Từ ngày ấy trở đi, Hoắc Thất Lang liền lấy thân phận túc vệ hầu cận bên mình, ngày đêm ở lại phòng Thiều Vương, trên danh nghĩa là thuộc hạ Viên Thiếu Bá thay phiên tuần phòng, thực tế thường xuyên ở trong chính đường, sẵn sàng túc trực.
Trong phủ truyền nhau rằng, nàng là người do Lệ phu nhân chọn vì lo cho sự an nguy của Thiều Vương. Du hiệp này xem tướng mạo đã thấy mệnh bát tự cứng cỏi, lại được phu nhân vô cùng tín nhiệm, ngay cả bộ dụng cụ vàng Ba Tư quý giá cũng đem tặng nàng không chút do dự.
Từ sau khi nàng vào phủ, bệnh tình của Thiều Vương có phần ổn định hơn. Tuy vẫn quanh quẩn giường bệnh, chưa thấy dấu hiệu hồi phục, song ít nhất đã có thể ăn uống đôi chút, không còn bộ dáng hấp hối như trước. Gia Lệnh liền sai người thu dọn lều tang, quan quách cùng đồ tang sự, đều đưa trở về kho phủ.
Có lẽ là nàng mang theo vận lành, bởi chẳng bao lâu sau, vừa qua tiết Trùng Dương, nơi cửa thành U Châu liền có một đoàn xe ngựa thong thả tiến vào. Người dẫn đầu là một vị hoạn quan mặt trắng không râu, xưng phụng thánh chỉ từ Trường An đường xa mà tới, ban cho Thiều Vương năm xe lụa gấm, một xe tơ tằm sống, làm ngoại thứ trợ cấp để tiêu dùng.
Từ xưa theo lệ, chư vương lĩnh chức đô đốc, thứ sử… mỗi năm đều được cấp hai ngàn đoạn lụa gấm, coi như phần thưởng vì thân chinh vất vả nơi xa xứ. Phần ban tặng lần này cũng lấy danh nghĩa đó mà phái đến.
Từ sau khi Huyền Tông nhờ chính biến mà đoạt lấy ngai vàng, trong lòng hãi sợ có kẻ bắt chước vết xe ấy, dùng thủ đoạn tương tự để đe dọa quyền thống trị của mình. Bởi thế, ông cho lập ra mười phủ vương trạch, trăm tôn nội viện, từ đó con cháu hoàng thất đều bị giữ lại dưới mí mắt của thiên tử, sống đời giam lỏng trong phú quý. Dù được sủng ái mà phong làm đô đốc, thứ sử, ban cho thực ấp cùng bổng lộc hậu hĩnh, nhưng cũng không còn được như thời sơ Đường, có thể thân chinh đến đất phong, nắm giữ thực quyền một phương, chỉ được cắt đặt quanh quẩn trong chốn gần dao kề tráp mà thôi.
Gần một trăm năm qua, Lý Nguyên Anh là người đầu tiên trong số hoàng tử được cử rời kinh, thẳng đến đất phong, mà lễ nghi ban “ngoại thứ trợ cấp” kia cũng đã bị bỏ quên hơn trăm năm, nay lại bất ngờ được dùng lại.
Vốn phủ Thiều Vương quanh năm đóng chặt, hôm ấy lại rộng mở cửa chính, đón tiếp sứ đoàn long trọng. Lý Nguyên Anh trong tay nội thị nâng đỡ, mặc áo lễ tiếp chỉ tạ ơn, dân chúng U Châu xô nhau kéo đến vây xem chật kín hai bên đường. Kẻ vô tri thì chỉ thấy náo nhiệt, người hữu tâm thì thoáng hiểu điều gì đó. Lễ vật lần này tuy không dày, nhưng ẩn sau đó là thánh ý rõ ràng, giống như một loại tín hiệu đặc biệt được gửi đến.
