Đạo Mộ Bút Ký

Chương 118

Editor: Earl Panda

Beta: Thanh Du

~0O0~

Đối với Trần Bì A Tứ, gặp người chết là chuyện hết sức bình thường. Không phải xác ướp bánh tông mò ra từ cổ mộ thì cũng là kẻ xấu số do chính ông ta giết hại, đếm sơ sơ cũng không hết. Ông ta quay ra nhìn thấy cái xác, tinh thần liền thả lỏng, bụng nhủ thầm chả biết thằng quỷ xui xẻo nào lại lăn ra chết ở chỗ này, đã thành con mực khô rồi mà còn đi hù dọa người ta.

Tuy nghĩ vậy nhưng Trần Bì A Tứ tay vẫn kẹp một viên đạn sắt. Tuyệt chiêu tay không bắn đạn sắt ông ta đã khổ luyện từ bé, đến giờ có thể nói là bách phát bách trúng, hơn nữa, viên đạn ông ta búng ra bay đi với tốc độ cực nhanh, người thường có lẽ còn chưa kịp nhìn thấy động tác của ông ta thì đã bị bắn cho mù mắt luôn rồi.

Nhìn trang phục của thi thể người Mèo này, có thể chắc chắn anh ta đã chết không mười năm thì cũng phải đôi ba năm rồi. Về cơ bản, quần áo đều đã mục nát hết, chẳng qua phần lớn thi thể bị mấy loại cây họ dương xỉ, ba địa[1] và rong rêu mục bao phủ nên phục sức đặc trưng của người Mèo vẫn còn khá nguyên vẹn. Nhưng trải qua bao nhiêu năm dầm mưa dãi nắng như thế, không hiểu sao thi thể này vẫn chưa bị phân hủy hết, mà trông chỉ như bị hao đi chút nước thôi?

Phần bụng thi thể vẫn còn hơi cử động, Trần Bì A Tứ càng nhìn càng thấy quái lạ. Ông ta là người có cách hành sự đặc biệt. Ví như nếu là tôi lúc ấy thì chắc chắn đã quay đầu bỏ chạy từ lâu rồi, nhưng Trần Bì A Tứ từ nhỏ đã tôn thờ câu “tiên hạ thủ vi cường”, ông ta trong đầu vừa nghĩ, tay đã “Bụp bụp bụp” búng ra ba viên đạn, cả ba viên đều nhắm vào trúng vùng bụng của thi thể, trong lòng nghĩ, mặc kệ mày là cái quái gì, cứ đánh chết đã rồi tính.

Lực bắn của viên đạn sắt cực mạnh, hầu như khiến thi thể bị đánh nát làm hai nửa. Nửa người dưới vừa tách ra, Trần Bì A Tứ tức thì nhìn thấy bên trong trào ra một loại chất nhầy màu vàng không biết tên, bọc bên ngoài một lượng trứng rất lớn. Không ít trứng đã được ấp nở, biến thành một đống sâu màu trắng giãy dụa trong chất nhầy. Nhìn thoáng qua, trông nó có vẻ giống một thứ mà ông ta vô cùng quen thuộc: tổ ong. Ngay sau đó, từ vết thủng trên thi thể người túa ra một đàn ong địa hoàng[2].

Trần Bì A Tứ chửi một tiếng, trong bụng thầm than thật xui xẻo, hóa ra là ong địa hoàng làm tổ trong thi thể này. Nọc của ong địa hoàng có độc tính rất mạnh, lại cực kỳ hung dữ, đúng là số ông ta quá đen.

Mắt trông thấy ong địa hoàng bắt đầu túa ra thành cả một màn sương đen đặc, Trần Bì A Tứ bỗng cái khó ló cái khôn, lôi từ trong ba lô đồ tùy thân ra một cái xẻng gấp của quân giải phóng, xúc một xẻng đầy đất bùn ẩm, hất mạnh lên vết thủng của thi thể hòng lấp hết đám ong địa hoàng đang ào ào túa ra, sau đó xoay người bỏ chạy.

