Truyền kỳ công chúa Vạn Thọ chết rồi sống lại, Thiều Vương Lý Nguyên Anh âm thầm trở về Trường An, hai huynh muội phối hợp kín kẽ, như sét giáng giữa trời quang, thình lình khống chế Đại Minh Cung, bắt gọn một mẻ đám huynh đệ tranh quyền. Cả hai liên thủ, diễn lại một hồi tranh đoạt long ỷ kinh điển nhất trong dòng họ Lý, từ nơi tuyệt địa lội ngược dòng, có thể nói là mệnh trời đã rõ.
Vị thánh thượng đang nằm bệnh, không thốt được lời nào, bệnh tình chuyển nặng, cả thân thể không cử động, chỉ có thể trừng mắt nằm trên long sàng, miệng trào dãi dầm.
Giữa lúc triều đình trên dưới còn đắm chìm trong chấn động “công chúa sống lại” cùng chính biến bất ngờ, lại xảy ra một việc không tưởng.
Một đội kỵ binh chừng năm ngàn người, giương cờ “Cần vương”, bất thần xuất hiện dưới chân thành Trường An như từ trời rơi xuống. Người dẫn đầu chính là tâm phúc của Lý Nguyên Anh Viên Thiếu Bá và Lữ Kiệu. Nói “trời giáng thần binh”, quả không hề khoa trương.
Đội quân này xuất phát từ U Châu, xuyên Thành Đức, băng Chiêu Nghĩa, vòng qua Thái Hành Sơn, tiến thẳng vùng Lạc Dương kinh thành, rồi lại vượt Đồng Quan hiểm yếu. Dọc đường dài gần vạn dặm, vậy mà như vào chốn không người, không hề gặp cản trở.
Đi qua nơi nào, quan quân nơi đó đều giả câm làm ngơ, mặc cho họ đi qua. Mãi đến khi đội quân giáp mặt Trường An, triều đình mới hay tin nhưng đã muộn.
Kỵ binh vừa vào thành, lập tức đánh thẳng đến phủ đệ của Vương Tiến Lương một trong hai hoạn quan nắm binh quyền. Sau khi giết sạch cả nhà hắn, họ tỏa ra nhiều ngả, theo danh sách mà lần lượt trừ khử mấy chục hoạn thân quyền cao chức trọng cùng con nuôi đệ tử. Còn phe của Lưu Thủ Khiêm vì thức thời biết lui, nên được đặc xá, cho về quê an dưỡng tuổi già.
Đám Thần Sách quân được chia châu báu lấy từ mộ công chúa để thưởng công, ai nấy đều hài lòng. Có lộc rồi, lòng người lập tức chuyển hướng, đám cấm quân vốn rối như mớ bòng bong suốt bao năm cũng nhanh chóng bị dẹp yên. Trong vòng chưa đầy nửa tháng, hai huynh muội Lý gia đã dứt gọn mối họa nhức nhối đeo bám Đại Đường suốt bốn chục năm.
Cùng lúc ấy, các trấn đóng quân ở Trường An như U Châu, Thành Đức, Chiêu Nghĩa… lần lượt dâng biểu, chúc mừng Thiều Vương được lập làm Thái tử, hoan nghênh công chúa hồi cung.
Phủ doãn Hà Nam là Đậu Kính càng dày mặt tâng bốc, công bố Tư Thiên Giám tại Đông Đô Lạc Dương đã quan sát tinh tượng, thấy rồng phượng cùng hiện, tử khí đông tới, thiên văn dị tượng hiển linh tất cả là bởi công chúa cảm ứng được phụ hoàng bệnh nặng, nên “cỡi phượng xa từ trời giáng xuống”, vượt nghìn dặm nghênh đón huynh trưởng trở về, tròn chữ hiếu.
Chiêu Nghĩa tiết độ sứ Lư Huyền Phục thì nói trắng ra, không kiêng dè gì: Đây là vương sư, vương sư đi qua, thân là bề tôi ai dám ngăn trở?
Một số viên quan đầu óc tỉnh táo thì đã sớm nhìn rõ: chính biến ở Huyền Vũ Môn chỉ là phần nổi. Nửa giang sơn Đại Đường, từ lúc nào đã rơi vào tay hai huynh muội? Lệnh vua lập Thái tử chưa chắc vững bền, chứ tự mình lập Thái tử mới thật là cọc sắt giữa giông bão.
