Cuộc Sống Tuổi Học Trò

Chương 24



Tác giả: Minh Dạ
Tôi là Phong Nguyên, và hiện tại tôi đang nằm trên giường.

Thời tiết hôm nay thật đẹp, những chiếc lá rơi xuống trước sân, những ngọn cỏ lung lay trước gió, ánh mặt trời nhuộm lên quang cảnh xung quanh một màu vàng ấm áp.
Một đôi chim sẻ bay qua cửa sổ nhà tôi, hai con chim ấy đậu trên cành hoa lan ríu rít hót vang.

Có thể trong mắt người khác phong cảnh này là một bức tranh vô cùng sống động, nhưng đối với tôi thì khác.
Trong mắt tôi, hai con chim kia chắc chắn là đang rải cơm chó trước mặt tôi, tiếng hót ríu rít của chúng rơi vào tai tôi như một lời khinh bỉ cẩu độc thân lâu năm là tôi đây.

Những chiếc lá rơi xuống kia tựa hồ đang nhắc nhở tôi sắp đi chầu Diêm Vương lão đại.
Còn cả những ngọn cỏ đung đưa kia nữa, chúng như đang ăn mừng trước nỗi đau khổ của tôi, ánh mặt trời mạ lên một màu bi thương...
Tóm lại một câu là: Tâm trạng hôm nay của tôi rất nóng.


Cơn nóng truyền từ thể xác đến cả tinh thần, khiến khắp người tôi nóng như kem.

Mặc dù bình thường tôi biết bản thân là một lạnh lùng boy, lúc nào cũng thấy lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống, chưa tức giận với ai bao giờ.

Thế nhưng, hôm nay nó lạ lắm.

Chắc hẳn là tâm hồn bé nhỏ của tôi vẫn còn bị sốc trước cái tin bị sốt 39°C.

Mẹ nó! Đã vậy hôm nay còn là ngày lễ đặc biệt ở trường nữa chứ! Ngày này lớp nào cũng có liên hoan ăn mừng, có quà, phần thưởng và nhiều trò chơi thú vị khác.

Vậy mà giờ phút này đây tôi lại chỉ có thể nằm trên giường, tâm trạng sốt ruột chờ mong, gửi gắm bao nhiêu hi vọng vào đám anh em của tôi, mong rằng chúng nó sẽ mang quà về cho người anh em đang nằm liệt giường này.
Nếu bảo trên đời này tôi ghét cái gì nhất thì chắc chắn thứ đó sẽ là sốt, cảm cúm rồi.

Trời ơi! Cái cảm giác khi bị sốt ấy như ám ảnh mãi trong lòng tôi! Cho dù đã từng trải nghiệm qua nhiều lần nhưng lần nào cũng đem lại cho tôi cảm giác như mới vậy.
Thực sự là cho dù có bị ốm bao nhiêu lần đi chăng nữa thì tôi vẫn không thể nào chịu được cái nỗi đau như búa bổ vào đầu, mũi thì bị nghẹt thở, họng rát như ăn phải mấy quả ớt,...
Tôi chịu đựng cảm giác mệt mỏi mà đứng dậy vươn vai một cái, ngáp ngủ, tiện thể lấy cốc nước ở bàn uống một ngụm.

Sau đó, tôi trở về với cái giường yêu quý, không kìm được lòng mà nhào vào ôm chiếc gối và chìm vào giấc mơ.
Tôi cứ nghĩ đi vào giấc mơ thì không bị cơn sốt ám ảnh nữa, sẽ gặp được bà tiên và được bà ban cho ba điều ước.

Thế nhưng, ảo tưởng chỉ là ảo tưởng mà thôi, giấc mơ của người ốm sẽ khác.
Trong mơ, tôi thấy mình đang đứng trên một con thuyền, bên cạnh là con thuyền khác cùng phe.

Đối diện là một con thuyền cực kì lớn, và đây cũng là địch thủ lớn nhất mà tôi phải đối đầu.
Hiện tại, bầu trời nổi đầy giông bão, sấm sét đùng đùng, sóng to gió lớn, toàn bộ mặt biển đều đang gào thét một cách giận dữ.

Trên không trung nổi lên hàng chữ to "Cuộc đối đầu giữa học sinh và giám thị trong kì thi lịch sử".
Tôi vừa đọc xong dòng chữ ấy thì con thuyền cực kì lớn kia, đại diện cho cô giám thị, lao vun vút đến chỗ hai chiếc thuyền, đại diện cho hai dãy học sinh, mỗi dãy một mã đề thi.


