Đại Chiến Hacker

Chương 8

Tôi không phải người duy nhất gặp rắc rối với biểu đồ tần suất. Rất nhiều người cũng có đồ thị lưu lượng sử dụng bất thường. Sự bất thường trở nên quá phổ biến đến nỗi trên thực tế đấy mới chính là bình thường.

Trên Xnet đầy rẫy những câu chuyện như thế, trên báo chí và bản tin truyền hình cũng vậy. Chồng bị bắt quả tang đang lừa dối vợ, vợ bị bắt quả tang đang cắm sừng chồng, bọn trẻ bị bắt quả tang trốn ra ngoài với bạn trai, bạn gái bị cấm đoán của chúng. Một đứa nhóc không nói với bố mẹ rằng nó bị AIDS đã bị bắt quả tang đang đến trạm xá để mua thuốc.

Đó là những người có điều gì đó cần che giấu - không phải kẻ phạm pháp, chỉ là họ có bí mật. Thậm chí nhiều người không có gì để giấu giếm cả, nhưng ai lại không bực bội khi bị bắt gặp và tra hỏi chứ? Thử tưởng tượng sẽ thế nào nếu ai đó nhốt bạn ở sau xe cảnh sát và yêu cầu bạn chứng minh mình không phải một kẻ khủng bố.

Không chỉ có hoạt động vận chuyển công cộng. Phần lớn các tài xế ở khu Vịnh đều có một thẻ FasTrak 1 kẹp vào tấm che nắng của họ. Đây là một cái "ví" sử dụng sóng vô tuyến, nó trả lệ phí cho bạn khi đi qua cầu, tránh được rắc rối phải xếp hàng hàng tiếng đồng hồ ở trạm thu phí. Họ tăng lệ phí lên ba lần nếu bạn trả bằng tiền mặt nếu đi qua cầu (dù họ luôn né tránh điều này, nói rằng FasTrak rẻ hơn chứ không phải vì số tiền không ai biết kia đắt hơn). Bất cứ người nào còn trì hoãn trả phí qua thẻ đều sẽ rút lui khi số làn đường cho phép trả phí bằng tiền mặt bị giảm xuống chỉ còn một làn mỗi cầu, thế nên hàng xe đợi trả tiền dài hơn nhiều.

Vậy nên nếu bạn là dân địa phương, hoặc bạn đang lái một chiếc xe thuê từ một hãng địa phương, bạn sẽ có một thẻ FasTrak. Và hóa ra các trạm thu phí giao thông không phải là nơi duy nhất đọc những chiếc thẻ FasTrak này. DHS đã đặt máy đọc FasTrak ở khắp thành phố - khi bạn lái xe ngang qua chúng, chúng sẽ tự nhập thời gian và số chứng minh thư của bạn, xây dựng nên một bức tranh hoàn hảo hơn bao giờ hết về việc bạn đã đi đâu, lúc nào, trong một dữ liệu được bổ sung bởi "camera đo tốc độ", "camera tại cột đèn giao thông" và tất cả các camera kiểm soát biển số xe khác cứ thình lình xuất hiện như nấm ở khắp nơi.

Trước đây, chẳng mấy ai nghĩ nhiều về việc này. Nhưng giờ, khi mọi người quan tâm nhiều hơn, tất cả chúng tôi bắt đầu săm soi từng li từng tí, giống như chi tiết FasTrak không hề có nút tắt.

Nên nếu bạn lái ô tô, rất có thể bạn sẽ bị xe của Sở Cảnh sát San Francisco chặn lại để tra hỏi xem tại sao gần đây bạn lại đến Home Depot 2 quá nhiều, và chuyến đi tới Sonoma tuần trước là để làm gì?

Ngày càng có nhiều cuộc biểu tình nhỏ diễn ra khắp thành phố vào những ngày cuối tuần. Chỉ một tuần sau khi sự kiểm soát này được áp đặt, năm mươi nghìn người đã diễu hành xuống phố Chợ. Tôi cũng không thể thờ ơ hơn được. Những người đang chiếm đóng thành phố của tôi không quan tâm dân chúng muốn gì. Họ là đội quân chinh phạt. Họ biết chúng tôi cảm thấy thế nào về điều này.

