Đại Đường Tích Châu Ký - Phạn Tạp

Chương 206

Dương Hành Giản thay một thân nho phục, giả làm kẻ sĩ đi thu thập phong tục đất lạ, men theo phố chợ tìm đến một tiểu quán rượu ở đầu đường, ý đã định sẵn: tiếp cận lão đầy tớ từ Trường An đến.

Người ấy là kẻ hầu lâu năm trong phủ họ Hàn, tuổi xấp xỉ lục tuần, tóc mai điểm sương, đầu vấn chiếc khăn vải thô bạc màu năm tháng. Thấy Dương Hành Giản phong thái nho nhã, lại tự xưng là người đọc sách từ kinh kỳ ghé qua, liền cung kính vài phần, khách khí chối từ đôi ba lần mới chịu ngồi chung mâm rượu.

Quán nhỏ chỉ bày vài món chay đạm bạc, thêm một hũ tân lao hâm nóng trên bếp đất. Hai người dùng giọng phổ thông Trường An trò chuyện, lời lẽ thăm hỏi khách sáo, lại như tình cờ mà lần dần sang chuyện cũ kinh sư.

Ngay bàn bên, có đôi nam nữ chừng đôi mươi đang ngồi đối ẩm. Cô nương kia mặt mày tươi xinh mà sắc diện lạnh lẽo, thiếu niên đi cùng thì đôi lúc buông lời chọc ghẹo, lại chẳng thấy nàng hé nửa nụ cười. Chủ quán chỉ tưởng đôi trẻ đang giận dỗi, liền thức thời rút lui, không dám xen vào.

Lão đầy tớ uống vài chén, ánh mắt dần lộ vẻ ăn năn, giọng khàn khàn nói:
“Lần ấy lão nô lỡ miệng, chẳng nên đem chuyện nhà truyền ra ngoài. Ai ngờ lại bị tên thư sinh nọ ghi thành tuồng, nay nếu để chủ nhân hay được, e khó mà toàn mạng.”

Dương Hành Giản vội an ủi:
“Chuyện hư cấu trong các tuồng xưa nay chẳng ai lấy làm thật. Huống hồ phần nhiều đều là lời bịa thêm cho kịch tính. Lão trượng không cần canh cánh trong lòng.”

Lão đầy tớ nghe thế, chỉ khẽ thở dài, đoạn thấp giọng:
“Lang quân nói thế, e là chưa tỏ tường. Trong vở tuồng kia, có đến sáu bảy phần là thực. Tứ Lang nhà ta, mệnh số đúng là truân chuyên, chẳng phải lời bịa đặt cho vui đâu.”

Dương Hành Giản nghe thế, trong lòng liền rúng động. “Tứ Lang” ắt chính là Hàn Quân, con út của Hàn Nhận, tự là Quý Thuyền, thứ bậc thứ tư không sai. Hắn làm ra vẻ chăm chú, gật gù tán thưởng:
“Xin lão trượng cứ kể. Dương mỗ xin rửa tai lắng nghe.”

Lão đầy tớ chưa vội nói, chỉ cúi đầu uống cạn thêm vài chén. Dương Hành Giản liền giơ tay vái mạnh, trịnh trọng thề rằng:
“Hoàng thiên hậu thổ chứng giám. Chuyện lão trượng kể hôm nay, nếu Dương mỗ dám hé răng nửa chữ, ắt bị trời tru đất diệt, không toàn thây dưới mồ.”

Vi Huấn ẩn trong bóng tối gần đó suýt phì cười, may kịp bịt miệng lại, sợ chọc giận Bảo Châu đang lặng lẽ bên cạnh.

Tên cáo già ấy cứ thong thả rót rượu, lời ra ý vào, chẳng mấy chốc đã khiến lão đầy tớ đỏ bừng mặt mày, bảy phần say, ba phần buông lỏng.

Dương Hành Giản nhân cơ hội, nhẹ giọng hỏi:
“Cung cấm xưa nay canh nghiêm từng bước, Hàn công tử làm sao có thể nhận ra một vị công chúa trong cung?”

