Hà Bắc vốn từ lâu đã nức tiếng là đất sinh ngựa quý, trong đó, ngựa vùng Thành Đức lại càng được xem là đứng đầu thiên hạ. Nhờ khí trời thuận lợi, đất đai phì nhiêu, người người biết nghề nuôi ngựa, kỵ binh Thành Đức được tiếng cưỡi giống ngựa lương câu, mình dẻo sức bền, đánh đâu thắng đó, tung hoành khắp cõi, oai danh lừng lẫy. Những cái đầu người chất đống ngoài kinh thành cũng là do bọn họ chém về, như một kiểu dương oai với thế gian.
Từ biệt Thanh Dương đạo nhân, đoàn người Bảo Châu rẽ hướng đông, chuẩn bị tiến vào đất Hằng Châu, nơi đặt trụ sở. Trên đường đi, họ ngang qua một trại ngựa lớn thuộc doanh kỵ binh Thành Đức chốn chuyên gây giống nuôi dưỡng chiến mã vùng Bắc. Đồng bằng mở rộng mênh mông, ngựa tốt hàng nghìn hàng vạn, từng đàn từng lũ thả vó tự do, cảnh tượng hùng tráng đến lặng người. Mục dân Khiết Đan được thuê về chăm ngựa, nuôi đến mỡ bóng thịt chắc, chân thấp gân dài, dẻo dai đến lạ.
Bảo Châu từ bé vốn mê tuấn mã, nay tận mắt chứng kiến cảnh tượng lớn lao ấy, trong lòng không khỏi xao xuyến, dừng chân ngắm nghía mất cả nửa ngày trời.
Ngựa Hà Bắc tuy không cao lớn oai phong như ngựa Đại Uyên, loài được ví như ngựa trời giáng hạ, nhưng thân thể rắn chắc, sức bền dẻo dai, lại giỏi trèo đèo vượt núi, là giống chuyên dùng cho đường dài dặm thẳm. Bảo Châu ngắm nhìn, càng thêm ưng ý, nảy tâm muốn chọn lấy vài con giống tốt đem theo. Chỉ khổ nỗi tiền lộ phí đã cạn từ lâu, bạc trong tay nhẹ như tờ giấy, chẳng đủ để mua.
Khi đang chờ nha sai ở Thạch Ấp duyệt giấy thông quan và kiểm tra ngựa, nàng sốt ruột quá bèn lẻn vào chỗ những cngựa ấy, đi từ đông sang tây, từ nam lên bắc, chẳng sót chỗ nào mà không xem xét.
Ngoài mặt thì viện cớ muốn thay con bò chậm chạp kéo xe kia để rút ngắn quãng đường, nhưng trong lòng nàng lại giấu một tâm ý khác. Bảo Châu muốn tìm được con ngựa đẹp nhất, tốt nhất, để dành tặng Vi Huấn làm ngựa cưỡi. Bởi người cần áo gấm, ngựa cần yên lành; hôm thành thân ở Bàng Lương Ký, chàng khoác bộ áo đỏ tiếp khách, dáng dấp thanh nhã, thần khí siêu phàm, khiến nàng khắc cốt ghi tâm.
Áo xanh chẳng chịu thay, khăn rách chẳng nỡ bỏ, nhưng ngựa cưỡi thì nhất định phải ra vẻ ra hình. Chờ tới ngày về U Châu, nàng mong Vi Huấn có thể đứng trước huynh trưởng mình, đường hoàng đĩnh đạc mà giãi bày tâm ý. Bởi đối diện với Lý Nguyên Anh, dù là người hay quỷ, nam hay nữ, cũng đều khiến người ta khó giữ được phong độ, khó mà cất được lời.
Huống hồ sau này, Vi Huấn còn phải lên đường xa đi tìm thuốc, non cao vực sâu, đường dài thăm thẳm, có ngựa tốt bên mình, chẳng phải đỡ nhọc đỡ lâu, đi nhanh về sớm?
