Lăng mộ của Lệ Thái tử nay đã hoang phế, nhưng bên dưới lớp đất là kiến trúc cổ lâu năm, nhiều loài vật làm tổ, đào hang sinh sống, trở thành một vùng săn bắn tự nhiên. Cung pháp Bảo Châu như thần, mũi tên không lệch, chỉ một lúc đã bắn trúng bảy tám con mồi, chỉ tiếc không mang theo chó săn và giỏ đựng, thành ra tay không chẳng thể mang hết về.
Khóe mắt chợt bắt gặp một dáng nhỏ màu đỏ nhạt vụt qua, nàng lập tức kéo cung toan bắn, nhưng vừa thấy rõ hình dạng con vật kia, liền thả tay, không buông tên.
Vi Huấn vừa dắt về một con trĩ đuôi dài bị bắn trúng, thấy nàng lần đầu bỏ mồi, lấy làm lạ hỏi:
“Ngại con đó gầy quá sao?”
Bảo Châu đáp:
“Đó là một con hồ ly. A huynh ta thuở bé được đặt nhũ danh là Tiểu Hồ, bởi vậy ta từ trước đến giờ không bắn hồ ly.”
Thập Tam Lang đang giúp nàng buộc chặt mớ mồi, nghe vậy bèn phá lên cười:
“Tiểu hồ, mèo, toàn mấy con lông xù lông xù, nghe qua cũng có nét giống nhau đó chứ!”
Bảo Châu cũng bật cười khanh khách:
“Đệ nói cũng phải. Vậy sau này tỷ gặp mèo rừng cũng nên buông tha, kẻo lỡ tay mà đụng tới khí vận sư huynh nhà đệ.”
Vi Huấn không biết nên cười hay mếu, cúi đầu nghịch con trĩ, nhổ từng chiếc lông đuôi dài óng ánh, chẳng mấy chốc nhổ sạch nhẵn trụi.
Thập Tam Lang mỉm cười bảo:
“Trông chừng Cửu Nương và huynh trưởng tình thâm nghĩa nặng, việc gì cũng nghĩ thay cho người.”
Mắt Bảo Châu bừng sáng, giọng đầy tự hào:
“Tất nhiên rồi! Đôi ta cùng nhau lớn lên, a huynh ta là người hiền đức, lễ độ, hòa nhã, thông minh, lại dịu dàng săn sóc. Lại thêm dung mạo tuấn tú, xứng làm bậc minh quân kế nghiệp đại thống.”
Hễ nhắc đến Thiều Vương Lý Nguyên Anh, nàng nói mãi không thôi. Thập Tam Lang nhìn nàng tươi tắn, trong lòng thầm nghĩ:
“Dù không hiểu minh quân là thế nào, nhưng người thông minh, ôn hòa, săn sóc, lại xinh đẹp… nghe qua chẳng phải đang nói chính Cửu Nương đó sao?”
Chàng hỏi:
“Một nhân vật oai phong như huynh ngươi, cớ sao lại có nhũ danh là Tiểu Hồ?”
Bảo Châu hơi ngạc nhiên:
“Các ngươi chưa từng nghe chuyện “bạch hồ dẫn đường” hay sao?”
Cả Vi Huấn lẫn Thập Tam Lang đều lắc đầu.
Bảo Châu lập tức hào hứng kể:
“Vừa hay hôm nay rảnh rỗi, để ta kể các ngươi nghe một phen. Năm xưa, khi Kính Uyên nổi loạn, phản quân thiếu lương thực, bất ngờ đánh úp Trường An. Khi ấy phụ thân ta còn là Lương Vương, đang đưa Lý Thừa Nguyên cùng mấy chục thị vệ ra khỏi thành đi săn, bỗng nghe tin dữ, liền không dám trở về vương phủ. Không còn đường lui, đoàn người liền cưỡi ngựa vượt núi, men theo lối tắt về đất Thục. Thê thiếp và con cái trong phủ đều thất lạc giữa loạn binh, chẳng biết sống chết.”
Mười mấy ngày sau lang bạt trong núi hoang rừng rậm, ăn ngủ dưới trời, nửa đêm nọ, có người phát hiện một con hồ ly trắng len vào doanh trại, xua mãi chẳng đi, cứ quanh quẩn kêu gào như cố ý dẫn đường.
