Cuốn Theo Dòng Xoáy

Chương 4

Bác sĩ Aston nuốt mãi không trôi miếng bánh cuối cùng đã khô đẹt lại trong lò. Đã 2h15, ông đẩy ghế và đứng dậy, liếc nhìn đồng hồ: bao giờ ông cũng thấy mình chậm hơn thời gian.

− Tôi đi đây Everlin, ông bảo vợ.

− Vâng, ông đi, ông cố về sớm nhé .

Câu trả lời đã từ hơn 20 năm nay, và ông cũng không chờ đợi một câu khác.

− Tôi sẽ cố hết sức, ông vừa đáp vừa lấy mũ, găng tay và hộp đồ nghề.

Ông sắp mở cửa thì một chiếc xe hơi dừng trước thềm nhà. Người thầy thuốc không thể kìm một tiếng rủa thầm trong miệng, nếu là một người bệnh bất ngờ thì ông lại còn bị chậm thêm.

Một người trẻ tuổi bước xuống vất vả từ một chiếc Roll Royce màu xám đồ sộ. Anh chống can và được người lái xe dìu xuống. Bác sĩ Aston nhận ra ngay người khách và lanh lẹ bước xuống tam cấp để ra đón:

− Chào ngài John .

Khách chìa tay bắt:

− Chào Bác sĩ, ông có thể dành cho tôi một lát không?

− Có chứ, Bác sĩ đáp không lưỡng lự, không nghĩ gì tới buổi hẹn gặp của mình nữa.

Ông nghĩ dù sao cũng không có quyền bỏ đi trước một nhân vật quan trọng dường ấy :

− Mời ngài vào, ngài John, ông vừa nói vừa giơ tay mời.

Khách hình như bước đi khá dễ dàng và không có gì quá vất vả.

− Bây giờ sức khỏe ngài thế nào rồi? Chủ nhà hỏi khi hai người vào đến trong nhà.

− Chân tôi thực tế đã chữa khỏi, tôi cảm ơn ông. Nó đôi khi khó co duỗi khi tôi ngồi bất động, nhưng hễ nhúc nhắc thì lại bình thường.

− Dẫu sao trong khoảng nửa tháng nữa, ngài không nên đi lại quá nhiều, người thầy thuốc căn dặn .

Ông mở cửa phòng làm việc và John bước vào trước.

− Tôi có cảm giác ông chuẩn bị ra đi. May sao tôi còn được gặp, anh nói.

− Những buổi đi thăm bệnh thường ngày thôi mà. Bác sĩ Astom mỉm cười đáp. Không có gì cấp bách cả, không một người bệnh nào ở trong tình trạng nguy ngập. Họ có thể chờ một lúc và tôi cảm thấy rất vinh dự được ngài đến thăm thưa ngài John.

Anh đi thẳng vào việc:

− Thưa Bác sĩ tôi đến hỏi ý kiến ông về gia đình Sippho.

− Gia đình Sippho à? Vâng, Bác sĩ Aston thở dài, một câu chuyện rất đáng buồn.

− Ông quen Sippho ư? John hỏi.

− Vâng quen rất quen, ông ấy lớn tuổi hơn tôi và tuy không học cùng thời với nhau nhưng chúng tôi đã cùng nhau kết bạn. Cả hai chúng tôi vẫn luôn luôn sống và hành nghề ở vùng này và vẫn thường giúp đỡ lẫn nhau. Cái chết đột ngột của ông ấy là một tin đau đớn đối với tôi cũng như nhiều người khác. Ông ấy rất được yêu mến.

− Ông ấy có lẽ bị đau tim đã một thời gian, tôi nghĩ như vậy có đúng không ?

− Ông ấy đau đã nhiều năm nay. Ông biết bệnh trạng mình và nguy cơ có thể xảy ra. Ông cũng đã đi hỏi ý kiến của ông Gilbert, nhà chuyên khoa lớn, cách đây ba tháng, Gilbert không dấu sự thật với ông, nhưng ông vẫn làm như nhiều người bệnh: ông không muốn giảm bớt hoạt động, ngài đã biết kết quả rồi đấy.

− Vâng tôi ở nhà ông ấy lúc ông ấy mất.

− Tôi biết Anna nói với tôi, cô ấy rất cảm động về sự cẩn trọng của ngài trong những ngày đau khổ ấy.

− Tôi rất hiểu là mấy chị em cô ấy không muốn có ai khác trong nhà. Hình như hai cô gái lớn thực sự tôn kính ông bố.

− Cả cô gái bé nhất nữa. Angtonet cũng rất đau khổ. Nó quý mến ông bố lắm và hình như nó được chìu chuộng nhất nhà.

− Đây chính là lí do khiến tôi tìm đến gặp ông, thưa Bác sĩ. Tôi chờ cho tang lễ xong xuôi, nhưng tôi muốn biết tôi có thể làm gì để giúp những đứa trẻ ấy.

− Vậy như thế này, hôm qua tôi cho cô thư kí tới thu xếp giúp tình trạng rối ren sau khi Sippho mất, có thể tin cậy cô ta. Cô đã cho tôi biết tình hình sổ sách hết sức tồi tệ. Ông Sippho hầu như không bao giờ thanh toán nợ nần, tình hình tài chính của lũ con thật sự bi thảm. Chẳng có gì để ăn nữa. Thậm chí cũng không đủ tiền để trả cho các cửa hàng. Ngôi nhà đã bị tịch biên và rồi phải trả tiền thuê. Giải quyết ra sao đây? Tôi không rõ .

