Từ khi bệnh cũ của Nguyên Cảnh Sơn tái phát phải nhập viện, giấy báo nguy kịch được gửi đến, các cuộc gọi hỏi han tình hình từ khắp nơi đổ về, nhà họ Nguyên trong lúc bận rộn cũng cố gắng sắp xếp trật tự, bắt đầu chuẩn bị cho cả hai trường hợp xảy ra.
Từ mười năm trước ông cụ đã trải qua một cuộc đại phẫu thuật, may mắn giữ lại được mạng sống. Sau cuộc phẫu thuật đó dù đã được chăm sóc cẩn thận nhưng cũng không thể ngăn được sự suy yếu do bệnh cũ tái phát theo thời gian. Gắng gượng đến hôm nay nhắm mắt xuôi tay, có con cháu đủ đầy bên cạnh, điều cần trăn trối và căn dặn cũng đã trọn vẹn, cả đời vẻ vang, tâm nguyện như ý, quả thật cũng chẳng còn gì phải luyến tiếc rơi lệ nữa.
Lễ truy điệu được tổ chức vào ngày thứ ba sau khi cáo phó được gửi đi. Hôm đó khách đến rất đông, có cả giới chính trị và kinh doanh.
Người già trăm tuổi qua đời là chuyện tất yếu, sảnh đường tang lễ chật kín quan khách, không khí cũng không quá đau buồn.
Chỉ là lượng người ra vào quá nhiều, việc công việc tư đều có, không thể lơ là chút nào, hầu như trên mặt mỗi người nhà họ Nguyên đều hiện rõ vẻ mệt mỏi.
Sau khi tang lễ kết thúc, chỉ còn lại một số ít họ hàng xa ở lại cần tiếp đãi, chuyện này cũng là ý của bác cả Nguyên Duy. Ông ấy lo lắng bà cụ đột ngột sống một mình sẽ buồn lòng, bèn đưa bốn năm cô dì chú bác đến căn nhà tổ ở ngoại ô để bầu bạn tâm sự với bà cụ.
Bà Nguyên đích thân sắp xếp phòng ốc, sợ tiếp đãi không chu đáo lại điều thêm hai người giúp việc qua đó.
Mấy hôm nay tài xế của nhà họ Nguyên đều bận tối mặt.
Nguyên Duy tự mình lái xe đến đón mẹ. Trong gian nhà chính chất đầy quà cáp, bà Nguyên vừa sai người dọn dẹp xong thì nhìn thấy Nguyên Duy từ sau bức bình phong đi vào. Chiếc áo sơ mi đen tôn lên dáng người cao ráo của anh, dưới
ánh mặt trời trông anh càng toát lên vẻ lạnh lùng và khó gần. Chờ anh đi đến trước mặt mình, bà Nguyên hỏi anh có muốn qua chào hỏi họ hàng một tiếng không.
Giọng Nguyên Duy lạnh nhạt: “Mấy hôm nay ngày nào cũng gặp rồi mà ạ?”
Bà Nguyên biết con trai không có hứng thú nên cũng không miễn cưỡng nữa, bà vừa xoa vai vừa nói nửa tháng nay mình chưa được ngủ một giấc ngon lành, xương cốt như muốn rã ra.
Nguyên Duy nói lúc anh ra ngoài thì thợ mát xa mà bà hẹn đã đến, giờ đang đợi bà.
Bà Nguyên vốn còn muốn ở lại đây ra vẻ một chút, nhưng nhất thời lại đổi ý, nghĩ bụng bà ra vẻ cho ai xem chứ, chỉ có mệt mình thêm thôi.
Thế là bà dặn dò vài câu rồi hai mẹ con cùng nhau đi ra.
