Đấu Trường Sinh Tử

Chương 1

Khi tôi tỉnh dậy, phía bên kia giường thật lạnh lẽo. Tôi duỗi các ngón tay, tìm kiếm hơi ấm của Prim nhưng chỉ chạm phải bề mặt thô ráp của tấm ga nệm bằng vải bố. Hẳn con bé đã gặp ác mộng và tót sang ngủ với mẹ. Cũng phải thôi. Nó hẳn đã mơ về ngày chiêu quân.

Tôi chống cùi chỏ nhỏm dậy. Phòng ngủ đủ sáng để tôi có thể nhìn thấy họ. Em gái tôi, Prim, đang cuộn tròn và rúc vào người mẹ, má hai người áp vào nhau. Trong khi ngủ, mẹ tôi trông trẻ hơn, tuy vẫn xanh xao nhưng không tiều tụy lắm. Gương mặt Prim tươi tắn như hạt mưa, đáng yêu như chính cái tên của nó, loài hoa anh thảo. Mẹ tôi cũng một thời đẹp lắm. Ít ra, người ta đã kể với tôi như thế.

Ngồi sát đầu gối Prim và canh chừng cho con bé là con mèo xấu nhất quả đất. Mũi bẹt, một bên tai sứt phân nửa, còn mắt thì có màu vàng ủng như quả bí thối. Prim đặt tên cho nó là Hũ Bơ và khăng khăng rằng bộ lông vàng xỉn của nó giống hệt màu hoa Hũ Bơ[1] rực rỡ. Nó ghét tôi lắm. Hoặc ít nhất cũng là dè chừng tôi. Dù chuyện xảy ra cách đây đã nhiều năm, chắc nó vẫn còn nhớ rằng tôi đã cố dìm nó vào cái xô như thế nào sau khi được Prim mang về nhà. Con mèo con ốm đói, bụng trương lên vì sán, người thì lúc nhúc rận. Điều duy nhất tôi bận tâm là phải tốn thêm một miệng ăn nữa. Nhưng Prim nài nỉ dữ quá, còn khóc nữa, vậy nên tôi đành cho nó ở lại. Con mèo xem chừng cũng ngoan. Mẹ tôi bắt hết rận cho nó và Hũ Bơ quả có tài bắt chuột bẩm sinh. Đôi khi nó còn bắt được cả chuột cống. Thỉnh thoảng, khi tôi dọn một bãi chuột chết, tôi cho Hũ Bơ bộ lòng. Nó thôi gầm gừ với tôi.

Bộ lòng. Thôi gầm gừ. Đấy là cái ngưỡng tình thương cao nhất mà chúng tôi từng có được.

Tôi phóng ra khỏi giường và đặt tọt hai chân vào đôi ủng đi săn. Chiếc ủng da mềm mại khít khịt chân tôi. Tôi mặc quần dài, áo thun, nhét bím tóc dài sẫm màu vào trong mũ và túm lấy túi đựng cỏ. Trên bàn, mẩu pho mát dê ngon tuyệt gói trong lá húng quế được đậy dưới chiếc bát gỗ, tránh lũ mèo chuột háu ăn. Đây là món quà của Prim cho tôi trong ngày chiêu quân. Tôi cẩn thận bỏ mẩu pho mát vào túi rồi lẻn ra ngoài.

Khu Vỉa than, biệt danh được đặt cho khu vực chúng tôi sống trong Quận 12, tầm giờ này lúc nào cũng chật kín thợ mỏ bước vào ca sáng. Các ông các bà ai cũng vai u thịt bắp, nhiều người từ lâu đã không buồn cạy lớp bụi than khỏi những cái móng tay dập gãy hay chùi những vệt đen trên khuôn mặt heo hóp của họ. Thế nhưng hôm nay khu phố than đen vắng ngắt. Cửa sập của những căn nhà màu xám nhếch nhác đóng kín mít. Đến hai giờ chiều buổi chiêu quân bắt đầu. Giờ này vẫn còn ngủ tốt. Nếu bạn có thể ngủ được.

Nhà tôi ở rìa khu Vỉa than. Tôi chỉ cần đi qua vài cái cổng là đến được cánh đồng dơ dáy tên là Đồng cỏ. Ngăn cách Đồng cỏ với khu rừng, mà thực chất là bao quanh toàn bộ Quận 12, là hàng rào mắt cáo cao ngật ngưỡng, trên cùng là những vòng thép gai. Đáng lẽ người ta giăng điện liên tục 24/24 nhằm ngăn thú dữ trong rừng - những nỗi sợ hãi từng bao trùm cả khu phố. Nhưng may mắn thay, chúng tôi chỉ có điện trong hai hoặc ba tiếng vào buổi tối, vậy nên đụng vào hàng rào luôn an toàn. Tuy nhiên lúc nào tôi cũng lắng nghe một lúc, có tiếng vo vo nghĩa là hàng rào có điện. Giờ thì nó im phăng phắc. Núp trong một bụi rậm, tôi nằm sấp và trườn vào dưới một khe hở dài một mét đã bung từ lâu. Còn một vài khe hở khác trên hàng rào, nhưng tôi toàn chui vào chỗ này do gần nhà.

