Cuộc Sống Ở Bắc Tống

Chương 252

Mồng bảy tháng bảy tương truyền là ngày Ngưu Lang Chức Nữ hội ngộ tại sông Ngân. Ở Đại Tống, ngày hôm đó được gọi là tiết cầu khéo tay, hoặc tết con gái, các cô gái trẻ sẽ cầu được hai bàn tay khéo léo, chờ đợi bản thân có thể nhanh tay lẹ mắt giỏi thêu thùa may vá.

Đông Kinh. Phan lâu ở phố Đông, Châu Tây Lương, cổng Bắc Môn, cổng Nam Chu Tước, khắp các con phố lớn nơi nơi đều có tiểu thương rao bán ‘ma hầu la’. Trương Trọng Vi nhớ con gái ở nhà, đi một chỗ lại mua một cái, chỉ trong chốc lát, trong tay Lâm Y đã cầm ba bốn cái. ‘Ma hầu la’ chính là tượng đất nhỏ nặn bằng tay, Trương Trọng Vi mua mấy cái cái nào cũng được trang trí tỉ mỉ, có lầu mộc lan màu sắc rực rỡ, có người mặc váy xanh đỏ đang múa, còn có người đội cả trang sức kim châu.

Một chuyến đi dạo tốn không dưới tám trăm văn, Lâm Y xót của gần chết, kiên quyết không cho Trương Trọng Vi mua nữa, Trương Trọng Vi không lay chuyển được nương tử, đành phải đi xem rối, là chim nhạn, uyên ương, quỳ ngư vân vân, tô sơn sặc sỡ, do tiểu thương lay động, ngâm xướng thu hút người ta đến mua.

Hai vợ chồng đi dạo một đường, tình cờ gặp được Thanh Miêu, rồi Trương Bát nương, thì ra ai nấy đều thừa dịp ngày hội ra ngoài chơi đùa. Bọn họ đều dẫn theo con riêng, Trương Trọng Vi tiếc nuối con gái Ngọc Lan nhà mình còn quá nhỏ, bằng không cũng dẫn ra ngoài náo nhiệt, Lâm Y lại bắt đầu giận dỗi, sẵng giọng. “Chàng không muốn đi chơi Thất tịch riêng với ta sao?”.

Trương Trọng Vi thấy nương tử dỗi, không ngừng xin lỗi, xưng rằng ngày hội nào cũng mong được vui riêng với nương tử. Nhưng nói như vậy, Lâm Y vẫn không hài lòng. “Vậy chàng để con chúng ta ở đâu? Chẳng lẽ con không phải con ruột chàng sao?”.

Trương Trọng Vi bối rối đổ mồ hôi, than thở phụ nữ thật là khó hiểu, khó chiều.

Đêm dần muộn hơn, trên đường vẫn người xe như nước, lừa ngựa xuôi ngược, náo nhiệt phi phàm. Lâm Y mua một bông sen Tịnh Đế hai đầu, cầm trong tay thưởng thức. Trương Trọng Vi mua nhiều tò he nặn hình em bé làm từ bột và mật rất tinh xảo, có cả má lúm đồng tiền. Qua một con phố nữa, trông thấy cỗ kiệu chờ bọn họ ở ven đường, Trương Trọng Vi liền nói rằng trời tối đêm lạnh, đề nghị về sớm cho kịp. Lâm Y cũng dạo mệt rồi, hơn nữa cách xa con gái mấy canh giờ, trong lòng thấy nhớ, nàng vịn tay Trương Trọng Vi lên kiệu.

Hai vợ chồng về nhà, rốt cuộc vẫn sắp dưa và hoa quả ra chờ ban đêm cho nhện giăng tơ, Lâm Y cầm tay con gái thêu mấy châm song khổng, rồi đi nghỉ.

Ngày thứ ba sau Thất tịch, Phương thị mang quà mừng lễ đến, tuy đã muộn mấy ngày, nhưng Dương thị vốn đặt yêu cầu về Phương thị rất thấp, hiểu được đáp lễ là không tệ rồi, vì vậy giữ bà ta lại ăn cơm.

