Con Thuyền Trống

Chương 5


Cô Tiểu Khương ơi?
Xảy ra chuyện lớn như vậy thì dù tôi có muốn cũng không ngủ lại được nữa.
Tôi hơi khó thở, ôm đầu ngồi tại chỗ một lát mới lồm cồm bò dậy, cuộn mình vào chăn.
Ba giờ rưỡi, bốn giờ rưỡi, năm giờ rưỡi, rồi sáu giờ rưỡi, tích tắc tích tắc, không biết tiếng kim giây nhà ai cứ vang lên đều chằn chặn, âm thanh đâm xuyên tường chui vào lỗ tai tôi.

Tôi gấp gối đầu thành cái lều nhỏ, trùm kín đầu, tóc tai tản ra loạn xạ, mồ hôi cứ thi nhau tuôn ra.
Mãi cho đến lúc rạng sáng, tôi mới bỏ cuộc, không phát rồ nữa.
Tôi không thấy rõ gương mặt người phụ nữ kia, nên không thể mường tượng ra được.

Một đêm đã trôi qua, tôi vẫn không biết nên kể chuyện này với ai.
Người phụ nữ này chắc chắn là ả điên trong miệng hiệu trưởng trường tôi, không chệch đi đâu được.
Mà cô giáo mầm non cô ta muốn tìm là tôi đây.
Mấy sự thật hiển nhiên này đập thẳng vào óc tôi, tôi có tên có tuổi, có lai lịch rõ ràng, nhưng con người cô ta rất mơ hồ, không xác định được thân phận, khi nổi cơn điên là hành động như bản thân có lý có tình, chẳng thèm suy nghĩ lý do hay đúng sai.
Trời đã sáng, tôi quyết định rồi: tôi không thể đi làm được.
Tôi nghĩ nếu ả điên này lại đến thậm thụt theo dõi trường Ánh Sáng, thì tôi sẽ bị lộ diện khi dắt lũ trẻ ra ngoài chơi mất.

Ả mà thấy tôi thì nhất định sẽ biết tôi là người ả muốn tìm.

Tôi không biết ả đã biết mặt tôi hay không, nhưng tôi không dám thử.
Tôi vội vàng nhắn cho Chu Nhị Đình nói rằng tôi muốn xin nghỉ phép, cô ấy không cần qua đây đón tôi.May mà lúc này vẫn còn sớm, tôi nhắn cho cô ấy lúc bảy giờ, đến bảy giờ mười Chu Nhị Đình trả lời ok.
Tôi lại nhắn tin xin nghỉ cho hiệu trưởng, chị ấy đồng ý rất nhanh, rồi còn nói tôi không cần nóng vội đi làm trở lại.


Trường Ánh Sáng không thiếu gì giáo viên kiểu như tôi, mà tôi không phải là nhân viên nòng cốt gì, hiện giờ lại là cục nợ lớn, có nghỉ phép cũng không cần trả lương, nếu cứ thế thì có lợi trăm bề cho trường, như là quét hết rác trong nhà đi vậy.
Xin nghỉ xong, tôi thập thò bên cửa sổ nhìn xuống đất, thấy người công nhân vệ sinh lặng lẽ nhấc thùng rác lên lại, mấy đứa nhỏ chơi patin tối qua đang bị ba mẹ lùa đi học.

Từng chiếc xe đạp điện phi ra ngoài, cửa tòa nhà hết mở rồi lại đóng, mấy chú bảo vệ bắt đầu mở lời chào hỏi người xung quanh, có bà cụ lững thững xách bữa sáng cho cả gia đình gồm tào phớ và bánh quẩy trở về nhà.
Dường như người phụ nữ mặc cái áo hoodie dày đột ngột xuất hiện như cơn ác mộng chỉ tồn tại trong ngày hôm qua, hoặc giả chỉ thuộc về hoàng hôn và đêm tối, đến ban ngày thì tan biến vào hư vô, tôi nhìn bên dưới chằm chặp trong một chốc, thân thể dần mệt lả đi.

