Đạo Trưởng Đã Lâu Không Gặp

Chương 1

Sáng sớm tháng ba, ngoài cửa sổ mưa dầm liên miên, nước mưa dọc theo mái ngói mọc đầy rêu xanh nhỏ giọt xuống mái hiên rồi rơi vào trong những cái lu đá, phát ra tiếng vang tí tách, hoa lê trong sân nở rộ, mọc thành từng cụm treo ở đầu ngọn cây thấm đẫm mưa xuân, nhỏ nước từng giọt, hòa với tàn hoa rơi rụng trên mặt đất hình thành một màn cảnh đẹp trong mưa.

Dưới mái hiên bên ngoài cửa sổ, một ông lão râu tóc và chân mày đều bạc trắng, mặc bộ đạo bào màu xanh biển ngồi đả tỏa trên tấm đệm hương bồ. Trước mặt ông đặt một cái lư hương, nhang khói lượn lờ. Sau lưng ông là một ô cửa sổ đóng chặt, màn được kéo kín mít, trong phòng thỉnh thoảng vang lên tiếng nước, đến khi tiếng nước kèm theo tiếng giãy giụa phát ra thì ông lão sẽ lên tiếng: "Tĩnh tâm, ngưng thần, tĩnh khí. Lòng yên tĩnh, tắc vạn vật toàn tĩnh."

Người trong phòng là Trương Tịch Nhan, giờ phút này nàng không còn lời nào để nói, mà nếu có thì cũng không nói nên lời.

Nàng đang ngâm mình trong một thùng nước tắm thuần Trung Quốc, hỗn hợp nhiều chất chưa được kiểm định, cũng không biết rõ thành phần của nó là gì, cũng chả biết công hiệu của nó ra sao, toàn thân trên dưới giống như bị kiến cắn, cắn từ làn da bên ngoài cắn đến xương cốt bên trong, nàng giãy giụa muốn đứng dậy, một bàn tay sức lực vô cùng lớn đè nặng lên vai nàng khiến nàng không thể động đậy được nữa. Cái tay kia trắng bệch khô khốc, giống như cái chân gà mất nước, nhăn dúm dó hệt như trên xương cốt chỉ bọc một tầng da. Chủ nhân của bàn tay này, trên đầu búi một búi tóc kiểu Đạo gia, mặc bộ đạo bào màu trắng dài có thêu ám vân, vẻ ngoài được thu thập không chút cẩu thả, thoạt nhìn có điểm tiên phong đạo cốt, nhưng không nên nhìn cái mặt. Gương mặt kia không khác gì một cái đầu lâu được bọc một lớp da già nua nhăn nheo tái nhợt, giống hệt một cái xác khô biết đi.

Vị này chính là bà nội ba của Trương Tịch Nhan, là chị gái thứ ba của ông nội nàng, là con gái của ông lão đang ngồi xếp bằng đả tọa bên ngoài, con gái ruột!

Nàng vẫn luôn hoài nghi bà nội ba của nàng thường âm thầm lén lút đi đóng phim kinh dị, nhưng là nàng không có chứng cứ!

Nhà cũ âm trầm, nàng tổng cảm thấy có quỷ, buổi tối ngủ lúc nào cũng sợ hãi, vì vậy nên ông cố phái bà nội ba đến tăng thêm can đảm cho nàng.

Buổi tối bà nội ba ngủ không hề vang lên tiếng hít thở, dù có đắp chăn dày cỡ nào thì tay chân bà cũng luôn lạnh lẽo, thử sờ vào mạch môn ở cổ tay bà thì bà sẽ lập tức mở mắt ra, quay sang nhìn, khuôn mặt như bộ xương khô, ánh mắt lạnh lẽo, bà nói với nàng: "Ngủ đi, gà gáy con phải thức dậy đi ngâm thuốc tắm."

Nhắc tới thuốc tắm, Trương Tịch Nhan chỉ có thể vô lực chửi thề trong bụng.

