Chuế Tế - Ở Rể ( Bản Dịch)

Chương 297 - Chương 297: Hai Ba Chuyện Trong Vây Thành

Chương 297: Hai ba chuyện trong vây thành Chương 297: Hai ba chuyện trong vây thành

Khi sương sớm nổi lên, quanh gò Cao Lãnh gần Hàng Châu, khắp núi khắp đồi đều là liên doanh.

Rạng sáng, nhiệt độ thấp đã làm ứ động khói lửa cùng mùi máu tanh cách đó không lâu còn tràn ngập khắp nơi, trận chiến tranh điên cuồng kéo dài vài ngày đã yên lặng trở lại. Khoảng cách từ quân doanh vây thành cho tới tường thành Hàng Châu, vô số thi thể, máu tươi, rồi những mũi tên cắm trên mặt đất hay trên xác chết, rồi cả vũ khí bị phá hỏng lúc công thành, tất cả đan xen đã hình thành nên một cảnh tượng đỏ tươi màu máu và trắng bệch, sôi động mà lại chết lặng, có những nơi mà thi thể ngã xuống, tảm ra màu máu đỏ tươi, ngọn lửa lại đốt trọi xung quanh để lại tro tàn màu đen. Phía trên của toàn bộ chiến trường, màu đỏ, màu đen và máu trắng đan xen vào với nhau, trải rộng ra, kéo dài tới trong sương mù đang phiêu tán, bị bao phủ dưới tầng băng mỏng manh sau khi đã qua một đêm.

Thi thoảng lại có tốp năm tốp ba chiến mã chạy ra từ quân doanh tới phía chiến trường này. Trong cảnh sắc tĩnh mịch kia thi thoảng cũng có một hai bóng đen xuất hiện, đây là một số quân nhân có quyền ra khỏi quân doanh, tìm kiếm thi thể đồng đội trong phạm vi an toàn, hoặc là một bộ phận kẻ đầu cơ trong quân đội lén ra mò tài vật trên thi thể, tìm kiếm như vậy phần lớn là phí công, nhưng đôi khi cũng có thu hoạch nho nhỏ, đủ để khiến người ta động tâm.

Trên tường thành ở phía đối diện, những ánh lửa tỏa ra từ cây đuốc bập bùng bốc cháy, giống như những ngọn lửa ma trơi lơ lửng trong biển sương mù.

Khoảng Công nguyên một nghìn năm, khí hậu thất thường thời kỳ Tiểu băng hà đã tạm ngăn cản trận chiến này trong một thời gian ngắn. sau khi giằng co năm ngày và thay nhau công thành, Đồng Quán cuối cùng cũng tạm thời bỏ qua cái ý tưởng bắt lấy Hàng Châu, mà cho binh lính vây thành nghỉ ngơi, rồi vạch mưu tìm kế sau.

Dù đây là lần đầu quân đội yên lặng sau năm ngày vây thành, nhưng phe thủ thành vẫn không dám lơi lỏng chút nào. Đồng Quán không phải kẻ xoàng xĩnh về binh pháp, trong năm ngày này, đại quân tấn công Hàng Châu theo ba hướng, thế công như sóng dữ liên miên không dứt, nhưng mỗi đợt tấn công lại lúc mạnh lúc yếu khi hư khi thực, lúc này chí ít thì mười lăm vạn cấm quân xuôi nam của Võ triều này có thể được gọi là thiên hạ tinh nhuệ, sức chiến đấu hơn xa đám nông dân khởi nghĩa trong thành rất nhiều. Nếu không phải vào lúc này phía Phương Lạp coi như là tinh nhuệ tập trung hết lại tại Hàng Châu, nhân lực đầy đủ, lại có tiết trời không ngừng trở lạnh nữa, nếu không thì Đồng Quán đã tìm được nhiều cơ hội xộc qua tường thành rồi.

Cũng bởi vì thế mà dù quân đội vây thành đã ngừng tấn công, hàng phòng thủ trên thành trì vẫn chẳng hề lơi lỏng chút nào. Không ai rõ là Đồng Quán có thể đột nhiên khởi xướng một đợt tấn công mới hay không.

