Đại Đường Tích Châu Ký - Phạn Tạp

Chương 71

Vi Huấn thầm thấy mình thật nực cười.

Đôi mắt vốn sinh ra để nhìn, nàng muốn ngó ai thì nhìn, ai quản được? Lão Thất vẫn luôn là Lão Thất, đâu có bỗng dưng mọc thêm cái mũi hay đôi môi gì đặc biệt.

Vậy mà cái cảm giác nôn nóng bất an đang kìm nén trong lòng, lại cứ dâng lên không dứt, còn phải cố làm ra vẻ thản nhiên. Ngọn lửa âm ỉ ấy, rốt cuộc từ đâu mà bốc lên?

Nhất là khi nàng thuận miệng khen một câu, hắn liền cứng đờ không nói nổi một lời, quay người bỏ đi, mà ánh mắt lại không rời khỏi người kia. Trong lòng hắn chợt dấy lên một nỗi hụt hẫng khó tả, như vừa từ đỉnh Nhạn Phong trên núi Hoa Sơn rơi thẳng xuống vực sâu, không nơi bấu víu.

Trước đây, hắn từng khinh thường những chuyện rối ren lòng người, chẳng hiểu vì sao có kẻ lại phí hoài thời gian và sức lực vào những điều vặt vãnh ấy. Vậy mà giờ đây, chỉ một ánh mắt, một câu nói cũng đủ khiến tâm trí hắn chao đảo, nghĩ tới nghĩ lui, không thể gạt đi được.

Lần đầu nếm trải cảm giác lạ lẫm ấy, Vi Huấn thấy môi đắng ngắt, cổ khô khốc, lồng ng.ực phập phồng không yên, trên mặt không còn lấy một chút huyết sắc.

Suy cho cùng, hắn chỉ vì nghĩa khí mà đưa nàng đi U Châu tìm người thân. Viên ngọc Bảo Châu kia vốn không thuộc về ai, cũng không ai có quyền trói buộc nàng. Hắn nắm chặt lan can, ngón tay siết đến phát run, rồi lại buông lỏng, từng mảnh vụn gỗ theo kẽ tay rơi lả tả xuống sàn. Ấy vậy mà vẫn chẳng thể thốt nên lời.

Lầu hai có ai đó như vừa đánh vỡ ngũ vị hương, mãi sau mới thấy Bảo Châu dần thoát khỏi hồi ức về huynh trưởng, tò mò bước tới hỏi Hoắc Thất Lang:

“Sao trên mặt ngươi không còn vết sẹo nữa?”

Hoắc Thất nghe vậy, trong lòng chấn động, thầm kêu nguy to. Thường ngày nàng vẫn hay nói cợt, nay lại chẳng dám nói bừa nửa lời. Đang định quay đi tránh né, thì Bảo Châu đã kề sát lại gần, nghiêng đầu quan sát, tóc rũ xuống khẽ lay động cánh hoa đào đính trên trán, xem ra chỉ cần không cẩn thận là sẽ đưa tay sờ thử.

Hoắc Thất vội lùi một bước, mắt nhìn sang nơi khác, lúng túng đáp:

“Không phải vì tham gia hôn lễ của Lão Lục sao? Ta chỉ muốn giữ thể diện cho hắn, nên dùng ít phấn che lại thôi.”

Bảo Châu kinh ngạc. Trong cung, những ai có sẹo hay mụn đều quen dùng hoa điền hoặc giấy dán mặt để giấu đi khuyết điểm. Nhưng vết sẹo của Hoắc Thất kia đâu phải chút vết nhỏ, mà là một đường kéo dài nửa gương mặt, gập ghềnh dữ tợn sao chỉ dùng phấn mà có thể che giấu hoàn toàn, trông cứ như da thịt thật?

Nàng trầm trồ khen:

“Ngươi hóa trang giỏi thật, đến mức không phân biệt nổi thật giả.”

Hoắc Thất Lang cười đáp:

“Không phải hóa trang đâu, là thuật dịch dung.”