Mọi người lấy làm lạ, phụ thân ta quyết định theo dấu hồ ly. Qua mấy ngọn núi, tới trước một hang đá sâu kín, con hồ dừng lại, ngửa cổ kêu vang rồi đứng yên bất động.
Phụ thân ta vào hang xem thử, ai ngờ gặp được mẫu thân ta khi ấy vẫn còn là thiếu nữ đơn độc, đang lẩn trốn trong hang. Hóa ra bà được một nữ đạo sĩ kết giao với họ Tiết cứu thoát khỏi tay loạn quân, đưa tới đây ẩn nấp. Nữ đạo ấy có chút phép thuật, sai hồ ly đi tìm đường giúp đỡ, dẫn lối đến nơi.
Hôm đó Trường An xác phơi đầy đường, hoàng thân quốc thích nhà nào cũng bị cướp phá. Mẫu thân ta lại bình yên vô sự, còn nguyên y phục thạch lựu đỏ hôm chia tay, chẳng tổn một sợi tóc. Câu chuyện này ai trong cung cũng biết. A huynh ta được đặt tên Tiểu Hồ là để nhớ ơn hồ ly trắng năm ấy dẫn đường cứu mẫu thân.”
Nàng kể vừa sinh động vừa duyên dáng, Thập Tam Lang nghe mê mẩn, nhưng Vi Huấn lại chau mày.
Hắn nghĩ: “Đạo cô có bản lĩnh cứu người, điều ấy không sai. Nhưng công đầu há lại thuộc về hồ ly? Mấy chục thị vệ mang theo bên người, vậy mà gặp biến liền tháo chạy, bỏ mặc thê thiếp con cái cho loạn quân, thế thì còn mặt mũi nào gọi là nam tử đại trượng phu?”
Tuy nghĩ vậy, hắn vẫn im lặng, không muốn chạm đến nỗi đau trong lòng nàng.
Năm đó phản quân giết người không chớp mắt, nhà vương công bị truy diệt, chỉ mỗi Tiết thị may mắn thoát khỏi, còn lại vợ con thiếp thất đều bỏ mạng. Bởi vậy sau này khi Thiều Vương Lý Nguyên Anh ra đời, đã kém trưởng huynh mười tuổi.
Bảo Châu chẳng hay thân phận nữ nhi trong hoàng tộc khi rơi vào tay loạn binh sẽ gánh chịu thảm cảnh ra sao, nên vẫn xem chuyện ấy như dã sử thú vị để kể lại. Còn Vi Huấn thì rõ ràng hiểu rất rõ, chỉ là chẳng nỡ nói ra.
Cõi đời lắm nỗi đớn đau, người người chịu khổ. Cớ gì chuyện gì cũng phải tỏ tường?
Hôm ấy, Bảo Châu dùng hết sạch mũi tên mang theo, không còn sót lại một chiếc, tay không trở về nhưng lòng lại đầy mãn nguyện. Không có Dương Hành Giản quanh quẩn càm ràm, ba người đều thấy thảnh thơi.
Khi rời khỏi lăng mộ Thái tử, Vi Huấn quay đầu nhìn đám mây vờn trên gò đất, nghĩ bụng: “Đây là lần đầu tiên ta ghé thăm một ngôi mộ mà không cần nghĩ kế đào trộm. Chỉ đơn thuần là ngắm cảnh, vậy mà lòng nhẹ tênh.”
Mũi tên vốn là binh cụ dễ hao mòn, trong quân Đại Đường, một túi thường chỉ đựng ba mươi chiếc. Từ hôm rời Thúy Vi Tự đến nay, săn thú đã nhiều, nay chẳng còn mũi nào nguyên vẹn.
Thập Tam Lang dắt lừa mang xác thú về quán trọ, còn Bảo Châu và Vi Huấn đi tìm cửa hiệu rèn ở huyện thành để bổ sung. Họ đến tiệm nổi tiếng nhất vùng, mua một ống tên mới, thêm cả bao đựng cung bằng da khảm sừng, lại ép Vi Huấn mua thêm con dao ăn.
Bảo Châu nhìn quanh thấy đầy rẫy đao kiếm thương kích, trong đó có thanh kiếm chạm khắc tinh xảo, liền thuận tay cầm thử, cảm thấy khí thế lẫm liệt, liền hỏi:
“Hay là ngươi mua luôn thanh kiếm ba thước này? Trong thơ có câu: “Kiếm báu sáng như nước, ánh hồng còn vương máu. Ngựa trắng vượt đêm đen, canh ba băng tuyết lộ.” Thật đúng khí chất hào hiệp!
