗ màu trắng, miệng lẩm nhẩm đọc lên thành tiếng rồi cũng cho ra lời bình phẩm.

- “Tây bắc có giai nhân..” thực sự là bất học vô thuật, rõ ràng là câu "Phương bắc có giai nhân, Tuyệt thế mà đơn chiếc"(13) này xuất phát từ Hán thư, thế mà câu tiếp lại là “tự treo cành đông nam”, haha.. chẳng lẽ ngươi cảm thấy tây bắc vần với đông nam sao..

- Khang lão anh minh.

- Nếu ngươi là đệ tử của ta, không thể không gọi người quất ngươi vài côn, tùy tiện bêu xấu lây đến cả danh tác của tiên hiền. “Muốn trông xa vạn dặm”, lại vẫn là tự treo cành đông nam. Ngươi không sợ Vương Chi Hoán hóa thành ác quỷ tới tính sổ với ngươi sao?! Câu nào cũng “tự treo cành đông nam”, bài Khổng tước đông nam phi (14) này thật không may, bị ngươi lấy cái cành đông nam kia đem đi giải trí.

- Haha, chỉ là đột nhiên có một ngày cảm thấy nếu đem thơ từ chắp vá một phen cũng có thể tạo ra một phong vị khác. Chẳng lẽ Khang lão không cảm thấy sao?

“Tây bắc có giai nhân, tự treo cành đông nam”

“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, tự treo cành đông nam” (15)

“Núi trống vắng tanh người, tự treo cành đông nam” (16)

“Xưa nay thánh hiền đều bặt tiếng, chỉ đành tự treo cành đông nam” (17)

“Xưa nay hỏi có ai không chết, chi bằng tự treo cành đông nam” (18).

Khang lão lắc đầu:

- Chuyện động đến tiên hiền cần phải nghiêm túc.

Trong giọng nói có mấy phần buồn cười, mấy phần cảnh giác. Tần lão ở bên lại đang xem mấy chữ, đột nhiên nói một câu:

- Ngẩng đầu nhìn trăng sáng.

Khang lão liền tiếp lời:

- Chung quy cũng phải là “tự treo cành đông nam.”

Nói xong rồi phá lên cười.

Sau đó Tần lão cầm cục than chỉ chỉ mấy từ của câu đầu:

- Tuy cũng là chắp vá, không biết xuất xứ nhưng ta đoán là Lập Hằng sáng tác từ trước. Haha.. “Tay trắng muốt, rượu vàng rót..” câu tiếp phía sau không hợp. Câu “Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc, một hàng cò trắng vút trời xanh” hẳn là một câu.. Còn câu “Ba ngọn thanh sơn trời khuất nửa, một vùng Bạch Lộ nước chia đôi” này ý cảnh tuyệt hay, hẳn là ở một bài thơ khác..

Lão lấy cục than khoanh vài vòng, cô lập hai câu “Tay trắng muốt, rượu vàng rót” cùng câu “Bên đình cổ, ven đường xưa”, hơi nhìn một chút rồi vạch ở giữa một cái, đại để là hai câu này không cùng một bài. Khang Hiền cũng gật đầu: “Hẳn là hai bài” rồi nhìn Ninh Nghị. Ninh Nghị tỏ ra khá bội phục, nếu ở trong tình huống tương tự mà gã đọc mười hai từ này, có lẽ sẽ nhận định chúng là những câu thuộc cùng một bài thơ. Dù sao thì nó cũng cân xứng, câu cú dài như nhau, cũng cùng nhịp chuyển điệu, mười hai từ này không dễ phân chia nhưng hai người trước mắt đây chỉ dựa vào trực giác là phân tách được chúng.

- Vậy là bốn bài thơ, không biết là đã có toàn bài hay chỉ là tàn câu?

Tần lão nhìn sang Ninh Nghị, cất tiếng hỏi.