Tính toán thời gian xe đoàn xuất phát từ Trường An, ước chừng là sau khi Vạn Thọ Công Chúa mất chưa được bao lâu. Có lẽ hoàng đế thương xót ái nữ đã mất, chạnh lòng nghĩ tới đứa con còn lại của Tiết quý phi bị sung quân ra nơi gió tuyết biên thùy, trong dạ dâng chút ăn năn, liền phái người mang theo lụa gấm đến an ủi. Ngoài xe gấm vóc, lại riêng ban thêm một xe chở tơ tằm sống cũng là một xe tơ như nhánh sen ngầm dưới nước, dù đứt đoạn mà vẫn còn sợi mảnh nối liền.
Từ kinh thành, vị hoạn quan thuộc Nội Thị Tỉnh không chỉ mang theo thánh chỉ và lễ vật, mà còn truyền tới một tin tức tốt lành: ấu tử của Tiết quý phi An Bình Quận Vương Lý Nguyên Ức đã được tấn phong làm Hoài Vương, từ quận vương nhảy vọt lên hàng thân vương. Cùng lúc ấy, huynh trưởng của Tiết quý phi Tiết Văn Diệu cũng được phong làm quốc công. Dẫu rằng đều là hư chức, nhưng người người đều thấy rõ đây là tín hiệu hoàng đế muốn lấy lễ mà bồi đắp cho một mạch Tiết thị năm xưa chịu nhiều tổn thất.
Đương kim Thánh Thượng bởi lâu ngày phục dụng đan dược, long thể ngày một suy hao, mà ngôi vị Đông Cung vẫn để khuyết đã lâu, đến nay càng trở thành vấn đề nan giải. Người cần phải sớm cân nhắc ai sẽ là người thừa kế đại thống.
Thái tử bị phế Lý Thừa Nguyên năm xưa trong lần săn thú gặp biến cố, gương mặt hủy hoại, hai mắt không còn sáng, thương tích chồng chất, đã không còn tư cách bước lên ngôi cửu ngũ. Một khi đã gạt bỏ y, trong các hoàng tử còn lại, người lớn tuổi nhất chính là Lý Nguyên Anh.
Kế đó là Ngụy Vương Lý Nguyên Sài người cũng có khả năng tranh ngôi Đông Cung nhưng bản tính thô lỗ, trí tuệ lại nông cạn, chẳng thể sánh cùng Thiều Vương về tư chất và nhân phẩm. Còn ba bốn vị hoàng tử tuổi còn ẵm ngửa, chưa mang quan nhất thời không thể giao phó trọng trách.
Chúng nhân trong triều liên tưởng đến chuyện năm xưa của Lư Lăng Vương Lý Hiện từng bị mẫu thân là Võ Chiếu lưu đày nơi Đô Châu, Phòng Châu. Trải qua bao năm lưu lạc, cuối cùng được triệu hồi, lập lại làm Thái tử, rồi bước lên ngai vàng thiên tử. Nếu xét chuyện cũ mà suy lòng nay, thì Lý Nguyên Anh của hôm nay cũng có thể lặp lại vận số ấy phế mà phục, trầm mà hưng, chỉ chờ cơ duyên đến.
Đoàn xe tiến nhập Vương phủ, Lý Nguyên Anh liền sai Gia Lệnh từ trong số lụa gấm ngự ban chọn ra hai phần thượng phẩm, lần lượt đem tặng cho U Châu tiết độ sứ Lưu Côn và giám quân sứ Nguyễn Tự Minh.
Lúc này, tin Trường An phái sứ giả đến ban ngoại thứ trợ cấp cho Thiều Vương đã sớm lan truyền khắp nơi. Lưu Côn cùng Nguyễn Tự Minh biết rõ đây là điềm chỉ đại sự, không dám thản nhiên nhận lộc, đích thân mang hậu lễ đến đáp tạ, lời lẽ cung kính, so với thuở đầu Lý Nguyên Anh mới tới U Châu, đã thêm phần nhún nhường kính cẩn.
Xưa nay, ba trấn Hà Sóc vốn có lệ “binh cường thì tranh soái, soái mạnh tất phản thượng”, truyền thống này từ lâu đã khắc sâu: quyền hành nơi biên địa chẳng phải một chiều từ trên xuống, mà nhiều khi lại là do bên dưới đẩy lên mà thành.