Nàng còn đang mê đắm trong giấc mộng thi nhân giang hồ, Vi Huấn lại chỉ cười cười lắc đầu:
“Ta chẳng quen dùng thứ ấy, vừa dài vừa vướng víu, nhảy nhót đụng đâu vướng đó. Hơn nữa… ta cũng chẳng có ngựa.’
Bảo Châu trong lòng khẽ sinh nghi. Tuy trong thơ phú nào viết về hiệp khách cũng chẳng thể thiếu bóng dáng thanh kiếm, nhưng từ khi bước chân vào chốn giang hồ đến nay, nàng chưa từng thấy ai thật sự đeo kiếm bên người. Ngay như Vi Huấn, hành tẩu thiên hạ cũng chỉ đem theo vài con dao ăn hay lưỡi chủy thủ, chẳng hề có lấy một thanh trường kiếm nào.
Nàng ngạc nhiên hỏi:
“Chẳng lẽ sư phụ ngươi không dạy kiếm pháp? Ta thấy các sư huynh đệ nhà ngươi cũng không ai dùng kiếm cả.”
Vi Huấn liền đáp thẳng:
“Sư phụ ta thì thứ gì cũng biết, nhưng ngoài ông ra, trong giang hồ thật chẳng mấy người dùng kiếm. Loại binh khí này khó học, lại khó thành, chẳng bằng đao tiện lợi, vừa rắn chắc vừa dễ dùng. Hơn nữa kiếm phần nhiều chỉ để trang trí, chứ thực chiến lại chẳng hữu dụng bao nhiêu. Không tin, ngươi cứ hỏi ông thợ rèn mà xem.”
Bảo Châu quả thật đem thanh kiếm đi hỏi chủ quán. Quả nhiên, câu trả lời không khác gì lời Vi Huấn. Người mua kiếm phần lớn là nhà quyền quý, dùng để treo trong thư phòng trấn trạch hoặc trừ tà, chứ thực tình chẳng có mấy người thật sự dùng đến. Còn những binh khí cấu tạo đơn giản, chắc chắn, dễ bảo dưỡng, mới là lựa chọn của đám hiệp khách và quân lính.
Nghe vậy, Bảo Châu bỗng hơi thất vọng. Nàng đặt kiếm trở lại, thầm nghĩ: “Chẳng biết các nhà thơ ca tụng kiếm vì thấy chữ ‘kiếm’ dễ vào vần, hay bởi nó đeo bên hông thì đẹp mắt?”
Lại nhớ đến bài thơ “Ôn Bát Xoa” miêu tả hiệp khách giữa đêm cưỡi ngựa trắng ra đi, dáng vẻ tiêu sái vô song, nhưng trong mắt nàng một người giỏi bắn cung thì đó chẳng khác gì cái bia sống giữa trời, quá mức dễ trúng đích.
Vừa suy nghĩ, nàng vừa bước ra cửa tiệm. Còn chưa kịp bước qua ngạch cửa, ánh sáng trước mặt bỗng tối sầm lại, như thể có vật gì che khuất cả mặt trời.
Trước cửa là một đôi giày to tướng như thuyền con. Nàng ngẩng đầu lên nhìn, mỗi lúc một cao, tới tận mái hiên mới thấy hết hình dáng người đang chắn lối. Là một đại hán vạm vỡ, cao lớn đến nỗi che kín cả lối vào, khiến ánh nắng chẳng thể xuyên qua.
Kẻ đó tóc búi bù xù, râu quai nón rậm rạp, đầu đội mũ đồng, tay cầm một cây trượng to như cột cờ. Trang phục kiểu đạo sĩ xuất gia, gương mặt hừng hực khí thế, cánh tay rắn rỏi đầy sẹo bỏng chằng chịt, thoạt nhìn đã khiến người ta sởn gáy.
Hai người chạm mặt ngay cửa, không ai chịu nhường ai.
Người kia dáng vẻ dữ dằn, mặt mũi hung hãn, lại mang theo đầy vết thương đáng sợ bao năm hành tẩu giang hồ, đi đến đâu cũng có kẻ tự động né đường. Nhưng Bảo Châu từ nhỏ đã sinh ra trong nhung lụa, thân là hoàng tộc, lại quen được người kính cẩn nhường lối. Ngoại trừ khi đối diện thiên tử, nàng chưa từng phải nhún mình trước ai.
