Con Thuyền Trống

Chương 17


Lời nói hơi khó nghe, nhưng đúng là ý này.
Tôi không lên tiếng nữa, Cam Linh đã thay tôi nói ra hết rồi.

Tôi mân mê lớp vải nỉ lông lót giường, lại đi đến cầm bức di ảnh trên ngăn tủ lên, ngắm nhìn Trịnh Ninh Ninh không có cơ hội lớn lên qua bảy năm.

Cam Linh khịt mũi: "Cô hỏi đi."
Trước mặt cô ta là Trịnh Ninh Ninh, mẹ con sinh tử cách biệt, mà tôi chỉ là người ngoài, không có tư cách lên án trong cuộc.
"Hỏi cái gì?"
"Vậy cô tới đây làm gì?" Cam Linh thấy tôi thật lố bịch, mặt mũi đầy vẻ khinh miệt.

Người phụ nữ khỏe như vâm này vung tay một cái là có thể đấm đầu tôi bẹp dí, mấy lần xịt lốp xe, lôi dao ra đe dọa trước đây chỉ là trò mèo thôi, nếu thật sự muốn giết người xả giận thì cái chỗ khỉ ho cò gáy này là nơi tốt nhất chứ gì nữa.
Nhưng tôi không hề sợ hãi, chắc là Trịnh Ninh Ninh trên trời có linh, tôi nhìn chằm chằm bức ảnh một lúc lâu.
"Bức ảnh này...!hình như không có rửa ra nhiều bản, cô...!ừm, mang từ nhà bà nội Trịnh Ninh Ninh qua đây phải không?"
Sau lễ tang Trịnh Ninh Ninh, di ảnh cô bé được đặt vào ngăn tủ trong phòng khách trước cửa, trước mặt bày một chồng hạt dưa khô quắt, và lư hương luôn có nhang c4m vào, khói trắng lượn lờ vây quanh.

Trong mấy lần ít ỏi đến thăm viếng, tôi vừa vào cửa là phải bị Trịnh Ninh Ninh kiểm duyệt một phen, mà tôi còn là cô giáo của cô bé nữa chứ, cảm thấy chột dạ không yên như đứa học sinh vậy, hổ thẹn cúi đầu không dám nhìn nhiều.
Nhưng tôi đã ghi nhớ từng ngóc ngách trên bức ảnh này, thậm chí còn ngửi được mùi khói từ tro hương vương sâu trên khung ảnh.
Cam Linh xác nhận: "Đúng là nó."
"Cô không để lại cho bà cụ có cái mà nhung nhớ à?" Tôi cố gắng nói năng bình thản nhất có thể, thật ra trong bụng muốn trách cứ Cam Linh, người mẹ biến mất bảy năm ròng chạy theo cái tôi ích kỷ, để lại bà cụ không nơi nương tựa.

Nhưng nghĩ đến trên đời đầy rẫy cảnh mẹ chồng mâu thuẫn với nàng dâu, mặt khác thì bà nội thân thiết với cháu gái, các loại quan hệ này có thể cùng tồn tại song song với nhau, ba thế hệ đều là nữ vì thù địch mà đấu đá, hỗ trợ lẫn nhau, trong tình huống đó Cam Linh không để tâm đến suy nghĩ bà cụ là chuyện bình thường.
Cam Linh giật lại khung ảnh trong tay tôi, ở đây không có chỗ nào quá cao nên cô ta vẫn cầm nó trong tay: "Bà ta chết rồi."
"Hả?"
Bà nội Trịnh Ninh Ninh đã qua đời.
Tôi sửng sốt, năm ngoái lúc tôi đến thăm thấy bà cụ vẫn còn nắm cọng dây thép cột cái bao tải chứa đầy chai nhựa, giọng bà ấy hô lên lấy tinh thần vẫn còn mạnh mẽ lắm, và khuôn mặt nhăm nhúm vẫn tràn ngập vẻ kiên quyết khi vật lộn với đống phế liệu, tôi vẫn chưa kịp mua quà biếu năm nay cho bà ấy nữa.

