Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 356

Trưa hôm sau Tả Thiếu Dương từ Hằng Xương dược hành về tới khách sạn thì Ngũ Thư và nô bộc của hắn đợi sẵn, mang theo một đống văn phong tứ bảo, chủ yếu là Lệ thư để Tả Thiếu Dương mô phỏng.

Nhìn cả cái bàn bày đầy giấy với chữ, Tả Thiếu Dương không khỏi thán phục, Ngũ Thư thực sự không phải hạng lười học làm biếng mà bỏ không ít công sức, cứ nhìn chữ viết của hắn là biết rồi, tới Bạch Chỉ Hàn cũng khen là bút pháp lão luyện, mạnh mẽ hùng hậu, nếu không phải tư chất có hạn thì đã dựa vào sức mình để lấy công danh, chứ không phải giở trò gian lận.

Bất giác Tả Thiếu Dương phải nhìn Ngũ thư bằng con mắt khác, nếu hắn chỉ là tên hoàn khố ham chơi bời bỏ tiền kiếm công danh khoe khoang thì nhất quyết sẽ từ chối không giúp.

Nhưng chữ viết Ngũ Thư đẹp như vậy thì Tả Thiếu Dương lại càng khổ sở, cả chiều hôm đó Tả Thiếu Dương chỉ học lý thuyết cơ bản về Lệ thư, học viết từng nét ngang nét dọc, mới đầu khá thuận lợi, đến khi viết chữ thì nát luôn, nét thì quá dài, nét quá to, tổng thể không ra làm sao, Ngũ Thư phải hết sức kiềm chế mới không nổi đóa, trống cầm canh vẫn chưa chịu về, còn đề nghị Tả Thiếu Dương chuyển hẳn vào Ngũ gia ở, như thế hắn có thể chỉ dẫn nhiều hơn, nhưng Tả Thiếu Dương không chịu.

Ăn cơm xong Tả Thiếu Dương tức khắc ngồi vào bàn luyện chữ, y không phục, nhưng chiều nay cũng biết Ngũ Thư kiềm chế lắm mới không chửi mình.

Nhìn Tả Thiếu Dương tập trung toàn bộ tinh thần viết chữ, có điều chữ không ra chữ, Bạch Chỉ Hàn nhẹ nhàng chỉ dẫn:

- Thiếu gia, nét đầu tiên định hướng, nét tiếp theo nương đó mà đi, một nét đậm, một nét nhạt, như thế mới thuận lợi được.. Không đúng, nét đó dài rồi... Không, không cần mạnh tay như vậy...

Nàng nói càng lúc càng lớn tiếng, tới lúc không nhịn được:

-.. Thiếu gia, làm cái gì vậy?

Tả Thiếu Dương giật mình, nhìn đống giấy bị mình phung phí, chính y cũng phải đỏ mặt..

Hít sâu mấy hơi, Bạch Chỉ Hàn lâu lắm rồi mới mất bình tĩnh đến thế, điều này làm nàng nhớ lại hồi cãi nhau với Tả Thiếu Dương, vòng tay qua, nắm lấy tay y, chỉ dẫn từng nét bút.

Nàng vừa mới tới gần, Tả Thiếu Dương thấy bờ vai chạm vào một thứ vừa mềm mại vừa đàn hồi, không cần nghĩ cũng biết là cái gì rồi, máu nóng chảy giần giật lên đầu, xúc giác ở vai trở nên vô cùng nhạy bén.

Tai không còn nghe thấy Bạch Chỉ Hàn nói gì nữa, buông thả bản thân tận hưởng khoái cảm tiêu hồn nữa, trời càng lúc càng nóng, gió hình như cũng chẳng thổi nữa rồi.

Song chuyện tốt chẳng kéo dài, Bạch Chỉ Hàn chỉ cầm tay giúp y viết mẫu vài chữ, sau đó lùi lại xem y tập viết.

- Thiếu gia, cổ tay không nên cứng như vậy, cầm bút chỉ cầm hờ thôi.