Ngay khi lọt vào một đám cây, tôi lấy cung và bao tên từ một thân cây rỗng.

Dù có điện hay không, hàng rào cũng đã làm tốt việc bảo vệ Quận 12 khỏi lũ động vật ăn thịt. Nhưng trong rừng, ngoài lũ thú hoang ra, còn có những mối nguy khác như rắn độc, thú mang bệnh dại và hiểm họa lạc lối. Tuy nhiên, nếu biết cách thì cũng sẽ tìm được thức ăn. Cha rất rõ điều đó, và ông đã chỉ tôi những cách tìm thức ăn trước khi bị thổi banh xác trong vụ nổ hầm mỏ. Thậm chí chẳng còn gì để mà chôn nữa. Năm đó tôi mười một tuổi. Năm năm sau, thỉnh thoảng tôi vẫn giật mình tỉnh giấc và kêu thúc cha tôi chạy thoát.

Dù vào rừng là trái luật và việc săn trộm có thể dẫn đến hình phạt nghiêm trọng nhất, nhiều người vẫn cả gan vào rừng nếu họ có vũ khí. Tuy nhiên hầu hết không dám băng rừng chỉ với con dao trong tay. Cây cung của tôi là của hiếm, được cha tôi với vài người khác làm thủ công, và tôi giấu kỹ nó trong rừng, gói lại cẩn thận bằng tấm bọc không thấm nước. Cha tôi đã có thể kiếm bộn tiền từ việc bán cung, nhưng nếu để lũ quan chức biết, ông sẽ bị xử tử vì việc bán cung, vì tội kích động chống đối. Hầu hết những người trong Đội Trị an đều làm lơ cho một số chúng tôi đi săn vì họ cũng đói thịt tươi như bao người khác. Thật ra họ mới là những khách hàng béo bở nhất của chúng tôi. Có điều, ý tưởng người nào đó sắm sửa vũ khí ở khu Vỉa than sẽ không bao giờ được chấp nhận.

Mùa thu, vẫn có vài kẻ bạo gan lẻn vào rừng hái táo. Tuy nhiên họ thường đứng vừa tầm với Đồng cỏ, luôn đủ gần để có thể chạy về khu vực an toàn của Quận 12 nếu có chuyện chẳng lành. “Quận 12. Nơi chúng ta có chết đói cũng vẫn an toàn,” tôi lẩm bẩm. Rồi đưa mắt nhìn về phía sau. Ngay cả ở đây, giữa chốn hoang vu này, tôi vẫn lo có ai đó nghe lén.

Khi còn nhỏ, tôi từng dọa mẹ tôi xanh mặt mỗi lần lỡ lời về Quận 12, về Panem, đám người điều hành đất nước từ một thành phố xa xôi tên là Capitol[2]. Cuối cùng tôi hiểu rằng việc phàn nàn này sẽ chỉ gieo rắc thêm rắc rối. Bởi vậy tôi học cách giữ miệng, và giữ vẻ mặt trong một chiếc mặt nạ vô cảm để không ai đọc được suy nghĩ của mình. Ở trường tôi chẳng nói chẳng rằng. Ngoài chợ thì làm vài cuộc nói chuyện xã giao. Còn tại Hob, khu chợ đen nơi tôi kiếm được phần lớn thu nhập, thì hầu như không nói gì khác ngoài những thỏa thuận bán mua. Ngay cả ở nhà, nơi không cần quá ý tứ, tôi cũng tránh đụng đến những chủ đề nhạy cảm. Như chuyện chiêu quân, chuyện thiếu ăn, hay cái Đấu trường Sinh tử. Nếu Prim sẽ lặp lại lời tôi ở đâu đó thì chúng tôi sẽ ra sao?

Trong rừng có người đang đợi tôi, người duy nhất mà khi ở bên cạnh, tôi có thể là chính mình. Gale. Tôi có thể cảm thấy cơ mặt mình dãn ra, rồi đôi chân tôi leo đồi nhanh hơn để đến địa điểm chung, một gờ đá mà từ đó có thể nhìn bao quát cả thung lũng. Một bụi dâu rậm rạp che nó khỏi cặp mắt người lạ. Nhìn thấy anh đang đợi, tôi chợt mỉm cười. Gale nói tôi chỉ cười khi vào rừng.

“Này, Catnip,” Gale nói. Tên thật của tôi là Katniss, nhưng lần đầu nói cho anh nghe, tôi bỏ qua âm gió. Vậy nên anh nghe là Catnip. Rồi từ khi có một con mèo rừng quái đản lẽo đẽo theo tôi khắp khu rừng để tìm ăn, tôi chính thức có biệt danh đó. Cuối cùng tôi phải bắn chết con mèo rừng vì nó làm kinh động đến những con mồi của tôi[3]. Tôi cũng tiếc lắm vì nó không phải là một bạn đồng hành tồi. Nhưng bù lại tôi đi săn dễ dàng hơn kể từ khi thiếu nó.

