Gần trưa ngày mùng tám.
Ánh nắng nóng như thiêu như đốt chiếu xuống dưới, trong sơn đạo yên tĩnh không chút tiếng động.
Dấu vết do một lượng lớn người đi qua hằn rõ lên trên con đường giữa rừng núi kia, sọt, giày, quần áo, bọc vải, cờ xí, thậm chí là tất cả gia cụ làm từ gỗ lớn nhỏ, dấu chân người cùng dấu chân các loại gia súc gia cầm trải rộng khắp chỗ, giẫm nát thảm cỏ, giẫm loạn lên bụi cây. Khi gió núi thổi tới từ dưới tán cây, vài miếng vải rách cũng xoay tròn bay lên.
Hai bóng người đi ra từ trong bóng râm, nhìn ra ngoài một lúc rồi mới dùng tay ra hiệu với nhau, lại tiếp tục đi tới trong khe núi xem xét hướng đám người vừa đi qua kia.
Gió ngừng, hai người bại lộ dưới ánh nắng, có thể thấy rõ các loại binh khí trên người hai người này. Một người đeo cung sau lưng, còn một kẻ lại đeo nỏ. Bởi vì thời tiết nóng bức nên hai người này chỉ mặc áo đơn, nhưng dù như vậy thì trang phục trên người bọn họ kia trông hệt như được chắp vá mà ra, lại nhìn thân thủ nhanh nhẹn kia thì khá giống với thợ săn giữa rừng núi.
Bọn họ tất nhiên không phải là thợ săn.
Cảnh tượng tan tác xơ xác trong khe núi kia là do những kẻ lánh nạn sau thảm họa chiến tranh ở Hàng Châu để lại, vì nhiều người mà không có trật tự nên muốn phân biệt ra phương hướng đại khái lại rất đơn giản. Một người trong hai người kia đi đến phía trước, kẻ còn lại thì tìm kiếm đồ trong những tạp vật mà mọi người vứt đi, thi thoảng lại cúi người nhặt, xong lại quẳng đi.
Khi người nọ lên tới sườn núi bên kia, dưới ánh mặt trời trông tới phía trước, thì người bên phía bụi cỏ kia đột nhiên phát hiện ra thứ gì đó, cúi người nhặt lên nhìn, sau đó còn giơ lên lau lau vào ống tay áo. Cách đó không xa, tên đồng bạn nhìn thấy dấu vết ở phía trước thì quay đầu lại, kẻ này cũng vẫy tay rồi giơ thứ trong tay lên, dưới ánh sáng mặt trời, thứ kia thoạt trông đúng là một chuỗi ngọc châu quý giá.
Người này vung xong thì lại cúi người xuống tìm kiếm trong bụi cỏ, nhưng tìm một lúc lại chẳng phát hiện ra thứ gì đáng giá. Gã đứng dậy nhìn đồng bạn đang đi tới kia, đột nhiên thân thể gã rung lên, một mũi tên bắn vào lồng ngực gã, lông đuôi mũi tên rung rung trong không khí. Dưới ánh mặt trời chói mắt trong tầm nhìn của gã, tên đồng bạn kia đột nhiên nhảy ra ngoài, một bóng đen do mũi tên khác xẹt qua... Đó là hình ảnh cuối cùng mà gã nhìn thấy.
Người cầm chuỗi châu ngọc trong khe núi kia lung lay vài cái rồi ngã xuống, trong bụi cỏ, một bóng người khác đứng lên rồi nhanh chóng chạy trốn. Lại một mũi tên khác bắn tới, hai bóng người vội xông ra, vừa chạy vừa giương cung. Sau đó lại một mũi tên khác xẹt qua cạnh người người kia, vẩy ra ít máu.