Mang theo tấm lòng như vậy, Bảo Châu tự mình tới từng lều thương thuyết giá, lời lẽ mềm mỏng, kỳ kèo đủ điều, đến nỗi nói rát cả cổ. Dương Hành Giản đứng một bên trông mà thấy xót xa. Một tiểu thư vốn được nuông chiều nâng như trứng, nay vì cảnh cơ hàn mà trà trộn chốn đầu đường xó chợ, vì một con ngựa mà cũng phải nhịn miệng trả giá, khiến hắn nhìn mà không khỏi lau nước mắt.
Đi một vòng quanh mã thị, hết ngó đông lại đảo tây, khổ nỗi ngựa vừa vừa ý thì không đủ tiền mua, ngựa vừa túi tiền thì lại không ưng. Cứ thế xoay quanh mất hai canh giờ, cuối cùng vẫn chẳng tìm được con nào thật sự hài lòng.
Tuy trong lòng tự nhủ: “Ngựa tốt không ăn cỏ sau lưng,” nhưng tâm vẫn chưa cam. Bảo Châu quay ngược trở lại, đến lại cửa hiệu đầu tiên, tìm con thất lương mã mà ngay từ đầu đã để mắt tới.
Lão bán ngựa buôn thấy nàng là một tiểu nương tử mà nói chuyện đâu ra đấy, lại có con mắt tinh đời, biết xem biết chọn, trong bụng biết đây là người sành ngựa, liền chủ động nhường giá. Con ngựa tốt kia vốn hét tận hai trăm hai mươi quán, giờ dẫu có bớt ít nhiều, Bảo Châu cũng chẳng thể nào đủ tiền, đành tiếc nuối quay gót bỏ đi.
Lão buôn ngựa bám theo đến tận chuồng, ánh mắt quét ngang con lừa to đang đứng bên người nàng. Con lừa ấy khác hẳn lừa thường: mắt trắng, mõm trắng, bụng trắng gọi là “tam bạch”, dáng hơi kỳ quặc nhưng thể cốt cao lớn dị thường, bờ vai cao hơn lừa bản xứ đến hai nắm tay.
Lão vốn là người có nghề, chỉ liếc một cái đã nhận ra, bèn hỏi:
“Đây là lừa tam bạch Quan Trung đó à?”
Bảo Châu gật đầu, chân giẫm bàn đạp, nhẹ nhàng trèo lên lưng, Vi Huấn dắt cương lừa chuẩn bị lên đường.
Ai ngờ lão lại gọi giật lại, nói:
“Vậy thì… ta lấy một con ngựa hạng vừa, đổi lấy đầu lừa này, ý công tử thấy sao?”
Bảo Châu nghe mà ngẩn người. Nếu là lúc mới khởi hành, ắt hẳn nàng sẽ chẳng đắn đo mà đồng ý ngay. Nhưng giờ đã đi cùng con lừa ấy bao ngày, sáng tối có nhau, tình nghĩa chẳng cạn, nàng còn đặt tên cho nó nữa, sao nỡ đổi thay?
Vi Huấn thấy nàng chần chừ, liền cười cợt:
“Nếu đã đổi ngựa, e rằng danh hiệu giang hồ của nàng cũng phải đổi mất thôi.”
Bảo Châu khẽ thở ra một hơi, cuối cùng vẫn là từ chối lời gợi ý của lão buôn ngựa.
Giờ đây trên người nàng chỉ còn một món duy nhất đáng giá chính là chuôi ngọc. Nhưng chuôi ngọc dẫu quý, lại chẳng thể đổi được ra vàng bạc, trên thân lại còn khắc hai chữ “Vạn Thọ”, cầm đi cầm đồ cũng không ai dám nhận. Nghĩ tới nghĩ lui, nàng chỉ còn biết thở dài cho cái túi bạc lép xẹp của mình.