Lại là binh hung chiến nguy, thành Hàng Châu vừa mới náo nhiệt một chút đã lại rơi vào trong cái không khí căng thẳng. Nhưng so với sự bối rối khi quân đội Phương Lạp công thành lần trước, lúc này một nửa thành Hàng Châu đã thành kẻ tạo phản, hiện tại thứ bày ra ở nơi đây lại là một loại hoàn cảnh hoàn toàn khác.

Xung quanh khu phụ cận Tế Liễu phố thuộc Bá Đao doanh lúc này đã được bao vây lại bằng những hàng rào dài hay những tháp tên cao cao. Giờ phút này nơi đây càng giống Bá Đao trang cách nơi đây mấy trăm dặm, đã được mô phỏng như bộ dáng của một sơn trại vậy. Nếu nói đề phòng dạng này là vì đại quân của Đồng Quán ở ngoài thành thì chẳng ai tin cả, từ khi hoàn toàn quyết tuyệt với Bao Đạo Ất, Lưu Đại Bưu đã hạ lệnh bày một tầng những thứ kia ở bên ngoài, chủ yếu là vì xung đột với Bao Đạo Ất càng ngày càng căng thẳng. Đám người Phương Lạp cũng không thể can ngăn được nữa. Nhưng không có nhiều người biết được nguyên nhân thực sự, lúc này phố Tế Liễu đang tiến hành một số thứ. Lưu Tây Qua không muốn bị quấy rầy, bởi vậy đã mượn đề tài đó mà khiến Bá Đao doanh hoàn toàn độc lập như vậy.

Sau khi những vị quan to như Phương Thất Phật, Vương Dần, Tư Hành Phương, Đặng Nguyên Giác và Thạch Bảo trở về, đại quân Đồng Quán đã áp sát Hàng Châu, bởi vậy bọn họ cũng không thể điều hòa mâu thuẫn giữa doanh và Bao Đạo Ất được. Nhưng sau khi vây thành, song phương cũng tạm thời bỏ qua ý định trả thù đối phương, đều tự chọn một bên tường thành mà tham gia hỗ trợ.

Mà vì thời gian này theo Phương Thất Phật kiềm chế đại quân Đồng Quán đã khiến quân tinh nhuệ của Bá Đao doanh đi theo đã tổn thất thảm trọng, trong mấy ngày thủ thành chiến đấu này, người của Bá Đao doanh không bị phân phái nhiều nhiệm vụ, mà là dốc sức tra dò bổ sung ở điểm an toàn. Về mặt khác, cũng là vì mặc kệ Lưu Tây Qua có tùy hứng cỡ nào, người của Bá Đao doanh đúng là những người ủng hộ Phương Lạp vững mạnh nhất, cho dù tương lai thành phá hay loạn, những lực lượng như Bá Đao doanh vẫn là vũ lực trung tâm mà Phương Lạp cần bảo toàn. Chỉ cần Bá Đao doanh còn rảnh rỗi thì trong thành sẽ không đến mức quá loạn, cho dù có kẻ muốn thay thế Phương Lạp làm hoàng đế hoặc bán Phương Lạp đổi lấy tiền đồ thì cũng sẽ phải kiêng kỵ sự tồn tại của Bá Đao doanh mà không dám ra tay.

Lúc trước theo Phương Thất Phật đánh Gia Hưng, quân chủ lực Bá Đao doanh tham dự có tổng cộng hơn ba nghìn người, sau đó Lưu Đại Bưu lại vòng trở lại, mà số người để lại cho Phương Thất Phật vẫn có hơn hai nghìn. Vì thực hiện tư tưởng chiến lược kéo thời gian công thành của Đồng Quán tới mùa thu, Phương Thất Phật dẫn dắt binh tướng liên can kéo bước chân của mười lăm vạn đại quân Đồng Quán, nên thành ra tổn thất khá thảm trọng. Đám người Bá Đao doanh dọc đường đi cũng tử thương hơn phân nửa, chỉ vẻn vẹn vài trăm là còn sống.