Lão đầy tớ lau miệng, chậm rãi nói:
“Khi ấy công tử nhà ta mới mười bảy, nhờ cha tiến cử nên được chọn vào cấm quân làm chức chấp kích. Một hôm, Thánh thượng dẫn vương công đi săn ở Cấm Uyển, công tử theo đội hộ vệ theo hầu. Hôm đó có nhiều công chúa theo hứng ra bắn hoàng dương, trong đó có một vị giương cung oai phong, dáng ngọc nổi bật giữa ngàn người. Công tử chỉ liếc qua đã như trúng kình phong, trên lưng ngựa đứng chết trân, suýt bị cấp trên quở phạt vì thất nghi trước mặt ngự giá.”

Dứt lời, bên này Bảo Châu hừ khẽ một tiếng, ánh mắt hững hờ như gió lướt trên mặt nước. Vi Huấn chẳng lấy làm lạ. Ngay lần đầu gặp nàng trong quỷ trạch, thấy thân ảnh yểu điệu giương cung bắn liền ba mũi, hắn cũng sững sờ chẳng khác. Ai ngờ khuê nữ nơi cung đình lại có tài cung tiễn không thua hảo hán.

Hắn ghé sát, thấp giọng hỏi:
“Vậy hắn đã thấy nàng, còn hàng không nhận ra hắn sao?”

Bảo Châu khẽ đáp:
“Ngươi đâu biết cảnh săn bắn ngự uyển rộn ràng tới chừng nào. Cấm quân ngàn người đầu đội kim khôi, thân khoác giáp đồng, đứng thành hàng rào vây lấy long giá. Nhìn từ xa, ai chẳng giống ai? Dù là mặt hoa da phấn hay đầu trâu mặt ngựa, cũng khó mà phân biệt.”

Bên kia, Dương Hành Giản vẫn chưa dứt dò xét, hỏi tiếp:
“Vậy nếu công tử kia chưa hề hé răng với ai, làm sao các ngươi hay biết chuyện đó?”

Lão đầy tớ nghe đến đó, gương mặt đã nhuốm rượu, thở dài một hơi:
“Hôm ấy lão gia nhập yến trong cung, về đến nhà thì mặt mày tái xanh, trán sưng một cục to, cứ miệng lẩm bẩm nào là ‘Tề đại phi ngẫu’, nào là ‘tai họa trước mắt’. Phu nhân truy hỏi mãi, ông mới thổ lộ: Thánh thượng vừa ý tiểu công tử, muốn gả công chúa làm vợ. Nhưng ông sợ hại, không dám gật đầu.”

“Chuyện lan khắp phủ, tiểu công tử nghe tin thì như trúng gió xuân, mừng rỡ như điên. Nhưng vừa hay tin tổ phụ kháng chỉ, lại liền phát bệnh nặng, ngã gục bất tỉnh, ba ngày không tỉnh lại. Nếu chẳng nhờ đại y châm cứu, e là đã hóa uất mà mất mạng.”

“Cũng từ đó, hắn bỏ luôn chức trong cung, mang tâm sự ra đi biệt tích. Lão nô theo hầu khắp nơi gần hai năm, mãi đến lúc hắn nguôi ngoai thì lại nghe tin công chúa đã khuất…”

“Chúng ta lập tức hồi kinh, nào ngờ không kịp lễ tang, chỉ đành quỳ trước phần mộ ở xa mà khấn vái. Tiểu công tử chịu chẳng nổi đả kích, một hai đòi dựng thất dưới chân núi Chung Nam để giữ tang, thủ lăng cho nàng.”

Nghe đến đó, Bảo Châu bật cười nhạt:
“Đúng là tự mình đa tình.”

Lão đầy tớ chẳng để tâm, lại kể tiếp:
“Công chúa kia chưa từng xuất giá đã nhập mộ, thiên hạ làm sao chẳng dị nghị? Ta vội vã trở về phủ báo tin, lão gia cùng đại công tử lập tức sai người trói tiểu công tử lại, cho mấy chục gia nhân áp giải thẳng tới Chiêu Nghĩa, giao vào tay cố hữu Lư soái mà giám sát.

