Chuỗi Án Mạng A.b.c

Chương 27

Tôi bám sát gót Poirot nên kịp nghe đoạn cuối câu chuyện của Crome.

Cả anh ta lẫn cảnh sát trưởng trông có vẻ lo lắng và tuyệt vọng.

Đại tá Anderson gật đầu chào chúng tôi.

“Tôi rất vui vì ông đã đến, ông Poirot”, ông lịch sự nói. Tôi nghĩ ông đại tá đoán những lời nhận xét của Crome đã lọt vào tai chúng tôi. “Ông thấy đấy, chúng ta lại bị hắn chơi tiếp rồi”.

“Một vụ giết người khác của A B C à?”

“Vâng. Một vụ hết sức táo bạo. Hắn nhoài người qua ghế và đâm vào lưng nạn nhân”.

“Lần này là đâm sao?”

“Vâng. Hắn có vẻ có nhiều phương thức ra tay nhỉ? Nào là đánh mạnh vào đầu, thắt cổ, bây giờ là dùng dao. Đúng là tên ác độc nhiều mánh khóe nhỉ? Đây là những thông tin pháp y. Nếu các ông muốn xem thì xem nhé”.

Ông đưa tờ giấy về phía Poirot và nói thêm: “Quyển A B C ở ngay dưới sàn giữa hai chân người chết đấy”.

Poirot hỏi: “Thế ông đã biết danh tính của nạn nhân chưa?”

“Biết. Lần này A B C ra tay nhầm rồi - nói thế không biết chúng ta có vui thêm chút nào không. Người bị giết đó tên là Earlsfield - George Earlsfield. Làm nghề cắt tóc”.

Poirot nhận xét: “Kỳ quặc thật”.

“Chắc là bỏ qua một chữ cái”, ông đại tá gợi ý.

Ông bạn tôi lắc đầu vẻ nghi ngờ.

Crome hỏi: “Chúng ta mời nhân chứng tiếp theo vào nhé. Ông ấy nôn nóng muốn về nhà sớm”.

“Vâng, vâng - hãy tiếp tục nào”.

Một quý ông trung niên dáng vẻ rất giống nhân vật người nhái trong truyện Alice ở xứ sở thần tiên bước vào. Ông ta có vẻ hết sức bồn chồn và giọng ông the thé đầy kích động.

“Đây là vụ sốc nhất mà tôi từng được chứng kiến”, ông ta rít lên. “Tôi bị yếu tim, thưa ông - tim tôi rất yếu, tôi suýt chết ấy chứ”.

Thanh tra hỏi: “Ông tên gì ạ?”

“Downes. Roger Emmanuel Downes”.

“Nghề nghiệp ạ?”

“Tôi là hiệu trưởng trường nam sinh Highfield”.

“Ông Downes, giờ thì mời ông kể cho chúng tôi nghe chuyện gì đã xảy ra đi ạ”.

“Thưa các ông, chuyện chỉ ngắn thế này thôi. Khi phim vừa kết thúc tôi đứng lên khỏi chỗ ngồi. Ghế bên phía trái trống nhưng cách đó có một người đàn ông đang ngồi, rõ ràng là đang ngủ. Tôi không thể đi qua khỏi chỗ ông ta vì chân ông duỗi ra phía trước. Tôi bảo ông ta cho tôi đi qua. Nhưng ông ta vẫn không nhúc nhích nên tôi lặp lại lời đề nghị với... à... ờ... giọng hơi lớn tiếng hơn một chút. Ông ta vẫn không phản ứng gì. Rồi tôi lay vai ông ta để gọi dậy. Thân hình ông ta chúi xuống thấp hơn và tôi nghĩ ông ta chắc bị bất tỉnh hoặc ốm nặng. Tôi kêu lên: ‘Ông này bị ốm rồi. Gọi bảo vệ giúp tôi với’. Bảo vệ đến. Khi tôi rút tay ra khỏi vai ông ấy tôi thấy cái gì đó ướt và màu đỏ... Các ông biết sao không, tôi bị sốc kinh khủng! Chuyện gì cũng có thể xảy ra! Mấy năm nay tôi bị yếu tim...”