Đôi mắt hạnh mở to, Bảo Châu càng ngạc nhiên. Không ngờ trong sư môn kia còn có nhiều thuật kỳ lạ đến thế. Nàng hỏi:

“Nếu ngươi biết dịch dung, sao ngày thường không dùng luôn đi? Để cái sẹo dọa người kia làm gì?”

Hoắc Thất Lang lắc đầu, hỏi lại:

“Ngươi mỗi lần trang điểm tốn bao nhiêu thời gian?”

Bảo Châu đáp:

“Nếu làm kỹ thì mất gần một canh giờ.”

Hoắc Thất Lang nói:

“Ta cũng vậy. Nhưng người trong giang hồ đâu cần tranh sắc, chỉ so võ công ai cao ai thấp. Ta lại xui xẻo học vào một sư môn toàn lũ quái nhân, mỗi ngày còn không đủ ngủ để dưỡng thương, làm gì rảnh mà ngồi dịch dung mỗi sáng?”

Trong lời nói thoáng chút chua xót, bất đắc dĩ.

Vi Huấn từ trên lầu bước xuống, đi ngang qua hai người họ, lạnh nhạt buông một câu:

“Nếu ngươi chịu dành chút công sức ấy luyện thêm vài chiêu, thì đã không kém đến vậy, chẳng phải phải trông chờ vào gương mặt để nổi danh.”

Hoắc Thất Lang cười khổ, nói:

“Sư huynh lại đâm thọc rồi. Chúng ta ai chẳng là hữu danh vô thực? Ta là Khỉ La Lang Quân mặt nát, Bàng Lương Ký là con ngựa què, còn huynh, tên là Huấn mà chẳng thấy chút gì giống lời dạy.”

Rồi nàng quay sang Bảo Châu cười:

“Hắn chính là quái nhân trong đám quái nhân. Người đâu mà không cần ngủ, cả đêm chiếm chỗ trước cửa phòng người ta ngồi nhập định, coi như nghỉ.”

Bảo Châu nghe mà ngơ ngác, ngẩng đầu nhìn Vi Huấn, rồi ngạc nhiên hỏi:

“Sao ngươi lại ngồi trước cửa phòng người ta?”

Vi Huấn cứng người, giả vờ không nghe thấy gì, lập tức quay lưng ra khỏi khách đ**m, làm bộ kiểm tra yên cương cho ngựa.

Bảo Châu thấy hắn lại làm ngơ mình, trong lòng bực bội, liền nói với Hoắc Thất Lang:

“Ta không biết quái sư huynh các ngươi mạnh đến cỡ nào, nhưng ta biết hắn có một điểm yếu rất rõ.”

Hoắc Thất Lang mắt sáng như sao, hớn hở hỏi:

“Thật sao?! Vi đại lại cũng có cửa yếu?”

Bảo Châu hừ một tiếng:

“Chỉ cần ai hỏi đến chuyện hắn không muốn trả lời, hắn lập tức… giả điếc. Gọi thế nào cũng chẳng thèm ứng tiếng.”

Đứng ở cửa khách đ**m, Vi Huấn tay đang buộc cương ngựa chợt khựng lại. Hoắc Thất biết với khoảng cách này thì chắc chắn hắn đã nghe rõ ràng, không nhịn được phá lên cười sảng khoái.

Bảo Châu lại tiếp:

“Còn nữa, ta dám chắc hắn chẳng biết chút gì về thuật dịch dung.”

Hoắc Thất Lang cười hỏi:

“Sao ngươi chắc vậy?”

Bảo Châu đắc ý:

“Hôm nọ ta bôi chút phấn đỏ lên mặt, vẽ thành vết thương trông như thật, hắn nhìn xong mặt tái mét, sợ chết khiếp, chẳng phân nổi giả thật.”

Hoắc Thất Lang vỗ bàn cười nghiêng ngả.