Tiểu công tử từ bé đã tuấn tú dị thường, văn võ song toàn, đến Chiêu Nghĩa chẳng bao lâu đã được Mạc tướng quân để mắt thu nhận, thăng liền mấy bậc đến chức tòng tướng. Chỉ tiếc rằng… tâm đã nguội như tro, từ đó chẳng màng chuyện nhân duyên nữa.”

Dương Hành Giản nghe vậy, đem từng chỗ then chốt hỏi lại mấy lượt, xác nhận không còn kẽ hở, trong lòng liền như có ánh đèn soi tỏ: phần chuyện xoay quanh Hàn Quân trong vở Thếp Vàng Ký kia, e rằng không ít điều là thực. Có điều, văn chương xưa nay kỵ nhất là tầm thường, kẻ viết truyện kia muốn tạo sóng lay lòng người, liền đem một mối tương tư đơn phương đổi thành đôi bên tình thâm nghĩa trọng, rồi dựng nên chuyện sinh ly tử biệt, đau thấu ruột gan, khiến người xem chẳng khỏi lụy tình.

Lúc ấy Hàn gia đã bị giáng chức, Thánh thượng cơn giận chưa nguôi, họ chỉ còn cách gấp gáp đưa Hàn Quân trốn ra Hà Bắc, cầu lấy đường sống. Còn lời đồn nơi phố chợ, một khi đã lan ra thì cốt truyện, nhân vật đều đã thành hình. Cho dù có muốn dùng thế lực quan lại mà bịt miệng thiên hạ, e cũng chẳng kịp, huống chi nay họ lại đang che giấu hành tung, đâu dám lộ diện tranh biện trắng đen.

Dương Hành Giản vẫn làm như chẳng có chuyện gì, liếc mắt ra hiệu một cái. Bên kia, Bảo Châu lập tức đứng dậy, thần sắc bất động, tiến ra thanh toán, rồi rảo bước rời quán.

Việc đã đến nước này, há có thể vãn hồi?

Trên đường về, đất bùn lầy lội, bước chân lẹp xẹp vang lên trong đêm mưa, càng đi nàng càng thấy lòng bứt rứt khó nguôi. Bỗng quay phắt đầu lại, liền thấy Vi Huấn như đang cố nén cười, nét mặt pha lẫn vẻ đắc ý. Tức thì lửa giận bùng lên, nàng quát lớn:

“Ngươi cao hứng cái gì?!”

Vi Huấn mím môi, ra chiều nhịn lắm mới không bật cười:
“Cây gậy trúc kia còn đang rơi nước mắt trước mồ, thì ta đã lén đào mộ trộm nàng đem đi từ khuya rồi.”

Bảo Châu nghe vậy, tức đến choáng đầu, trong óc “oành” một tiếng như nổ sấm. Bản thân nàng còn chưa kịp ra tay, mà tên quỷ này đã dám ngang nhiên đoạt trước, lại còn hả hê kể công!

Huyệt Thái Dương giật giật, nàng nghiến răng ken két:
“Ngươi đã nhanh tay như thế, vậy đêm nay tới nha môn cho ta, cắt đầu họ Hàn kia mang về đây!”

Vi Huấn khi ấy không đáp, chỉ thấy nàng sắc mặt đã lạnh tanh, liền cười cười cho qua.

Đêm xuống, dưới sự thúc giục không ngừng của Bảo Châu, hắn vừa gãi đầu vừa đáp lấy lệ:
“Được được, đi thì đi.”

Nói đoạn liền tung người trèo tường, bóng áo nhạt nhòa trong màn đêm ướt lạnh.

Trung Khâu là châu chịu sự cai quản của quan địa phương, khác với các phiên trấn nắm quyền binh mã riêng biệt. Nơi này binh quyền nằm trong tay tiết độ sứ, quan phủ địa phương không thể tùy tiện điều động. Mà người hiện đang nắm giữ binh quyền Trung Khâu chính là vị tướng trẻ tên Hàn Quân.

