Chuỗi Án Mạng A.b.c

Chương 8

Gì vậy?” tôi hăm hở hỏi.

Chỉ có hai chúng tôi trong khoang hạng nhất. Tàu tốc hành vừa mới rời Andover.

Poirot trả lời: “Vụ án do một người đàn ông cao trung bình, tóc đỏ và mắt trái hơi bị lác gây ra. Chân phải hơi khập khiễng và có một nốt ruồi ngay dưới bả vai”.

Tôi reo lên: “Thật không Poirot?”

Tôi hoàn toàn bị lừa mất một lúc. Rồi ánh nhìn của ông bạn khiến tôi tỉnh ra.

“Cái ông Poirot này!” Tôi lại kêu lên, nhưng lần này giọng trách móc.

“Mon ami, thế mà cũng tin à? Ông nhìn tôi vẻ tận tụy trung thành và đòi tôi phán như thể Sherlock Holmes! Bây giờ nói thật nhé - Tôi không hề biết kẻ giết người trông ra sao, hay hắn ta sống ở đâu hay làm cách nào đế tóm hắn”.

“Giá mà hắn để lại manh mối nào đó”, tôi lẩm bẩm.

“Ừ, manh mối. Ông lúc nào cũng chỉ quan tâm mỗi chứng cứ thôi. Trời ạ, hắn ta không hút thuốc và để lại tàn thuốc, và rồi giẫm lên tàn thuốc để lại dấu giày đinh kỳ lạ đâu. Không, hắn không dễ thế. Nhưng ông bạn à, ít nhất chúng ta có quyển thông tin đường sắt. Cái quyển A B C đó chính là manh mối dành cho ông đấy!”

“Vậy ông có nghĩ hắn vô tình để lại nó không?”

“Đương nhiên là không. Hắn cố tình để lại. Dấu vân tay cho chúng ta biết thế”.

“Nhưng trên đó đâu có dấu vân tay nào”.

“Chính là điều tôi muốn nói. Tối hôm qua thời tiết thế nào nhỉ? Một đêm tháng 6 ấm áp. Người ta có đi dạo vào một tối như thế mà mang găng tay không? Một người đàn ông như thế chắc chấn sẽ gây chú ý. Thế nên, không có dấu vân tay trên quyển A B C đó thì có nghĩa là nó đã được cẩn thận chùi đi. Một người vô tội sẽ để lại dấu vân tay còn người gây tội thì không. Vì thế tên giết người đã cố tình để lại quyển thông tin đường sắt nhưng ít ra cũng là một manh mối. Có người đã mua và mang đến quyển A B C đó, có thể như thế lắm chứ”.

“Ông nghĩ chúng ta có thể biết điều gì nếu điều tra theo hướng ấy?”

“Hastings à, nói thẳng nhé, tôi chẳng hy vọng lắm. Người đàn ông này, mình tạm gọi là ông X, hẳn sẽ rất hãnh diện về những biệt tài của hắn. Hắn không để lại dấu vết để chúng ta có thể lần theo ngay được đâu”.

“Vậy thì cái quyển A B C đó không giúp ích được gì rồi”.

“Không phải theo cách ông hiểu đâu”.

“Vậy thì theo cách nào?”

Poirot không trả lời liền. Một lúc sau ông chậm rãi nói:

“Câu trả lời là đúng. Chúng ta đang đối đầu với một nhân vật ẩn. Hắn ở trong tối và tìm mọi cách để ở trong tối. Nhưng bản chất vấn đề là hắn cứ bị lộ dần ra ánh sáng. Một mặt, chúng ta không biết gì về hắn, mặt khác chúng ta đã biết quá nhiều. Tôi lờ mờ nhìn ra hình dạng của hắn. Đó là một người đàn ông đánh máy rất giỏi và rõ ràng, là người mua thứ giấy tốt, là người khao khát được thể hiện cá tính của mình. Tôi thấy hắn trong hình ảnh một đứa bé bị bỏ rơi và thiếu quan tâm, tôi thấy hắn lớn lên với mặc cảm thua kém, đấu tranh với cảm giác bất công... Tôi nhận thấy thôi thúc khẳng định mình bên trong con người hắn, tập trung vào bản thân hắn mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhưng những sự việc và hoàn cảnh xung quanh - làm nó đổ vỡ - chất thành đống, có lẽ, khiến hắn còn nhục nhã hơn. Và sâu thẳm bên trong que diêm đã sẵn sàng châm vào ngòi thuốc nổ...”

