Điệu Sáo Mê Hồn

Chương 3

Gã thiếu niên áo tía lại hỏi :

- Lời sư huynh nói quả có đúng như vậy không?

Tuy trong bụng gã không tin hẳn lời Trần Nhất Chí nhưng không dám bài bác, chỉ hỏi một câu vấn lại thôi.

Trần Nhất Chí đáp :

- Vừa rồi Diệp Nhất Bình truyền khẩu quyết lại cho Ông lão tiền bối đã lớn tiếng nói ra chiêu thứ nhất là “Phi Bút Chiêu Hồn” đấy ư? Chính tai các sư đệ cùng ta đều nghe thấy thì nhất định là đúng rồi.

Gã áo tía reo lên một tiếng nói :

- Đúng rồi! Tôi cũng nghe rõ lắm.

Trần Nhất Chí mỉm cười nói tiếp :

- Chính miệng Diệp Nhất Bình nói là khi lão vô danh truyền võ công cho Trung Nguyên ngũ nghĩa chỉ gọi từng người một vào mật thất để chia mười ba chiêu “Hàng Ma thập tam chưởng” ra truyền thụ cho mỗi người mấy chiêu. Thế mà rốt cuộc cả năm người đều học được chiêu thứ nhất giống nhau. Có phải rõ ràng là lão vô danh kia cố ý lường gạt Trung Nguyên ngũ nghĩa không? Lão nói tránh đi là trong khoảng thời gian ngắn, không thể một người học mười ba chiêu đến chỗ tinh vi huyền diệu được. Nếu đúng như vậy thì mỗi người phải học các chiêu khác nhau. Đằng này cả năm người chỉ học được ba chiêu giống nhau thì không còn nghi ngờ gì nữa.

Gã áo vàng đột nhiên hỏi xen vào :

- Tại sao sư phụ không cho chúng ta học môn võ khác mà chỉ cho học một thứ “Hàng Ma thập tam chưởng”?

Trần Nhất Chí trầm ngâm hồi lâu rồi đáp :

- Ta cũng chưa nghe sư phụ đề cập đến vấn đề này, chắc là nó trọng đại vô cùng. Hoặc giả “Hàng Ma thập tam chưởng” có chỗ khắc chế với võ công của sư phụ.

Thượng Quan Kỳ nằm nghe rõ những lời đối đáp của ba gã thiếu niên, tự hỏi :

“Không biết cái người mà ba gã gọi là sư phụ là ai?”.

Bỗng thấy gã áo xanh hỏi :

- Không hiểu trong thư sư phụ gởi đến có dặn bảo chúng ta phải làm gì nữa không?

Trần Nhất Chí đáp :

- Trong thủ thư của sư phụ chỉ dặn rằng sau khi Trung Nguyên ngũ nghĩa chết cả rồi thì phải lập tức về ngay.

Gã áo tía nói :

- Tòa đại điện này ở chỗ hoang vu, song nếu cứ để nguyên mười ba cái xác chết nằm đây nhất là bọn Ngũ nghĩa tiếng tăm lừng lẫy giang hồ chắc không tránh khỏi vụ điều tra rắc rối sau này. Chi bằng chúng ta dùng củi khô đốt ngôi chùa này đi, không để lại dấu vết.

Trần Nhất Chí lắc đầu :

- Không cần! Sư phụ đã đề cập đến vấn đề này. Người dặn sau khi bọn ta chính mắt nhìn thấy Ngũ nghĩa chết rồi, phải tìm cách đưa xác của họ ra chỗ đông người cho giang hồ náo loạn lên.

- Hành động này của sư phụ chắc có dụng ý. Tài trí của sư phụ siêu quần xuất chúng, bọn ta hiểu thế nào được.

Gã áo vàng đưa mắt nhìn những xác chết một lần rồi nói :

- Không biết bọn họ đã chết hết chưa? Chúng ta phải xem xét lại cẩn thận một lần nữa mới được.

Trần Nhất Chí nói :

- Sư đệ nói đúng lắm!