Khắp nơi, các tiết độ sứ, quan lại địa phương đều cuống cuồng gom góp “điềm lành”, sẵn sàng dâng tiến sau khi Lý Nguyên Anh đăng cơ. Trong chốc lát, bạch khổng tước, bạch hổ, bạch lộc… những giống vật quý hiếm ngàn năm khó gặp bỗng trở nên… giá như vàng.
Phòng Huyền Linh trong sách Tấn Thư có ghi lại một lời cảm thán: “Thế cuộc trong thiên hạ đã đổi, kẻ nắm đại quyền nay khác xưa, không còn ai xoay chuyển nổi nữa.”
Khi triều đại Đại Đường đã xế tà, đang trên đà suy vong, thì giữa huyết mạch họ Lý lại xuất hiện hai huynh muội Lý Nguyên Anh và Lý Bảo Châu như ánh rạng đông rọi qua đêm tối, khiến người ta mơ hồ trông thấy chút hy vọng phục hưng.
Lúc ấy, trong triều có vài người mẫn cảm bỗng nhớ đến một bài đồng dao dân gian đang truyền tụng gần đây, lời ngắn gọn mà hàm ý thâm sâu:
“Ba huynh đệ, mỹ nhân trở lại, vẻ đẹp trắng trong khiến cả mùa xuân lu mờ..”
“Huynh đệ” từ xưa vẫn dùng để chỉ huynh đệ, tỷ muội trong cùng nhà. Câu này rõ ràng là lời tiên tri, nói đến Quý phi sinh ba con hai trai một gái đúng vào mùa xuân, cưỡi xe của đế vương trở về hoàng cung giành lại quyền hành. Còn “mỹ nhân” cụ thể là ai, thực cũng chẳng cần đoán nếu là tuyệt sắc giai nhân, ắt ai nhìn cũng hiểu.
Nhưng huynh muội hai người đâu có thời gian bận tâm những lời đồn đại ấy họ còn đang phải đối mặt với việc hệ trọng hơn. Trước khi chính thức đăng cơ, Lý Nguyên Anh buộc phải thể hiện mình là người con chí hiếu, để che lấp vết nhơ đạo nghĩa trong vụ chính biến.
Dẫu sao phụ hoàng vẫn còn chưa băng hà, mà con đã đem binh vào cung, giết huynh đệ, giành ngôi khó tránh bị đời phê phán bất hiếu, bất nhân. Năm xưa Thái Tổ hoàng đế dù cũng là kẻ kiệt xuất, vẫn phải quỳ gối bú nhũ mẫu trước mặt Lý Uyên, làm trò hiếu tử trước khi giành thiên hạ.
Sau khi giành được quyền, Lý Nguyên Anh ngày đêm không nghỉ, luôn canh bên long sàng, chẳng khác gì kẻ hầu thuốc bên giường bệnh. Còn công chúa Bảo Châu thì không rời giáp trụ, xuất quân tuần tra khắp Đại Minh Cung, bảo vệ an toàn cho phụ thân. Cả hai huynh muội đều dốc hết tâm can tỏ lòng hiếu thảo. Lý Nguyên Anh thậm chí vì lao lực quá độ mà lên cơn phong, tự mình cũng lâm bệnh.
Chăm sóc suốt hơn một tháng, thế nhưng bệnh tình hoàng đế vẫn không khá lên chút nào. Đến lúc này, Lý Nguyên Anh bèn làm một việc còn lớn hơn cả trò “bú nhũ” năm xưa ngay trước mặt các đại thần và sử quan, hắn cầm dao rạch đùi mình, lấy một miếng thịt tươi, hòa thuốc làm thành canh, dâng lên phụ hoàng uống với trọn vẹn hiếu tâm.
Đáng tiếc, tuổi trời đã định, hoàng đế uống hết chén thuốc nặng tình ấy, đến đêm thì băng hà.
Từ đó về sau, dù là bậc đại nho cổ hủ nhất cũng khó lòng bắt bẻ. Bởi trên đời này, có mấy người con hiếu thảo lại nỡ ra tay tàn nhẫn với chính thân thể mình như vậy? Dẫu là diễn trò đi nữa, lòng thành cũng đã quá đủ rồi.