Tôi đóng rèm lại, chui vào chăn rồi ngủ mất.
Bốn giờ rưỡi chiều, tôi choàng tỉnh giấc, đầu đau như búa bổ.
Trong nhà không có gì để ăn, tôi rửa mặt, thay chiếc áo lót ướt nhẹp mồ hôi, thêm cái áo thun trắng, quần thì chỉ còn cái quần yếm còn sạch sau khi lục tung đồ lên, tôi mặc vào, rồi dọn đồ dơ bỏ vào máy giặt.
Tôi đang loay hoay tìm chìa khóa thì nghe thấy có tiếng động bên ngoài, tôi dỏng tai lên nghe mà chỉ thấy tiếng máy giặt lọt vào, thế là nhìn vào mắt mèo, thấy hàng xóm ở đối diện đang kéo một cái sô pha cũ thật lớn ra cửa.
Tôi dò đầu ra ngoài, anh chàng không chờ tôi hỏi đã giải thích, trong nhà cần đổi sô pha mới, cái này bị mèo cào muốn nát cả rồi.

Tôi gật đầu tỏ vẻ hiểu ý, nhìn thấy trên nệm sô pha đầy những vệt cào xước, nói thêm: "Chắc phải cắt móng con mèo bớt đó anh, chứ đổi sô pha mà nó cứ cào tiếp thì sao."
"Hay là mình đưa nó về quê đi anh, mẹ thích nuôi chó mèo, cứ đưa về cho mẹ vậy." Chị chủ nhà đang đẩy sô pha phụ chồng thầm thì một câu, anh chồng trợn mắt quặc lại: "Chứ không phải em muốn nuôi à? Lúc ban đầu thì đòi nuôi cho lắm vào, rồi sau đó ai đổi cát mèo, ai cho nó ăn, ai phải chải lông, tắm rửa, cắt móng cho nó vậy? Toàn vô tay anh hết luôn! Có lòng ghê ha!"
Chị vợ oan ức phân trần: "Em đâu có biết nuôi mèo phiền phức tới vậy đâu, ở quê cho ăn bậy bạ gì cũng sống được, còn con này dăm ba hôm hở tí là lăn ra bệnh, làm em lo quá trời, sợ nó chết mất.

Mình gửi nó về cho mẹ, cho nó sống chung với mấy con mèo hoang khác, không chừng nó bắt chước bọn kia bắt chuột tự kiếm đồ ăn luôn đấy."
Vợ chồng nhà hàng xóm có vẻ khá hòa thuận, hay là do có người ngoài là tôi ở đây, nên họ cũng không gây gổ gì thêm, hò dô ta cùng nhau đẩy sô pha ra ngoài.
Tôi thu dọn xong, cầm thêm tiền lẻ, bước ra cửa, cũng theo phụ họ một tay.
Cái ghế sô pha kia đã bạc màu lắm rồi, màu vàng và xám đan xen nhau, vết cào xước chi chít khắp nơi.
Lúc đang muốn kéo cái ghế đến gần thùng rác, chú bảo vệ bước đến nói thùng rác này gần lối thoát hiểm quá, kêu chúng tôi nên dời nó ra bên ngoài đi.


Tòa nhà chúng tôi nằm sát đường, đồng thời cũng gần một cái hẻm nhỏ.

Chúng tôi kéo sô pha về hướng nam mấy chục bước, để nó nằm sát tường.

Anh hàng xóm sẩy bước, rắc, cái ghế gãy mất một chân, lập tức nghiêng qua một bên, thê thảm giống lão què ăn xin ven đường.
Dù sao cũng là đồ vứt đi, anh chàng lầm bầm vài tiếng, rồi cũng không tức giận gì, còn đạp đạp trên mặt ghế, nói giỡn: "Nó vẫn còn tốt chán, không chừng vẫn còn ngồi được đó."
Chị vợ đáp lại: "Vậy anh cứ ngồi đó đi, em lên lầu đây."
Tôi lập tức tạm biệt hai vợ chồng, đi ra đầu hẻm.
Cái hẻm nhỏ này gần một tiệm chăm sóc sức khỏe, giác hơi, cạo gió, bó xương, giảm béo không thiếu thứ nào, có điều là tôi chưa bao giờ vào đây.