“Tất cả chỉ là phỏng đoán mà thôi”, tôi phản đối. “Chẳng giúp ích thiết thực cho ông đâu”.

“Ông thì thích mấy cái chứng cứ như mẩu que diêm, tàn thuốc, và giày đinh! Ông lúc nào cũng thế. Nhưng ít ra chúng ta có thể tự hỏi mình những câu hỏi thiết thực. Tại sao lại là quyển A B C? Tại sao chọn bà Ascher? Tại sao ở Andover?”

Tôi suy ngẫm: “Cuộc sống trước đây của bà ấy khá đơn giản. Phỏng vấn hai người đàn ông đó chẳng được gì. Họ không cung cấp thêm thông tin nào khác ngoài những thông tin mà chúng ta đã biết”.

“Nói thật tôi không trông đợi gì từ mạch điều tra ấy. Nhưng chúng ta không thể bỏ qua hai kẻ tình nghi này”.

“Chắc ông không nghĩ...”

“Có khả năng kẻ giết người sống tại Andover hay gần đó. Đó có thể là câu trả lời cho câu hỏi: ‘Sao lại là Andover?’ Ừm, có hai người đàn ông ghé cửa hàng vào đúng thời gian mình cần. Một trong hai người có thể là kẻ giết người. Và cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy một trong hai người họ không phải là kẻ giết người”.

“Chắc cái gã thô lỗ cục mịch Riddell chứ ai vào đây nữa”.

“Ồ, tôi thì gạch Riddell ra khỏi danh sách những kẻ tình nghi. Gã đó có vẻ căng thẳng, ưa dọa nạt, hay bực bội...”

“Nhưng như thế càng chứng tỏ...”

“Tính cách đó hoàn toàn trái ngược với tính cách của người viết bức thư A B C. Tự tin và kiêu ngạo là tính cách của người chúng ta cần tìm”.

“Người ra vẻ ta đây à?”

“Đại loại thế. Nhưng cũng có những người bề ngoài có vẻ lo lắng và khiêm tốn mà bên trong chứa đầy kiêu ngạo và tự mãn”.

“Tôi không nghĩ ông Partridge nhỏ thó đó...”

“Ông này có vẻ giống hơn. Chúng ta chỉ có thể đoán được chừng đó thôi. Ông ta xử sự giống tác giả bức thư - đi trình báo cảnh sát ngay, đẩy mình ra phía trước và thích thú với vị trí đó”.

“Ông nghĩ là...?”

“Không, Hastings ạ. Theo tôi thì kẻ sát nhân từ nơi khác đến Andover, nhưng chúng ta không được bỏ qua những nơi cần tìm. Và mặc dù tôi cứ luôn miệng gọi là ‘ông ta’, chúng ta cũng không được loại trừ khả năng đó là một phụ nữ”.

“Đương nhiên là không rồi!”

“Tôi đồng ý cách tấn công đó là của đàn ông. Nhưng bức thư nặc danh lại do đàn bà chứ không phải đàn ông viết. Chúng ta phải lưu ý điều đó”.

Tôi im lặng vài phút rồi nói: “Giờ chúng ta làm gì tiếp đây?”

Poirot nhìn tôi cười: “Cái ông Hastings hăng hái này”.

“Nhưng chúng ta phải làm gì đi chứ?”

“Chẳng làm gì cả”.

“Không ư?” Tôi thất vọng ra mặt.

“Tôi có phải là ảo thuật gia không? Hay là thầy phù thủy? Ông muốn tôi làm gì cơ chứ?”

Tôi suy nghĩ lung lắm nhưng vẫn không tìm ra được câu trả lời. Dù sao tôi cũng tin là phải làm gì đó và không nên trì hoãn nữa.

“Chúng ta có quyển A B C, thư và bì thư...” tôi nói. “Hiển nhiên mọi thứ đang diễn biến theo chiều hướng đó. Cảnh sát có tất cả những bằng chứng họ cần cho cuộc điều tra này. Nếu tìm kiếm theo hướng đó thì sợ gì họ tìm không ra”.

Bấy nhiêu khiến tôi phải hài lòng.

Những ngày sau đó, tôi băn khoăn không hiểu sao Poirot không muốn nhắc đến vụ án nữa. Khi tôi cố gắng lái đến chủ đề này thì ông gạt phăng đi.

