Để nghiệm chứng kế sách của Bảo Châu liệu có thể thuận lợi tiến hành hay không, đoàn người tiếp tục ở lại chùa Thiềm Quang thêm mấy ngày.
Thi thể Đàm Lâm sau khi được vôi trong hút hết khí ẩm, lại trải qua hơi lửa sót lại từ vụ hỏa hoạn hun đốt hồi lâu, đã hóa thành một khối xác khô định hình, toàn thân mất nước.
Tăng chúng chùa Thiềm Quang vốn sẵn tinh thông thuật xử lý di thể, lại có Vi Huấn âm thầm chỉ dẫn, bèn lặng lẽ lấy nội tạng Đàm Lâm ra, trong khoang bụng lấp đầy vôi sống và hương liệu, toàn thân thoa lên dầu trẩu chống phân hủy, tương lai còn có thể mạ thêm một lớp vàng ròng. Từ đó, xác thân này, phát ra hương khí nhàn nhạt, đủ để xưng là tức thân Phật, bảo tồn bất hoại hai ba trăm năm cũng chẳng phải việc khó.
Về phần Quan Xuyên mất tích, mọi người chỉ cho rằng hắn vốn là một giang hồ hiệp khách, đến thì vô ảnh, đi cũng vô tung. Nay Đàm Lâm đại sư đã viên tịch hóa Phật, hộ pháp của hắn coi như đã mãn, âm thầm rút lui cũng là lẽ thường.
Mây nổi non cao, dòng triều lặng ngắt. Trong năm vị đệ tử thân truyền, nay chỉ còn lại ba người, mà di chúc Đàm Lâm lại minh bạch chỉ rõ người kế thừa y bát chính là Quan Triều. Chúng tăng không ai dám dị nghị, lập tức cùng nhau nghênh thỉnh vị tăng trẻ tuổi dung mạo tuấn tú ấy bước lên tọa chủ trụ trì, tiếp nhận trọng trách bố thí cứu tế dân đói, gánh vác việc lớn sau hỏa nạn.
Quan Triều vốn từ trước đã chưởng quản đại sự, chuyên lo liệu việc bếp núc, hương hỏa, kho và trai đường, phụ trách cơm chay mỗi ngày cho hơn nghìn tăng chúng trong chùa Thiềm Quang cùng thí chủ đến tá túc. Những việc vụn vặt, rối rắm hằng ngày ấy, hắn đều nắm rõ như lòng bàn tay, lại thêm tâm địa từ bi, chẳng mấy chốc đã thu xếp thỏa đáng, tiếp nhận lễ hiến của tin chúng, rồi lại thay mặt Phật môn đem phân phát cứu tế dân nghèo đói khát.
Lúc này, bốn người Bảo Châu hội họp nơi phòng Dương Hành Giản, âm thầm bàn luận những điều gần đây quan sát được, đều đồng lòng tán thành tài cán cùng cách hành sự của Quan Triều.
Dương Hành Giản một mực thành tâm, thành ý mà tán thưởng rằng:
“Công chúa có con mắt biết người, lại giỏi giao người làm việc. Phật môn có câu rằng: ‘Từ xưa đại liêu xuất tổ sư’. Bởi lẽ chỉ người từng qua việc nhỏ nhặt hằng ngày, từng quán xuyến gốc rễ mới hiểu được Phật pháp là gì. Nếu chỉ ngồi yên luận kinh nói nghĩa, thì cũng như xây lâu đài giữa hư không vậy.”
Bảo Châu nghe mà không khỏi nghi hoặc, nói:
“Ta vốn chẳng quen biết hắn, đâu biết hắn giỏi giang đến đâu.”
Thập Tam Lang băn khoăn hỏi:
“Nhưng chẳng phải chính miệng Cửu Nương phân phó để Quan Triều hòa thượng kế nhiệm trụ trì đó sao?”
Bảo Châu hơi nhướng mày, khóe môi cong lên, cười đắc ý:
“Bởi vì hắn lớn lên trông rất tuấn tú. Ta tin rằng ‘tướng do tâm sinh’, người đẹp ắt lòng cũng thiện, tâm địa cũng tốt lành.”