“Xem anh bắn được gì này.” Gale cầm ổ bánh mì bị mũi tên găm vào làm tôi bật cười. Đó là bánh mì nướng lò, chứ không phải thứ bánh mì dẹt đặc ruột được chúng tôi làm từ bột mì. Tôi cầm nó lên, rút mũi tên ra, đưa lỗ thủng của chiếc bánh mình lên mũi, hít hà cái mùi phưng phức đang làm nước bọt tôi trào ra. Bánh ngon thế này được tôi dành cho những dịp đặc biệt.

“Ừm, vẫn còn nóng,” tôi nói. Chắc anh phải đợi ở tiệm bánh mì từ tờ mờ sáng mới mua được. “Anh đổi cái gì để lấy nó thế?”

“Chỉ một con sóc mà thôi. Em biết không, ông già ở tiệm bánh sáng nay bỗng tỏ ra đa cảm,” Gale nói. “Ông ấy còn chúc anh may mắn nữa.”

“Ừ, hôm nay ai cũng có vẻ thân thiện hơn thì phải?” Tôi nói, thậm chí không buồn liếc mắt. “Prim dành cho chúng ta một miếng pho mát.” Tôi lấy nó ra.

Anh tươi cười trước lời mời mọc. “Cảm ơn em, Prim. Chúng ta sẽ có một bữa thịnh soạn.” Bất chợt anh đổi sang giọng Capitol, bắt chước Effie Trinket, cái bà bốc đồng thái quá năm nào cũng đến đây để công bố kết quả chiêu quân. “Suýt nữa tôi quên! Chúc mừng Đấu trường Sinh tử nào!” Anh hái vài chùm dâu đen bụi xung quanh. “Và mong là may mắn…” Anh thảy một quả dâu sang phía tôi.

Tôi bắt lấy nó bằng miệng và cắn lớp vỏ mỏng. Vị chua ngòn ngọt chạy dọc lưỡi tôi. “… luôn đứng về phía các bạn!” Tôi tiếp lời Gale trong hưng phấn. Chúng tôi phải pha trò như vậy vì nếu không mọi người sẽ sợ đến chết mất. Với lại giọng vùng Capitol khá ép phê, hầu như cái gì nói bằng giọng ấy cũng đều mắc cười.

Tôi nhìn Gale lấy dao rồi cắt lát ổ bánh mì. Anh có thể làm anh trai tôi lắm chứ. Tóc đen mượt, da màu ô liu; chúng tôi còn giống nhau đôi mắt xám. Nhưng hai đứa không có họ hàng với nhau, ít ra là không phải họ hàng gần. Hầu hết những người có gia đình làm ở khu mỏ đều từa tựa nhau như thế.

Nhờ đó mà mẹ tôi và Prim, với da sáng và mắt xanh, luôn trở nên nổi bật. Và đúng như thế thật. Ông bà ngoại tôi thuộc tầng lớp thương gia ít ỏi làm ăn với giới công chức, Đội Trị an và thỉnh thoảng của có khách hàng của khu Vỉa than. Họ quản lý một cửa hàng bào chế thuốc ở vị trí đắc địa trong Quận 12. Bởi hầu như không ai đủ tiền mời bác sĩ, dược sĩ trở thành người chữa bệnh cho chúng tôi. Cha tôi biết mẹ tôi vì thỉnh thoảng ông hái thảo dược trong những chuyến đi săn và bán cho cửa hàng mẹ tôi. Hẳn là bà đã yêu ông nhiều lắm khi rời nhà mình để đến khu Vỉa than. Tôi cố nhớ lại chuyện cũ bởi bây giờ tất cả những gì tôi nhìn thấy chỉ là một người phụ nữ ngồi đó, trống rỗng và vô cảm, trong khi đàn con đói ăn đến độ da bọc xương. Vì cha, tôi cố tha thứ cho bà. Nhưng thật lòng mà nói, tôi không phải loại người dễ cho qua.

Gale phết một lớp pho mát dê mỏng dính lên những lát bánh mì, cẩn thận đặt từng lá húng quế lên từng cái trong khi tôi vặt quả dâu[4]. Chúng tôi trở lại ngồi vào một cái hốc trên bãi đá. Ở đây, chúng tôi vừa không bị ai nhìn thấy, vừa có thể bao quát cả thung lũng đang rộn ràng nhịp sống mùa hè của những bãi rau xanh mướt tới ngày thu hoạch, đám củ quả chờ được đào, và lũ cá lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Một ngày rực rỡ với trời xanh và gió nhẹ. Thức ăn ngon tuyệt vời với bánh mì nóng ngấm pho mát cùng những quả dâu lịm ngọt. Mọi thứ hẳn sẽ hoàn hảo nếu đây thực sự là một kỳ nghỉ, và nguyên cả ngày nghỉ tôi được đi lang thang trên núi với Gale, săn bắn cho bữa khuya. Nhưng thay vào đó, chúng tôi phải có mặt ở bãi đất trống lúc hai giờ để chờ xem ai được gọi tên.

“Chúng ta có thể làm được, em biết mà,” Gale nói khẽ.

“Làm gì cơ?” Tôi hỏi.

“Rời khỏi quận này. Bỏ trốn. Vào rừng sống. Em và anh, chúng ta có thể làm được.” Gale nói. Tôi không biết trả lời thế nào. Ý nghĩ này quá khùng điên.