Đám ong địa hoàng đã ở bên ngoài liền ùa lên, ông ta vừa dùng quần áo đập liên tục, lại vừa chạy loạn không cần nhìn phương hướng. May mà ban nãy nhanh tay xúc một xẻng đất bùn nên mới chỉ mất có mấy cái túi. Chờ đến khi ông ta dừng lại để thở gấp, phủi phủi mấy con ong địa hoàng còn bám lại trên người, nhìn quanh quất thì không biết mình đã chạy đến nơi nào rồi.

Trần Bì A Tứ rút mấy con ong đã kịp đâm vào người mình, cơn đau buốt ập đến khiến ông ta phải nghiến răng. Trong bụng vẫn thấy quái lạ, tại sao trong xác chết lại có ong địa hoàng làm tổ nhỉ? Loài ong độc này thường sống dưới lòng đất, giống như loài kiến vậy. Vào sâu trong rừng mưa Quảng Tây, đôi khi còn có thể nhìn thấy hàng đống tổ ong nhấp nhô như những ngọn đồi con con. Người đi đường không biết, lại tưởng tổ kiến, đào lên tìm kiến, thế là trong khi anh ta còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã bị đàn ong xâu xé đến mức biến thành một quả bóng gai.

Ở mảnh đất Vân Nam, Quảng Tây này, đối với kiến thức về côn trùng sâu bọ thì người thường cũng không hiểu biết nhiều, Trần Bì A Tứ chỉ có thể tự trách số mình quá xui. Ông ta vừa tự xử lý vết thương, vừa quan sát xung quanh. Sau khi leo lên một gò núi, ông ta bỗng ngây ngẩn cả người.

Chỉ thấy một ngọn tháp bằng đá rất lớn sụp xuống ngay trước mặt, dưới chân gò núi mà ông ta đang đứng. Có vẻ như thân tháp vốn có sáu cạnh đều nhau (không thể thấy rõ được), đồ sộ hùng vĩ, xà rộng, mái xen mái[3]. Dùng dao gạt hết lớp rêu xanh và cây leo quấn trên bề mặt ra, ông ta mới thấy trên thân tháp có khắc những bức phù điêu bằng đá vô cùng tinh tế. Tuy nhiên, tòa tháp này rõ ràng đã từng bị thiêu hủy, cho nên tất cả các bộ phận còn lại của tòa tháp đều có những vết cháy sém màu đen, có thể vụ cháy chỉ là do tai nạn.

Toàn bộ thân tháp, nóc tháp và chóp tháp[4] đều rạn nứt cả, sau cơn sụt lún đã đổ vỡ thành nhiều khối đá lớn. Thân tháp quá nặng, một phần của tháp lún hẳn xuống lớp bùn đất của khu rừng mưa. Từ dưới chân tháp, cây cối chen nhau mọc lên nhiều không kể xiết.

Trần Bì A Tứ mình đầy kinh nghiệm, biết loại tháp này gồm có địa cung, chân tháp, thân tháp, đỉnh tháp và chóp tháp cấu tạo nên. Chóp tháp nằm ở nơi cao nhất của ngọn tháp, trên chóp có tu di tọa, ngưỡng liên, phúc bát, tương luân và bảo châu[5]. Phía trên tương luân còn có bảo lọng, viên quang, ngưỡng nguyệt[6] và bảo châu. Nói chung, trên đỉnh tháp này hẳn là có một thứ gì đó như châu ngọc, cực kì có giá trị.

Ông ta đi dọc theo thân tháp, đến bên cạnh chóp tháp. Có lẽ khi bị đổ, chóp tháp đã đụng trúng phải một cây Vân sam cao lớn, kết quả là chưa rơi xuống đất đã gãy, đầu chóp cắm ngập vào đất, tu di tọa thì vỡ vụn. Trần Bì A Tứ xem xét mức độ hư hại, xác định bảo châu chắc chắn giờ đã biến thành “bảo bánh” rồi, chả còn giá trị gì nữa.