Tin dữ tiên đế băng hà vừa lan tới U Châu, người đang bị giam là Thôi Lệnh Dung vừa nghe vì hiếu đạo mà tự rạch thân thể, lúc đầu sững sờ, sau đó bật cười cuồng loạn, hét lớn:
“Hay! Hay lắm! Đúng là hồ ly gian xảo, với người và với chính mình đều độc như nhau! Từ Âm ơi, muội có thấy không? Mối hận của ta đã trả rồi!”
Theo di chiếu tiên đế để lại, lễ quốc táng được giản lược tối đa, hai huynh muội cũng không cải táng hợp lăng cho cha mẹ.
Ngay trong tháng ấy, Thái tử Lý Nguyên Anh chính thức lên ngôi, ban đại xá thiên hạ. Vết thương còn chưa lành, chàng phải nhờ thị vệ dìu đỡ mới miễn cưỡng hoàn thành đại lễ đăng cơ.
Người từng bị chỉ trích là “có dáng kẻ họa quốc, không giống người quân tử”, nay lại được khen là “gánh nổi trời đất, sáng tỏ như nhật nguyệt”, quả thật là bậc thiên định làm vua. Nhưng Lý Nguyên Anh chẳng mấy để tâm đến lời tung hô, chỉ cảm thấy nhẹ nhõm vì theo lễ chế, chẳng ai được ngẩng mặt nhìn long nhan. Giờ đây, khi mọi người đều dưới chân ngự tọa, cuối cùng không còn ai chăm chăm nhìn vào khuôn mặt của chàng nữa.
Công chúa Vạn Thọ từ cõi chết trở về, nhờ vậy những ngự y từng bị xử tử oan năm trước cũng được minh oan. Chiếu đại xá đầu tiên được gửi tới các nơi lưu đày, cho phép người thân của các ngự y trở về cố hương, đích thân công chúa còn dặn quan phủ dọc đường phải hậu đãi họ chu đáo.
Sau khi thu lại binh quyền từ tay đám hoạn quan, Lý Nguyên Anh phong Lữ Kiệu làm hữu quân úy thống lĩnh Thần Sách quân, đồng thời thăng chức cho những tướng sĩ từng kề vai sát cánh cùng mình lúc gian nan, đưa họ giữ các vị trí then chốt trong đội cấm quân. Riêng chức vụ tả quân úy vốn có quyền lực ngang hàng thì chàng mãi chưa bổ nhiệm ai. Người trong triều ai cũng ngầm đoán, chỗ ấy hẳn là để dành cho Viên Thiếu Bá thư đồng từ thuở nhỏ, tâm phúc thân cận nhất.
Mười ngày sau khi đăng cơ, Lý Nguyên Anh ban chiếu sắc phong công thần lớn nhất trong chính biến muội muội Bảo Châu đổi phong hiệu “Vạn Thọ” thành “Thừa Thiên Vạn Thọ Trưởng Công Chúa”.
Hai chữ “Thừa Thiên” vốn là tôn hiệu chỉ dành riêng cho đế vương, nay lại phong cho một vị công chúa. Song nàng từng sống lại từ cõi chết, như có đôi cánh tiên bay về, không có nàng bắn mũi tên giải vây tại Huyền Vũ Môn, không có màn “đào mồ chia của” ban thưởng tam quân, hươu chết rốt cuộc về tay ai còn chưa rõ. Có thể nói, nàng chính là điềm lành trời cao phái xuống, là tấm phù lệnh cho đế vị của Lý Nguyên Anh.
Ngày cử hành lễ sách phong, hoàng đế hạ lệnh toàn thể bá quan mặc phẩm phục cao nhất đến dự. Hơn ngàn triều thần tập trung trước điện Tuyên Chính, xếp hàng theo phẩm trật. Hai bên có Kim Ngô Vệ mặc giáp sáng choang dưới nắng, trật tự rành rẽ. Trong lúc đợi Lễ bộ tuyên triệu, kẻ người tâm viên ý mã, trong bụng nghĩ ngợi đủ đường.
