Đạo Mộ Bút Ký

Chương 394

Kim Vạn Đường là người có tri thức nhưng không có can đảm và thể lực đủ để xuống đấu, vào tới trong núi thì lão chỉ còn được nửa cái mạng, cũng chẳng thể bắt buộc lão làm thêm được chuyện gì, vì thế mà lão được phép ở lại trong doanh địa nghỉ ngơi. Còn những người khác bắt đầu tiến hành lục soát xung quanh, thỉnh thoảng lại có người đem vài món đồ trở về, phần lớn đều là sách lụa và thẻ tre*, công việc của lão là xác nhận và phân loại. Cho nên khi hỏi tới cổ mộ kia hình dạng thế nào lão cũng không biết, bản thân lão cũng chẳng dám hỏi, chỉ biết là khi người ta bảo lão phân biệt đồ đạc, lão tự ngẫm ra được một vài chuyện.

Lão răng vàng có thể xác định được thứ nhất là chỉ có một cổ mộ ở đây, vì những món đồ lão ngồi phân loại chỉ có sách lụa và thẻ tre, trình độ bảo tồn có sự chênh lệch rất lớn, hơn nữa nội dung bên trong rất hỗn độn, có thư, có sách cổ, lại có cả giấy lụa. Có rất nhiều người nhận thư, tên họ không giống nhau, lão cảm giác nơi đây chắc chắn phải có một quần thể cổ mộ tương đối lớn, vị trí mà những người kia đang khai quật có thể chỉ là một phần của nó.

Thứ hai là trong cả đội chỉ có mình lão là người đảm nhận vai trò phân loại và giám định, mà tất cả những đồ đào lên người ta mang tới cho lão nhìn cơ bản đều là công văn giấy tờ sổ sách cổ, xem ra mục đích của bọn họ khi quật cổ mộ này là để tìm sách cổ.

Thứ ba là nhân số trong đoàn thường xuyên giảm xuống, ngày nào doanh địa cũng xảy ra cãi vã, nội dung của những cuộc gây gổ đó chủ yếu là vì lúc đào móc có người xảy ra chuyện, mọi người bắt đầu mượn cớ đổ lỗi cho nhau.

Việc khôi phục và phân loại sách cổ tiêu tốn rất nhiều thời gian, mà điều khiến cho lão không ngờ chính là lão tưởng chỉ cần một hai tháng là có thể hoàn thành cuộc giao dịch, nhưng thực chất nó kéo dài suốt ba năm trời. Ba năm, lão răng vàng luôn phải giám định không ngừng nghỉ những văn tự cổ kia, suy đoán triều đại, công dụng, thử phiên dịch ý nghĩ bên trong, dường như cả đoàn người đều nằm dưới một áp lực cực lớn, trong thời gian đó không có bất cứ một trao đổi nào, ai nấy đều lặng lẽ dốc sức làm việc. Lão vô cùng lo lắng, răng bắt đầu rụng, thể trọng từ một trăm năm mươi cân chuyển thành bảy mươi cân, nếu ngày kia không tới, lão chắc mình sẽ phải vùi xác ở đây.

Mãi cho tới tết Đoan Ngọ năm thứ ba, cái áp lực và bế tắc trong công việc bỗng nhiên bị phá vỡ, người ta không còn đưa sách cổ tới cho lão, cuối cùng thì lão cũng không phải ngày ngày ngồi trong lều làm cái công việc cực độ khô khan kia nữa.

Ban đầu lão không thích ứng được với cảm giác giải phóng đột ngột đó, nhưng những lo âu dần dần giảm bớt, lão có thời gian để đi ra khỏi lều thăm thú, lang thang trong doanh địa, lúc đó lão mới phát hiện, hóa ra nơi mình đang ở cũng rất tuyệt vời.

Bọn họ đóng quân tại một khu đất bằng phẳng trên vùng núi, nếu ở gần đó có thôn trại nào thì mảnh đất bằng phẳng này chắc chắn sẽ được khai hoang thành đồng ruộng. Nhưng nơi đây tất cả đều là đại thụ rợp trời, lại xa khu dân cư, có lẽ muốn liên lạc thông tin ở đây vô cùng bất tiện. Phóng tầm mắt nhìn ra dãy núi xa xa, có thể thấy những đỉnh núi tuyết sừng sững trập trùng, mây mù uốn lượn, thanh khiết không vướng bụi trần, lại thêm những vạt rừng xanh mướt um tùm vắt ngay thân núi, cái xanh biền biệt đó, không phải là màu của những bụi cây ở Long Tỉnh đất Giang Nam, cũng không phải là màu ngọc phỉ thúy của thành Bắc Kinh, đó là màu xanh thẫm hơn đổ mực. Bao trùm cả một vùng rộng lớn là sắc xanh của thực vật đầy sức sống.

Không khí trong núi vô cùng trong lành, lão đột nhiên có cảm giác rất mới lạ, giống như là bản thân vừa giác ngộ được, ba năm u ám vừa rồi trong giây lát liền trôi hết sạch.

Sau khi thân thể đã khôi phục, lão bắt đầu phát sinh hứng thú đối với những thứ xung quanh, lúc đó trong tư duy của mình lão nghĩ ra rất nhiều ý tưởng. Lão thấy là tất cả bốn phía nơi này chưa hề có sự khai phá của con người, dự là sẽ có một quần thể cổ mộ dù có tồn tại hay không thì cũng chỉ có thể ở trên vùng đất này mà thôi. Nhưng bốn phía đều là những dãy núi lớn cao chót vót, nhìn như dùng đao bổ ra thành núi, tỷ lệ có một quần thể cổ mộ quy mô lớn là không cao.

