Hoắc Thất Lang và Hứa Bão Chân vốn không giỏi hỏi cung, hai người vừa ra tay đã vung chưởng đánh ngất phu thê nhà họ Lư, còn chưa kịp tra ra tâm phúc là ai, ai là kẻ trực tiếp thi hành mưu đồ diệt môn. Trong lúc rối ren, mọi manh mối đều vụt tan như khói.
Từ những lời nói lắp bắp, rối loạn của Lư phu nhân, Bảo Châu đoán được tính mạng của Tiêu Nhiễm đang như ngọn đèn cạn dầu, không thể chậm trễ thêm được nữa.
Hoắc Thất Lang chau mày nói:
“Tên lão già mặc đồ tang kia, chẳng lẽ đã lỡ tay gi.ết c.hết Tiêu cô nương?”
Bảo Châu vội đáp:
“Không thể nào. Không có chuyện bậc trưởng bối để tang cho con cháu. Hơn nữa nhà họ Lư đối với nàng còn mang thâm thù, sao có thể làm vậy được?”
Nàng lặng người giây lát, rồi chộp lấy một gã gia đinh bị thương, gằn giọng hỏi:
“Lư Đình Phương để tang cho ai?”
Tên kia òa lên khóc:
“Là huynh trưởng của chủ nhân mất ở Trường An cách đây hai tháng. Cả nhà đều mặc đồ tang vì ông ấy.”
Bảo Châu chợt hiểu, liếc nhìn áo tang của Lư Đình Phương, thấy cách thắt vạt áo đúng theo lễ tiết ‘trảm suy’, lòng chấn động: chẳng lẽ là để tang cho con của Lư Tụng Chi?
Nhưng chuyện đó có vẻ không liên can trực tiếp đến vụ mất tích của Tiêu Nhiễm. Bảo Châu nôn nóng đi đi lại lại, trong lòng rối bời, miệng khẽ ngâm nga bài “Nghĩ vãn ca từ ” của Đào Uyên Minh:
“Mênh mông cánh đồng cỏ
Hàng bạch dương xác xơ
Trời tháng chín sương lạnh
Đưa ta ra ngoài ô
Bốn bên không nhà ở
Mộ thấp cao nhấp nhô
Ngựa hí vang nghển cổ
Gió từng cơn vật vờ
Nhà tối một đóng kín
Ngàn năm chẳng sáng cho
Ngàn năm chẳng sáng cho
Hiền đạt há khác chi
Người đưa ta đến đó
Đà lục tục ra về ra về
Thân thuộc còn xót xa
Người dưng đà vui vẻ
Chết đi là hết nói
Thân vùi bên sườn đồi” (Thivien)
Bài thơ miêu tả cảnh mình sau khi chết được đưa ra nơi đồng vắng, từ cỏ hoang, gió buốt, đến tiếng khóc người thân, thảy đều bi thiết khôn nguôi. Đặc biệt câu “Nhà tối một đóng kín, Ngàn năm chẳng sáng cho” khiến Bảo Châu rùng mình, nhớ lại cảnh bản thân từng bị chôn sống trong địa cung, nỗi tuyệt vọng ấy bỗng sống dậy.
Nàng lẩm bẩm:
“Không thể nào… chẳng lẽ bọn họ thật sự…”
Hoắc Thất Lang dù không biết nhiều chữ, nhưng vốn thích thơ phú, nghe nàng đọc cũng thấy cảm xúc dâng trào, bèn nói:
“Câu ‘Ngựa hí vang nghển cổ, Gió từng cơn vật vờ’, chẳng phải như thể con ngựa của Bàng Lương Ký đang khóc cho Tiêu cô nương hay sao?”
Bảo Châu chợt sáng mắt, lớn tiếng:
“Phải rồi! Bọn họ đem nàng chôn theo cùng chồng trước Lư Đan!”