John lấy thuốc lá và hỏi, giọng tự nhiên:

− Khói thuốc có làm ông khó chịu không?

Bác sĩ Aston hơi lúng túng trước thái độ điềm tĩnh của người đối thoại, vội vàng xin lỗi:

− Tôi quên mời thuốc ngài, thật có lỗi quá ngài John, bản thân tôi cũng nghiện nặng, nhưng tôi hút pip. Ngài chờ cho để tôi lấy diêm, hộp diêm ở đâu mất rồi.

− Xin ông khỏi phiền, tôi có bật lửa đây.

Vừa quan sát khách, Bác sĩ Aston vừa nhẩm tính, John có thể giúp đỡ chị em nhà Sippho ra sao. Ông thường nghe nói về anh, một người nổi tiếng về trí thông minh, về tham vọng và thắng lợi trên trường chính trị. Do tài sản và địa vị xã hội, anh là một người có quyền thế. Nhưng người ta chưa nghe nói anh là người nhân hậu sẵn sàng cứu giúp những đứa trẻ mồ côi của một ông thầy thuốc ở nông thôn, nhưng dù có cứu giúp chút ít chăng nữa cũng còn hơn không có gì.

Aston không sao quên được vẻ mặt Anna hôm mai táng, nhợt nhạt, quầng mắt thâm tím, nhưng rõ nét hơn cả là vẻ hoảng hốt của cô gái. Trong khi hành lễ, ông thấy nàng đặt bàn tay che chở lên vai Angtoanet ôm sát nó vào lòng, nàng cũng làm như vậy đối với Angtony, rõ ràng là nàng thương yêu chúng như một tình thương mẫu tử và vì tương lai của chúng mà nàng tỏ ra lo sợ đến thế .

Bác sĩ Aston chưa biết rõ tình hình tài chính của chị em Anna nhưng rất lo ngại và giận Actua Sippho, bắt con cái phải trả giá cho hành vi của bố. Một ông bố không bao giờ quan tâm đến chuyện tiền bạc cho con cái mà chỉ lo chạy chữa cho những người nghèo khổ như thể làm công việc của một sứ đồ, đó là điều bất công.

Ngồi trước mặt John, người thầy thuốc bỗng hi vọng sẽ có một sự trợ giúp bất ngờ, ông đã bắt đầu hiểu ông đã đánh giá John không đúng. Khi nghe tin anh ra về vội vã, ông cứ tưởng chị em nhà Sippho không còn bao giờ nghe nhắc đến tên anh nữa. Thế mà con người có địa vị quan trọng ấy đang ngồi đây, bằng xương bằng thịt trong phòng ông. Anh có vẻ quan tâm đến tình hình của mấy chị em nên mới tới hỏi ông nên giúp đỡ họ như thế nào .

Aston không do dự nói hết sự thật, ông nói hết trong lòng chứa chan hi vọng:

− Thà cứ nói hết với ngài, tôi mong Anna không giận tôi vì đã nói lại những điều cháu đã tâm sự với tôi. Ông bạn già của tôi đã để lại những món nợ lớn. Thậm chí không có tiền để lo tang lễ. Tôi sẽ làm hết sức mình để những bệnh nhân cũ của ông trang trải tiền chữa bệnh ngày trước, nhưng dù có bốn bệnh nhân có một người trung thực chịu tìm lại các đơn thuốc cũ đi nữa thì cũng chẳng được bao nhiêu. Mấy đứa trẻ hiện không có đủ ăn quá một tuần lễ, tôi đã nói chuyện với vợ tôi, chúng tôi có ý định đưa Anna về đây cho nó tĩnh tâm lại và kiếm việc làm. Tiếc rằng nhà chúng tôi không đủ chỗ để đón hết cả mấy chị em .

Có một người có thể giúp đỡ chúng, một bà già chị em chú bác ruột với Actua Sippho, hôm tang lễ bà ta có nói chuyện với tôi và hình như sẵn sàng nuôi dưỡng hai đứa bé sinh đôi, nhưng bà ta không có vẻ yêu mến Anna và Mira cho lắm. Tôi có cảm giác bà ta không thích đám thanh niên cho lắm.

John cắt ngang lời Aston:

− Nhưng họ sẽ rất khổ sở nếu phải chia li.

− Chắc chắn là như thế, nhưng đành phải xử sự sao cho hợp lí, Anna và Mira đã đến tuổi phải làm việc để sống. Tiếc rằng họ chưa được đào tạo gì về chuyên môn cả, và họ không thể kiếm được tiền để giữ lại và nuôi dưỡng hai đứa bé. Tôi chưa có dịp trao đổi với Anna về việc đó, nhưng chưa biết cô ấy có thể làm nghề gì để có thể ở lại nhà. Anna có khả năng quản lí tuyệt vời công việc trong một gia đình và tôi nghĩ là tôi có thể đưa nó vào làm việc trong một bệnh viện, con bé còn trẻ quá chưa thể quản lí ở các tư gia, dẫu sao nó cũng không thể giữ lại hai đứa em sinh đôi và mọi việc sẽ đơn giản đi nhiều nếu có người giúp nuôi dưỡng chúng.