Hình như khi con người khi già đi sẽ trở nên mỏng giòn dễ vỡ, một tai nạn bất ngờ là cũng đủ vùi nửa mạng sống vào quan tài, chỉ cần va chạm vào đâu đó một chút thôi, thì bệnh tật tiềm ẩn đã ngấm ngầm gieo lại kíp nổ, và rồi bộc phát vào lúc không ai ngờ đến nhất.
Bây giờ có rất nhiều người trẻ đưa cha mẹ mình đi kiểm tra sức khỏe mỗi năm một lần để tầm soát những nguy cơ vô hình kia.

Nhưng dẫu có thế thì cái chết vẫn cứ không hề theo lịch trình đếm ngược như poster phim điện ảnh, mà nó ập đến bất ngờ, đáng sợ hơn Cam Linh gấp trăm lần, ít nhất Cam Linh còn gõ cửa bên ngoài, còn Thần Chết thì thẳng thừng phá cửa xộc vào.
Cam Linh thấy tôi ngây ra không nói tiếng nào, hỏi tôi: "Cô ngạc nhiên à? Bà ta lớn tuổi vậy rồi vậy mà mỗi ngày cứ đi lượm ve chai, không giữ gìn vệ sinh nên dễ rước bệnh, lại còn không chịu tích đức, toàn là tham mấy món lợi nhỏ nhặt.

Bình thường hàng xóm cũng mặc kệ bà ta, bà ta chết cũng không ai biết, lúc tôi mở cửa ra thì thi thể đã bốc mùi rồi."
Tôi không đồng tình, kể cho cô ta nghe việc bà ấy đến đón Trịnh Ninh Ninh đi học về.
Tôi nói bình thường bà ấy rất hiền hòa, tiết kiệm, ăn ở sạch sẽ, lúc tới đón Ninh Ninh đều mang vẻ mặt hiền hậu.
Cam Linh hỏi: "Thế đón con bé là đối xử tốt với nó à?"
"Chứ còn gì nữa, con bé còn nhỏ vậy mà."
"Con bé đã bảy tuổi rồi, nhà gần trường thì đi học một mình không phải chuyện bình thường sao?"
"Bây giờ nhiều đứa nhỏ mười ba mười bốn tuổi vẫn được ba mẹ đưa đón đấy thôi."
"Dù sao nhà tôi lúc ấy không có đón đưa gì cả, mấy đứa nhóc tự chơi với nhau rồi hẹn nhau về chung."
Cam Linh bao biện cho việc bản thân không đón con bé như đúng rồi, rũ sạch mọi trách nhiệm trên người.
"Cô dư biết buổi tối ở đây có mấy tên ma men đầy đường mà, tôi mới dạo quanh có một lần mà cô đã bắt tôi trở về rồi.

Con bé bao nhiêu tuổi chứ, mà bảy năm trước an ninh càng kém hơn nữa phải không? Cô yên tâm để nó tự về nhà thì chẳng phải là vô tâm sao?"
Tôi không giỏi đôi co với người khác, cũng không rành lý lẽ với họ, càng không quen việc giả điên giả khờ.

Tôi đã nghe quá nhiều trận tranh cãi, nhưng vẫn ăn nói vụng về không bằng con vịt giời, nên chỉ có thể ra vẻ nghiêm túc, dốc sức làm bộ thâm trầm, quơ quào bắt chước cái lạnh nhạt của Cam Linh, không mong làm tổn thương người khác mà chỉ muốn có thể truyền đạt hết những điều mình cần nói.
"Tôi đúng là đồ vô trách nhiệm đó, nên cũng đừng bàn về vụ này nữa." Cam Linh quay lại, ngang ngạnh cắt đứt đề tài.