Vi Huấn lúc này lỡ tay kéo mạnh quá, đứt cả dây yên, đành lẳng lặng buộc lại. Dù bị đem ra làm trò cười, nhưng ít ra cũng là tiếng cười vì hắn, lòng khẽ dịu lại đôi chút.

Lúc ấy, Thập Tam Lang người đã ra khỏi nhà từ sáng sớm cuối cùng cũng trở về. Trong tay ôm theo một cây cột cao tám thước, phía trên không treo cờ lụa mà lại buộc một cành đào còn xanh trái.

Mọi người ai nấy đã chỉnh trang sẵn sàng, cùng nhau cưỡi ngựa lên đường đến phủ Bàng gia ở Ngọc Thành.

Bảo Châu lấy làm lạ, hỏi:

“Đệ mang cái cột này để làm gì?”

Thập Tam Lang đáp:

“Đại sư huynh chuẩn bị đó. Nói là cành đào trừ tà.”

Bảo Châu ngẫm nghĩ, có lẽ là một tập tục dân gian nào đó, thấy thú vị nên cũng không hỏi thêm. Quanh đường đi có nhiều đứa trẻ la hét đòi tiền lẻ hoặc quả đào lấy may, nhưng Thập Tam Lang xưa nay vốn ham ăn vặt, hôm nay lại chẳng màng để ý. Chỉ lặng lẽ ôm lấy cây cột treo cành đào ấy, đi sát bên nàng, không rời nửa bước.

Ngọc Thành, phủ Bàng gia cử sáu gia đinh theo sát hộ vệ Cửu nương, vây nàng ở chính giữa. Bảo Châu từ nhỏ đã quen ra ngoài có hàng trăm cung nhân và nghi trượng vây quanh, nên cũng chẳng thấy có gì bất ổn. Chỉ là Thập Tam Lang đi sát bên, Bảo Châu chợt nhận ra hắn dường như cao lên không ít so với lần gặp ở chùa Thúy Vi. Với đà này, chẳng bao lâu nữa là kịp bằng nàng, khiến nàng cảm thấy vừa lạ lẫm vừa kỳ diệu. Trong lòng không khỏi nghĩ: liệu đệ đệ Lý Nguyên Ức còn ở lại trong cung có phải cũng đã lớn hơn rồi chăng?

Phủ Bàng gia ở Ngọc Thành quả là nhà hào phú, trong khu phố sầm uất mà chiếm cứ một mảng lớn đất đai, tráng lệ rực rỡ. Từ xa trông tới, mái ngói nối nhau, hồ ao dày đặc như răng lược. Quy mô ấy không thua gì các trang viên ở phía Nam Trường An. Mà phía Nam Trường An từ lâu vốn tụ hội những nhà vọng tộc, nhất là hai họ Đỗ và Vi ở Phàn Xuyên và phía Bắc khúc sông Vi, được ca ngợi là: “Thành Nam Đỗ Vi, đi mười dặm toàn đất quý.”

Bảo Châu ngẫm nghĩ, Thập Tam Lang mang họ Đỗ, Vi Huấn thì họ Vi hai họ lớn là vậy, mà người mang họ ấy bên nàng lại chỉ là những kẻ áo vải không một đồng dính túi rong ruổi giang hồ. Đối chiếu với danh môn thế tộc kia lại càng thêm thú vị.

Vì hôn sự của công tử Bàng gia, trong ngoài phủ tất bật không ngơi tay. Khi đoàn người Bảo Châu đến nơi, Bàng Lương Ký đang đứng trước cổng lớn, đôn đốc người hầu dựng nghi trượng. Trên khay là ba mũi tên, có lẽ cũng thuộc tục trừ tà trong lễ cưới.

Thấy khách tới, Bàng Lương Ký hớn hở nói:
“Tính ra vừa kịp lúc!”

Hắn dẫn mọi người vào nghỉ ngơi. Trên người đã đổi sang bộ trang phục đỏ rực dành cho tân lang, người gặp chuyện vui thần sắc cũng rạng rỡ hẳn, bước đi nhẹ nhàng, thoáng nhìn đã chẳng còn giống kẻ què hôm nào.