Nàng thiệt tình cho rằng, những thứ đã quá cổ lỗ sỉ thì nên xếp xó không nên tiếp tục dùng nữa. Chức nghiệp đạo sĩ này, theo các loại tuyên truyền hiện giờ thì có vẻ vô cùng cao cả, nhưng trên thực tế, ở vào thời đại trước chính là thuộc về hàng "tam giáo" trong "tam giáo cửu lưu"*, phần lớn đạo sĩ chính là bá tánh ở tầng dưới chót, giao tiếp với những bình dân bá tánh, chuyên trị các bệnh nan y, phàm là y quán hay thầy thuốc không chữa được thì những người đó sẽ tìm đến đạo sĩ hòa thượng này nọ. Xem bệnh bốc thuốc làm pháp sự, từ góc độ tâm lý hên xui phá được các bệnh rối loạn tâm thần hay những căn bệnh nhẹ nhẹ thì còn đỡ, nhưng cũng có mấy thằng điên có khuynh hướng bạo lực, người nhà cho rằng bọn họ bị trúng tà liền tìm đến trên đầu đạo sĩ hòa thượng. Thế thì biết làm sao bây giờ? Mặc kệ là trúng tà hay bị bệnh, bọn họ nhất quyết phải đưa cho đạo trưởng trị. Các đạo trưởng có thể làm gì khác sao? Tất nhiên là phải vung lên nắm đấm dùng quyền cước chữa trị, lỡ như đánh không lại còn bị mắng: "Cái này đạo sĩ pháp thuật không được!" Đạo sĩ còn có một nghiệp vụ quan trọng không kém - mai táng. Liệu lý tang sự, khai quan dời mồ đều bắt đạo sĩ đi. Thi thể chôn dưới đất nhiều năm sinh ra không biết bao nhiêu là vi khuẩn độc trùng, người thời xưa còn đặc biệt thích ướp xác này nọ để chống phân hủy, đủ các loại dược tự chế tưới lên xác chết, bôi trong quan tài, gia đình nào càng có tiền càng khoái làm mấy trò này, lúc dời mồ thì không dám tự đi nhặt hài cốt của tổ tiên cha mẹ, toàn do đạo sĩ nhảy hố. Thời xưa không có bao tay phòng độc kháng khuẩn này nọ, bọn họ đều phải tay trần đi nhặt. Các đạo sĩ lỡ đụng phải mấy chất kịch độc sản sinh trong thi thể hoặc trong quan tài, chết ở dưới hố, người đứng nhìn sẽ nói: "Ai nha, sát khí thiệt là nặng, cái này đạo trưởng pháp lực không được, tới sát khí cũng không ngăn nổi, chết mất tiêu..."

Muốn khóc cũng không có chỗ khóc!

*Tam giáo:

- Nho học của Khổng Tử, nhà tư tưởng và chính trị lớn của thời cổ đại, là một tôn giáo được đặt lên hàng đầu, gọi là Nho Giáo

- Học thuyết của đạo mà Lão Tử sáng lập trong thời Đông Hán, được đặt hàng thứ 2, gọi là Đạo Giáo

- Đạo Phật du nhập trong thế kỉ II sau Công nguyên từ Ấn Độ vào Trung Quốc thì được đặt vào hàng thứ ba, gọi là Phật Giáo

*Cửu lưu: Là chỉ các lưu phái.

1. Nho gia

2. Đạo gia

3. Âm Dương gia (dựa vào học thuyết âm dương ngũ hành để bói toán)

4. Pháp gia (đặt ra pháp luật để trị yên thiên hạ)

5. Danh gia (nghiên cứu logic, chủ yếu là các thuật ngụy biện)

6. Mặc gia (theo học thuyết Mặc Tử)

7. Tung Hoành gia (các nhà hùng biện về chiến lược chia rẽ và liên kết)

8. Tạp gia (nghiên cứu các môn lặt vặt)

9. Nông gia (nghiên cứu nghề nông)

Học thuyết và tư tưởng của các lưu phái này ảnh hưởng rất lớn và có sức thúc đẩy sự phát triển trong thời cổ đại của Trung Quốc

Chữa bệnh lâu thành lương y, những đạo sĩ tổ tiên của nhà nàng cân nhắc ra một phương pháp để phòng tránh, một trong số đó chính là tự gia tăng kháng thể cho bản thân – thuốc tắm cải thiện thể chất, còn là chiêu số lấy độc trị độc, hơn nữa còn muốn bao trị bách bệnh, hận không thể đem thân thể người luyện thành mình đồng da sắt, bách độc bất xâm.

Người hiện đại bây giờ chuyển qua hỏa táng, những ngôi mộ cổ ngày xưa đã có đội khảo cổ lo, người chết ngoài đường thì có cảnh sát và pháp y, nên chuyện gia tăng kháng thể gì đó đã trở nên vô dụng, chẳng sợ thật sự yêu cầu nàng tới làm thì bên ngoài nhà thuốc có bán đầy găng tay kháng khuẩn kia kìa, một trăm tệ có thể mua về cả đống.

Trương Tịch Nhan thiệt tình cho rằng bản thân nàng không nên chịu tội như vầy, nhưng ông cố nói rằng đây là bản lĩnh mà tổ tiên truyền lại, đến đời của ông thì vẫn phải tiếp tục truyền xuống, không thể ném đi.