Còn lại ba người nhất thời không biết nên nói gì thêm, bầu không khí thoáng chốc chìm vào yên lặng.
Bảo Châu lại ung dung, thản nhiên mà tiếp lời:
“Làm hòa thượng, điều quan trọng nhất chính là dung mạo khiến người nhìn vào cảm thấy thư thái dễ chịu. Chúng ta hằng ngày gặp gỡ biết bao tăng nhân đạo sĩ, phần nhiều đều là đến hóa duyên xin của, làm gì có dư hơi mà lần lượt khảo xét ai có đạo hạnh sâu hay tâm tánh cao. Bởi thế, cứ ai trông thuận mắt, nói chuyện lại dễ nghe, thì sẽ dễ được người bố thí.”
Vì Vi Huấn còn đang dưỡng thương, mấy ngày nay đều là Thập Tam Lang theo nàng bôn ba lo liệu, lại thêm lanh lợi, biết nghe lời, khiến Bảo Châu trong lòng càng thêm quý mến. Nàng khẽ cười, quay sang khen ngợi chú tiểu:
“Đệ trông cũng rất khá, ánh mắt cũng tốt, mai sau trưởng thành tất nhiên sẽ là một vị hòa thượng tuấn tú đủ tư cách. Tới khi đó, ta sẽ thay đệ an bài một tòa chùa lớn như Thiềm Quang, để đệ làm trụ trì, chịu không?”
Thập Tam Lang nghe vậy, khuôn mặt nhỏ lập tức sáng bừng như nắng mới, biết rằng đời mình từ nay có công chúa làm chỗ dựa, vui sướng đến nỗi không ngồi yên được, bật nhảy lên kêu to:
“Công chúa nói thì phải giữ lời đó nha!”
Niềm hân hoan lớn lao khiến trong lòng hắn như có pháo nổ rộn ràng, không kìm được, lại nhảy đến trước mặt Vi Huấn, hưng phấn chia sẻ:
“Đại sư huynh, huynh có nghe không? Sau này đệ không cần vất vả luyện võ nữa! Đệ sẽ làm… hòa thượng của công chúa đó!”
Vi Huấn như đang trầm ngâm điều gì, mắt vẫn không rời tiểu sư đệ, một hồi lâu sau mới nghiêm túc nói:
“Vậy thì đệ lại càng phải sớm hôm siêng năng, dốc lòng khổ luyện công phu mới được.”
Thập Tam Lang ngẩn ra, khó hiểu hỏi lại:
“Vì sao chứ?”
Vi Huấn ngoắc tay bảo sư đệ lại gần, vòng tay ôm lấy vai hắn, rồi ghé sát tai thì thầm bằng giọng âm trầm:
“Bởi vì… làm hòa thượng của công chúa thì cực kỳ dễ bị người ta chém ngang lưng! Không luyện được thân kim cương bất hoại, thì lấy gì mà chịu nổi đao kiếm bay đầu?”
Ánh mắt hắn lấp lánh vẻ gian giảo, khóe môi nhếch lên nụ cười tà ác như mèo rình chuột. Thập Tam Lang nhìn thấy sư huynh vẫn thân thiết thường ngày, nay lại mang vẻ dọa người như vậy, trong lòng chỉ thấy rùng mình một trận lạnh sống lưng, song vẫn không hiểu rõ dụng ý trong lời nói.
Được một lời hứa hẹn tốt đẹp như vậy, hắn vốn hưng phấn vô cùng, thế mà đại sư huynh chẳng những không chia vui, lại còn hù dọa người ta đến mức khó hiểu. Mũi hắn ê ẩm, ấm ức lầm bầm một câu:
“Đại sư huynh thật là xấu…”
Vi Huấn nhìn bộ dạng tiu nghỉu đó, chỉ thầm cười trong bụng: đã gieo được một hạt mầm nghi hoặc vào lòng sư đệ, từ nay về sau nếu hắn thật sự chăm luyện Bát Nhã Sám, mười mấy năm nữa e sẽ thành ra một thân hình cao lớn vạm vỡ như Quan Xuyên, chứ chẳng phải phong tư nhã nhặn như Quan Triều…
Đại khái là… vậy?
