Đất Ma

Chương 6


Phượng Ngân chống thanh kiếm đen xuống, lưng đẩy thẳng, cằm hơi hướng lên, hỏi ngược:
“Anh cũng cho tôi là hạng con gái chân yếu tay mềm?”
“Không.

Không.

Tôi nào phải hạng có mắt không tròng?”
Anh chàng cười cười, đoạn tiếp:
“Nhưng lắm khi nắm đấm không giải quyết được tất cả mọi việc đâu.

Cô khoan hãy lên tiếng, có gì từ từ ngồi xuống uống miếng nước rồi tôi từ từ giải thích cho.”
Điền Quý nói xong, bèn kéo ghế mời Phượng Ngân ngồi, rồi chỏ ấm trà trên bàn.

Chờ cô nàng tự rót cho mình một chén, Điền Quý mới kể:
“Thực ra bây giờ người ta có định vị, có la bàn, đường xá cũng quy hoạch tốt hơn, công nghệ vẽ bản đồ cũng hơn hẳn ngày trước.

Số người chết trên rừng trên núi rất ít, mà số người không tìm được xác mang về chôn càng ít hơn.

Thành ra ma rừng cũng dần trở thành loài quý hiếm, có tên trong sách đỏ bảo tồn.”
“Dù có là loài quý hiếm đi nữa thì hành động đêm qua của tôi cũng là tự vệ chính đáng.”
Phượng Ngân cãi.
Điền Quý bèn bảo:
“Chuyện ấy thì tôi không phủ nhận, nhưng thực ra giới hành giả đang cố thuyết phục loài ma rừng hợp tác toàn diện với ta.

Nếu như có họ giúp đỡ thì mảng tình báo của hành giả sẽ mạnh lên một bước dài, công tác hậu cần cũng sẽ tốt hơn.

Nói chung là chuyện hôm qua không đơn giản là đấu đá khơi khơi, mà còn có nguyên nhân chính trị đằng sau nữa.”
“Thế nên anh mới bảo chuyện này chẳng liên quan tới việc tôi mạnh hay không.”
“Thậm chí, cô mạnh quá mới đáng lo ấy.


Người ta hiểu nhầm là khiêu chiến thì chết dở.”
Điền Quý tự rót một chén trà, tự uống một ngụm.
Phượng Ngân cắn răng, hỏi:
“Chẳng nhẽ phải trơ mắt ra nhìn chúng bắt trẻ sơ sinh hay sao?”
“Không.

Sao lại có chuyện đó được?? Mạng ma rừng quý, chả nhẽ mạng người lại không à? Nhưng những chuyện phức tạp thế này làm gì cũng phải có trình tự của nó, không thể vì cảm tính mà đốt cháy giai đoạn hay đảo lộn đầu đuôi được đâu.”
Điền Quý khoát tay, đoạn gõ lên mặt bàn một cái.
“Ý anh là?”
“Nói cho dễ hiểu, thì trước khi ra tay, chúng ta cần phải thuyết phục họ đã.

Nếu họ vẫn không nghe, thì mới đến bước trấn áp bắt giữ.

Nếu lúc đấy vẫn ngoan cố phản kháng thì có triệt hạ mấy tên cũng dễ ăn nói với vua của ma rừng hơn.

Nhưng tối qua tôi vừa mới làm phép khuyên can, còn chưa đến bước hai cô đã xông lên chém người ta lấy được rồi, thế nó mới nên chuyện.”
Điền Quý nhún vai, lại nói:
“Tôi cũng chả thích rườm rà như thế, nhưng đâu còn cách nào khác? Sang thế kỷ mới đến nơi rồi, giờ có lí lẽ dễ nói chuyện hơn...”
“Thế...!hôm qua...!là tôi làm liên lụy đến anh?”
“Cũng không nói thế được.

Dù sao, lúc đó tôi cố tình không can cô lại kịp thời, nên tính ra cũng là tòng phạm rồi.”
Anh chàng vừa cười, vừa vươn vai đứng dậy, hất đầu về phía cửa ra vào:
“Tạm không nói những chuyện vĩ mô đấy nữa, tự sẽ có người giải quyết cái mớ này.

Tôi tìm được người cần tìm rồi, có đi cùng nữa không hay thôi??”
Điền Quý và Phượng Ngân khóa cửa phòng trọ cẩn thận, rồi ra phố.

Bấy giờ vừa đến giờ trưa, cái nắng oi ả đầu hè hong khô cả con đường, chẳng còn vết tích nào của trận mưa dông đêm qua nữa.