− Bây giờ thì tôi đã biết điều tôi muốn biết, thưa Bác sĩ tôi rất biết ơn ông đã cho tôi biết tất cả những điều đó giúp tôi khỏi phải hỏi Anna Sippho những điều khó nói, bây giờ tôi chỉ còn phải đến gặp cô ấy ở Liton Copon.

− Tôi hi vọng ngài có thể giúp đỡ họ. Bác sĩ Aston nhấn mạnh .

Nhưng John không hề muốn thổ lộ với ông ý định của mình và làm ra vẻ không nhận thấy thái độ nhấn mạnh ấy của ông, anh thân ái bắt tay ông :

− Một lần nữa xin cảm ơn Bác sĩ.

Từ nhà Bác sĩ Aston đến Liton Copon chỉ mất 20 phút xe hơi, và trên suốt chặng đường, John trầm ngâm suy nghĩ. Anh chỉ lên tiếng khi phải chỉ cho người lái xe mới của mình đường đi trong làng.

Tìm thấy nhà không có khó khăn gì và chẳng bao lâu xe dừng bánh trước cánh cửa sắt màu xanh đã tróc sơn, người lái xe bấm chuông nhưng chẳng có ai ra mở cửa, John đứng chờ một lát.

− Có phải bấm chuông nữa không? Người lái xe hỏi.

− Không , không cần, để tôi vào, có thể không có ai ở nhà .

Anh mở cửa và bước vào tiền sảnh nhỏ bé, lạnh lẽo và hoang vắng.

Phòng khách mở cửa và ở cuối vườn, dưới bóng một cây bách hương lớn, có một bóng phụ nữ ngồi trên ghế dài. Đây là chỗ ngồi ưa thích của Anna. Nàng thường tới ngồi trên ghế đọc sách hay thêu thùa sau khi làm xong công việc nội trợ, có thể nói đây là nơi ẩn náu của nàng, nơi duy nhất nàng có thể ngồi riêng một mình mà vẫn có thể để người khác tìm gặp khi cần.

Không do dự, John bước qua thảm cỏ, Anna ngồi quay lưng lại nên anh đã bước lại rất gần mà nàng vẫn không hay. Anh rất ngạc nhiên thấy nàng ngồi không làm gì.

Nàng nhìn ra xa, về phía vườn cây ăn quả hoang vắng trước mặt.

Cuối cùng khi cảm nhận sự có mặt của anh, Anna đoán ra hơn là nghe thấy, quay đầu lại, nàng cất lên một tiếng:

− Ồ, ông John, ông làm tôi giật mình.

− Tôi rất tiếc, anh đáp giọng nghiêm trang, tôi bấm chuông ở ngoài cửa, nhưng không thấy ai trả lời, tôi nghĩ có thể cô ở đây và tôi vào nhà.

− Tôi có nghe tiếng chuông, nhưng không vội ra và sau đó, quên bẵng,.. từ nay những người cần đến thầy thuốc không còn bao giờ bấm chuông ở đây nữa , Anna nói giọng buồn bã.

Nàng cúi đầu để dấu những giọt lệ rưng rưng nơi khóe mắt.

− Tôi ngồi được chứ?

− Tất nhiên, xin ông thứ lỗi, tôi thật quá bất lịch sự.

Nàng chỉ chỗ trống cạnh mình trên chiếc ghế cũ bằng gỗ tạp đã bị mọt và anh khó nhọc ngồi xuống duỗi dài bên chân bị thương.

− Chân ông thế nào rồi?

− Tốt hơn, anh nói nhanh như thể tình hình đó không có gì đáng chú ý hơn.

− Ông John, ông đến thăm chúng tôi, thật là quý hóa! Tôi cũng cảm ơn ông trước đây đã vui lòng ra đi. Tôi hoàn toàn biết rõ vì sao ông hành động như vậy, mặc dù không nhớ những gì xảy ra ngày hôm đó, mà chỉ nhớ lúc tôi đưa ba tôi về nhà. Tôi xúc động thấy ông đã hiểu, ông John ạ. Cũng cảm ơn ông về vòng hoa, vòng hoa tuyệt vời.

− Ba cô đã xử sự rất tốt với tôi và tôi sẽ luôn luôn nhớ tới ông một cách thân thiết.

− Tôi sung sướng được nghe những lời nó đó, ba tôi cũng rất mến ông, ông cụ thấy ông rất thông minh. Ngay buổi sáng hôm mất, ba tôi còn nói với tôi tương lai chính trị của ông sẽ rất huy hoàng.

− Cô nhắc lại những điều đó làm tôi xúc động. Bây giờ tôi đã có thể nói với cô vì sao tôi tới thăm nhà ta không?

− Được chứ ạ. Anna đáp có phần ngạc nhiên.

− Tôi đến đây, John mở đầu với một giọng chậm rãi, vì ba cô ắt hẳn mong muốn tôi góp phần giúp đỡ chị em cô trong những lúc khó khăn này. Trong những buổi ông cụ nói chuyện với tôi, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm giống nhau và tôi sẽ rất hãnh diện nếu được xem là một trong những người bạn của ông cụ. Vì vậy hôm nay, tôi đến thăm cô là với tư cách người bạn của ba cô.

Tôi biết là cô đang đứng trước một tình thế rất khó khăn. Tuy nhiên nếu cô có thể tin cậy vào tình bạn của tôi thì tôi nghĩ là chúng ta có thể cùng nhau khắc phục nó.