Một sáng, tôi xuống ăn vừa đúng lúc để nghe bố kể với mẹ rằng hai công ty taxi lớn nhất sẽ "giảm giá" cho những người thanh toán bằng loại thẻ đặc biệt với lý do đảm bảo an toàn cao hơn cho các tài xế bằng cách giảm bớt lượng tiền mặt mà họ phải mang theo. Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với những thông tin ai đã đi xe nào tới đâu.

Tôi nhận ra mình đã tiến gần vấn đề tới mức nào. Khách hàng mới của indienet sẽ được đẩy ra ngoài như một dữ liệu cập nhật tự động ngay khi chuyện này trở nên tồi tệ, và Jolu nói với tôi rằng 80 phần trăm lưu lượng mạng mà nó thấy ở Pigspleen giờ đã được mã hóa. Xnet có lẽ đã được cứu thoát.

Dù sao thì bố tôi cũng khiến tôi phát điên.

"Con bị hoang tưởng rồi, Marcus," một hôm, ông nói với tôi trong bữa sáng khi tôi kể cho ông nghe việc cảnh sát lục soát BART ngày hôm trước.

"Bố à, thật nực cười. Họ không bắt được kẻ khủng bố nào hết, phải không? Họ chỉ khiến mọi người khiếp sợ."

"Có thể họ chưa bắt được tên khủng bố nào, nhưng họ đã tống được rất nhiều kẻ rác rưởi khỏi đường phố. Con hãy nhìn bọn buôn bán ma túy xem - báo chí nói rằng họ đã tống khứ hàng tá những kẻ này từ khi chiến dịch bắt đầu. Còn nhớ khi những tên nghiện ngập đó cướp con không? Nếu chúng ta không triệt phá những mối cung cấp hàng của chúng thì mọi việc chỉ trở nên tệ hơn thôi." Năm ngoái tôi đã bị tấn công. Nhưng chúng khá là văn minh. Một gã gầy gò bốc mùi nói với tôi rằng gã có súng, gã còn lại hỏi ví của tôi. Chúng thậm chí còn để tôi giữ chứng minh thư dù có lấy thẻ ghi nợ và thẻ đi tàu của tôi. Suốt mấy tuần sau đó, tôi vẫn còn sợ hãi, bị hoang tưởng và luôn nhìn trước ngó sau.

"Nhưng bố à, phần lớn những người bị giữ lại không làm gì sai trái cả," tôi nói. Tôi bắt đầu nóng gáy. Bố của tôi! "Thật điên rồ. Để bắt được một kẻ phạm tội, họ phải trừng phạt hàng nghìn người vô tội. Điều này không hay chút nào."

"Vô tội à? Những kẻ lừa dối vợ mình? Những kẻ buôn ma túy? Con đang bảo vệ họ à, thế còn những người chết thì sao? Nếu con không có gì phải giấu..."

"Vậy là bố không phiền gì nếu họ kéo bố lại để xét hỏi chứ?" Đến giờ biểu đồ tần suất của bố tôi đã được chứng minh là bình thường một cách đáng ngại.

"Bố sẽ cho rằng đó là nghĩa vụ của mình," ông nói. "Bố sẽ tự hào. Điều này sẽ khiến bố cảm thấy an toàn hơn."

Với ông, nói thì dễ.

Vanessa không thích tôi nói về chuyện này, nhưng cô quá giỏi những việc đó nên tôi không thể tránh nhắc đến chủ đề này quá lâu. Chúng tôi đi cùng nhau suốt, nói chuyện về thời tiết, trường lớp, mọi thứ, và rồi, bằng cách nào đó, tôi lại quay lại chủ đề này. Những lúc đó, Vanessa rất bình tĩnh - cô ấy không nổi khùng với tôi nữa - nhưng tôi có thể thấy nó khiến cô bực mình.

Nhưng kệ.

"Vậy là bố tớ nói rằng, 'Bố sẽ cho rằng đó là nghĩa vụ của mình.' Cậu có thể nào tin được không? Đúng thế đấy, Chúa ơi! Tớ đã suýt nói với ông vụ vào tù, để hỏi ông xem liệu ông có nghĩ rằng đó là 'nghĩa vụ' của chúng ta không!"

Chúng tôi đang ngồi trên bãi cỏ ở công viên Dolores sau giờ học, nhìn những con chó đuổi theo đĩa đồ chơi.