Quý nhìn đồng hồ đeo tay, nói:

“Còn hơi sớm, anh kia phải cuối giờ chiều mới mở cửa cơ.”
“Tôi và anh tách ra ai làm việc nấy, khoảng bốn giờ thì tập trung ở đây.”
Phượng Ngân chỏ vào một cái cổng làng cổ xưa, đề nghị.
Anh chàng khịt mũi một cái, rồi vừa ngáp vừa đi về phía nhà ga, coi như là đã đồng tình với ý kiến của cô nàng.
Ngân thở phào một hơi, nói đoạn rảo chân bước qua cổng làng.

Từ đây nhìn thẳng vào, đi thêm độ đăm bước chân thì đến một khoảng sân có cây si già, dưới bóng cây kê một cái bàn đá dùng hóng mát.

Bấy giờ đang mấy cụ già cởi trần đang vừa uống chè vừa đánh tam cúc ăn tiền, trong cơn sát phạt nhau, tiếng cười nói reo hò inh ỏi của mấy ông cụ át cả tiếng nhạc phát ra từ cái đài radio đặt trong bọng cây.
Phượng Ngân chờ mấy ông đánh xong ván đầu tiên, bèn nghiêng đầu, nói giọng đon đả ngọt lịm:
“Các cụ đánh vui thế, không biết cho con chơi cùng có được không??”
Mấy ông lão cười phá lên, một ông cụ vừa nhích sang nhường chỗ cho cô nàng ngồi vào bàn, vừa dặn:
“Lát có thua thì đừng bảo bọn tao ỷ già khi trẻ, bắt nạt người ngoài đấy nhé?”
Cô nàng vẫn giữ giọng khiêm nhường:
“Các cụ yên tâm, dám chơi dám chịu chứ.”
“Cháu nó còn trẻ người, hay ta chấp nó một tí các cụ nhỉ?”
“Thế thì cho nó cầm cái, chia bài.”
Mấy ông cụ cùng cười phá lên, bụng bảo dạ sắp ăn được của cô nàng một mớ.

Không ai biết rằng, đây đều là điều Phượng Ngân dự tính kể từ lúc nhác thấy bóng họ từ bên ngoài cổng làng.
“Mình ăn gian thế này có quá đáng không nhỉ?”
Trong lúc sắp bài, chia bài, Phượng Ngân đã cố tình giở một vài tiểu xảo.

Động tác cô nàng vừa nhanh vừa kín, mấy ông lão tuổi cao tất nhiên là không phát hiện được.

Thành ra Phượng Ngân cứ thắng hết ván này đến ván khác, giữ chặt quyền làm cái, chia bài không nhả ra cho ai.

Kết quả là chỉ sau vài ba tiếng, mấy ông lão đánh bài thua còn đúng bộ quần áo trên người.
Chuyện lộ phí coi như giải quyết xong...
Nhìn mấy ông cụ thất thểu về nhà, bỏ cả cái đài lại bọng cây, Phượng Ngân quả thật có phần áy náy.


Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cũng chỉ có cách này mới dễ làm thân với người ta mà dò la tin tức.
Lúc Ngân nhắc tới chàng trai mà người cả họ bị chết, một ông cụ mới run giọng bảo:
“Hồi ấy nghe đâu dòng họ nhà thằng này định động thổ miếng đất phong thủy ở thị trấn A, nhưng chưa hoàn công thì cả họ đã chết bất đắc kỳ tử.

Thằng ấy từ đấy cũng lầm lầm lì lì, chả nói năng gì hết.

Giờ đang đạp xe bán tào phớ dạo mưu sinh.”
Hiện tại, Phượng Ngân dám chắc tám chín phần “người câm” mà mười sáu chữ hướng dẫn đề cập tới chắc chắn là cậu con trai sống sót, hiện đang bán tào phớ này.

Điều khiến cô nàng thấy tò mò hơn cả đó là tại sao người để lại hướng dẫn lại tiên liệu được dòng họ người thợ xây chỉ có một người con sống sót, hơn nữa lại hóa câm để ứng với câu đầu tiên.
Phượng Ngân vừa đứng dậy định bỏ đi, thì bỗng cái đài phát thanh bắt đầu phát ra những tiếng “rè”, “rè” như bị nhiễu sóng.

Đáng nói ở chỗ, ban nãy mấy ông cụ trên đà thua đã rút phắt phích cắm ra, bảo do tiếng nhạc làm phân tâm không tập trung đánh được.
Được một lúc, âm thanh từ cái đài bỗng méo đi, cuối cùng trở thành một tiếng cười the thé:
“Sinh mạng chỉ có một, cần phải biết quý trọng.”
Phượng Ngân cười khẩy, hiên ngang nhìn lên chạc cây, hỏi:
“Chỉ biết hù dọa suông thế thôi à? Có giỏi thì xuống đây xem ai sợ ai?”
Không có câu trả lời, vì cái đài phát thanh đã chết lặng như cũ.
Cô nàng phủi áo, quay phắt lưng lại, cuối cùng để lại một câu:
“Bà đây tống nguyên đai nguyên kiện mấy câu vừa rồi trả cho mày, cứ cẩn thận cái mạng đấy.”
Lúc này, bóng cây si đổ xuống dường như trở nên âm trầm hơn mấy phần.
Phượng Ngân vừa ra khỏi cổng làng thì Điền Quý đã ngồi chờ sẵn trên một cái xích lô, tay đập vào ghế nệm giục cho cô nàng lên ngồi cùng.