Nàng phản kháng không được, với lại tổ tiên cũng đã ngâm thuốc tắm nhiều năm như vậy, không chết cũng không tàn, vì vậy nàng chỉ đành vô lực tiếp thu, trong lòng thuận tiện "hỏi thăm" Liễu Vũ n lần.

Nếu không phải Liễu Vũ tự tiện vạch trần thân phận của nàng, còn mượn tên tuổi đạo sĩ của ba nàng là ông Trương Trường Thọ đem đi tuyên truyền khắp nơi, nói rằng nàng cũng là đạo sĩ chuyên nghiệp, thì có lẽ bây giờ nàng vẫn còn đi làm ở tòa nhà 5A Office Building rồi, tuy rằng chỉ là một nhân viên văn phòng, nhưng chưa chắc sẽ không có tiền đồ xán lạn.

Nàng bị vạch trần thân phận, nhưng lại không phải thực sự có tài học, hơi vô ý sẽ mang tiếng là "giả danh lừa bịp". Dòng họ nhà nàng đã làm nghề này rất nhiều thế hệ, chuyện làm ăn của gia tộc, thanh danh biển hiệu vô cùng quan trọng, nàng nếu dám giả danh lừa bịp đạp đổ biển hiệu của gia tộc, gia tộc tổ huấn nhất định sẽ đập lên trên đầu nàng.

Nàng suy xét đến hậu quả, thu thập hành lý kéo vali quay về nhà tổ.

Nhà tổ của nhà nàng được xây giữa sườn núi, dựa núi gần sông, phong cảnh cực đẹp, là nơi Đạo gia rất thích xây thanh tĩnh đạo quan, chẳng qua tổ tiên nhà nàng không xây đạo quan ở đây mà là xây một cái nhà tổ. Tổ tiên nhà nàng không phải là quan to hiển hách, nên không xây nổi nhà lớn vườn rộng gì đó, chỉ là phòng ốc kiến trúc tốt hơn nhà của người miền núi bình thường mà thôi, gạch xanh tường trắng ngói đen, nhà cũng là nhà trệt chứ không có lầu.

Phòng ở kiểu cũ nên lấy ánh sáng không tốt lắm, hơn nữa trên núi thời tiết ẩm ướt, trong phòng vô cùng u ám âm lãnh. Ngẫu nhiên đến đây ở lại một vài ngày còn có thể hưởng thụ phong cảnh thôn dã, rời xa thành thị xô bồ, nhưng nếu ở lâu rồi thì thật sự không chịu nổi. Cách nhà tổ không xa là Trương gia thôn, nay đã thành thôn trống, thôn dân đều dọn hết xuống núi hoặc là vào trong thành phố làm việc. Nhà tổ chỉ có mỗi ông cố nay đã 107 tuổi hạc, bà nội ba 82 tuổi, cùng với hai vợ chồng anh cả*, hiện giờ có thêm nàng.

*Trương Tịch Nhan là con một, những người anh và chị được nhắc đến trong truyện đều là anh chị họ bên nội của Trương Tịch Nhan.

Những người khác hoặc ở trong thành phố an cư lạc nghiệp, hoặc tu hành ở những đạo quan nơi khác, cũng có người tự mở cửa hàng buôn bán này nọ, mỗi năm có thể trở về một, hai lần đã không tồi.

Hai vị lão nhân đều đã lớn tuổi, anh cả thì không biết bị cái gì kíc,h thích, cả ngày nhốt mình trong phòng không ra khỏi cửa, cũng không nói một lời nào, chị dâu phải chiếu cố sinh hoạt cho cả nhà già trẻ. Các anh chị họ bên nội của nàng, hoặc là hoàn toàn thoát ly chức nghiệp đạo sĩ của tổ tiên, hoặc là đã học thành nghề xuống núi, chỉ có nàng là thoát ly khỏi chức nghiệp này xong lại quay đầu trở về nhảy vào hố, 24 tuổi mới chính thức nhập môn học tập, bởi vậy nên thực chịu hai vị lão nhân đặc thù chiếu cố, theo kiểu nhồi thức ăn cho vịt.

Đối với việc này, Trương Tịch Nhan rất may mắn bản thân có trí nhớ không tồi, từ nhỏ đến lớn Trương Trường Thọ tiên sinh vẫn luôn bắt nàng phải học hết thư tịch trong nhà, vì vậy nên bây giờ nàng mới không bị bắt học thêm khóa bổ túc văn hóa.