“Nhưng chúng ta có nhiều trẻ con quá,” anh vội thêm vào.

Tất nhiên chúng không phải đàn con của bọn tôi. Không phải nhưng lại phải. Gale có hai em trai và một em gái. Rồi Prim. Ngoài ra có thể tính cả mẹ bọn tôi nữa, vì làm sao họ có thể sống thiếu chúng tôi? Ai sẽ chăm sóc những miệng ăn lúc nào cũng thiếu đói? Ngày nào cả hai cũng đi săn, vậy mà có những tối chúng tôi phải đổi con mồi săn được để lấy ít mỡ lợn, dây giày hay vài cuộn len, vẫn có những tối chúng tôi phải lên giường với cái dạ dày sôi ùng ục.

“Em chưa từng muốn có con,” tôi nói.

“Anh thì muốn. Nếu như anh không sống ở đây,” Gale nói.

“Nhưng anh đang ở đây đấy thôi,” tôi cáu tiết.

“Thôi bỏ đi,” anh đáp.

Cuộc nói chuyện có vẻ hoàn toàn lạc đề rồi. Bỏ trốn ư? Làm sao tôi có thể rời bỏ Prim, người duy nhất tôi yêu thương trên cõi đời này? Còn Gale thì phải phục vụ gia đình anh ấy. Chúng tôi không thể ra đi, vậy nói về chuyện đó để làm gì? Mà ngay cả nếu có… ngay cả nếu có… thì liên quan gì đến chuyện có bọn trẻ? Chưa hề có điều gì lãng mạn giữa Gale và tôi. Khi bọn tôi gặp nhau, tôi là một cô bé mười hai tuổi gầy nhom, còn anh, mặc dù chỉ lớn hơn tôi hai tuổi, trông đã như một người đàn ông. Thậm chí phải mất một thời gian dài chúng tôi mới có thể trở thành bạn bè, có thể thôi cãi vã trong mỗi lần đổi chác và chuyển sang giúp đỡ lẫn nhau.

Với lại, nếu Gale muốn có con thì sẽ chẳng khó gì để tìm một người vợ. Anh ưa nhìn, đủ khỏe mạnh để đảm đương công việc trong mỏ và biết săn bắn. Tôi biết được điều đó qua cách bọn con gái bàn tán về anh, rằng chúng muốn có Gale mỗi khi anh rảo bước trong trường. Điều đó khiến tôi ghen tị, nhưng không phải vì lý do mọi người thường nghĩ, mà bởi vì anh là bạn săn xuất sắc không dễ gì tìm được.

“Mình làm gì đây?” tôi hỏi. Chúng tôi có thể săn thú, câu cá hay hái lượm.

“Ra hồ câu cá đi. Chúng ta sẽ để cần ở đó và vào rừng hái lượm. Kiếm thứ gì ngon lành cho tối nay,” anh nói.

Tối nay. Sau ngày chiêu quân, có lẽ nhà nào cũng ăn mừng. Nhiều người làm vậy để bày tỏ sự nhẹ nhõm khi con cái họ được ở nhà thêm một năm nữa. Nhưng sẽ có ít nhất hai gia đình đóng cửa gài then, tìm cách vượt qua những tuần lễ đau khổ sắp tới của mình.

Chúng tôi thu được kha khá. Hôm nay bọn thú ăn thịt để mặc chúng tôi với một lô những con mồi dễ tóm, dễ xơi. Cuối buổi sáng, bọn tôi đã có một tá cá, một túi rau rừng và, tuyệt vời hơn cả, là một đống dâu tây. Tôi tìm thấy bụi dâu này từ vài năm trước, nhưng chính Gale mới là người đưa ra ý tưởng giăng lưới xung quanh để tránh thú rừng.

Trên đường về, chúng tôi tạt qua Hob, khu chợ đen hoạt động trong một nhà kho bỏ hoang, trước đây dùng làm kho chứa than. Khi người ta tìm ra cách khác hiệu quả hơn để đưa than trực tiếp từ khu mỏ lên xe lửa, nơi này dần bị chợ Hob chiếm chỗ. Vào ngày chiêu quân, hầu hết hoạt động mua bán đều đã kết thúc, nhưng chợ đen vẫn khá nhộn nhịp. Chúng tôi dễ dàng đổi sáu con cá lấy một ổ bánh mì ngon, hai con khác đổi lấy muối. Greasy Sae, một bà già khẳng khiu vẫn bán những tô xúp nóng hổi rót từ một cái ấm lớn, thì đổi vài thỏi nến lấy nửa số rau rừng. Dù có thể kiếm hơn chút đỉnh ở nơi khác, chúng tôi vẫn cố gắng giữa mối quan hệ tốt với bà Greasy Sae. Bà ấy là người duy nhất lúc nào cũng đồng ý mua chó hoang. Chẳng ai muốn săn chúng cả, nhưng nếu bị tấn công thì kiểu gì cũng phải bắn chết một vài con, và rồi, thịt gì chẳng là thịt. “Một khi cho nó vào nồi xúp, ta sẽ nói là xúp thịt bò,” Greasy Sae nháy mắt. Không ai trong khu Vỉa than có thể cưỡng lại miếng thịt đùi thơm ngon của một con chó hoang, trừ những người trong Đội Trị an khá dư dả nên thường kén chọn.

