Thứ hai –Tháng 5: Mưa, nắng, gió, thiên nhiên dường như cũng đang lựa chọn tâm trạng cho riêng mình. Để thích nghi và tồn tại, tắc kè hoa có thể đổi màu. Phụ nữ cũng như vậy, thậm chí còn tài tình hơn, bởi họ có thể thay đổi cả bề ngoài lẫn tâm tính. Diệp Anh mỗi sáng sau khi thức dậy đều được tận mắt chứng kiến sự kì diệu này của tạo hóa.
An Nhiên trước kia làm việc gì cũng chậm rãi, gọn gàng, sau khi sinh con đã hoàn toàn đổi khác. Buổi sáng, cô hằn học với mái tóc bới vội, buộc túm ra sau bằng vài sợi chun đủ màu, gắt gỏng ngồi xổm trên nền đất, dồn sức giằng tay đứa con trai ra khỏi hàng rào rồi kéo lê nó trên đường như một kiện hàng đến tận nhà trẻ. Hai người đã đi khuất, tiếng la hét còn nghe rõ. Khi mặt trời mệt nhọc lặn xuống, ngược chiều từ trường về nhà, hai mẹ con họ một lần nữa diễn lại cảnh tượng ban sáng, không chút khác biệt. Rút cục, thằng bé thích ở nhà hay đến trường, không ai đoán được. Nhưng đó chỉ là khởi đầu, buổi tối mới thực sự là cuộc chiến. Một bát cơm hai xấp đĩa hoạt hình vẫn chưa suy suyển. Thằng bé chỉ hít lấy nước, rồi ngậm chặt bã trong miệng, lì lợm không chịu nuốt xuống. Đôi khi An Nhiên nổi cáu, cho thằng bé một cái bạt tai. Cuối cùng, nước mũi, nước mắt tùm lum, cô quệt với thìa cơm đầy bỏ vào miệng thằng bé. Thỉnh thoảng, nhân lúc Diệp Anh bất cẩn, thằng bé chỉ một lần nhấp chuột đã xóa sạch toàn bộ công sức làm việc suốt đêm của cô. An Nhiên biết được, bắt thằng bé đứng ngoài sân cho tới khi nó chịu xin lỗi. Một tiếng đồng hồ, nó giậm chân, mặc sức la hét. Diệp Anh và An Nhiên chứng kiến tất cả, chậm rãi nhấm nháp tách cà phê còn nóng, tận hưởng buổi tối yên tĩnh sau lượt kính cách âm.
Diệp Anh áp tách cà phê lên má, liếc nhìn An Nhiên, hỏi:
- Cậu cứ để thằng bé thế hả?
- Yên tâm, lát uống xong mình ra trói nó vào.
- Ai không biết chắc tưởng cậu là mẹ ghẻ.
- Được thế thì tốt. Có thể bỏ mặc mà không mảy may áy náy.
- Tới tận bây giờ cậu vẫn kiên trì là vì áy náy sao?
An Nhiên mỉm cười. Giờ Diệp Anh mới nhìn rõ những nếp nhăn quanh khóe miệng và đuôi mắt của cô.
- Lúc mới đến đây, thực sự rất vất vả. Mình từng nghĩ hay đưa thằng bé cho mẹ mình để bản thân được rảnh rang bắt đầu lại. Nhiều lần chần chừ, giờ nó đã lớn bằng từng này. Một bát cơm cũng tốn hơn hai tiếng đồng hồ. Công sức đấy sao mình để cho người khác được.
Rặng hoa mùa trước An Nhiên tự tay trồng giờ đã nở, phủ kín khoảng đất khô cằn. Người ta nói con cái như chiếc “boomerang” dù có ném đi bao xa, rút cục nó sẽ lại quay về, đôi khi bất cẩn, chính nó sẽ làm ta bị thương. An Nhiên không muốn trở thành chiếc boomerang. Một đứa con, nhiều lời đồn đại về cuộc hôn nhân không toàn vẹn và người chồng tồi tệ chắc chắn sẽ đặt thêm gánh nặng lên vai mẹ cô, người phụ nữ suốt đời chưa được thỏa thuê cười một lần. Tới nơi chưa từng tới, làm những việc chưa từng làm, hoàn toàn đơn độc, An Nhiên trở thành phụ nữ sau khi làm mẹ.