Nói xong họ đi xem từng xác chết. Trong những xác chết này, ngoại trừ Thượng Quan Kỳ có nghĩa đồng môn với họ trong mấy năm, còn những gã kia mặt xám xịt đã chết từ lâu. Cả bốn vị màu áo khác nhau cũng đã tắt thở.

Thượng Quan Kỳ ngưng thần tĩnh khí, khóa hết các huyệt đạo, nhắm mắt lại và làm cho tay chân cứng ngắt.

Bỗng thấy hai bên có người đụng vào, rồi bị hai cái tát tay và có tiếng mắng nhiếc :

- Tiểu tử này là đệ tử của Diệp Nhất Bình đây.

Rồi bị thêm một cái tát “bốp” nữa. Chàng nghe thấy có tiếng nói nữa :

- Dường như hắn là đệ tử chân truyền của Diệp Nhất Bình thì phải.

Người kia nói :

- Hắn đã chết rồi thì dù là đệ tử chân truyền của Diệp Nhất Bình cũng vậy thôi. Chúng ta đi thôi!

Kế đó có tiếng áo loạt soạt, mấy người đều đi ra khỏi đại điện.

Thượng Quan Kỳ tuy bị luôn mấy cái tát nhưng vẫn phải ngừng thở, mắt nhắm nghiền, hai mí mắt không dám mấp máy. Chàng biết rõ rằng nếu đối phương biết chàng chưa chết thì tất bọn họ chẳng chịu buông tha. Khi biết họ đã đi xa rồi, chàng mới từ từ mở mắt ra. Đại điện phẳng lặng như tờ, mười mấy xác chết nằm ngổn ngang, ngoài ra không một tiếng động.

Thượng Quan Kỳ từ từ đứng lên, thở dài nhìn kỹ lại các thây ma, chàng thấy một người dường như giả chết.

Trong tiềm thức chàng nhìn nhận gã cùng mình có nghĩa đồng môn huynh đệ. Nhưng dù gã chưa chết mà đã trúng phải kịch độc thì cũng chẳng sống được bao lâu. Nghĩ tới đây chàng không khỏi đau lòng. Chàng lại gần từng các thây ma, dụng tâm quan sát một hồi thì đều chết cả, ngoại trừ gã nói trên.

Thượng Quan Kỳ thở dài luôn mấy tiếng, rồi đưa mắt nhìn khắp một lượt.

Cảnh tượng trong đại điện chẳng có gì khác trước. Pho tượng thần vẫn trang nghiêm cao ngất chính giữa đại điện. Chỉ có ngọn nến đang cháy sắp hết nên ánh sáng lập lòe yếu ớt. Có ngờ đâu một giờ trước đây, trong đại điện này đã xảy ra bao biến cố cực kỳ ghê gợn.

Thượng Quan Kỳ tuy là người rất trực tính, nhưng cũng là người rất chí tình.

Chàng thấy ngọn lửa đỏ như hạt đậu chiếu ra một thứ ánh sáng mờ ảo khiến cho cảnh vật càng thêm thê thảm. Nỗi thương tâm tràn ngập lòng chàng nặng trĩu như có một tảng đá đang đè nặng lòng chàng.

Một cơn gió hiu hiu thổi vào mình chàng cảm thấy hơi lạnh, xoay mình nhìn ra ngoài điện, thấy phương đông đang tang tảng sáng. Một ngày mới lại sắp bắt đầu. Theo lẽ thường, nhựa sống của con người thiếu niên tăng thêm phần hăng hái để đón tiếp buổi ban mai. Nhưng đối với chàng hôm nay, buổi bình minh không mang lại cho chàng những hơi thở nhẹ nhõm.

Thượng Quan Kỳ bần thần trong dạ, thỉnh thoảng lại thở dài nảo ruột, ánh sáng ban ngày mỗi lúc một rõ. Chàng đứng ngây người nhìn ngọn núi xa xa không biết đã bao lâu thì ánh dương quang chiếu một tia nắng thẳng vào hiên trước đại điện. Bức tường xám ngắt tựa như dát một lớp vàng mỏng.

Ánh sáng huy hoàng của buổi sớm mai không làm cho lòng chàng cải biến chút nào, vì phía sau tường còn tràn ngập một bầu không khí thê thảm chết chóc.