Bà Nguyên cảm thán, may mà bà chỉ sinh một đứa con trai, chứ quan hệ chị em dâu thực sự quá mệt mỏi. Tại sao chỉ vì hai người đàn ông là anh em ruột mà lại bắt hai người phụ nữ vốn không liên quan gì đến nhau phải vất vả thế này? Cứ như hát tuồng vậy, chị diễn một đoạn tôi lại phải tiếp một đoạn.
Nguyên Duy nghĩ, ở cái tuổi này mà mẹ anh vẫn có thể thản nhiên nói ra câu “tại sao chứ” như vậy, có lẽ cũng không thực sự mệt mỏi lắm.
Bố anh bề ngoài nho nhã, lịch thiệp, nhưng thực chất bên trong vô cùng mạnh mẽ.
Trong việc bảo vệ vợ cũng rất mạnh mẽ cương quyết.
Thỉnh thoảng bà Nguyên cũng hay giả bộ rầu rĩ không vui, song chung quy lại thì bà vẫn luôn tự mãn, thường nói bản thân ‘nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống lại không ai bằng mình’. Nhưng Nguyên Duy biết rõ bố anh đã không ít lần theo sau dọn dẹp tàn cuộc cho bà, biết bao nhiêu chuyện rối ren còn chưa kịp bung bét là ông Nguyên đã sai người đi xử lý ổn thỏa.
Tính cách bà Nguyên vốn hiền lành dễ chịu, nhưng không phải vì thế mà khi bị bắt nạt bà lại không tỏ ra nóng nảy hay khó chịu. Mà là bởi vì ai cũng biết ông Nguyên nổi giận lên rất đáng sợ, một khi ông đã nổi giận thì sẽ không còn ôn hòa dễ nói chuyện nữa.
Bà Nguyên vốn có nhiều bất mãn với ông Nguyên, lúc này lại bắt đầu than thở với con trai: “Cần gì phải xếp sắp lắm người trực đêm thế không biết. Con xem con kìa, mấy ngày nay mắt thâm quầng hết cả rồi, con cũng đâu phải là con trai nối dõi của bác cả đâu, bố con chẳng biết thương con gì cả!”
Lý do trong đó Nguyên Duy cũng không giải thích nữa, chỉ thản nhiên trêu chọc: “Nếu người đi là mẹ, chắc chắn bố sẽ xót.”
Bà Nguyên lập tức nũng nịu, đánh yêu con trai.
Sau khi lên xe, bà Nguyên nói: “Con lo chuyện của con trước đi, đêm qua mẹ có nghe bố con với bác cả nói chuyện rồi đấy.”
Nguyên Duy nghe vậy thì lập tức thu lại nụ cười, nghĩ đến một người nào đó, trong đầu anh xẹt qua nhiều mảnh vụn ký ức. Một lát sau, anh hỏi bà Nguyên: “Hồi trước khi con về nước để học cấp ba, hình như mẹ có dạy một học sinh tên là Phó Nhuận Nghi đúng không, lúc đó vì sao cô ấy không học violin nữa ạ?”
Bà Nguyên ngẫm nghĩ rồi nói: “Hình như lúc đó ở trên trường học tiết thể dục bị thương ở tay, mà lạ là bố cô bé ấy lại đích thân gọi điện báo.”
“Bị thương? Nghiêm trọng lắm sao? Đến mức không thể tiếp tục học nữa ạ?”
“Chỉ là trật khớp thôi, làm gì nghiêm trọng đến thế, mượn cớ ấy mà. Chẳng phải mẹ có từng kể rồi sao, cô bé đó không phải con ruột của nhà họ, hình như đã nhiều năm rồi không nghe tin tức gì của cô bé đó nữa. Ngược lại là cô thiên kim thật kia, dạo trước mẹ có nghe người ta kể là hình như cô gái ấy cũng khá giỏi giang.” Nói xong, bà Nguyên ngạc nhiên hỏi, “Sao tự dưng con lại nhắc đến học sinh cũ của mẹ vậy?”
“Không có gì, chỉ là đột nhiên cảm thấy hình như con có chút duyên phận với cô ấy.”