Bảo Châu lại đột nhiên nhớ ra một chuyện lạ, quay sang hỏi Thập Tam Lang:
“Vu lan đêm hôm ấy, đệ nói một mình đi tụng niệm, kết quả cả đêm không thấy bóng dáng, rốt cuộc là làm thứ gì mà vất vả như vậy?”
Thập Tam Lang đáp:
“Sư phụ lúc lâm chung có để lại hai lời trối. Một điều là chuyện mọi người đều biết, chính là cái gọi là ‘họa loạn điên đảo’ nọ. Còn điều kia thì người chỉ nói riêng với đệ mỗi tháng, mùng Một hay mười lăm, chọn một ngày bất kỳ để tụng kinh siêu độ, cầu phúc cho một người bằng hữu của người.”
Bảo Châu sửng sốt, hỏi lại:
“Hạng người cố chấp kỳ quái như ông ấy mà cũng có bằng hữu sao? Vị đó phải là Bồ Tát sống mới chịu nổi tính nết của ông ta chứ?”
Thập Tam Lang lắc đầu:
“Ông chưa từng nói rõ. Nghĩ lại thì sư phụ là người quái đản như vậy, chắc cũng chẳng có nhiều bạn bè. Đệ đoán chỉ cần tụng một câu ‘bằng hữu của Trần Sư Cổ’ là người nơi âm phủ sẽ nhận được rồi.”
Vi Huấn không lên tiếng. Bảo Châu trầm ngâm chốc lát, bỗng trong lòng loé lên điều gì, nghiêm giọng chất vấn:
“Khoan đã! Tụng kinh thì không nói làm gì, nhưng sao kinh thì ít nhất cũng phải biết chữ, lại còn phải biết viết nữa chứ. Chẳng lẽ đệ biết viết chữ?”
Thập Tam Lang gật đầu thành thật:
“Sư phụ trước lúc mất đã dạy đệ viết Tâm kinh hai trăm sáu mươi chữ, còn cả Đại Bi chú bốn trăm mười chữ nữa.”
Bảo Châu nghe vậy liền giật mình biến sắc, thật không ngờ trong đám người của Tàn Dương Viện, kẻ có học vấn đầu tiên lại chính là tiểu sa di nhỏ bé đứng hàng cuối này. Sau một hồi kinh ngạc, nàng quay sang nói với Vi Huấn:
“Trần Sư Cổ vốn nghiêm cấm các ngươi học chữ đọc sách, thậm chí vì chuyện ấy mà đánh Bàng Lương Ký thành tàn phế, thế mà cuối cùng lại thiên vị một mình Thập Tam Lang, dạy đệ ấy học chữ sao kinh. Những người sư huynh, sư tỷ kia chẳng lẽ không có ý kiến gì à?”
Vi Huấn chỉ đành bất lực đáp:
“Trong muôn vàn tật xấu của ông ấy, bất công e là loại vô hại nhất, chúng ta còn có thể nói gì?”
Những ngày qua, hắn vẫn mãi nghĩ suy về đoạn lời tự thuật của Đàm Lâm rằng chuyện giữa Trần Sư Cổ và Nguyên Húc năm xưa rốt cuộc bao nhiêu phần là thật. Hai lời trối trăn trối trước lúc lâm chung của sư phụ, ban đầu ai nghe cũng thấy mơ hồ khó hiểu, nay dường như đã có một lời giải đáp.
Trần Sư Cổ vốn biết rõ năm ấy Đàm Lâm chỉ vì cầu sống mà giả vờ tụng kinh vì Nguyên Húc, thế nhưng ông ta vẫn tha cho hắn một con đường sống. Một người chẳng hề tin vào thần Phật, bốn mươi năm sau, lại để một tiểu đệ tử bé bỏng của mình tiếp tục gánh lấy cái việc tụng kinh hão huyền vô ích ấy, chẳng rõ là vì tin, hay vì nợ.
Trần Sư Cổ tuy mang ma chướng, nhưng cũng không hề là kẻ bình tĩnh, lý trí như mọi người lầm tưởng.