Nàng từng gặp bao tướng sĩ thân hình khác thường trong quân ngũ, nên chẳng mảy may sợ hãi trước kẻ cao lớn thô kệch này.
Hai người cứ thế đứng yên một chỗ, không nói không rằng.
Gã đầu đà tưởng nàng bị dọa đến đờ người, định đưa tay nhấc nàng sang một bên. Nhưng khi cúi xuống nhìn kỹ, thấy tiểu cô nương trước mặt mặc váy vàng nhạt, gương mặt xinh tươi ngẩng cao, ánh mắt kiêu ngạo, thần thái ngang tàng chẳng khác nào một tiểu đế vương.
Gã nhìn nàng, trong lòng lại sinh hứng thú, không còn muốn dọa nạt. Bèn hơi nghiêng người sang một bên, chừa ra nửa lối cho nàng bước qua.
Tiểu hoàng điểu hất mặt bước đi, khẽ gật đầu, ung dung vượt qua ngạch cửa.
Gã định bước vào tiệm rèn, lại thấy từ trong đi ra một thiếu niên áo xanh, mặt mày xanh xao. Nhìn thấy người đó, gã chợt sững người, rồi nhanh chóng nghiêng người tránh sang một bên, thân hình cao lớn chẳng hề vướng víu, cử động lại nhẹ nhàng linh hoạt lạ thường.
Vi Huấn ngẩng đầu nhìn thoáng qua, cũng có phần kinh ngạc:
“Ngươi làm gì ở đây?”
Gã khoanh tay, giọng trầm thấp đáp:
“Lạc Dương có người cần một lượng lớn hỏa dược, là vụ mua bán tốt.”
Vi Huấn gật đầu:
“Ừ.”
Hắn chẳng hỏi thêm gì, quay người rảo bước đuổi theo Bảo Châu.
Hôm ấy, Bảo Châu dùng một con chim nhạn và đôi chim cảnh lông đỏ mỏ vàng làm lễ vật tặng cho Bàng gia. Bàng Lương Ký mừng rỡ vô cùng trong lục lễ, từ nạp thái, vấn danh, thỉnh kỳ, đến thân nghênh, đều dùng nhạn làm lễ vật thay mặt nhà trai sang nộp sính.
Thế nhưng chim nhạn trời sinh lanh lợi, bay cao bay xa, thợ săn giỏi mấy cũng khó bắn được. Kẻ có tiền nhiều khi cũng đành dùng vịt, ngỗng, hay tượng gỗ thay thế. Bàng Lương Ký trước đó đã bỏ trăm lượng bạc thưởng mới có được một con, đem dùng vào lễ nạp thái. Đến ngày cưới, vốn định ôm con ngỗng trắng đi rước dâu, nay lại có nhạn thật, tất nhiên là mừng như bắt được vàng, liền lấy lụa đỏ bọc lại, sai gia đinh mang về nhà giết rồi ướp muối bảo quản.
Bàng tổng quản trong lòng thầm ghi nhớ công ơn, âm thầm xếp nàng vào danh sách khách quý được mời ngồi hàng đầu bên dàn nhạc lễ trong hôn sự.
Về phần lão nho sĩ viết thơ gây chuyện hôm trước, Bàng gia chẳng chờ hết tiệc đã phái người đến quán dạy học mà tra hỏi. Hóa ra không có ai xúi giục gì cả chỉ là lão nho ấy vốn hết mực tin theo đạo Nho, lại mang lòng đố kỵ với kẻ phú quý, cho rằng người đàn bà góa thì nên ở vậy thủ tiết, không nên tái giá. Tức giận khi thấy kẻ nghèo như mình không được ai ngó ngàng, lại thấy nhà giàu sắp cưới con dâu tái giá mà còn mừng rỡ linh đình, nên mới ném vào bài thơ đôi ba câu bóng gió.
Hắn cứ tưởng cả nhà ấy không ai hiểu được thơ, nào ngờ đụng phải người rành văn chương, bị lật tẩy tại chỗ. Bị đánh cho một trận bầm dập, nếu không phải sắp tới đại hỉ, muốn kiêng điều dữ rước lành, e rằng hắn đã bỏ mạng trong đêm. Bàng gia tha chết, chỉ sai người đánh một trận, rồi đuổi khỏi đất Ngọc Thành.