Anna mỉm cười, một nụ cười nhỏ nhoi run rẩy, nhưng trong chốc lát làm rạng rỡ khuôn mặt xinh đẹp của nàng:

− Tôi cảm ơn ông, ông John, nhưng xin nói rất thành thực là ông không làm được gì nhiều đâu, ông biết đấy. Cô thư kí của Bác sĩ Aston đã xem xét công việc của gia đình chúng tôi và điều đầu tiên cô cho biết là chỉ nay mai chị em tôi phải rời bỏ ngôi nhà này. Đó là điều tôi chưa bao giờ hình dung tới. Tôi biết rõ là tôi sẽ phải đi kiếm việc, cả Mira cũng vậy, nhưng không bao giờ nghĩ là gia đình phải li tán, hai đứa bé sinh đôi sẽ phải đến ở nhà một người chị em họ của ba tôi mà chúng tôi gọi là bác Ella. Mira sẽ ở nhà một cô bạn cùng lớp cho tới khi kiếm được mảnh bằng thư kí. Sau đấy chúng tôi sẽ tìm cách để hai chị em cùng chung sống với nhau ở một nơi nào đó. Có thể chúng tôi sẽ gắng tìm một căn phòng ở Manchester, tôi không biết.

− Nhưng cô, anh sôi nổi nói, cô có ý định làm gì?

− Tôi sẽ kiếm việc làm, bất cứ việc gì.

Cô gái nói một cách điềm tĩnh, mắt nàng không còn rưng rưng lệ và nàng nói không chút do dự, nhưng John đoán được nỗi kinh hoàng của nàng qua cách nàng nói về cảnh gia đình li tán, anh hết sức xúc động.

− Cô nghĩ là cô có thể dễ dàng tìm việc ư?

− Chắc hẳn phải có một chỗ làm cho tôi cũng như cho những người khác, nàng đáp và phát một cử chỉ như muốn nói rồi ra sao thì ra.- dù có là việc hầu hạ đi nữa. Tôi làm bếp giỏi và người ta thường tìm kiếm loại người này.

− Nhưng cô không thể làm tôi tớ được! John phẫn nộ đáp.

− Sao lại không? Ông đã thấy là tôi có thể lau sàn nhà rồi chứ? Và trong những ngày ở đây ông vẫn luôn luôn ngợi khen những món ăn mà ông biết người nấu nướng là tôi. Thế thì sao?

Sau một phút im lặng John quyết định:

− Tôi muốn đề nghị với cô một điều, nhưng không biết cô có muốn nghe không?

− Có chứ ông John, Anna đáp và bộc phát nói thêm, ồ ông John, tôi thật xấu hổ và xin ông thứ lỗi cho.

− Về cái gì cơ?

− Về tất cả những gì tôi đã nó với ông hôm trước ngày ba tôi mất. Tôi thật tồi tệ, giờ đây tôi thấy rất rõ điều đó, và thấy ông tốt bụng đến thế, yêu quý chúng tôi đến thế, tôi càng ân hận. Tôi ân hận về thái độ không mến khách và thiếu kiên nhẫn của mình, tôi ngỡ mình hành động vì hạnh phúc của người khác, nhưng tôi đâu có quyền can thiệp... Sau khi ông ra về và lúc nhận được vòng hoa tuyệt vời của ông, tôi hiểu tôi đã là một đứa khó chịu và đã xử sự không đúng đối với ông... Bây giờ tôi mong ông thứ lỗi cho.

− Nhưng chẳng có gì để thứ lỗi hết, tôi đã nói với cô là tôi cảm thấy hạnh phúc được sống những ngày nghỉ ngơi đặc biệt ở gia đình ta và tôi cảm ơn vụ tai nạn xe hơi, nay tôi vẫn tiếp tục cảm ơn vì nhờ nó mà tôi được quen biết cô. Thôi chúng ta đứng nói về chuyện đó nữa, nhưng nếu vì ân hận mà cô sẵn sàng vui vẻ nghe tôi nói thì tôi sẽ rất sung sướng.

− Tôi xin nghe.

− Sau khi rời khỏi nhà ta, tôi đã suy nghĩ nhiều. Tôi nghĩ nhiều tới cô, cô Sippho ạ, tôi đã từng chú ý tới cách cô chăm sóc Mira và hai em bé, tới tấm lòng yêu thương trìu mến của cô khi thay thế người mẹ đã khuất trong vai trò chủ gia đình.

− Đúng thế, ồ ông John, giá ông biết giờ đây tôi lo sợ cho chúng biết chừng nào. Ông không biết bác Ella... Trên khuôn mặt nhỏ bé tội nghiệp hiện lên một nét tuyệt vọng tới mức John thấy cần khêu gợi những lời tâm sự của cô gái.

− Cô nói cho tôi nghe về bà ấy đi .

Đúng như anh dự đoán. Anna không thể im lặng lâu hơn, nàng kêu lên vẻ gay gắt:

− Nói về bà ấy mà làm gì? Cái ý nghĩ phải phó thác hai đứa bé cho bà ám ảnh tôi mãi. Bà là một người tàn nhẫn và nghiêm khắc. Tôi biết rõ là bà ấy cho rằng tôi nuông chiều chúng quá đáng và nghĩ không hay về ba tôi: Theo bà, ba tôi chỉ là một người đàn ông nhu nhược, một bộ óc lộn xộn, không có tham vọng, không thể thành công trong công việc. Bà không hề hiểu như ông rằng ba tôi là một ông thánh. Đã không hiểu nổi ba tôi thì bà càng không sao hiểu nổi hai đứa bé. Bà không thể hiểu tất cả những cái tốt đẹp, những tình cảm của chúng. Rồi chúng sẽ ra sao? Bác Ella muốn tiêu diệt cá tính của chúng. Tôi biết chắc điều đó. Ồ tôi sợ lắm, ông John ạ. Tôi rất sợ cho chúng, cho tương lai của chúng. Nàng lấy hai tay che mặt và nức nở.