Trước kia, phi tử của Thiều Vương là Thôi thị vì một sai lầm chẳng ai rõ đã bị phế truất; hôn ước với Dương thị bên Hoằng Nông cũng chưa kịp thành, ái thiếp lại chết non trước khi bước chân vào cửa. Lý Nguyên Anh khi ấy đã hai mươi lăm, vẫn chưa có con nối dõi. Trong thời gian lưu đày ở U Châu, thân thể chàng tuy bề ngoài tráng kiện, kỳ thực đã tổn hao không ít.
Vậy nếu đưa một cô gái tuổi vừa đôi mươi vào cung, liệu hoàng đế còn có thể sinh con? Nếu không sinh được, ngôi báu sẽ truyền cho ai? Có phải lập đẹ đệ làm người kế vị? Dẫu không ai còn nghi ngờ thân thế của chàng, thì dòng máu Lý Nguyên Ức lại xuất thân nơi thâm cung, không có gì đáng ngờ về huyết thống cả.
Còn công chúa đến giờ vẫn chưa lấy chồng nhà ai có đủ tư cách để làm phò mã? Những họ từng từ hôn năm xưa, e rằng ba đời cũng khó có cửa bước chân vào vòng quyền quý nữa.
Đúng lúc bá quan văn võ đang mải lo tính toán trong bụng, nhân vật chính của lễ sách phong cũng đã lộ diện trên bậc Tuyên Chính Điện. Mọi người vừa nhìn rõ dáng phục của công chúa, liền đồng loạt sững người, mắt tròn xoe, miệng há hốc.
Nàng không mặc lễ phục của bậc mệnh phụ, mà đội mũ miện rũ châu, khoác long bào thêu cổn văn. Ngoài việc văn thêu có chút khác biệt, và chuỗi ngọc chỉ rũ chín tua thay vì mười hai như đế phục, tất cả đều giống hệt như y phục chính lễ của hoàng thái tử.
Bấy giờ, triều thần mới vỡ lẽ: Lý Nguyên Anh chẳng hề có ý để đứa đệ đệ nào kế vị, cũng chẳng định hỏi ý các đại thần. Sau chàng, Đại Đường sẽ đón lấy một nữ đế đời thứ hai.
Hôm ấy, hoàng đế không chỉ ban phong hiệu “Thừa Thiên Vạn Thọ” cho công chúa, còn cho phép nàng tự lập phủ đệ, tự chọn văn võ phụ tá. Đồng thời, nàng cũng được trao ba danh hiệu cao nhất trong triều “Khai phủ Nghi đồng Tam tư”, “Thượng trụ quốc”, và chức thực tả quân úy Thần Sách quân tất cả đều là chức vị xưa nay chưa từng có nữ tử nào chính thức nắm giữ.
Trong điện Tuyên Chính, không khí lặng như tờ. Chỉ có tiếng trung thư lệnh kéo dài khúc khang, chậm rãi tuyên đọc sắc phong vang vọng khắp nơi.
Sau khi trao sách phong và bảo kiếm, Lý Nguyên Anh nắm tay muội muội, đưa nàng ngồi bên cạnh mình tức là ngay trên ngự tọa. Từ đó, hai huynh muội cùng nhau tiếp nhận lễ bái của bách quan.
Đám ngự sử ngay lập tức bắt đầu soạn lời can gián. Nội dung không ngoài những lời lẽ xưa cũ như “gà mái gáy sáng thì nhà sẽ lụn bại”. Song trong hàng quần thần, đã có kẻ âm thầm chuẩn bị sẵn lời phản biện, chỉ chờ dịp tung ra, vững như đinh đóng cột.
Tỷ như, nếu công chúa thực sự là thiên nhân mọc cánh thành tiên, nay quay lại chốn trần gian, thì thiên nhân vốn chẳng phân nam nữ, không thuộc về một giới nào cả. Mà đã thế, thì một người chẳng phải nam chẳng phải nữ như hoạn quan còn có thể nắm binh quyền, được phong tước, cớ gì một thiên nhân võ đức đầy mình như công chúa lại không thể?
Trên ngự tọa, hai bậc “thánh nhân” nắm tay sóng vai: hoàng đế thì sắc mặt xanh xao mỏi mệt, còn công chúa lại hồng hào tinh anh, thần sắc sáng rỡ, chỉ nhìn cũng biết ai mạnh ai yếu, ai bền bỉ hơn ai. Triều thần trong bụng âm thầm cân đo đong đếm, chẳng rõ nên xếp theo giới tính hay theo tuổi thọ, nhưng một vở diễn mới hẳn đã bắt đầu rồi.
