Đất Ma

Chương 10


“Sắp tới cô phải cẩn thận, ăn bánh trôi xong thì phải về ngay.

Thứ nhất, cấm tuyệt đối không được chê bánh này, khó ăn kinh tởm cách mấy cũng phải ăn ngon lành cho tôi.

Cho dù có muốn nôn cũng phải cố mà nuốt vào bụng.

Thứ hai: nuốt tuột vào bụng, không nhìn nhân bánh là gì sẽ dễ ăn hơn đấy.

Tôi chỉ nói được thế thôi, quy định ở đây là thế.

Nếu cô biết trong bánh có gì thì không được phép bước vào, chuyện xôi hỏng bỏng không cả.”
Sau khi thuyền đến một bán đảo trên sông thì cập bến.

Điền Quý dặn dò cẩn thận xong, lại hẹn cô nàng sau một tiếng sẽ cùng anh gọng vó quay lại đón.
“Anh không vào à?”
“Muốn cũng không được.

Nhìn cái biển kìa: cấm người họ Điền.

Cô không tin tôi thì cứ hỏi anh lái đò.”
Anh gọng vó nói:
“Đúng là có quy định này.”
Con thuyền quan tài đi khỏi, cô nàng cũng không muốn lãng phí thì giờ, bèn rảo bước đi vào.
Bán đảo không lớn, chính giữa có một quả đồi con cao độ hai mươi mét, dáng thoải dễ leo.

Đỉnh đồn đặt một cái miếu nhỏ, không biết thờ ai, nhưng từ xa đã có thể thấy khói hương nghi ngút.

Cảnh trí như vậy, dương gian đâu cũng có, không lấy gì làm đặc biệt.

Nhưng giữa con sông âm đầy thứ quái gở, bán đảo và ngôi miếu này lại nổi lên bần bật.
Từ bến sông có một con đường lát đá dẫn lên tận ngôi miếu, hai bên đường chồng chuối và dứa xen kẽ nhau, thành hàng thẳng tắp, cây nào cây nấy sai trĩu quả.
Vừa đặt chân lên con đường này, Phượng Ngân đã thấy có gì đó không đúng.

Dù đi một mình trên đường lớn, nhưng cô nàng lại cứ có cảm giác như đang bước vào võ đài, bốn bề có hàng vạn hàng ngàn con mắt đang nhìn chòng chọc lấy mình.

Bước chân cô nàng cũng vì thế mà nhanh hơn mấy phần.
Con đường này không dài, đi nhoáng một cái đã đến trước cửa đền.

Phượng Ngân không vội vào, mà nhìn quanh một hồi.
“Không khắc câu đối, không bày tượng trấn giữ, xem ra đền này chưa chắc đã thờ thứ gì tốt lành.

Kể cũng lạ, tại sao lại đến một ngôi đền để ăn bánh trôi?”
Đúng lúc này, trong đền chợt có một giọng khàn khàn vọng ra:
“Khách đến mua bánh phải không? Sao chưa vào đi?”
“Vào ngay.”
Phượng Ngân thấy đối phương đã biết mình đến, có tránh né cũng không được gì, cứ lấy bất biến ứng vạn biến xem đối phương giở trò gì là được.

Hà huống, Điền Quý nếu muốn hại cô nàng thì không cần bày nhiều trò như thế.
Trong đền bài trí cũng đơn giản, sân lát gạch đỏ, đầu và cuối sân trồng hai hàng tre, chính điện xây thành hình cung tròn, ôm lấy một giếng nước ở chính giữa.

Đền điện đều đóng cửa im ỉm, dán bùa niêm phong lại cẩn thận.

Giếng nước có một nắp đồng, cố định chặt vào đất bằng xích sắt, trên khắc họa tiết thời Phùng Nguyên.
Có một bà lão lưng gù ngồi trên thành giếng, trên bàn bày một cái nồi to, một chồng thìa bát dùng để ăn chè.

Bà cụ ngẩng đầu, đôi mắt trắng dã đằng sau mớ tóc lòa xòa và điệu cười toe toét quái dị khiến Phượng Ngân hơi giật mình.
“Đến mua bánh hở?”
“Dạ.”
“Chờ đấy, bà múc cho mà ăn.

Gớm, chả mấy khi chỗ này có khách.”
Bà cụ tỏ vẻ nhiệt tình, mở vung lấy muôi múc cho Phượng Ngân một bát bánh trôi nước.