Khi đã xong việc ở chợ, chúng tôi đi đến cửa sau nhà ngài thị trưởng để bán một nửa số dâu tây vì biết ông ta đặc biệt thích chúng và chịu mua với giá do hai đứa định sẵn. Madge, con gái ngài thị trưởng ra mở cửa. Nó là bạn cùng khóa với tôi ở trường. Nhiều người nghĩ con gái một ngài thị trưởng hẳn là hợm hĩnh lắm, nhưng con nhỏ chơi cũng được. Nó chỉ hơi khép kín. Giống tôi. Vì cả hai đều không chơi với nhóm nào nên ở trường chúng tôi có vẻ khá thân. Ăn trưa, ngồi cạnh nhau trong những hội nhóm, bắt cặp nhau trong các trò thể thao. Chúng tôi ít khi trò chuyện vì đều thấy như thế là ổn.

Hôm nay nó không mặc bộ đồ đi học nhếch nhác mà thay bằng bộ đồ đắt tiền màu trắng, buộc mái tóc vàng bằng chiếc ruy băng hồng. Quần áo cho ngày chiêu quân.

“Váy đẹp đấy,” Gale nói.

Madge ném một cái nhìn vào anh, cố nhận biết xem đấy là lời khen thật lòng hay chỉ là lời mỉa mai. Chiếc váy đẹp thật, nhưng nó chưa bao giờ mặc trong dịp thường. Con nhỏ mím môi và mỉm cười: “Ừ thì, nếu bị đưa đến Capitol thì em cũng muốn mình tươm tất chứ, đúng không?”

Bây giờ đến lượt Gale bối rối. Có phải ý nó là như thế? Hay là nó đang nói móc anh? Tôi đoán là vế sau.

“Em sẽ không đến Capitol đâu,” Gale lạnh lùng nói. Mắt anh dừng ở cái ghim tròn nhỏ đính trên váy con nhỏ. Bằng vàng thật. Được làm thủ công đến mức tinh xảo. Nó có thể nuôi sống cả gia đình hàng tháng trời. “Em thì làm được gì nào? Đăng ký năm lần chưa? Năm mười hai tuổi anh đã được ghi tên sáu lần rồi đấy!”

“Có phải lỗi của nó đâu,” tôi nói.

“Không, không phải lỗi của ai cả. Mọi thứ vốn đã là vậy rồi,” Gale nói.

Mặt Madge tối sầm lại. Con nhỏ đặt tiền mua dâu vào tay tôi, “Chúc may mắn, Katniss.”

“Cậu cũng thế,” tôi nói, và cánh cửa đóng lại.

Chúng tôi đi bộ về khu Vỉa than trong im lặng. Tôi không thích cách Gale nói khích Madge, nhưng rõ ràng là anh ấy nói đúng. Cách chọn quân cũng không công bằng, khi người nghèo luôn chịu thiệt thòi nhất. Bạn đủ điều kiện để đăng ký chiêu quân khi mười hai tuổi. Mười ba tuổi, lần hai. Và cứ thế, cứ thế cho đến khi bạn mười tám, tuổi cuối cùng đủ tiêu chuẩn, bạn có tên trong danh sách lần thứ bảy. Mọi cư dân ở mười hai quận trên toàn đất nước Panem đều như thế.

Nhưng vấn đề là thế này. Giả sử nhà bạn nghèo và lúc nào cũng thiếu ăn như chúng tôi. Bạn có thể đăng ký nhiều lần để đổi lấy nhiều tê-ra[5] hơn. Mỗi tê-ra tương đương với khoản trợ cấp ngũ cốc và dầu ăn ít ỏi cho một người trong một năm. Bạn có thể đăng ký bằng tên những thành viên trong gia đình. Vì thế, năm mười hai tuổi tôi đã ghi tên mình bốn lần. Một lần vì bắt buộc, và ba khác để lấy tê-ra đổi ngũ cốc và dầu cho tôi, Prim và mẹ. Thật ra, năm nào tôi cũng phải làm thế. Và số lần đăng ký cũng tăng dần. Vậy nên bây giờ, ở tuổi mười sáu, tên tôi đã xuất hiện trong danh sách hai mươi lần. Gale, mười tám tuổi với bảy năm phụ giúp và một tay nuôi sống gia đình năm miệng ăn, sắp đăng ký lần thứ bốn mươi hai.

Có thể hiểu tại sao những người chưa bao giờ phải mạo hiểm để lấy một tê-ra nào như Madge lại làm anh có thái độ như vậy. Khả năng tên cô ấy được bốc trúng thấp hơn nhiều so với chúng tôi, những người sống ở khu Vỉa than. Không phải là không thể, nhưng rất thấp. Và mặc dù luật lệ là do Capitol đặt ra chứ không phải các quận, dĩ nhiên càng không phải gia đình Madge, người ta vẫn thấy tức tối những không phải đăng ký để lấy tê-ra.

