Đạo Mộ Bút Ký

Chương 346

Edit:Earl Panda

*****

Tôi nhìn bóng người nọ, da gà da vịt rớt đầy đất.

Cảm giác đầu tiên khi nhìn vào thì đó là một bức tượng đá, nhưng tôi lập tức ý thức được điều đó không có khả năng, bởi hình dáng quá mức giống thật, cứ như thể một cái xác treo cổ bị đông cứng lại ấy vậy. Vào thời kỳ đó, dù có người muốn chạm khắc cái thể loại tượng đá kinh hãi thế tục cũng sẽ không tả thực đến thế. Khu vực Nam Man mặc dù có nhiều Tà thần, nhưng đa phần miêu tả kiểu phóng đại cường điệu hóa, chứ không theo lối tả thực.

Suốt một đường mà bao nhiêu chuyện kỳ quái xảy ra, tôi không dám coi thường, có lẽ thứ phát ra ánh sáng xanh lục nọ chính là thứ này đi, vị trí cũng khá hợp lý.

Cẩn thận bơi tới gần hình người nọ, lúc tới gần, cảm giác xác chết bị hóa sáp lại càng thêm rõ ràng, mặt khác, tôi phát hiện cổ tay phải của nó bị đứt lìa, hoàn toàn mất bàn tay. Không phải ngay từ đầu đã vậy, mà là bị chặt mất.

Có mà đồ hàng nhái! Muốn học tượng Vệ nữ mà học chưa đến nơi đến chốn! Tôi chần chừ một chút, cẩn thận dùng lưỡi lê cạo sạch chất cặn màu trắng bám trên đó, muốn thử xem màu sắc ban đầu của nó là gì.

Vừa cạo một miếng để nhìn, tôi lấy làm kinh hãi, thứ này vốn có màu đen đỏ lốm đốm, nhưng không quá sặc sỡ, màu sắc xỉn xỉn nhòe vào nhau. Cứ như bị lên nấm mốc vậy. Lại tiếp tục cạo, lại phát hiện hóa ra những đốm đen đen đỏ đỏ loang lổ này là rỉ sắt, thứ này hóa ra là sắt.

Không thể nào! Là tượng người sắt? Tôi lấy can đảm đưa tay lên bóp một cái, quả thực là sắt, có vài chỗ có lẽ là do tôi luyện tốt nên vẫn chưa mục nát, thậm chí còn nhìn thấy những hoa văn chạm trổ tinh xảo bên trên. Những chỗ khác đều rỉ sét hết cả, toàn là màu xỉn xỉn loang lổ.

Tôi dần dần nhận ra được điều gì, lập tức cạo tất cả chất cặn bám trên người nó xuống, một tượng người bằng sắt có tạo hình vô cùng đặc biệt chả mấy chốc xuất hiện trước mặt tôi.

Tôi không khỏi sửng sốt đến ngẩn người, bởi vì thoạt trông thứ này có hình dáng rất giống thật nhưng bề mặt chạm khắc đơn giản, nhưng giờ nhìn lại lần nữa, hóa ra bề mặt nó còn được mài nhẵn và đánh bóng, mặc dù bây giờ đã rỉ sét hết cả, nhưng vẫn có thể xác định được trước đây nó vô cùng tinh xảo, toàn thân phủ đầy những hoa văn duyên dáng, quả là một tác phẩm nghệ thuật. Đưa tay lên sờ thử, cảm thấy những hoa văn này giống như những hoa văn trên cục sắt tìm thấy dưới gậm giường Muộn Du Bình.

Tôi hiểu rồi! Thứ mà đội khảo cổ vớt từ dưới nước lên, chính là cái này! Những cục sắt đó, chính là những mảnh nhỏ của loại tượng sắt này.

Thứ này là văn vật ư? Có giá trị khảo cổ không?

Lại nhớ Muộn Du Bình từng nói những cục sắt này vô cùng nguy hiểm, tôi không dám đụng vào nữa mà giữ một khoảng cách, quan sát kỹ càng.