Lịch trình mỗi ngày của nàng chính là: lúc gà gáy bị bà nội ba giống như quỷ kia dọa cho nhảy khỏi giường, ngâm thuốc tắm, hưởng thụ sự sung sướng cay rát trong thùng thuốc tắm có chứa vô số thảo dược và rắn, rết, độc trùng này nọ. Rạng sáng thì ra khỏi thùng thuốc tắm, nàng có mười lăm phút để đánh răng rửa mặt thay quần áo. Quần áo đều là đạo bào dài có ám vân, trên eo đeo đai lưng màu trắng, thu thập đến chỉnh tề, tươi mát, sạch sẽ, sau đó đến phòng thờ dâng hương cho Tam Thanh tổ sư gia và Đạo Tổ, tụng một đoạn kinh văn, hoặc làm một tràng pháp sự nhỏ thỉnh thần về cung phụng. Tiếp đến là ăn cơm sáng, ăn xong là đến giờ tập võ, trên đùi cột bao cát, trên eo đeo đai lưng cực nặng, ban đầu học căn bản là đứng tấn, nhảy đánh, luyện thể lực... tập đến giữa trưa. Buổi trưa có hai tiếng để nghỉ ngơi, ăn cơm ngủ nghỉ, đến 2 giờ rời giường, đi tới Tàng Thư Lâu đọc sách hai tiếng, tiếp thu ông cố phụ đạo văn hóa, đến 4 giờ thì nghỉ ngơi một tiếng sau đó tiếp tục luyện công, lúc chạng vạng, nhật nguyệt giao hội thì ngồi đả tọa hấp thu linh khí trời đất. Buổi tối phải ngâm thuốc tắm thêm nửa giờ, về sau thì có thể tự do hoạt động.

Mỗi ngày rạng sáng 3 giờ rời giường, không internet không TV không máy vi tính, chỉ có các loại điển tịch sách cổ, không có bất kỳ hoạt động giải trí nào, chỉ có thể đọc sách rồi rửa mặt đi ngủ sớm. Bà nội ba tỏ vẻ có thể mang nàng đi ra ngoài giải trí một chút, buổi tối trong núi cũng có rất nhiều thứ chơi vui, nàng ngay lập tức xin miễn thứ cho kẻ bất tài — là một cái đạo sĩ sợ quỷ như nàng mà rủ đi dạo nghĩa địa ban đêm, ha hả! Nàng nếu là sợ quá té xỉu bị cõng về nhà, nàng nhất định một tháng không thèm nói một câu với bà nội ba.

Từ trước đến này nàng rất ít nói, bà nội ba cho rằng nàng là người không thích nói chuyện, tính tình nặng nề.

Trương Tịch Nhan nghĩ, chỉ cần cho nàng một cái điện thoại, một cục phát wifi, nàng nhất định có thể mắng bà nội ba nhiều tới nỗi viết được thành sách!

Vô lực phản kháng với lịch làm việc và nghỉ ngơi này trong ba năm, Trương Tịch Nhan từ 24 tuổi nhích tới 27 tuổi, vẫy tay tạm biệt mấy năm thanh xuân mơn mởn tươi đẹp của bản thân, đồng thời nghênh đón cuộc khảo thí cuối cùng để tốt nghiệp.

Buổi khảo thí cuối cùng để tốt nghiệp của nàng diễn ra vào tiết Thanh Minh, ngày mà những trưởng bối (giám khảo) tứ tán bên ngoài quay trở về nhà tổ để tế bái. Chủ khảo là ông cố, những giám khảo còn lại là các bác, các cô và mấy người anh chị họ. Thời điểm khảo thí, người nhà nàng nửa điểm cũng không lưu tình, xuống tay một người so với một người càng tàn nhẫn, cũng may, nàng bởi vì muốn nhanh chóng kết thúc cuộc sống ngồi xổm sinh hoạt trên núi nên vô cùng dốc lòng khổ luyện, thuận lợi vượt qua khảo thí tốt nghiệp, từ nay về sau, nàng đã có thể xuống núi tự mưu đường ra cho bản thân mình.

Chuyện này, người nhà cũng đã an bài sẵn cho nàng.