U Châu tuy cư địa biên viễn, cát cứ một phương, tiết độ sứ trên danh nghĩa tự lập, nhưng nếu không kịp thời được triều đình ban phong danh hiệu, chẳng khác nào ngồi trên ghế gỗ mục, rất dễ bị tướng sĩ dưới quyền lấy cớ mà phế bỏ, thậm chí gi.ết ch.ết. Bởi thế, các trấn muốn an định quân tâm, tất phải nương nhờ danh nghĩa hoàng triều, dõi theo từng biến động từ Trường An mà điều chỉnh lập trường cho hợp thời thế.
Còn giám quân sứ là do triều đình sai đến, phụ trách giám sát hành động của tiết độ sứ, vốn là con cờ chế ước trong tay hoàng đế. Dù đến phương xa thế lực mạnh mẽ ra sao, một khi hồi triều, thì hoạn quan vẫn chỉ là hoàng gia nô tài, không dám vượt khuôn phép.
Lại mấy hôm sau, Lưu Côn cho người mang đến một quả ấn đồng, khắc ba chữ “U Châu thứ sử”, nói là lúc dọn dẹp kho cũ của tiết độ sứ phát hiện ra, đoán chừng là vật sót lại từ trước loạn Thiên Bảo, đặc biệt sai người đặt trong hộp gấm dâng lên Thiều Vương.
Chỉ một quả ấn đồng lẻ loi, sáng bóng như mới, vừa trông đã biết là đồ vừa đúc chưa đến ba hôm, ngoài ra không kèm theo giấy tờ địa bạ, cũng chẳng có chiếu thư cắt đặt người phò tá. Lý Nguyên Anh nửa nằm trên giường, giơ bàn tay gầy guộc mà thon dài nâng con dấu lên ngắm nghía, bên môi thoáng hiện nụ cười nhạt khó thấy.
Đến giờ Thìn, Hoắc Thất Lang vừa kết thúc một đêm canh gác, bàn giao xong thì lui về phòng nghỉ dành cho thị vệ trưởng ngoài tiền sảnh, cùng các bằng hữu cùng ca ăn sáng. Gặp đúng tiết Trùng Dương, ngoài phần cơm thường ngày, phòng bếp còn mang lên bánh ma cát và bánh hoa cúc đúng mùa, lại thêm mỗi người một chén rượu thù du.
Bình thường trực đêm phải giữ đầu óc tỉnh táo, nay khó được dịp có thể ung dung dùng rượu, ai nấy đều vui vẻ, chưa vội ngủ bù, vừa uống vừa đánh ván bài lá giải sầu. Chỉ là điển quân Viên Thiếu Bá quản thúc nghiêm ngặt, không cho sát phạt, bởi vậy tuy đánh bài nhưng chẳng phân được thắng thua.
Nếu không thể đánh cược ăn thua, Hoắc Thất Lang liền chẳng còn hứng thú, chợt nghe ngoài sân có tiếng quạ kêu, nguyên lai là vương phi đến thỉnh an Thiều Vương. Vì hắn xưa nay giấc ngủ chẳng yên, mọi việc chính đều chờ đến giờ này mới xử lý.
Hoắc Thất Lang đưa mắt qua khung cửa sổ nhìn ra ngoài, thấy thị nữ theo hầu vương phi vẫn cầm dù che đầu như mọi khi, trong lòng lấy làm lạ, liền hỏi:
“Trời đâu có mưa, các nàng ngày nào cũng giương dù làm gì vậy?”
Trong đám túc vệ có một người tên Hoàng Hiếu Ninh đáp:
“Vì quạ đen hay nghịch ngợm, thường bay sà xuống trêu chọc người, nhất là mấy con bên Tây viện rất hay nhắm vào người mà thả phân, để khỏi làm bẩn tóc tai áo xống, các vị nữ nhân mỗi lần ra ngoài đều phải bung dù mà phòng.”
Hoắc Thất Lang lại hỏi:
“Trong phủ quạ nhiều như thế, lại vừa phiền vừa ồn, rảnh rỗi sao các ngươi không dùng cung tên mà bắn bớt đi?”