Dưới trướng hắn có ba ngàn binh sĩ, phân nửa giữ thành, phân nửa canh biên cảnh.

Nhưng những điều ấy, trong mắt Vi Huấn chẳng khác gì phù vân.

Hắn lặng lẽ luồn mình vào nha môn, đi dạo quanh sân chính một vòng, rất nhanh đã tìm ra phòng khách phía đông chính là nơi mục tiêu đang cư ngụ.

Chỉ một ánh mắt, Vi Huấn liền nhận ra: chính là Hàn Quân.

Người này dáng vẻ không đến nỗi như lời kể “cây gậy trúc” yếu ớt kia. Vai rộng lưng thẳng, vóc người cao lớn ngang hàng Hoắc Thất Lang. Mình vận chiến bào thiên thanh thêu hoa văn liên châu, đầu vấn khăn trắng, thân buộc đai vải gọn gàng, rõ ràng là kiểu phục sức tiêu chuẩn của võ tướng. Có điều, trong quân phần nhiều dùng khăn đỏ để buộc trán, riêng hắn lại chọn trắng tinh, xem ra lòng dạ vẫn còn vướng bận chuyện cũ chưa phai.

Giờ phút này, tướng quân trẻ ấy đang ngồi bên ngọn nến, tay cầm sách đọc chăm chú, gương mặt lặng lẽ như đá.

Vi Huấn ẩn mình trong bóng tối, im lặng quan sát.

Ban đầu, hắn vốn chẳng có ý ra tay, chỉ định đi xem một vòng cho có lệ, ứng phó lời thúc giục của Bảo Châu.

Nhưng khi trông thấy người ấy thực sự, chẳng rõ vì cớ gì, trong lòng hắn bỗng trào lên một luồng ghét bỏ khó gọi thành tên.

Họ Hàn đất Xương Lê.

Tàn Dương viện vốn phần lớn đều là người lưu lạc, tên tuổi chẳng gắn liền gốc gác, Vi Huấn cũng chẳng bao giờ bận tâm đến việc mang họ gì, xuất thân từ đâu, xưa nay chỉ coi cái tên là thứ để dễ xưng hô. Hắn võ nghệ cao cường, người trong đạo kính phục, bản thân lại ngông nghênh tự tại, chưa từng vì thân thế hèn mọn mà tự ti.

Nhưng ngay khoảnh khắc này, khi đối mặt kẻ kia, hắn đột nhiên ý thức được: nam nhân ngồi trước mắt, tuổi tác chẳng hơn kém bao nhiêu, chỉ vì sinh ra đúng nhà, liền đường hoàng được học văn luyện võ, được chính miệng thiên tử điểm danh để ban hôn cùng Bảo Châu…

Nàng từng nói, mai sau bên gối sẽ chẳng thiếu người. Đợi đến khi nàng đặt chân tới U Châu, trở về chốn vốn thuộc về nàng, bên mình ắt hẳn là những kẻ như thế.

Những người đường đường chính chính mang danh phận.

Còn như hắn một cái tên mà sư phụ thuận miệng đặt cho xưa nay chẳng qua cũng chỉ là một kẻ trộm sống lẩn khuất giữa bóng tối, cả đời cùng quỷ ảnh đồng hành, chẳng dám ngẩng đầu nhìn thẳng ánh trời.

Đột nhiên, Hàn Quân ngẩng đầu, ánh mắt mang theo nét nghi hoặc và cảnh giác, quét một vòng bốn phía. Trước mắt vẫn là cảnh cũ không đổi, nhưng giữa không gian lại thấp thoáng một luồng sát khí mơ hồ khó gọi tên.

Hắn khép quyển thi tập trong tay, chậm rãi đưa tay chạm vào chuôi đao bên hông. Cán đao cẩn vàng lạnh buốt như băng, vừa chạm vào đã khiến lòng hắn tĩnh lại đôi phần.

