Đại Đường Tích Châu Ký - Phạn Tạp

Chương 103

Tiếng huyên náo dậy lên như sóng cồn, tăng chúng trong chùa, lữ khách tá túc trong liêu phòng, khách hành hương sớm tới tham lễ Vu Lan… mọi hạng người nối nhau tụ về, người vây xem ba tầng trong ba tầng ngoài chen chúc quanh sân.

Người nhà họ Ngô thấy người càng đông, tiếng quát tháo lại càng lớn. Cha của Ngô Quế Nhi, ông Ngô A Vinh, chỉ tay mắng thẳng vào mặt các tăng nhân:

“Khi Ngô Quan Trừng cầu thân, lời ngon tiếng ngọt, dập đầu ở rể. Ấy thế mà cưới xong không ở nhà một ngày, cả ngày mê mải ở bãi tha ma, vẽ người chết chơi trò quái đản. Nhà ta làm ăn buôn bán thức ăn, vốn đã không dám nhờ hắn giúp đỡ, đã không chịu làm lụng, lại còn dắt con gái ta bỏ trốn, chẳng khác chi bắt cóc!”

Nhà buôn nhỏ, người nào cũng phải góp công góp sức. Ban đầu bằng lòng gả con gái cho một kẻ côi cút, vốn chỉ vì thấy hắn không vướng bận gia sự. Nào ngờ sau cưới vẫn chỉ lo cầm bút, vẽ vời hình ảnh rùng rợn. Nếu là họa sư kiếm tiền thì không nói, đằng này suốt ngày vẽ ma, vẽ quỷ, lời ra tiếng vào khắp xóm, khiến nhà họ Ngô chịu không ít điều tiếng. Vợ chồng Ngô A Vinh khuyên con gái đoạn tuyệt, nhưng Quế Nhi tính khí cứng đầu, bị dồn ép quá bèn bỏ nhà ra đi.

Giờ đây, họ Ngô cố ý chọn ngày lễ Vu Lan, kéo cả họ đến tận chùa Thiềm Quang đòi người, lại lôi hết chuyện nhà ra giữa thiên hạ, khiến chúng tăng xấu hổ không để đâu cho hết. Không tìm được Ngô Quan Trừng, họ bèn gọi chưởng quản chùa, tức sư Quan Xuyên ra đối chất.

Bảo Châu và Dương Hành Giản đang đứng gần, thấy họ Ngô rút dao dọa người, ánh thép sáng quắc trông đến khiếp đảm. Vi Huấn và Thập Tam Lang thấy thế liền bước lên, kéo hai người về phía sau, tránh rơi vào vòng hỗn loạn.

Không lâu sau, Quan Xuyên xuất hiện. Dáng người cao lớn vững chãi, thần sắc nghiêm trang. Thấy hắn, vợ chồng Ngô A Vinh có phần sợ hãi song trước mặt bao người, vẫn lớn tiếng quát tháo, ép chùa Thiềm Quang giao người.

Quan Xuyên chắp tay, bình thản đáp:

“Thưa quý vị, kẻ gọi là Quan Trừng đã hoàn tục từ lâu, chẳng còn là môn hạ trong chùa. Dẫu đôi lúc vẫn tới đây vẽ vời, nhưng đã mười ngày không thấy bóng. Chúng tôi thực sự không biết hắn và lệnh ái đang ở nơi nào.”

“Đừng chối!” — có kẻ từ họ Ngô quát — “Hễ ở Lạc Dương có pháp hội cúng cô hồn, đều thấy hắn biểu diễn vẽ tranh. Hôm nay mười lăm tháng bảy, ta cố tình tới để vạch mặt! Nếu không giao người, thì cho chúng ta vào tìm!”

“Phật môn thanh tịnh, không dung kẻ phá phách”— Quan Xuyên đáp, tuy nhẹ nhàng nhưng kiên quyết.

Một cụ già trong họ Ngô, tuổi ngoài sáu mươi, nghĩ mình lớn tuổi, bèn tiến lên giáng thẳng một quyền vào mặt Quan Xuyên.

Quan Xuyên trúng đòn mà không hề lay chuyển, tay vẫn chắp trước ngực, vững như tùng trong gió. Họ Ngô thấy hắn không phản kháng, càng đánh càng hăng. Nhưng đánh mãi chỉ như đấm vào da dày, chẳng chút xê dịch. Cuối cùng, ông Ngô A Vinh hoa mắt ù tai, vung dao đâm thẳng vai hắn. Tiếng “đinh” vang lên giòn giã, con dao gãy làm đôi, một nửa văng ra giữa không trung.

Trong đám đông, một người áo xanh nhẹ xoay tay, nửa lưỡi dao bay tới bị hắn hứng gọn trong lòng bàn tay.