Gale hiểu sự nóng giận của anh với Madge là vô cớ. Nhiều lần ở sâu trong rừng, tôi đã nghe anh nói oang oang về việc tê-ra chỉ là một thứ công cụ gây bất hòa trong quận chúng tôi như thế nào. Đó là cách để gieo rắc sự ghen ghét giữa đám thợ đói kém vùng Vỉa than và đám người có được bữa ăn đầy đủ hơn, để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ không bao giờ tin tưởng lẫn nhau. “Capitol sẽ có lợi khi chia rẽ chúng ta,” anh sẽ nói thế nếu chỉ có tôi đang nghe. Nếu hôm nay không phải gặp ngày chiêu quân. Nếu cô gái có chiếc ghim vàng và chưa ký tê-ra lần nào kia chưa đưa ra lời bình luận mà tôi chắc cô ta nghĩ là vô hại ấy.

Vừa đi, tôi vừa liếc nhìn Gale lúc ấy vẫn còn vẻ lạnh lùng khó chịu. Cơn giận dữ của anh dường như chẳng có nghĩa lý gì với tôi, dù tôi chưa bao giờ nói vậy. Không phải tôi không đồng ý với anh. Tôi đồng ý. Nhưng liệu có ích gì khi chửi đổng Capitol giữa rừng? Chẳng thay đổi được gì cả. Chẳng làm mọi thứ công bằng hơn. Chẳng làm dạ dày chúng tôi đỡ đói. Thật ra nó còn làm kinh động lũ thú mồi xung quanh. Dù vậy, tôi vẫn để anh chửi đổng. Anh làm vậy trong rừng còn hơn là trong phố.

Gale và tôi chia chiến lợi phẩm, mỗi người hai con cá, vài khoanh bánh mì ngon, rau cỏ, vài nắm dâu, một ít muối, nến, và một ít tiền.

“Hẹn gặp anh ở bãi đất trống,” tôi nói.

“Mặc đồ đẹp vào đấy,” anh nói tỉnh bơ.

Về đến nhà, tôi thấy mẹ và em đã chuẩn bị xong. Mẹ mặc bộ đồ từ thời còn làm ở cửa hàng bào chế thuốc. Prim mặc bộ của tôi trong ngày chiêu quân đầu tiên, một chiếc váy và áo cánh có diềm cổ xếp nếp. Hơi rộng so với nó, nhưng mẹ đã lấy ghim kẹp lại. Mặc dù vậy, nó vẫn phải vất vả mới giữa được ngay ngắn chỗ sơ vin ở phía sau.

Bồn nước ấm đang đợi tôi. Tôi kỳ cọ vết bẩn và mồ hôi khi ở trong rừng rồi gội đầu. Tôi ngạc nhiên khi mẹ đã sửa soạn một bộ đầm duyên dáng của bà cho tôi mặc. Bộ đồ màu xanh lơ kèm đôi giày cùng tông.

“Mẹ có chắc cho con mặc bộ này không?” tôi hỏi. Tôi cố gắng tránh nhận sự trợ giúp từ mẹ. Có một dạo, tôi điên tới mức không thể để mẹ làm bất cứ điều gì cho mình. Nhưng đây là một ngoại lệ đặc biệt. Bà rất quý bộ đồ ngày xưa này.

“Tất nhiên rồi. Búi tóc của con lên nữa,” mẹ nói. Tôi để mẹ lấy khăn lau khô và búi tóc cho tôi. Tôi gần như không nhận ra mình trong chiếc gương nứt tựa vào tường.

“Chị trông đẹp quá!” Prim thì thầm.

“Và trông chẳng giống chị chút nào,” tôi nói. Tôi ôm Prim, vì biết nó sẽ sợ hãi trước những giờ sắp tới; sẽ thật sự khủng khiếp với nó. Ngày chiêu quân đầu tiên. Tôi bảo vệ nó hết mức có thể, để nó chỉ ghi tên một lần. Tôi sẽ không cho phép nó đăng ký thêm lần nào nữa để đổi lấy tê-ra. Nhưng nó lo lắng cho tôi. Rằng biết đâu điều không nghĩ đến lại xảy ra.

Lúc nào cũng che chở cho Prim bằng mọi cách, nhưng tôi không thể làm gì trong ngày chiêu quân. Sự đau đớn tôi cảm nhận được mỗi lần con bé gặp chuyện giờ lại nhói lên trong tim, chực toác ra trên gương mặt tôi. Để ý thấy áo cánh của nó lại sút khỏi váy, tôi cố trấn an mình. “Nhét cái đuôi vào kìa, vịt con,” tôi nói, sửa cái áo vào đúng chỗ.

Prim cười khúc khích, nó khẽ kêu, “Quác quàng quạc.”

“Quác em ấy,” tôi cười nhẹ. Chỉ có Prim mới làm tôi bật cười như thế. “Nào, chúng ta ăn thôi,” tôi nói và hôn vội lên đỉnh đầu nó.

Có món hầm gồm cá và rau rừng, nhưng đó là của bữa khuya. Dâu và bánh mì nướng đã được thống nhất để dành cho bữa ăn tối, cho đặc biệt hơn, chúng tôi nói với nhau như thế. Thay vào đó, chúng tôi uống sữa của Lady, nàng dê Prim nuôi, và ăn bánh mì khô làm từ phần bột mì đổi bằng tê-ra. Dù vậy, cũng không ai thiết ăn uống.