Van đã về nhà và thay chiếc áo phông cũ của một trong những ban nhạc tecno-brega 3 Brazil mà cô yêu thích, Carioca Probidão - gã trai bị cấm đoán đến từ Rio. Cô kiếm được nó trong một buổi biểu diễn trực tiếp mà cả bọn cùng đi xem hai năm trước, một cuộc phiêu lưu lén lút tuyệt vời ở Cow Palace, từ đó đến giờ cô đã cao thêm bốn hay năm phân gì đó, vậy là cái áo hơi chật và ôm sát bụng cô, nhìn thấy rõ cái rốn nhỏ xíu của cô.

Cô nằm dưới ánh nắng yếu ớt, mắt nhắm lại sau cặp kính râm, ngón chân ngọ nguậy trong dép xỏ ngỏn. Tôi biết Van từ rất lâu rồi, và mỗi khi nghĩ về cô, tôi thường thấy một con nhóc với hàng trăm cái vòng tay inh ỏi làm từ những lon soda cắt thành miếng, con nhóc chơi piano và khiêu vũ hết mình. Ngồi đó, ở công viên Dolores, đột nhiên tôi nhìn thấy cô như chính con người cô.

Cô ấy đúng là h4wt - tức là "hot", nóng bỏng. Như kiểu ta nhìn vào bức tranh vẽ hình một chiếc bình và chợt nhận ra đó đồng thời là bức tranh vẽ hai khuôn mặt nhìn nghiêng. Tôi có thể thấy rằng Van vẫn là Van, nhưng mặt khác, tôi cũng có thể thấy cô ấy đẹp khủng khiếp, một điều mà tôi chưa bao giờ chú ý đến.

Tất nhiên, Darryl đã thấy thế từ lâu rồi, và tôi không nghĩ là mình lại bất ngờ như thế khi nhận ra điều này.

"Cậu thừa biết là không thể nói với bố được mà," Van nói. "Cậu sẽ đưa tất cả chúng ta vào chỗ nguy hiểm." Mắt cô nhắm lại và ngực cô phập phồng theo nhịp thở, hình ảnh đó đã làm tôi sao nhãng một cách thật là khó nói.

"Ừ," tôi rầu rĩ. "Nhưng vấn đề là tớ biết ông nói thế nhưng chắc chắn sẽ không làm thế. Nếu cậu kéo bố tớ lại bắt ông ấy phải chứng minh rằng ông ấy không phải là một kẻ quấy rối trẻ em, buôn bán ma túy, khủng bố, ông ấy sẽ nổi khùng. Hoàn toàn mất trí. Ông ghét phải chờ đợi mỗi khi gọi điện hỏi về hóa đơn thẻ tín dụng. Bị khóa trái ở phía sau ô tô và tra hỏi trong một tiếng đồng hồ sẽ khiến ông bị phình mạch máu mất."

"Họ tự tung tự tác được bởi vì người bình thường cảm thấy tự mãn so với người không bình thường. Nếu ai ai cũng bị tóm lại thì nó sẽ là một thảm họa. Không ai được đi đâu hết, tất cả đều phải đợi cảnh sát xét hỏi. Giao thông kẹt cứng toàn tập."

Wow.

"Van, cậu đúng là thiên tài," tôi nói.

"Chuyện thường ngày ở huyện," cô đáp lễ. Cô nở một nụ cười lười biếng và nhìn tôi qua đôi mắt lim dim, thật là lãng mạn.

"Nghiêm túc nào. Chúng ta có thể làm được. Chúng ta có thể dễ dàng xáo trộn các hồ sơ. Chuyện làm cho tất cả mọi người đều bị tra hỏi thật quá đơn giản."

Cô ngồi dậy, gạt tóc ra khỏi mặt và nhìn tôi. Tôi cảm thấy nhói lên trong dạ dày, thực sự bị gây ấn tượng bởi cô.

"Chỉ cần tạo ra các thiết bị sao chép thẻ RFID," tôi nói. "Chúng rất dễ làm. Chỉ cần chỉnh sửa firmware 4 của một đầu đọc/ghi giá mười đô mua ở một hiệu bán lẻ Radio Shack bất kỳ, vậy là xong. Điều chúng ta làm là đi loanh quanh và tráo đổi ngẫu nhiên các tag nhận dạng của mọi người, ghi đè mã của người này lên thẻ của người khác. Như thế thông tin của tất cả mọi người bị can thiệp sẽ trở nên kỳ cục và quái gở, và khiến tất cả mọi người đều có vẻ tội lỗi. Vậy là kẹt xe cứng ngắc."

