Cuộc Sống Làm Nông Của Tống Đàm

Chương 286

Tống Đàm so sánh bản thân hiện tại với khi vừa trở về, lúc ấy ngay cả việc dẫn động linh khí cũng khó khăn vô cùng. Giờ đây, cô đã đạt được một trạng thái thỏa mãn.

So với Huyền Thiên Tông, linh khí ở đây gần như không có. Nhưng nhờ sự kiên trì tu luyện mỗi đêm không ngừng nghỉ, cô đã nhanh chóng đạt đến cảnh giới này trong thế giới nghèo nàn linh khí như vậy, dù cảnh giới này ở Huyền Thiên Tông chẳng bằng được một tạp dịch.

Thế nhưng với Tống Đàm, đó đã là sự bảo đảm lớn nhất cho gia đình và sự nghiệp của cô rồi.

Cô tính toán một chút, từ luyện khí đến trúc cơ, ước chừng đến mùa đông là vừa đủ thời gian.

Chậc.

May mà không có người cùng ngành, nếu không với tốc độ này, chắc bị cười đến c.h.ế.t mất.

Từ luyện khí đến trúc cơ cần một năm trời, có thể nói là hiếm có khó tìm.

Nhưng mà… không vội.

Được ở bên gia đình, mỗi ngày đều yên bình và vui vẻ như vậy, sớm một ngày hay muộn một ngày thì có khác gì đâu?

Cô nhìn mấy cây đào bị hái sạch sẽ, lại nhìn giỏ hoa đào đầy ắp bên cạnh, lúc này xách giỏ lên, chậm rãi đi xuống núi.

Cánh hoa đào được mang về nhà, trong nhà có người từ từ dọn dẹp và đóng gói.

Nhìn quanh, anh Tiểu Trương vẫn chưa tới, trên trời xa xa đã vang lên tiếng sấm u u, đầu hè, mưa thường đến đột ngột và nhanh chóng. Mấy hôm trước vừa mưa một trận, giờ nhìn trời âm u, hình như lại sắp mưa.

Tống Đàm cảm nhận được hơi ẩm trong không khí, trong lòng cũng thở phào nhẹ nhõm.

Vì trời mưa, Ngô Lan và Vương Lệ Phân không cần phải lên núi hái trà nữa, cuối cùng có thể nghỉ ngơi thư giãn một chút.

Mẹ cô và bà nội đúng là nghiện kiếm tiền, rõ ràng trong nhà đã có người làm việc, nhưng hễ nhàn rỗi là cứ như đang phạm tội, nhất định phải tìm cái gì đó để làm...

Khiến mấy người định lười biếng cũng cảm thấy không thoải mái.

Đang chuẩn bị ngồi dưới hiên nhà trốn việc, thì thấy Kiều Kiều từ phòng chạy ra, gấp gáp nói:

“Chị, sắp mưa rồi, mấy con ong phải làm sao đây?”

Tống Đàm mới nhớ ra, lần trước đã nói tổ ong đầy rồi, mấy ngày nay bận rộn đủ thứ, cô quên béng mất.

Kiều Kiều lo lắng không yên:

“Nếu trời mưa lớn, ong chen chúc trong tổ, liệu có khó chịu không? Có cãi nhau không?”

Không đến mức đó đâu.

Mật ong có nhiều như vậy, chỉ cần có đồ ăn thức uống, không có lệnh của ong chúa, thì cãi nhau vì gì chứ.

Nhưng mà… không được!

Rảnh rỗi sẽ tiêu thụ mật ong, rồi đẻ con, lại ăn mật ong nữa!

Tống Đàm cầm chìa khóa xe, nói: “Chị đi mang về hai cái thùng ong!”

Kiều Kiều thấy cô hành động, lúc này mới thở phào.



Trong phòng, giọng của Tần Quân vang lên, bình tĩnh nhưng uy nghiêm: “Kiều Kiều, vào học đi.”

Học sinh nhỏ lại vội vàng chạy về phòng.

---

Tiếng sấm rền vang trên trời xa, xe bán tải chạy trên con đường gập ghềnh trong núi, ngược lại lại rất êm.

Con đường “nông thôn liên thông” này đã xuống cấp theo thời gian, thường có những vết nứt, ổ gà hoặc chỗ bị đất từ triền núi trượt xuống lấp mất. Nếu không phải là tài xế lão luyện hoặc quen đường, thì phải thật cẩn thận.

Nhưng điều này chẳng gây khó dễ gì cho Tống Đàm. Chỉ là…

Khi cô đánh tay lái, đột nhiên nhớ tới, cha mẹ cô từng hào hứng nói chuyện học bằng lái xe, đến giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì...

Đã lâu vậy rồi, chẳng lẽ mô phỏng phần thi lý thuyết vẫn chưa qua được sao?

Ngay cả nếu cha cô chưa qua, thì mẹ cô cũng không thể chậm thế chứ!

Nghĩ tới nghĩ lui, xe của Tống Đàm chạy thẳng đến trấn Tùng Thụ ở bên cạnh.

Nơi này núi non còn nhiều hơn làng Vân Kiều, đường đi ngoằn ngoèo leo dốc. Dọc bên đường, các vườn trồng chè có trồng thêm nhiều cây hoa anh đào trang trí, chắc là nhờ vào chính sách trợ cấp của chính phủ.