An Nhiên nhìn thằng bé, lắc đầu, than vãn:
- Không biết nó giống ai nữa!
Diệp Anh như nhìn thấy bản sao của mình lúc nhỏ, vỗ nhẹ vai An Nhiên, ôn tồn:
- Cậu cho thằng bé vào nhà đi. Nó sẽ không xin lỗi đâu. Muộn rồi, để hàng xóm còn ngủ.
Đèn đã tắt. Thành phố chìm vào yên lặng. An Nhiên và thằng bé cũng đã ngủ say. Trong phòng khách, mình Diệp Anh còn ngồi lại. Ngoài cửa sổ, mưa đột nhiên trút xuống. Cảnh vật yên bình thường nhật như bức tranh bị lớp nước rửa trôi lượt sơn mới phủ lên, đằng sau lộ ra vẻ lạnh lẽo, cô quạnh. Hàng cây um tùm trước nhà giờ chỉ còn một màu tối đen. Con đường chạy qua thêm dài và xa. Diệp Anh đứng dậy, tiến lại gần cửa sổ. Từ chiếc radio cũ trên kệ sách đang vang lên một giọng đọc trầm ấm.
Câu chuyện đầu tiên được chia sẻ là lời đồn đại về loài “huyết điệp”.
“You are my memory” (Anh là kí ức) là bản nhạc một người phụ nữ sáng tác trước khi qua đời. Đối với bà, người chồng chính là “kí ức”, là thứ duy nhất bà có thể mang theo sang thế giới bên kia. Bà qua đời, người chồng vì thương nhớ đã chơi bản nhạc đó, rồi tự sát. Máu của ông chảy xuống phím đàn hóa thành loài bướm đỏ, chảy theo dòng hải lưu có dải tro của người phụ nữ, như lời hứa về một tình yêu không bao giờ thay đổi. Những dòng chữ ở một góc bản nhạc được đọc lên:
“Chút đắng ban đầu của lời từ biệt thoảng qua trên đầu lưỡi, để rồi cuối cùng, lắng lại là vị ngọt ngào của hạnh phúc. Hơn cả sinh mạng, thứ duy nhất em có thể mang theo sang thế giới bên kia là kí ức, là anh. Thanh thản, mãn nguyện, tự do buông mình vào khoảng không tĩnh tại vì biết trái tim chẳng bao giờ ngừng đập.” So với câu chuyện đầu tiên, câu chuyện thứ hai nhẹ nhàng, ít luyến tiếc hơn. Đó là câu chuyện của chính phát thanh viên.
“Mối tình đầu, không hứa hẹn, nó tan biến trong thanh thản, nhẹ nhàng. Không vĩnh cửu, nó khẽ đặt vào tâm trí tôi những kỉ niệm ngọt ngào, sống động. Chưa từng nói yêu, chưa từng níu giữ nhưng nỗi đau mất mát đủ để tôi biết, nó từng tồn tại.” Câu hỏi cuối cùng đặt ra trước khi những đoạn nhạc không lời được phát liên tiếp: “Luyến tiếc, bạn có không?”
Hơi thở của Diệp Anh làm mờ mặt kính. Ngọn đèn cao áp trước nhà đột nhiên tắt phụt. Cô thở dài, rò rẫm về phòng mình, leo lên giường, trùm chăn kín mít. Ngoài trời, khí lạnh sẽ mau tan khi mặt trời ló rạng.
Khoảng thời gian sau đó, An Nhiên cuối cùng cũng chấp nhận thuê người giúp việc. Một buổi sáng, đập vào mắt Diệp Anh sau chuyến công tác dài ngày là một chiếc váy đỏ chấm bi khổ rộng đang cúi rạp trên nền đất, cặm cụi khua bụi bẩn từ khắp gầm giường và gầm ghế ra ngoài. Đó là một cô gái ngoài 20 với thân hình đồ sộ, mái tóc dày búi cao. Ngay khi nhận ra sự có mặt của Diệp Anh, cô ta đứng bật dậy, lịch sự chào:
- Cháu chào cô!