Tử thương nghiêm trọng như vậy mới có thể cung cấp cho thành Hàng Châu được một khoảng thời gian khá lớn để xây dựng phòng ngự. Lúc trước Lưu Tây Qua đã phát xuống một bộ phận tiến triển về tình hình chiến đấu cho mọi người trong phố Tế Liễu, lần này sau khi quân đội về thành, không khí trong phố Tế Liễu đương nhiên là cũng không cách nào hào hứng lên được. Nhưng sau mấy ngày bị vây thành, vì Đồng Quán dừng tay nên đám người trên đường phố cuối cùng cũng có thể nghỉ ngơi trong buổi sáng sớm này. Giữa lớp sương mù không được coi là dày đặc này, thi thoảng lại có người đi qua đi lại trên đường, nói chuyện với nhau đều khe khẽ mà nói. Mà trong chủ trạch của Bá Đao doanh, bên cửa sổ, từ rạng sáng đến lúc lên đèn, lúc này trong phòng hai người đang đối thoại về chuyện tiến hành một vài chuyện.

- ... Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh*... Lúc đó ta cũng đã nói cái ý mỗi người đều bình đẳng, hiểu theo Khổng Tử thì rất khó, nên tốt nhất là hãy hiểu theo Mạnh Tử. Ở khía cạnh này thì Lưu Hi Dương chính là bậc thầy, thiên văn chương này của ông ta tuy có thể tùy ý mà hiểu, sợ là chẳng có thành ý gì, nhưng rõ ràng dễ hiểu đã không tệ lắm rồi, sau này có thể lấy làm tài liệu sơ cấp... Ta cảm thấy có thể cho một đấu...

(Dân quý nhất, Đất nước đứng hàng thứ hai, Vua được xem nhẹ hơn - Mạnh Tử)

- Nếu không có thành ý gì thì sao lại cho ông ta một đấu... Ta chỉ cho năm thăng thôi.

(Đấu: đơn vị đo lường cổ để đo lương thực; thăng: bằng 1/10 của đấu)

- Không hẳn là không có gì, thành ý thì vẫn phải có...

- Cách hiểu đơn giản thì ai chẳng biết, cứ ra đường kéo bất cứ đám người nào là cũng có thể cho ngươi một đống văn vẻ loại này rồi. Nếu ông ta là đại nho, đương nhiên phải bắt ông ta làm vài thiên đáng để cân nhắc chứ. Hơn nữa ông ta có học vấn sâu như thế, nếu viết một thiên đơn giản thế này để lừa gạt người đời, rõ ràng là lòng có mâu thuẫn rồi, cầm một đấu gạo không ăn xong cũng chẳng biết giải thiên thứ hai... chỉ cho năm thăng.

- Được rồi, Lưu Hi Dương năm thăng... Quách Quý Lương này thì thâm sâu hơn một chút, nếu phải gõ Lưu Hi Dương này, thiên này của Quách Quý Lương cho một thăng đi. Ngoài ra thiên này của Hàn Phương có vẻ chưa đủ hữu lực...

Ánh đèn lắt léo, hai người đang nói chuyện trong phòng này đúng là Ninh Nghị và Lưu Tây Qua, họ đang cầm từng tờ văn mà đọc. Tuy cả hai đều tỏ ra nghiêm túc, nhưng nghe qua thì một đấu hay một thăng kia lại khiến người ta cảm thấy cổ quái. Khoảng thời gian gần đây Lưu Tây Qua đều ở trên tường thành, ngày hôm qua mới được nghỉ ngơi một lúc. Hôm nay nàng thức dậy sớm, liền tới tìm Ninh Nghị nghị sự, cầm mấy tờ văn vẻ lên hàn huyên một lúc, còn nói đến Mani giáo* kia.

(*: Mani giáo (còn gọi là Minh giáo, Ma giáo) là một giáo phái bắt nguồn từ Ba Tư, được lưu truyền rộng rãi ở Trung Hoa thời nhà Đường. Giáo phái này thờ lửa, coi lửa như sự sống của mình. Tín đồ Minh giáo thường ít tiếp xúc với người đời nên luôn bị coi là tà giáo, bị quan quân triều đình truy bắt ráo riết. Nhưng tín đồ của Minh giáo luôn sống một cuộc sống thanh tịnh.)