Có được một thân xác thành Phật trăm năm khó gặp, đại chùa Thiềm Quang cũng vì thế mà không còn xem trọng những kỳ quan từng dùng để thu hút thập phương thí chủ. Đàm Lâm vừa qua đời, không còn ai tình nguyện tiếp tục tu hành Cửu Tương Quan, càng chẳng có họa sư nào chịu học theo cái phép xem trừng xác chết rồi họa hình tỉ mỉ như xưa. Tất thảy thi thể trong chùa đều được đưa ra mộ viên ngoài thành an táng.
Không còn xác người, cũng không cần đốt ngàn cân hương liệu để át mùi ô uế, tân trụ trì Quan Triều dứt khoát xóa bỏ lệ phí đắt đỏ này. Tháp cổ ngày xưa quanh năm mịt mù sương khói, giờ trở nên thoáng đãng, trong lành lạ thường. Bầu không khí vốn nặng nề âm trầm, cũng hóa nhẹ như khói sớm ban mai.
Để tiết kiệm gạo thóc, mở rộng nhân lực cứu tế, Quan Triều còn miễn luôn cả việc sai người ủ men ủ rượu dưới gốc mộc tê. Hắn công khai nói: chùa Thiềm Quang vốn dựng trên nguồn suối ấm, đất ở đây ấm hơn nơi khác, dù không bón phân cũng chẳng hại gì đến vụ nở hoa.
Trước khi rời Thiềm Quang, Bảo Châu một lần cuối đến thưởng lãm bức tranh 《Mục Liên cứu mẹ》 của Ngô Quan Trừng. Vụ án đã sáng tỏ, hung thủ đền tội, nàng chỉ không rõ, vị họa sư thiên tài từng bị hãm hại đến chết ấy, liệu đã trút bỏ oán hận mà thoát khỏi biển khổ địa ngục hay chưa? Không biết, nơi tàng cây mộc tê ấy, hắn có gặp lại được Quế Nhi hay không?
Chỉ tiếc rằng, kỹ pháp vẽ mà hắn sáng tạo, cùng với bí thuật vẽ rồng điểm nhãn của Ngô Đạo Tử, đều đã cùng hắn mai một. Từ nay về sau, e là không ai còn vẽ được nữa.
Cảm khái mà thở dài, Bảo Châu ngoảnh đầu nhìn lại đình viện, khóe mắt vô tình bắt gặp bóng người đứng lặng dưới hành lang Vi Huấn đang lặng lẽ dõi mắt trông nàng, thần sắc nửa sáng nửa tối, dáng vẻ ấy vừa tịch mịch lại vừa như quỷ ảnh lẩn khuất.
Từ đêm Vu Lan ấy sau trận chiến kinh tâm, hắn dường như biến đổi ít nhiều, khác hẳn vẻ thong dong ngày trước. Trước kia còn có thể sóng vai kề vai, nắm tay trò chuyện, nay lại lấy cớ vết thương chưa lành mà cứ né tránh, sống chết chẳng chịu đến gần. Hắn thường xuyên lặng lẽ trốn trong một góc, mắt thì dán lấy nàng, ánh nhìn ấy khiến người ta rợn gai, khó mà dửng dưng cho được.
Nể tình hắn bị thương nên nhất thời thất thường, Bảo Châu đã nhẫn nhịn nhiều ngày, không trách móc nửa lời. Nhưng đến hôm nay, rốt cuộc nàng cũng không nhịn nổi nữa, đưa tay ngoắc hắn lại gần.
Vi Huấn chầm chậm bước tới, hỏi:
“Sao vậy?”
Bảo Châu nhíu mày, không vui mà nghi hoặc nói:
“Dạo gần đây ngươi thật kỳ quái.”
Không bằng cái đêm hôm ấy còn kỳ quái hơn. Vi Huấn thầm nghĩ trong bụng.
