Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 257

Tả Thiếu Dương cảm giác mình giống như tân lang vậy, không thoải mái chút nào, con ngựa cũng không có vè gì là thích bị người ta thắt nơ buộc lụa trên người, coi như cũng là một đôi huynh đệ đồng bệnh tương lân.

Vì Tả Thiếu Dương bị chân nên được mấy binh sĩ tới nâng lên ngựa, còn có người dắt ngựa cho y, cũng may là thế, Tả Thiếu Dương không biết cưỡi ngựa, chân kẹp chặt lấy bụng nó, chỉ sợ đang đi giữa phố mà ngã lộn nhào xuống thì không để đâu cho hết nhục.

Ngồi trên ngựa nhìn xuống, thấy cha mẹ, Miêu Bội Lan và Bạch Chỉ Hàn đều đứng bên đường nhìn y, mẹ y cứ tưởng là mang lương thực trong nhà đi tặng cho quan quân rồi, vừa mừng vừa tiếc, Bạch Chỉ Hà nhíu mày, nàng biết rõ hơn ai hết lương thực trong nhà mình đi đâu sao lại còn lương thực đem ủng hộ quan binh, chỉ có Miêu Bội Lan hớn hở, đôi mắt to tròn cứ long lanh nhìn y đầy ngưỡng mộ sùng bái, làm Tả Thiếu Dương lòng lâng lâng.

Phó Cung lên ngựa, còn cố ý đi lùi lại nửa thân ngựa để Tả Thiếu Dương nổi bật hơn, nhạc lại nổi lên tưng bừng, đoàn người rồng rắn kéo nhau đi.

Hai tên binh sĩ giọng khỏe đi đầu, tới đầu ngõ là lớn tiếng tuyên truyền sự tích của Tả Thiếu Dương, cả hai thêm dầu thêm mỡ kể như thuyết thư, nói tới bản thân y cũng phải xấu hổ.

Bách tính nghe nói y một mình giết hai mươi tám phản quân thì kinh ngạc không ngậm miệng lại được, nhìn y gầy gò đã đành, môi còn sưng vù trông tướng mạo càng quái, cũng nghe danh tiếng tiểu lang trung của Quý Chi Đường, nghe đồn học bản lĩnh từ lão thần tiên trên núi, y thuật thần kỳ, tuổi trẻ mà không kém gì Nghê đại phu, chưa bao giờ nghe nói còn biết cả võ nghệ, có điều quan quân đã nói thế rồi thì tất nhiên không thể giả được. Còn chuyện y mang mười đấu gạo đi bán cho quan quân thì được đông đảo reo hò, vì họ cho rằng số gạo này sẽ đóng góp cứu tế người dân.

Bất kể nói thế nào thì đi vòng quanh mấy con phố lớn, sức ảnh hưởng thể hiện rõ ràng, người ra bán lương tăng thêm rất nhiều, còn kéo thêm cả đám đông đi theo chỉ chỏ bình luận. Tới sân rộng trước nha môn châu phủ, quan binh nơi này đã nhận được thông báo, nhiệt tình vô cùng, chuẩn bị cả trà nóng, cứ như đón lãnh đạo tới thị sát.

Gạo được đưa lên cân, quân sĩ phụ trách cân lớn tiếng đọc số, vừa vặn mười đấu, tổng cộng là hai quan tiền.

Xong xuôi hết, trên đường về do đã qua thời hạn cuối cùng bán lương thực, quân sĩ các phố bắt đầu kiểm tra từng nhà từng hộ, bầu không khí thay đổi 180 độ.

Nội dung binh sĩ phụ trách tuyên truyền cũng khác đi, bây giờ chủ động giao lương thực đánh hai mươi trượng, lương thực sung công, không chặt đầu. Nếu như để bị tìm ra thì vẫn xử phạt như cũ

Đại tướng quân hiển nhiên giảm diện đả kích tới mức thấp nhất, vẫn cho phép tự thú, xử phạt nhẹ, chỉ phạt những kẻ ngoan cố tới cùng.

Mới đi qua một con phố liền đã nhìn thấy "điêu dân" đầu tiên bị chém đầu.

Khi đoàn người bọn họ tới nơi thì đã hành hình xong, trên mặt đất có thi thể một lão phụ không đầu nằm co quắp trên đất tuyết, đầu người đã bị binh sĩ cắm cọc mang đi thị chúng, tiếp tục đi tới, gần như phố nào cũng có người bị chém đầu.

Thấy quan quân làm thật, người còn dấu lương thực đều mang ra giao nộp, cả nhà trừ trẻ nhỏ dưới 10 tuổi và người già trên 70 thì tất cả bị đánh đòn giữa phố.

