Sáu mươi mốt - Mặc cả
Đại sư Vong Trần đã cúng dường rất nhiều tiền xả thân cho chùa Phổ Tế, vì vậy trụ trì cho ông quyền tự do cực lớn.
Thuộc hạ của ông có thể đến bàn bạc công việc với ông bất cứ lúc nào, mỗi tháng ông có thể ra ngoài vài ngày để xử lý các công việc.
Đối với sự xuất hiện của Tống Tuyết Ngọc, ông cũng không cảm thấy lạ lẫm, trong kinh thành đang hỗn loạn, chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Khi biết được thân phận của Tống Tuyết Ngọc, ông vẫn rất bình tĩnh sắp xếp nơi ở cho bà ta, trốn trong lầu Bất Như Vi Xướng là một lựa chọn tốt.
Tống Tuyết Ngọc nói với ông, nếu Tống Tường Dận muốn tìm bà ta vẫn có thể tìm được, nhưng có lẽ trên người bà ta có thứ Tống Tường Dận muốn, có thể dùng để mặc cả.
Đại sư Vong Trần nghe xong lập tức cười, tất cả việc mặc cả đều có thể giao cho ông xử lý.
Sở dĩ Tống Tường Dận gấp rút tạo phản là vì thần y đoán định ông không sống được bao lâu nữa, nhiều nhất chỉ còn sống được ba bốn năm.
Thời trẻ, lênh đênh trên biển trong thời gian dài, sau khi về kinh thành, lúc nào cũng phải lo toan tính toán, đã tiêu hao hết sức lực của ông.
Dưới sự sắp xếp của đại sư Vong Trần, Tống Tường Dận biết được nữ nhi mình đã uống bí dược của triều Tiền Ngụy, có được thân thể trường sinh bất lão, sau khi uống máu của bà ta cũng có công hiệu kéo dài tuổi thọ.
Đại sư Vong Trần hoàn tục từ chùa Phổ Tế, tự mình chăm sóc Tống Tuyết Ngọc, bảo vệ bà ta. Định kỳ có thái giám trong cung đến lầu Bất Như Vi Xướng, lấy máu của Tống Tuyết Ngọc.
Nhưng Tống Tuyết Ngọc không nói cho Tống Tường Dận biết, sau khi uống máu này sẽ ra sao.
Tống Tường Dận cảm thấy mình vô cùng sáng suốt khi huấn luyện Tống Tuyết Ngọc thành một quân cờ xuất chúng. Ngụy Hy Tông yêu thương nữ nhi mình đến mức còn cho bà ta uống tiên dược trường sinh.
Tống Tường Dận thậm chí còn cảm thấy ghen tị và bất mãn với điều này.
Sáu mươi hai - Hậu quả
Sau khi không còn phải lo lắng về vấn đề tuổi thọ nữa, Tống Tường Dận vội vàng mở rộng hậu cung của mình. Nữ tử xinh đẹp đến từ nước ngoài bầu bạn bên cạnh ông giờ đã già và vừa hay qua đời trước khi được phong làm Hoàng hậu.
Tống Tuyết Ngọc không hề nói cho ông biết rằng, sau khi uống máu của bà ta thì ông sẽ không thể sinh con nối dõi nữa, thậm chí dần dà về sau ông sẽ mất đi ha.m m.uốn cùng cảm giác. Tuy vẫn có thể cảm nhận được đau đớn, đói khát và mọi nỗi khổ, nhưng rồi trong tương lai ông sẽ không còn nếm được mùi vị của bất kỳ món ăn ngon hay rượu ngon nào, cũng không còn cảm nhận được niềm vui từ ca múa và sắc đẹp nữa. Đây chính là những gì mà một khổ hạnh giả phải trải qua.
Đến khi Tống Tường Dận phát hiện ra vấn đề này thì trong hậu cung đã có một phi tần xuất thân từ gia tộc Tiền Ngụy sinh ra một nhi nữ. Không lâu trước đó, ông còn tổ chức ăn mừng linh đình việc Công chúa ra đời, điều này có nghĩa là ông vẫn có thể tiếp tục sinh thêm nhiều con cái.