Hắn vốn cho rằng, sau khi trải qua chứng tâm* rồi, mọi ảo giác cuồng loạn kia đều có thể rũ bỏ hết, để lại phía sau lưng. Nào ngờ, tâm trạng tuy đã yên, mà ký ức lại chẳng chịu nguôi. May thay, những ngày qua đã tập luyện nhiều lần, đến nay mới có thể miễn cưỡng áp chế bản thân đưa mắt nhìn nàng như một người bình thường, là nhìn toàn thể, nhìn gương mặt, y phục, dáng đi, chứ không còn bị đôi môi, d** tai, xương quai xanh… mấy chỗ vụn vặt ấy mê hoặc ánh nhìn nữa.
Chứng tâm (證心): Có thể hiểu là một loại pháp tu khắc nghiệt, giúp người đối mặt với tâm ma, tạp niệm và ảo giác.
Bảo Châu chất vấn, giọng mang chút không vui:
“Ngươi rốt cuộc nhìn cái gì?”
Vi Huấn đáp khẽ:
“Trên tóc nàng… hôm nay không cài trâm.”
Bảo Châu biết đầu mình hôm nay để trống, bởi hôm nọ xông vào biển lửa, tóc đuôi bị cháy sém, đành phải cắt đi hai tấc. Nàng buồn bực nói:
“Cái cây cũ dùng mãi cũng chán rồi. Chờ đến Lạc Dương, lãnh được tiền ở quầy phường, ta nhất định phải đi dạo phố, chọn vài kiểu mới. Còn muốn mua thêm son phấn nữa.”
Vi Huấn gật đầu, không nói thêm gì. Trong những ảo ảnh kia, nàng cũng chỉ quẩn quanh những việc như thế đủ thấy là thật lòng mong muốn.
“Đưa tay đây.” Bảo Châu thản nhiên nói.
Vi Huấn biết lần này không tránh được, đành chậm rãi nâng tay phải, vẻ mặt như ra chiến trường, hiên ngang mà đưa sang.
Bảo Châu nhẹ nhàng từng chút tháo bỏ lớp vải băng bó, hai tay nâng lấy bàn tay kia, cẩn thận quan sát. Bàn tay ấy chi chít thương tích, móng vuốt rớm máu, nhưng vì là kẻ luyện khí, thương thế lành nhanh hơn thường nhân nhiều. Nơi tróc da nứt thịt đã dần khép miệng, phần lòng bàn tay bị bỏng đỏ tươi nay cũng bắt đầu ngả sẫm lại.
Hung thủ tuy đã đền tội, nhưng khi nhìn đến vết thương này, Bảo Châu vẫn không khỏi tức giận. Nàng nói:
“Hôm ấy khi lão tặc đầu trọc nhắc đến kẻ ‘không sợ chết’, ta đã thấy có chỗ chẳng lành. Nghĩ kỹ lại, người hợp với câu ấy nhất… chính là ngươi.”
Vi Huấn trầm ngâm. Từ lúc bước chân vào chùa Thiềm Quang tới nay, hắn vẫn canh cánh trong lòng, chỉ e có kẻ ngấp nghé Bảo Châu. Nào ngờ người trong chùa vốn kiêng nể thân phận quan viên của Dương Hành Giản, chưa từng dám sinh lòng tà ác. Trái lại, mọi sự cuối cùng lại thành trò cười do trời xui đất khiến.
Bảo Châu căn dặn:
“Lần sau nếu lại cùng người động thủ, nhớ gọi ta một tiếng. Dù cái tên hiệu kia nghe không ra gì, nhưng ta cũng xem như là nhân vật có tiếng trên giang hồ.”
Nghĩ ngợi một thoáng, nàng lại nói nhỏ, giọng có chút ngượng ngùng:
“Chỉ là… gọi tên ta thôi, đừng gọi tên hiệu.”
Vi Huấn bật cười, gật đầu:
“Được.”
Mấy ngày nay đã cố nhẫn nhịn để giữ tâm bình khí hoà, vẻ ngoài trông như chẳng có chuyện gì. Thế nhưng tay bị nàng nhẹ nhàng nắm lấy, lại vừa vỗ về vừa xoay trở chơi đùa, lòng hắn vẫn không khỏi rối như tơ vò. Nếu không phải nhờ ý chí chống đỡ, chỉ sợ đã không chịu nổi lại phát tác thêm lần nữa.