Nhưng… những cây hoa trang trí này không có quả, không phải là nguồn mật, nên chẳng thu hút được mấy con ong.

Do đó, dù hoa có nở rộ rực rỡ thế nào, số ong bị thu hút đến đây cũng chỉ lác đác vài con.

Hơn nữa…

Tống Đàm đi một vòng và cuối cùng khẳng định rằng: "Không đẹp bằng hoa nhà mình!"

Cô không khỏi có chút tự hào nho nhỏ.

Phía trước chính là khu vực của người nuôi ong. Tống Đàm xuống xe, nhưng không thấy ai ở đây.

May mắn thay, trước cái nhà kho bằng tôn quen thuộc, có một tấm bìa cứng, trên đó viết số điện thoại thật to bằng mực đen.

Cô gọi điện, đối phương rất nhiệt tình:

“À, tôi không có ở đó, tôi đang đi bán mật ong trên đường lớn. Cô đi dọc theo con đường đó, lên thêm chút nữa nhé!”

Vừa chỉ đường vừa nói chuyện, chỉ khoảng năm phút lái xe, chiếc xe của cô đã quẹo qua mấy khúc cua và lên con đường lớn.

Người nuôi ong đội một chiếc mũ rơm, ngồi trên chiếc ghế tựa nhỏ ở rìa bụi cây bên đường, tay cầm điện thoại lướt video ngắn.

Thấy cô đến, ông cười tươi:

“Sao rồi? Đàn ong nhà cô dạo này ổn chứ?”

Tống Đàm mỉm cười:

“Ổn lắm! Đàn ong phát triển nhanh quá, tôi định đến mua thêm vài thùng ong.”

Người nuôi ong cũng vui vẻ:

“Tôi đoán mà, cô không gọi tôi tức là không có vấn đề gì. Nhưng làm sao mà chúng phát triển nhanh thế? Chỗ nhà cô nhiều hoa lắm à?”



Ông tỏ vẻ rất hứng thú, rõ ràng là cũng đang suy tính mang đàn ong của mình lên đó một chuyến.

Tống Đàm không dám đồng ý ngay. Bây giờ hoa đào trên núi đã hết, đàn ong của cô chuyển sang tìm mật ở ruộng rau, giàn bí, và vườn dẻ gần đó.

Chỗ người nuôi ong này có mấy chục thùng ong, vườn nhỏ nhà cô không thể chịu nổi.

Cô cười đáp:

“Nhà tôi có một vườn đào, dạo này chúng nó ăn tốt lắm.”

“Vườn đào?”

“Bây giờ hết hoa đào rồi mà.”

Người nuôi ong lập tức bình tĩnh lại. Sau đó, ông nhận ra vấn đề và vội nhắc nhở:

“Mật ong mà có thì phải nhanh chóng quay ra, đừng để lâu trong thùng! Để trong thùng, ong thấy có thức ăn thì sẽ đẻ trứng liên tục… mà chỉ nhiều ong không thì không có ích gì. Chúng phải làm mật mới quan trọng!”

Tống Đàm mỉm cười lắng nghe, liên tục gật đầu. Nhưng thấy ông cứ nói mãi không vào trọng tâm, cô bèn cắt ngang:

“Chú, sao chú lại ra đây bán mật ong thế?”

Người nuôi ong cười:

“Haizz, không phải là vì mùa này người đi thu mua chè nhiều à? Còn có mấy người đến đây nướng t.hịt dã ngoại nữa, tôi nghĩ ngồi lề đường bán cũng tiện.”

Ông chỉ tay vào tấm bảng bên cạnh, trên đó viết dòng chữ to: “Mật ong nuôi tự nhiên”, kèm theo số điện thoại bên dưới.

“Mỗi năm tôi đều bán kiểu này, một tháng cũng kiếm được mấy ngàn tệ.”

Ông nói xong, lại nhiệt tình hỏi:

“Sao rồi? Nhà cô quay được bao nhiêu mật? Có bán không?”

“Nếu bán thì phía trước có một khúc cua, chỗ đó nhiều bóng râm, không nắng. Cô mang mật ra ngồi bán ở đó cũng được.”

Sau đó, ông ngẩng lên nhìn trời:

“Không có mưa đâu, cô tranh thủ trời nắng mà bán đi.”

Tống Đàm nghĩ bụng: "Nếu tôi mà ngồi đây bán, thì chắc chú không làm ăn được nữa đâu."

Cô cũng cười lớn:

“Chú! Chú còn chỉ tôi cách làm ăn, mình là đối thủ cạnh tranh đấy nhé!”

“Haha!” Người nuôi ong hào sảng đáp:

“Tôi bán bao nhiêu năm rồi, mấy người đi qua đây đều biết tôi. Giờ còn có cả WeChat nữa.”

“Cô là một cô gái trẻ, chưa chắc đã bán được nhiều bằng tôi. Với lại, cô bán mật tốt, sau này còn quay lại mua ong của tôi, cũng thế thôi.”

Quả nhiên, ban đầu cứ nghĩ ông ấy thật thà chất phác, không ngờ trong lòng cũng tính toán rất kỹ càng.
Bình Luận (0)
Comment