- ... Cô ả không có đầu óc Ngô Vân Anh kia, trung tâm là trung tâm, nhưng cô ta không phải người của Bá Đao doanh, chẳng cùng nhóm với chúng ta, ngươi hãy chú ý ả một chút.

Phương Lạp Mani giáo "Cật thái sự ma" khởi nghĩa, giáo chúng trong quân rất là nhiều, chỉ là Bá Đao doanh vốn cường thế, nên không cùng với đám này. Trình độ tín ngưỡng của giáo phái chú ý đồng cam cộng khổ đoàn kết lực lượng nông dân này khá kém ở Bá Đao doanh, mà Ngô Vân Anh này chính là đà chủ phân đà của Mani giáo ở Bá Đao doanh, Lưu Tây Qua cũng chẳng coi nàng ta là gì, bởi vì nàng chính là thánh nữ trên danh nghĩa của Mani giáo ở nơi đây.

Nàng ta thì cũng tàm tạm, dạo gần đây khi nghe giảng bài, ta hỏi nàng thì nàng nói thuyết pháp này có điểm chung với giáo lí của bọn họ.

- À... tốt.

- Nhưng các nàng lúc truyền giáo thời bình, đà chủ chẳng nghiên cứu điển tịch gì. Ngô Vân Anh kia ngay cả "Hạ Bộ Tán" còn chưa đọc bao giờ, cứ để cho cô ta hỗ trợ sửa giáo lý thì khó nói được đạo lý rõ ràng.

- Các đà chủ khác vẫn rất hiểu mà, chỉ là Ngô Vân Anh hơi vụng về chút... Nhưng truyền giáo ở khu nông thôn thì chẳng cần phải biết gì nhiều đâu. Phương thúc thúc nói, chỉ đơn giản bốn chữ "có nạn cùng chịu" là đủ rồi...

- Đó đúng là lời nói thực... Mặt khác cũng không có nhiều chuyện lắm, à, gần đây ta mới lấy thêm được vài thiên văn chương...

- Nếu như ta muốn cải danh, ngươi cảm thấy gọi là gì thì hay?

- Cho lũ hài tử kia xem rồi... gì cơ?

Ninh Nghị ngẩn người.

- À... cải danh ấy mà.

Thiếu nữ mặc áo đơn giản dị, lại khoác một chiếc áo choàng lớn có tên Lưu Tây Qua này nhẹ nhàng bâng quơ phất phất tay:

- Nói về chuyện của ngươi trước đi... À, dù sao ta chỉ hỏi thôi... Đương nhiên cũng không phải thật sự muốn ngươi giúp... Ngươi khá có học vấn nên muốn xem ngươi nghĩ thế nào.

- ... Có đứa trẻ học xong liền hỏi vài vấn đề, viết hai đoản văn, ta cảm thấy đứa bé đó coi như là có tiềm lực... Cải danh, vẫn họ Lưu?

- Đó là đương nhiên... Đứa bé kia là đứa nào?

- Họ Thường, tên là Thường Thanh. Ta tính thưởng cậu ta vài thứ, đương nhiên là nhà cậu bé không thiếu gạo, nên tới lúc đó ta sẽ làm một tờ giấy khen, ngươi viết vài chữ là được... À, nhớ phải đóng dấu nữa nhé, cái kiểu có thể dán lên ấy... Họ Lưu, Lưu Diệc Phi thì sao?

- À, tự ngươi đóng nhá, ta để hết trên bàn ấy. Ta không ở thì nói với Thiên Nam thúc... Ngươi nói gì cơ?

- Lưu Diệc Phi.

Ninh Nghị bắt đầu thu dọn đống văn chương trên bàn lại, lời này cũng là thuận miệng nói ra, trong lòng hắn còn đang nghĩ tới chuyện khác nên không coi chuyện này là chính sự, nói xong rồi cứ thế cười cười.