Chàng cũng chẳng biết bây giờ mình phải làm gì, chàng thầm nghĩ :

- “Trước hết ta hãy đem những xác chết này mai táng”.

Chàng quay vào, mắt vừa ngó đến xác chết thì bất thình lình tai chàng nghe văng vẳng có tiếng tiêu từ xa vọng lại, đồng thời mùi hoa quế thơm tho ngào ngạt đưa vào trong điện.

Tiếng tiêu thật là kỳ dị, tựa hồ như từ tận phía xa xăm vọng lại. Thanh âm không lớn mà âm điệu nghe rất khúc chiết khiến người nghe có cảm tưởng coi cái chết như trở về nơi cực lạc.

Thượng Quan Kỳ bị tiếng tiêu làm xúc động liền chạy ra ngoài điện xem tiếng tiêu từ phương nào đưa đến thì thốt nhiên tiếng tiêu lại ngừng bặt. Đồng thời mùi thơm của hoa quế cũng tan biến đâu mất, không ngửi thấy gì nữa.

Thượng Quan Kỳ vẫn băng khoăn vì mình bị kịch độc. Chàng tính rằng mình chỉ còn vài giờ nữa là chết. Giả tỷ mình đem những xác chết này chôn vùi đi chẳng hóa ra để lại một thiên cổ nghi án. Chi bằng cứ để nguyên trên đại điện để dễ cuộc điều tra sau này.

Nghĩ vậy chàng quyết không mai táng các xác chết nữa, trở gót từ từ ra khỏi đại điện, vì trong thâm tâm chàng nảy ra một ý nghĩ khác :

“Nếu ta chết ở bên đường không những người qua lại thấy ngay, may mà còn lại hai giờ nữa, mà giả tỷ mình gặp được người qua đường mình sẽ dẫn họ về đại điện thuật lại cho họ nghe những gì xảy ra đêm trước, đồng thời cho họ chính mắt nhìn thấy những xác chết ngổn ngang”.

Chàng hy vọng họ đem câu chuyện này tới tai khách giang hồ hay họ đi báo quan nha cũng thế. Điều cốt yếu là câu chuyện này được đồn đại lên.

Ngoài đại điện vẫn hoang vu tịch mịch, hiu hắt gió thu, lá rụng đầy đường.

Chỉ có mấy khóm cúc mọc lẻ tẻ trong đám cỏ dại là đâm chòi nảy hoa tươi tốt.

Tuy chàng cũng chẳng còn lòng dạ nào mà ngắm hoa thưởng cảnh, chỉ mong sao gặp được người qua đường để thuật rõ lai lịch của những xác chết trong đại điện.

Chàng cảm thấy bước chân mình vô cùng trầm trọng, khác nào ngàn cân chì buộc dưới bàn chân. Ra khỏi đại điện chàng phóng tầm mắt nhìn lên những ngọn núi khắp là tà. Ánh dương quang chiếu vào những hạt sương long lanh trên ngọn cỏ tựa hồ như những hạt châu lóng lánh.

Thượng Quan Kỳ thả bước không một mục đích, không nhận định phương hướng, chỉ mong gặp người bất kỳ là ai. Nhưng buổi sáng sớm trong chốn thâm sơn cùng cốc, chàng đi đã được hai ba dặm mà chẳng thấy một ai.

Thình lình chàng thấy trong bụng nôn nao khó chịu, nhủ thầm :

- “Có lẽ chất độc phát tác rồi đây! Thế là xong đời ta”.

Nghĩ tới đây hai chân bủn rủn, có cảm tưởng như chất độc đang theo các mạch máu trong người từ từ xâm nhập vào nội phủ.

Ý nghĩ này khiến cho tinh thần chống chọi bị tan vỡ, chàng từ từ ngồi xuống bên đèo núi gập ghềnh, nhắm mắt lại than thầm :

- “Ta sắp lìa khỏi thế gian này, bao nhiêu bạn hữu, sự việc từ đây cùng ta vĩnh quyết, không còn được bao giờ trùng phùng...”.