Khoảng cách tới U Châu càng lúc càng gần, nhưng trong lòng Bảo Châu lại thấy như Vi Huấn ngày một rời xa. Nếu bình tâm mà nghĩ, chàng thật sự cần một con ngựa sao? Hay chỉ là nàng tự dối mình rằng chàng cần, để lấp đi nỗi bất an đang âm ỉ trong lòng?
Nàng hiểu, khi đến U Châu rồi, Vi Huấn sẽ lập tức lên đường hái thuốc, từ đó về sau, sẽ là một quãng dài không còn ở bên nhau. Nàng viện cớ “thêm cho chàng áo gấm”, kỳ thực chỉ là muốn níu giữ một chút ràng buộc. Nhưng nàng cũng biết rõ, người đâu phải ngựa, chẳng thể dùng hàm thiếc hay dây cương mà ghìm lại bên mình được…
Dương Hành Giản vội đuổi theo gọi lớn:
“Ta không có ý ấy!”
Chỉ thấy thiếu niên kia mũi chân điểm nhẹ, thân hình tựa chim yến lướt lên mái hiên. Nhưng hắn không đi xa, chỉ ngồi yên nơi rìa mái, như một pho tượng gỗ, ánh mắt lặng lẽ dõi về phía cửa sổ nơi Bảo Châu đang nghỉ, thần sắc mông lung, như lạc hồn vào cõi khác.
Dương Hành Giản chẳng qua chỉ nói ra một lẽ thường, ai ai cũng ngầm hiểu nhưng không ai dám nói thành lời. Hắn xé tan lớp giấy mỏng che phủ sự thật, vậy mà chẳng hiểu sao, câu nói ấy lại rơi vào tim Vi Huấn như nhát dao lạnh cắt sâu. Hắn vốn đã biết từ sớm: con đường này, cho dù có bao lần vượt qua tử sinh, rốt cuộc cũng chẳng thể đi đến cùng nàng.
Ngay cả khi còn ấp ủ một tia hy vọng nhỏ nhoi, hắn cũng tự hiểu rõ, vận mệnh của hai người… cuối cùng chẳng hề chung lối.
Nếu đã biết trước, cớ sao trong lòng vẫn đau như bị trăm nghìn mũi kim đâm?
Hắn từng được Quan Âm cứu một mạng, nhưng quyết chẳng vì tham sống mà bước vào con đường tà đạo của Trần Sư Cổ nơi dùng máu thịt con người luyện thuốc kéo dài hơi thở. Dù thứ gọi là “Phượng hoàng thai” kia thuộc về hoàng thất hay thứ dân, dù kẻ bị bắt là Lý Dục người chất đầy tội nghiệt, hắn cũng không muốn trở thành kẻ cầm Tê Chiếu giết người. Chỉ nguyện đời này mãi là kẻ ôm Tê Chiếu giữ mạng mà thôi.
Sao Sâm, sao Thương cách biệt đôi phương, hắn cũng chẳng còn thì giờ nghĩ đến những điều lâu xa nữa.
Chỉ mong nàng mãi như hoa đang nở, như vầng trăng giữa trời, ung dung mà sống, không lo không nghĩ. Còn hắn… đến khi rời đi, nàng có rơi một giọt lệ vì hắn nơi khuê phòng cũng đã đủ rồi.
Dương Hành Giản đến nha môn huyện xin làm giấy thông hành. Vừa mở lời là giọng Trường An thuần thục, lập tức khiến quan phụ trách sổ sách chú ý, giữ lại trò chuyện. Vị khổng mục quan kia rõ ràng ưa thích khẩu âm kinh thành, liền mượn cớ hỏi han, dò la đủ điều, lân la tới cả chuyện mục đích đoàn người đến U Châu.
Vất vả lắm mới thoát ra được, Dương Hành Giản trở về không chỉ mang theo giấy tờ, mà còn mang về một tin khiến Bảo Châu thất vọng hoàn toàn: ngựa Thành Đức bị cấm mang ra khỏi địa phận, càng không được đưa vào các vùng khác.
