Đích Nữ Họa Phi ( Dịch Full )

Chương 242 - Chương 242 - Hòa Di Quận Chúa Chết (1)

Chương 242 - Hòa Di quận chúa chết (1)
Chương 242 - Hòa Di quận chúa chết (1)

Chuyển ngữ + Chỉnh sửa: D

Cho dù dã qua rất nhiều năm, Kinh Trúc uyển vẫn được giữ gìn sạch sẽ, không nhiễm một hạt bụi.

Ấy là khoảnh sân tiên hoàng cho người tu sửa trang trí để làm lễ vật cập kê vào năm Nguyên Dung công chúa mười bốn tuổi, tặng cho Nguyên Dung công chúa.

Chẳng qua khu vườn còn đó, người xưa lại đã không còn. Mãi tận đến khi Nguyên Dung công chúa đi hòa thân, khu vườn này vẫn chưa hoàn thiện. Tuy nhiên vẫn rực rỡ xinh đẹp —— sau khi tiên hoàng qua đời, Ý Đức Thái hậu luôn sai người chú tâm giữ gìn và dọn dẹp.

Vườn hoa tuy đẹp, nhưng trước nay Ý Đức Thái hậu chưa từng đặt chân tới một lần, có lẽ vì sợ thấy vật nhớ người, khơi gợi cảm giác tội lỗi và áy náy trong lòng. Vì vậy Kinh Trúc uyển là một sự tồn tại đặc biệt nơi thâm cung, rõ ràng ngày ngày chăm sóc, nhưng lại là một khu vườn hoang.

Ngày nọ Kinh Trúc uyển vì sự xuất hiện của Tưởng Nguyễn mà thay đổi, Tưởng Nguyễn nhận được rất nhiều đặc quyền mà chỉ Nguyên Dung công chúa mới có, bao gồm việc có thể tùy ý đi lại ở Kinh Trúc uyển. Không thể không nói, chắc chắn xưa kia tiên hoàng rất thương yêu Nguyên Dung công chúa, mỗi một ngóc ngách trong Kinh Trúc uyển đều được bố trí hết sức tỉ mỉ tận tâm. Bên trong thậm chí có cả Tàng thư các và thư phòng, đình viện nhỏ để nghỉ ngơi.

Có điều điện công chúa cách Kinh Trúc uyển một khoảng, bình thường Tưởng Nguyễn cũng không tới, chỉ thỉnh thoảng mới ghé qua.

Ngày nọ, một cung nữ từ ngoài tới, tay xách giỏ nhỏ đi thẳng về hướng Kinh Trúc uyển. Nhìn điệu bộ tám phần nhắm vào Kinh Trúc uyển mà đến, tay xách theo giỏ, hẳn vì muốn tới hái hoa. Gần đây Tưởng Nguyễn học điều chế hương, thường xuyên sai cung nữ trong điện công chúa đến Kinh Trúc uyển hái hoa. Thỉnh thoảng tiểu cung nữ thái giám khác cũng có thể giúp một tay, còn được thơm lây.

Hôm nay tiểu cung nữ mới đi được nửa đường, đột nhiên bị người khác gọi: “Đứng lại!”

Cung nữ kia quay đầu nhìn, mới đầu không nhận ra, nhìn hồi lâu mới thấy rõ, không phải ai khác, chính là Hòa Di quận chúa.

Hòa Di quận chúa bước nhanh tới, liếc giỏ hoa trong tay cung nữ, cau mày nói: "Ngươi muốn đi đâu?"

"Nô tỳ phụng lệnh Hoằng An quận chúa, vào Kinh Trúc uyển hái hoa." Tiểu cung nữ cúi đầu nói.

“Ồ, Kinh Trúc uyển.” Hòa Di quận chúa trầm ngâm một lát, nói: “Vậy ngươi đi đi.”

Cung nữ kinh ngạc nhìn Hòa Di quận chúa, không ngờ cô quận chúa ngông cuồng điêu ngoa hôm nay lại tốt tính dữ vậy, có điều đối với cô mà nói đây là chuyện tốt, vội vàng thi lễ, sau đó rời đi.