Đại tá Anderson nhìn ông Downes với vẻ rất kỳ lạ. “Ông Downes ạ, ông đúng là người hết sức may mắn”.

“Tôi cũng nghĩ thế, thưa ông. Tim tôi không hề đập mạnh chút nào!”

“Ông chưa hiểu ý tôi, ông Downes à. Ông nói là ông ngồi cách đó hai ghế đúng không?”

“Thật ra thì lúc đầu tôi ngồi ở ghế kế bên, cạnh người đàn ông bị giết... sau đó tôi chuyển qua ghế khác để được ngồi phía sau một ghế trống”.

“Ông có chiều cao và hình dáng gần giống với người chết đó và ông cũng quàng một chiếc khăn len quanh cổ giống ông ấy đúng không?”

Ông Downes trả lời vẻ khó nhọc: “Tôi chưa hiểu...”

“Ông ạ, ý tôi là ông đã gặp may”, đại tá Anderson nói. “Có thể tên giết người đã đi theo ông vào rạp rồi hắn bị nhầm lẫn. Hắn nhắm nhầm lưng của người khác. Nếu nhát dao đó không phải để dành cho ông thì tôi đi đầu xuống đất đấy, ông Downes ạ!”

Tim của ông Downes rất giỏi chịu đựng thử thách vừa rồi nhưng đến thử thách này nó đã đầu hàng. Ông ta ngồi phịch xuống ghế, thở dốc và mặt trở nên tím tái.

Ông vừa thở hổn hển vừa kêu: “Nước... nước...”

Người ta mang đến cho ông một ly nước, ông uống từng ngụm nhỏ và sắc mặt của ông dần trở lại bình thường. Ông ta nói: “Tôi ư? Sao lại là tôi?”

“Có vẻ như thế lắm”, Crome nói. “Thật ra, đó là cách lý giải duy nhất”.

“Ý anh là người đàn ông này - cái tên quỷ đội lốt người này - thằng điên khát máu này đã bám theo tôi và đợi thời cơ ra tay sao?”

“Tôi nghĩ thế”.

Ông hiệu trưởng giận dữ hỏi lại: “Nhưng trời ơi, sao lại là tôi cơ chứ?”

Thanh tra Crome cố lắm mới không đáp lại là: “Tại sao không chứ?” và rốt cuộc anh nói: “Tôi e là đối với một kẻ hoang tưởng thì khó bắt hắn phải đưa ra lý do vì sao hắn làm thế”.

Ông Downes trấn tĩnh lại và thì thầm: “May cho tôi quá trời ơi!”

Ông ta đứng dậy. Bỗng dưng trông ông trở nên già đi và run rẩy.

“Nếu các ông không cần tôi nữa thì tôi xin phép về đây. Tôi... tôi không được khỏe”.

“Được rồi ông Downes. Tôi sẽ cho một cảnh sát đưa ông về - chỉ là để biết ông về nhà an toàn thôi”.

“Ồ, không...không. Cảm ơn ông. Không cần đâu”.

Đại tá Anderson nói giọng khàn khàn: “Có thể cần đấy”.

Mắt ông liếc ngang như muốn ngầm hỏi vị thanh tra. Anh thanh tra kín đáo gật đầu đáp lại.

Ông Downes run rẩy ra về.

“May là ông ta không hiểu ý của chúng ta”, đại tá Anderson nói. “Chắc phải nhờ một vài người nữa nhỉ?”

“Vâng, thưa đại tá. Thanh tra Rice đã sắp xếp rồi ạ. Họ sẽ theo dõi ngôi nhà đó”.

