Tư Đồ Khiết không những sống lại mà còn có tâm hồn của một cô gái, khẽ vuốt tóc mai trên trán: “Cảm ơn chị, chị Triệu.”
“Chúng ta là hàng xóm, tục ngữ nói bà con xa không bằng láng giềng gần. Sau này muốn uốn tóc làm đầu em cứ đến, chị làm miễn phí cho em. Những lời vừa nãy chị nói mong em sẽ không để trong lòng.” Triệu Tĩnh nói.
Cả đời Tư Đồ Khiết làm nghề y, đã quen chuyện sinh tử làm sao để tâm mấy câu nói này.
“Em đã quên lâu rồi.” Cô nói xong, lấy kẹp xanh đậm xuống, kẹp cái kẹp màu hồng lên.
Hiện giờ vẫn còn trẻ, cô muốn đeo cái màu hồng nhạt!
…
Ngõ Nam Chi chia thành đông tây, một con hẻm dài hai km. Bên trong có hàng rau, tiệm bánh, hàng hủ tiếu, lúa gạo và dầu ăn, còn có cửa hàng cho thuê sách, ảnh và quầy bánh nướng nhỏ. Lúc hoàng hôn trở về nhà, bên đường tràn ngập mùi khói lửa.
Bác sĩ Cố qua đời, dù tài sản của ông đã được giải quyết nhưng vẫn chưa xác định chủ sở hữu. Để tránh hiềm nghi Tư Đồ Khiết tự dọn ra khỏi căn nhà cũ ở hẻm đông, thuê tạm một căn phòng nhỏ ở đầu hẻm tây.
“Em gái xinh đẹp trên núi trà í a, thu hút người đốn củi ở sườn núi đối diện, í a người đốn củi…”
“Anh nói chút mưa gió ấy thì có tính là gì, đừng ngại lau nước mắt, ít nhất chúng ta còn có mơ ước…”
Cửa hàng nào cũng có radio, đi vào hẻm qua mấy quầy hàng sẽ nghe thấy mọi người ngâm nga những bài hát thịnh hành.
Nghe thấy những bài hát này, cuối cùng Tư Đồ Khiết cũng cảm giác được bản thân đã trở về lúc còn trẻ.
…
Trong khu tập thể, mỗi nhà ở một căn phòng. Sân nhà chật hẹp, nhà này đốt bếp, nhà kia phơi tã trẻ con, quần áo lót ở đầu giường, trên bệ cửa sổ còn có cái nồi, cái thìa, tiếng trẻ con oa oa khóc rồi tiếng tranh cãi ầm ĩ.
Tư Đồ Khiết thuê một căn phòng nhỏ ở sân trong, nơi này cũng đã được coi như là yên tĩnh nhất trong khu nhà.
Nhưng thật ra thì vẫn vô cùng ồn ào.
Cô vừa mới đi vào sân trong đã có một người đàn ông lao ra, ngay sau đó là một cái chổi bay tới.
Tiếp đó có một người phụ nữ phi ra, hét lớn: “Tư Đồ Khiết, em điểm huyệt cái miệng của Xuân Minh lại cho chị, để cho anh ta không mở được miệng ra.”
“Chị dâu Bảo, anh Bảo lại chọc giận chị sao?” Tư Đồ Khiết cười hỏi.
Bảo Xuân Minh vội nói: “Cô ấy là bà cố của tôi, làm sao tôi dám trêu chọc cô ấy được. Vừa rồi tôi nói một câu cô ấy có hơi béo lên, bảo cô ấy ăn ít đi chút thì cô ấy liền tức giận, tôi oan quá mà.”
“Em béo thì sao? Tư Đồ Khiết nói rồi, béo này là do nội tiết tố, gọi là rối loạn nội tiết tố.” Nàng dâu nhà họ Bảo vỗ vỗ bả vai và cái eo của mình nói: “Lúc trước em bảo là đi khám ở Vô Ưu Đường, mấy người phản đối bảo em lên bệnh viện, được thôi. Bây giờ dùng thuốc tây làm thay đổi nội tiết khiến em mập hơn thì anh lại chê em béo.”
“Béo là tốt nhất, em béo như thế người khác nhìn vào sẽ biết nhà chúng ta đầy đủ.” Bảo Xuân Minh nói.
Như đổ thêm dầu vào lửa, trong mắt nàng dâu nhà họ Bảo ánh lên hình con dao: “Tư Đồ Khiết, điểm huyệt anh ta đi.”
Bảo Xuân Minh nói: “Điểm huyệt cái gì chứ? Tiểu Khiết không phải đại hiệp võ lâm, điểm huyệt làm sao được.”
“Sao anh không tin nhỉ, em tận mắt nhìn thấy em ấy điểm huyệt.” Nàng dâu nhà họ Bảo chống nạnh chỉ vào mắt mình.
Bảo Xuân Minh khoa tay múa chân: “Tư Đồ Khiết, em biết điểm huyệt thật sao? Giống như trong phim kiếm hiệp, piu piu piu?”
Tập võ phải đả thông kinh mạch, học y cũng phải hiểu kinh mạch. Dù đường đi hai người khác nhau nhưng cũng học một thứ.
Từ xưa đến nay bác sĩ cũng có thể dùng võ, người tập võ cũng có thể chữa bệnh, y võ không phân biệt.
Cố Minh vừa giỏi y vừa giỏi võ, không những có quyền cước rất tốt lại am hiểu châm cứu, kinh mạch, huyệt vị chữa bệnh.