Ngân vừa bước lên xe, anh chàng đã dặn:
“Lát cứ kệ anh xích lô, đừng bắt chuyện gì cả.

Cũng đừng có nói chuyện với anh tào phớ kẻo xôi hỏng bỏng không đấy.”
Lúc nói câu này, gương mặt Điền Quý lộ vẻ nghiêm túc hiếm hoi, cô nàng cũng nghe lời mà không hỏi gì nữa.
Hai người kéo mái che xuống, đợi thêm mấy phút, thì ở khúc quanh đã có một anh chàng tóc tai rũ rượi lầm lũi dắt một cái xe đạp xuất hiện.

Giỏ xe đặt một cái ấm, yên sau buộc một cái sọt to để nồi tào phớ và đủ thứ thìa bát linh tinh.

Anh chàng cứ dắt một đoạn là lại đưa tay nhấn chuông xe “riinh” một cái, chắc là thay cho tiếng rao bán.
Người trong thị trấn cũng quen mặt anh này, thỉnh thoảng lại gọi anh tấp vào tận thềm ủng hộ.


Mỗi lần như thế, anh chàng lại thuần thục mở nắp nồi, lấy cái thìa inox to hớt từng lát đậu phụ trắng phau để vào bát, đoạn với cái ấm ở giỏ xe, đổ thứ nước đường thoảng hương hoa bưởi ra.

Ai tự dùng bát nhà mình thì thôi, còn ai ăn luôn bằng thìa bát anh mang theo thì anh chàng lại chống chân chống đứng chờ trước cửa.

Anh ta cứ im ru như phỗng, như con robot hết điện, chờ mãi đến tận khi họ dùng xong mới chịu nhúc nhích.
Người ta chắc cũng quen rồi, chứ khách mới bị anh bán hàng nhìn chằm chằm như vậy chắc không nuốt nổi một thìa.
Nhưng lần nào cũng vậy.

Khách trả bát, trả tiền xong là anh ta lại lầm lũi dắt xe đi về một hướng vô định, thỉnh thoảng lại rung chuông xe đạp lên, suốt cả quá trình không hé miệng nói lấy một chữ.

Như người ta không nói được, thì thỉnh thoảng cũng sẽ ú ớ mấy tiếng, hoặc cười bật lên.

Duy có anh này là im thin thít, cứ lặng lẽ vật vờ như một cái bóng.
Chiếc xích lô của Điền Quý và Phượng Ngân nhè nhẹ bám theo anh chàng bán tào dọc trên con đường hành nghề, hết đi đường lớn lại rẽ ngõ nhỏ.

Cũng may xe bán tào cũng lỉnh kỉnh đủ thứ, nên thường những ngõ hẹp xích lô không đi được thì cái xe cũng khó mà lách vào.
Anh lái xích lô của hai người cũng thế, dọc đường tuyệt không phát ra một âm thanh nào hết.

Phượng Ngân cứ có cảm giác anh này đang thi với anh tào phớ xem ai mở miệng cất tiếng trước thì thua.
Vòng vèo một hồi, từ chập choạng đến tận khuya lơ khuya lắc, anh tào vẫn lầm lũi bước, cái xích lô cũng lừ lừ theo sau.

Phượng Ngân thấy mãi mà chưa hỏi được anh tào phớ đầu đuôi sự thể, không khỏi lấy làm sốt ruột.

Còn Điền Quý thì trái hẳn.

Anh này coi buổi chiều như đi ngắm cảnh hóng mát, được một lúc thì lăn quay ra ngủ khì, quả thật là vô tư lự.
Anh tào phớ cứ đi mãi, đi mãi, đến tận gần một giờ sáng thì rẽ vào con đường ven bờ sông, đến trước một cái cầu cho tàu hỏa chạy thì dừng lại.

Khu này vốn nằm rất xa trung tâm thị trấn, không quán xá chẳng nhà dân, thành ra cũng hiếm khi có người lui tới.

Dưới gầm cầu không một ngọn đèn, thành ra chỉ thấy bóng tối đặc quánh rỉ ra dưới bóng trăng nhờ nhờ trên bầu không.
Tiếng lốp xe bén đường, tiếng bộ xích cũ kỹ chuyển động hòa cùng âm thanh của cái chuông nhỏ cất lên như một bản hòa tấu quái đản.

Bóng lưng xiêu xiêu vẹo vẹo của anh tào phớ từ từ biến mất trong bóng đêm của căn hầm.

Bình Luận (0)
Comment