Đợi đến khi nàng cẩn thận băng lại tay phải cho hắn, vừa định đưa tay trái ra, Vi Huấn liền đưa một chiếc hộp sơn son đặt vào tay nàng chính là chiếc hộp lưu ly thất bảo từng đoạt được ở huyện Hạ Khuê.
Bảo Châu ngẩn người, chưa rõ hắn có ý gì.
Vi Huấn hơi nghiêng người sát lại, hạ giọng nói khẽ:
“Rời khỏi chùa Thiềm Quang rồi hẵng mở ra. Trong ấy… là vật ta trộm về.”
Bảo Châu trong lòng chấn động, người này… thế mà lại mang tang vật đi tặng người khác như lễ vật?
Hộp còn nằm trong tay, Vi Huấn đã quay lưng bỏ đi, đúng lúc một đoàn tăng nhân tay ôm rơm mới phơi ngang qua. Sợ chuyện bại lộ, kinh động chúng tăng, Bảo Châu hoảng hốt giấu vội chiếc hộp vào ngực áo, không dám để lộ nửa phần.
Đoàn người rời khỏi đại chùa Thiềm Quang, khi bước ngang qua sơn môn, như thường lệ ở các ngôi tự khác, nơi cửa chùa sừng sững một pho tượng Vi Đà hộ pháp cao lớn nghiêm trang.
Vi Huấn đưa dây cương cho Thập Tam Lang, rồi hai tay ôm quyền, chắp tay nhất bái về phía Vi Đà, thần thái tiêu sái, tràn đầy phong vị giang hồ.
Dương Hành Giản trông thấy kẻ trước nay không tin thần Phật như hắn mà cũng chịu cúi đầu trước Bồ Tát, lấy làm kinh ngạc đến há hốc miệng không khép được. Lại ngẫm, người khác bái Phật đều chắp tay trước ngực cung kính, riêng người này lại bái theo lối ôm quyền của võ lâm giang hồ, dường như coi Vi Đà cũng là một vị hiệp khách, trong lòng càng thêm khó hiểu.
Mọi người ngoái đầu, đưa mắt nhìn lần cuối về câu đối khắc hai bên sơn môn:
“Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ứng tác như thị quán.”
(Dịch nghĩa: Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng, như sương như điện chớp, nên quán chiếu như thế.)
Ra khỏi cổng, thế giới bên ngoài cũng chẳng phải thanh tịnh gì hơn. Từ xa nhìn lại, hàng dài dân đói nối đuôi nhau chờ lĩnh cháo từ chùa Thiềm Quang bố thí, vẫn chưa thấy điểm tận cùng. Nhưng bởi nơi đây là tịnh địa của Phật môn, lại có từ bi của Đàm Lâm thượng nhân tức thân Phật lưu lại che chở, nên tuy sắc mặt người người hốc hác vì đói khổ, vẫn chẳng đến nỗi tuyệt vọng.
Bảo Châu cưỡi lừa, mắt nhìn khắp xung quanh. Nhận thấy vì đại chùa Thiềm Quang gần đây hương khói hưng vượng, người có tiền kéo đến dâng lễ cũng đông, nên quanh vùng bắt đầu tụ họp nhiều quầy hàng nhỏ bán bánh trái, lại có người cõng rương bán đường mạch nha ngọt lịm, tiếng rao vang vang trên đường.
Nàng sai Thập Tam Lang đi mua đường mạch nha. Chú tiểu chạy đi hỏi giá, chưa vội trả tiền, rồi quay về báo lại:
“Cửu Nương, hắn nói hai mươi văn một chiếc.”
Bảo Châu nghe xong liền nổi giận:
“Thật là cướp giữa ban ngày! Đường kia chẳng lẽ có nạm vàng hay sao? Ở Quan Trung một hai văn cũng mua được, hắn sao dám hét giá ngông cuồng như thế!”