Ông nội nàng năm nay đã 83 tuổi, lần này ông trở lại nhà tổ cũng không tính toán xuống núi nữa, lưu lại nơi này dưỡng lão, ông có một tòa đạo quan muốn truyền lại cho cha con của nàng. Ông Trương Trường Thọ nói với nàng: "Con đã trên 18 tuổi rồi, ba mẹ không có nghĩa vụ phải chăm lo cho con nữa, cũng không cho phép con về nhà." Ông nội nàng hơi mỉm cười, nói thêm vào: "Vậy con cứ đến chỗ lúc trước của ông nội ở đi, khi nào muốn dọn đi thì cứ đem chìa khóa trả về đây là được. Mấy món đồ linh tinh ông để lại trong đạo quan con cứ xem xét xử lý. Đồ đáng giá ông đều đã mang về nhà tổ hết rồi, còn lại mấy món đồ chơi nho nhỏ thôi, con nếu chướng mắt chúng thì cứ giao cho anh hai của con xử lý, không chừng còn có thể kiếm thêm chút tiền trang trải sinh hoạt."

Trương Tịch Nhan không có tiền tiết kiệm, không nhà không xe không công tác, chỉ có thể đi kế thừa đạo quan nhỏ kia của ông nội.

Đạo quan là thật sự nhỏ, còn không lớn bằng cái sân của nhà tổ, chỉ có hai gian trước và sau, gian phía trước dùng để thờ cúng Tổ sư gia, gian phía sau là nơi sinh hoạt, có ba phòng, trong đó một phòng dùng để làm nhà bếp, toilet và nhà tắm được xây ở một góc sân, chỉ có một cánh cửa để ra vào, không có cửa sổ hay cửa thông gió, đóng cửa lại mà không bật đèn liền tối tới nỗi không thấy đường mò giấy vệ sinh. Cũng may ba của nàng có một khách hàng thân thiết coi tiền như rác tên là Liễu Sĩ Tắc, ông ấy cũng là chủ tịch của công ty tài chính mà lúc trước nàng làm việc, ông quyên khá nhiều tiền giúp ông nội nàng sửa chữa lại đạo quan, ngay cả tượng của Tổ sư gia cũng được mạ vàng, đồ điện và gia dụng trong đạo quan cũng được hiện đại hóa, cải thiện điều kiện sinh hoạt rất nhiều.

Tiết Thanh Minh qua đi, nàng theo chân hai vợ chồng Trương Trường Thọ xuống núi.

Nàng mặc một bộ đạo bào màu trắng ngà có ám vân, khoác một cái áo choàng có thêu họa tiết mây trời, tóc dài được búi lên, cố định bằng một cây trâm ngọc, ăn mặc như vậy ở nhà tổ còn tính là hợp với tình hình, nhưng xuống núi thì hơi có chút...

Có mấy người không biết lịch sự là gì móc ra điện thoại quay phim nàng, còn có người tiến đến hỏi nàng quần áo là đặt ở shop online nào.

Trương Tịch Nhan rất muốn nói cho người đó, bộ đạo bào cách tân này là do chính bà nội ba giống quỷ hơn là người của nàng chế tác thủ công. Đừng nhìn bà nội ba lớn lên giống quỷ như vậy mà lầm, lúc còn trẻ bà cũng là một đại mỹ nhân a, tướng mạo của nàng và bà nội ba có đến bảy phần giống nhau, đại khái bà nội ba là muốn ở trên người nàng tìm lại thời huy hoàng đã qua, nên rất siêng năng làm đạo bào cách tân cho nàng, làm đẹp đến nỗi tiên khí phiêu phiêu, còn bắt nàng phải mặc hằng ngày, xuống núi cũng phải mặc, bà còn cảnh cáo, nếu nàng không nghe lời thì coi chừng bà đi tìm nàng.

Lời cảnh cáo này giống như lời nguyền của quỷ, đến nay nhớ tới sau lưng còn phát lạnh.

Giữa việc mặc vào đạo bào tiên khí phiêu phiêu và việc vừa tỉnh ngủ mở mắt ra nhìn thấy bà nội ba, nàng cắn răng lựa chọn đạo bào tiên khí phiêu phiêu. Giữa đạo bào truyền thống và đạo bào cách tân tiên khí phiêu phiêu, tất nhiên nàng sẽ chọn vế sau rồi.

Nàng là đạo sĩ tu tại gia, không phải đạo sĩ xuất gia đi tu tiên, tất nhiên không có quá nhiều thanh quy đạo luật này nọ.

Nàng mới 27, không phải 87, đương nhiên muốn xinh xinh đẹp đẹp a.

Trương Tịch Nhan miệng chê nhưng thân thể lại thành thật mặc vào đạo bào, đi theo sau lưng hai vợ chồng Trương Trường Thọ mặc một thân quần áo thoải mái đi về nhà — À mà cũng không phải là về nhà, nàng vừa ra khỏi sân bay, một chiếc taxi được Trương Trường Thọ tiên sinh gọi đến nhanh chóng đem hành lý và ba người nhà nàng đưa đến đạo quan.
Bình Luận (0)
Comment