- Lưu Diệc Phi... Không được, trong phố này người họ Lưu thì có chín người tên là Lưu Diệc Phi rồi... Thôi bỏ qua, ta chỉ hỏi chơi thôi. Ngươi về trước đi, nếu chiều mà rảnh rỗi...

- Mười người thì có chín, là như vậy hả?

- Đúng vậy đó! Hôm kia nghe nói cữu nãi nãi của bác Lưu A Hoa nhà hàng xóm cũng tên là Diệc Phi, còn nữa, Ôn Khắc để Nhị phu nhân nhà cháu ngoại nuôi một con mèo, cũng gọi là Diệc Phi Diệc Phi, tên Ôn Khắc Nhượng lúc trước muốn giết ngươi ấy, rảnh thì gọi người bắt con mèo kia về hầm thịt mà ăn... Ngươi có việc thì đi trước đi, ta chỉ tùy tiện hỏi thôi.

Sau khi Ninh Nghị đi, Lưu Tây Qua lấy một tờ giấy bên trên viết đầy các loại tên ra từ trong ngăn kéo, viết cái tên mới lên trên, sau đó cất đi rồi tiếp tục xử lý chính sự...

***

Sau khi chính thức đoạn tuyệt với Bao Đạo Ất, Ninh Nghị đã không tham gia mật thiết gì tới chuyện này nữa. Lưu Tây Qua để hắn phụ trách một vài công tác có tính thiết thực hoặc có thể nói là nghiên cứu ở trong Bá Đao doanh, đó chính là thay đổi toàn bộ vấn đề cơ sở chế độ của Bá Đao doanh. Ở ngay lúc này thì đây có vẻ như là trò đùa của trẻ con vậy.

Bá Đao doanh đã tiến hành cái gọi là tuyển cử lần đầu tiên, nếu dừng lại kiểu đầu voi đuôi chuột thì có vẻ không được ổn cho lắm. Nhưng đại quân Đồng Quán xuôi nam, vô cùng cấp bách, trong tình cảnh khi chưa biết tương lai Bá Đao doanh sẽ thế nào, nếu thật sự lấy toàn bộ lực lượng của Bá Đao doanh để phối hợp với mấy trò "cải cách" như trò con nít này, dĩ nhiên là cũng khá vớ vẩn. Nhưng dù thế nào thì nếu đã đánh giặc, thì phải chuẩn bị tinh thần là sẽ thua, cũng phải chuẩn bị tinh thần là thắng. Nếu phía Phương Lạp có thể kiên trì được, ngày sau Lưu Tây Qua nếu làm người đứng đầu một quận một huyện, phân cho một mảnh đất cho nàng giày vò hành hạ là hoàn toàn không thành vấn đề, sau này việc cần phải làm, nên làm như thế nào, giờ có thể bắt đầu bố trí được rồi.

Những tư tưởng na ná kiểu tự do dân chủ, phần lớn chỉ là vũ khí dùng để lừa dối Lưu Tây Qua mà thôi, nhưng nếu xét về mặt tâm lý thì Ninh Nghị quả thực cũng muốn tiện tay thử một phen. Đương nhiên dân chủ này vốn chưa bao giờ là về vấn đề thể chế, mà là về nhân tâm. Ở thời đại này, cái gọi là dân chủ đó chỉ là cây không rễ, chẳng mấy ai sẽ tin tưởng nó. Ném cho Bá Đao doanh một chế độ, rập khuôn theo chế độ tuyển cử sang nơi đây là ảo tưởng thành lập được thế giới đại đồng, đó hoàn toàn là chuyện không thể nào làm được.