Hoàng Hiếu Ninh vội đáp:
“Không thể được. U Châu này quân dân đều tin Phật, Lệ phu nhân cùng vương phi lại thường đến Mẫn Trung Tự cầu khấn cho đại vương, trụ trì từng dặn kỹ rằng nên bớt sát sinh. Các nàng thường ngày cũng ăn chay niệm Phật đấy.”
Hoắc Thất Lang nói:
“Dù chẳng giết hại thì cũng nên đuổi đi cho rồi, loài này chẳng mang may mắn gì, lại kêu réo inh ỏi, nghe mà nhức cả đầu.”
Đám túc vệ trong phủ đều là người được chọn từ hoàng thất, không chỉ võ nghệ tinh thông, mà cũng không thiếu con cháu thế gia học rộng biết nhiều. Có một người tên Vũ Văn Nhượng, từ nhỏ từng đọc nhiều sách vở, lúc này liền hạ giọng thần thần bí bí nói:
“Không cho giết quạ đen, ta đoán chắc là ý của đại vương. Mấy con chim này, thật ra rất có ý nghĩa đấy.”
Mọi người đều ngừng tay, không đánh bài nữa, nhao nhao ngẩng đầu lắng nghe.
Vũ Văn Nhượng lại hạ giọng kể tiếp:
“Kỳ thực trong triều ta xưa nay, quạ đen vốn là điềm lành. Người xưa có câu: ‘Trời sai chim huyền, xuống đem đạo Trời’, lại có thuyết: ‘Quạ đen báo tin lành, mở đường hưng thịnh’. Chuyện kể rằng thuở nhà Chu sắp hưng, từng có một đàn quạ lớn bay đến tụ quanh điện ngọc, Võ Vương thấy thế mừng rỡ, các đại phu cũng lấy làm hân hoan, từ đấy mà thiên hạ thái bình, nhà Chu vững bền. Nay quạ đen tụ họp trên nóc vương phủ, quanh đi quẩn lại chẳng chịu bay đi, nói không chừng cũng là điềm lành hiện ra!”
Câu nói kia khiến ai nấy đều động lòng, lại liên tưởng đến chuyện mấy hôm trước triều đình sai người từ kinh thành đưa gấm vóc tới, ai nấy đều thấy trong lòng bâng khuâng khó nói rõ.
Bấy giờ lại có người tên Từ Lai phản bác:
“Quạ đen thì đâu đâu cũng có, đến nóc phòng bếp còn đậu mấy con, chẳng lẽ cũng là vì Trương mụ trong bếp muốn phát tài sao? Quạ đen tốt hay xấu ta không biết, chỉ biết giống này thông minh lại hay thù dai. Lỡ bắn chết một con, lũ còn lại thể nào cũng đến báo oán. Ta thì chẳng muốn về sau vừa gác đêm vừa phải che ô tránh phân, chi bằng khuyên mọi người thủ hạ lưu tình thì hơn.”
Từ Lai có người anh em sinh đôi tên Từ Hưng, cũng chen vào nói góp:
“Chuyện đó thật đấy, là do chính hắn từng nếm trải. Quạ đen còn phân biệt được hai anh em ta, cứ nhằm Từ Lai mà đuổi theo dai dẳng suốt hơn một năm.”
Mọi người nhớ đến chuyện Từ đại từng bị chim ỉa thẳng lên đầu, liền phá lên cười như nắc nẻ.
Cả đám chuyện trò một hồi, thì thấy vương phi cùng thị nữ theo từ phòng Thiều Vương đi ra. Đám tỳ nữ đều bưng theo vài tấm lụa là gấm vóc, chắc là thứ ban thưởng từ xe gấm Trường An gửi đến.
Từ trong phòng nhìn ra cửa sổ, đám túc vệ cũng trông thấy rõ nét mặt của Thôi Lệnh Dung, chẳng những không vui mà còn mang vẻ u sầu mờ tối, bộ dạng có điều nặng lòng.
Có người lạ lẫm hỏi:
“Đã được chia thưởng, có ai để sót nàng đâu, sao lại không vui?”