Tiếng roi quất chan chát, tiếng kêu la thảm thiết khắp nơi, lúc đi thì trống nhạc tưng bừng, bách tính vỗ tay cổ vũ, khi về chỉ có tiếng kêu khóc, những vũng máu vương vãi, thi thể không đầu, Tả Thiếu Dương chẳng thể giả vờ tươi cười nổi nữa.

Khi sắp tới gần phố nhà mình, Tả Thiếu Dương gặp một nhà năm người toàn bộ bị chặt đầu, có cả đứa bé chỉ mới vài tuổi, binh sĩ đang mang từng bao lương thực trong hầm giữa nhà ra, chất đống ở cửa như ngọn núi nhỏ, nhiều không kém gì lương thực y dấu trong hầm.

Tả Thiếu Dương khiếp hãi, nếu không phải vì mẹ y quá sợ, cho nên mang lương thực ra khỏi nhà e rằng nhà mình không thoát được vận mệnh xử tử cả nhà.

Về tới phố nhà mình, tình hình có vẻ khá hơn, không ai bị chặt đầu cả, dù gì ở đây Quý Chi Đường có tiếng tăm, nên khi y đi đầu làm gương mọi người mang lương thực ra giao nộp, song vẫn có nhà bị đánh đòn giữa phố, một vài người ở trạm thu lương thấy y đi qua thì im lặng chắp tay cảm tạ, tin tức ở những phố khác có người bị chặt đầu đã truyền về.

Lí trí mà nói, Tả Thiếu Dương biết quan binh không còn cách nào khác, không cứng rắn thì sẽ có rất nhiều người giống y, liều mạng dấu lương thực trong nhà, lệnh không nghiêm chẳng khác gì trò cười. Nhưng lý thuyết chỉ là lý thuyết, làm sao có thể thản nhiên cho được, thiện cảm với quan binh cũng giảm đi rất nhiều.

Phó Cung thấy Tả Thiếu Dương suốt dọc đường về không nói một lời, mặt mày ủ rũ, thúc ngựa đi sóng vai với y, hỏi:

- Tả công tử, phải chăng chưa bao giờ thấy cảnh máu me thế này?

- Ta từng lên chiến trường, cứu chữa thương binh, ta không phải sợ cảnh máu me.

Tả Thiếu Dương lắc đầu:

- Nhưng vừa rồi còn là người sống sờ sờ, một đao chém xuống... Dù gì cũng không đành lòng, nếu kẻ địch còn đỡ, đây đều là bách tính...

- Chúng là điêu dân, chống lại mệnh lệnh của Đại tướng quân, bất tuân thượng lệnh, chém!

Phó Cung thấy y không đáp lại, nghiêng mặt sang cười:

- Sao, Tả công tử không đồng ý với lời của Phó mỗ à?

Tả Thiếu Dương bi phẫn buột miệng nói:

- Đúng, người dân không giao lương thực dư cho quan quân, không đồng tâm hiệp lực kháng địch là không đúng. Song trăm chữ lý còn thua một chữ tình, bách tính cũng chỉ là lo cho mạng sống của mình, của gia đình thôi, gian thương cơ hội chỉ là số rất ít, dọc đường ta thấy số người bị giết không một trăm thì cũng tam mươi người rồi, mà đây mới là bắt đầu thôi, tiếp nữa còn muốn giết bao nhiêu người?

Càng nói càng không kiềm chế được, giọng mỗi lúc một to, không khác gì chất vấn Phó Cung:

- Nhất là chuyện cả nhà bị chém, quá tàn nhẫn, giết gia trường đã đành, người già, trẻ nhỏ có mấy tuổi thì nó biết cái gì? Đó đều là bách tính trong thành, đại quân chúng ta tới Hợp Châu không phải là để tiêu diệt phản tặc, bảo hộ bách tính à? Nếu giết tiếp thế này, lòng bách tính nguội lạnh, chỉ cần có một sự kiện gây bất mãn có thể gây ra dân biến. Ta chỉ là một tiểu lang trung, ta không đứng ở vị trí cao có tầm nhìn xa, ánh mắt ta hạn hẹp, nhưng ta biết, giết người như vậy là không đúng, mong ngài phản ánh lên với Đại tướng quân soi sét lại.

Không ít người xung quanh nghe thấy Tả Thiếu Dương nói, người thầm tán thường, người lo lắng cho y, không dám thể hiện ra ngoài, trong lòng bọn họ bây giờ, quan binh không khác gì hung thần, động chút là giết người.