Người đang bỏ chạy kia xoay người bắn trả một mũi tên rồi xông vào trong rừng cây. Một người trong hai người bên kia đã đuổi tới, tên còn lại thì chạy tới chỗ thi thể trong khe núi kia, y lật thi thể lên rồi cẩn thận cạy ngón tay của thi thể ra lấy chuỗi ngọc kia, sau đó nhìn xung quanh một cái rồi lại lục lọi thi thể đó, lấy được ít bạc vụn thì chửi rủa một câu, rồi lại tìm kiếm trong đám cỏ bên cạnh. Y đại khái là tìm kiếm được vài trượng thì đồng bạn đuổi theo vào rừng cây quay trở về. Hai người nhìn chuỗi ngọc kia, sau đó cũng đi vào khe núi thăm dò một trận, dường như lại tìm được hai món đáng giá rồi mới đi sang một hướng khác.
Không lâu sau, dưới ánh mặt trời chói chang nóng nực kia, bóng người đông nghịt xuất hiện trước cửa vào khe núi này. Đám người này không có trật tự cho lắm, mấy người dẫn đầu thì cưỡi ngựa, còn người ở đằng sau thì đều đi bộ. Dẫn đầu là một kẻ uể oải giương cao cờ xí, trên đó có một chữ "Phương" khá lớn, chứng minh đây là một đội quân đi theo cuộc khởi nghĩa của Phương Lạp, còn có một số loại cờ xí khác có thêu chữ "Lệ", rồi "Lục",...
Những người này ăn mặc chẳng theo quy cách nào, chỉ là ai nấy đều quấn một chiếc khăn vải màu đỏ trông vô cùng bẩn ở trên đầu, có kẻ đi đường mệt mỏi quá liền thuận tay kéo khăn đó xuống lau mồ hôi. Người nào cũng mang theo một hoặc hai loại vũ khí, đủ mọi chủng loại, đao rồi thương rồi kiếm hay kích đều có cả, cũng có không ít cuốc với cào. Đa số người chẳng có sĩ khí gì, nếu nói bọn họ là thổ phỉ thì có lẽ ít người trong số này có được cái khí thế dũng mãnh của đám thổ phỉ trong truyền thuyết, phần lớn đều khiến người ta cảm thấy họ là nông dân, cũng có người vô cùng gầy yếu, người ướt đẫm mồ hôi kéo vũ khí uể oải đi trong cái thời tiết nắng hè nóng bức này. So với đám hãn phỉ dưới trướng đám Phương Lạp làm loạn giết người mà Ninh Nghị gặp ở thành Hàng Châu lúc trước kia, đám người này đúng là kém xa.
Một trăm người, hai trăm người, ba trăm người... Đám người ở đằng trước đi vào trong khe núi, còn đội ngũ phía sau thì vẫn còn kéo một hàng dài ở bên ngoài khe. Hiển nhiên là bọn họ cũng men theo dấu vết của đám người bỏ chạy mà đuổi theo tới đây. Mấy người cưỡi ngựa dẫn đầu nhìn dấu vết trong khe núi kia, chỉ trỏ rồi thì thầm gì đó với nhau. Đội ngũ phía sau đi tới thì theo bản năng đi qua rồi đá vào những bụi cỏ một cái, sau đó tìm kiếm một lúc rồi lại bị đồng bạn phía sau xô đẩy ra đằng trước. Đi đến hơn nửa khe núi này thì một người phía trước quay đầu lại, giơ chiếc roi ngựa chỉ vào rừng cây ở một bên, một số người khác đi vào trong rừng cây đó.
Một lát sau, từ trong rừng cây kia truyền đến tiếng kêu gào, hò hét, rồi đột nhiên vang ầm lên, dường như là có mấy nghìn người núp trong rừng cây đang ào ào xông ra bên ngoài. Đội ngũ đông nghìn nghịt trong cốc này thoáng bối rối nhưng có người hô to, có người chỉ huy, người cưỡi ngựa thì giơ binh khí càn dài lên, kẻ có cung tên trong hàng ngũ kia cũng tự lắp tên rồi nhắm vào rừng cây. Những kẻ chật vật chạy ra ngoài đầu tiên cũng là đám đồng bạn đã tiến vào rừng cây ban nãy, ngay sau đó một đám người đông nghìn nghịt tuôn ra, đám người này cũng mặc đủ loại trang phục, trông khá nghèo khó, đầu lại trùm khăn màu vàng đất. Không ít người trong số đó giương cung nhắm xuống dưới này, điều thần kỳ là đám người lao ra từ trong rừng cây này cũng giơ cờ xí mà chủ yếu được thêu chữ "Phương", những cờ xí phụ xung quanh đều thêu những chữ như "Tư" hay là "Diêu".