Van mím môi, hạ kính râm xuống và tôi thấy cô đang tức giận đến nỗi không thể thốt nên lời.

"Tạm biệt, Marcus," cô nói và đứng dậy. Trước khi tôi nhận ra, cô đã đi nhanh tới mức gần như bỏ chạy.

"Van!" tôi gọi và đứng dậy đuổi theo cô. "Van! Đợi đã!"

Cô chạy nhanh hơn, khiến tôi cũng phải chạy theo mới bắt kịp.

"Van, cái quái gì thế," tôi túm lấy tay cô. Cô giật mạnh ra, tới mức tôi tự đập vào mặt mình.

"Cậu là một kẻ tâm thần, Marcus. Cậu sẽ đẩy tất cả những người bạn nhỏ bé trên Xnet của cậu vào nguy hiểm, và trên hết, cậu sẽ đẩy cả thành phố vào diện bị tình nghi là khủng bố. Cậu không thể ngừng lại trước khi làm tổn thương mọi người sao?"

Tôi cứ mở miệng ra rồi ngậm lại vài lần. "Van, vấn đề không phải tớ mà là bọn họ. Tớ không bắt giữ mọi người, tống giam hay làm họ biến mất. DHS mới chính là những kẻ đang làm việc này. Tớ đang chiến đấu để buộc họ phải dừng lại."

"Bằng cách nào, bằng cách làm cho mọi thứ tệ hơn à?"

"Có lẽ phải trở nên tệ hơn thì mới có thể khá hơn được, Van. Chẳng phải đó là điều cậu định nói sao? Nếu mọi người đều bị tóm lại..."

"Ý tớ không phải như vậy. Tớ không định nói rằng cậu nên làm cho mọi người bị bắt giữ. Nếu cậu muốn chống đối, hãy tham gia phong trào chống đối. Hãy làm điều gì đó tích cực. Cậu không học được điều gì từ Darryl à? Bất cứ điều gì?"

"Cậu tuyệt đối đúng, tớ biết," tôi dần mất bình tĩnh. "Tớ đã học được rằng không thể tin tưởng bọn họ. Rằng cậu không chiến đấu chống lại họ tức là cậu đang tiếp tay cho họ. Bọn họ sẽ biến đất nước này thành một nhà tù nếu chúng ta cứ để mặc như thế. Cậu đã học được gì hả Van? Lúc nào cũng sợ hãi, ngồi im, cúi đầu xuống và hy vọng không bị ai phát hiện à? Cậu nghĩ mọi thứ sẽ khá lên sao? Nếu chúng ta không làm gì, mọi thứ sẽ chả thể nào khá hơn. Mà từ giờ trở đi sẽ chỉ tệ hơn nữa mà thôi. Cậu muốn giúp Darryl phải không? Hãy giúp tớ đánh bại bọn họ!"

Nó lại xuất hiện trong đầu tôi. Lời thề của tôi. Không phải là giải cứu Darryl, mà là hạ gục cả cái DHS đó. Thật điên rồ, tôi biết chứ. Nhưng tôi đã lên kế hoạch rồi. Không băn khoăn gì nữa.

Van dùng cả hai tay đẩy mạnh tôi. Cô rất khỏe nhờ tham gia các môn thể thao ở trường - đấu kiếm, ném bóng, khúc côn cầu và tất cả những môn khác của trường nữ sinh - rút cuộc tôi ngã xuống vỉa hè bẩn thỉu của San Francisco. Cô bỏ đi và tôi không chạy theo nữa.

> Điều quan trọng trong hệ thống an ninh không phải là chúng hoạt động thế nào, mà là chúng thất bại như thế nào.

Đó là dòng đầu tiên trong blog đầu tiên tôi viết trên Cuộc Cách Mạng Mở, trang Xnet của tôi. Tôi lấy tên M1k3y, và tôi đã sẵn sàng để lao vào cuộc chiến.