Theo lệ, dù là vợ của chồng trước hay sau, nếu chết thì vẫn thường được táng chung cùng trượng phu. Dẫu là đất khách quê người, người thân cũng thường tìm cách cải táng cho được hợp mộ.
Không trách Lư Đình Phương thà chết cũng không chịu khai, bởi ông ta biết rõ Tiêu Nhiễm không còn là người sống.
Bảo Châu lại bắt một gia đinh, hỏi gắt:
“Mộ của Lư Đan nằm ở đâu?”
Tên kia còn chần chừ, đã bị Hứa Bão Chân quét phất trần cuốn vào cổ chân, kéo thẳng ra cửa:
“Thời gian không đợi ai, vừa đi vừa hỏi!”
Bảo Châu biết mộ phần của nhà quyền quý dù có lớn, cũng không như địa cung với nhiều tầng lớp. Nếu còn sống bị vùi bên trong, thì e chẳng cầm cự được lâu, nàng lòng như lửa đốt, vội theo sau chạy đi.
Hoắc Thất Lang nói:
“Dù là đại sư huynh có ở đây, muốn đào một hầm lớn cũng cần thời gian. Trừ phi là ngũ sư huynh…”
Gã gia đinh bị kéo lê một quãng, đến khi Hứa Bão Chân nhảy lên ngựa, giơ roi đe dọa:
“Nếu ta thúc ngựa một roi, thì da ngươi cũng tan nát. Còn không nói thật?”
Tên kia hoảng hốt kêu to:
“Xin đạo trưởng tha mạng! Nô chỉ đường ngay!”
Hứa Bão Chân lập tức xách hắn lên ngựa, phóng như bay. Gã chỉ tay về phía huyện thành Linh Bảo. Mấy người liền thúc ngựa phi nước đại.
Bảo Châu quay sang hỏi:
“Ngươi vừa nói câu kia là có ý gì?”
Hoắc Thất Lang đáp:
“Trong sư môn, nếu nói ai giỏi tìm mộ nhất, thì là đại sư huynh. Nhưng nếu so về tốc độ đào, thì ngũ sư huynh đứng đầu.”
Bảo Châu thầm nghĩ, La Đầu Đà thân hình to lớn, mỗi lần vào mộ đều phải lom khom mới đi được. Người như vậy sao chen nổi vào đường hầm trộm mộ nhỏ hẹp?
Mọi người phi như bay. Bảo Châu ngạc nhiên nhận ra con lừa của nàng hôm nay lại đặc biệt nhanh nhẹn. Bao lần nàng chê nó thấp lùn, xấu xí, chẳng dám cưỡi ra đường. Thế mà hôm nay roi vừa giục, nó không những không chậm, mà còn nhanh chẳng kém ngựa thường, khiến nàng âm thầm thấy lạ.
Theo hướng tên gia đinh chỉ, họ quay lại con đường cũ từ khách đ**m tới Ngọc thành. Vừa bàn bạc cách liên lạc với La Đầu Đà, thì bỗng một chấn động dữ dội vang lên, mặt đất rung chuyển. Sau đó là tiếng nổ lớn, một luồng khói đen bốc lên cuồn cuộn.
Ngựa giật mình hí vang, đứng thẳng hai vó trước, chỉ riêng con lừa của Bảo Châu vẫn ung dung, không nao núng.
Hoắc Thất Lang nhìn làn khói, reo lên:
“Là ngũ sư huynh! Hắn tới còn nhanh hơn chúng ta?”
Tới nơi, mấy người kinh ngạc thấy đây chính là gò đất lớn nơi sáng sớm Bảo Châu bắn hạ con chim quái. Cửa mộ bị đánh sập, một lối vào tối om mở ra giữa lòng mộ.
Bàng Lương Ký từ trong khói đen khập khiễng ôm ra một thiếu nữ nhỏ nhắn, mặt mũi lem luốc, nước mắt cùng tro tàn nhòe nhoẹt một vùng. Bọn tùy tùng vội vây quanh, nhưng hắn nhất định không buông, ôm chặt lấy người ấy rõ ràng chính là tân nương đã mất tích.