“Duyên phận gì?” Bà Nguyên nhíu mày, nghi hoặc hỏi, “Sao mẹ nhớ hồi cô bé đó đến nhà chúng ta học thêm, con còn chẳng chủ động nói chuyện với người ta câu nào?”
“Không có sao? Con không nhớ rõ nữa.” Nguyên Duy thản nhiên nói.
“Chắc là không có, mẹ nhớ là mẹ còn hỏi thăm cô bé ấy tình hình của con ở trường, hỏi là Nguyên Duy ở trường có yêu sớm không.”
Nguyên Duy không biết trước đây còn xảy ra chuyện như vậy: “Mẹ dạy người ta học thêm mà còn nhiều chuyện như vậy làm gì?”
“Thì quan tâm con chứ sao, con nghĩ mẹ giống bố con à, chẳng quan tâm đến chuyện gì, cứ mở miệng ra là ra lệnh.” Bà Nguyên nhớ lại, “Cô bé đó hay mắc cỡ, lắc đầu nói là không thân với con, không biết, mặt mũi đỏ bừng cả lên.”
“Mắc cỡ? Không thân với con?”
Nguyên Duy nhẹ nhàng lặp lại từng chữ một, nửa hỏi nửa đáp, bàn tay nắm chặt vô lăng, mắt nhìn thẳng con đường thông thoáng phía trước.
Một suy nghĩ bỗng hiện lên, Phó Nhuận Nghi trong ấn tượng của anh đôi khi cũng rất thẹn thùng, lúc làm sẽ ghé sát vào tai anh nỉ non “Vừa rồi anh đâm sâu quá, đừng vào sâu như vậy được không”; đôi khi cũng chẳng thẹn thùng cho lắm, sẽ vừa rơi nước mắt vừa run rẩy nức nở bảo anh “Dừng lại đi Nguyên Duy, tôi sắp chết rồi”.
Lúc Nguyên Duy và bà Nguyên về đến nhà, ngoài thợ mát xa đã đợi từ lâu thì trong phòng khách còn có một vị khách không mời mà đến.
Nghê Sanh Nguyệt vừa nhìn thấy họ thì lập tức đứng dậy, bước tới mỉm cười.
“Dì, mấy ngày qua dì vất vả rồi, cháu cũng không giúp được gì, vừa hay gần đây họ hàng bên Mã Lai có gửi sang hai hộp yến sào, chất lượng tốt hơn hẳn so với những loại bán trên thị trường, nên cháu muốn mang đến cho dì bồi bổ, một chút tâm ý mong dì nhất định nhận cho ạ.”
“Ôi chao, Sanh Nguyệt chu đáo quá.” Bà Nguyên giả vờ bất mãn, liếc nhìn Nguyên Duy bên cạnh, “Sinh con gái vẫn tốt hơn, áo bông nhỏ mới biết thương mẹ.”
Nghê Sanh Nguyệt nở nụ cười e lẹ, lại nói: “Dì, hôm nay cháu chỉ đến đưa chút đồ thôi, cháu thấy dì còn hẹn người mát xa, nên không làm phiền dì nữa ạ.”
“Vậy đâu có được, cháu đến đây một chuyến mà còn chưa kịp uống ly trà nóng đã muốn đi rồi, vậy để Nguyên Duy —”
“Được, để tôi tiễn em ra ngoài.” Nguyên Duy cắt ngang lời bà Nguyên, cũng không quan tâm bà Nguyên định nói gì, anh nói thẳng, “Vừa hay công ty còn chút việc phải xử lý, đi thôi.”
Sắc mặt Nghê Sanh Nguyệt hơi ảm đạm, nhưng vẫn giữ nụ cười tiêu chuẩn chào tạm biệt bà Nguyên, sau đó đi theo Nguyên Duy đã đi trước một bước.