Nhưng cung nữ kia không chú ý tới, Hòa Di quận chúa không đi, ngược lại đứng yên tại chỗ, nhìn theo hướng cung nữ, chăm chú bám theo, cho đến khi nhìn thấy cung nữ quẹo qua một hành lang dài, vào một trang viện khác, bóng người biến mất không thấy.

Hòa Di quận chúa vuốt xiêm y, hôm nay nàng ta mặc một bộ trường bào màu xanh. Đối với người thích sự rực rỡ như nàng ta, bình thường thích mặc màu vàng nay coi như đã rất giản dị rồi. Trên mặt cũng không đánh phấn trang điểm, so sánh với ngày thường tựa như hai người vậy, nếu chỉ nhìn thoáng qua, người khác khó mà phân biệt được.

Nàng ta chỉnh trang xiêm y, trên mặt hiện lên một nụ cười quỷ dị, đi theo con đường cung nữ kia vừa mới đi qua, bước vào vườn.

Hình như không có ai canh gác, bố trí quả nhiên tinh mỹ như lời đồn, Hòa Di quận chúa không kiểm soát được sự phẫn hận trên mặt mình. Lúc nhỏ nàng ta vô tình nghe thấy cung nhân nhắc tới Kinh Trúc uyển này, từng thỉnh cầu hoàng đế, nhưng người phụ hoàng trước nay luôn cưng chiều nàng ta ấy vậy mà thẳng thừng từ chối. Tính tình Hòa Di quận chúa ngang ngược, biết không thể lấy được Kinh Trúc uyển nên sau này chưa từng lui tới, coi rằng trong cung không có nơi này. Ai ngờ Tưởng Nguyễn vừa đến, dù không có được khu vườn này, nhưng Ý Đức Thái hậu lại đồng ý để nàng tới lui đi lại. Đối với Hòa Di quận chúa mà nói, việc này chính là sỉ nhục. Thù hận đối với Tưởng Nguyễn càng sâu một tầng, hễ là thứ nàng ta yêu thích, coi trọng, Tưởng Nguyễn luôn muốn cướp đi.

Khu vườn rất rộng lớn, khắp nơi cảnh trí rực rỡ, ngày trước chưa từng tới qua, nên không biết bên trong lại xinh đẹp nhường này, càng nhìn càng thấy đẹp, càng muốn chiếm làm của riêng, chỉ hận không thể đường đường chính chính bước vào nơi đây.

Không hiểu sao bên trong ngay cả một thị vệ cũng không có, chẳng biết thư phòng kia nằm ở đâu. Lòng vòng hồi lâu, tận đến khi Hòa Di quận chúa sắp hết nhẫn nại, bỗng nhiên nhìn một cây long não thật to, xa xa có một căn nhà trúc hai tầng.

Nhà trúc nhìn rất mới, thấp thoáng trong lùm cây, có một loại phong nhã khó bề diễn tả, hẳn chính là thư phòng. Ngồi trong thư phòng nhìn bóng cây chiếu xuống, thư giản đọc sách, hiển nhiên là một chuyện thích ý.

Trong mắt Hòa Di quận chúa tóe lên lửa giận hừng hực, lòng chợt có một nỗi kích động, hận không thể đốt rụi căn nhà trúc này. Có điều khi chạm phải phong thư giấu trong tay áo, mọi sự tức giận đều chìm xuống, thay vào đó là một biểu cảm đắc ý.

Phong thư kia không phải thứ gì khác, mà chính là chứng cứ Tưởng Nguyễn thông đồng với địch phản quốc. Mặc dù Thục phi đồng ý vu cho Tưởng Nguyễn cái tội thông đồng với địch phản quốc khiến nàng chết không có chỗ chôn, nhưng trước mắt vẫn chưa tìm được thời cơ thích hợp. Thục phi có thể chờ, nhưng Hòa Di quận chúa lại không chờ được. Phải biết nếu chờ thêm nữa, hoàng đế đồng ý gả, vậy thì phải chừng trị Tưởng Nguyễn thế nào đây? Sợ rằng đến lúc đó có Tiêu Thiều che chở càng khó xuống tay hơn.

