Cổ Phật Tâm Đăng

Chương 24

Tâm Đăng giật mình ấp úng hỏi :

- Bạch đại sư, tại sao phải cắt tóc?

Điệp Bố lắc đầu, nở một nụ cười từ bi nói rằng :

- Đó là một điều lễ để hoàn tục, mi trở về hãy lo cắt tóc là vừa.

Tâm Đăng chắp tay vái Điệp Bố rồi lui ra, tâm tư của chú càng thêm não nề chua xót.

Mặc dù chú là một người xuất gia từ thủa nhỏ để nương tựa theo những người “tứ đại giai không”, nhưng mà tâm tư của chú không bao giờ được yên ổn như các đồng đạo xung quanh.

Tâm Đăng bước xuống lầu thì trời đã tối lắm rồi, nhưng chú chưa hề buồn ngủ, chắp tay sau lưng chú đi thẩn thơ bách bộ chung quanh Bố Đạt La Cung mà triền miên suy nghĩ.

Trong một năm gần đây, hoàn cảnh đã làm cho chú thay đổi nhiều lắm và lo buồn cũng nhiều lắm.

Đêm trường vắng lặng.

Nhất là đêm ở vùng Tây Tạng thì càng thêm tiêu điều buồn bã, bầu không khí lạnh lẽo vô cùng.

Tâm Đăng từ từ tiến về phía trước điện, khẽ đẩy cửa bước vào chuẩn bị tụng kinh trước bài vị, để làm cho tâm tư của mình được yên tĩnh.

Khi ánh mắt của chàng chạm phải bài vị, chú nghĩ thầm :

- Thật là lạ, cả nhà Vân Cô đều đoàn tụ, vậy thì bài vị này của ai?.. và tại sao Vân Cô lại giấu sự thật này với chồng bà ta?

Nghĩ đến đó, Tâm Đăng nhớ kỹ lại những cảnh tượng khi gặp Vân Cô hai lần, lòng ngờ vực càng tăng lên mãnh liệt.

Chú thấy rằng một người diện mạo phi phàm như Vân Cô mà đi ưng một người Tây Tạng là một điều kỳ quặc, đồng thời thái độ của Vân Cô luôn u uất và thảm não.

Chú không rõ tại sao chú lại quan tâm đến Vân Cô như thế, và chú tự hỏi mình :

- Ta có thể mở gói bài vị này ra xem chăng?

Suy nghĩ một chút, chú lại tự trả lời :

- A di đà Phật! Ta không thể xem lén được... vì Vân Cô căn dặn ta không nên xem...

Thế rồi chú lên hương đốt đèn và bắt đầu gõ mõ, tiếng kinh lại ngân nga trầm bổng vang giữa căn phòng tĩnh mịch.

Mọi lần, cứ Tâm Đăng tụng kinh thì thâm tâm của chú bình tĩnh lắm, nhưng ngày hôm nay thì khác hẳn.

Tụng chưa xong một đoạn kinh, tâm tư của chú bồn chồn rào rạt, gói bài vị nằm trên bàn thờ thật có sức quyến rũ, hấp dẫn Tâm Đăng, làm cho chú cứ nhìn chằm chằm vào nó.

Chú có một cái ảo tưởng rằng, người đã chết đi đây là một người thân nhất của Vân Cô, biết đâu lại chẳng là con của bà ta.

Càng nghĩ, Tâm Đăng càng nghi ngờ chiếc bài vị này là con của Vân Cô! Và càng nghĩ chừng nào thì chú càng thấy tình tò mò của mình nổi lên kịch liệt... Chú có ảo giác chiếc bài vị đó đang thở than khóc lóc với chú, cầu xin chú mở ra, vì nó đã bị gói chặt mười mấy năm rồi.

Thế rồi chú ngưng câu kinh, từ từ đứng dậy bước tới bên bàn... tư tưởng của chú đấu tranh kịch liệt và cuối cùng chú nghĩ :

- Thôi... ta bất chấp, ta cứ mở ra xem và đây không phải là một điều tội lỗi!

Và một mãnh lực vô hình đùn đẩy bàn tay của chú thò tới để với lấy gói bài vị.

Và chú từ từ mở ra một lớp vải màu vàng, và bên trong lộ ra một cái bài vị sáng ngời, chú lẩm nhẩm đọc, và bất giác giật mình kinh hãi, hai bàn tay run rẩy.

Thì ra chú vừa đọc được ba chữ viết bằng son đỏ chói.

“Tiên phu Tiêu...”.