“Chắc là do mấy chuyện ở Đôn Nghiệp Phường khiến bản thân trở nên mẫn cảm quá mức…”

Hắn thầm nghĩ vậy. Gần đây người chết liên tiếp, lại chết đột ngột không lý do, khiến thành nội xôn xao đủ điều đồn đại, lòng người hoang mang. Rõ ràng chẳng phải điềm lành.

“Bệnh cấp tính, chết bất ngờ…”

Cụm từ ấy bỗng vụt qua đầu, khiến hắn nhất thời không kìm được mà nhớ tới phần mộ cao vút như bát úp ngoài thành kia. Cảm giác đau đớn trong tim như bị dao khoét từng đường.

Đúng lúc ấy, thân binh vội vã bước vào, thấp giọng bẩm báo:

“Đô đầu, Lưu Minh phủ cầu kiến!”

Chẳng bao lâu sau, Trung Khâu huyện lệnh Lưu Thái cùng phó tướng Trần Như Hoài đã tới. Hai người thần sắc nặng nề, sau lưng còn dẫn theo hai vị tham mưu.

Giữa đêm khuya đến cửa, tất chẳng phải chuyện nhỏ.

Hàn Quân lập tức hỏi:
“Có tình báo sao?”

Trần Như Hoài lắc đầu:
“Không phải việc quân. Là chuyện trong thành.”

Ánh mắt hắn dời về phía Lưu Thái. Người nọ vẻ mặt nghiêm trọng, trầm giọng nói:

“Đôn Nghiệp Phường vừa rồi lại có thêm sáu người chết. Nghe nói phát bệnh chưa đầy hai ngày liền mất, đa phần đều là trai tráng đang độ sung sức.”

Hàn Quân giật mình:
“Nhanh đến thế? Không giống bệnh tật thông thường… Chẳng lẽ là ôn dịch?”

Hắn ngoảnh sang hỏi Lưu Thái:
“Minh phủ từng chinh chiến nhiều năm, việc như thế này trước đây xử lý ra sao?”

Lưu Thái đáp:
“Thường thì sẽ đưa người bệnh đến chùa, để tăng nhân tụng kinh làm phép, trừ tà đuổi quỷ. Nhưng nay khách hành hương trú ngụ trong chùa đã chật ních, thật khó lòng sắp xếp thêm.”

Trần Như Hoài liền đề nghị:
“Chi bằng cứ phong tỏa phường môn, phát chút lương khô rồi để mặc bệnh phát sinh. Chờ bệnh qua tự nhiên sẽ hết.”

Sắc mặt Hàn Quân sầm xuống:

“Chúng ta là vương sư, sao có thể làm chuyện thất đức vô lương, trơ mắt nhìn dân lành chết thảm? Lập tức phái người đến Hình Châu, thỉnh bằng được danh y tới, mang theo cả y sinh, cố gắng hết sức mà cứu chữa.”

Lưu Thái lại nói thêm:
“Đôn Nghiệp Phường vốn là nơi khó khăn nhất trong thành, dân cư đến bữa no còn không đủ. Dẫu có mời được y quan đến, chỉ e tiền thuốc men, châm cứu chẳng ai kham nổi.”

Hàn Quân trầm ngâm chốc lát, giọng thong thả đáp:
“Trong quân từ trước đến nay đều dự trữ thuốc men đề phòng tổn thất đến hai phần ba. Vài ngày trước trời mưa lớn không dứt, có ít dược liệu bị ẩm mốc hư hại, thật là đáng tiếc.”

Lời ấy tuy nhẹ như gió thoảng, nhưng ngụ ý lại rõ ràng như dao khắc đá.

Lưu Thái và Trần Như Hoài liếc nhau một cái, liền hiểu ý không nói thêm lời nào nữa.

Lần này Vi Huấn ra đi, lại chẳng buông một câu “đi một chút sẽ về” như mọi lần. Trong lòng Bảo Châu chợt dấy lên chút hối hận, ngồi chẳng yên, đứng chẳng vững, sách mở trước mặt mà mắt chẳng buồn nhìn, dạ rối như tơ vò.