Người bên cạnh Hòa Di quận chúa đều do Thục phi cho, nếu sai họ làm, tất nhiên Thục phi sẽ biết. Thục phi bắt nàng ta tạm thời không được động thủ, nên không thể kinh động tới Thục phi. Thế nhưng tính nết Hòa Di quận chúa xưa nay không phải người có thể nhẫn nhục chịu đựng, ngày này thật sự đã nhịn không nổi nữa, nên trộm lấy ‘tội chứng’ từ phòng Thục phi, muốn tự mình làm xong chuyện này.

Tội chứng không ngoài gì khác, chính là thư từ qua lại của Tưởng Nguyễn và nước Thiên Tấn, trong thư gọi Tưởng Nguyễn vô cùng thân thiết, hơn nữa còn ẩn ý nhắc đến Tưởng Tín Chi đã bình an, bên trên còn có con dấu của đại thần nước Thiên Tấn.

Tưởng Tín Chi binh bại, tình cảnh vốn đã hết sức nguy hiểm, chỉ cần phong thư này bị tra ra, dĩ nhiên là tội không thể tha, gần như tội danh của Tưởng Tín Chi sẽ chắc như đinh đóng cột, hơn nữa tội càng thêm tội, hai huynh muội Tưởng Tín Chi thông đồng với địch phản quốc, làm nội ứng cho nước Thiên Tấn, là tội nhân của Đại Cẩm. Theo đà đó, Tưởng Nguyễn sẽ bị nhốt vào đại lao, ngày sau cho dù Tưởng Tín Chi không chết, cũng vĩnh viễn không còn đường sống ở Đại Cẩm nữa.

Biến thành một con chó nhà có tang bị người người đuổi giết, ấy mới chính là trừng phạt tốt nhất cho Tưởng Tín Chi, chẳng phải Tưởng Nguyễn rất thương người đại ca này sao, thế thì nàng ta càng muốn hủy hoại hắn.

Hòa Di quận chúa đắc ý nghĩ, nàng ta đã nghe ngóng rất kỹ, điện công chúa được canh phòng tựa như một chiếc thùng sắt vậy, không thể nào xuống tay từ đó, Kinh Trúc uyển lại vô cùng dễ dàng. Bình thường Tưởng Nguyễn ít lui tới đây, mấy ngày qua cũng chỉ sai cung nữ tới hái hoa, trái lại giúp ích rất nhiều cho hành động lần này của nàng ta. Có điều vì sợ kinh động tới Thục phi, nên hôm nay nàng ta chỉ có thể đích thân ra tay, Hòa Di quận chúa chẳng hề sợ, nếu chuyện bại lộ, nàng ta thân là quận chúa, chỉ cần không có chứng cứ, nàng ta nhất quyết không nhận thì ai làm gì được nàng ta chứ? Yên lặng theo sau cung nữ vào Kinh Trúc uyển, thừa dịp không có ai lén bỏ ‘tội chứng’ này vào thư phòng, sau đó âm thầm sai người truyền ra tin tức Tưởng Nguyễn thông đồng với địch phản quốc, chỉ cần lục soát Kinh Trúc uyển, tội chứng ở ngay đó, Tưởng Nguyễn há còn đường chống chế?

Hòa Di quận chúa nghĩ rất tốt đẹp, lại không ngờ nhà trúc lại khó tìm như vậy, trong lòng cũng do dự, sao chẳng thấy một cung nữ thái giám nào trong Kinh Trúc uyển hết, bình thường còn có người phụ trách quét tước làm vườn, hôm nay đừng nói thủ vệ, ngay cả người quét tước cũng không thấy ai.

Bình Luận (0)
Comment