Trong công văn ghi rõ: khách vãng lai khi vào địa giới có bao nhiêu gia súc, lúc rời đi nhất định không được nhiều hơn một con.
Bảo Châu ngẫm kỹ, liền hiểu ra cớ sự. Ngựa là cốt lõi làm nên kỵ binh Thành Đức, một khi lọt ra ngoài, chẳng khác nào để binh lực trọng yếu rơi vào tay ngoại bang hay kẻ khả nghi. Một người như nàng, thân phận mơ hồ, xuất thân chẳng rõ, hướng đi cũng mù mịt, lấy gì sánh cùng quyền thế triều đình?
Ai nấy trong đoàn đều mang tâm sự nặng trĩu, lặng lẽ thu xếp hành lý, ăn qua loa bữa cơm đạm trong lữ quán. Vừa định lên đường, chợt chủ tiệm bước ra, cúi mình kính cẩn báo:
“Tiền phòng, tiền ăn đều đã có người thanh toán từ trước.”
Vi Huấn lấy làm lạ, hỏi ra tay là ai. Chủ quán vội đáp:
“Là ông chủ trại ngựa ở xa có tiếng nhất vùng. Nghe nói Kỵ Lư Nương Tử danh chấn Trung Nguyên đã tới đất Hà Bắc, ông ấy muốn được làm quen một phen.”
Khi mọi người ra khỏi lữ xá, chỉ thấy ngoài cửa đã có một người hầu đứng sẵn, tay dắt theo con ngựa thượng hạng mà Bảo Châu từng thích từ hôm trước. Ngựa được lắp yên cương tinh xảo, vóc dáng cao lớn, lông mượt óng như nhung vô cùng quý giá.
Thập Tam Lang liếc nhìn con ngựa, lại liếc sang Vi Huấn, cười khẽ trêu:
“Có người mời cơm, còn dâng ngựa quý, chuyện này xem ra không lạ gì. Đại sư huynh e là đã bị Cửu Nương tỷ tỷ vượt mặt rồi đó!”
Vi Huấn chỉ nhún vai, chẳng màng hơn thua, quay sang hỏi nhỏ Bảo Châu:
“Có muốn không? Dù sao khi còn trong đất Thành Đức, cứ cưỡi chơi cho đã cũng được.”
Bảo Châu lắc đầu, giọng nhẹ như gió thoảng:
“Ta chưa nghèo đến mức phải nhận ngựa của lái buôn để mang ơn.”
Nàng nhớ lại hồi rời Trường An, từng thấy người người trong giang hồ cúi đầu kính trọng Thanh Sam Khách, trong lòng chẳng khỏi ghen tỵ. Vậy mà nay, đãi ngộ ấy đặt lên vai nàng, lại thấy cũng chẳng có gì lạ.
Ngựa ấy đã không thể dành cho Vi Huấn làm vật cưỡi, lại chẳng mang ra khỏi đất Thành Đức được, thì rốt cuộc cũng chỉ là thứ dư thừa chẳng để làm gì.
Sau khi khéo léo từ chối lễ vật Bảo Châu chợt ngờ ngợ, hỏi:
“Ta đâu phải tội phạm bị truy nã, cũng chẳng để tên trên bia đá hay lưu bút khắp nơi, sao họ biết ta tới?”
Thập Tam Lang nhanh miệng đáp thay:
“Cả bọn ta đều nói giọng Trường An, lại có một người mặc áo xanh dắt theo con lừa, thêm một chú tiểu đội mũ tròn đi bên… Nhìn qua là nhận ra ngay.”
Vi Huấn nghe xong, nhíu mày suy nghĩ, rồi trầm giọng bảo:
“Có điều chẳng lành… Hay là ta dẫn đoàn vòng đường xa hơn một chút. Từ giờ trở đi, mỗi người đổi cách xưng hô, giọng nói.”