Một luồng khí huyết xông lên đầu, chàng rùng mình một cái, bất giác tựa lưng vào một khối đá ngũ thiếp đi. Không biết chừng bao lâu thì đột nhiên có tiếng réo rắt bên tai. Chàng đưa tay lên dụi mắt, lắng tai nghe. Lúc này tiếng tiêu cực kỳ vui vẻ, êm ru khiến người nghe tinh thần lại phấn chấn.

Thượng Quan Kỳ bị tiếng tiêu này làm cho con người được kích thích mãnh liệt ý chí cầu sinh. Chàng ngồi dậy vươn tay, duỗi chân rồi đứng lên cất bước đi về hướng tiếng tiêu phát ra.

Tiếng tiêu vui vẻ du dương khiến cho chàng tạm quên mối lo âu mình đang trúng kịch độc. Nóng lòng tìm tiếng tiêu, bất giác chân chàng đã sử dụng đến khinh công.

Tiếng tiêu mỗi lúc một vang dội, tựa hồ như không xa mấy. Làn sóng âm điệu mê ly khiến tâm hồn chàng rất thỏa mãn, thậm chí chàng vận động khinh công mà không biết, đi thẳng đến dưới chân một vách núi bích lập. Trái núi này đỉnh cao đến trăm trượng, vách nhẳn như mài. Tiếng tiêu réo rắt dường như ở trong vách núi vọng ra.

Thượng Quan Kỳ vận động mục lực xem kỹ lại vách núi, nhưng chỉ thấy thẳng tuột, nhẵn thín, không sao tìm kẽ hở thì làm sao âm thanh lọt ra được? Chàng lấy làm kỳ dị. Tuy chàng là người thông minh tuyệt đỉnh vậy mà đứng trước việc nan giải này mà không tìm ra câu trả lời, đành bó tay. Chàng lắng nghe âm thanh cực kỳ vi tế, du dương đúng từ trong vách núi vọng ra. Chàng cũng không nhớ tiếng tiêu thay đổi âm điệu từ chỗ vui vẻ dồn dập chuyển sang êm đềm uyển chuyển tự bao giờ. Tuy êm đềm, uyển chuyển nhưng tuyệt không có chút uẩn khúc đau thương, tựa hồ như đôi bạn thân thiết cách biệt lâu ngày, hôm nay trùng phùng, nỉ non câu chuyện tương tư.

Nguyên tiếng tiêu đã có đủ lực lượng làm cho người ta mê say mà nhạc điệu lại càng kỳ tuyệt, dường như không cung bật nhất định mà biến hóa thành muôn ngàn loại âm thanh, khi như là tiếng nam, khi như là giọng nữ, khi trầm khi bổng biến hóa đến chỗ cùng cực.

Lúc này toàn bộ tâm thần của Thượng Quan Kỳ bị tiếng tiêu thu hút, chàng thấy có một cảm giác đê mê khiến cho quên cả việc đi tìm lai lịch của nó, chàng tựa lưng vào vách núi lắng tai nghe.

Đột nhiên tiếng tiêu cao bổng vọt lên cao, Thượng Quan Kỳ bất giác nhìn lên, chàng có cảm giác như tiếng tiêu đập vào sườn núi nhẳn thín lướt thẳng lên đến đỉnh rồi dừng lại. Phần dư âm chuyển vào không gian.

Thượng Quan Kỳ như người ngủ mê chợt tỉnh, ngẩng đầu nhìn lên vòm trời thăm thẳm, khẽ vỗ vào đầu tự mắng mình :

- Ta thật ngu quá! Ta đi tìm tiếng tiêu mà sao cứ để cho nó lừa mãi.

Chàng là người kiên quyết dị thường. Tiếng tiêu đã dứt mà chàng vẫn ra công tìm kiếm.

Chàng vận động khinh công trèo lên sườn núi, đưa tay vỗ vào vách núi.