Ông ta lại đi xuống phía chân tháp, ở đây có một phần của đoạn tháp vẫn còn nguyên vẹn. Bò vào thì chỉ thấy bên trong toàn đá vụn, phía dưới chắc chắn có địa cung. Đáng tiếc, đường xuống địa cung đã bị phong kín ngay từ khi bảo tháp được dựng nên, hơn nữa, tháp sụp xuống khiến cả tấn gạch đá vùi lấp mất đường xuống, chỉ với một cái xẻng, muốn đào đến địa cung có khi phải mất nửa năm là ít.

Trần Bì A Tứ nhìn la bàn, lúc xuống dưới này đã là chạng vạng, sắc trời u ám, còn giờ đây trăng đã treo đỉnh đầu. Mình không mang đuốc, mà giờ đã đi xa như vậy, chẳng biết phải về đường nào, xem ra phải giả vờ bị lạc đường rồi chờ người Mèo đến cứu thôi. Nghĩ đoạn, ông ta kiếm một cành cây gãy và ít lá khô, nhóm một đống lửa trại nhằm thu hút sự chú ý của người khác, còn mình thì lại chui vào chân tháp, bò lên nơi cao nhất để trông ra bốn phía xem mình đang ở nơi nào.

Căn cứ vào hình ảnh núi Phật Nằm khi nhìn từ trên cao xuống, cộng với phán đoán của riêng mình, vị trí lúc này của ông ta hẳn là nơi cây cối mọc lộn xộn nhất. Mặt đất ở đây hình như hơi trũng hơn so với bốn phía xung quanh một chút, đó là vì cửa địa cung bị đất tạp (đất bụi từ kiến trúc, đất bụi theo thời gian) vùi lấp mất, cũng là vì khí hậu đặc trưng của Quảng Tây khiến các tầng đất chứa nhiều nước, không rắn chắc. Hơi nước càng thấm vào sâu, bùn đất ở dưới càng hình thành nhiều bọt khí, có một lực lớn tác động lên là cả tầng bùn đất đó sụp lún xuống như đập bẹp một cái bánh bao không nhân.

Như vậy, Trần Bì A Tứ lập tức rút ra hai kết luận. Thứ nhất, địa cung này lớn, nhưng không sâu, giờ chỉ cần không quá hai mươi phút là đào xuống đến nơi. Thứ hai, bùn đất này tương đối xốp, sẽ không làm tiêu hao quá nhiều sức lực.

Lúc này, ông ta liền lâm vào do dự, rốt cuộc có nên vào địa cung này rồi hẵng trở ra hay không. Thực ra, để sau này hẵng quay lại đây cũng không phải chuyện khó khăn. Nhưng Trần Bì A Tứ, cũng như tất cả những tên trộm mộ khác, một khi đã biết rõ dưới đó có gì thì tuyệt đối không thể kìm được lòng hiếu kỳ.

Cuối cùng, ông ta cắn răng một cái, nghĩ bụng thôi kệ mẹ nó, nghĩ nhiều làm gì, thứ dưới lòng đất này ông đây đã thèm muốn rồi, lát nữa đám người Mèo mọi rợ kia mà tìm được đến đây, ông giết hết rồi ném vào địa cung thì có mà trời biết đất biết không ai biết.

Trần Bì A Tứ lấy cái xẻng gấp ra. Ông ta không mang theo xẻng Lạc Dương, cũng không có cách nào để định vị, với lại Phật tháp này suy cho cũng cũng là của hiếm. Bên trong không có quan tài, cũng không có thứ của nợ gì nhảy xổ ra, cho nên ông ta dựa vào trực giác, bắt đầu đào một lối vào ngay sát chân tháp.

Rất nhanh, ông ta đã chạm đến nóc địa cung. Nóc địa cung lại không dùng đá tảng xây nên, mà dùng cả thân cây cắt thành những khối vuông đều chằn chặn, đắp lên làm nóc. Ông ta mừng quýnh, dùng cưa khoét một góc khúc gỗ, tức thì khúc gỗ mục nát liền rơi vào bên trong địa cung, không lâu sau vọng lên tiếng vang. Ông ta liền cuống quít lấy đèn pin ra, soi vào bên trong.