Cô nàng nhìn vào bát, mém chút là không chịu nổi.

Phần nước thì dính dính nhớt nhớt, có mấy chục hạt đen thui, to hơn hạt vừng, đang bơi tới bơi lui.

Phần bánh vừa tanh vừa thối, vỏ có màu ngai ngái xanh, thỉnh thoảng lại ngọ nguậy.


Trông bát bánh trôi của bà già lưng còng mà cứ tưởng mấy cục đờm bơi trong một đống trứng cóc.
Phượng Ngân định đón bát nước chè, thì thấy nóng như lò lửa, vội vàng rụt tay lại nhưng da ở đầu ngón tay đã đỏ tấy lên.
Không ngờ bát bánh trôi trông lạnh ngắt lại nóng bỏng tay như thế.
Bà già bảo:
“Ở đời lắm khi như bát bánh trôi vậy, gấp quá hại thân.

Con cứ để xuống, nếu không chê thì nói chuyện với bà già sắp xuống lỗ này một lúc.

Lâu lắm rồi mới có người đến chốn khỉ ho cò gáy này.”
Phượng Ngân thấy bà ta không có ác ý, bèn nói:
“Bà ơi, cho con hỏi một câu, nếu có xúc phạm thì bà bỏ quá cho.”
“Muốn hỏi bà có phải người sống không mà xuống lỗ chứ gì? Phải.

Bà là người, bằng xương bằng thịt.”
Bà già dừng một chốc, lơ đãng nhìn ra xa như hoài niệm về một quãng thời gian đã qua, trong đôi mắt như phản chiếu vật đổi sao dời, bãi bể nương dâu.
Một lát sau, bà ta lại vỗ lên cái bướu trên lưng một cái, bảo:
“Nếu không phải năm đó cõng nhầm cái của nợ này, già đã về với cát bụi từ lâu rồi.”
“Bà là...”
“Tên tuổi của già già đã quên lâu rồi.

Mấy trăm mùa hoa nở hoa tàn, người ta cứ đến rồi đi, ai cũng chỉ cốt xong việc mình thật nhanh rồi chuồn thẳng.

Đã không người nào để tâm đến, chẳng người nào buồn hỏi han, già còn giữ tên tuổi làm gì? Cái tên mà, có ai tự dùng bao giờ đâu?”
Một bà cụ người phàm, lại sống ở dòng sông âm này mấy trăm năm?
Phượng Ngân nghe mà chẳng thể nào tin nổi, tự hỏi làm thế nào mà bà ta chịu được sự cô đơn gặm nhấm suốt những năm tháng dày đằng đẵng đó.
Bà cụ cười xòa, nói:
“Chết.

Lâu rồi không có người đến nói chuyện cùng nên già hơi lan man, thôi chè nguội rồi, cô ăn ngay còn đi cho sớm.”
“Bà, thật ra con cũng không vội lắm.

Bà kể cho con nghe chuyện của bà đi.


Đền này là đền gì.

Sao bà không bỏ đi nơi khác??”
“Cô muốn biết những chuyện này để làm gì??”
“Nếu như có ai dám giữ chân bà ở đây, để con thay bà hỏi tội nó.

Bà đừng thấy con phận gái mà coi thường, thật ra con mạnh lắm đấy.”
Phượng Ngân vừa cười, vừa đặt tay lên ngực trái như một lời tuyên thệ.
Bà già cười:
“Không, chẳng ai giam bà ở đây cả, nhiệm vụ canh giữ ngôi đền này già tự nguyện làm con ạ.”
“Bà đã nói thế thì con cũng không gặng hỏi nữa vậy.

Nhưng đền này thờ ai hả bà?”
“Cô nhìn cái đền này xem nó giống cái gì? Hai hàng cây, chính điện xây quây tròn, có cái giếng ở giữa...”
“Giống cái gì ạ??”
“Một con mắt.

Đền này gọi là Linh Thị miếu, gọi nôm là đền con mắt con ạ.”
Bà già cười, bảo.
Phượng Ngân lại tiếp:
“Con thấy ở bến sông có cái biển đề ‘cấm người họ Điền’, con có người bạn cũng họ này, bà nói cho con biết lí do được không??”
Bà già nghe thấy thế thì mặt biến sắc, hỏi:
“Bạn cô họ Điền? Nó có vào đây không??”
“Không ạ.