Chàng nghĩ rằng tiếng tiêu đã phát xuất từ trái núi này thì người thổi tiêu chắc phải ngồi phía trong vách đá. Dè đâu mất công hàng nửa ngày mà tuyệt nhiên không tìm ra đầu mối. Tay vỗ vào núi mà chỗ nào cũng chắc nịch, không tìm ra kẻ hở phát sinh tiếng tiêu. Chàng tìm kiếm đến nỗi mồ hôi toát ra như tắm, vì công cuộc trèo núi này rất tổn hơi sức. Chàng cảm thấy không thể dừng chân trên vách núi nên đành tụt xuống.

Thượng Quan Kỳ chợt nhớ lại thân mình trúng độc sao mãi đến bây giờ vẫn chưa phát tác. Đang lúc hoang mang, tiếng tiêu đã im bặt giờ lại nỗi lên, nhưng khúc điệu lần này khác xa với lần trước. Tiếng tiêu không phải ở quanh đây mà từ xa vọng lại. Tiếng tiêu tuy không lớn nhưng rất rõ ràng.

Chàng đã toan theo nó đi tìm nhưng suy nghĩ một lúc lâu liền thay đổi ý định, ngồi xếp bằng nhắm mắt lắng nghe. Âm điệu lần này u trầm tịch mịch, so với mấy lần trước cũng khác hẳn. Chàng than thầm :

“Con người thổi tiêu này không hiểu thổi được bao nhiêu lối mà chẳng lần nào giống lần nào”.

Tiếng tiêu bỗng vọt lên cao vang dội cả chung quanh, tựa hồ như ở nơi xa rồi vụt trở lại mé bên tả vách núi mà thôi.

Tiếng tiêu càng quái dị càng kích thích tính hiếu kỳ của Thượng Quan Kỳ. Ý định tìm cho ra người thổi tiêu lại càng kiên quyết, không chịu lùi bước.

Lần này chàng không đi theo đuổi tiếng tiêu, chàng đề khí nhảy vọt lên cành một cây tùng lớn. Cây tùng này không biết đã có đến mấy trăm, ngàn năm tuổi, cao chừng năm sáu trượng. Chàng ngồi trên cành cây cố ý nghe để tìm cho ra tông tích.

Chàng nhận ra rằng tiếng tiêu không phải từ đây phát ra mà từ nơi khác đưa đến chạm vào vách núi rồi phát ra tiếng dội trong trẻo và rõ ràng. Song chàng lại tự hỏi :

- “Không lẽ lại có người ngồi tận đâu đâu, vận nội lực vô cùng thâm hậu thổi tiếng tiêu cho đập vào vách núi này tạo ra tiếng dội? Thì ra họ dụng công một cách rất là kỳ cục”.

Ý nghĩ kỳ dị này chính chàng cũng không tự tin cho lắm.

Nhưng rốt cuộc ngoài phương cách giải thích đó không còn cách giải thích nào khác để chứng minh tiếng tiêu từ trong vách núi đưa ra.

Chàng ngẩng mặt nhìn lên vầng thái dương đã lên đến gần giữa trời thì không khỏi nản chí, than thầm :

- “Giả tỷ nếu ta được sống thêm hai ngày nữa sẽ quyết tìm cho ra nguồn gốc tiếng tiêu này, nhưng tiếc rằng ta đã sắp chết đến nơi rồi”.

Sở dĩ chàng than thân như vậy vì chàng biết Thiên Tý Độc Tẩu Ông Thiên Nghĩa nổi tiếng trên giang hồ về việc dùng độc. Lời lão cảnh cáo dường như vẫn còn văng vẳng bên tai, ai đã trúng chất độc của gã thì trước giờ ngọ tất nhiên phải chết.

Tâm thần Thượng Quan Kỳ bây giờ đang ở giữa hai luồng tư tưởng xung đột nhau. Một bên là bản tính quật cường không nề gian khổ để phấn đấu tìm cho ra điều chưa hiểu. Một bên là hình ảnh tử thần đang ngấp nghé đón chờ. Chàng đã tìm ra được nguyên nhân tiếng tiêu từ nơi khá xa đưa lại, nhưng vẫn băn khoăn về chỗ thời khắc mình còn ở lại dương thế không đủ để kiếm cho ra người thổi tiêu.