Kính Nhi Cung quả đúng như tên, mặt trên có bao nhiêu tầng tháp, mặt dưới có từng ấy tầng địa cung, cho nên địa cung này cực kỳ sâu. Từ trên cao nhìn xuống, ở giữa mỗi tầng không có sàn gác, chỉ thấy phía dưới đen kịt, tối như hũ nút.

Đèn pin chiếu xuống chỉ thấy những làn sương trăng trắng, chẳng biết bên dưới là cái gì.

Trần Bì A Tứ nhớ đến lời của mấy người Mèo nói, phần dưới tháp để trấn giữ yêu quái, cũng không khỏi có chút lo lắng. Tuy nhiên, lo lắng qua mau, hiện tại chỉ có nhiệt huyết dâng tràn. Ngay lập tức, ông ta liền cảm thấy không khí trong địa cung không thành vấn đề. Ông ta móc hai chân vào khúc gỗ trên nóc đỉnh, xoay người treo ngược thân mình như một cái lưỡi câu, đầu hướng xuống lòng địa cung, sức nặng toàn thân đều dồn cả vào hai chân.

Sau khi treo người xuống, trước tiên, ông ta chỉnh lại tư thế một chút, rồi chiếu đèn pin lên vòm trần bằng gỗ của địa cung. Loại địa cung kiểu này bố trí rất nhiều cơ quan, cách thức có phần giống cổ mộ, có lẽ chứa rất nhiều trang sức. Trần Bì A Tứ chiếu đèn pin một vòng, chợt phát hiện trên trần gỗ của địa cung có khắc một lượng kinh văn đồ sộ.

Kinh văn khắc vào gỗ, quét lên một lớp sơn son, chính là chữ Phạn. Trần Bì A Tứ chữ Hán còn chả biết nhiều, kinh văn gì gì đó đương nhiên là xem không hiểu.

Thế nhưng, bản năng cho ông ta biết đây quả thực là thứ để trấn ma hay hàng yêu gì đó, trong lòng không khỏi thầm than, không biết cái địa cung này để phong ấn thứ gì đây?

Nhìn xuống dưới nữa, ông ta mới thấy rõ hơn. Mỗi một tầng đều có một vòng tường bao quanh nhô lên cao, từ trên nhìn xuống, từng tầng từng tầng xếp đều nhau trông như một cái bậc thang khổng lồ. Mỗi tầng đều có những bức tượng La Hán mặc tăng bào màu đen kích cỡ như nhau, màu sắc sặc sỡ, vô cùng tinh xảo. Tất cả các pho tượng đều cúi đầu, nhìn xuống dưới đáy địa cung tối mịt. Toàn bộ địa cung tổng cộng có hơn mười tầng, mỗi tầng đặt đầy các bức tượng La Hán với đủ loại động tác, tư thế, phỏng chừng phải hơn trăm pho.

Trần Bì A Tứ nhìn những bức tượng La Hán này, trong lòng cực kì căng thẳng, nhưng lại không rõ mình đang sợ hãi cái gì, trong đầu không khỏi nảy lên ý định lùi bước.

Chiếc đèn pin trong tay lại tiếp tục di chuyển, ông ta muốn nhìn xem ngoài mấy bức tượng La Hán thì còn gì nữa không. Lúc này, đột nhiên tay ông ta cứng đờ, ánh sáng từ đèn pin dừng lại, chiếu thẳng vào một vị trí.