Bao nhiêu năm nay Nguyên Duy thường xuyên không đợi cô ta, thực ra cô ta đã quen với kiểu vô tâm không quá đáng này rồi, tự an ủi bản thân rằng Nguyên Duy không phải là kiểu người am hiểu nữ nhi tình trường. Nếu đã không muốn một người đàn ông bình thường, vậy thì phải chấp nhận sự lạnh nhạt khác người bình thường của anh, kỳ thực cũng rất hợp lý.
Hai người vừa ra đến ngoài phòng, Nghê Sanh Nguyệt nắm chặt chiếc túi xách nhỏ, cong khóe môi giả vờ như vô tình hỏi: “Cuối tháng Tư anh đến Tân Loan rồi ở lại cả tháng mới về, em nghe đàn chị nói công việc bên đó của anh đã kết thúc từ sớm rồi, còn tưởng là công ty không có chuyện gì bận lắm.”
Nguyên Duy bâng quơ đáp lại hai chữ “Vẫn ổn”, khiến bầu không khí trò chuyện vừa được khơi dậy lập tức rơi vào im lặng.
Tình huống như vậy không phải là ít, Nghê Sanh Nguyệt bình tĩnh ứng phó, tiếp tục hỏi: “Phong cảnh bên Tân Loan đẹp lắm đúng không?”
“Tôi ít khi ra khỏi nhà lắm.”
Cũng chẳng phải nói dối, những địa điểm nổi tiếng ở Tân Loan, Nguyên Duy thật sự chưa đi nơi nào.
Ngoài thời gian làm việc ra thì phần lớn thời gian còn lại anh đều dành cho căn nhà nhỏ của Phó Nhuận Nghi và hai con phố gần nhà cô. Những con phố cổ giữ được nét đặc trưng của Tân Loan rất đẹp, nhưng quán xá xung quanh nhà cô quả thật như lời cô nói, chẳng có quán nào ngon cả.
“Sau này anh vẫn còn việc phải đến Tân Loan đúng không? Nghe nói anh đang nhắm đến một công ty công nghệ, định thu mua, lần sau đến đó em có thể đi cùng anh không? Chắc mùa hè là thời điểm thích hợp để đến Tân Loan chơi nhỉ?”
Nguyên Duy nhìn cô ta, hơi mỉm cười, nét mặt chút sâu xa: “Sao chuyện gì em cũng nghe ngóng được vậy? Tin tức nhanh nhạy thật đấy.”
Nghê Sanh Nguyệt nhất thời ngại ngùng, nhưng không hề mất bình tĩnh, cô ta nhanh chóng khéo léo đùa lại: “Cậu chủ Nguyên, anh hiểu rõ bản thân một chút được không? Biết bao nhiêu là cặp mắt đang dõi theo anh, tin tức liên quan đến anh chỉ cần để ý một tí là biết ngay thôi mà?”
Cô gái trước mặt tự nhiên hào phóng, nụ cười rạng rỡ.
Nguyên Duy nhìn vào mắt cô ta, bỗng chốc ngẩn người, nhớ đến một ngày nọ anh cùng Phó Nhuận Nghi ăn sáng, cô ngồi đối diện anh, lông mày cụp xuống, hàng mi tuy không dày và cong vút nhưng lại dài vừa phải, cũng giống như con người cô vậy, ôn hòa điềm đạm trả lời những câu hỏi mà anh đưa ra.
“Tôi không biết phải tìm hiểu ở đâu.” “Người khác dò hỏi về anh như thế nào?”“Nguyên Duy?” Nghê Sanh Nguyệt nhận ra có gì đó bất thường, khẽ gọi.
Ánh mắt Nguyên Duy từ lơ đễnh chuyển sang tập trung vào người trước mắt, bình tĩnh tiếp tục chủ đề đang dang dở: “Mùa này đến Tân Loan đúng là rất thích hợp, đặc sản đào mật bên đó đang vào mùa.”
“Công ty còn việc, tôi không tiễn nữa.”