Những lời dẫn dắt tôi cực khổ bày ra để chiếm lý bây giờ đã đổ sông đổ biển, tôi cuống cuồng lên: "Vậy sao cô biết là bà nội Ninh Ninh mất rồi thế? Khi nào cô về huyện Năng vậy?"
Cam Linh bỗng túm cổ áo tôi, định ném tôi ra bên ngoài.
Trong cơn nguy cấp tôi nhanh trí ôm ghì lấy cái khung cửa: "Không phải cô chụp được hơn một ngàn bức ảnh à! Tôi nhìn một trăm tấm thì cô trả lời tôi một câu hỏi, vậy được không?"

Xét về sức vóc thì tôi không đánh lại Cam Linh, cô ta đã cao, lại còn có cơ bắp; còn về đầu óc thì tôi đã bị hố hết lần này tới lần khác.

Tôi không bì nổi cô ta điểm nào, chỉ có thể đặt điều kiện trao đổi cái tôi có.
Lớp đất trên khung cửa bị tôi cào toác ra, bên Cam Linh thì kéo mạnh, còn tôi cắm đầu cắm cổ bấu chặt khung cửa, bụi đất tung bay mịt mù.

Cô ta một tay cầm khung ảnh, một tay khác kéo tôi, lực không cân bằng nên tôi vẫn còn đứng vững vàng.
Cam Linh buông tay, nghĩ ngợi: "Cô nhìn hai trăm tấm ảnh, tôi nói cho cô một điều về tôi."
Tôi đăm chiêu, định bụng mặc cả thì bị Cam Linh trừng mắt, tôi gật đầu như tấm chiếu mới vào phường trả giá.
Với một ngàn bức ảnh thì tôi có thể đổi lấy năm câu trả lời.
Lúc này đang là buổi chiều, trời hãy còn nóng, hai tay tôi còn đầy đất cát.

Cam Linh lấy lên hai xô nước, dùng gáo múc nước lạnh đổ xuống tay tôi để rửa cho sạch.
Nước giếng trong vắt mát lạnh, tôi vẫy tay cho khô, còn Cam Linh thì nhanh nhẹn lấy ra điện thoại.
Tôi không biết làm sao sự việc lại biến thành thế này nữa, miệng tôi hẳn là phải giữ kín như bưng, tôi không biết, tôi mặc kệ, tôi không nói.

Nhưng khi lấy lại tinh thần thì Cam Linh trông như đã bên bờ vực thua cuộc đã đưa tôi tới chỗ cô ta ở, đổi lấy sự thỏa hiệp của tôi.

Nếu nói cô ta đang mò kim nơi biển rộng thì tôi chính là đứa ngốc ngồi bên cạnh bưng chậu tát nước cho cô ta, không chệch đi đâu được.
Tôi tin tưởng hẳn là cô ta sẽ không tìm thấy được, nhưng việc này phần nhiều vẫn phải dựa vào nỗ lực của con người.

Chuyện khó khăn gì cũng cần có cái mở đầu, lỡ đâu có phép màu xuất hiện thì sao?
Yên lặng xem hết hai trăm tấm ảnh đầu tiên xong, tôi nhắm mắt lại tạm thời nghỉ ngơi một lát.
Lúc con mắt đã khép lại, tôi vẫn còn giống cái máy nhận dạng khuôn mặt, nhiều người chớp nhoáng hiện ra liên tục nơi tâm trí, nếu tôi phát hiện ra kẻ sát nhân thì trăm phần trăm là sắc mặt sẽ biến đổi trước tiên.
Xoạt, xoạt, xoạt, động tác kiểm tra ảnh chụp trong đầu chậm lại, tôi trở thành cái điện thoại mới của Cam Linh.

Bỗng chốc tôi mở mắt ra, Cam Linh nhanh nhẩu để điện thoại trước mặt tôi, tôi đẩy ra, cau mày nhìn vào cái của mình.
Cam Linh hỏi: "Sao thế?"
Tôi quay về bảy năm trước, lục lại tấm ảnh trời mưa sau khi bọn nhỏ kết thúc diễn tập kia: đông đảo các bậc phụ huynh tới đón đứa nhỏ nhà mình về, dưới mái hiên là vô số những gương mặt, điệu bộ, cử chỉ, dáng người, trang phục khác nhau của những đứa trẻ và người lớn.
Tôi phóng lớn bức ảnh, lại phóng lớn hơn nữa, kéo đến chỗ cái áo mưa màu đen kia.
"Chỗ này, chỗ này nè, có phải cô đứng đây không?" Tôi hơi kích động, Cam Linh thì chẳng mảy may động đậy gì, báo trước: "Tôi mà trả lời thì sẽ tính là một lần đấy."
"Được rồi."
Lúc này Cam Linh mới nhìn sang, tôi đưa tấm ảnh lại gần.