Hoàng Hiếu Ninh hạ giọng đáp:
“Ấy là bởi vì… có kẻ được nhiều hơn. Hôm ngoại thứ trợ cấp đưa tới, đầu tiên là ban cho tiết soái với giám quân, kế đó lại tới Cảnh thị bên kia. Tận sau mới đến phiên vương phi. Nói là sủng thiếp diệt thê, nhưng thiếp ấy còn chẳng có danh phận, chỉ là ngoại thất thôi. Nàng đường đường là vương phi, sao không cảm thấy chua chát?”
Cả bọn uống rượu vào, đã hơi ngà ngà, nói chuyện cũng chẳng e dè gì, đề tài riêng tư càng khiến ai nấy rôm rả, liền bỏ hết bài bạc, quây lại một góc, hỉ hả bàn luận.
Hoắc Thất Lang vốn đã hưng trí, lại càng hào hứng hỏi to:
“Đại vương vốn đã có vẻ tuấn tú đến vậy, nếu thương yêu nữ nhân, ắt là người đẹp đến nhường nào? Trong các người, ai từng gặp Cảnh thị chưa?”
Cả bọn túc vệ đều đồng loạt lắc đầu. Vũ Văn Nhượng thì bày ra bộ dạng hiểu chuyện, ưỡn ngực đĩnh đạc nói:
“Ta đoán thiên hạ e không có nữ nhân nào sánh bằng chính ngài về phần dung nhan. Người được sủng ái như Cảnh thị, chỉ là hợp với thưởng thức riêng của ngài thôi. Ngài vốn không ưa kiểu tiểu cô nương mười bốn, mười lăm tuổi, nên năm đó mới không để Dương gia đưa vị trắc thất định sẵn kia tới, rốt cuộc khiến người ta cứ chờ đợi mãi mà bệnh mất. Còn vương phi thì là kiểu nhỏ nhắn thanh nhã, đến nay vẫn không được sủng ái. Ta đoán ngài ắt phải chuộng mẫu người thành thục, diễm lệ.”
Từ Hưng đập tay một cái, hạ giọng nói:
“Chuẩn luôn! Ta chưa từng thấy rõ mặt, nhưng năm ngoái có lần được sai sang đó tặng đồ, vừa hay gặp một người nữ từ xe ngựa bước xuống, thoáng thấy một bóng người. Ngày ấy gió bụi mịt mù, nàng đội mũ trùm màn sa, cả người phủ kín, chẳng nhìn ra rõ ràng, chỉ thấy dáng người cao cao, gầy gầy.”
Cả đám khoanh tay ngẫm nghĩ, trong lòng phỏng đoán mông lung. Tiết quý phi khi còn sống cũng là người cao ráo, yêu kiều rực rỡ, khí chất mạnh mẽ. Chẳng lẽ lời đồn “Con trai thường yêu thích hình mẫu giống mẹ” là có thực?
Hoàng Hiếu Ninh uống rượu không giỏi, lúc này đã đỏ bừng cả mặt, nâng chén rượu kính Hoắc Thất, hô to:
“Huynh đệ! Ngươi cũng cao cao dáng đẹp thế kia, mai sau có phúc nhớ đừng quên anh em tụi ta nghe chưa!”
Đúng lúc cả đám đang trò chuyện hăng say, chợt Viên Thiếu Bá hầm hầm đá tung cửa bước vào. Sắc mặt hắn đen lại đến độ như sắp nhỏ nước, quát lớn:
“Ta coi các ngươi là rảnh quá hóa ngứa, dám to gan nghị luận chuyện riêng của chủ thượng! Muốn nếm đòn quân pháp lắm phải không?!”
Bọn thị vệ đang mặc chiến bào đen, vừa nghe tiếng quát liền như một bầy quạ đen bị ném đá giữa chợ, tức khắc tứ tán như ong vỡ tổ. Ai nấy đều lập tức phóng lên giường, vùi mặt giả vờ ngủ say, không một tiếng ho he, cũng chẳng dám thở mạnh thêm lời nào.