Tiếp đó, tiếng quát của thuyền trưởng con thuyền lớn ấy vang lên: "Anh kia, quay xuống làm gì?"
Thuyền trưởng con thuyền nhỏ số một vẻ mặt thâm sâu: "Con mẹ nó, đéo ổn rồi, cô này gắt vãi!"
Thành viên thuyền số hai lao nhao hết lên, hò hét hỏi thành viên thuyền một: "Mày đề mấy?"
"Làm câu này chưa?" Thành viên A hỏi.
"Nhanh lên, cô đến rồi kìa!" Thành viên B nói.
Tiếng gió bị xé rách vang lên, con thuyền cực kì lớn kia lao tới, đâm xuyên qua hai con thuyền nhỏ, chia cắt chúng trao đổi tình cảm.
Hai chiếc thuyền kia chưa kịp ổn định lại thì đã nghe thấy tiếng nói vang vọng của thuyền trưởng con thuyền lớn: "Hai cậu kia, mang bài lên đây, đánh dấu bài!"
Tiếp đó là cả đống tiếng vọng "Đánh dấu bài" nối tiếp nhau vang lên, cùng với những trận pháo đạn nổ ra.
Cả ba con thuyền bắt đầu rơi vào đấu tranh.

Thế nhưng, con thuyền lớn ấy lại áp đảo được cả hai con thuyền kia, và bắn từng đợt pháo mang tên "đánh dấu bài" vào chúng.

Còn hai con thuyền nhỏ kia mỗi lần bị ăn một đợt pháo là một lần tiếng kêu "tạch" vang lên.

Cứ thế, thành viên trong hai con thuyền "tạch" gần hết, chỉ còn một vài đứa ung dung.
Thành viên trong thuyền nhỏ hỏi thuyền trưởng: "Ê, mày làm câu kia chưa, đưa đây tao chép với!"
Thuyền trưởng: "..." Không trả lời được vì bị cô ghim.
Cuộc chiến đấu giữa cả ba chiếc thuyền ngày càng gay cấn, và đã có một con thuyền nhỏ bị hư hại.

Tiếng la hét điên cuồng của thành viên trong thuyền ngày càng dữ dội: "Tự lực cánh sinh đi anh em, thằng kia nó bảo không biết làm!"
Cơn bão quét qua kèm theo bom đạn từ chiếc thuyền lớn đổ hết vào hai chiếc thuyền nhỏ, các bộ phận trong chiếc thuyền nhỏ thứ nhất bị vỡ nát, cột buồm bị đổ xuống.
Các thành viên trong thuyền: "..." Tạch tập thể.
Thuyền trưởng có phao cứu sinh nhưng không thể dùng được vì bị cô ghim, vậy nên đã tự giải quyết hết và ngàn nhã bước ra khỏi con thuyền sắp chìm, mặc kệ mọi thứ xung quanh diễn ra như thế nào.
Thuyền trưởng: "Tao làm xong nó là một chuyện, còn đúng hay sai nó lại là chuyện khác."
Và "bùm" một tiếng, quả pháo cuối cùng được bắn, chiếc thuyền thứ nhất nổ tan.

Cả lũ tạch.


Con thuyền nhỏ còn lại là những đứa làm được bài, thong thả bơi về phía trước, con thuyền lớn theo sau, bỏ lại một đống đổ nát của con thuyền nhỏ bị "tạch" vẫn còn trôi nổi trên mặt biển.
...
Tôi giật mình tỉnh giấc, mồ chảy đầm đìa.

Tôi thầm thở phào một hơi, may mà chỉ là mơ.

Lại nhìn sang bên cạnh, thấy thằng Nam không biết ở đó từ bao giờ.

Trên tay nó cầm một giỏ quà thăm người ốm.
Tôi thấy nó mở miệng nói: "Tao biết mày ở nhà cô đơn lẻ loi một mình, nên tao cầm chút quà dành được ở trường về cho mày này."
Tôi nhìn nó bằng ánh mắt đầy cảm động.

Quả nhiên,thằng bạn thân này của tôi vẫn nhớ tới tình cảm anh em sâu đậm từ nhỏ của hai đứa.

Lúc tôi đang định cảm ơn nó thì câu nói tiếp theo của thằng Nam vả mặt tôi lệch hẳn ba trăm sáu mươi độ: "Nhưng chắc là mày đang ốm nên không ăn được đâu.

Thôi thì để người bạn tri kỷ của mày là tao đây ăn giúp cho!"
Tôi: "..." Mẹ kiếp! Ai cần mày ăn giúp!
_____________________________
Hoàn chương 24
25/04/2022.


Bình Luận (0)
Comment