- Không nên chấm quá nhiều mực.

- Không phải như thế, sao cùng nét đầu thiếu gia có thể viết khác nhau như vậy?

....

Bạch Chỉ Hàn như giáo viên nghiêm khắc, cứ mỗi lần Tả Thiếu Dương viết sai là nàng chỉnh đốn, Tả Thiếu Dương cũng chẳng còn cảm giác nhuyễn ngọc ôn hương, lòng dần chuyển sang khó chịu, bực bội ném bút đi:

- Ta mới tập viết chưa tới một ngày, làm sao viết đẹp ngay được.

Đêm đó cả hai cùng bực mình tới mức không nói với nhau thêm câu nào.

Hôm sau Ngũ Thư tới từ sáng sớm, đề nghị Tả Thiếu Dương không đi làm việc khám bệnh nữa, chuyên tâm luyện chữ, tổn thất hắn đền bù gấp đôi, Tả Thiếu Dương kiên trì nguyên tắc của mình, tới chiều mới về luyện chữ.

Buổi chiều Ngũ Thư rút kinh nghiệm, yêu cầu Tả Thiếu Dương luyện từng nét một chứ không viết chữ vội, nhưng hắn á khẩu là Tả Thiếu Dương viết rất chuẩn, trăm nét như một, có điều cứ đến khi viết chữ là vấn đề xuất hiện, chẳng mấy chốc hắn cũng hiểu được nỗi khổ của Bạch Chỉ Hàn tối qua... Dạy Tả Thiếu Dương viết chữ không khác gì đầy đọa bản thân.

Buổi tối tới lượt Bạch Chỉ Hàn, lần này nàng có chuẩn bị, giảng giải bài bản hơn:

- Khi viết chữ phải chú trọng tới ý, vì hình thể hiện ý, viết nét đầu tiên là nghĩ nghĩ tới nét tiếp theo, như vậy nét chữ mới đồng nhất, không bị nét to nét nhỏ...

Kết quả không có gì thay đổi.

- Thiếu gia, đừng viết nữa, chúng ta học cách thở trước, thở khi viết rất quan trọng, vừa giúp chúng ta tập trung, lại có thể phân phối lực tự nhiên.

Học thở cũng không ăn thua, vừa để ý tới nét bút, vừa để ý tới nhịp thở, chỉ khiến người ta tức điên.

- Chỉ đơn giản vậy thôi, sao thiếu gia không học được nhỉ?

Bạch Chỉ Hàn cảm giác dạy Tả Thiếu Dương viết chữ làm mình không còn chút hình tượng nào nữa:

- Tưởng viết chữ đẹp mà ngon à?

Tả Thiếu Dương bị “mắng chửi” nhiều cũng đâm cay cú:

- Có giỏi thì ra đây đánh nhau tay đôi.

Bạch Chỉ Hàn đang tức mình cũng phải phì cười chảy nước mắt, lời lẽ trẻ con như vậy mà cũng nói ra được, thực sự làm nàng bó tay rồi.

Qua năm ngày, chữ viết Tả Thiếu Dương chẳng có tiến bộ gì, Ngũ Thư cũng nản còn tính tìm người khác, nhưng thời gian quá gấp, không tìm được, người ta có kiến thức có thể đỗ đạt tội gì vì ít tiền mà đi thi hộ, tự lấy công danh sau này chẳng có tiền đồ hơn sao, người như Tả Thiếu Dương là của hiếm.

Cũng may Tả Thiếu Dương không chỉ biết nghe người khác, y có cách của mình, nhớ lại thời tiểu học luyện chữ, lấy thước kẻ từng ô vuông bằng nhau, cố viết chữ trong khung đó, tuy thư pháp chẳng hề có tiến bộ, nhưng ít nhất viết ra được chút vị của Lệ thư rồi, từ đó mỗi luyện chữ đuổi Ngũ Thư và Bạch Chỉ Hàn đi, cấm bọn họ tới gần nói dù chỉ một câu, còn không tiếc lời dè bỉu bọn họ không biết dạy.