Chàng ở trên cây nhảy xuống, ngồi nhớ lại mười năm vừa qua không khỏi đau lòng xót dạ, nào là công trình sư phụ truyền thụ võ nghệ bỗng chốc trôi theo dòng nước, nào là sự nghiệp của mình sắp đến lúc đem ra đóng góp với đời thì bị ám toán, trúng độc vong thân.

Chàng liên tưởng đến chuyện đã được mục kích thảm cảnh bốn vị sư thúc cùng lũ đệ tử chết nơi đại điện. Ân sư chàng cũng bị trúng độc đang đuổi theo Ông Thiên Nghĩa, không biết sống chết ra sao?

Đột nhiên tiếng tiêu trở lại, âm điệu từ ái chẳng khác gì tiếng mẹ gọi con.

Thượng Quan Kỳ bất giác đứng lên đi về hướng tiếng tiêu vọng lại. Tiếng tiêu quyện tâm hồn khiến chàng không tự chủ được nữa, quên cả giờ chết sắp đến nơi.

Bất giác chàng đi rất mau, trong khoảnh khoắc thấy mình đã trở về đại điện. Lúc này chàng bị tiếng tiêu thúc đẩy, không do dự gì nữa bước qua bậc đá tiến về phía sau ngôi chùa cổ. Đột nhiên tiếng tiêu im bặt đúng lúc chàng vừa tới trước một căn lầu. Chàng nhìn lên thấy có tấm biển đề “Tành Kinh lầu”.

Đây là một ngôi chùa cổ hoang lương, mục nát nhưng qui mô rất rộng lớn.

Trong chùa đã không có hòa thượng trụ trì mà ngoài năm dặm cũng không có lấy một nhà ở.

Giữa lúc tiếng tiêu im bặt, chàng như người bừng tỉnh, quay đầu nhìn cảnh vật chung quanh rồi lại nhìn trời. Chàng thấy mặt trời gần lên đến đỉnh đầu bất giác bật lên tiếng thở dài, rồi đưa tay mở cửa lầu.

Cánh cửa đen sì trước đã không biết bao nhiêu năm không ai động đến. Tay chàng đẩy vào, cánh cửa hé mở, bụi cát tung bay mù mịt. Thượng Quan Kỳ lùi lại phía sau mấy bước. Chờ khá lâu cho bụi rớt xuống hết, chàng định thần nhìn kỹ lại thấy bên trong có mấy chục lọ sành xếp đặt ngay ngắn. Trên mặt lọ bụi dầy hơn tấc, chung quanh màng nhện giăng đầy. Trong lọ đựng xương khô, không biết đã bao lâu không người lau chùi, quét tước.

Thượng Quan Kỳ thủng thỉnh bước vào, chàng đảo mắt nhìn khắp một lượt, ngoài mấy chục lọ này không còn vật gì khác nữa. Sỡ dĩ chàng biết những lọ đó đựng hài cốt là sư phụ chàng đã từng trải giang hồ nên hiểu rõ và kể lại cho chàng biết. Chàng chợt nhìn thấy mé tả có một cầu thang. Không do dự gì nữa và để tranh thủ thời gian để thỏa mãn tính hiếu kỳ trước khi chịu chết, chàng đi phăng phăng lên lầu chẳng cần để ý nơi đây có đặt cơ quan gì nguy hiểm hay không.

Cầu thang này làm bằng thứ gỗ rất cứng chắc, tuy đã lâu năm mà vẫn chưa mục nát. Chàng bước lên mười lăm bậc, thấy trước mắt hiện ra một gác sách rất rộng. Bốn mặt gác đều đặt tủ gỗ đóng chặt. Những tủ này làm bằng thứ gỗ thượng hảo hạng, tuy bụi bám đầy nhưng có chỗ nào bị gẫy nát. Chàng đi quanh gác khắp một vòng thì ngoài những tủ sách ra không còn một thứ gì khác. Chàng mở cửa sổ nhìn trời thì thấy vầng thái dương vừa đúng ngọ, trong bụng nghĩ thầm :

“Chất độc sắp phát tác rồi đây. Ta bỏ xác tại nơi tịch mịch cũng là một điều rất may mắn”.