Vi Huấn nghe nàng đường đường là kim chi ngọc diệp, cao quý thanh nhã mà cũng có ngày vì giá cả đắt đỏ ngoài phố mà oán trách, không nhịn được bật cười:
“Đường mạch nha làm từ lúa mạch nảy mầm, giờ lương thực đắt đỏ, thứ này dĩ nhiên cũng đội giá theo.”
Bảo Châu nghe ra căn nguyên, có phần đỏ mặt, bối rối thanh giọng, rồi dõng dạc phân phó Thập Tam Lang đi mua ba chiếc.
Từ trước tới nay nàng vốn không ăn những thứ vặt vãnh bày bán ven đường thường dính đầy tro bụi, chẳng sạch sẽ gì nên Thập Tam Lang khi mang về, hớn hở giơ cao đưa tới, liền bị nàng nghiêm trang từ chối:
“Ta đang cưỡi lừa, sao có thể vừa đi vừa ăn, mất hết thể thống. Đệ chia với sư huynh ngươi, còn lại cái cuối cùng, đưa cho đứa trẻ kia.”
Nàng chỉ tay về phía hàng người dài dằng dặc đang xếp hàng chờ lĩnh cháo. Giữa dòng người, có một người đàn ông gánh đôi sọt, trong một sọt ngồi vắt vẻo một đứa bé ngăm đen, gầy nhom, khô xác như que củi. So với mấy ngày trước, có một điểm khác biệt cây cỏ cắm trên đầu nó để rao bán đã được gỡ xuống.
Nàng chưa yên dạ, dặn dò thêm:
“Đệ đứng đó trông cho hắn ăn xong hẵng về, kẻo có kẻ cướp giật mất phần.”
Thập Tam Lang lĩnh mệnh, vừa ngậm một chiếc đường mạch nha trong miệng, vừa nhét chiếc còn lại vào tay Vi Huấn, hớn hở chạy đi.
Đứa trẻ ngồi trong sọt, bất ngờ được tặng quà, mừng rỡ mà cắm đầu cắn lấy cắn để, như thể từ trước đến nay chưa từng được nếm món gì ngon lành đến vậy.
Vi Huấn nhìn cảnh tượng ấy, chẳng hiểu sao trong lòng chợt dấy lên cảm giác quen thuộc, như đã từng thấy ở nơi nào rồi. Chẳng rõ hôm nay vì cớ gì, tâm tình hắn tựa như thả trôi vào suối nước ấm, cả người nhẹ lâng lâng, như được một làn ánh sáng êm dịu bao bọc lấy, nâng hắn lên khỏi mặt đất. Trong thoáng chốc, hắn cảm tưởng người được kéo lên từ hầm mộ sâu thẳm kia là mình, chứ chẳng phải nàng.
Rốt cuộc khi ấy là ai cứu ai?
Kỳ thực… nói cho rõ, cũng chẳng ai phân định được.
Rời khỏi chùa Thiềm Quang một chặng dài, gần đến cửa thành Lạc Dương, Bảo Châu đã chẳng còn nhẫn nại được nữa, bèn lấy chiếc sơn hộp kia ra.
Vi Huấn lặng lẽ nhìn nàng, ánh mắt đong đầy chờ mong.
Thế nhưng Bảo Châu lại vì bao phen xấu nết, rối ren hắn từng gây ra trước đó, mà bỗng dưng ngần ngại do dự…
“Trêu ghẹo ta à? Đừng nói là ngươi giấu sâu lông trong hộp nhé?” — Bảo Châu nghi ngờ nheo mắt nhìn hắn, giọng còn có chút đề phòng.
“Ta nói cho ngươi biết, nếu lần này còn dám dọa ta nữa, ta nhất định… nhất định…”
Nhưng nghĩ tới đôi tay hắn bị thương, đánh cũng không được, nàng nhất thời nghẹn lại, chưa nghĩ ra nên phạt thế nào, đành trừng mắt hăm dọa:
“Hừ, nói chung là tuyệt không tha nhẹ đâu!”
Vi Huấn khẽ cười, từ tốn đáp:
“Quả là vật hái trên cây, nhưng không phải để dọa nàng. Mở ra mà xem.”