Một giờ, chúng tôi ra bãi đất trống. Ai cũng phải có mặt, trừ khi đang hấp hối. Đến tối, hội giám sát sẽ đi vòng quanh để kiểm tra. Ai trốn sẽ bị bỏ tù.

Thật không thể tệ hơn khi buổi chiêu quân được tổ chức tại bãi đất trống, một trong số ít các địa điểm đẹp ở Quận 12. Xung quanh bãi đất trống là những cửa hàng, và trong những ngày khu chợ mở cửa, đặc biệt khi thời tiết tốt, đến đây có cảm giác như đi hội. Nhưng hôm nay, mặc dù biểu ngữ giăng sặc sỡ trên các tòa nhà, không khí ở đây vẫn thật nặng nề. Các đoàn quay phim vờn quanh như bầy ó trên nóc nhà, chỉ càng làm tăng thêm cảm giác nặng nề đó.

Người ta xếp hàng trong im lặng và ký tên. Ngày chiêu quân cũng là một dịp tốt cho Capitol điều tra dân số. Những đứa trẻ từ mười hai đến mười tám được quây lại trong những khu vực chăng dây chia theo độ tuổi; lớn nhất đứng trước, nhỏ nhất, như Prim, đứng về phía sau. Những người thân trong gia đình xếp hàng xung quanh, nắm chặt tay nhau. Nhưng cũng có những người khác không có người thân trong số bọn trẻ, tổ chức đánh cược tên hai đứa trẻ sẽ được chọn. Tỷ lệ cược phụ thuộc vào độ tuổi, vào việc bọn trẻ thuộc khu Vỉa than hay con nhà lái thương, hay vào việc chúng có ngã quỵ và khóc lóc hay không. Hầu hết mọi người đều từ chối cá cược với những kẻ làm tiền phi pháp đó, nhưng đừng vội vàng. Những kẻ này thường cũng chính là nguồn tin tay trong, và ai lại chưa từng phá luật cơ chứ? Ngày nào tôi cũng có thể bị xử bắn vì tội đi săn, nhưng khi đó lũ quan chức thèm thịt thú vẫn có thể bảo vệ tôi. Tuy nhiên, không phải ai cũng như thế.

Dù sao, cả Gale và tôi đều đồng ý rằng giữa chết vì đói và vì một viên đạn găm vào đầu, cái chết thứ hai đến nhanh hơn nhiều.

Không gian càng lúc càng chật chội và bức bối khi dòng người ùn ùn kéo tới. Bãi đất rộng mênh mông, nhưng không đủ để chứa hết tám nghìn người của Quận 12. Những người đến trễ đứng ở giữa con đường xung quanh, nơi họ có thể xem qua màn hình vì sự kiện này được chính quyền truyền hình trực tiếp.

Tôi đứng trong nhóm những đứa từ mười sáu tuổi đến từ khu Vỉa than. Chúng tôi khẽ gật đầu chào nhau rồi tập trung mọi ánh nhìn lên sân khấu vừa được dựng lên trước Tòa Tư pháp. Trên đó có ba chiếc ghế, một chiếc bục, và hai lồng cầu thủy tinh lớn để bốc thăm, một cho con trai và một cho con gái.. Hai mươi mảnh giấy trong số đó được viết cẩn thận cái tên Katniss Everdeen.

Hai trong ba chiếc ghế trên sân khấu đã có người ngồi. Một là Madge, Thị trưởng Undersee, một người đàn ông cao, trán hói và bà Effie Trinket, giám sát viên Quận 12, đến từ Capitol với nụ cười trắng nhởn đáng sợ, mái tóc hồng và bộ đồ màu xanh mầm. Họ thì thầm với nhau rồi nhìn chiếc ghế trống một cách ái ngại.

Ngay khi chiếc đồng hồ của thị trấn điểm hai giờ, ngài thị trưởng đứng trên bục bắt đầu đọc diễn văn. Năm nào cũng như năm nào. Ông kể về lịch sử của Panem, đất nước đứng lên từ đống đổ nát từng có tên là Bắc Mỹ. Ông liệt kê những thảm họa, những đợt hạn hán, bão lụt, hỏa hoạn, nước biển xâm thực nhấn chìm nhiều vùng đất, những chiến ác liệt khiến hầu hết phương tiện sống bị tàn phá. Sau cùng Panem được sinh ra, với Capitol chói lọi được bao quanh bởi mười ba quận, bảo đảm hòa bình và thịnh vượng cho công dân của mình. Tiếp theo là Kỳ Đen tối, thời điểm các quận nổi loạn chống lại Capitol. Mười hai quận bị đánh bại, quận thứ mười ba bị xóa sổ. Hiệp ước Phản trắc mang đến những điều luật mới nhằm giữ vững hòa bình, đồng thời là lời nhắc nhở chúng tôi hàng năm rằng Kỳ Đen tối sẽ không bao giờ được lặp lại, khi đưa chúng tôi đến với Đấu trường Sinh tử.