“Ông nghĩ là,” Poirot lên tiếng, “khi A B C nhận ra sự nhầm lẫn của hắn thì hắn sẽ ra tay lại à?”

Anderson gật đầu.

“Có thể lắm chứ”, ông nói. “Tên A B C đó hành động có quy củ lắm. Hắn sẽ giận dữ nếu mọi việc không diễn ra theo sắp đặt của hắn”.

Poirot gật đầu vẻ nghĩ ngợi.

Đại tá Anderson cáu kỉnh: “Giá mà chúng ta có được nhận dạng của hắn. Chúng ta vẫn mù tịt như trước”.

“Sắp có rồi”, Poirot nói.

“Ông nghĩ vậy à? ừ, có thể lắm chứ. Khốn nạn thật, mọi người đều mù hết cả hay sao thế không biết?”

Poirot: “Xin ông hãy kiên nhẫn”.

“Ông có vẻ tự tin đấy, ông Poirot. Lý do nào khiến ông lạc quan thế?”

“Vâng, thưa đại tá Anderson. Cho đến bây giờ, tên sát nhân chưa mắc lỗi nào. Nhưng hắn sẽ sớm mắc lỗi thôi”.

“Nếu đó là điều ông căn cứ vào...” ông cảnh sát trưởng khịt mũi nói nhưng chưa dứt câu thì có ai đó cắt lời.

“Ông Ball chủ nhà nghỉ Black Swan đến đây cùng với một cô gái trẻ thưa ông. Ông ta nói có vài điều cần khai báo và có thể có ích cho các ông”.

“Mời họ vào đi. Mời họ vào. Chúng ta phải nghe bất kỳ cái gì có ích cho việc điều tra”.

Ông Ball chủ nhà nghỉ Black Swan là một người đàn ông to lớn, phản ứng chậm chạp và đi đứng rất nặng nề. Hơi thở của ông toàn mùi bia. Đi cùng ông là một cô gái mập mạp có đôi mắt tròn, rõ ràng cô ta đang rất hồi hộp.

Ông Ball nói với giọng chậm rãi và nặng nề: “Tôi hy vọng không vào bừa hay làm mất thì giờ của các ông. Nhưng cô hầu phòng Mary đây nghĩ cô ấy có chuyện cần báo cho các ông biết”.

Mary cười vẻ miễn cưỡng.

Anderson nói: “Nào, cô gái, có chuyện gì thế? Tên cô là gì?”

“Mary, Mary Stroud, thưa ông”.

“Nào, Mary, cô kể đi”.

Mary đưa đôi mắt tròn xoe nhìn về phía ông chủ.

Ông Ball nói thay: “Nhiệm vụ của cô ấy là đưa nước nóng lên phòng của khách nam. Lúc đó có chừng sáu bảy khách ở trọ chỗ chúng tôi. Một vài khách đến để xem đua ngựa còn số khác thì đi buôn bán”.

Ông Anderson nói vẻ sốt ruột: “Vâng, vâng”.

“Cháu kể tiếp đi. Kể đi cháu. Đừng sợ”. Ông Ball nói.

Mary thở dốc, lẩm bẩm rồi hổn hển kể câu chuyện của mình.

“Tôi gõ cửa, không thấy ai trả lời, nếu có trả lời chí ít tôi sẽ không bước vào liền. Tôi chỉ vào khi ông ấy nói ‘Mời vào’, và vì ông không nói gì cả nên tôi đẩy cửa bước vào khi ông ấy đang đứng rửa tay ở đó”.

Cô ngừng kể và hít thật sâu.

Anderson nói: “Cô kể tiếp đi cô gái”.

Mary nhìn sang ông chủ và như thể được ông tiếp sức bằng cái gật đầu chậm rãi, cô liền kể tiếp.

“‘Nước nóng của ông đây ạ và tôi có gõ cửa’, tôi nói. Ông ta đáp: ‘Ô, tôi rửa bằng nước lạnh rồi’. Vì thế tôi nhìn vào trong chậu rửa và trời ơi, ông ơi, nước toàn màu đỏ!”