Ba chữ này như một luồng điện đi thẳng vào thâm tâm của Tâm Đăng, làm cho chú cơ hồ ngất đi, chú mơ màng còn nhớ lại Bệnh Hiệp đã từng kể cho chú nghe một mẩu chuyện đầy nước mắt đã xảy ra gần Bố Đạt La Cung.

Và mẩu chuyện đó đã chết đi mười mấy năm trường, và bây giờ đây nó dường như đang bừng sống dậy.

Và chú cương quyết rút phắt nốt tấm bài vị ra khỏi vuông lụa màu vàng đọc nốt dòng chữ còn lại.

“Tiên phu Tiêu Càn Nguyên chi linh vị”.

Tâm Đăng ôm tấm bài vị đó, thất thần ngồi phệt xuống, chú nghĩ thầm :

- Chẳng lẽ người này là vai chính trong câu chuyện mà Bệnh sư phụ kể cho ta nghe... chẳng lẽ con người đẹp đẽ như Vân Cô như thế kia mà lại đi mưu sát chồng mình! Chẳng lẽ cha của Mặc Lâm Na lại là tên đại ma đầu Trác Đặc Ba...

Tất cả ngần ấy nghi vấn quay cuồng trong trí não của chàng, làm cho mồ hôi vã ra như tắm, tim đập rộn ràng, chú luôn mồm lẩm bẩm :

- Trời Phật!... Đây là một hiện tượng nhân quả phũ phàng! Cha của Mặc Lâm Na sao có thể là Trác Đặc Ba... Vân Cô sao có thể là một thiếu phụ giết chồng.

* * * * *

Trong gian nhà đá lạnh lùng có một ánh đèn vàng hiu hắt... Tâm Đăng ngồi bên giường của Bệnh Hiệp, hai tay ôm lấy tấm bài vị, hỏi Bệnh Hiệp rằng :

- Xin Bệnh sư phụ hãy nói cho con biết, sư phụ có quen biết người này chăng?

Thúc giục nhiều lần, Bệnh Hiệp mới dùng mắt tỏ cho Tâm Đăng biết rằng ông ta không quen biết người này.

Chú lại hỏi :

- Rõ ràng khi xưa Bệnh sư phụ đã kể câu chuyện này cho con nghe, bảo rằng vợ của người này thông gian với Trác Đặc Ba và giết hắn một cách tàn nhẫn.

Bệnh Hiệp do dự một chút, lại dùng mắt tỏ vẻ rằng Tâm Đăng đoán đúng, chú thầm nghĩ :

- Trời... thì ra Mặc Lâm Na là con của Trác Đặc Ba và Vân Cô là một hung thủ giết chồng... những người mà ta yêu, cớ sao đều gây ra những tội ác tày trời.

Bệnh Hiệp lẳng lặng không nói một lời, lâu lắm ông ta mới thều thào hỏi nho nhỏ :

- Cớ sao mi có tấm bài vị này? Hay là mi đã lén đến hồ Tuấn Mã?

Tâm Đăng vội vã kể lại câu chuyện chú đã gặp Mặc Lâm Na cho ông ta nghe, Bệnh Hiệp cả mừng thầm nghĩ :

- Thì ra nó chưa biết Vân Cô là mẹ nó.

Tâm Đăng lấy làm chua xót lắm, chú không ngờ rằng Mặc Lâm Na là một con người ngây thơ, khờ dại thế kia mà lại sinh trưởng trong một gia đình đầy rẫy tội ác.

Chú lại không ngờ một con người đẹp đẽ như Vân Cô mà lại đi làm một điều xấu xa nhơ bẩn!

Tất cả những sự thật đó, như những con dao bén đâm thấu tận đáy lòng của chú.

Chú nghĩ rằng ở ngoài đời, tức là ở cái thế giới muôn mặt mà nhà Phật đã nói có lẽ nơi nơi đều là những chỗ để diễn ra những trò thối tha nhơ nhớp.

Chú thẫn thờ bi thiết đến canh ba hôm ấy, mới trở về Bố Đạt La Cung, chú hoàn lại bài vị nơi chỗ cũ, và bắt đầu tụng kinh siêu rỗi cho một nạn nhân bi thảm.

Sáng ngày hôm sau Tâm Đăng lại bắt đầu cạo tóc một lần nữa, đó là một nghi thức cần phải làm của một vị hòa thượng sắp sửa hoàn tục.

Sau khi thế phát xong rồi, chú rời khỏi Bố Đạt La Cung, y theo lời hẹn mà đến tìm gặp Vạn Giao.

Vừa đi chú vừa se sẽ ngâm :

Thanh sơn vô ngữ...

Thảo lộ phong đăng...

Nhân qui hà xứ.