Cách ông ta chừng sáu bảy tầng, ở một vòng tường nhô lên cao, có một bức tượng La Hán vô cùng quái gở. Bức tượng La Hán này hoàn toàn không giống mấy bức tượng khác, khuôn mặt không nhìn xuống dưới địa cung mà lại ngẩng đầu lên, mặt đối mặt thẳng với Trần Bì A Tứ, chòng chọc theo dõi ánh mắt đang nhìn khắp xung quanh của ông ta. Ánh đèn pin vừa chiếu tới, khuôn mặt trắng bệch dữ tợn lập tức hiện ra, nếu không phải bức tượng đứng im không nhúc nhích gì thì xém chút nữa ông ta còn tưởng mình gặp ma quỷ rồi.

Trần Bì A Tứ sợ đến lạnh cả xương sống, trong phút chốc không dám động đậy gì nữa, hai chân cũng như nhũn ra, người bắt đầu trượt xuống.

Nói đến ma quỷ, Trần Bì A Tứ thật ra không sợ gì cả. Ông ta đã giết quá nhiều người, có thể nói là tội ác tày trời, sao vẫn chưa thấy con ma nào hiện về báo thù? Tuy nhiên, ở cái thời của ông ta, ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng mê tín dị đoan. Trần Bì A Tứ cho rằng, mình có thể hồ đồ suốt nhiều năm như vậy, âu cũng là do tổ tiên phù hộ.

(Con người, chung quy cũng đều có một phần tín ngưỡng, người hành nghề bất chính[7] thì bái Quan Công. Trong giới trộm mộ, người Bắc phái bái thần Chung Quỳ, Nam phái thì không, nhưng ở Trường Sa có người giải thích rằng, người Nam phái đã từng có thời bái lạy Hoàng Vương.

Hoàng Vương là gì? Hoàng Vương, hay Hoàng Sào, “Mãn thành tận đái hoàng kim giáp”, chính vị này. Vì sao lại bái người này? Nghe các bậc trưởng bối nói, có nhiều lý do. Thứ nhất, người này có thể nói là kẻ giết người hạng nhất. Dân gian lưu truyền: Hoàng Sào giết tám trăm vạn (8 triệu) người, đều là những người tai kiếp mệnh khó thoát. Tức là ý gì? Chính là ý, ông ta giết người là giết có chỉ tiêu, có mức độ, không giết hết tám trăm vạn thì không hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, không biết là tiểu thuyết nào viết, hay chính là truyền thuyết dân gian Trung Quốc nói quá lên, rằng Hoàng Sào chính là La Hán Mục-kiền-liên (không phải Dịch Kiến Liên) chuyển thế, vị này đã vì cứu mẹ mình khỏi địa ngục mà giải phóng mất tám trăm vạn ngạ quỷ, vì vậy, Phật Tổ để ngài chuyển thế, giết tám trăm vạn người đền bù cho địa ngục. Nói cách khác, ngài trở về là thay Phật Tổ tuyển dụng nhân công lao động =]])

Một pho tượng ngẩng mặt ông ta cũng không sợ gì, thế nhưng, khuôn mặt ấy khéo làm sao lại đối diện ngay với mặt ông ta, ông ta cảm thấy có nét gì đó quái lạ. Lẽ nào ngay lúc xây địa cung, người thiết kế đã đoán được vị trí ông ta đào xuống, bèn sắp xếp bức tượng như thế để dọa ông ta sợ mất mật chơi?

.

.

Chú thích.

[1] ba địa: một loại thực vật họ bách, tên khoa học là Sabina procumbens.

[2] ong địa hoàng: một loại ong thuộc tỉnh Quảng Đông, loại này chủ yếu chia ra làm hai giống. Một giống gọi là “ong quỷ đầu” vì phần bụng eo có màu đen, hung dữ, độc tính rất mạnh. Loại còn lại là “ong hoàng yêu” vì phần bụng eo màu vàng, không chỉ hung dữ và độc tính rất mạnh mà còn có thể làm tổ ở trên mặt đất nữa. Loại trong truyện nhắc đến chính là loại ong hoàng yêu này.

[3] nguyên là “mật diêm”: một loại tháp Phật với các mái hiên xếp lớp, đa số thường xây với kết cấu bằng đá.
Bình Luận (0)
Comment