Diệp Anh nhướn mày, gượng cười đáp lại, rồi để vali qua bên. Trước khi trở ra phòng khách, Diệp Anh còn kịp thấy cô ta nhanh nhẹn với lấy xấp bản thảo trên bàn dùng để hót gọn đám rác dưới chân.
Thấy Diệp Anh đã về, ngồi yên lặng trên ghế sofa, An Nhiên tiến tới, vỗ vai:
- Vất vả không?
Diệp Anh tu một hơi cạn cốc nước vừa rót ra, gật đầu.
- Vất vả. Thế mới tàn tạ tới độ vừa về đã có người chào là cô.
An Nhiên gập người cười lớn. Diệp Anh với lấy điều khiển tivi, cố ý bật tiếng to hơn bình thường.
Trái với vẻ bề ngoài xuề xòa, cô gái này làm việc rất chu đáo, lại hết sức siêng năng. Mọi việc diễn ra suôn sẻ cho tới khi cô ta nhận được một cú điện thoại, sốt sắng gói ghém đồ đạc về quê rồi từ đó không trở lại. Chỉ vài ngày, An Nhiên nghe nói cô ta đã kết hôn và có thai được 2 tháng. Diệp Anh và An Nhiên ngồi đối diện nhau, thất thần, không hiểu đã có chuyện gì xảy ra và xảy ra như thế nào. Chưa kịp nghĩ xong, An Nhiên đã nhận được lệnh đi công tác một tuần. Cô liếc nhìn Diệp Anh, thở dài. Cuối cùng, người duy nhất cô có thể giao phó lại là người cô không thể tin tưởng.
Diệp Anh có em trai, vậy nên các chiêu thức để đối phó cô tích lũy được không ít. Chỉ có điều ngày cuối cùng trước khi An Nhiên về đã xảy ra một chuyện. Diệp Anh vừa quay đi vài giây để lấy cốc sữa đã hâm nóng thì thằng bé từ đâu nhảy xuống, nằm rạp trên nền đất, đầu bê bết máu. Diệp Anh luống cuống. Đúng lúc đó, bên ngoài có người bấm chuông. Đoán rằng An Nhiên đã về, Diệp Anh càng thêm hốt hoảng, không biết nên cứu thằng bé trước hay cứu mình trước. Cô vội vàng với lấy chiếc khăn vắt trên thành ghế rịt vào vết thương, bế thằng bé lên tay chạy ra mở cửa vì nghĩ dù sao để An Nhiên xử lí việc này vẫn tốt hơn. Tiếc rằng, cánh cửa mở ra, người đứng đó không phải An Nhiên mà là Khải Hưng. Diệp Anh sững lại trong vài giây, sau đó nhanh chóng kéo tay anh vào trong, khoa chân múa tay miêu tả lại những gì vừa xảy ra.
Một vết thương nhẹ, Khải Hưng đã cẩn thận băng lại, Diệp Anh còn cúi xuống, chăm chú xem xét. Cô liếc nhìn thằng bé. Nó không khóc một tiếng, chỉ lì lợm bặm môi. Giờ nó đang thích thú nắm chặt tóc Khải Hưng, giật qua giật lại.
Diệp Anh đã biết câu trả lời nhưng vẫn không thôi hỏi đi hỏi lại:
- Anh chắc chắn không phải khâu đấy chứ?
Khải Hưng cau mày, hằn học đáp lại:
- Hay là thế? Anh cũng đang muốn khâu lại đây. Em có thể bảo nó bỏ tóc anh ra không? Giật thế này thì còn gì là đầu nữa!
Diệp Anh tảng lờ lời Khải Hưng, thở phào ngồi lên ghế, day day trán. Cô cảm thấy choáng váng như chỗ máu bị mất đi là của mình, chứ không phải của thằng bé.
Thằng bé chơi mệt lăn ra ngủ từ lúc nào không biết. Khải Hưng kéo tay áo Diệp Anh, lay cô dậy. Cô uể oải đẩy mi mắt chỉ vừa kịp khép lại. Khải Hưng cúi đầu nhìn cô, thì thầm vì không muốn đánh thức thằng bé:
- Em dậy đi. Chúng ta đi dạo một lát.
