Cuộc Đời Của Pi

Chương 16

Ravi có một ngày náo loạn khi anh phát hiện ra việc đó.

“Thế nào, thưa đức chúa Jesus theo đạo Hinđu, năm nay ngài có hành hương về thành Jesusalem không hử?” Anh nói, chắp hai tay trước mặt như muốn lễ sống tôi. “Thành Mecca có vẫy gọi ngài không ạ?” Anh làm dấu thánh giá. “Hay là ngài sẽ đi Lama thụ lễ tấn phong lên thay giáo hoàng Pius?” Anh vẽ lên không khí một chữ Hylạp, cố làm rõ cách đánh vần cái chữ bêu rếu của mình. “Ngài đã có thì giờ cắt cái đầu của con chim ngài để thành ra một người Do thái chưa hử? Với cái đà này, nếu ngài đến đền thờ ngày thứ Năm, đến thánh đường ngày thứ Sáu và nhà thờ ngày Chủ nhật, ngài chỉ cần cải thêm ba đạo nữa là ngài đã có bảy ngày lễ một tuần đến hết đời.”

Chưa phải thế là hết. Luôn có những người tự cho mình có nhiệm vụ bảo vệ Thượng đế, cứ như thể cái thực tại tối thượng ấy, cái khung chống đỡ sinh tồn ấy, là cái gì yếu ớt và đang lâm nguy không bằng. Những người này đi qua một quả phụ đã biến dạng vì bệnh phong đang xin bố thí, qua lũ trẻ rách rưới lang thang ngoài phố, và họ nghĩ, ”Còn lạ gì lối ăn xin chuyện nghiệp này.” Nhưng nếu họ tưởng đang có một hành vi chống lại Thượng đế, dù chỉ là nhỏ nhặt, thì lại là chuyện khác. Mặt họ đỏ bừng lên, ngực họ phập phồng dữ dội, họ phun ra những lời giận dữ. Mức độ bất bình của họ thật đáng kinh ngạc. Quyết tâm của họ thật đáng sợ.

Những người này không chịu nhận ra rằng Thượng đế phải được bảo vệ bên trong lòng chúng ta, không phải ở bên ngoài. Họ nên hướng cơn giận của họ vào chính bản thân. Bởi lẽ cái ác ở ngoài kia chỉ là cái ác ở bên trong đã được sổng ra ngoài. Bãi chiến trường để giành giật cái thiện không phải là quảng trường công cộng kia mà là khoảng rừng thưa nhỏ bé trong trái tim ta. Trong khi đó, số phận của những người quả phụ và những em bé vô gia cư thật đã phũ phàng làm sao, và chính là để bảo vệ họ, chứ không phải là Thượng đế, mà những người công chính phải khẩn trương lên.

Một buổi nọ, có một kẻ ngu ngốc to mồm đã đánh đuổi tôi ra khỏi thánh đường lớn Hồi giáo. Khi tôi đến nhà thờ, thầy cả Cơ đốc đã trợn mắt nhìn tôi đến nỗi tôi không thể nào cảm thấy được cõi yên bình của đấng Christ. Đôi khi một tăng lữ Brahman còn đuổi tôi không cho dự lễ hóa lộc. Người ta đã mách với cha mẹ tôi những hành vi tín ngưỡng của tôi với một giọng thì thào vội và như thể đang tiết lộ tội phản quốc vậy.

Cứ như thể Thượng đế sẽ được lợi lộc vì đầu óc của những hành vi nhỏ mọn ấy.

Với tôi, tôn giáo là nơi giúp chúng ta giữ được nhân phẩm của mình chứ không phải để hạ nhục nó.

Tôi không đến dự lễ Misa của nhà thờ Đức Mẹ Đồng trinh nữa, mà sang bên nhà thờ Đức mẹ của các Thiên thần. Tôi không còn ở lại lâu hơn sau buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu với những đồng đạo của mình tôi chỉ vào đền thờ những lúc đông người để đám giáo sĩ Brahmin không để ý và xen vào giữa tôi và Thượng đế.

Vài ngày sau cuộc gặp mặt ở con đường đi dạo ngoài bờ biển, tôi thu hết can đảm và đến gặp cha tại văn phòng của người.

“Thưa cha.”

“Có chuyện gì đấy, Piscine?”

“Con muốn thụ lễ đặt tên thánh và con muốn có một tấm thảm cầu nguyện.”

Lời tôi nói chậm chạp lọt vào tai cha. Sau vài giây, cha bỏ đống giấy tờ đang đọc và ngẩng lên.

“Một cái gì cơ? Cái gì?”

“Con muốn cầu nguyện ngoài trời mà không bị bẩn quần. Con đang học trường Cơ đốc mà chưa được chính thức mang tên thánh.”

“Tại sao con muốn cầu nguyện ngoài trời? Mà thực ra, tại sao con lại muốn cầu nguyện mới được chứ?”

“Vì con yêu Thượng đế.”