Bấy giờ Tống Tường Dận mới phát hiện ra rằng Tống Tuyết Ngọc đang trả thù mình một cách vô cùng độc ác. Những phi tần biết được khao khát có con của ông nên đã nghĩ ra trò mượn giống để sinh con. Ông buộc phải tìm cách gi.ết ch.ết Công chúa này, sau đó tung ra lời đồn về lời nguyền của tiền triều.
Tống Tường Dận hiểu rằng, Tống Tuyết Ngọc đã dùng cách này để thể hiện sự tồn tại của mình, ông không thể ngăn được miệng người đời bàn tán. Tin đồn về lời nguyền tiền triều được lan truyền rộng rãi, Tống Tuyết Ngọc nghĩ rằng một ngày nào đó bà ta nhất định sẽ lợi dụng tin đồn này để đưa muội muội mình ra khỏi cung đình tàn nhẫn đó. Bà ta dám chắc rằng Tống Tường Dận sẽ dùng muội muội của mình như một công cụ để lôi kéo các quyền thần, bà ta có thể dùng máu bản thân để làm điều kiện trao đổi.
Tống Tường Dận tuyên bố sẽ không uống máu của Tống Tuyết Ngọc nữa. Ông phong muội muội của Tống Tuyết Ngọc làm Ninh Viễn Công chúa và gả cho Hoắc La. Từ đó về sau, ông cũng không còn thân cận với hậu cung nữa mà chỉ tập trung bồi dưỡng người nam nhi duy nhất, nỗ lực hết sức để củng cố chính quyền Đại Ngu.
Tống Tường Dận nhắn với Tống Tuyết Ngọc rằng ông sẽ trở thành một vị minh quân được người đời ca tụng và ghi chép. Dù Tống Tuyết Ngọc có dùng hết mọi thủ đoạn cũng không thể làm tổn hại đến Đại Ngu một chút nào. Lịch sử được viết cho kẻ chiến thắng, dù Tống Tuyết Ngọc có sống lâu trăm tuổi thì có ích gì, vốn dĩ bà ta chỉ là một quân cờ, giờ đây lại trở thành một con quái vật không phải người không phải ma!
Sáu mươi ba - Huyết thống
Tống Tuyết Ngọc nói, nếu Thái Tổ có thể sinh thêm một người nam nhi có huyết thống thuần chính, thì việc Thái Tông có huyết thống ngoại quốc có thể lên ngôi hay không vẫn là một ẩn số.
Nước ngoại quốc đó có tên riêng, nhưng trong tất cả các ghi chép đều cố tình làm mờ nhạt tên nước này. Tống Tuyết Ngọc nói rằng đất nước của mẫu thân mình tên là Y Nam, một nước nhỏ giàu có, nằm trên con đường giao thông nối liền nhiều quốc gia.
Việc mẫu thân nàng xuất thân là nữ nhi của thương nhân giàu có cũng là giả. Đất nước này cũng rất hà khắc với phụ nhân, nhưng vì nhu cầu ngoại giao nên quốc gia sẽ đào tạo một số lượng lớn "chính thiếp".
Họ biết đọc biết tính, giỏi buôn bán và mưu lược, quan trọng hơn là họ cực kỳ hiểu được sở thích của nam nhân. Từ nhỏ họ đã được huấn luyện cách chinh phục nam nhân, vào thời điểm quan trọng sẽ được gửi đến các nước khác nhau, những người may mắn có thể trở thành Hoàng hậu của một nước.
Những phụ nhân ngoại quốc này là một khoản đầu tư chính trị tuyệt vời. Vừa hay triều Tiền Ngụy do quá đề cao nam giới khinh rẻ phụ nhân nên dẫn đến một loạt vấn đề, phụ nhân triều Tiền Ngụy bị đè nén thành những kẻ vô tri vô vị. Tống Tường Dận và một nhóm người có dã tâm đã nhìn ra được lợi thế của việc dùng những nữ tử xinh đẹp làm nguồn lực chính trị.