- Thằng bé thì sao?
Khải Hưng bế xốc thằng bé lên vai. Diệp Anh hốt hoảng, bật dậy.
- Nó có phải bao xi măng đâu mà anh vác thế.
Khải Hưng còn tưởng cô sẽ đưa tay đỡ lấy thằng bé không ngờ cô chỉ chỉnh lại để nó có tư thế thoải mái hơn, sau đó lấy chiếc áo khoác len của mình choàng qua người nó. Thấy Khải Hưng nhìn cô chằm chằm, cô nhướn mày, hất cằm về phía cửa.
- Đi thôi!
Nắng nhẹ, gió nhẹ, một mùi hương phảng phất trong không khí. Cánh mũi Diệp Anh khẽ cử động. Mùi hương này rất quen nhưng cô lại không thể nhớ ra là từ loại cây nào. Nó như đang chơi trốn tìm với khứu giác của cô, lúc gần lúc xa, lúc rõ rệt lúc lại chỉ thoáng qua. Ngọt dịu, ấm áp, nó đánh thức sự hưng phấn trong cô. Cô đưa mắt nhìn quanh, chỉ có những dây leo khô cứng đan vào nhau, vặn thừng trên bức tường đá kế bên. Phía trong là một biệt thự bỏ không, kiên cố và biệt lập như một pháo đài. Cô khẽ mỉm cười, có lẽ vào một ngày nắng đẹp, endorphine có thể biến ảo giác thành hiện thực.
Mái tóc chải vội lòa xòa rũ xuống, bàn tay giấu trong túi áo rộng, Khải Hưng yên lặng nhìn Diệp Anh từ sau lưng rồi tiến nhanh về phía trước, kéo cô đi chậm lại. Cô liếc nhìn anh, từ tốn hỏi:
- Sao tự dưng hôm nay anh đến tìm em?
- Anh không tìm em. Anh tìm An Nhiên. Là em không hỏi han đã xồng xộc kéo anh vào nhà đấy chứ.
- An Nhiên? Anh có việc gì với cô ấy?
- Không phải anh, mà là sếp của anh.
Diệp Anh sững lại, níu tay áo Khải Hưng.
- Sếp anh? Không phải lần trước đến đây, viện trưởng đã…
Khải Hưng kéo Diệp Anh ngồi xuống một gốc cây gần đó trước khi trí tưởng tượng của cô tiếp tục đi xa hơn.
- Đấy là sếp cũ. Còn sếp hiện tại của anh chính là chủ quán cà phê anh gặp em lần đầu tới đây. Tuần sau anh ta cưới. Em không đến quán. An Nhiên cũng không liên lạc được. Anh ta bận nhiều chuyện nên nhờ anh tới thông báo một tiếng.
Diệp Anh yên lặng, đăm đăm nhìn Khải Hưng. Anh lục tìm trong túi áo khoác của mình rồi rút ra một tấm thiệp cưới màu vàng nhạt.
- Em không tin thì đây, thiệp cưới đây.
Diệp Anh gạt tấm thiệp qua bên, ánh nhìn vẫn chưa hề dịch chuyển.
- Anh ta có cưới hay không, em không quan tâm. Chuyện em muốn biết là tại sao tự dưng anh ta lại là sếp của anh?
Khải Hưng chậm rãi duỗi thẳng chân và chỉnh lại chiếc áo len khoác bên ngoài thằng bé, cười trừ.
- Xem ra không phải em không trả lời mà là chưa từng đọc mail anh gửi.
Khải Hưng thở dài, cố nhớ xem nên tóm tắt hàng chục bức thư dài thành vài câu ngắn gọn thế nào.
- Lần trước, sau khi ăn đồ ăn ở quán đó, anh đã góp ý vài câu với anh ta. Không ngờ sau khi quay về giải quyết một số việc, trở lại, anh ta còn nhớ rõ, lập tức cho anh làm đầu bếp.
- Quay về giải quyết một số việc? Ý anh là bỏ bệnh viện để đi nấu ăn và bỏ đồng bằng để lên núi? Anh định làm gì với cuộc đời mình vậy?