> Có lẽ toàn bộ cái trò rà quét tự động này được bày ra để bắt bọn khủng bố. Có thể sớm hay muộn nó sẽ bắt được một tên khủng bố. Vấn đề là nó bắt cả chúng ta nữa, dù cho chúng ta chẳng làm gì sai trái cả.

> Càng bắt nhiều người, nó càng trở nên dễ gãy. Nếu nó bắt quá nhiều người, nó sẽ chết.

> Hiểu vấn đề chứ?

Tôi đăng đoạn trên trong phần LÀM THẾ NÀO để làm một máy sao thẻ RFID, thêm vài mẹo giúp mọi người tiếp cận người khác đủ gần để đọc và ghi tag nhận dạng của họ. Tôi để thẻ sao của mình vào túi cái áo jacket da cổ điển màu đen chuyên dành cho các vận động viên đua xe mô tô và tới trường. Trên đường từ nhà đến trường, tôi đã kịp sao chép được sáu tag nhận dạng.

Đây chính là cuộc chiến mà họ muốn. Giờ thì họ toại nguyện rồi đấy.

Nếu có bao giờ bạn quyết định làm điều gì ngớ ngẩn như việc làm một máy dò khủng bố tự động thì sau đây là bài toán bạn cần phải học trước tiên. Nó được gọi là "Nghịch lý dương tính giả" và nó siêu khó hiểu.

Giả sử có một căn bệnh mới, được gọi là Siêu- AIDS. Chỉ một trong số một triệu người mắc bệnh này. Bạn triển khai một xét nghiệm Siêu-AIDS với độ chính xác đến 99 phần trăm. Ý tôi là nó đưa ra kết quả đúng trong 99 phần trăm số lần xét nghiệm - đúng nếu như đối tượng nhiễm bệnh, sai nếu đối tượng khỏe mạnh. Bạn gửi chương trình xét nghiệm này tới một triệu người.

Một trong số một triệu người này nhiễm Siêu- AIDS. Một trong số một trăm người bạn xét nghiệm sẽ có kết quả "dương tính giả" - xét nghiệm sẽ kết luận anh ta mắc Siêu-AIDS dù cho anh ta không nhiễm căn bệnh đó. "Độ chính xác 99 phần trăm" có nghĩa là: một phần trăm sai.

Một phần trăm của một triệu là bao nhiêu?

1.000.000/100 = 10.000

Một trong số một triệu người nhiễm Siêu-AIDS. Nếu bạn kiểm tra một triệu người ngẫu nhiên, có lẽ bạn sẽ chỉ tìm thấy một trường hợp thực sự nhiễm Siêu-AIDS. Nhưng xét nghiệm của bạn sẽ không xác định chỉ có một người nhiễm Siêu-AIDS. Nó sẽ xác định có mười nghìn người nhiễm bệnh.

Xét nghiệm có độ chính xác 99 phần trăm của bạn sẽ hoạt động với độ không chính xác 99,99 phần trăm.

Đó là nghịch lý dương tính giả. Khi bạn thử tìm thứ gì đó thực sự hiếm, độ chính xác trong kiểm định của bạn cũng phải tương ứng với độ hiếm của thứ mà bạn tìm. Nếu bạn đang cố gắng chỉ vào một pixel trên màn hình của bạn, cây bút chì sắc sẽ là con trỏ tốt: đầu bút chì nhỏ hơn rất nhiều (chính xác hơn) so với điểm ảnh. Nhưng đầu bút chì không tốt để chỉ một nguyên tử trên màn hình của bạn. Vì thế, bạn cần một con trỏ - một kiểm định - nó là một điểm có kích thước bằng một nguyên tử hoặc nhỏ hơn trên đầu bút.

Đây là nghịch lý dương tính giả, và đây là cách áp dụng nó với hoạt động khủng bố:

Những kẻ khủng bố thực sự rất hiếm. Trong một thành phố hai mươi triệu người như New York, có thể có một hoặc hai kẻ khủng bố. Có lẽ mười người trong số chúng ở bên ngoài. 10/20.000.000 = 0,00005 phần trăm. Một phần hai mươi nghìn của một phần trăm.

Vậy nó khá là hiếm. Giờ, giả sử bạn có một phần mềm nào đó có thể lọc lại tất cả những sổ sách ngân hàng, ghi chép về phí vận chuyển, hay ghi chép vận chuyển công cộng, ghi chép về các cuộc gọi trong thành phố và bắt được những kẻ khủng bố với xác suất thành công là 99 phần trăm số lần thực hiện.