---------------------------------

(1) Đưa chú thích này lên đầu nhằm giải thích về câu “tự treo cành đông nam” Nguyên văn: "Tự quải đông nam chi."nhằm giúp độc giả dễ hiểu hơn vì cả phần thơ trên đều liên quan đến câu này: Đây là một câu trong bài Tiêu Trọng Khanh thê, một bài văn vần theo dân ca đời Hán. Theo thói quen lấy câu đầu của bài thơ làm tên, Bài này còn có tên là Khổng tước đông nam phi (Chim khổng tước bay về hướng đông nam). Năm Kiến An đời Hán mạt, tiểu lại phủ Lư Giang là Trọng Khanh có vợ họ Lưu, vì bị mẹ Trọng Khanh đuổi, thề không tái giá. Bị nhà bức ép, nhảy xuống nước tự vẫn. Khanh nghe tin, cũng tự thắt cổ ở cây trước sân. Có người thời đó thương tâm, làm thơ thuật lại. Bài ca này được chia làm 4 đoạn: Đoạn 1 kể về cuộc sống của Lan Chi khi làm dâu nhà họ Tiêu đến khi bị đuổi, - Đoạn 2 kể việc Lan Chi bị đuổi và cảnh chia tay với Trọng Khanh, - Đoạn 3 kể từ khi Lan Chi về nhà đến khi bị anh mình ép gả cho nhà quan Thái thú, - Đoạn 4 kể từ khi Lan Chi bị buộc tái giá đến khi nàng và Trọng Khanh tự tử.

Câu "Tự quải đông nam chi" (tự treo (cổ) ở cành phía đông nam) là một câu thuộc đoạn 4, tả Tiêu Trọng Khanh tự tử:

Nguyên văn Hán Việt (trích):

"Bồi hồi đình thụ hạ

Tự quải đông nam chi"

Điệp luyến hoa dịch thơ: (nguồn: Thivien)

"Cây bên đình bước tới

Hướng cành đông nam treo"

Hướng "đông nam" trong câu thơ này cũng khớp với câu mở đầu "Khổng tước đông nam phi" (chim khổng tước bay về phương nam), lại lấy tứ từ câu: "Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi" (Con ngựa Hồ thấy gió bắc thì hí, con chim Việt làm tổ chọn cành nam), ý của câu này là không quên nguồn gốc, còn trong bài ca thì là không quên vợ cũ (nên tự tử).

(2) Hai câu mở đầu của bài Thoa đầu Phượng do Lục Du sáng tác. Bài từ Thoa đầu phượng được Lục Du sáng tác trong một hoàn cảnh đặc biệt: ban đầu Lục Du lấy người em họ (con cậu) là Đường Uyển, hai người rất tâm đầu ý hợp, nhưng thân mẫu của Lục Du lại không ưa Đường Uyển, lại nghe thêm những lời gièm pha nên bà buộc hai người phải ly hôn. Về sau, Lục Du lấy Vương Thị, Đường Uyển cũng tái giá, lấy Triệu Sĩ Trình. Mấy năm sau, vào mùa xuân, hai người tình cờ cùng đi chơi vườn Thẩm, ngẫu nhiên gặp nhau. Đường Uyển lấy tình anh em họ, gửi rượu và dã vị mời Lục Du. Lục Du vô cùng thương cảm, vung bút đề lên bức tường trong vườn Thẩm bài Thoa đầu phượng này. Đường Uyển sau khi đọc được bài này trong lòng rất đau khổ, làm một bài từ cũng theo điệu Thoa đầu phượng họa lại. Sau đó nàng đau buồn, lâm trọng bệnh mà qua đời.

Nguyên văn Hán Việt:

Hồng tô thủ,

Hoàng đằng tửu,

Mãn thành xuân sắc cung tường liễu.

Đông phong ác,

Hoan tình bạc.

Nhất hoài sầu tự,

Kỷ niên ly tác!

Thác! Thác! Thác!

Xuân như cựu,

Nhân không sấu,

Lệ ngân hồng ấp giao tiêu thấu.

Đào hoa lạc,

Gian trì các.

Sơn minh tuy tại,

Cẩm thư nan thác.

Mạc! Mạc! Mạc!"

Nguyễn Xuân Tảo dịch thơ (nguồn: thivien):

Tay trắng muốt,

Rượu vàng rót,

Cây liễu cung sân xuân cách bức.

Gió đông dữ,

Tình thắm lỡ.

Một mối tơ sầu,

Bao năm tan vỡ.

Dở! Dở! Dở!

Xuân như trước,

Người gầy rạc,

Ngấn lệ đỏ ngầu khăn lụa ướt.

Hoa đào rữa,

Lầu gác trở.

Non thề còn kia,

Tờ hoa khôn ngỏ.

Chớ! Chớ! Chớ!

(3) Câu trong bài Tuyệt cú tứ thủ kỳ 3 của Đỗ Phủ:

Nguyên văn Hán Việt:

Lưỡng cá hoàng ly minh thuý liễu,

Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên.

Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết,

Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền.

Tản Đà dịch thơ:

Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc,

Một hàng cò trắng vút trời xanh.