Kế bên tiệm thuốc là mấy shop thời trang con nít, nam nữ đều đủ cả, tất cả đã đóng sạp rồi, cửa cuốn kéo xuống chạm đất, còn bên cạnh đó nữa là quán mì nhỏ chỉ bày năm cái bàn con.
Lúc này vẫn hãy còn sớm, chủ quán chưa buôn bán, nhưng cũng đã có người ngồi chờ đồ ăn, muốn ăn gì thì cứ gọi món trước.

Tôi kêu tô mì nhỏ thêm cái trứng chần, rồi ngồi dựa vào tường.

Đến năm giờ rưỡi ông chủ đi đến, bóp cục bột bỏ lên thớt nhào nặn, cầm dao cắt sợi mì bỏ vào nồi.
Hơi mì ấm áp bốc lên nghi ngút trong quán, bao phủ khuôn mặt của mỗi người.

Tôi lôi điện thoại ra bấm trong khi chờ đồ ăn, chợt có cảm giác quái lạ xộc vào lòng.

Điện thoại báo đầy tin mới trong group chat với phụ huynh, mặc dù đã để lưu ý không làm phiền nhưng vẫn có nhiều người liên tục tag tất cả mọi người vào.


Tôi dạo quanh tường nhà của bạn bè một lần, chờ món của tôi dọn ra, tôi so đôi đũa, cảm giác quái lạ kia càng tới mãnh liệt hơn nữa.
Tôi ăn miếng mì, thổi thổi hơi nóng rồi ngồi thẳng người lại, cứ cảm thấy có ai đó đang theo dõi tôi, nhưng tôi đảo mắt khắp nơi, ai đang ăn mì thì vẫn đang xì xụp, ai đang nói chuyện phiếm thì vẫn đang nói hăng say, không ai nhìn về phía tôi cả.
Tối hôm qua tôi bị người phụ nữ kia hù mất vía, vừa nhớ tới cô ta một phát là tôi toát mồ hôi lạnh.

Tôi lại gắp sợi mì, cái cảm giác lạ lùng đó cứ ở mãi thật lâu, tôi đành cho rằng mình bị sang chấn tâm lý mất rồi, cúi đầu ăn tô mì cho đến hết.

Lúc ngẩng đầu lên, tôi thấy có bóng người thấp thoáng sau cánh cửa kính hơi mờ đi vì hơi nóng.
Có người đứng ngoài cửa kính à? Tôi rút cái khăn giấy lau mồ hôi trên cổ, trong quán nóng đến bức bối cả người, tôi cũng không rảnh suy nghĩ nhiều.

Rồi chợt cái bóng người kia chuyển động, đi về cửa quán.
Ông chú ở bàn trước mặt bỗng quay sang, chỉ lọ ớt cay trên bàn tôi, tôi gật đầu, ông ta đứng lên nhón ba ngón tay lấy lọ ớt, thân hình cao lớn cản mất tầm mắt của tôi.
Ông ta bỏ hai muỗng ớt vào tô của mình, rồi trả cái lọ về.
Ánh mắt tôi bị che khuất đi trong cả quá trình, đang tôi muốn đứng dậy, người chạy bàn đưa bát nước lèo sang.
Tôi nhìn thoáng qua bát nước, trên mặt bàn thình lình xuất hiện một bàn tay.
Bàn tay đó trông vẫn còn rất trẻ, nhưng vừa thấy đã biết thuộc về người làm lụng vất vả, đầy vết chai sần, đốt ngón tay thô ráp.

Bàn tay đột ngột hiện ra từ sau lưng người chạy bàn, anh ta vừa đi, chủ nhân bàn tay lộ diện, đó là người phụ nữ mặc áo hoodie màu đen.
Cô ta cứ thế ngồi xuống bàn, không nhìn tôi mà quay lại nhìn cái bếp mì, đôi môi khẽ mấp máy, nhưng không thốt ra lời nào, quay đầu lại.
Tôi hoảng hốt, muốn đứng phắt dậy ngay tức khắc.
Nhưng tôi vẫn không làm vậy, tôi làm bộ như người bình thường đầy tò mò, ra vẻ thờ ơ mà ngắm nhìn người phụ nữ này.
Cuối cùng tôi cũng thấy rõ mặt cô ta, dường như cái đầu bù xù đã được chải lại, tóc bung lòa xòa trước trán.