Tên hán tử dẫn đầu trong khe núi kia cầm một cây đại đạo, lúc này giơ binh khí trong tay lên để trấn an thuộc hạ phía sau. Y nhìn người bên trên kia, im lặng một lát rồi mới mở miệng:
- Diêu Nghĩa! Ngươi làm cái gì vậy! Chúng ta trước nay không oán không thù, cũng phụng lệnh của Phật soái lên phía Bắc, ngươi lại dám mai phục ta ở đây?
Đám người trào ra từ trong rừng kia giật mình, một lát sau có một đội người tách đám người ra, kẻ dẫn đầu kia có dáng người gầy gò, cằm hơi nhọn, gã nhịn xuống phía dưới như thể là coi khinh, sau đó chỉ cờ xí một bên:
- Mai phục ngươi! Lục Sao, ông đây đúng là muốn mai phục ngươi đấy! Nếu không phải ngươi giương cờ này lên thì giờ đây ngươi đã chết rồi!
Giọng của tên Diêu Nghĩa kia hơi chói, gã vừa nói lại phất tay một cái:
- Hôm nay ông không giết ngươi! Diêu Nghĩa đây chữ Nghĩa đi đầu, ông không thèm làm mấy cái trò đánh lén quân khác bẩn thỉu kia! Nhưng hôm nay hãy giao người của ngươi cho ta! Các ngươi rốt cuộc là ai, lại dám đánh lén bẩn thỉu như vậy, đi giết thám báo của ta....
Tên hán tử có tên là Lục Sao đứng trong khe núi kia sững sờ, sao đó dùng phương ngôn mắng:
- Chó chết! Diêu Nghĩa kia! Đầu ngươi toàn cứt chó à! Ta chẳng hiểu ngươi đang nói cái gì! Ngươi mà chữ Nghĩa đi đầu à, ngươi đổi tên thành Nghĩa Diêu thì chữ Nghĩa mới đi đầu chứ, giờ ngươi là chữ Nghĩa ở sau đầu rồi! Đê tiện đánh lén rồi giết thám báo của ngươi gì chứ, bố chả hiểu cái gì cả...
- Mẹ kiếp! Họ Lục kia, gần đây chỉ có người của các ngươi mới vừa rời đi. Nói cho ngươi biết, người của ta không có chết hết mà một tên chạy trốn được, hắn nói chính là người của các ngươi. Nhưng hắn vừa nói xong thì độc phát chết rồi, dùng rắn độc chính là thủ đoạn lợi hại nhất của các ngươi còn gì, ông đổ oan cho ngươi à....
Hai bên chửi ầm lên, chỉ chốc lát đã càng lúc càng gần lại, dưới ánh mặt trời chói chang kia, dường như là hai đám người này đã giương cung bạt kiếm với nhau. Ở giữa chân núi ở một bên, có đôi mắt chợt lóe qua, mà trong rừng cây cách nơi này khoảng vài dặm, một chi quân đội khác cũng đang nghỉ ngơi, hẳn là chờ qua lúc nóng nực nhất này rồi mới tiếp tục khởi hành tới phương Bắc...
Cùng lúc đó, cũng trong rừng cây cách bên này hơn vài chục dặm, hai người nhấc cáng, một người dắt ngựa đang vội vã xuyên qua dòng nước ở trong rừng. Trên cáng kia là một người đang ngủ, đúng là Ninh Nghị. Tô Đàn Nhi đi bên cạnh, vừa đi vừa quạt cho Ninh Nghị, muốn đuổi đi cái nóng cho hắn. Người dẫn ngựa là Cảnh hộ vệ, gã vẫn khuyên bảo Tô Đàn Nhi tốt nhất là lên ngựa vì lúc này nàng đã có thai, nhưng Tô Đàn Nhi lại chỉ lắc đầu từ chối.