Phó Cung lòng hơi giận, song bây giờ không thể không trả lời, hắn làm đội trưởng thân binh, ngoài võ nghệ siêu quần, trung thành cơ cảnh, đầu óc cũng rất linh hoạt, lớn tiếng nói:

- Ài, Tả công tử là y giả, thương xót cho bách tính là bản tính, không thể trách cậu được. Ta cũng không ngờ rằng có nhiều kẻ dấu diếm lương thực như thế, nếu giết thế này chỉ sợ phải giết cả nghìn người, đúng là không đành lòng. Song một là quân lệnh đã hạ xuống, không thể rút lại, hai là giết nhiều người như thế mà vẫn còn những kẻ ngoan cố dấu lương thực, nếu không giết thì phải làm sao... Không biết công tử có cao kiến gì không?

Tả Thiếu Dương nuốt nước bọt, vừa xong buột miệng nói ra là đã hối hận rồi, giờ bị hỏi lại càng chửi tên Phó Cung này trơn như trạch, vị Đại tướng quân này là một vương gia, từ phong cách làm việc của hắn, như sấm nổ chớp giật, cực kỳ cường thế, khẳng định không phải người nghe lọt tai lời "trung ngôn nghịch nhĩ", mình nói đúng thì hắn mất mặt, mình nói sai thì mình chết.

Cũng may đầu óc sinh viên ưu tú không phải chỉ để làm cảnh:

- Thật xấu hổ, ta không hiểu việc quân, càng không hiểu việc nước, xưa nay chỉ biết chữa bệnh cứu người, cho nên thấy người chết quá nhiều mới không đành lòng nói vậy. Bây giờ nghĩ kỹ, giết không được, không giết cũng không xong, quá khó xử, nhưng ta tin rằng Đại tướng quân anh minh thần võ, ngồi trong màn trướng quyết thắng ngoài ngàn dặm, nhất định có biện pháp tốt nhất, bách tính chỉ cần đồng tâm hiệp lực cùng quan binh, chúng ta sẽ đánh bại được phản quân, giành lại bình yên cho Hợp Châu.

Phó Cung gật đầu, hơi nghiêng người sang nói khẽ:

- Tả công tử, ta thấy cậu sẽ sống thọ lắm đấy.

Tả Thiếu Dương cười khổ, cuộc sống nhiều lúc thực sự rất bất đắc dĩ.

Trong lúc nói chuyện đoàn người đã về tới Quý Chi Đường, một binh sĩ mang ghế để bên ngựa, hai binh sĩ khác to lớn như hộ pháp nâng bổng y lên như gà con nhẹ nhàng đặt xuống. Bạch Chỉ Hàn đã đợi trước, đi tới đỡ lấy y.

Phó Cung đang định cáo từ rời đi thì viên giáo úy phụ trách trưng thu lương thực nơi này đi tới, liếc nhìn Tả Thiếu Dương một cái, nói nhỏ:

- Đội chính, ti chức có việc khẩn yếu cần báo, đội chính có thể qua bên này một chút không?

Phó Cung nhíu mày:

- Có gì nói ngay đi, ta không có thời gian.

- Vâng vâng.

Giáo úy có chút khó mở miệng, cố áp giọng thật nhỏ để không nhiều người nghe được:

- Vừa rồi bọn ti chức bắt được một lão giả bán lương, lục soát nhà ông ta có tổng cộng 20 người, nhưng lại có tới 25 đấu lương thực, ông ta mang mang năm đấu đi bán, đòi giá một đấu 20 quan. Chuẩn bị chém đầu, ông ta khóc lóc nói, vì sao người khác bán không bị chém đầu mà ông ta lại bị chém đầu? Ti chức hỏi, người khác là ai, sẽ bắt chém chung... Ông ta nói là...

- Là ai?

Phó Cung mất kiên nhẫn:

- Phải chăng là thân nhân của quan viên, Đại tướng quân đã ra lệnh, bất kể là ai, dù quan viên hay bách tính, vi phạm quân lệnh, chém! Không nói nhiều.

Giáo úy cười méo xẹo:

- Ông ấy nói là Tả công tử bán cho mình...

Tả Thiếu Dương rụng rời chân tay, khốn kiếp lão già đó là ai, chắn chắn là lão vương bát đản công công của Triệu Tam Nương rồi.

Toàn bộ Tả gia như bị sét đánh, Lương thị ngã lăn ra đất ngất xỉu, Tả Quý kinh hoàng vội bấm nhân trung cho thê tử, Bạch Chỉ Hàn không tham dự việc này nên không hề biết, kinh hãi nhìn Tả Thiếu Dương.

Miêu Bội Lan giật mình một cái, sau đó chạy ngay vào bếp, rút ở bên đống củi ra hai con dao bổ cúi, dấu ở sau lưng, mắt nhìn Phó Cung không chớp, chỉ cần hắn hạ lệnh bắt người, nàng xông ra giết người cướp đường bỏ trốn.
Bình Luận (0)
Comment