Trong thâm tâm tôi hiểu động cơ của Poirot, về vụ án bà Ascher, Poirot vẫn đang là người thua cuộc. A B C đã thách thức ông và A B C đã thắng. Ông bạn tôi đã quen với những thành công liên tiếp và rất nhạy cảm với thất bại đến độ không chịu đựng nổi khi nhắc đến đề tài đó. Có thể đây là biểu hiện của tính hẹp hòi ở một vĩ nhân, nhưng ngay cả người tỉnh táo nhất rất có thể cũng bị thành công làm cho kiêu ngạo. Trong trường hợp của Poirot thì quá trình đó diễn ra đã nhiều năm rồi. Không biết cuối cùng tác động của nó có lộ rõ ra không nữa.

Biết vậy nên tôi tôn trọng điểm yếu của bạn mình và không nhắc gì đến vụ án nữa. Tôi đọc trên báo lời khai từ cuộc thẩm tra. Rất vắn tắt và không nhắc gì đến bức thư A B C và người gây án thì chưa rõ tung tích. Vụ án ít được báo chí chú ý. Không có bài báo lớn hay đặc biệt nào viết về nó. Chẳng bao lâu vụ bà cụ trong hẻm bị giết bị báo chí lãng quên nhường chỗ cho mấy cái đề tài gay cấn hơn.

Thật tình mà nói tôi quên dần vụ đó một phần vì ghét phải nghĩ đến chuyện Poirot chịu thất bại. Vậy mà đến ngày 25 tháng 7, vụ án đột nhiên được khơi lên.

Tôi không gặp Poirot đã mấy hôm rồi vì bận đi Yorkshire vào cuối tuần. Tôi trờ về chiều thứ hai và thư đến lúc 6 giờ đúng. Tôi còn nhớ Poirot đột ngột hít sâu khi ông rọc bì thư.

Ông nói: “Nó đến rồi”.

Tôi nhìn ông chằm chằm, không hiểu gì.

“Cái gì đến?”

“Chương hai của vụ A B C”.

Tôi nhìn ông không hiểu gì mất một lúc. Thật sự tôi đã quên bẵng vụ đó.

“Ông đọc đi”, Poirot nói và đưa cho tôi bức thư.

Cũng như lần trước, lá thư được đánh máy trên loại giấy tốt.

Ông Poirot kính mến,

Ừm, thế nào hả ông? Tôi nghĩ tôi thắng một ván rồi nhé. Vụ Andover thành công trót lọt, đúng không nào?

Nhưng mà trò vui mới chỉ bắt đầu. Ông hãy để ý Bexhill-on-Sea. Ngày 23 tháng này nhé.

Chúng ta sẽ có một dịp vui đây!

Kính thư,

A B C

Tôi kêu lên: “Trời ơi, Poirot. Có nghĩa là thằng cha này sẽ gây thêm một vụ án mạng nữa sao?”

“Đương nhiên rồi, Hastings. Không phải vậy thì thế nào chứ? Bộ ông nghĩ vụ Andover chỉ là một vụ án riêng lẻ thôi sao? Ông có nhớ tôi đã từng nói: ‘Đây chỉ mới là bắt đầu’ không?”

“Nhưng thế thì khủng khiếp quá!”

“Ừ, khủng khiếp thật”.

“Chúng ta đang đương đầu với một kẻ cuồng sát”.

“Đúng thế”.

Sự im lặng của Poirot còn ấn tượng hơn bất kỳ một bản hùng ca nào. Tôi trả lại bức thư cho ông và thấy rùng mình.

Sáng hôm sau chúng tôi tham dự một cuộc họp cấp cao. Cảnh sát trưởng hạt Sussex, phó đội trưởng điều tra hình sự, Thanh tra Glen từ Andover, phó cảnh ty Carter của Sở Cảnh sát hạt Sussex, Japp và một thanh tra trẻ tên Crome, và bác sĩ Thompson - bác sĩ tâm lý nổi tiếng - đều có mặt đông đủ. Dấu bưu điện trên bức thư là của quận Hampstead nhưng theo Poirot chi tiết này không có gì quan trọng lắm.

Vụ án được thảo luận đầy đủ. Bác sĩ Thompson là một người đàn ông trung niên tính tình vui vẻ. Là trí thức nhưng ông không thích ăn nói kiểu cách hay dùng thuật ngữ chuyên môn.

Phó cảnh ty phát biểu: “Không còn nghi ngờ gì nữa, hai bức thư đó đều từ một người. Cả hai đều do một người viết”.

“Và chúng ta có thể cho rằng người đó gây ra vụ giết người ở Andover”.