- Làm gì? Anh còn định hỏi nó đang làm gì với anh. Anh chưa từng bị phụ nữ bỏ rơi. Vậy mà cuối cùng bị vứt qua bên, đến nói cũng chưa nói được lời nào.
Diệp Anh quay qua bên, lảng tránh ánh nhìn của Khải Hưng.
- Nếu em để anh nói thì không biết đến bao giờ chúng ta mới kết thúc chuyện này.
- Được. Em muốn anh không dài dòng phải không? Vậy anh ngắn gọn.
Khải Hưng nuốt nước miếng như thể đang chuẩn bị cho một bài thuyết trình.
- Em nói anh dè chừng và lảng tránh em là vì anh thực sự nghĩ em là người gây ra cái chết của mẹ anh. Tốt thôi. Giờ anh cũng sẽ nghĩ như cách em muốn. Vì em mà anh mất mẹ. Vì em mà anh không có được sự yêu thương đúng như anh phải có. Thế nên đáng lẽ em phải bù đắp cho anh, chứ không phải vứt bỏ anh để coi như kí ức đó chưa hề tồn tại.
Diệp Anh như đang định nói điều gì đó thì bị Khải Hưng chặn lại.
- Chuyện này không thể kết thúc là vì em nói quá nhiều, chứ không phải anh. Em luôn dùng lời lẽ để chèn ép anh trước khi anh kịp nghĩ ra lí lẽ của riêng mình. Giờ thì đến lượt anh.
Khải Hưng bình tĩnh nói tiếp:
- Con người ai cũng có phần ích kỉ và đố kị. Mẹ anh qua đời lúc anh 9 tuổi, còn em 7 tuổi. Em lớn lên có đầy đủ sự chăm sóc của cha mẹ. Hơn thế, xung quanh có không ít người yêu thương, chú ý đến em. Còn anh thì sao? Khi biết được chuyện đó, anh cũng cần có khoảng thời gian riêng để điều chỉnh cảm xúc, để hiểu ra trong chuyện này không ai có lỗi, chứ không phải lảng tránh. Hơn nữa, em nhạy cảm, luôn không nói hết suy nghĩ của mình, anh thận trọng để không đặt vụ tai nạn đó vào giữa mối quan hệ của chúng ta, chứ không phải dè chừng.
Diệp Anh không có khoảng trống nào để chen vào giữa lời nói của Khải Hưng.
- Em từng nói, không thể dùng định kiến của bản thân để cố chấp đến cùng, cũng nên cho người khác cơ hội để chứng mình điều ngược lại. Thế nên em không quay về thì anh đến đây, em không trả lời thì anh tới gặp. Anh sẽ khiến cho em thấy anh không thay đổi và cũng không có ý định từ bỏ bất cứ thứ gì anh đã bắt đầu.
Khải Hưng đặt đứa bé vào tay Diệp Anh, từ từ đứng dậy. Anh cúi xuống, ghé sát vào gương mặt Diệp Anh, thì thầm:
- Quán anh mới đổi menu. Rất ngon. Lần sau đến, em có thể bế cả thằng bé theo.
Khải Hưng đã đi khuất, Diệp Anh còn ngồi lại. Từng đợt gió nhẹ lượn vòng, quấn quít trên đám cỏ non. Mùi hương ban nãy lại xuất hiện, xộc vào khứu giác khiến Diệp Anh như bừng tỉnh. Cô đưa tay, sờ lên lượt giấy mềm màu vàng nhạt của tấm thiệp cưới.
An Nhiên vì cưới nhầm người, luôn nuối tiếc thời gian và tình cảm đã bỏ ra. May mắn, đứa con có thể bù đắp những tổn thương cô phải chịu đựng. Nhưng chính đứa con này lại cản trở hạnh phúc một lần nữa cô muốn có được. Diệp Anh thở dài, đắn đo không biết nên đưa hay không đưa tấm thiệp cưới này cho An Nhiên.
Cuộc đời là chuỗi dài những luyến tiếc. Mọi lựa chọn đều đòi hỏi chi phí cơ hội. Diệp Anh thực sự không muốn Khải Hưng đối với cô chỉ là sự luyến tiếc.