.
Chương 20 - Trân Trân 1
Trong lúc Chung Mẫn Phân mắng đến nước miếng văng tung tóe, Thị Hoài Chung vội vã khiêng xẻng trở về.
Anh ta đi vào trong sân tùy ý đặt xẻng qua một bên, đến bên ngoài cửa nhà bếp thở hổn hển mấy hơi rồi hỏi: “Sao thế?”
Anh ta đang làm việc trong đội sản xuất thì nghe người ta nói trong nhà xảy ra chuyện, liền lập tức chạy về.
Chung Mẫn Phân ngồi ở trên ghế đẩu, tay đặt lên đùi.
Bà hơi ngẩng đầu nhìn thấy Thị Hoài Chung thì tâm trạng vẫn không tốt, nói: “Lão già chết tiệt cha ruột của con đã trở về rồi, cái đồ không biết xấu hổ đấy đã bị mẹ dùng chày cán bột đánh chạy rồi. Lần sau còn dám đến đây, mẹ sẽ đánh gãy chân lão già chết tiệt đó!”
Thị Hoài Chung nhìn Chung Mẫn Phân hòa hoãn hơi thở, trong lòng cũng hiểu rõ ràng.
Hơn hai mươi năm không thấy bóng dáng đâu, lúc này đột nhiên trở về đương nhiên là vì chuyện em ba được lên làm sĩ quan.
Không vì tình cảm gì cả, chỉ là muốn ỷ vào thân phận cha con ruột thịt mà dính chút ánh sáng, muốn Thị Hoài Minh báo hiếu ông ta.
Thị Hoài Chung ngồi xuống ghế đẩu ở bên cạnh, cúi đầu nhỏ giọng nói: “Lúc con chín tuổi thì ông ta đã vứt bỏ một nhà bốn người chúng ta chạy đến Triệu Thành, sao còn mặt mũi mà quay trở lại?”
Lúc ấy cả gia đình chỉ nhờ một mình Chung Mẫn Phân chống đỡ, lúc anh ta lớn hơn một chút thì phụ giúp thêm.
Chung Mẫn Phân không còn tức giận như vừa rồi nữa, nhưng vẫn tiếp lời mà mắng: “Đúng là vô liêm sỉ.”
Trân Trân và Trần Thanh Mai thân là con dâu nên không tiện mắng theo, nên cũng chẳng mở miệng nhiều lời.
Trân Trân vẫn luôn đứng sau lưng giúp Chung Mẫn Phân vuốt lưng xoa dịu, Trần Thanh Mai cũng giúp xoa bóp vai cho bà.
Cơn tức giận của Chung Mẫn Phân đến nhanh mà đi cũng nhanh. Uống hết hai bát nước, mắng Thị Đại Phú và vợ bé của ông ta một trận xong thì cơn tức trong lòng cũng được giải tỏa gần hết.
Sau đó bà cùng không tiếp tục suy nghĩ linh tinh nữa, rất dứt khoát bỏ qua chuyện này, xem như chưa từng có việc gì xảy ra.
Ban đêm lên giường đi ngủ, Trần Thanh Mai nói với Thị Hoài Chung: “Không ngờ rằng nhà anh lại có chuyện như vậy.”
Thị Hoài Chung sợ trong lòng cô ấy có khúc mắc nên lập tức giải thích: “Thời gian xảy ra cũng đã từ rất lâu rồi, đến bây giờ cũng đã qua hai mươi bốn, hai mươi lăm năm. Trong nhà cũng không có ai muốn nhắc đến ông ta nên mới không kể rõ chuyện này cho em nghe. Nếu không phải vì chuyện của Hoài Minh thì ông ta cũng sẽ không trở về.”
Trần Thanh Mai ngược lại cũng không nghĩ nhiều, chỉ hỏi tiếp: “Anh nói ông ấy sẽ cứ bỏ qua như vậy sao?”
Thị Hoài Chung nói: “Bây giờ ông ta muốn quay về nhà chúng ta là điều không thể, theo như tính cách của mẹ thì sẽ không để cho ông ta trở về đâu. Những năm trước đây khi gia đình cần ông ta nhất thì ông ta không trở lại, hơn hai mươi năm qua còn chẳng đến thăm chúng ta được một lần, chứ đừng nói gì đến phụ dưỡng. Bây giờ muốn trở về hưởng phúc, làm gì có chuyện tốt như vậy?”
Nói xong thì thở phào nhẹ nhõm: “Hoài Minh đang ở trong quân đội không về nhà, ông ta cũng không tìm được nó.”
Trần Thanh Mai nghiêng đầu về phía Thị Hoài Chung: “Nói vậy cũng không chắc.”
Thị Hoài Chung: “Không chắc là sao?”
Trần Thanh Mai: “Ông ta có chân mà, không thể tìm đến quân đội được sao?”
Ngừng lại trong giây lát, Thị Hoài Chung nghiêng đầu nhìn Trần Thanh Mai.
Sau khi Thị Đại Phú bị Chung Mẫn phân đuổi đi thì không còn quay lại đại đội Bạch Vân nữa. Mà lão già ấy cũng không ảnh hưởng đến tâm trạng vui mừng ăn tết của người trong nhà.
Vào ngày giao thừa, buổi sáng cả nhà dậy thật sớm quét dọn từ trong ra ngoài một lần, sau đó dán câu đối, dán giấy cắt hoa.
Bận rộn hết nửa ngày quét dọn vệ sinh, sau đó lại bận rộn hết nửa ngày nữa làm cơm tất niên.
Ban đêm một bàn đồ ăn đầy ắp được dọn lên, có hương thơm ngào ngạt của món thịt khâu nhục dưa muối, có mùi thơm nức mũi từ thịt xào ớt cay, ngoài ra còn có gà chiên, thịt dê nướng, điểm thêm món cá kho tộ với rau thơm và hẹ….
Chỉ mới ngửi thấy mùi thôi là đã chảy nước miếng rồi.
Bữa cơm này vừa no nê lại vừa thỏa mãn.
Cơm nước xong xuôi, cả nhà quây quần bên bếp than tám chuyện đón giao thừa. Nội dung đều là những dịp vui vẻ ăn mừng, đều là những chuyện xưa thú vị.
Thị Đan Linh và Thị Hưng Quốc thích nghe chuyện xưa nhất, hai mắt mở to nghe người lớn kể chuyện.