John để cho nàng khóc một lúc, khi thấy tiếng nức nở bớt dần anh gọi nàng, lần đầu tiên bằng tên riêng mà không chú ý tới:

− Anna bé bỏng hãy nghe tôi: tôi đã tìm ta giải pháp cho tất cả các vấn đề của cô, nhưng không biết giãi bày với cô như thế nào đây ?

− Có thể có giải pháp gì được? nàng thốt lên và ngẩng khuôn mặt đầm đìa nước mắt.

Nàng tìm khăn tay, John rút từ túi áo ra một chiếc và khẽ đặt lên đầu gối nàng.

− Cảm ơn ông, ông thứ lỗi cho, chưa bao giờ tôi xử sự như thế này.

− Không sao, không sao. Thế là bình thường sau cú sốc khủng khiếp cô vừa phải chịu đựng. Giá ba cô còn sống thì ông cụ sẽ nói đó là một phản xạ tự nhiên thôi .

Một lần nữa Anna gượng mỉm cười:

− Ba tôi luôn luôn bảo tôi cứ nghe theo trái tim mình, đúng là như thế, tôi vẫn như còn nghe ba tôi nói…

Lau khô nước mắt bằng chiếc khăn tay rộng khổ của John, nàng đưa trả và cảm ơn.

− Thế bây giờ, tôi có thể giãi bày hết với cô mà không bị ngắt lời không?

− Tôi xin hứa sẽ ngoan ngoãn ngồi nghe.

Nhưng John vẫn do dự, rõ ràng anh không biết nên trình bày ý nghĩ của mình như thế nào, cuối cùng anh chọn lối nói vòng vo:

− Anna, tôi có thể dễ đoán cô sẽ mong ước điều gì nếu lúc này xuất hiện một nàng tiên. Cô ước được cùng sống dưới một mái nhà với Mira, Angtony và Angtonet , có phải thế không nào?

− Tất nhiên.

− Thế này, tôi có thể biến ước mong ấy thành hiện thực, anh vừa tuyên bố vừa cố làm ra vẻ thản nhiên.

− Thế là thế nào? Không thể được. Anna kêu lên, ánh mắt hết sức ngờ vực - Nếu ông có ý định cho chúng tôi tiền thì tôi xin nói ngay là tôi không nhận đâu.

− Tôi đâu có ý định đó, nhưng vì cô đã đề cập tới thì cô hãy nói cho tôi biết vì sao cô từ chối?

− Vì tự trọng, ông John, như thế là rất tốt , rất rộng lượng, rất đáng quý về phía ông, nhưng không thể chấp nhận đối với chúng tôi, chúng tôi không thể nhận tiền bạc của một người xa lạ mà lại không có một điều kiện ngược lại nào.

Trái lại, Anna nói tiếp, một tia hi vọng trong ánh mắt, ông John, nếu ông biết có một việc làm cho phép tôi kiếm được tiền, thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Cũng có thể ông tìm cho Mira một chân thư kí sau khi em nó thi xong nữa chăng? Tôi sẵn sàng nhận những điều kiện như vậy nếu được, và tôi biết ơn ông vô hạn.

− Tôi cũng không có ý định đề nghị điều đó với cô, anh nói một cách rụt rè.

− Thế à?

− Tôi không nghĩ tới điều đó cũng như không nghĩ tới việc biếu cô tiền bạc, vì tôi biết chắc cô sẽ không nhận.

− Vậy ông đề xuất với tôi việc gì?

− Thế này cô Anna, tôi trình bày hơi dài, nhưng tôi muốn cô hiểu rõ quan điểm của tôi và muốn mọi việc thật minh bạch. Lập trường của cô thật đơn giản, cô muốn giữ tất cả các em lại với cô nhưng cô lại chỉ nhận một sự giúp đỡ hoàn toàn trong danh dự. Tôi nói thế có gì sai lầm không?

− Ông không sai lầm gì cả.

− Tốt lắm, vậy tôi đề xuất thế này. Tôi sống một cuộc sống cần mẫn, lao tâm khổ tứ . Đến năm 30 tuổi và nhờ tài sản của bố tôi, vai trò chính trị và tài chính của tôi trong nước không ai còn có thể phủ nhận. Tôi phải quản lí những vùng đất mênh mông, tôi là chủ nhân toà lâu đài Guyliver và một ngôi biệt thự đặc biệt ở London. Mặc dù tất cả cái đó, hay nói đúng hơn vì tất cả cái đó, tôi là một kẻ cô đơn. Tôi không có cái may mắn được chiều chuộng như hai đứa bé sinh đôi, không ai chăm sóc tôi cả. Tôi chưa bao giờ hình dung mình cô đơn đến mức nào trên đời, trước khi tới nhà cô, cô Anna ạ. Tôi chưa biết thế nào là cuộc sống của một gia đình gắn bó yêu thương. Nhìn thấy sức mạnh của tình thương trước cuộc đời, tôi bỗng hiểu mình thiếu cái gì. Vì vậy hôm nay tôi đến đề nghị với cô một cách giải quyết mà tôi sẽ là người được hưởng thụ lợi ích của nó cũng như cô, nếu không muốn nói là còn hơn cả cô nữa.