Trên thực tế, ngay trong lịch sự nghèo nàn mà Ninh Nghị biết, cũng được nghe nói qua, trên lịch sử của Trung Quốc sớm có rất nhiều lần thực nghiệm xã hội đại đồng. Một vài kẻ có tiền hoặc người đọc sách quyên gia sản của mình ra, tạo ra một thôn tương tự với công xã nhân dân, mọi người ăn chung nồi, trẻ con đều được đi học, mọi người cùng làm việc, có chuyện thì do các trưởng lão cùng biểu quyết, nhưng cuối cùng đều thất bại, không hề có ngoại lệ. Cho dù là xã hội đại đồng có phải như vậy hay không, chỉ quẳng cho người ta một cái chế độ là vĩnh viễn không đủ. Bản chất dân chủ cũng là sự độc tài của đa số với thiểu số. Muốn dân chủ, thứ dầu tiên cần chính là văn hóa, người ta phải tự phát đi tranh thủ, nhận ra tính chính đáng của việc tự mình tranh thủ, phải có lý luận cơ sở như vậy mới được.

Sau khi có quyền đi lại rồi, chuyện đầu tiên Ninh Nghị làm là lấy một nhóm người ở thư viện Văn Liệt mà khai đao.

Mỗi ngày hắn lại mở một lớp học ngắn ngủi, thu nạp rất nhiều văn nhân trong và ngoài thư viện, mỗi ngày lại giảng giải về sinh sản và quan hệ phân phối, giảng tư bản luận. Trong đó, tách ra một cái bản chất xã hội đơn giản thì đó phải là bản chất xã hội là một tập đoàn mà mọi người tập hợp cùng giúp đỡ nhau thu được lợi ích, trong bản chất này, bất cứ ai cũng không phân chia cao thấp, mà xã hội tiến bộ chính là làm cho phân phối không ngừng đạt tới mức công bằng. Sau đó làm cho người dùng thứ ngôn ngữ mà bất cứ ai cũng có thể tiếp thu để giải thích về quan hệ hợp tác cơ bản này, viết ra thành văn chương. Lý luận Khổng Tử hay Mạnh Tử cũng được, Mặc Tử cũng được, Hàn Phi hay Lão Tử cũng không sao cả, ngươi có thể dùng viết ra một thiên cho ta, nếu có chất lượng thì cũng có thể thu lấy.

Lúc này Hàng Châu đã chuyển vào trạng thái thời chiến.

Mặc dù khi Phương Lạp chiếm lĩnh Hàng Châu vẫn là ngày mùa, một lượng lớn sưu thuế đã để chuẩn bị cho cuộc chiến với Đồng Quán, tài nguyên trong thành Hàng Châu này vẫn khá sung túc. Nhưng các loại vật tư trong trạng thái chiến tranh thì khó mà lưu thông cho được, bất cứ người có tiền hay có lương thực thì khó mà lại lấy nó ra được nữa. Đám nho sinh văn nhân ở thư viện Văn Liệt lại lần nữa trở thành những kẻ rảnh rỗi, Ninh Nghị tiện thể khai giá cho đám người này, có văn, có ăn.

Ninh Nghị ra sức nói các loại lý luận thời hiện đại đến mức dễ hiểu nhất có thể, tóm lại những người đọc qua sách này bình thường vẫn có thể nghe hiểu được. Cho dù có phải là đồng ý hay không, để bọn họ viết linh tinh, miễn cưỡng chắp vá trên đạo thánh nhân của Khổng Mạnh, đúng hay sai đều không sao cả. Những nho sinh này viết nhiều văn chương rồi, một trăm bài rác rưởi thì ắt hẳn sẽ có một hai bài có ý tứ, mai sau có thể lấy những văn chương này làm vỡ lòng cho bọn trẻ học, đem lời nói dối nói ngàn lần là sẽ thành lời nói thật, lại khiến cho người ta từng bước nghiệm chứng sự thay đổi trong đời sống, cho người khác xem, chung quy là sẽ có một vài kẻ phản nghịch có thể thấy được mấy thứ có đạo lý trong đó.

Nhưng đầu tiên là phải có văn chương đã, dù sao thì hắn cũng đang thấy nhàm chán, nay điều cần làm chính là đem những loại sách như "Tư bản luận" này nhào nặn làm một với Khổng Tử Mạnh Tử, mà sau này quả boom này sẽ biến thành bộ dáng gì, hắn cũng không quan tâm.