Nghìn năm tuyết núi song in sắc,

Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình.

(4) Chữ khải (khải thư hay chính thư 正書) là cải biên từ chữ lệ và bắt đầu phổ biến vào thế kỷ III cn. Đây là kiểu chữ chính thức, chuẩn mực, dễ nhận biết, dễ đọc nhất và vẫn là phổ thông nhất trong các kiểu viết chữ Hán hiện nay.

(5) Chữ lệ: là thư thể thông dụng trong công văn, kiểu chữ này rất phổ biến giữa thế kỷ 3 và 2 TCN.

(6) Hai câu mở đầu trong bài Tống Biệt của đại sư Hoằng Giác.

Nguyên văn Hán Việt:

Trường đình ngoại, cổ đạo biên

Phương thảo bích liên thiên

Vãn phong phù liễu địch thanh tàn

Tịch dương sơn ngoại sơn

Thiên chi nhai,

Địa chi giác

Tri giao bán linh lạc

Nhất hộc trọc tửu tận dư hoan

Kim tiêu biệt mộng hàn

.

Mr.Lookluck dịch thơ:

Ngoài đình cổ, ven đường xưa

Cỏ xanh tới chân trời

Gió chiều thổi liễu buồn reo rắt

Tà dương đồi lại đồi

Nơi chân trời,

Nơi góc bể,

Tri kỷ sắp chia ly

Một bình rượu cay uống cho cạn

Miễn đêm mơ chớ buồn.

(7) Xem ghi chú (3)

(8) Tống thể là một dạng kiểu chữ trong in ấn. Kiểu chữ này được phát minh từ thời nhà Tống, do đó có tên gọi như vậy. Vì là kiểu chữ trong in ấn do đó nó không thuộc về thể loại thư pháp. Kiểu chữ này có các nét chính sau: các nét sổ dầy, các nét ngang nhỏ, cuối mỗi nét ngang (hay cả hai đầu nét ngang) có một tam giác nhỏ, còn được gọi là "vảy cá". Kiểu chữ Tống thể có các nét chính như vậy vì thời nhà Tống để in người ta phải khắc các con chữ lên bản gỗ. Các nét ngang nằm dọc theo thớ gỗ nên dễ khắc, do vậy mà chúng có bề rộng nhỏ. Các nét sổ không theo thớ gỗ, nên khó khắc và dễ bị hỏng, do vậy mà người ta phải để dầy. Cuối mỗi nét ngang có cái vảy cá cũng với mục đích là để nét ngang được bền, lâu hỏng. Tham khảo thêm tại đâyhttp://donga01.blogspot.com/2010/03/tong-trong-in.html

(9) Câu trong bài Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài (Đến Kim Lăng lên đài Phượng Hoàng) của Lý Bạch:

Nguyên văn Hán Việt:

Phượng Hoàng đài thượng phượng hoàng du,

Phượng khứ, đài không, giang tự lưu.

Ngô cung hoa thảo mai u kính,

Tấn đại y quan thành cổ khâu.

Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại,

Nhị thuỷ trung phân Bạch Lộ châu,

Tổng vị phù vân năng tế nhật,

Trường An bất kiến sử nhân sầu.

Khương Hữu Dụng dịch thơ:

Đài Phượng Hoàng cao, phượng đến chơi,

Phượng đi, đài vắng, dải sông trôi!

Cung Ngô hoa cỏ che đường lối,

Đời Tấn cân đai hoá núi đồi.

Ba ngọn thanh sơn, trời khuất nửa,

Một vùng Bạch Lộ nước chia đôi.

Chỉ vì mây nổi che vầng nhật,

Chẳng thấy Trường An não dạ người.

(10) Kiểu chữ "sấu kim thể" được sáng lập bởi Tống Huy Tông. Gọi là Sấu Kim thể vì kiểu viết của Huy Tông thanh mảnh tương tự như sợi vàng, xoắn và đảo ngược. Tham khảo thêm về Tống Huy Tông tại đây:http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%91ng_Huy_T%C3%B4ng

Ảnh minh họa kiểu chữ Sấu Kim thể: http://readfree/bbs/attachme...d60e24ec21.jpg

(11) Chữ thảo (thảo thư) là thư thể được viết nhanh nhất, bút pháp phóng khoáng. Có chữ Hán khi viết bình thường theo lối chữ khải thì phải viết rất nhiều nét nhưng với thảo thư thì có thể viết bằng một nét. Nhiều chữ có thể viết liên miên nối tiếp nhau chỉ bằng một nét, thí dụ như cuồng thảo (狂草) (chữ thảo viết điên cuồng) của Hoài Tố (懷素, khoảng 730-780)

(12) Một câu trong bài Đăng Quán tước lâu (Lên lầu Quán Tước) của Vương Chi Hoán. (nguồn thivien)

Nguyên văn Hán Việt:

Bạch nhật y sơn tận,

Hoàng hà nhập hải lưu.