Động tác quá nhanh, chẳng ai kịp nhìn thấy, chỉ thấy con dao đã nằm gọn trong tay người nọ. Đám đông trố mắt, rồi hò reo kinh ngạc:

“Thân kim cương bất hoại! Đao thương bất nhập! Hòa thượng này là hộ pháp thành tiên!:

Ngô A Vinh đứng sững tại chỗ. Quan Xuyên không thèm ngoái lại, mà khẽ liếc về phía Vi Huấn.

Dù chưa từng chạm mặt, hai người ấy trong chốn giang hồ, chỉ một ánh mắt cũng thành thách thức.

Vi Huấn hiểu ý, rút lấy đoạn dao gãy, phẩy nhẹ vào cột đá bên, lưỡi thép lập tức ăn sâu vào bên trong, không một tiếng động. Nhìn sơ qua chỉ thấy một đường khảm mờ, chẳng ai ngờ trong cột đá ẩn một mảnh kim loại.

Hai người dùng cách riêng chào hỏi, âm thầm hiểu nhau, không cần lên tiếng.

Quan Xuyên sau đó đón ý lui binh, lời lẽ nhẹ nhàng mời họ Ngô vào nói chuyện, tạm dẹp sóng gió. Đám đông lần lượt tản đi, nhưng không ngớt bàn tán về việc vừa rồi.

Dương Hành Giản ngạc nhiên:

“Hòa thượng ấy có mặc giáp dưới áo tăng không? Hay thật sự luyện được thần công?’

Bảo Châu nhớ đến lần đụng độ “Quỷ Thủ Kim Cương” Khâu Nhậm của Tàn Dương Viện, hắn cũng không đau không ngứa, liền nói:

“Chỉ sợ chẳng phải hòa thượng thường, mà là tay cao thủ võ lâm đấy.”

Dương Hành Giản gật đầu:

“Nghe nói thuở Bắc Ngụy, tổ sư Thiền tông là Đạt Ma từng ở Lạc Dương truyền đạo, cũng luyện được thân kim cương. Có lẽ là thật.”

Bảo Châu nói:

“Ta chẳng tin chỉ tụng kinh mà thành thân sắt da đồng. Đàm Lâm kia tay chân như cành khô, đụng là gãy, võ công hẳn cũng chỉ để hù dọa con nít.”

Hai người nói chuyện dong dài, hết chuyện nọ lại lạc chuyện kia.

Vi Huấn không góp lời, quay sang hỏi Thập Tam Lang :

“Ngươi thấy tăng nhân ấy, so với Lão Tứ, Lão Ngũ nhà ta thì sao?”

Thập Tam Lang nghĩ một lúc rồi lắc đầu:

“Nhìn không ra… chỉ biết mạnh hơn đệ nhiều.”

Vi Huấn khích lệ:

“Gắng luyện “Bát Nhã Sám” cho vững. So với đám dùng công, ta thà đấu với Lão Nhị, Lão Tam còn hơn. Đánh công phải đánh dứt điểm, không thì rất mệt.”

Thập Tam Lang cười khổ:

“Sư phụ mất rồi, sư huynh cũng không luyện “Bát Nhã Sám”, đệ thì chẳng có thiên tư. Chi bằng sau chuyến này vào chùa cạo đầu làm hòa thượng, an phận tụng kinh gõ mõ, sống như mấy sư ông chốn sơn lâm, e còn thong dong hơn.”

Vi Huấn lặng thinh. Hắn biết mình không còn sống được bao lâu, cũng chẳng dạy được sư đệ võ nghệ gì. Có lẽ sau này phải phó thác y cho Bảo Châu, để tìm một lối khác dễ sống hơn.

Thập Tam Lang lại nói:

“Chỉ một môn công phu luyện đến cực hạn đã đủ sánh thiên hạ. Bằng không sư phụ sao cướp được tâm pháp từ Phạn tăng kia?”

Vi Huấn bật cười:

“Chúng ta là hộ pháp Quan Âm, chứ không phải đi một đường giết hết từ phật đến ma. Có thể không động thủ, thì không nên động thủ.”

Bên kia, Bảo Châu và Dương Hành Giản vẫn còn đang tranh luận xem vị sư ấy có phải là cao thủ võ lâm hay không.

Lễ Vu Lan bắt đầu vào chính ngọ, giờ âm dương giao thoa. Tăng nhân từ sớm đã tụng xong khóa sáng, bắt đầu bày biện đàn tràng. Giữa chùa có sân lớn có thể chứa cả ngàn người, chính giữa là hồ phóng sinh, phía đông dựng đài cao mười trượng, vươn ra trên mặt nước, lễ hội sẽ xoay quanh nơi ấy.

Các tăng nhân treo cờ ngũ sắc khắp đàn tràng, quanh hồ xếp hàng trăm chậu sành lớn, để đến lúc ấy, khách hành hương ném tiền của, đồ ăn vào, cúng dường trai tăng, cũng là cách siêu độ vong linh người thân, ấy là tích xưa về “Vu Lan Bồn”.