Đó là một bài kệ của hòa thượng thường hay ngâm nga trong chùa.

Tiếng ngâm của chú vẫn vang vang trên mái đồi hoang vắng.

Phù bình thủy thượng phiêu

Thúc bác lung trung điếu...

...

Hà bất tảo hồi đầu?

Qui khứ hảo....

Vừa lững thững lên đến đỉnh đồi, thì đã thấy Vạn Giao ngồi trên một cành cây, ông ta se sẽ nhái lại câu thơ của Tâm Đăng :

Hà bất tảo hồi đầu?

Qui khứ hảo...

Tiếng ngâm của Vạn Giao tuy nhỏ nhưng vang vang đồng vọng giữa sơn khê.

Vạn Giao thấy Tâm Đăng xuất hiện liền hỏi :

- Mi biết tại sao ta đến đây chăng?

Tâm Đăng lắc đầu gượng gạo trả lời :

- Chắc lại muốn truyền võ cho tôi chứ gì!

Vạn Giao cười khan hai tiếng :

- Mi yên trí! Ta không truyền võ cho mi nữa đâu... Mi còn nhớ rằng mi đã từng hứa với ta cùng đến hồ Tuấn Mã để lấy một món tín vật trở về!

Tâm Đăng hốt hoảng trả lời :

- Vạn sư bá đã nói rõ từ trước là không ép tôi làm điều này.

Vạn Giao trầm tĩnh trả lời :

- Mi đừng hốt hoảng, hãy nghe ta nói!

Đoạn ông ta kể lể :

- Phải! Ta đã hứa với mi như thế... nhưng mà hôm nay ta gọi mi đến đây để kể cho mi nghe một sự thật, đó là ta đã làm giùm mi một việc, và mi nghĩ rằng nếu việc này có ý nghĩa thì mi hãy giúp ta mà đến hồ Tuấn Mã một chuyến.

Linh tính báo cho Tâm Đăng biết rằng Vạn Giao sẽ kể một câu chuyện quan hệ trọng đại đến đời mình, vội hỏi :

- Chuyện gì thế?

Vạn Giao nghiêm nghị trả lời :

- Mi có rõ thân thế của mi chưa, gia đình của mi ở đâu, cha mẹ của mi hiện ở nơi nào?

Tâm Đăng cơ hồ nghẹt thở, cố gắng trả lời :

- Tôi họ Tiêu, tên là Chính Dung, khi một tuổi có người đưa vào chùa... gia đình của tôi, cha mẹ của tôi, tôi đều không biết... Tôi nghĩ rằng việc này không quan hệ nên chẳng suy nghĩ nhiều đến nó.

Vạn Giao lắc đầu trả lời :

- Sai rồi! Một người không thể nào quên căn cơ của mình được!

Bây giờ... để ta kể lai lịch của mi cho mi rõ...

Cha mẹ của mi vào mười chín năm về trước, là một đôi thiếu niên hiệp khách, lừng lẫy trong cõi giang hồ...

Rồi không rõ vì nguyên nhân nào, có lẽ vì chuyện Tàm Tang khẩu quyết, hai người sánh vai nhau mà vào đất Tây Tạng.

Tâm Đăng để hết tâm thần, lẳng lặng nghe.

Ngừng lại một lúc khá lâu, để cho Tâm Đăng nhập thần rồi, Vạn Giao mới kể tiếp :

- Cha của mi vì là một tay giỏi dùng kiếm, cho nên trong chỗ giang hồ tặng cho biệt hiệu Kinh Phong Kiếm. Còn mẹ mi vì khinh công tuyệt đỉnh nên bạn bè tặng cho mỹ hiệu Lăng Vân Yến.

Tâm Đăng tim đập rộn ràng, linh tính cho chú biết, chú sẽ nghe thấy một điều bất hạnh.

Trong thần trí của chú nhảy múa câu nói :

- Tây Tạng... mười chín năm về trước... một cặp kiếm khách trẻ tuổi...

Chú toát mồ hôi lạnh hối thúc :

- Thưa sư bá, cha mẹ của tôi tên gì?

Giọng của Vạn Giao vẫn trầm trầm :

- Mẹ của mi tên là Tần Vân Thanh, cha của mi tên là Tiêu Càn Nguyên.

Như nghe thấy hai tiếng sét nổ trên đỉnh đầu, Tâm Đăng đầu váng mắt hoa, chú kêu lên thất thanh :

- Không! Không!... Vân Cô... Vân Cô không thể là mẹ của tôi.

Vạn Giao nắm lấy tay của chú hỏi :

- Sao? Chẳng lẽ mi biết rõ việc này?