Hôm nay Phương thị thái độ rất khác thường, từ lúc vào cửa tới lúc ăn cơm biểu hiện vô cùng hoà thuận, không tranh cãi ầm ĩ, cũng không gây sự, cơm nước xong nói muốn vào trong viện của Trương Trọng Vi ngồi. Dù sao Trương Trọng Vi cũng là con ruột của bà ta, Dương thị tuy không ưa bà ta rối loạn quan hệ, nhưng rốt cuộc vẫn thông cảm tâm tình của bà ta, vì thế cho phép, bảo Lâm Y dắt bà ta về viện.

Dương thị đến phòng Lâm Y, vẫn một thái độ hoà ái dễ gần, trước ôm Ngọc Lan cưng nựng, rồi hỏi tình hình bọn họ gần đây thế nào, đợi Trương Trọng Vi đi vào, lại lôi kéo chàng nhìn ngắm đủ kiểu, khen ngợi chàng cao lớn có da thịt hơn, khen Lâm Y chăm chồng giỏi.

Lần đầu tiên Lâm Y nghe được Phương thị khen mình, quả thật là vừa vui vừa nổi da gà, nhưng chưa đợi nàng sung sướng hết, đã nghe Phương thị hỏi Trương Trọng Vi. “Trọng Vi, thím muốn may hai bộ đồ mới, có thể cho thím mượn mấy quan được không?”.

Phương thị đến độ phải vay tiền may quần áo, Trương Trọng Vi nghe xong xót xa cõi lòng, không cần suy nghĩ liền muốn đồng ý, bị Lâm Y chọt cho một khuỷu tay, đau đến nhe răng.

Lâm Y nghiêm mặt nói. “Nay Đại ca kiếm được tiền, đã có thể dưỡng gia, vì sao tiền đặt may quần áo mới cũng không có? Nếu chúng cháu thay Đại ca làm tròn vai trò con cái, sẽ khiến Đại ca nghĩ như thế nào? Không phải đường hoàng cho thiên hạ chụp mũ Đại ca là bất hiếu hay sao?”.

Học quán của Trương Bá Lâm càng lúc càng thịnh vượng, xét học phí, tiền trà nước anh ta thu được cũng dư dả may đồ mới, Trương Trọng Vi cũng sợ cho Phương thị mượn tiền sẽ đẩy Trương Bá Lâm vào danh xưng bất hiếu, vì thế bắt đầu do dự.

Lâm Y ngừng một lúc, rồi hỏi Phương thị. “Thím muốn mượn bao nhiêu?”.

Phương thị nghe Lâm Y nghiêm khắc nói lý lẽ, thầm than mượn tiền vô vọng, đang chuẩn bị xử thủ đoạn ương ngạnh, chợt nghe Lâm Y quan tâm, rất là mừng rỡ, vội nói.“Không nhiều lắm, hai trăm quan thôi”.

“Cái gì?!”. Vợ chồng Lâm Y đồng loạt la lên, Trương Trọng Vi mở to hai mắt nhìn.“Thím, quần áo gì tận hai trăm quan dữ vậy?”.

Phương thị ấp úng. “Cả nhà… quần áo bốn mùa… cần nhiều như vậy…”.

Lâm Y vốn không tính cho bà ta vay, liền nói ra cớ đã chuẩn bị sẵn. “Cho thím vay cũng không phải không được, nhưng phải bẩm báo Đại phu nhân trước, dù sao Đại phu nhân mới là mẫu thân của chúng cháu”.

Phương thị vội hỏi. “Không phải cô có tiền riêng sao? Cho tôi mượn tiền đó đi”.

Lâm Y mang bình đồng ra cho bà ta nhìn tận mắt, nói. “Đây là tiền riêng của cháu, tổng cộng không đến ba trăm văn, nếu thím muốn, cháu phân cho thím năm mươi văn, nhiều hơn không được, trong nhà có em bé, lại mới thuê bà vú, chỗ nào cũng tốn kém cả”.