Khách hành hương có điều kiện từ sáng đã cử người mang ghế tới chiếm chỗ, mong có chỗ tốt ngắm các tiết mục cúng cô hồn, xiếc, diễn trò.

Ăn xong bữa sáng thứ hai, nhóm Bảo Châu dạo quanh chùa, xem các gánh xiếc dựng sân khấu. Nào là xiếc dây, múa kiếm, tung hứng, đủ kiểu đa dạng, chẳng kém gì trong cung.

Bảo Châu thấy ở vách phía nam đàn tràng có một mảng tường trắng để trống, lấy làm lạ. Chùa Thiềm Quang vốn nổi danh với tranh vẽ, nơi dễ thấy như vậy sao lại không vẽ? Nàng thấy một lão họa sư đang chỉ đồ đệ tu bổ tranh cổ, liền lại hỏi.

Lão họa sư nhìn qua mảng tường, nói:

“Đó là chỗ dành riêng cho Ngô Quan Trừng phun tranh. Người biểu diễn tạp kỹ nhiều, riêng hắn có tuyệt kỹ ít ai sánh kịp, phương trượng cố ý giữ chỗ này cho hắn.”

Bảo Châu hỏi:

“Phun tranh là gì?

Đồ đệ đáp thay:

“Là ngậm thuốc màu trong miệng rồi phun lên tường vôi, lát sau bức tranh hiện lên ngay trên mặt tường. Tết Thượng Nguyên vừa rồi, hắn phun ra bức “Duy Ma chất vấn bệnh”, làm chấn động cả Lạc Dương.”

Dương Hành Giản nghe mà ngạc nhiên:

“Còn tuyệt kỹ kia là gì?”

“Là thủy họa” — lão họa sư đáp —” Dùng bút vẽ tranh nổi trên mặt nước, màu không loang, không tan, cả ngày vẫn còn như cũ.”

Tiểu đồ chừng mười lăm, ánh mắt đầy sùng bái. Lão họa sư lắc đầu:

“Đây có khi là lần cuối được thấy hắn biểu diễn. Nghe nói sau Vu Lan, hắn sẽ rời Lạc Dương, vào Trường An tìm đường tiến thân.”

Dương Hành Giản nói:

“Giống hệt Ngô Đạo Tử năm xưa, luyện vẽ ở Lạc Dương, nổi danh ở Trường An.”

Lão họa sư gật đầu:

“Ngô Quan Trừng tự xưng là họa thánh chuyển thế, rất giỏi dùng màu, lại có tài biến hóa kỳ diệu, đúng là hợp với hoàng thất. Chắc chẳng bao lâu nữa sẽ thành ngự họa sư, giá tranh cao vút, kẻ giàu cũng phải chờ mới mua được.”

Bảo Châu nghĩ ngợi, gật đầu tán thành. Quả thật hoàng thất thích sắc màu rực rỡ, lại mê xiếc lạ thần kỳ. Nhưng nếu muốn chen chân vào chốn ấy, Ngô Quan Trừng cần phải dứt bỏ thói mê thi thể, nếu không khó mà đứng vững.

Tiểu đồ đệ ánh mắt đầy ngưỡng mộ, vừa giúp thầy tô màu, vừa thì thầm:

“Bao giờ ta mới được như hắn, đi Trường An tìm vinh hoa?”

Họa sư khi vẽ, chia hai bước: đầu tiên là phác thảo bố cục, gọi là “bạch họa”, rồi mới tô màu. Bạch họa là phần khó nhất, chỉ dành cho họa sư bậc cao, còn tô màu thường để học trò làm, từ đó phân biệt đẳng cấp trong giới vẽ.

Ngô Quan Trừng từng là học trò của Đàm Lâm, chuyên tô màu. Nhưng với tài năng hiếm có, hắn sớm vượt mặt, bỏ qua bước phác thảo, dùng màu sắc để tạo bố cục phá vỡ hoàn toàn lề lối cũ. Muốn vẽ cách ấy, cần loại thuốc màu không tan trong nước, xưa kia chưa từng có.

Lão họa sư thở dài:

“Ta thì nghèo rớt mồng tơi, đâu bằng Đàm Lâm thượng nhân. Hắn có thể lo cho Ngô Quan Trừng mọi thứ từ thuốc màu cho đến… cả thi thể.”

Tiểu đồ đệ đỏ bừng mặt, không nói thêm lời.

Bảo Châu thầm nghĩ: Cùng là nhìn thi thể, một bên là cao tăng tu hành, một bên là kẻ mồ côi say nghề vẽ, mà thiên hạ lại phán xét khác nhau. Đủ thấy tiêu chuẩn trong cõi đời chưa bao giờ thống nhất.

Bình Luận (0)
Comment