Anna nhìn John, ánh mắt ngơ ngác:

− Nếu ông có thấy tôi ngốc nghếch tôi cũng đành chịu, nhưng tôi không hiểu ông muốn bảo tôi làm gì? Phải chăng là công việc quản lí, hoặc ở lâu đài Guyliver, hoặc ở ngôi nhà ông ở London?

John làm như thể bĩu môi:

− Lạy chúa, nếu cô hình dung tình hình dưới góc độ ấy thì quả thật cùng với những việc khác, cô sẽ có thể là người quản lí gia đình, cô Anna ạ. Nhưng trách nhiệm chính của cô là… cô sẽ là... vị phu nhân ở lâu đài Guyliver và bà chủ ngôi nhà ở London... cô hiểu rõ tôi chứ.

Anna hồi hộp nín thở. Im lặng một giây, John nói tiếp giọng có phần trịnh trọng:

− Tôi muốn kết hôn với cô, cô Anna .

Im lặng kéo dài, lúc đầu Anna ngỡ anh nói đùa, nhưng nét mặt anh hoàn toàn nghiêm túc.

− Ông muốn kết hôn với tôi? Nhưng vì sao? Nàng hỏi giọng ngờ vực.

Câu hỏi khiến John bối rối cũng chẳng khác nào Anna, khi nàng nêu lên với một giọng kinh ngạc nhưng không hề xúc động. Anh tránh ánh mắt cô gái và quay ra ngắm nhìn khu vườn.

− Quả thực cô thấy yêu cầu của tôi kì lạ hay sao? Cuối cùng anh thầm thì.

− Sao ông có thể kết hôn với tôi được? Chúng ta chỉ vừa mới biết nhau... một thời gian rất ngắn, và tôi, tôi không... nàng nói tiếp.

Nàng đột ngột ngừng lời, nhưng John với một giọng điềm nhiên, yêu cầu cô cứ nói:

− Cô nói đi, tôi đoán được cô định nói gì.

− Thế thì được, ...Tôi không yêu cầu ông: tôi định nói thế đấy...Điều ấy rất rõ ràng…dầu sao chắc hẳn ông cũng đã hiểu như vậy hôm cuối cùng ông còn ở đây. Nay…tôi thấy ông tốt quá …và tôi hoàn toàn không suy nghĩ như thế nữa, tất nhiên là như vậy…nhưng tuyệt nhiên tôi không hiểu vì sao ông lại muốn lấy tôi làm vợ.

Không hề nao núng, anh đáp:

− Tôi có lí do của mình và tôi đã giãi bày với cô một phần.

− Ông cảm thấy cô đơn chăng? Nhưng mẹ ông vẫn còn sống cơ mà.

− Cô không biết mẹ tôi đâu, anh chua chát nói.

Anna im lặng một lát rồi nói:

− Dẫu sao, vâng, tôi hình dung là ông cảm thấy thật cô đơn trong khu lâu đài mênh mông ấy với vô số tiền bạc. Điều khiến tôi thấy khổ tâm cho ông, tất nhiên là như thế , nhưng đồng thời…

Nàng lại im lặng, vẻ trầm ngâm, nàng nhìn các đầu ngón tay và cuối cùng lên tiếng, trong giọng nói như có đượm một chút hi vọng:

− Tôi nghĩ là Mira thì sẽ không trả lời ông giống như tôi vừa trả lời ông đâu, thậm chí tôi còn nghĩ là nó yêu ông hoặc chỉ muốn được yêu ông, thì cũng thế thôi.

− Mira còn trẻ quá, anh đáp giọng trang nghiêm.

− Đúng thế, em nó chẳng biết gì về công việc nội trợ cả.

Một nụ cười chua chát thoáng trên môi John, nhưng anh trả lời bằng một giọng rành rọt:

− Tôi lấy làm tiếc, yêu cầu của tôi không liên quan tới Mira cũng như tới Angtoanet . Và sẽ không bao giờ liên quan tới họ. Anna tôi chỉ đặt yêu cầu ấy với một mình cô thôi, cô thấy rõ như thế chứ?

− Tất cả cái đó hơi kì quặc đấy. Anna nói.

− Tuyệt nhiên không, tôi thấy mong muốn đó của mình rất chính đáng, còn về phần cô, tôi nghĩ lúc này không có gì thoả đáng hơn; cô nghĩ thế nào? Cả bốn chị em cô sẽ ở cùng nhau: ngôi nhà này sẽ vẫn là ngôi nhà của gia đình cô chừng nào Mira và hai em nhỏ chưa có gia đình riêng. Anna tôi xin hứa dứt khoát với cô như vậy. Mira có thể có tất cả những gì cô ấy mơ ước, kể cả cuộc sống hào hoa mà cô ta hình dung là tuyệt mỹ nữa. Đến tuổi 14 Antony có thể đi học ở Elton.

− Ở Elton ư? nàng hỏi lại với một vẻ chăm chú khác thường.

− Hoặc ở bất cứ một trường học nào mà cô thích.