Bảo Châu vẫn còn nghi ngờ, không dám lập tức mở hộp, chỉ hé hé nắp một khe nhỏ nhìn vào, chưa kịp thấy rõ bên trong, đã ngửi thấy hương thơm thanh mát, ngọt lành từ trong hộp tỏa ra.
Nàng như chợt hiểu ra điều gì, lập tức mở nắp hộp, gương mặt bừng sáng, kinh hỉ reo lên:
Là cái này!”
Trong sơn hộp, nằm yên một đóa hoa quế vừa hé nở, sắc vàng rực rỡ còn hơn cả vàng ròng, mùi thơm dìu dịu mà thấm sâu, còn hơn cả hương quý nào ta từng biết.
Vi Huấn nói nhỏ:
“Lúc sắp rời đi, ta ngửi được từ mộc tê bay tới một tia hương dịu, mấy tên đầu trọc trong chùa thì đang bận nấu cháo cứu tế, chẳng ai để ý năm nay hoa quế sớm nở, ta liền lặng lẽ trèo lên, hái về một đóa.”
Bảo Châu cười tươi đến nỗi không khép được miệng, nâng hoa lên ngửi mấy lượt, lại ngắm nghía hồi lâu, vui vẻ kêu lên:
“Mau! Mau cài lên trâm cho ta!”
Nàng cúi đầu, giục Vi Huấn cắm đóa hoa lên búi tóc, nơi hai lớp lụa vấn chồng thành dáng.
Dương Hành Giản thấy giai nhân cài mộc tê rực rỡ dưới nắng sớm, cũng không nén được lời khen, lập tức lấy giọng cung kính khen tặng như đang dâng biểu chương cho thượng cấp, ân cần nói:
“Thiên tử bao năm chưa hạ cố tới Đông Đô, nay khắp Lạc Dương nữ tử tôn quý nhất chính là Công chúa, được cành hoa quế đầu tiên năm nay cũng là chuyện nên. Việc hôm nay kinh mà nghĩa trọng, nào thể gọi là trộm? Mộc tê sinh vân tường, vốn là ứng với cảnh công chúa đăng tiên phượng liễn vậy.”
Bảo Châu nghe xong, trong dạ rộn ràng, càng thêm rạng rỡ, cằm khẽ nâng, ngồi thẳng lưng lừa mà ngẩng cao đầu kiêu hãnh. Dáng vẻ như thể nàng không chỉ là một thiếu nữ đơn độc, mà đang cưỡi xe loan ngọc giữa hàng trăm thị vệ và cung nữ theo hầu, nghi trượng uy nghi chẳng khác gì long giá.
Nhìn nàng vì một cành hoa mà hoan hỉ đến như vậy, Vi Huấn bật cười, cười đến nỗi vết thương nơi khóe môi cũng rạn nứt đau nhói.
Trong lòng hắn thầm nghĩ:
“Bảo Châu và Nguyên Húc tuy giống nhau về khí cốt, nhưng cũng có một điểm khác biệt. Nàng thân thể mạnh mẽ, ăn được ngủ được, lại khoáng đạt rộng lòng, dẫu mai sau có vào chốn độc trùng phương Nam hay đến miền U Châu biên tái băng giá, tất cũng có thể mạnh mẽ mà sống, không ai có thể khuất phục nàng.”
“Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán.”
Kinh Phật từng dạy: hết thảy sự đời, đều tựa như ảo ảnh trong mộng, như sương mai đầu ngọn cỏ, như ánh chớp thoáng qua hư không chợt đến rồi chợt đi, không nên chấp trước.
Nhưng chính là những giấc mộng đẹp từng qua như suối nước nóng trong đêm lạnh, giọt sương đầu cánh sen, hay một tia chớp soi thấu mê lộ từng khoảnh khắc ấy, tựa như tơ mảnh mỏng manh mà thuần tịnh, lại khắc sâu nơi tâm khảm, không sao xóa nhòa.
Dẫu cho đời người ngắn ngủi, tựa như bọt nước lững lờ giữa dòng, thì chỉ cần từng có một khắc chân tình, một giây khoảnh khắc ngời sáng cũng đã không uổng kiếp này.
—
《Cửu Tương Quan》 kết.