Cứ như vậy, hắn đi ra khỏi chủ trạch thì gặp được Trần Phàm, người đã mấy ngày không thấy đâu. Gã quấn băng vải, trên người đầy mùi thuốc, nhưng trông vẫn rất long tinh hổ mãnh, sau khi chào hỏi qua loa thì hai người nói tới chiến trường mấy ngày nay.

- Chuyện kiểu đánh giặc này, đầu tiên không phải dựa vào võ công cao, thứ đáng tin nhất vẫn là vận khí... Ngươi mặc dù là cao thủ, nhưng vận khí không tốt thì đừng lên tường thành là tốt nhất. Ngươi mới đi ra từ bên kia? Con nhóc Tây Qua thế nào rồi, có bị thương hay không?

- Thoạt nhìn thì vận khí của nàng ấy tốt hơn huynh.

Ninh Nghị mỉm cười:

- Nghe tổng quản Thiên Nam nói, mấy ngày trước huynh suýt chút nữa thì ra tay với nàng ấy, có chuyện gì vậy?

- Trêu chọc tí xíu ấy mà, không có ra tay gì đâu. Lúc ấy đang ở trên tường thành, nàng bỗng hỏi nếu nàng cải danh thì ta cảm thấy nên đổi thế nào cho hay... Dạo này nàng luôn hỏi điều này, thần bí lắm, ta bèn nói, cha nàng tên là Lưu Đại Bưu, nàng vừa tên là Lưu Đại Bưu, lại vừa tên là Lưu Tây Qua như vậy thì không được tốt cho lắm, chi bằng kết hợp hai cái tên đó lại...

Nói tới đây, Trần Phàm đã không nhịn được mà bật cười, khom cả người xuống. Ninh Nghị giật giật khóe miệng:

- À, gọi là gì?

- Ha ha, kết hợp một chút ấy, đương nhiên là... ha ha... phù phù... gọi là Lưu... Lưu Đại Tây Qua chứ sao, cũng có thể gọi là Lưu Đại Tây Qua Bưu, ha ha ha ha...

Trần Phàm ôm bụng cười to liên tục, trông rất đáng đánh đòn:

- Sau đó, nàng liền phát khùng, rút đao định chém ta, lúc ấy trên chiến trường nên không hạ thủ được. Ta chết cười mất thôi, ha ha ha ha ha...

Gã cười đến không dừng được. Ninh Nghị cũng giật giật khóe miệng một lúc lâu, cuối cùng vỗ vai gã một cái:

- Ta cảm thấy thời gian tới tốt nhất là huynh đừng để nàng thấy huynh.

- Tất nhiên rồi, tất nhiên là phải thế rồi! À, khoan khoan, có chuyện, có chuyện tìm ngươi đây...

Khi Ninh Nghị bước qua thì Trần Phàm kéo hắn lại, lại cười thêm một tràng nữa rồi mới nghiêm túc lại, cố gắng giữ cho khuôn mặt mình ở hình chữ Quốc (国):

- Là như thế này, năm ngày Đồng Quán công thành kia, thời tiết càng ngày càng lạnh, nếu thực sự hạ tuyết thì y sẽ không đánh trận được nữa. Có lẽ là sẽ thủ được thành. Nhưng sư phụ nói, với tính cách kia của Đồng Quán, lại thêm chiến cuộc khẩn trương ở phương Bắc kia, có lẽ y vẫn chưa từ bỏ ý định, tiếp sau này chắc chắn sẽ cường công thêm một hai lần nữa. Cho dù thế nào thì nếu rảnh rỗi, sư phụ vẫn muốn gặp ngươi một lần, ta nói trước cho ngươi biết, có lẽ chính là gần đây, nếu Đồng Quán không làm gì thì có thể là xế chiều hôm nay...

Ninh Nghị ngẫm nghĩ rồi gật gật đầu. Hai người lại hàn huyên thêm vài câu, khi Trần Phàm đi rồi, hắn đứng đó một lúc, mới thở hắt ra một hơi, cười cười:

- Phương Thất Phật...

Bình Luận (0)
Comment