− Ô, cô gái thốt lên giọng hân hoan.

Biết mình đã khêu gợi đúng chỗ, anh nói tiếp giọng điềm nhiên:

− Angtoanet cũng có thể học tập trong một trường tư thục tử tế hoặc một trường trung học. Anna cô có thể mang lại tất cả cái đó cho các em cô, ngược lại tôi chỉ xin cô một điều là mang dòng họ tôi và, nếu sau này cô còn có thì giờ thì làm cho cuộc đời tôi ấm áp thêm chút ít.

− Thật quá kì diệu nên không thể tin là sự thật được, đúng...quá kì diệu…vì ông chỉ quên có một điều.

− Điều gì vậy?

− Điều đó là…tôi không yêu ông, nàng đáp đầu cúi xuống, vẻ đau đớn.

− Tôi biết, anh nói, thái độ vẫn điềm tĩnh, và vừa rồi tôi cũng không yêu cầu ở cô tình yêu. Thậm chí tôi sẽ hứa với cô một điều, Anna nếu cô nhận lời kết hôn. Tôi sẽ không bao giờ phiền nhiễu cô. Có thể cuối cùng cô yêu tôi chút ít chăng, tôi cũng không rõ nữa. Nhưng chừng nào tình yêu đó chưa tới thì chúng ta chỉ là những người bạn , những người bạn tốt , tôi mong như vậy...chứ không gì khác.

Anna nhìn thẳng vào mắt anh:

− Những điều ông nói ra, ông thành thực nghĩ như vậy?

Anh chịu đựng ánh mắt của nàng không nao núng :

− Tôi chưa bao giờ hứa hẹn mà không suy nghĩ.

Anh nhìn chỗ khác còn Anna thì cúi đầu xuống và hạ thấp giọng:

− Tôi biết, nhưng tôi e như thế thì thiếu tín nghĩa đối với ông. Dĩ nhiên tôi sẽ làm hết sức mình để đền đáp. Tôi sẽ ra sức giúp đỡ ông trong mọi việc ông yêu cầu. Nhưng dẫu sao, tất cả các mối lợi đều về một phía, tôi cảm thấy như thế. Ông sẽ cho tôi không biết bao nhiêu thứ…tôi phân vân lắm.

− Anna, tôi sẽ rất sung sướng nếu được cô nhận lời, anh nói nhẹ nhàng.

Cô gái vẫn nhìn ra chỗ khác, hai mắt mở to một cách khác thường. Da mặt nàng tái xanh. Bỗng nàng đưa cả hai tay lên cổ như thể bị ngạt thở, môi nàng hé mở, nàng có vẻ hết sức thơ dại yếu đuối .

John trầm ngâm ngắm nhìn cô gái, nét mặt anh không biểu lộ gì hết, nhưng Anna bỗng lên tiếng:

− Tôi có phải trả lời ông ngay bây giờ không?

− Tất nhiên là không; cô để bao nhiêu thì giờ suy nghĩ là tuỳ cô…nhưng tôi thấy cô chẳng nên lần lữa làm gì…

Rõ ràng trong lòng cô gái đang diễn ra một sự giằng xé quyết liệt, không một cử chỉ nóng vội, John lặng im chờ đợi, hoàn toàn tự chủ, hơi thở dồn lại trong lồng ngực .

Cuối cùng Anna nhượng bộ, phác một cử chỉ bất lực, nàng bẽn lẽn nhìn John:

− Nếu quả anh muốn cưới em, nàng nói giọng nhỏ nhẹ run rẩy, ngây thơ đến đáng thương - Vâng! Vậy thì, vâng, em xin làm vợ anh.

*

Anna đóng va li lại và ngước nhìn lần cuối cùng quần áo treo trong tủ.

− Em chỉ nên mang theo những thứ tối cần thiết thôi. John đã căn dặn nàng như vậy, em cần có quần áo mới, đến London, Mira và em muốn mua gì cũng có.

" Quần áo mới, vô số quần áo mới" nàng mơ màng nghĩ bụng, nhưng cũng rất ngạc nhiên thấy không còn mừng vui nữa. Khi nhớ lại ngài John nói với mình…nàng chữa lại, John nói với mình: mình phải gọi anh ấy là John cho quen đi, khi mà hai người sắp cùng nhau làm lễ kết hôn" và nàng cũng thấy khó có thể chấp nhận được rằng ngày mai đã cử hành hôn lễ và nàng sẽ làm vợ người đàn ông mà mình chỉ mới biết chưa được bao lâu.

Nàng ngồi trên tràng kỉ trước ô cửa sổ mở ra vườn, nghĩ ngợi về tương lại " Có một điều chắc chắn là mình sắp lấy chồng" .

Nhưng nàng không thấy rõ được bản thân mình. Một cái gì xa lạ, như là một giấc mơ. Phải chăng cuối cùng nàng tỉnh giấc và nghe cha nàng âu yếm hỏi: " Anna, con ở đâu đấy?" như thể mỗi ngày ông vẫn hỏi khi về nhà để dùng bữa trưa, sau cả nhà. Ông xuống gặp con trong bếp, nơi nàng đang làm công việc nội trợ.

" Và ba đang ở nhà" nàng thầm thì, cố nén nước mắt. Dĩ vãng còn để lại những gì? Từ nay tổ ấm của họ không còn nữa, đành phải từ giã ngôi nhà thân yêu .