Dù sao Ngũ Thư cũng thở phào rồi.

Ngũ chưởng quầy thông qua quan hệ rút được bài thi lần trước của Ngũ Thư ra, để Tả Thiếu Dương chép lại một lượt.

Trong quá trình này Tả Thiếu Dương cũng biết được khảo thí y khoa của triều Đường như thế nào, thi huyện là thấp nhất, độ khó không lớn, đều chỉ cần giải thích đúng nghĩa của những thứ trong sách kinh điển y học là được, sau đó là cho vài bệnh án, từ đó biện chứng cách chữa trị, cái này khó hơn một chút, song với Tả Thiếu Dương mà nói vẫn quá đơn giản.

Tả Thiếu Dương phát hiện người thi hộ trước kia trình độ chẳng ra sao, sai be bét rất nhiều, phải chép lại nguyên xi cái sai đó, cảm giác vô cùng ức chế.

Ngày thi Châu cuối cùng đã tới, đầu thời Đường khảo thí khoa cử chỉ thi một ngày, mặt trời lên bắt đầu thi, mặt trời lặn nộp bài, tự mang theo lương khô nước uống mà ăn. Trước khi vào thi kiểm tra nghiêm nghiệt, mỗi người đưa vào gian phòng gỗ riêng, bên trong có một cái bàn, một cái bô, không có cửa, thuận tiện giám khảo tuần sát.

Cả con đường dẫn tới trước cửa nha môn bị phong tỏa, khảo sinh thì đi bộ từ đầu đường vào, người nhà cổ vũ động viên, những khuôn mặt đủ tâm trạng, những thứ bùa, thứ đồ ăn may mắn, rồi nghi lễ rườm rà, Tả Thiếu Dương thấy mình hình như hơi vô cảm, hoặc có lẽ y chỉ đóng vai người khác cho nên buồn chán nhìn tất cả, thi thoảng kèm theo vài cái ngáp dài chưa ngủ đủ giấc, khiến y nhận lấy ánh mắt thiếu thiện cảm xung quanh.

Tả Thiếu Dương cầm theo giấy giống kiểu giấy dự thi của Ngũ Thư đi vào trường thi, tim còn đập thình thịch, sợ người ta phát hiện mình thi hộ, tống ra khỏi trường thi thì mất mặt.

Kết quả quan phụ trách kiểm tra chỉ nhìn y một cái, phất tay cho vào, Tả Thiếu Dương thở phào, Ngũ gia lo cả khâu này rồi, không biết tốn kém bao nhiêu.

Thế nhưng Tả Thiếu Dương không biết, khoa cử lúc đó lỏng lẻo hơn sau này, miêu tả tướng mạo khảo sinh tới tận giữa thời Đường mới xuất hiện, bây giờ còn chưa có, nên thi hộ rất dễ.

Đề thi phát xuống, Tả Thiếu Dương đọc một lượt, hoàn toàn không có gì khó khăn, không khỏi thất vọng, nếu như cho y một cái bút bi, trong vòng nửa tiếng y có thể làm xong, nhưng bây giờ phải cố gắng viết cho tốt, nên coi như luyện chữ, viết từng nét từng nét một.

Đã là mùa hè rồi, cái phòng nhỏ, nóng như lồng hấp, Tả Thiếu Dương không có kinh nghiệm, mấy lần để mồ hôi làm lem mực, mờ cả chữ, phải viết lại cả trang, tới khi khảo quan báo còn nửa khắc nữa hết giờ mới viết xong, đúng là toát mồ hôi hột.

Thi xong ra ngoài thì Bạch Chỉ Hàn và người Ngũ gia đã đợi sẵn, rối rít hỏi tình hình thi cử, Tả Thiếu Dương phẩy phẩy áo đã ướt đẫm:

- Đề thi đơn giản, thông qua không thành vấn đề, chỉ là trường thi quá nóng, mệt hết cả người.

Mọi người bật cười, khảo sinh như y đúng là chưa từng có.
Bình Luận (0)
Comment