“A ha.” Cha có vẻ ngỡ ngàng vì câu trả lời của tôi, gần như bối rối. Một lúc im lặng. Tôi nghĩ có khi cha lại cho tôi ăn kem chưa chừng. “Thế này này, trường Petit Seminaire chỉ có cái tên là Cơ đốc thôi. Nhiều trẻ Hinđu học ở đó không phải tín đồ Cơ đốc giáo. Không có tên thánh thì con vẫn học hành tử tế bình thường. Cầu nguyện thánh Allah thì chẳng có gì khác đâu.”

“Nhưng con muốn cầu nguyện thánh Allah. Con muốn là một người Cơ đốc.”

“Con không thể là cả hai, con chỉ có thể theo một đạo mà thôi.”

“Sao con lại không thể là cả hai?”

“Đó là hai tôn giáo khác nhau! Chúng chẳng có gì chung cả.”

“Đâu phải thế. Cả hai đều nhận Abrahman là của mình. Người Hồi giáo nói Thượng đế của người Do thái giáo và Cơ đốc giáo cũng chính là Thượng đế của người Hồi giáo. Họ đều công nhận David, Moses và Jesus là những tiên tri của mình.”

“Nhưng mà những chuyện ấy thì có liên quan gì đến mình hả Piscine? Chúng ta là người Ấn Độ cơ mà.”

“Vẫn có người Cơ đốc và Hồi giáo ở Ấn Độ hằng bao nhiêu thế kỷ nay rồi! Có người còn nói Jesus được mai táng ở Kashmir.”

Cha không nói gì, chỉ nhìn tôi, chau mày. Đột nhiên có người gọi cha vì công việc.

“Con hãy thưa chuyện này với mẹ.”

Mẹ đang đọc sách.

“Mẹ ơi.”

“Có chuyện gì thế con yêu?”

“Con muốn được mang tên thánh và con muốn có một tấm thảm cầu nguyện.”

“Con hãy thưa chuyện với cha.”

“Thưa đã. Cha bảo con thưa chuyện này với mẹ.”

“Thật thế à?” Mẹ đặt cuốn sách xuống và nhìn về phía vườn thú. Tôi chắc lúc ấy cha phải cảm thấy một luồng khí lạnh toát thổi vào gáy mình. Mẹ quay sang phía tủ sách. “Mẹ có cuốn sách này chắc con sẽ thích.” Mẹ đã đưa tay ra lấy một cuốn sách dày của Robert Louis Stavenson. Đó là chiến thuật quen thuộc của mẹ.

“Con đọc cuốn đó rồi mẹ ạ. Ba lần rồi.”

“Ô, thế à?” Tay mẹ đưa sang phía bên trái.

“Cả Conan Doyle cũng vậy ạ.” Tôi nói.

Cánh tay mẹ vung sang phải. “Còn R. K. Narayan thì sao? Con chưa thể nào đã đọc hết các sách của Narayan.”

“Mẹ ơi, những việc này rất hệ trọng đối với con.”

“Con đọc Robin Crusoe nhé.”

“Mẹ!”

“Piscine ơi!” Mẹ nói. Mẹ ngồi xuống ghế, vẻ mặt biểu lộ một thái độ phản đối yếu ớt nhất, có nghĩ là tôi phải tấn công vào những điểm xác đáng nhất. Mẹ sửa lại một cái gối kê. “Cha mẹ đều thấy là lòng nhiệt thành tín ngưỡng củc con là một cái gì đó hơi thần bí.”

“Nó là một thần bí thật sự mẹ ạ.”

“Hừmm… Mẹ không định nói điều đó. Con hãy nghe mẹ đây, nếu con quả thật muốn theo một tín ngưỡng, con chỉ có thể là một tín đồ Hinđu, một người theo Cơ đốc giáo hoặc một người theo đạo Hồi. Con đã nghe họ nói ở chỗ đi dạo ngoài biển rồi đấy.”

“Con vẫn không hiểu tại sao con lại không thể là cả ba. Mamaji có hai hộ chiếu. Bác ấy vừa là Ấn Độ vừa là Pháp. Sao con lại không thể là Hinđu, Cơ đốc và Hồi giáo?”

“Chuyện ấy khác. Pháp và Ấn Độ là các dân tộc trên trái đất.”

“Thế có bao nhiêu các dân tộc ở trên trời.”

“Một. Đúng thế. Một dân tộc. Một hộ chiếu.”

“Một dân tộc ở trên trời.”

“Đúng thế. Hoặc chẳng có gì cả. Còn có cả trường hợp ấy nữa con ạ. Con đang bập vào những chuyện thật sự là lỗi thời đấy.”

“Nếu chỉ có một dân tộc ở trên trời, có phải tất cả các hộ chiếu đều có giá trị phải không mẹ?”

Một đám mây phân vân bao phủ gương mặt mẹ.



Bác Gandhi đã nói…”

“Thôi được rồi, mẹ biết bác Gandhi nói gì rồi.” Mẹ đưa tay lên trán. Lúc ấy, mẹ có một vẻ rất mệt nhọc, quả thực vậy. Mẹ nói, “Sao mà đến nông nỗi này.”
Bình Luận (0)
Comment