Mi mắt cô ta vừa nhấc lên đã đăm chiêu nhíu lại, thu nhỏ bức hình, thấy nhóm bé gái đồng loạt đeo tất trắng.

Một người phụ nữ lạnh lùng, trước giờ đều khoác lên người cái u ám tối tăm, như con sói cái thu mình chờ giây phút vồ mồi, đến cả ánh mắt nhìn bức ảnh trông khá đáng sợ.

Nhưng sau một lúc lâu, nét mặt cô ta giãn ra, con mắt vừa chuyển đi nơi khác một chút, lại lướt sang những tấm ảnh khác một cách cực kỳ thô lỗ, tôi muốn giật về, cô ta còn giơ nó lên cao, thoải mái lướt một vòng mới trả cho tôi.
"Là tôi," Cam Linh nhấp môi, phủi phủi đầu vai, hững hờ nhìn tôi: "Tôi trả lời xong rồi, tiếp tục xem hình đi."
"Nếu cô còn ở chỗ này lâu hơn một chút trước khi Ninh Ninh chết..." Tôi kiểm tra điện thoại xem Cam Linh có vô duyên xóa cái gì đi không, "Tại sao lúc đó cô bỏ đi vậy? Cô đi đâu thế?"
"Nhìn hình đi." Giọng điệu Cam Linh rất đanh thép, dí điện thoại vào trước mặt tôi.
"Vậy tại sao cô trở lại đột ngột thế này? Bảy năm qua cô chưa từng hỏi thăm Trịnh Ninh Ninh à? Làm sao cô biết được bà cụ chết rồi thế? Là cô lo hậu sự cho bà ấy sao?" Đầu tôi đầy tràn những dấu chấm hỏi, thoát khỏi miệng lúc nào chẳng hay.
Tôi chỉ là cô giáo mầm non, đáng lý ra đừng nên chõ mũi vào chuyện riêng tư của phụ huynh học sinh, dù cho Cam Linh là một người tệ hại hiếm thấy thì tôi cũng không thể nói được gì.

Góc nhin và giọng nói của tôi là của lão nông dân cần mẫn chăm sóc vườn ươm, chứ không phải là ông chủ mảnh đất này, ông chủ muốn phung phí, phá hủy hay vứt bỏ thì tôi cũng chẳng có quyền gì lên tiếng.

Trịnh Ninh Ninh không phải là con gái của tôi.
Tôi chỉ là không cam lòng.
Có hằng hà sa số những chuyện tôi muốn can thiệp vào nhưng lại lực bất tòng tâm, bởi vì tôi không thể ra mặt hay thay người khác quyết định được, chẳng hạn như một đứa nhỏ khóc lóc nằng nặc đòi tôi giúp đỡ vì ba mẹ cậu bé sắp ly hôn.

Tôi thì chẳng làm được gì khác ngoài việc an ủi và che chở đứa nhỏ ở trường.

Thử nghĩ mà xem, tôi không thể nói với mẹ cậu bé rằng, cô hãy nhịn một chút vì đứa con yêu dấu này đi, hoặc giả cũng không thể chạy tới nói với ba cậu bé là, anh hãy suy nghĩ thật kỹ vì đứa con bé bỏng này đi.

Tôi chỉ có thể qua loa vỗ về đứa nhỏ, ngủ đi, ngủ đi con, mọi chuyện rồi sẽ ổn khi con thức dậy vào buổi sáng, trẻ nhỏ thì chỉ cần vô tư vô lo, vui vẻ ăn uống, ngủ nghỉ là tốt rồi.