Luật lệ của Đấu trường Sinh tử khá đơn giản. Để trừng phạt việc nổi loạn, mỗi quận phải chọn ra một trai và một gái, gọi là vật tế. Hai mươi bốn người chơi sẽ bị giam cầm trong một trường đấu ngoài trời rộng lớn, nơi có thể tồn tại mọi thứ, từ sa mạc nóng bỏng cho đến vùng hoang vu lạnh giá. Vật tế sống sót cuối cùng sẽ thắng.

Chọn những đứa trẻ từ các quận, bắt chúng tàn sát lẫn nhau còn những người còn lại theo dõi, đó là cách Capitol nhắc nhở chúng tôi rằng số phận của tất cả bị họ định đoạt như thế nào, và cơ hội sống sót của mọi người ít ỏi ra sao nếu dám nổi loạn một lần nữa. Dù họ có nói gì đi nữa, thông điệp chính vẫn rõ ràng. “Hãy nhìn xem, chúng ta lấy những đứa trẻ rồi đem chúng hiến tế trong khi các người bất lực đến mức nào. Chỉ cần các ngươi động một ngón tay, bọn ta sẽ tiêu diệt cho đến đứa cuối cùng. Như cách bọn ta làm với Quận 13.”

Để hạ nhục và tra tấn bọn tôi, Capitol buộc tất cả phải xem Đấu trường Sinh tử như một ngày hội, một cuộc thượng đài giữa các quận với nhau. Người chơi sống sót cuối cùng sẽ được hưởng cuộc sống sung túc khi trở về, và quận của họ sẽ nhận cơ man là phần thưởng, chủ yếu là thức ăn. Trong vòng một năm, Capitol sẽ trao cho quận chiến thắng ngũ cốc, dầu ăn và thậm chí thứ đáng giá hơn như đường trong khi các quận còn lại vật lộn với đói khát.

“Đây là thời điểm của sự hối lỗi cùng lòng biết ơn,” ngài thị trưởng nhấn mạnh.

Sau đó ông đọc danh sách những người chiến thắng của Quận 12 trong quá khứ. Trong bảy mươi tư năm, chính xác thì chúng tôi có hai người. Chỉ một là còn sống. Haymitch Abernathy, một lão trung niên bụng phệ, lúc này mới xuất hiện, gào lên cái gì đấy khó hiểu rồi lảo đảo bước lên sân khấu, cuối cùng ngồi phịch xuống chiếc ghế thứ ba. Lão say. Say tí bỉ. Đám đông đám lại bằng một tràng tán dương chiếu lệ khiến lão tưởng thật và cố trao cho Effie Trinket một cái ôm nồng ấm mà bà đã kịp tránh đi.

Ngài thị trưởng tỏ vẻ lo lắng. Bởi vì tất cả đều được truyền hình lại nên ngay lúc này Quận 12 đang là trò cười cho Panem, và ông hiểu điều đó. Madge nhanh chóng kéo sự chú ý trở lại ngày chiêu quân bằng cách giới thiệu bà Effie Trinket.

Tươi tắn và hớn hở hơn bao giờ hết, Effie Trinket tất tả bước lên bục và cất lên câu nói quen thuộc: “Chào mừng đến với Đấu trường Sinh tử! Và chúc cho may mắn sẽ mỉm cười với các bạn!” Mái tóc hồng của bà hẳn là tóc giả vì những lọn tóc quăn bị lệch một chút sau khi bà né Haymitch. Bà nói mình vinh dự được đứng ở đây, mặc dù ai cũng hiểu rằng bà chỉ muốn được đẩy sang một quận khác tốt hơn, nơi có những người chiến thắng xứng đáng, chứ không phải như gã say rượu vừa quấy nhiễu bà trước bàn dân thiên hạ.

Qua đám đông, tôi nhận ra Gale đang nhìn tôi với nụ cười thấp thoáng. Trong ngày chiêu quân, điều đó ít ra cũng mang lại cho cho tôi chút cảm giác nhẹ nhõm. Nhưng bất chợt tôi nghĩ về Gale với bốn mươi hai mảnh giấy có tên anh trong lồng cầu thủy tinh kia và xác suất anh không bị bốc trúng. Việc còn hàng nghìn đứa con trai khác không quan trọng. Có lẽ anh cũng đang nghĩ điều tương tự về tôi, bởi gương mặt Gale tối sầm lại và quay đi chỗ khác. “Nhưng có đến hàng nghìn mảnh giấy cơ mà,” ước gì tôi có thể nói khẽ với anh ấy.

Đã đến giờ bốc thăm. Effie Trinket nói như mọi lần, “Phụ nữ trước!” và đến chỗ lồng cầu thủy tinh chứa tên con gái. Bà lại gần, thọc tay sâu vào lồng lấy ra một mảnh giấy. Đám đông đồng loạt nín thở đến độ tưởng như có thể nghe tiếng ngay cả một chiếc ghim rơi xuống đất, tôi cảm thấy thắt ruột và hy vọng nhen nhóm rằng đó không phải là tôi, đó không phải là tôi, đó không phải là tôi.

Effie Trinket quay trở lại chiếc bục, vuốt mảnh giấy cho thẳng và xướng tên bằng một giọng dõng dạc. Không phải tôi.

Đó là Primrose Everdeen.
Bình Luận (0)
Comment