Nhưng sau khi triều Đại Ngu được thành lập, sự tồn tại của các phu nhân ngoại quốc dần dần bị xóa bỏ, tên của họ đều đã được đổi thành tên Hán hóa. Dục Tú Các và Chung Linh Đường do họ sáng lập vẫn được duy trì, tiếp tục cung cấp những nữ tử đảm đang cho hậu cung và những nữ tử xinh đẹp có thể tâm đầu ý hợp với nam nhân cho triều Đại Ngu mới. Tuy nhiên, mọi người vô thức vẫn muốn kết hôn với những gia tộc có huyết thống thuần chính hơn.
Lương Hoàng hậu của Thái Tông xuất thân từ gia tộc Tiền Ngụy, sau đó Lương gia chuyển sang ủng hộ Thái Tổ và giành được một vị trí trong chính quyền triều Đại Ngu. Thái Tông mới lên ngôi vô tình phát hiện ra vẻ đẹp của Tiết thị và nảy sinh ý định chiếm hữu, sự say mê điên cuồng đó khiến Lương gia cảm thấy nguy cấp.
Qua nhiều lần điều tra thân thế, xuất thân của Tiết thị bị đào bới ra, bà ta không thể chịu đựng được tất cả những gì mình đã trải qua nên dần dần trở nên điên loạn. Huyết thống của Tĩnh An Công chúa hoàn toàn trở thành một điều khó xử.
Sau khi biết được chuyện của Tiết thị, Tống Tuyết Ngọc hy vọng đệ đệ mình có thể trở thành một người nam nhân và người phụ thân đích thực, đừng dùng máu của phụ nhân để hiến tế ngai vàng của mình nữa.
Sáu mươi tư - Sự trả thù đặc biệt
Với nguồn tài chính khổng lồ làm hậu thuẫn, cùng với sự quen thuộc với hoàng cung, Tống Tuyết Ngọc luôn cố gắng nắm bắt tin tức trong hậu cung Đại Ngu.
Sau khi biết được chuyện của Tiết thị, Tương Hi Nhương nhất định phải cứu Tĩnh An Công chúa và mẫu thân của bà ấy ra.
Cuối cùng Thái Tông quyết định để nữ tử mình yêu thương rời đi, để nữ nhi mình tránh xa thị phi. Hắn ta tìm đến tỷ tỷ Tống Tuyết Ngọc để nhờ giúp đỡ.
Sau nhiều sắp xếp, Tiết thị và Tĩnh An Công chúa rời khỏi hoàng cung, "tu hành" ở chùa Thanh Lương.
Tống Tuyết Ngọc đưa ra một điều kiện với Thái Tông, từ nay về sau trong hậu cung của Thái Tông không được sinh ra bất kỳ nữ nhi nào. Trong tay bà ta vẫn còn giữ một số loại kỳ hoa do các đại sư Tiền Ngụy sử dụng, có thể phân biệt được giới tính của thai nhi.
Nếu Thái Tông không đồng ý, bà ta sẽ kể cho Tiết thị biết đầu đuôi câu chuyện, để bà ấy hiểu rằng nỗi khổ của mẫu thân bà ấy là Tiết Phúc Nhi và bản thân bà ấy đều có liên quan đến Hoàng đế khai quốc của Đại Ngu.
Tiết thị chỉ mới biết mình là nữ nhi của Ngụy Hy Tông mà đã phát điên lên rồi, nếu biết tất cả mọi chuyện thì bà ấy tuyệt đối không thể chịu đựng nổi.
Tống Tuyết Ngọc hiểu rằng mình đã hoàn toàn điên rồi, mỗi ngày bà ta phải chịu đựng nỗi đau đớn của bí dược, sống không bằng chết, nhưng trong lòng vẫn còn một nỗi ám ảnh không thể nói ra.