Anderson hỏi độp: “Màu đỏ ư?”

Ball chen vào.

“Cô ấy nói với tôi rằng hắn ta cởi áo khoác ra và cầm phần tay áo ướt đó - đúng thế không cháu?”

“Vâng, thưa ông, đúng thế ạ”.

Cô gái tiếp tục kể:

“Và khuôn mặt của ông ấy, thưa ông, trông lạ, lạ ghê lắm. Khiến tôi điếng người”.

Anderson đột nhiên hỏi: “Lúc đó là mấy giờ?”

“Tôi đoán là khoảng 5 giờ 15 phút hay gần gần thế”.

Anderson ngắt lời: “Hơn ba tiếng đồng hồ rồi cơ à. Sao hai người không đến trình báo ngay?”

Ball đáp: “Chúng tôi đâu có biết vụ án ngay đâu. Mãi sau tôi mới nghe được tin có một vụ giết người khác xảy ra. Và rồi cô hầu phòng la lớn vì nước trong chậu rửa giống như máu và tôi hỏi cô ấy ý cô là sao và cô kể đầu đuôi câu chuyện với tôi. Ờ, tôi không tin lắm nên tôi đích thân lên xem. Không có ai trong phòng cả. Tôi hỏi xung quanh và một người trong số đám thanh niên ngồi trong sân kể họ thấy hắn lẻn ra ngoài theo hướng đó và theo như lời miêu tả của anh ta thì đúng là hắn. Vì thế tôi nói với bà xã của tôi là tốt nhất Mary phải đi trình báo cảnh sát. Cô ấy không muốn, ý tôi là Mary ấy, nên tôi hứa sẽ đi cùng cô ấy tới đây”.

Thanh tra Crome đưa cho ông Ball một tờ giấy.

Anh nói: “Cô hãy miêu tả người đàn ông này đi. Càng nhanh càng tốt. Chúng ta không được bỏ phí dù là một giây”.

Mary đáp: “Ông ấy cỡ người trung bình. Dáng hơi khòm khòm và đeo kính ạ”.

“Hắn ăn mặc áo quần thế nào?”

“Mặc bộ vest đen và đội mũ nỉ. Trông hơi xoàng xĩnh”.

Cô ấy không tả thêm được gì nữa.

Thanh tra Crome không ép. Chẳng bao lâu các đường dây điện thoại trở nên bận rộn nhưng cả thanh tra và cảnh sát trưởng đều không mấy lạc quan.

Crome rút ra một dữ kiện rằng khi người ta thấy hắn đi ngang qua sân, hắn không mang theo túi xách hay vali. Anh nói: “Có một cơ hội rồi đó”.

Hai cảnh sát viên được phái tới nhà nghỉ Black Swan. Ông Ball tỏ ra hãnh diện và quan trọng lắm, còn Mary thì nước mắt giọt ngắn giọt dài đi theo hai cảnh sát viên đó.

Mười phút sau, viên trung sĩ quay lại.

Anh nói: “Tôi đã mang giấy đăng ký phòng khách sạn đến, thưa ông. Đây là chữ ký”.

Chúng tôi đứng tụm lại. Chữ viết nhỏ và nguệch ngoạc - rất khó đọc.

Cảnh sát trưởng hỏi: “A. B. Case - hay là Cash?”

Crome nói với vẻ hiểu biết lắm: “A B C”

Anderson hỏi: “Thế hành lý thì sao?”

“Một va-li lớn chất đầy các hộp các-tông nhỏ thưa ông”.

“Hộp ư? Đựng gì thế?”

“Bít tất, thưa ông. Bí tất lụa”.

Crome quay sang Poirot.

“Chúc mừng ông”, anh nói. “Linh cảm của ông đúng rồi”.
Bình Luận (0)
Comment