Trong điện Tuyên Chính, tầng tầng sóng ngầm cuộn chảy, mà ngoài điện vẫn nắng vàng rực rỡ như không có gì xảy ra.
Trên lầu Nguyệt Hoa Môn, có một bóng người lặng lẽ đứng khuất trong bóng râm. Thân pháp ẩn mình giấu bóng của hắn đã đạt đến cảnh giới nhuần nhuyễn, hơi thở thu về kín đáo, cho dù ánh mắt Kim Ngô Vệ quét ngang cũng không thể phát giác nơi ấy có người đang lặng thầm nhìn xuống.
Để chọn được một chỗ ngắm nhìn trọn vẹn buổi lễ hôm nay, hắn đã len lỏi vào cung từ đêm qua, nấp lại nơi đây đợi tới giờ.
Từ xa nhìn lại, nàng vận một thân lễ phục rườm rà chồng lớp, trên đầu đội chiếc mũ cao cứng buồn cười, phía trước rũ đầy chuỗi ngọc, trông như một cái rèm che kín mặt. Con người ấy vẫn kiêu kỳ như xưa, chỉ khác rằng nay nàng đã khác hẳn thuở nào: bên mình là trăm quan nghìn lính, không còn là thiếu nữ nghèo túng chỉ có một con lừa gầy và vài tên tuỳ tùng ngày trước.
Phượng H**ng S* cơ phiêu bạt chốn nhân gian, một đường gió bụi rèn giũa, nay đã qua lò luyện trời đất mà lột xác tái sinh, đôi cánh căng đầy, rực rỡ hào quang.
Hôm nay là ngày lành của nàng, thế nhưng chẳng rõ vì cớ gì, trong lòng Vi Huấn chỉ hiện về dáng vẻ nàng từng khóc tủi ướt mặt dọc đường. Từ khi khỏi bệnh, hắn vẫn đang lặng lẽ vật lộn với một kẻ địch chưa từng có thứ tâm ma vẫn khăng khăng toan tính “trộm ngọc” một lần nữa. Hắn bám theo hai huynh muội từ U Châu trở lại Trường An, tiêu tốn mấy tháng trời, cuối cùng cũng dẹp yên được nó.
Hắn hiểu, cái đời ẩn cư ngoài giang hồ nàng từng thử qua, nhưng không quen, cũng chẳng thích hợp.
Mà thế giới nàng đang sống, hắn cũng chẳng hề yêu thích.
Hắn đành thừa nhận, bản thân đã đem lòng yêu thương đóa hoa kia, dù biết nó mọc lên từ mảnh đất mà hắn khinh thường. Nhưng chính đóa hoa ấy lại toả ra khí chất khiến người phải ngẩng nhìn, ấy chẳng lẽ không chứng minh nàng có dũng khí và tài năng để đổi thay cả vùng đất độc hại này sao? Nếu vì lòng riêng mà ép nàng ở lại bên mình, chẳng phải đã phụ bạc tài hoa của nàng, phụ cả giấc mộng an lành mà nàng hằng hướng đến?
Có lẽ, nàng sinh ra vốn để “khiến thiên hạ đảo điên”, là ngọn thần khí định sẵn phải chấn động càn khôn.
Con người sống trong trời đất, chẳng khác nào kẻ lữ hành qua chốn quán trọ. Dẫu biết mỗi chuyến đi đều có điểm dừng, nhưng điều đáng quý nhất vẫn là phong cảnh trên đường.
Ánh mắt dõi theo bóng nàng dần khuất vào sâu trong cung khuyết, Vi Huấn biết đã đến lúc phải rời đi. Vừa xoay người, hắn chợt nảy ra một ý nghĩ giễu cợt như tia chớp: Thiên hạ này nên đổi lại chữ “minh chủ” thành “minh châu” mới đúng.
Ý nghĩ đó chỉ thoáng qua trong đầu, hắn liền muốn kể cho Bảo Châu nghe để nàng bật cười. Nhưng rồi đứng khựng lại, trong lòng chỉ còn lại một nỗi buồn không tên.