Tâm Đăng trong lòng ngổn ngang trăm mối, lẩm bẩm trả lời :

- Bệnh sư phụ đã từng kể cho tôi nghe.

Vạn Giao nghe nói thở dài bảo :

- Nếu lão Lạc đã kể cho mi rõ thì ta không kể nữa.

Tâm Đăng đau đớn như dần, chàng không ngờ cha mẹ của chàng lại nằm trong cảnh trái ngang như thế.

Hình ảnh của Mặc Lâm Na, của Trác Đặc Ba, của Vân Cô thi nhau quay cuồng trước mắt chú!

Một khuôn mặt lạnh lùng đanh đá của Trác Đặc Ba, tượng trưng cho sự vô cùng của tội ác.

Một khuôn mặt đượm đầy vẻ bi ai sầu thảm của Vân Cô tượng trưng cho sự sám hối vô biên.

Một khuôn mặt thơ ngây của Mặc Lâm Na tượng trưng cho một sự thơ dại, non trẻ, và đượm một nét hãnh diện và ngạo nghễ.

Tâm Đăng nghe thấy trong người khó chịu lắm, thần kinh cơ hồ thác loạn... Lâu lắm chú mới hơi định tĩnh tâm thần.

Chú mơ màng nghe thấy Vạn Giao đã nói thật nhiều bên tai chú mà không hiểu Vạn Giao đã nói gì?

Vạn Giao thấy chú định tĩnh rồi vỗ tay mà bảo :

- Ta biết rằng lời nói của ta sẽ đem đến cho mi nhiều đau khổ, nhưng mà mi đã sắp hai mươi tuổi, và sắp hoàn tục, vậy mi cần hiểu rõ lai lịch của mi.

Tâm Đăng bần thần trả lời :

- Cám ơn Vạn sư bá, ngày nay tôi mới biết thằng Trác Đặc Ba không những là kẻ thù của quí vị sư bá mà còn là một kẻ bất cộng đái thiên với tôi.

Vạn Giao gật gù trả lời :

- Vậy thì mi đã biết rõ cái chết của cha mi, nhưng mi có rõ hài cốt của cha mi bây giờ ở đâu?

Tâm Đăng ấp úng trả lời :

- Tôi không biết... xin sư bá chỉ cho.

Vạn Giao xoa tay trả lời :

- Đó là nguyên nhân chính đã thúc đẩy ta đến tìm mi. Và cũng là nguyên nhân ta muốn lợi dụng mi để làm chủ lực.

Lời nói của Vạn Giao thật là thẳng thắn, rõ ràng, nghĩa là bảo Tâm Đăng nếu muốn biết hài cốt của cha ở đâu thì tất nhiên phải nhận lời giúp Vạn Giao đến hồ Tuấn Mã mà lấy tín vật trở về.

Trong lòng của Tâm Đăng đau như dao cắt, chú không đắn đo suy nghĩ gì cả, trả lời :

- Vạn sư bá chỉ cho, tôi sẽ hết lòng làm việc ấy cho sư bá.

Trên môi của Vạn Giao nở ra một nụ cười đắc ý, ông nắm lấy tay của Tâm Đăng mà nói :

- Nếu mi lấy được lệnh phù của ta trở về thì tên tuổi của Vạn Giao sẽ lại rạng rỡ trên chỗ giang hồ. Mọi người đều cho ta đệ nhất cao thủ bên tà phái.

Thật ra đó là một lời nói oan, chỉ vì ta có một người em tên là Vạn Tiềm thường hay làm những điều ngạo ngược trong chỗ giang hồ, vì vậy làm mất thanh danh của ta.

Nếu ta lấy được lệnh phù thì ta có thể tái xuất giang hồ.

Tâm Đăng đang ngậm ngùi cho thân thế của mình, thình lình chợt nghe Vạn Giao hỏi :

- Lão Lạc có kể cho mi rõ về chuyện hài cốt của cha mi?

Tâm Đăng lắc đầu uể oải trả lời :

- Không có.

Vạn Giao ngạo nghễ trả lời :

- Ngoài ta và Trác Đặc Ba ra, trong toàn cõi Tây Tạng này, không một người nào biết được chỗ vùi thây của cha mi, kể luôn mẹ của mi trong đó.

Tâm Đăng không dám nghe thêm nữa, chú cả tiếng nói :

- Xin Vạn sư bá hãy dẫn tôi đến đó.

Vạn Giao cười, tay tả nắm lấy vai của Tâm Đăng, tay hữu trỏ lên đầu núi, bảo rằng :

- Trăng lên thì ta sẽ đi.
Bình Luận (0)
Comment