Thái Tông đồng ý, không chỉ để bảo vệ nữ tử mình yêu thương, mà còn xuất phát từ cảm giác tội lỗi trong lòng. Vì ngai vàng của hắn ta, các nữ nhi của Tống Tường Dận đã phải trả giá quá nhiều, nhưng không ai trong số họ được hưởng vinh hoa của Đại Ngu. Một người trở thành ma quỷ trong nhân gian, một người phải gả xa đến nước khác.
Thái Tông cho rằng Tống Tuyết Ngọc không thể chịu đựng được việc nữ nhi của hắn ta được hưởng sự tôn quý của Công chúa, nhưng thực ra Tống Tuyết Ngọc không muốn trên đời này lại có thêm nữ nhi Tống gia trở thành quân cờ và công cụ nữa mà thôi.
Vì điều này, Tống Tuyết Ngọc trở nên ám ảnh và tàn nhẫn.
Sáu mươi lăm - Cứu chuộc
Mặt khác của sự trả thù chính là sự cứu chuộc.
Ban đầu Tống Tuyết Ngọc và Tương Hi Nhương định đưa Tiết thị và Tĩnh An Công chúa ra khỏi kinh thành, vì Lương gia luôn theo dõi chùa Thanh Lương nên mới xây đường hầm bí mật giữa chùa Thanh Lương và lầu Bất Như Vi Xướng.
Thời Thái Tông, kinh thành thịnh hành việc xây dựng và tu sửa kiến trúc, nên công trình xây đường hầm có thể được tiến hành mà không ai hay biết.
Tuy nhiên Tiết thị vẫn còn lưu luyến Thái Tông, khi không điên loạn, những lời bà ấy nói đều chứa đầy nỗi nhớ nhung Thái Tông, nên họ sợ rằng nếu cưỡng ép đưa bà ấy rời kinh thành sẽ làm bệnh điên của bà ấy trở nặng thêm.
Tiết thị sống thêm hai mươi năm nữa trong tình trạng lúc điên lúc tỉnh, suốt hai mươi năm đó bà ấy không gặp lại Thái Tông lần nào cả.
Để không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của Tĩnh An Công chúa, Tống Tuyết Ngọc thường xuyên đưa Tĩnh An ra ngoài trải nghiệm sự phồn hoa của nhân gian.
Khinh công của Tống Tuyết Ngọc ngày càng tiến bộ, bà ta không còn h.am m.uốn và hứng thú gì nữa, chỉ cứ cố chấp lượn lờ trong nhân gian. Nhưng khi nhìn thấy nụ cười của Tĩnh An Công chúa, bà ta cảm thấy sự tồn tại của mình trên đời này vẫn còn ý nghĩa.
Năm đó, bà ta dẫn Tĩnh An Công chúa đến chùa Phổ Tế xin vài cây thược dược cho Tiết thị, Tĩnh An Công chúa đã phải lòng một công tử từ Phong quận đang trú lại ở chùa để ôn thi ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Vì muốn được ở bên Tĩnh An Công chúa mãi mãi, công tử Phong quận không tiếc cạo đầu xuất gia ở chùa Phổ Tế.
Tương Hi Nhương đã mua chuộc trụ trì chùa Phổ Tế, chùa cũng được tu sửa lớn một phen. Đó là thời kỳ thịnh thế của triều Đại Ngu, việc cải tạo đổi mới ở khắp nơi trong kinh thành nên đây cũng được xem là chuyện bình thường.
Công tử Phong quận trở thành vị tăng phụ trách quản lý điện Thánh Kinh.
Tiết thị qua đời, Tĩnh An Công chúa không cần phải ở lại trông nom cho mẫu thân mình nữa nên cũng "qua đời" đúng lúc.
Nhân dịp "tang lễ" của Tĩnh An Công chúa, cuối cùng Thái Tông cũng được gặp lại người mình yêu thương cả đời một lần cuối, rồi an táng bà ấy với tư cách là nữ nhi của mình.