“Đúng vậy. Giờ đây chúng ta nhận được cảnh báo dứt khoát về một vụ án thứ nhì sắp xảy ra ở Bexhill vào ngày 25 - tức là ngày mốt. Chúng ta phải tiến hành các biện pháp nào đây?”

Cảnh sát trưởng hạt Sussex nhìn ông phó cảnh ty.

“Ừm, Carter, ông có ý kiến gì không?”

Ông phó cảnh ty nghiêm nghị lắc đầu.

“Khó quá, thưa ông. Chúng ta không có manh mối nào để lần ra ai sẽ là nạn nhân tiếp theo. Nói thẳng là chúng ta có thể tiến hành biện pháp gì cơ chứ?”

“Tôi có đề xuất này”, Poirot lẩm bẩm.

Ai nấy đều quay sang nhìn ông.

“Tôi nghĩ có khả năng họ của nạn nhân tiếp theo sẽ bắt đầu bằng chữ B”.

“Cũng có thể lắm chứ”, ông phó cảnh ty nói vẻ hoài nghi.

“Ám ảnh bảng chữ cái”, bác sĩ Thompson trầm ngâm.

“Đó có thể là một khả năng. Tôi nghĩ ra điều này khi thấy cái tên Ascher viết rõ ràng trên cửa ra vào ở cửa hàng của bà lão xấu số bị giết tháng trước. Khi nhận được bức thư nhắc đến Bexhill tôi chợt nghĩ khả năng nạn nhân và địa điểm có thể chọn theo bảng chữ cái”.

Vị bác sĩ đồng tình: “Có thể lắm. Nhưng cũng có thể cái tên Ascher chỉ là một sự trùng hợp. Lần này dù nạn nhân tên gì đi nữa thì vẫn sẽ là một bà già bán ở cửa hàng. Nên nhớ chúng ta đang đối phó với một tên điên. Cho đến giờ hắn vẫn chưa để lộ manh mối cũng như động cơ”.

Ông phó cảnh ty hỏi vẻ ngờ vực: “Người điên mà cũng có động cơ sao, thưa ông?”

“Có chứ. Lập luận giết người là một trong những đặc tính của chứng rối loại tâm thần cấp tính. Một người đàn ông có thể ảo tưởng rằng hắn ta được Thượng đế phái xuống để giết tu sĩ hay bác sĩ hay bà già bán ở tiệm thuốc lá và lúc nào cũng có lý do. Chúng ta không được cuốn theo cái giả thiết về bảng chữ cái đó. Bexhill nối tiếp Andover có thể chỉ là một sự trùng hợp”.

“Carter ạ, ít ra chúng ta cũng có thể đề phòng và đặc biệt lưu ý đến chữ cái B, đặc biệt là những người buôn bán ở cửa hàng nhỏ, canh chừng tất cả những cửa hàng bán thuốc lá và quầy bán báo nhỏ của những người sống một mình. Tôi nghĩ chúng ta không thể làm gì hơn thế nữa. Đương nhiên, cũng cần theo dõi tất cả những kẻ lạ mặt”.

Ông phó cảnh ty bật ra một tiếng than.

“Với tình hình các trường học đóng cửa nghỉ lễ sao? Tuần này người ta sẽ đổ về nơi đó cho mà xem”.

Cảnh sát trưởng gay gắt: “Chúng ta phải làm hết mình”.

Đến lượt thanh tra Glen, ông nói:

“Tôi sẽ theo dõi những ai liên quan đến vụ bà Ascher. Hai nhân chứng là ông Partridge và ông Riddell, và dĩ nhiên cả ông Ascher nữa. Nếu họ có ý rời Andover, họ sẽ bị bám đuôi ngay”.

Sau khi nhóm đưa ra thêm một số ý kiến linh tinh và trao đổi nhỏ, cuộc họp giải tán.

“Poirot à”, tôi nói lúc cả hai đi dọc bờ sông. “Chắc chắn tội ác này có thể ngăn chặn được sao?”

Ông hướng gương mặt phờ phạc sang phía tôi.

“Sự tỉnh táo của cả một thành phố đông đúc đối đầu với sự mất trí của một gã đàn ông? Tôi thật sự rất lo ngại, Hastings à. Nhớ cái chuỗi thành công liên tiếp của Jack, biệt danh Thợ đào mỏ đấy”.

“Đáng sợ thật”, tôi thốt lên.

“Hastings ạ, sự điên loạn là một điều rất khủng khiếp... Tôi lo lắng... lo lắng lắm...”
Bình Luận (0)
Comment