Bảo Châu vừa mừng rỡ vừa ngỡ ngàng:
“Các ngươi làm sao biết nàng bị chôn ở đây?”
Bàng Lương Ký chẳng buồn đáp, chỉ ôm lấy Tiêu Nhiễm đang thoi thóp trong vòng tay, nước mắt tuôn như suối, miệng gọi không ngừng:
“A Nhiễm… A Nhiễm…”
Một tùy tùng lên tiếng:
“Thưa Cửu Nương, công tử nhà ta cũng chẳng biết. Sáng nay người sai chúng tôi đi tìm quái điểu, tìm suốt ban ngày chẳng thấy gì, đang định trở về thì công tử đọc được bia mộ. Ngài phát hiện đây là mộ chồng trước của tân nương, thấy đất quanh mộ còn mới, trong lòng bất an nên cầu xin đầu đà sư huynh phá mộ xem. Không ngờ thật sự cứu được người. Này chẳng phải trời giúp hay sao?”
Mộ thất không có thông gió như địa cung, Tiêu Nhiễm đã hôn mê vì ngạt thở, tính mạng như chỉ mành treo chuông. Nếu không nhờ trực giác của Bàng Lương Ký, e rằng lúc Bảo Châu tới khai quật thì đã muộn.
Thấy mộ bị phá tung, Bảo Châu kinh ngạc:
“Đây là uy lực thuốc nổ? Thứ đó không phải chỉ để phát khói thôi sao? Sao không làm thương ai trong mộ?”
Hoắc Thất Lang cười:
“Ngũ sư huynh được gọi là Chấp Hỏa Lực Sĩ, chuyên phá cấu trúc mộ. Nhưng mỗi lần phá nổ như vậy động tĩnh rất lớn, bình thường không thể dùng, trừ khi ở nơi hoang vắng.”
Lúc ấy, từ lỗ hổng trong mộ, một bóng người to lớn khom lưng chui ra, hệt như núi đổ. La Đầu Đà tay cầm một mũi tên, mặt đầy nghi hoặc, bước tới đưa cho Bảo Châu:
“Của ngươi sao?”
Nàng cầm lên nhìn – đúng thật. Mỗi mũi tên trong túi nàng đều có khắc dấu chữ thập bằng móng tay. Kiểm lại chỉ còn 29 mũi, buổi sáng nàng bắn một tên vào quái điểu, chính là mũi này.
Bảo Châu ngạc nhiên:
“Ở đâu ra vậy?”
La Đầu Đà đáp:
“Găm trên nắp quan tài. Ta là người đầu tiên vào, không ai đổi được.”
Bảo Châu thẫn thờ. Mũi tên bắn vào quái điểu sáng sớm lại nằm trong phần mộ khép kín, bên cạnh là xác Lư Đan và Tiêu Nhiễm mất tích không tài nào lý giải được.
Nghĩ đến lời Hoắc Thất Lang từng kể về La Sát Điểu sinh ra từ thi khí, nàng bất giác thấy lạnh sống lưng. Không dám giữ mũi tên bên mình, nàng đưa lại cho La Đầu Đà:
“Làm phiền sư huynh đem nó đi siêu độ hay gì đó…”
Bàng gia sai người cấp tốc mời Quỷ Thủ Kim Cương Khâu Nhậm đến. Y xem mạch, châm vài mũi định hồn lên cổ Tiêu Nhiễm, rồi bảo ôm nàng về tĩnh dưỡng.
Khâu Nhậm quay sang nói:
“Gần đây lão lục đang tụ hội hơn ngàn người, gần như nửa võ lâm Trung Nguyên đã tới, nói là do Tàn Dương Thất Tuyệt mời đến xem lễ. Ba ngày rồi chưa mở tiệc, ai cũng ngồi chờ sốt ruột. Bàng phủ bị sự cố hôm cưới hãi đến không dám mở cửa, tam sư tỷ trấn thủ bên ngoài, tính tình lại nóng nảy, e rằng sắp đánh nhau tới nơi.”