Vì nhàn cư vi bất thiện hay do lòng hiếu kỳ, bỗng một ngày lão lén đi theo phía sau một đoàn người vào núi, cúi người leo lên một ngọn núi, đang đi trên sườn dốc đột nhiên hiện ra một khe đá rất lớn dựng thẳng đứng, phần vách đá như bị ai dùng đao bổ vuông góc, khiến cho đường vòng cung đều biến mất, gần như chỉ để lại những mặt đá gập ghềnh dốc đứng. Một thác nước nhỏ đổ từ trên đỉnh xuống vách đá, tràn lên tán cây cổ thụ bên dưới, nước bắn tung tóe khắp nơi.

Kiểu vách đá dựng đứng này thường xuất hiện ở ven bờ sông, như bờ Trường Giang có di tích chữ viết và tượng phật khắc trên đá cũng giống như thế này. Vách đá nơi đây có khả năng là vì trước kia từng có một nhánh sông lớn chảy qua, còn giờ con sông đó đã thay đổi dòng chảy. Nhìn về phía trước quả nhiên là đúng như vậy, vách đá liên tiếp chạy dài hơn mười cây số, hoàn toàn nhìn không thấy đầu bên kia.

Trên vách đá đó, lão thấy vô số những dây thừng và ròng rọc, nhìn giống như người ta lấy tổ yến trên vách núi vậy. Có rất nhiều người đang leo, cùng lúc lão cũng phát hiện nhiều dây thừng bị tháo xuống, có vẻ như chúng đã hoàn thành sứ mạng của mình. Lão lập tức hiểu ra, rốt cuộc thì cổ mộ và những sách cổ kia từ đâu tới.

Nhà Thục trước đây có nhiều người tu đạo, đặc biệt là ở vùng Tứ Xuyên loại đạo giáo này rất phát triển, tục truyền nơi đây có nhiều người tới tìm tiên nhân, ngày này qua ngày khác, tới một thời điểm nhất định không được mang theo bất cứ đồ ăn gì, chỉ được mang nước theo trèo lên trên vách núi, tìm một sơn động hoặc kẽ đá, bước vào trong liền cắt đứt dây thừng, đoạn tuyệt đường lui của bản thân, trong hang tu luyện không thành công thì tất nhiên sẽ thành chết đói ở đó.

Nhiều người đều dùng phương pháp quyết tuyệt này để thể hiện quyết tâm thoát xác thành tiên của mình, đặc biệt ở một vài nơi còn có thuyền thuyết tiên sơn, càng thêm nổi tiếng, phần lớn những người kia đều mang theo một cuốn sách cổ bên mình, từ đời này sang đời khác, trong những hang động đó thường tích lũy rất nhiều hài cốt, những sách cổ đó có thể là do những người kia trèo lên từng hốc đá trên vách núi tìm ra.

Từ những dây thừng bị hủy bỏ kia cho thấy rằng bọn họ đã tìm được thứ mình mong muốn. Có điều là, xem chừng bọn họ chưa định rời đi, không biết còn dự tính làm gì nữa?

Lão nhìn những sợi dây chưa bị tháo dỡ, ngược lại còn có thêm một bộ phận gia cố dây thừng, có vẻ như ngoài sách cổ kia, chuyện này còn có nhiều sự phải bàn thêm.

Đáng tiếc là Kim Vạn Đường không có cách nào để tiếp tục thỏa mãn lòng hiếu kỳ, với thân thủ của lão, lão không thể trèo lên vách núi kia xem được, lại càng không có can đảm để đi hỏi cụ thể tình hình. Sau ngày hôm đó, lão cảm thấy thực hài lòng, cũng chính trong giai đoạn này, lão đã đột nhiên thay đổi một vài thói quen của mình. Lúc bắt đầu suy tính, lão lại cảm thấy vô cùng hối hận, trong những sách cổ bị hư hại kia, vì sao bản thân lại không được phép lấy một vài phần, cho dù là vật phẩm không nguyên vẹn nhưng vẫn là đồ vô giá, nơi này chỉ có duy nhất lão biết giám định chúng bằng mắt thường, giữ lại một hai phần hàng tốt thực dễ như chơi.

Lão biết đắc tội với lão Cửu Môn hậu quả thực nghiêm trọng, nhưng vì ý thích của bản thân đã sai khiến bản thân lão, làm cho lão ân hận điên cuồng lên.

Con người là như vậy, lúc ngồi ngẫm lại sự việc đã qua thấy rằng đáng ra nó nên thế nọ nên thế kia, kỳ thật nếu cho lão quay trở lại thời điểm đó, lão cũng chẳng có can đảm làm.

Có điều thượng đế lại cho lão cơ hội thứ hai, ngày quốc tế thiếu nhi năm thứ ba, đại sự đầu tiên xảy tới, đột nhiên nổi lên đầy những tiếng ồn ào, giữa trưa từ trong núi có một đám người chạy ra, vội vội vàng vàng nâng theo hơn mười cái cáng, người bên trên toàn thân vấy máu, nhất thời lúc đó toàn doanh địa bấn loạn cả lên.

Tới khi qua chạng vạng, một cuốn bản sao sách lụa cổ gần như bị ngâm trong máu mới được đưa tới tay Kim Vạn Đường. Ba ngày sau, lão lần đầu tiên được gặp Hoắc lão bà và một vài người liên quan trong Cửu Môn, sắc mặt người nào cũng nghiêm trọng, cả đám người dường như tới để nhìn xem kết quả cuối cùng trong công cuộc giám định của lão.

Cuốn bản sao sách lụa kia lão chỉ vừa liếc qua đã biết đó là sách lụa Chiến Quốc thời Lỗ Hoàng.

Bình Luận (0)
Comment