Tôi không hiểu rõ lắm về đồ sắt, nhưng lại có kiến thức khá sâu về các món đồ đồng mạ vàng nguyên chất. Ở chợ đồ cổ từng nhìn thấy tượng sắt rồi, thuộc hợp kim sắt là thép, toàn là những món nhỏ lặt vặt, tôi chưa từng gặp món nào to như này. Thứ nhất, thời cổ đại sắt rất quý, tượng người sắt lớn đến thế này, chưa nói những cái khác, chỉ một bức tượng thôi đã tốn nguyên liệu đến kinh người. Thứ hai, đồ sắt không dễ bảo quản, dễ bị rỉ sét, nhiều tượng Phật bằng sắt thời Minh thực ra toàn rỗng ở trong.

Nếu như toàn bộ bức tượng này cũng được chế tác giống như cục sắt của Muộn Du Bình, vậy thì ruột đặc, bên trong có lẽ có thứ gì đó, nhưng cũng không quá trống, có lẽ rất nặng. Nặng như thế, chẳng lẽ là pháp khí bằng sắt của Phật giáo, dùng để giam yêu quái gì đó?

Tôi suy nghĩ miên man, nhưng cũng biết có nghĩ thế nào cũng không ra nguyên cớ đâu, tất cả mọi chuyện đều không có manh mối dẫn dắt, có suy nghĩ thế nào cũng vô dụng.

Vốn là muốn nhìn một chút hoa văn trên tượng sắt, nhưng rỉ sét quá nhiều, không thể thấy toàn thể hoa văn như thế nào, những chỗ khác cũng không nhìn ra được cái gì. Bàn Mã từng nói có rất nhiều cục sắt, lẽ nào ở đây không chỉ có một tượng sắt?

Nhưng bốn phía đều trống huếch trống hoác, chả có gì cả, loại vật này lại lớn đến thế, cũng không có khả năng bị vùi lấp bởi đống đồ đạc bị sụp xuống này được. Những cục sắt đội khảo cổ mang đi là vớt lên từ đâu?

Chẳng lẽ trong ngôi làng này chỗ nào cũng có tượng sắt giống vậy, phân bố khắp nơi nơi trong làng? Hay là, nó được giấu chỗ nào khác trong tòa lầu cổ này?

Vô thức quay đầu lại, thấy cánh cửa chính ở một bên.

Nhớ lại tấm ảnh nọ, ở một bên bức bình phong có một cái hành lang, tôi điều chỉnh vị trí đứng, phát hiện chỗ hành lang trong hình chính là cổng sau của hậu đường.

Theo cấu trúc các ngôi nhà cổ thông thường, cánh cửa này hẳn sẽ dẫn đến một khoảnh sân rộng, mà ở đây chỉ có dãy nhà mặt tiền, cho nên cánh cửa này sẽ dẫn ra ngoài đường lát đá của ngôi làng, chứ không thể nào là hành lang được.

Nhưng trong trí nhớ, khung cửa trong tấm ảnh chụp cũng giống ở đây y như đúng, không nghi ngờ gì, địa điểm trong tấm ảnh chính là nơi này. Tại sao lại có sự chênh lệch này nhỉ? Lẽ nào, khi chụp ảnh thì nơi này vẫn có đường hành lang, mà sau này lại bị hủy đi mất?

Ý thức về thời gian của tôi hoàn toàn rối loạn, xem ra, thời gian chụp tấm ảnh, thời gian làng cổ bị chìm dưới nước, tất cả đều phải cân nhắc lại.

Bơi lại gần nhìn xem, cánh cửa chạm trổ hoa văn hoàn toàn không có dấu hiệu mục nát, kéo một cái, hóa ra nó bề ngoài sơn giả gỗ, nhưng thật ra là cửa sắt. Lại dùng đèn pin soi thử, nhất thời ngẩn ra, không thấy con đường lát đá bên ngoài, mà phía sau cánh cửa này, quả đúng là một đường hành lang.

Đường hành lang không phẳng, mà nghiêng xuống, thông xuống một nơi nào đó sâu dưới lòng đất. Xem ra tình cảnh đã giống y đúc trong ảnh rồi. Tôi giật mình, thầm nghĩ, không thể nào đâu?

Theo kết cấu một tòa cổ trạch, cửa sau của hậu đường đến hành lang, hành lang thông đến… Lẽ nào nơi này thật sự xây một tòa cổ trạch đúng quy cách, có hậu viện thật, nhưng là xây ở dưới lòng đất?

Bình Luận (0)
Comment