Phương thị kêu lên. “Tất cả đều có quỹ chung lo, cần gì cô lấy tiền riêng ra?”.

Lâm Y nói. “Thím, nhân tình ấm lạnh, chẳng lẽ không cần thưởng tiền cho người ta ư?”.

Phương thị lầm bầm. “Bà vú chăm sóc con gái thôi mà cũng cần thưởng tiền? Cô để bụng con gái cô như vậy làm chi, có phải con trai đâu”.

Lâm Y cười nói. “Đều là cháu dâu học theo thím đó thôi”.

Phương thị sửng sốt. “Học theo tôi?”.

Lâm Y gật đầu khẳng định, nói. “Bát nương tử cũng là con gái, sao không thấy thím khắt khe cô ấy bao giờ? Cháu dâu nhìn thím và thúc thúc, ai cũng nâng niu như hòn ngọc quý trên tay”.

Phương thị cứng họng, bà ta nói gì nữa đây? Phản bác lời nói của Lâm Y? Chẳng khác nào nói cho người khác rằng bà ta chẳng trân trọng gì Trương Bát nương? Bà ta nhịn rồi nhẫn, nuốt xuống dưới bụng, nặn ra một gương mặt tươi cười, nói. “Ừ, ừ, con gái phải nuông chiều, bà vú này giống như thím Nhâm ấy, lúc nào cũng phải thưởng cho, bằng không sẽ không tận tâm”.

Lâm Y liên tục nói phải, khen Phương thị hiểu biết rộng, khen hết câu này tới câu khác, thẳng đến lúc bà ta xấu hổ ngượng ngùng mới thôi.

Phương thị nghe khen nhiều giống như uống rượu say, mặt cũng đỏ, mắt lờ đờ, nhưng không say tới mức quên cả chính sự. “Năm mươi văn thì năm mươi văn, ai bảo cô nghèo quá làm chi”.

Lâm Y sửng sốt, nhận ra ý bà ta nói là chuyện chia tiền riêng của nàng, liền nâng tay ra hiệu cho Thanh Mai. Thanh Mai cố nén cười, bốc trong bình đồng ra sổ đủ năm mươi văn giao cho Phương thị. Phương thị nắm chặt tiền, nghĩ Lâm Y vừa khen ngợi mình, nên bánh ít đi bánh qui lại, khen Lâm Y mãnh liệt, nào là biết nóng biết lạnh, biết thương tiếc thân nhân, tốt hơn vợ cũ của Trương Bá Lâm gấp trăm lần.

Lâm Y nghĩ năm mươi văn đổi lấy Phương thị khen ngợi một trận cũng coi như lời, liền hé miệng cười, sai Thanh Mai tiễn bà ta lên kiệu.

Chờ Phương thị đi xong, Trương Trọng Vi liền nắm chặt tay Lâm Y, hỏi. “Nương tử, em nghĩ thím hỏi mượn hai trăm quan làm chi vậy? Nhất định không phải may quần áo đâu, làm gì có vải vóc nào đắt như thế?”.

Lâm Y làm dâu Đại phòng, lười quan tâm chuyện Nhị phòng, thản nhiên nói. “Để ý làm chi, nay Đại ca kiếm được tiền, cũng đủ dưỡng gia, thím không lo ăn lo uống, có thể xảy ra chuyện gì bây giờ?”.

Trương Trọng Vi trong lòng biết nàng nói có đạo lý nhưng rốt cuộc vẫn không an lòng, vì vậy lấy cớ muốn khuyên Đại ca đón Đại tẩu về, ra ngoài tìm Trương Bá Lâm.

Phương thị rời khỏi Đại phòng, nhưng không quay về Đông Kinh mà vòng vèo tới chỗ Lí Thư. Bà ta nhìn cổng viện quen thuộc, nhớ lại nơi này lúc trước là nhà bà ta, cảm khái vạn phần. Gia đinh canh cửa đều biết mặt bà ta, vừa thấy bà ta xuất hiện liền dàn trận như lâm đại địch, vội vàng phái người vào thông báo cho Lí Thư biết.