Lúc sáng bọn họ dừng lại ở doanh địa tại hậu phương quá lâu nên giờ đã bị lạc mất đội ngũ.
Với bọn họ mà nói, đó quả là buổi sáng đã khiến cho người ta có những cảm nhận khá phức tạp, tin Tô Đàn Nhi mang thai đã được xác nhận, sau đó lại đến tin miệng vết thương của Ninh Nghị bị cảm nhiễm, khiến cho mọi người gần như luống cuống chân tay. Vết thương này thông thường là vết đao thương trên chiến trường, tỉ lệ tử vong vì chúng trong những năm nay thậm chí còn vượt quá năm mươi phần trăm, quân sĩ bị thương đều không chống được, huống chi lúc này Ninh Nghị đang vội đào vong, làm gì có thời gian mà tĩnh dưỡng.
Vốn lúc này vì có Ninh Nghị nên mọi người đều an tâm, dù cho lúc sáng Ninh Nghị có nói với Quyên Nhi rằng tình hình rất nguy cấp, đám người Quyên Nhi cũng không lo lắng là bao, bởi vì cô gia của bọn họ thật sự rất lợi hại nên đâm ra khiến mọi người cảm thấy không có chuyện gì là hắn không làm được. Nhưng chuyển biến đột nhiên xảy ra hiện tại này đã khiến Tô Đàn Nhi kinh ngạc đến mức không biết nên làm thế nào cho phải, nhưng Ninh Nghị khi biết thương thế rồi thì tỉnh táo ra chỉ thị.
Hắn khiến vị đại phu chữa thương kia chuẩn bị thuốc và bắt tay dùng dao khoét miệng vết thương, cạo đi lớp thịt nát ở đó, lại bảo người nhà chuẩn bị cồn, kim chỉ... Thực tế thì đối với miệng vết thương đã bị cảm nhiễm mà trong lúc không có penicillin như bây giờ, cách xử lý của trung y cũng không phải là không có tác dụng, luôn có những thuốc hay cách thức có thể tạo ra hiệu quả trị liệu nhất định. Trong dòng người chạy nạn thường có đại phu mang theo dược liệu, hắn thông qua Tiền Hải Bình gom đám thuốc lại đầy đủ, sắc thuốc ngay tại chỗ, đồng thời cũng bảo đại phu xử lý miệng vết thương lần thứ hai. Hắn sợ mấy chuyện như tiêu độc, dùng kim chỉ khâu lại miệng vết thương kia đại phu không thạo nên thậm chí còn bảo Tô Đàn Nhi và mấy nha hoàn chờ ở bên cạnh - thực tế thì hắn không có rõ là ai đã khâu miệng vết thương lại cho hắn, bởi vì không có thuốc tê nên khi xử lý được hơn một nửa thì hắn đã không chống đỡ nữa mà để cho mình ngất đi.
Vì phải xử lý vết thương nên khi đội ngũ lại lên đường, bọn họ không thể đi theo. Nhưng lúc này Tô Đàn Nhi đã quyết đoán trở lại, nàng chỉ để lại ba gã hộ viện và hai con ngựa, một con trong số đó cho vị đại phu đã xử lý miệng vết thương cho Ninh Nghị, để cho sau khi làm xong thì đại phu có thể nhanh chóng đuổi kịp đội ngũ, sau ấy ngay cả Thiền Nhi, Quyên Nhi và Hạnh Nhi cũng bị nàng kiên quyết bố trí cho đi với đội ngũ trước. Tin mang thai kia đã khiến nàng càng thêm kiên quyết, người bên cạnh chẳng thể nào phản bác được. Cứ như vậy, bọn họ trị liệu xong vết thương, sắc xong thuốc, lại bón cho Ninh Nghị vốn đang hôn mê kia mấy thìa, bọn họ mới nhấc cáng khởi hành. Vì thời tiết nóng bức, dọc đường đi Tô Đàn Nhi vẫn luôn quạt cho Ninh Nghị.