Bảo Châu nghĩ: cứu được Tiêu Nhiễm mới là một phần, kẻ ẩn mình trong bóng tối giật dây vẫn chưa lộ mặt, nếu không trừ sạch, về sau sẽ còn tai họa.
Tàn Dương Thất Tuyệt đều có cùng ý nghĩ, liền lập tức lên ngựa, hộ tống Tiêu Nhiễm trở về.
Hứa Bão Chân bảo:
“Sắp tới là chuyện giang hồ, ngươi nên về khách đ**m nghỉ ngơi.”
Bàng Lương Ký cũng nói:
“Cửu Nương đã giúp đến mức này, đã là đại ân. Trước mặt là đao núi biển máu, không thể để nàng liên lụy.”
Bảo Châu nhìn quanh quần hùng đang hừng hực khí thế, ngạo nghễ đáp:
“Từ nay về sau ta với ngươi không liên quan. Nhưng đám người mai phục ta, khiến thuộc hạ ta bị thương, mối thù này ta phải đòi cho bằng được.”
Mọi người nghe nàng nói “thuộc hạ của ta” thì ngơ ngác, rồi đồng loạt nghĩ thầm: đến Vi Huấn cũng chịu lép vế trước nàng, quả là người dũng cảm ít ai bì.
Hứa Bão Chân cười cười:
“Tùy ngươi. Nhưng khi động thủ, không ai liều chết che chở ngươi như đại sư huynh đâu.”
Bảo Châu không đáp, chỉ ngẩng đầu thúc lừa tiến về phía Ngọc Thành.
Bàng phủ chung quanh đã tụ người như biển, đen nghịt cả mấy con phố, ai nấy tay cầm đao trượng, ánh mắt hằm hằm. Các tiểu thương gần đó sợ hãi bỏ cả hàng hóa mà chạy trốn.
Thác Bạt Tam Nương ngồi xếp bằng trên nóc tường, tay ôm tỳ bà làm bằng xương trắng, gảy khúc “Tần Vương phá trận nhạc”. Dây đàn đã hư hao, tiếng gảy nghẹn ngào sai nhịp, nghe mà rợn người.
Quần hùng Trung Nguyên bối rối, chẳng hiểu Tàn Dương Thất Tuyệt mời họ tới để làm gì, sao lại nghiêm phòng như nghênh địch. Giang hồ vốn ít ai tính khí hiền lành, dần dà trong đám đã có người giận dữ gào thét, khí thế căng như dây đàn.
Ngay lúc ấy, một cơn bụi mù nổi lên, tiếng vó ngựa chấn động đất trời, một nhóm hảo hán giục ngựa phi như bay đến, dũng mãnh như sơn băng thủy trút.
Người ta nhìn kỹ chính là Tàn Dương Thất Tuyệt!
Lão nhị “Động Chân Tử” Hứa Bão Chân, lão tam “Bà Âm Ma” Thác Bạt Tam Nương, lão tứ “Quỷ Thủ Kim Cương” Khâu Nhậm, lão ngũ “Chấp Hỏa Lực Sĩ” La Đầu Đà, lão lục “Tật Phong Thái Bảo” Bàng Lương Ký, lão thất “Khỉ La Lang Quân” Hoắc Thất Lang – tất cả đều có mặt.
Chỉ riêng người từng khiến thiên hạ khiếp sợ trong lễ cưới Thanh Sam Khách Vi Huấn là không thấy đâu.
Thay vào chỗ hắn là một thiếu nữ áo đỏ xinh đẹp rực rỡ, cưỡi lừa ung dung tiến tới, bên hông treo thanh kiếm Ngư Tràng trứ danh của Trần Sư Cổ bá chủ một phương, oai trấn võ lâm.