Dẫu sao nhờ có John, buổi ra đi sẽ bớt phần đau đớn, sẽ không còn là buổi chia li khủng khiếp như từng dự kiến trước đây, và trong lòng nàng trỗi dậy một niềm biết ơn đối với người chồng tương lai: " Mình không được quên là anh đã tránh cho chị em mình nỗi khủng khiếp ấy" nàng nghĩ bụng .

Kết hôn với John, nàng bước vào một cuộc đời xa lạ, nhưng nàng không phải đương đầu với nó một mình, hai đứa bé sinh đôi và Mira không phải đau khổ vì phải xa nàng. Mấy chị em chỉ xa nhau trong mấy ngày sau lễ cưới, khi John đưa nàng về lâu đài Guyliver để giới thiệu với mẹ anh. Ngay sau hôn lễ, hai đứa bé và Mira sẽ ở hẳn London, trong nhà anh rể. Anna ân hận không được cùng chúng chia sẻ niềm vui lần đầu tiên đến London .

Nàng nhẩm tính niềm hoan hỉ, say sưa của chúng khi đến thành phố lớn này, khi thấy ngôi nhà đồ sộ của John, phố xá, xe cộ, tất cả những cái khác biệt biết bao với xóm làng của họ. Nàng mừng thay cho các em, nhưng nàng thấy John xử sự đúng và thấy cần đi gặp mẹ anh, vả lại nàng biết là từ nay nàng sẽ làm những điều John quyết định: hai người đã thoả thuận với nhau như vậy. Anna bỗng sực nhớ những lời nàng vừa trò chuyện với Mira.

− Thế là anh chị không làm cuộc du lịch trăng mật? Mira hỏi.

− Không thể đi được, chị không muốn để các em một mình quá lâu ở London, biết thế nào được các em sẽ làm những điều dại dột gì?

− Ồ, nếu là em lấy John,...Mira mở đầu .

Anna ra lệnh cho cô em im lặng :

− Không phải là em! Vậy em đừng mất thì giờ tưởng tượng làm thế này, làm thế khác Mira!

Nhưng nàng thấy thật khổ sở phải dấu em nỗi chán chường trong lòng đối với việc mình lấy chồng. Lấy chồng, tức là từ bỏ tự do, là phó mặc cho sự lo toan và ý muốn của một kẻ xa lạ đới với mọi việc hệ trọng. Vì đối với nàng, John chỉ là một người xa lạ, một người không quen biết .

Nàng tựa má vào cánh cửa sổ, nàng muốn tìm cách nghĩ tới John, như một vị hôn thê thường nghĩ tới người đàn ông mình sắp lấy làm chồng. Nàng biết gì về anh? Anh cao lớn và đẹp trai, đó là điều khá thú vị, nhưng cung cách của anh khiến nàng liên tưởng tới một người cứng rắn và nghiêm khắc, tuy vậy anh là một con người lỗi lạc và chắc hẳn sau này nàng sẽ kiêu hãnh nói:" Anh ấy là chồng mình" .

Angtoanet lưu ý nàng ngay tức thời:

− Chị Anna, chị sẽ là Milton phu nhân đấy. Chị phải thấy điều đó. Ghê thật. Ôi, nghe người ta gọi chị là phu nhân thì thú vị thật!

Anna nhún vai, Milton phu nhân, vợ John ư ? Có gì quan trọng? Chỉ là một chi tiết...cái quan trọng là những lời hứa của John. Về phía mình, nàng rất sợ không làm đúng những điều giao ước; nàng có thể, như nàng đã hứa, làm cho cuộc sống của anh thoải mái hơn, theo ước mong của anh và làm dịu bớt nỗi cô đơn của anh không?

Anh lớn tuổi hơn nàng và như thể thuộc một thế hệ khác. Anh là một con người có học vấn, quan tâm tới những vấn đề hệ trọng. Anna sợ những lời trò chuyện của mình sẽ nhạt nhẽo đối với anh. Trong nếp sống giản dị của mình, nàng không biết gì hết về xã hội phù hoa. Tất cả những gì nàng biết làm, có thể là vô ích trong xã hội của John: biết dành dụm những số tiền cỏn con, biết xào nấu những món ăn còn lại, tất cả cái đó để làm gì đối với anh? Chẳng để làm gì hết một khi nàng đã ở trong lâu đài Guyliver.

Anna cố nhớ lại những điều nàng đã được nghe kể về khu lâu đài này, nhưng trong óc nàng chỉ loáng thoáng vài khái niệm mơ hồ: " nghệ thuật kì dị", " lố bịch", " hồ giả cẩm thạch", " hành lang có trụ", rốt cuộc nàng chẳng nắm được một hình ảnh cụ thể nào của khu kiến trúc lịch sử này; đối với nàng, nó cũng giống như mọi lâu đài khác mà nàng đã được nghe tả lại.

Rồi nàng trở lại vị trí của mình; rồi đây nàng sẽ sống ra sao? sẽ làm gì? có vị trí nào trong cái xã hội kia?

Anna thở dài nhìn ra vườn, những bông hoa đỏ của cây tầm xuân nở rộ trên thân một cây sồi già, những bông huệ trắng nhị vàng nhẹ đưa trong gió. Phía chân trời , mặt trời đang xuống dần. Vì sao Hôm đầu tiên xuất hiện trên bầu trời xám nhạt .
Bình Luận (0)
Comment