Chờ mãi đến khuya khoắt, rốt cuộc cũng nghe tiếng động khe khẽ ngoài song cửa. Nàng vội bước ra, ánh mắt lập tức dừng lại nơi thân ảnh đang thoắt ẩn thoắt hiện kia. Vi Huấn thân pháp nhẹ như gió, thoáng cái đã lướt vào trong, trên tay còn xách theo một bọc lớn được vải dày bọc chặt, nặng trình trịch như ôm cả tảng đá. Thoạt nhìn qua, hình dáng ấy chẳng khác gì một cái đầu người to quá khổ, giống như thi thể đã bị chặt tứ chi, chỉ còn mỗi phần thân.

Bảo Châu thoáng biến sắc, song vừa liếc mắt đã nhận ra tấm vải sạch sẽ tinh tươm, không vương chút máu nào, trong lòng liền dấy lên hoài nghi, chẳng biết thật hay đùa.

Vi Huấn đặt bọc đồ xuống đất, từ tốn tháo từng lớp vải bọc. Bên trong hiện ra một bộ khải giáp tế lân dành riêng cho võ tướng, từng phiến thiết phi sáng óng ánh, hoa văn tinh xảo, ánh kim lập lòe dưới ánh đèn, đẹp đến nghiêm trang.

Bảo Châu bước tới, cúi người lật thử mảnh giáp, ngẩng đầu hỏi:

“Đầu đâu?”

Vi Huấn mỉm cười đáp:

“Ta chỉ lấy giáp trụ của hắn. Mất đi giáp này, hắn chẳng khác gì kẻ áo vải thường dân, thân thể cũng chỉ là thịt xương phàm tục. Nếu nàng thật lòng muốn lấy mạng hắn, thì tự lên cung kéo tên mà bắn cho xong.”

Bảo Châu mím môi, không nói.

Nàng hiểu rõ, Vi Huấn vốn chẳng phải loại người chịu để ai sai khiến. Giết hay không giết, hắn đều làm theo lẽ của riêng mình, xưa nay chưa từng nhún nhường khuất phục trước lời ai. Ngày thường những việc vụn vặt, hắn có thể giả vờ nghe lời, đôi lúc còn thuận theo cho yên chuyện. Nhưng một khi chạm đến giới hạn trong lòng, thì dù nàng có là ai đi nữa, hắn cũng quyết không vượt qua lằn ranh ấy.

Khoảng thời gian chờ đợi giữa khuya, ngọn lửa giận ban ngày trong lòng Bảo Châu cũng đã nguội lạnh phần nào. Tới lúc tĩnh tâm ngẫm lại, nàng mới thấy rõ: tự tiện giết một chủ tướng đang giữ biên cương Chiêu Nghĩa Quân, tuyệt chẳng phải việc có thể quyết định trong cơn bốc đồng.

Tuy lòng đã tỏ, nhưng miệng vẫn không chịu mềm mỏng, nàng cố tình trách móc, hậm hực buông lời:

“Ngươi không tuân quân lệnh, tự tiện làm càn, chỉ riêng chỗ ấy, cả đời này đừng mong tấn chức thăng quan gì nữa.”

Vi Huấn lần này chẳng đùa giỡn như thường, chỉ khẽ cười, điềm đạm đáp:

“Mạng người nặng như núi. Nếu đã muốn hạ thủ, thì phải đích thân xuống tay. Không có gan gánh hậu quả, thì đừng gieo nghiệp sát.”

Bảo Châu hừ khẽ một tiếng, ánh mắt lóe lên tia tính toán. Trong lòng nàng lật tới lật lui, cân phân nặng nhẹ, rốt cuộc cũng nghiến răng, hạ quyết tâm, chậm rãi nói:

“Nếu mai này khi bắc thượng vượt quan, thật sự cần người này ra mặt phê chuẩn, thì sớm muộn gì… ta cũng phải đích thân diện kiến một lần.”

 
Bình Luận (0)
Comment