Nghĩ vậy chàng liền tìm một chỗ phủi bụi sạch sẽ, đặt mình nằm xuống, nhắm mắt tự an ủi :

“Ta chết giữa đống kinh sách này thì còn thú vị hơn”.

Thế rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Khi chàng tỉnh dậy thì trời đã tối. Trong nhà sách tối đen như mực, đưa hai bàn tay ra nhìn không rõ. Lòng chàng vẫn còn nghĩ đến cái chết vì trúng độc. Tuy chàng đã tỉnh lại nhưng vẫn không biết mình đã xuống cõi âm hay còn trên dương thế. Hiện tại chính chàng cũng không biết là mình người hay mạ..

Một cơn gió lạnh thoáng qua mặt Thượng Quan Kỳ.

Tiếng tiêu bỗng đâu cất lên, mùi thơm của hoa quế như rót vào Tàng Kinh lầu. Chàng đã quen với mùi thơm này nên vừa ngửi đã biết ngay. Bây giờ chàng mới thật tình đưa ngón tay lên miệng cắn thấy đau. Chàng lẩm bẩm :

“Ủa! Ta vẫn còn ở trên dương thế!”.

Chàng bước ra đứng cạnh cửa sổ: trên trời sao đầy chi chít, ánh sáng lờ mờ, từng ngọn gió thổi lướt qua mặt, mùi hoa quế mỗi lúc càng thêm ngào ngạt.

Khi biết rõ là mình vẫn còn sống, chàng nghĩ thầm :

- “Thiên Tý Độc Tẩu đã dùng đã dùng độc ám toán mọi người. Trừ bốn gã thiếu niên lão phái đến trà trộn vào, thì đều chết hết, không biết tại sao mình còn sống đến bây giờ?”.

Bất thình lình từ trên nóc nhà buông xuống một tiếng thở dài. Tiếng thở dài đột ngột buông xuống giữa ngôi chùa cổ hoang lương. Dù người lớn mật đến đâu cũng không khỏi giật mình. Thượng Quan Kỳ cảm thấy lạnh cả xương sống. Chàng đưa tay rờ ra phía sau lưng mới biết thanh kiếm của mình đã bị rơi mất trong đại điện. Tiếng thở dài rất rõ ràng chứ không phải ảo tưởng.

Thượng Quan Kỳ lại nghĩ đến mùi hoa quế thơm phức. Chàng lấy làm lạ rằng: lúc lên lầu chàng đã nhìn xung quanh nhưng không thấy cây quế nào, chẳng lẽ mùi hoa quế này cũng từ xa đưa lại? Chàng liên tưởng trước đây mỗi khi ngữi thấy mùi hoa quế là có tiếng tiêu trỗi lên. Trong lòng chàng liền cảm thấy rung động, liền lấy tay bám cửa sổ buông mình ra ngoài, lộn người ngồi trên mái ngói.

Dưới ánh trăng lờ mờ hiện ra một cái đầu người rất kỳ dị, râu tóc bạc phơ thò qua một cửa sổ khác trông ra.

Nguyên Tàng Kinh lầu này có hai gian rất rộng nên trên nóc còn có một cái gác nhỏ nữa mà chàng chưa để ý đến. Dị nhân ngồi trước cửa sổ gác thượng. Phân nửa dưới người vách gác che khuất đi, chỉ lộ ra một cái đầu tóc bù xù quái dị trông gớm ghiếc.

Giữa nơi hoang vắng tịch mịch vào lúc đêm khuya thanh vắng, đột nhiên xuất hiện một cái đầu lâu quái dị, Thượng Quan Kỳ tuy lớn mật song trống ngực đánh hơn trống làng. Chàng rú lên một tiếng kinh hải rồi nhắm mắt lại.