Bảo Châu ngắm cảnh trong viện, thấy cây giả đều bị dọn sạch, cỏ bị cắt phẳng, người hầu bận rộn dựng rạp tre giữa sân để cử hành đại lễ ngoài trời. Người qua người lại, tiếng gọi không dứt, cả sân toàn là dấu bùn giẫm lên, chẳng còn gì gọi là phong cảnh.

Bàng Lương Ký nói:
“Mấy hôm nay mưa liên tục, rạp tre lẽ ra phải dựng từ sớm, nay gấp gáp làm e khó tránh sai sót.”

Gia nhân liền dọn ghế cho khách ngồi nghỉ, còn hắn vì quá phấn khởi mà chẳng yên nổi. Bàng tổng quản khuyên nhủ:
“Tiểu lang, lễ nghi còn phải chờ đến rạng sáng mai, ta nên giữ sức thì hơn.”

Hoắc Thất Lang bật cười trêu:
“Giữ sức để đêm động phòng còn dùng chân chứ…”

Chưa dứt lời, nàng chợt khựng lại, nghĩ hôm nay là ngày vui, không nên buông lời tục tằn, huống chi bên cạnh còn có một cô nương nhỏ tuổi.

Bảo Châu thấy trên miệng giếng phủ chiếu trúc, cối đá để giữa sân đổ đầy bắp vàng, lấy làm lạ, liền hỏi người hầu đang dọn hoa:
“Đây là định giã gạo tại chỗ sao? Mà vì sao lại phủ chiếu trúc lên giếng?”

Tôi tớ vội đặt vật đang cầm xuống, lau tay trên áo rồi đáp:
“Thưa tiểu nương tử, đây là phong tục cát tường trong lễ cưới, nhà nào cũng làm thế, nô cũng chẳng rõ nguyên do. Nhà không có chiếu hay cối đá thì phải đi mượn về dùng.”

Bảo Châu thấy tấm chiếu ấy viền gấm, thêu hoa chim sặc sỡ, trông rất xinh, liền bước tới cầm thử một góc, nhưng thấy dường như đã được cố định chắc chắn.

Theo tục lệ trăm năm, lễ cưới tổ chức ngoài trời. Mọi người tụ tập trong sân trò chuyện, gia nhân mang ghế đến, Bảo Châu ngồi xuống, lập tức có tỳ nữ dâng chậu bạc rửa tay, rồi bưng sữa, quả khô, bánh trái lên. Nàng vốn quen được cung phụng, thiên kim nhà trời, càng đông người hầu hạ càng tôn quý. Dù chẳng ai biết nàng là vị khách nào, nhưng thấy khí độ ấy, chẳng ai dám chậm trễ, đều tự giác đứng quanh hầu hạ.

Bàng Lương Ký nhìn cảnh ấy, thấy họ còn cung kính hơn cả với mình, không khỏi lấy làm lạ:
“Cửu Nương thật sự giàu đến vậy sao?”

Vi Huấn cười đáp:
“Ngươi còn chưa tưởng tượng tới được nàng có bao nhiêu tiền đâu.”

Bàng Lương Ký lại chỉ Thập Tam Lang, hỏi:
“Tiểu đầu trọc ôm cột cờ làm gì?”

Vi Huấn đáp:
“Lá cờ ấy là tín vật. Người ở đâu, cờ ở đó. Cờ đổ là ta phải chạy đến liền.”

Bàng Lương Ký bừng tỉnh, định gọi tổng quản mang thêm vàng bạc tạ ơn Hoắc Thất Lang, mong nàng giúp mình lo liệu, nhưng quay ra đã thấy tổng quản đứng bên Cửu Nương từ lâu.

Bảo Châu vừa lột long nhãn bỏ miệng, liền nghe tổng quản cung kính nói:
“Trong nhà bận hôn sự, tiếp đãi không chu đáo, mong tiểu nương tử thông cảm. Có điều gì chưa ổn, xin cứ dạy bảo.”