Trong một thành phố có hai mươi triệu người, một chương trình tìm kiếm với độ chính xác 99 phần trăm sẽ xác định hai trăm nghìn người là quân khủng bố. Nhưng chỉ mười người trong số họ là kẻ khủng bố thực sự. Để bắt được mười kẻ đó, bạn phải chặn xe và tra hỏi hai trăm nghìn người vô tội.

Đoán thử coi? Làm gì có chương trình tìm kiếm quân khủng bố nào lại có độ chính xác tới 99 phần trăm. Độ chính xác 60 phần trăm thì có khả năng hơn. Thậm chí đôi khi có 40 phần trăm.

Tất cả điều này có nghĩa là DHS đã tự làm mình thất bại thảm hại. Họ đang cố gắng phát hiện những sự kiện hiếm hoi vô cùng - một người là kẻ khủng bố - bằng những hệ thống không chính xác.

Có ai nghi ngờ chuyện chúng tôi có thể đảo tung mọi thứ lên không?

Một tuần sau khi khởi động Chiến dịch Dương Tính Giả, tôi vừa huýt sáo vừa bước ra khỏi cửa vào một buổi sáng thứ Ba. Tôi nhún nhảy theo giai điệu những bài hát mới vừa tải trên Xnet tối hôm trước - rất nhiều người gửi tặng M1k3y những món quà số nho nhỏ để cảm ơn vì đã mang lại hy vọng cho họ.

Tôi rẽ vào phố 23 và thận trọng bước trên con đường lát đá hẹp đi tắt sang phía bên kia đồi. Khi tôi xuống dốc, tôi đi qua ngài Chó Chồn. Tôi không biết tên thật của ngài Chó Chồn là gì, nhưng hầu như ngày nào tôi cũng gặp ngài dẫn ba con chó thở hổn hển của mình lên bậc thang tới công viên nhỏ. Chen qua bọn họ trên cầu thang thật là bất khả thi và rút cuộc tôi luôn bị vướng vào xích chó, ngã dúi dụi vào khu vườn trước của ai đó hay ở trên thanh hãm xung của một trong những chiếc ô tô gần vỉa hè.

Ngài Chó Chồn rõ ràng là một Ai Đó Quan Trọng, vì ngài có một chiếc đồng hồ xa xỉ và luôn mặc một bộ com lê rất đẹp. Tôi đoán ngài làm việc dưới khu tài chính.

Hôm nay, khi đi lướt qua ngài, tôi khởi động thẻ sao RFID của mình, chúng được ních đầy trong túi áo da của tôi. Thẻ sao sẽ hút các con số từ thẻ tín dụng, khóa ô tô, hộ chiếu và những hóa đơn trị giá một trăm đô trong ví của ngài.

Trong khi thực hiện việc này, nó đồng thời hút các con số từ mấy người khác mà tôi vừa lướt qua và nhập những số mới đó vào các thứ của ngài Chó Chồn. Nó giống như đổi bằng lái của một đống ô tô, nhưng vô hình và diễn ra cùng một lúc. Tôi cười biết lỗi với ngài Chó Chồn và tiếp tục đi xuống cầu thang. Tôi dừng lại chỗ ba cái ô tô đủ lâu để tráo đổi khóa nhận dạng thẻ FasTrak của chúng với những con số tôi đã lấy từ mấy chiếc ô tô tôi đi ngang qua hôm trước.

Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng tôi đang hơi hung bạo, nhưng tôi còn thận trọng và dè dặt hơn nhiều thành viên Xnet khác. Hai cô gái theo học chương trình Kỹ sư Hóa ở UC Berkeley đã nghĩ ra cách chế tạo một chất vô hại từ sản phẩm nhà bếp để gài bẫy các công cụ dò tìm chất nổ. Họ thích thú rắc nó lên túi xách và áo khoác các giáo sư, rồi trốn đi và xem những giáo sư đó cố gắng đi vào các giảng đường và thư viện trong trường, chỉ để bị túm lại bởi các đội an ninh mới mọc ra nhan nhản khắp nơi.