Khi chàng định thần mở mắt ra nhìn kỹ thì cái đầu lâu cổ quái kia đã biến đâu mất. Chàng nhìn kỹ gác thượng thấy bốn mặt đều có cửa sổ. Mùi hoa quế ngào ngạt từ trong gác thượng theo cửa sổ bay ra ngoài. Chàng nhìn vào gác thượng chỉ thấy tối mò không rõ cảnh vật gì cả. Chàng bước tứ tứ lại trước gác thượng để ý nhìn vào trong. Mục lực chàng đã đến chỗ hết sức tinh vi, nhìn vào đêm tối cũng rõ. Chàng nhận ra cái đầu quái dị vừa rồi thò qua cửa sổ bây giờ ai đem đặt ở giữa gác thượng.

Thượng Quan Kỳ trầm ngâm một lúc rồi chợt tĩnh ngộ biết rõ rằng đây là một người mặc áo đen ngồi trong gian nhà tối om nên mình cứ tưởng chỉ có một cái đầu không để đó. Chàng nghĩ thầm :

“Đã tìm vào nơi âm u ghê rợn để ở thì tất cũng không phải là người tốt. Âu là ta không nên dính líu gì đến hắn là hơn”.

Vừa toan trở gót, Thượng Quan Kỳ bỗng nghe tiếng quái nhân lạnh như băng giá từ trong gác quát hỏi :

- Mi vào đây làm gì? Trong thâm tâm mi đang thóa mạ lão phu phải không?

Thượng Quan Kỳ run bắn lên hỏi lại :

- Sao ngươi biết ta đang ngấm ngầm thóa mạ ngươi?

Quái nhân đáp :

- Nhìn bộ mặt của ngươi thì lão phu biết rồi. Nếu lão phu còn trẻ thì đã đập chết ngươi rồi.

Ngừng một lát, lão tiếp :

- Bây giờ lão phu đã già nên không nóng nảy như người xưa. Nhưng dù sao ngươi đã thóa mạ ta, ta không thể bỏ qua được.

Tiếng nói khàn khàn, rõ ra là người đã già nua tuổi tác. Thượng Quan Kỳ nghĩ bụng :

“Thật ra mình có ngấm ngầm thóa mạ lão đâu! Mới thấy có cảm giác chán ghét lão mà lão mới trông mặt mà đã biết rõ tâm can mình thì mục lực lão quả là ghê gớm”.

Lại nghe quái nhân nói tiếp :

- Căn gác này bốn mặt đều có cửa sổ, mi muốn ngắm cảnh thì lên đây.

Thượng Quan Kỳ tiến lên hai bước hỏi :

- Phải chăng lão tiền bối vừa thổi tiêu đó chăng?

Quái nhân dường như có tính ưa thích người ta ca tụng mình, liền đáp :

- Đúng đó! Ngươi nghe có thú không?

Thượng Quan Kỳ cả kinh nghĩ thầm :

“Nếu quả đúng là lão vừa thổi tiêu thì nội công của lão đã đến mức tinh vi cao siêu, trên đời không ai bì kịp”.

Quái nhân chỉ thấy Thượng Quan Kỳ run run mà không trả lời câu hỏi của mình, tựa hồ như lão lấy thế làm khó chịu, lão hỏi giật giọng :

- Ngươi nghe ta thổi có hay không?

Thượng Quan Kỳ nghe giọng quát hỏi biết lão là một người rất nóng nảy, vội vàng đáp ngay :

- Lão tiền bối thổi tiêu hay tuyệt! Thật là hay tuyệt!

Quái nhân dường như có vẻ không tin lời của chàng, hỏi vặn :

- Ngươi nói thật đấy chứ? Hay là ngươi lừa dối ta?

Thượng Quan Kỳ đáp :

- Những câu tại hạ nói tự trong đáy lòng mà ra, lẽ nào còn nói dối lão tiền bối. Lão tiền bối thử nghĩ xem: Nếu tại hạ không bị tiếng tiêu của tiền bối làm cho mê hồn thì đến đây làm gì và đâu có được cơ duyên bái kiến lão tiền bối.

Quái nhân nghe Thượng Quan Kỳ nói như vậy ra chiều đắc ý, mỉm cười chậm rãi nói :

- Ngươi nói vậy ta xem có vẻ thật thà, chứ không phải là câu nói đãi lòng ta.
Bình Luận (0)
Comment