Ngạc nhiên thay, dưới mái đầu hoa râm là một gương mặt trẻ trung, dù rằng khóe mắt có vài nếp nhăn, nhưng làn da cô ta cũng khá mịn màng, khuôn mặt hơi gầy, gò má và sống mũi rất cao, diện mạo hơi dữ dằn một chút.

Đôi mắt của cô ta đen láy, hững hờ buông xuống — thì ra cô ta cũng dễ nhìn đó chứ!

Người thế này lại có vẻ mặt hơi u tối và điên loạn, hơi cúi đầu, rõ ràng có vóc dáng cao ráo, tướng ngồi cũng rất thẳng, nhưng cái đầu luôn rũ xuống, tóc tai buông loạn trên cổ, cái mũ gác bừa sau người hệt như cục u nổi lên, lộ hết lông tơ bên trong ra.
Lòng tôi hơi sợ hãi, tôi nhớ đến cảnh tượng tối qua, sờ điện thoại chuẩn bị ù té chạy, hoặc là hét lên thật to, ở đây có nhiều người thế này cơ mà.
Nhưng cô ta chỉ xoay người lại, lia tầm mắt tăm tối quét qua hết người trong quán một lần.
Người chạy bàn hỏi lớn tiếng: "Ăn tô lớn hay tô nhỏ?"
Cô ta phớt lờ câu hỏi, gắng sức dùng đôi mắt như máy ảnh chụp hết mọi người vào đầu.
Tôi đã ăn no rồi, nếu cô ta không tới đây tìm tôi, vậy tôi đây có thể rời đi nhỉ.

Tôi nắm điện thoại thật chặt, trái tim đập loạn lên, tôi không biết cô ta có nhớ mặt tôi không, cô ta vẫn chưa nhìn tôi lâu hơn người khác nửa giây.
Bóng đèn trong quán tỏa ra tầng ánh sáng vàng mờ mờ, người phụ nữ hơi ngẩng đầu lên, sắc mặt hơi vàng vọt.
Tôi vừa đứng lên, cô ta bỗng quay lại, nhìn tôi chằm chằm.
Tôi không chắc cô ta có nhớ tôi hay không, tôi mới thấy cô ta ngày hôm qua thì hẳn là nên giả vờ không quen biết, nên cất tiếng hỏi: "Cô nhìn gì vậy?"
Cô ta nhìn về cái bàn chỗ tôi ngồi, không nói gì mà chỉ vào bát nước lèo kia.
Tôi muốn chạy trốn nhưng không dám, cô ta cầm cái chén không, múc nước lèo vào.

Tôi hơi sửng sốt, cô ta lại ngồi xuống, lấy đôi đũa đảo mớ dưa chua tôi ăn thừa, gắp bỏ vào chén, vừa ăn vừa uống nước lèo.
Người chạy bàn hỏi nhỏ: "Quen biết à?"
Tôi lắc đầu, cất điện thoại vào túi rồi bước ra ngoài.
Bỗng nhiên có người gọi tôi: "Cô Tiểu Khương ơi?"
Tôi quay đầu lại theo phản xạ có điều kiện, cô ta đã buông đũa, nhai miếng dưa chua trong miệng, mặt mũi không cảm xúc nhìn tôi.
Thôi xong rồi.
- -
Góc xàm xí:
https://youtu.be/d9WZFv7W7Zg
Có dạo nhỏ em dụ dỗ mẹ tui xem phim Gia Đình Kiểu Mẫu (A Model Family), tui thì khum coi, nhưng giai điệu cuối phim vang lên một phát là tui bị hớp hồn lun, hay quá trời:v Thiệt, nghe xong là tui như bị tẩy não, quên luôn bản gốc =)) Hông ngờ bài hát hợp với phim hành động gay cấn vậy luôn, mà truyện này có mấy chỗ cũng hồi hộp lắm nè, nên chốt là lấy nhạc phim này làm nền cho mấy chương giựt gân trong truyện nha mọi người:">.

Bình Luận (0)
Comment