Anh này biết luật cấm tiệt, nên không dám đặt chân lên đảo này nửa bước.”
“Thế thì tốt.”
Bà già lưng còng thở phào, ra chiều nhẹ nhõm.
Nói đoạn, bà lại kể:
“Chuyện cấm người họ Điền là ý trời, bà cũng không rõ nguyên do cụ thể.

Lúc nhậm chức thì có người bảo, lệnh cấm là bởi nhà họ Điền này xấc láo, trong mắt chẳng có quỷ thần, tuyệt đối không để cho chúng vào đây nửa bước.”
Hai người chuyện trò thêm một lúc, Phượng Ngân kể những gì xảy ra ở dương gian gần đây cho bà già lưng còng.

Nghe đến chiến tranh loạn lạc, nạn đói hoành hành suốt nửa thế kỷ, bà già mới than:
“Hèn chi sông âm dạo này lắm ma da thôi, ôi.”
Phượng Ngân lại kể những chuyện vui hơn cho bà cụ nghe, làm bà cứ tủm tỉm cười mãi.
Cô nàng ngó đồng hồ, thấy hơi lố giờ, vội vàng đưa bát bánh trôi nguội ngắt lên húp một cái, ai dè hai cái bánh to đùng trôi tọt thẳng xuống họng trơn như bôi mỡ, chẳng có cảm giác gì hết.

Phượng Ngân chào tạm biệt bà cụ, hẹn thỉnh thoảng sẽ lại đến chơi, rồi chạy ra khỏi đền con mắt.

Cô nàng rảo chân chạy nhanh như gió, nhoáng một cái bến đò đã thu vào tầm mắt.

Con thuyền quan tài đã neo sẵn bên dòng nước từ lúc nào, anh gọng vó đứng mà mấy cái chân đằng sau lưng cứ đan vào nhau, hình như lo lắng ghê lắm.

Chả bù cho Điền Quý, đến giờ vẫn đang nằm khểnh, mặt vùi vào tờ báo, giả vờ chăm chú.

Nếu không phải anh ta cầm ngược tờ báo, có khi nhìn từ xa chẳng ai biết tên này đang chơi bài lưu manh giả danh tri thức.
Nhác thấy Phượng Ngân xuất hiện, anh gọng vó bèn nói:
“Cô không sao à? Thật là may quá.”
Cô nàng ngó sang Điền Quý một cái, thở dài.
Cái tên này cứ bình chân như vại, cứ như thể chẳng quan tâm gì đến sống chết của Phượng Ngân.

Người nào không biết khéo lại nghĩ Điền Quý mới là người dưng, còn anh gọng vó mới là bạn đồng hành của cô nàng.
Phượng Ngân đáp:
“Có gì đâu, bà ấy cũng dễ tính mà?”
Cô nàng ngồi xuống, tạm thời không để tâm đến ánh mắt kinh sợ của anh gọng vó mà quay sang hỏi Điền Quý:
“Bát bánh trôi có gì đâu mà anh làm quá lên ghê thế??”
Anh chàng nhổm dậy, hỏi:
“Cô thích cái vị đó thật hả??”
“Ngoại trừ trông hơi kinh và mùi khó ngửi ra, tôi thấy để nguội ăn vào chẳng có vị gì cả.”
Phượng Ngân đáp, giọng tỉnh bơ như không.
Anh chàng giơ ngón cái ra, khen:
“Bát bánh trôi đó là thứ kinh tởm nhất con người có thể ăn trong đời đấy.”
“Nhưng...”
“Cô không hiểu rồi.

Nồi bánh được phù phép, bất kể cô là người hay ma quỷ thần thánh, ăn vào miệng tự khắc vị của nó sẽ đổi thành thứ cô thấy khó nuốt tởm lợm nhất trên đời.”
“Nhưng đúng là tôi thấy nó bình thường.

Nếu những gì anh nói là thật thì chẳng phải thế càng vô lý sao?”
Phượng Ngân nói.
Điền Quý lắc đầu, nói:
“Không hề, chắc cô được bà già ấy thích nên mới chiều cho đấy.”
Anh gọng vó nghe mà tá hỏa, miệng banh ra hết cỡ, lắp bắp:
“Ý anh là có người lọt được vào mắt xanh của cái mụ già trăm mắt tính khí nóng lạnh thất thường ấy á?”
“Này! Hai anh nói xấu sau lưng bà ấy thế không thấy xấu hổ à? Khoan! Từ từ...!trăm mắt?”

Bình Luận (0)
Comment