Hoặc là có đứa bé khác nỉ non với tôi rằng cô bé bị mẹ mắng là vô dụng, mà tôi chỉ có thể bóng gió khuyên mẹ cô bé đừng dùng bạo lực thể hiện sự bất mãn của mình, nếu không sẽ bị thế này thế kia.

Tôi không thể canh me lẻn vào nhà người ta lúc có biến, rồi giở bộ Vịnh Xuân, Thái Cực, hay Giáng Long Thập Bát Chưởng gì gì để dạy dỗ cô ta biết mùi đời là gì.

Rồi còn có một đứa nhỏ mắc lỗi nhưng không thích trò chuyện với người xung quanh, nhân viên tư vấn tâm lý chuyên nghiệp có đưa ra vài lời khuyên riêng biệt với giáo viên và phụ huynh, nhưng vị phụ huynh kia vẫn cứ khăng khăng nọc quần đứa nhỏ ra phát thật mạnh, để rồi trong cái nhìn lom lom của những đứa bạn cùng lứa, đứa nhỏ cảm thấy xấu hổ, giận dữ và đau đớn, mãi ghi nhớ cảnh tượng đầy nhục nhã này cho đến cuối đời.
Tôi chẳng làm được trò gì ra hồn, thậm chí còn không có lập trường căn vặn người khác.
Nhưng tôi vẫn cứ muốn chất vấn Cam Linh, rằng là bảy năm kia cô ở nơi nào vậy? Nếu bảy năm trước cô còn đây, tại sao khi con bé chết cô lại đi mất? Giá mà cô vẫn chưa rời đi, thì có khi sự việc đáng buồn đó có thể đã không xảy ra chăng?
Tất cả chẳng qua là tôi muốn đùn đẩy trách nhiệm thôi, tôi đã phạm phải sai lầm quá nghiêm trọng.
Nhưng việc tôi sai vẫn mãi mãi là cái sai của tôi, Cam Linh cũng có cái sai của cô ta, chúng tôi đều không thể trốn tránh cái ách này.
Về chuyện Trịnh Ninh Ninh, tôi lại càng không có tư cách gặng hỏi Cam Linh cái gì.
Rột roạt rột roạt, lọ sữa chua bị tôi hút đến trống rỗng.
Bỗng nhiên Cam Linh nắm ngực áo tôi kéo ra, tôi nhìn xuống, thấy mặt con thỏ trên áo bị dính hai giọt sữa chua, nom như là đang khóc.
"Tôi không muốn nói cái này, cô giáo Tiểu Khương...!đừng hỏi nữa."
Cam Linh lấy ngón tay lau đi nước mắt từ con thỏ, không bắt tôi xem ảnh nữa, chỉ là ấn tôi ngồi vào xe, khẽ nói: "Tôi sẽ nghĩ cách khác."

Có con thỏ bị lạc vào phường chặt chém:
Khương Chiếu Mới: Em xem 100 tấm, chị rep em 1 câu.
Cam Hổ Báo Mẫu Giáo: (trừng mắt) 200.
Khương Chiếu Mới:...!(gật gật)
Tui: Ờ...!đừng có buồn, bả kiếm cớ ở bên cô lâu hơn đó (hông, xạo á =))))
Vớt thêm bình luận Tấn Giang cho đã ghiền:
ID Cơm ngon quá xá là ngon — 25/07/2022
Người hiền lành tử tế thường sẽ mang gánh nặng thật lâu.
ID Cá trong chậu — 04/06/2022
Hai người đang từ từ cởi bỏ lớp vỏ bọc của mình.
Cô giáo Tiểu Khương kể ra việc năm xưa xong, bắt đầu lấy hết can đảm chuyển sang phía tấn công.
Cô Tiểu Khương và Cam Linh thật ra đều rất...!bướng bỉnh phải không? Một người thì canh cánh chuyện cũ trong lòng rồi nhất định ở lại nơi này, còn người kia thì nhắm chặt mục tiêu, quả quyết không bỏ cuộc..

Bình Luận (0)
Comment