Vài người cố tìm cách rắc bụi hóa học vào phong bì để khi thử sẽ cho ra kết quả dương tính với bệnh than, nhưng những người khác nghĩ họ bị điên. May thay, có vẻ như họ không nghĩ được cách nào.

Tôi đi ngang bệnh viện đa khoa San Francisco và gật đầu mãn nguyện khi thấy một hàng người dài trước cửa. Ở đó đặt một trạm kiểm soát của cảnh sát, và tất nhiên là cũng có mặt các thành viên của Xnet đang đi thực tập, làm việc ở quán cà phê và những công việc linh tinh khác, họ đã làm cho thẻ của mọi người bị mắc kẹt và tráo đổi lung tung. Tôi đọc thấy việc kiểm tra an ninh đã ngốn hết một tiếng đồng hồ trong ngày làm việc của mọi người, và các hiệp hội đe dọa sẽ đình công trừ khi bệnh viện có động thái nào đó trước tình hình này.

Ở BART, cách đó mấy tòa nhà, tôi nhìn thấy một hàng người còn dài hơn. Cảnh sát đi lên đi xuống chỉ trỏ mọi người và gọi họ sang một bên để hỏi, kiểm tra túi và khám xét. Họ liên tục bị kiện vì việc này, nhưng dường như nó cũng chẳng khiến họ nản lòng.

Tôi tới trường hơi sớm nên quyết định xuống phố 22 để mua cà phê - và tôi đi qua một trạm kiểm soát, nơi cảnh sát đang dừng các ô tô lại để kiểm tra.

Trường học cũng không bớt lộn xộn hơn là mấy - các nhân viên bảo vệ cưỡi trên máy dò kim loại lướt qua thẻ học sinh của chúng tôi và túm những đứa có hành vi kỳ quặc lại để tra hỏi. Khỏi phải nói, tất cả chúng tôi đều có những hành vi khá kỳ quặc. Khỏi phải nói, buổi học nào cũng trễ một tiếng hoặc lâu hơn.

Các buổi học thật điên rồ. Tôi không nghĩ còn ai có thể tập trung được nữa. Có hôm tôi nghe lỏm hai giáo viên nói chuyện với nhau về việc hôm qua họ phải mất bao lâu để đi từ trường về nhà, và lên kế hoạch hôm nay sẽ lén về sớm.

Tôi đã cố hết sức để không bật cười thành tiếng. Nghịch lý dương tính giả lại xuất hiện.

Đúng thế thật, họ cho chúng tôi nghỉ sớm và trên đường về nhà, tôi đi quanh quận Mission để xem cảnh tượng bị tàn phá ra sao. Từng hàng ô tô dài dằng dặc. Các ga BART được bố trí quanh các khu nhà. Mọi người chửi rủa những chiếc máy ATM không cho rút tiền vì tài khoản của họ đã bị đóng băng do có hoạt động đáng ngờ (đó là sự nguy hiểm của việc nhập thẳng tài khoản séc của bạn vào thẻ FasTrak và thẻ đi tàu!).

Tôi về nhà và tự làm một chiếc sandwich rồi đăng nhập vào Xnet. Hôm nay là một ngày vui. Mọi người ở khắp thành phố đang reo mừng chiến thắng. Chúng tôi đã khiến cả thành phố San Francisco lâm vào tình cảnh bế tắc. Các bản tin đã xác nhận việc này - họ nói DHS đang mất bình tĩnh, đổ lỗi cho thứ "an ninh" giả tạo được cho là sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi khủng bố. Mục Kinh tế của tờ Chronicle, San Francisco, dành toàn bộ trang nhất để ước tính phí tổn kinh tế mà các kế hoạch an ninh của DHS gây ra, dựa trên số giờ làm việc bị trễ, những cuộc họp bị bỏ lỡ... Theo như chuyên gia kinh tế của tờ Chronicle, một tuần diễn ra những chuyện tào lao thế này sẽ gây tổn thất cho thành phố nhiều hơn là vụ nổ bom ở Cầu Vịnh.

Ha ha ha.

Phần thú vị nhất là: tối đó bố tôi về nhà muộn. Rất muộn. Muộn ba tiếng. Tại sao? Vì ông đã bị giữ lại, rà soát, xét hỏi. Và rồi sự việc lặp lại. Hai lần.

Hai lần!
Bình Luận (0)
Comment