Nàng thầm nghĩ những việc nhỏ thì không đáng nói, chỉ có một chuyện đáng lo, tốt nhất để người có trách nhiệm biết. Nàng lên tiếng:
“Hình như chuồng ngựa trong phủ có vấn đề?”

Tổng quản sắc mặt hơi đổi, lập tức phẩy tay bảo tỳ nữ lui ra, rồi ghé gần nói nhỏ:
“Tiểu nương mắt sáng như sao, quả nhiên không gì lọt qua được. Đêm qua, có kẻ lén rải bã đậu vào chuồng ngựa, khiến lũ ngựa bị tiêu chảy, giờ đều đuối sức.”

Bảo Châu ngẩn ra:
“Thảo nào trông chúng ủ rũ thấy rõ.”

Tổng quản nói tiếp:
“May mà tân lang và người đón dâu cưỡi ngựa riêng, được chăm kỹ, không ăn phải đồ bẩn. Chúng nô sợ ảnh hưởng hôn lễ nên không dám nói ra.”

Bảo Châu gật đầu:
“Ngựa nên đưa về nghỉ ngơi, giờ còn đứng được nhưng tới chiều là không trụ nổi. Nếu không sớm cho ăn cỏ khô uống nước, đêm xuống sẽ ngã quỵ hết.”

Tổng quản hốt hoảng:
“Sao có thể để khách quý phải đi bộ? Tôi lập tức cho người ra chợ mua thêm ngựa.”

Bảo Châu nhẹ nhàng:
“Không sao, chẳng phải chỉ mười dặm thôi sao? Ta đi bộ được. Ngựa mới mua chưa thuần, dễ hoảng, cưỡi không khéo lại hỏng việc.”

Nàng nghĩ bụng: Lễ cưới này xem ra có người cố tình phá rối. Trước là gửi thơ giấu lời đe dọa, giờ lại rải độc vào chuồng ngựa. Không biết là ai oán hận đến mức muốn phá cho bằng được. Hôm nay lễ chính, e khó tránh sóng gió.

Chẳng mấy chốc, giờ lành hoàng hôn đã tới. Bàng Lương Ký trong phủ bái lạy tổ tiên và cha mẹ, rồi lên ngựa, mang theo hai sư huynh đệ, hơn trăm người hầu và một cỗ kiệu hoa lộng lẫy, đi đón tân nương Tiêu thị.

Đúng như thơ rằng:
Nơi đâu xuân thắm nở, nơi đó cưới về nhà;
Hai hàng đuốc lửa đỏ, một cỗ kiệu hoa xa.
Tân nương bước lên kiệu, hương chướng rợp đường qua;
Thơ đưa chưa viết xong, trời sao đã nghiêng tà.

Dẫn đầu đoàn rước là tân lang Bàng Lương Ký cưỡi ngựa cao, dáng dấp hiên ngang. Hai bên trái phải là Vi Huấn và Hoắc Thất Lang. Phía sau là hàng trăm người cầm đuốc và đèn lồng, đi theo ba người áo đỏ dẫn đầu, dọc đường dân Ngọc Thành đổ ra xem đông như hội, tiếng trống tiếng kèn vang dậy.

Bảo Châu cũng theo trong đoàn đón dâu, bên cạnh có Thập Tam Lang ôm cột cờ cùng sáu gia đinh đi sát.

Khi đến phủ nhà gái, so với phủ Bàng gia nguy nga rực rỡ, nơi đây chỉ là hai dãy nhà nhỏ tĩnh lặng, sân vườn hoang vắng, không một ánh đèn, cửa lớn đóng chặt.

Người dẫn lễ tiến lên gõ cửa, cao giọng xướng:
“Trộm đến thì đánh ~ khách đến thì xem ~ đem tin đến ~ chị dâu em chồng, mau mau ra đón!”

Bình Luận (0)
Comment