Lí Thư nghe tin Phương thị tới, nhăn mày hỏi. “Bà ta đến có việc gì vậy?”.

Gia đinh trả lời. “Bà ta còn chưa nói gì, chỉ đứng ngẩn ngơ ở đó thôi”.

Thím Chân nói. “Chẳng lẽ hối hận, muốn tới đón chúng ta?”.

Lí Thư giễu. “Tưởng bở, phân nửa chắc chắn không phải chuyện tốt”.

Thím Chân nói. “Tôi ra ngoài gặp bà ta xem sao, nếu không phải chuyện gì tốt, sẽ không cho bà ta vào cổng”.

Lí Thư hơi gật đầu, nói. “Nếu bà ta nói muốn gặp cháu, bế Tuấn Hải ra cho bà ta nhìn một cái, hẳn bà ta cũng không dám đoạt đi đâu”.

Thím Chân lĩnh mệnh, dẫn theo tiểu nha hoàn mồm mép lanh lợi nhất ra ngoài cổng.

Vừa rồi Phương thị muốn bước vào, bị một gia đinh ngăn lại, đang cãi nhau ỏm tỏi, ngẩng đầu gặp thím Chân tới, mới ngoắc. “Bà tới vừa hay, gia đinh nhà các người vì sao không cho ta đi vào?”.

Thím Chân không đáp, hỏi ngược lại. “Phương phu nhân đến nhà chúng tôi làm gì?”.

Phương thị nói. “Ta tới thăm cháu nội ta”.

Thím Chân liền quay đầu phân phó tiểu nha hoàn ôm Trương Tuấn Hải ra cho Phương thị gặp mặt. Phương thị giận dữ. “Ta tới thăm cháu nội quang minh chính đại, vì sao không cho ta đi vào?”.

Thím Chân liếc nhìn bà ta, giả bộ kinh ngạc. “Chẳng lẽ đứng ngoài cổng xem thì không quang minh chính đại sao?”.

Phương thị nghẹn, nghĩ bụng Lâm Y vẫn tốt hơn Lí Thư nhiều. Bà ta nhìn bà vú ôm Trương Tuấn Hải ra, cửa viện sắp đóng lại, khẩn trương liền nói thật. “Ta là tới vay tiền, mau mở cổng cho ta vào”.

Thím Chân nghĩ Lí Thư quả nhiên đoán đúng rồi, Phương thị đến không thể nào là có chuyện tốt được. Thím Chân dang hai tay ra cản lại trước mặt Phương thị, nói. “Nay nhà chúng tôi và nhà họ Trương không thân không quen, Phương phu nhân muốn mượn tiền thì tìm lầm người rồi”.

Phương thị đón lấy Trương Tuấn Hải, ôm vào lòng, nói. “Cháu nội ta chính là con trai của chủ nhân các người, sao lại không thân chẳng quen? Mau cho ta đi vào!”.

Thím Chân bị phá giải, đành phải hỏi. “Phu nhân vay tiền làm chi?”.

Phương thị chỉ vào Trương Tuấn Hải. “Cha nó muốn xây thêm học quán, thiếu tiền, nhờ ta đến mượn”.

Thím Chân chỉ vào phủ tri huyện Tường Phù ngay gần đó, nói. “Phu nhân không đi mượn thân thích ruột rà của phu nhân đi, chạy đến nhà chúng tôi làm gì?”.

Phương thị nói. “Lần đầu xây học quán đã là bọn họ ra tiền rồi, nay xây thêm không muốn mượn nữa, biết làm sao được?”.

Thím Chân thò tay vào túi, sờ soạng nửa ngày, moi ra hai đồng xu, đưa cho bà ta. “Lí nương tử nhà chúng tôi nay cô nhi quả phụ, cuộc sống gian nan, không có tiền cho phu nhân mượn đâu, tôi có hai văn tiền riêng để dành được, Phương phu nhân cầm dùng đi, khỏi cần cám ơn”.

Bình Luận (0)
Comment