Dục cùng thiên lý mục,

Cánh thướng nhất tằng lâu.

Mailang dịch thơ:

Mặt trời theo núi lặn,

Hoàng Hà hướng biển sâu.

Muốn trông xa vạn dặm,

Lại bước lên tầng lầu.

(13) Lời trong bài Bắc quốc giai nhân của Lý Diên Niên. Tham khảo tại đây:http://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%B...C4%90%E1%BA%BF)

Nguyên văn Hán Việt:

Bắc phương hữu giai nhân,

Tuyệt thế nhi độc lập,

Nhất cố khuynh nhân thành,

Tái cố khuynh nhân quốc.

Ninh bất tri khuynh thành dữ khuynh quốc.

Giai nhân nan tái đắc.

Về sau, cụm từ "khuynh thành khuynh quốc" đã trở thành điển cố để hình dung người đẹp

(14) Xem ghi chú (1)

(15) Câu trong bài Tĩnh dạ tứ (Cảm nghĩ đêm yên tĩnh) của Lý Bạch

Nguyên văn Hán Việt

Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương.

Tương Như dịch thơ:

Đầu giường ánh trăng rọi,

Ngỡ mặt đất phủ sương

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ cố hương.

(16) Câu trong bài Lộc trại (Trại hươu) của Vương Duy

Nguyên văn Hán Việt:

Không sơn bất kiến nhân

Ðản văn nhân ngữ hưởng

Phản cảnh nhập thâm lâm

Phục chiếu thanh đài thượng

Trần Trọng San dịch thơ:

Núi trống vắng tanh người,

Chỉ nghe vọng nói cười.

Nắng vào trong núi thẳm,

Lên đám rêu xanh soi.

(17) Câu trong bài Tương tiến tửu (Mời rượu) của Lý Bạch

Nguyên văn Hán Việt (trích):

Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,

Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.

Hsol dịch thơ (trích): (ưu ái cựu smod TTV nhá)

Xưa nay thánh hiền đều bặt tiếng

Duy còn bợm rượu mãi lưu danh

Xem toàn bài do hsol dịch tại đây: http://thivien/viewpoem.php?ID=146

(18) Câu trong bài Quá linh đinh dương (Qua biển Lênh Đênh) của Văn Thiên Tường.

Nguyên văn Hán Việt:

Tân khổ tao phùng khởi nhứt kinh,

Can qua liêu lạc tứ châu tinh.

Sơn hà phá toái phong phiêu nhứ,

Thân thế phù trầm vũ đả bình.

Hoàng Khủng than đầu thuyết hoàng khủng,

Linh Ðinh dương lý thán linh đinh.

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

Trần Trọng San dịch thơ:

Cay đắng do từ một sách kinh,

Bốn năm quạnh quẽ cảnh đao binh.

Bông tung gió: vỡ tan sông núi;

Gió đập bèo: chìm nổi kiếp mình.

Ghềnh Sợ Hãi kể niềm sợ hãi,

Biển Lênh Ðênh than nỗi lênh đênh.

Xưa nay hỏi có ai không chết?

Hãy để lòng son chiếu sử xanh!

Ghi chú thêm là hai câu cuối "Xưa nay hỏi có ai không chết? Hãy để lòng son chiếu sử xanh!" có lẽ do Trần Trọng San dịch quá hay nên không/chưa tìm thấy người dịch lại, chỉ thấy trích dùng (có hoặc không có ghi chú tên người dịch). Nguyên văn Hán Việt của câu này cũng được Nguyễn Công Trứ đưa vào bài thơ "Chí nam nhi" nổi tiếng của mình.

Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc

Nợ tang bồng vay trả, trả vay

Chí làm trai nam bắc đông tây,

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh

Ðã chắc ai rằng nhục rằng vinh

Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ

Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ,

Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong

Chí những toan xẻ núi lấp sông

Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ

Ðường mây rộng thênh thênh cử bộ,

Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo,

Thảnh thơi thơ túi rượu bầu

Bình Luận (0)
Comment