Dịu Dàng Đến Vô Cùng

Chương 6

- ĂN CHÚT GÌ NHÉ? – Ông ta hỏi.

- Tùy đấy.

Carol hờ hững trả lời, cô vẫn chưa hết sợ hãi, đang cố gắng nhớ lại những cái tinh túy của chủ nghĩa duy vật biện chứng, mách bảo với mình trên thế giới không có gì gọi là siêu thức; ý thức là sự tồn tại hình thức vật chất, đột quỵ là vật chất, tai nạn giao thông là vật chất, ung thư là vật chất, không thể do ý chí của ai thao túng nổi.

Người đàn ông kia hình như không nhận ra điều gì, ông cười vui vẻ, hai đuôi lông mày như bay lên:

- Con có còn nhớ những kỳ nghỉ hè trước đây, bố con mình vẫn thường đi mua quà sáng. Chúng ta hỏi mẹ ăn gì, mẹ bảo tùy đấy. Bố biết mẹ thích ăn mỳ xào, bố vẫn mua mỳ xào cho mẹ, cuối cùng con gọi mỳ xào là “tùy đấy”, cho nên mỗi lần bố con ta đi mua quà sáng, con cứ bảo với nhân viên bán hàng rằng “mẹ cháu thích ăn tùy đấy”.

Carol cũng nhớ lại chuyện xa xưa ấy. Người đàn ông này nhớ rất rõ, lúc nhắc lại rất vui và rất đắc ý, ông nhớ như in. Cô nhân viên phục vụ đứng bên cạnh chờ ông chọn món cũng mỉm cười, cô cười vẻ mặt như không hề sốt ruột, vẫn kiên trì đứng nghe ông kể chuyện.

- Cho chúng tôi một gà đồng rán vàng, củ sen thái lát xào tỏi tây, thêm một con cá rán.

Ông ngước lên, mỉm cười với cô nhân viên.

Cô nhân viên ân cần gật đầu, ghi món ăn, thỉnh thoảng lại liếc nhìn ông. Ghi xong, cô lấy bảng thực đơn đi, nói với giọng ngọt ngào:

- Thưa, không cần gì nữa ạ? Tôi lấy đi xin đừng hối hận.

Carol cười miễn cưỡng, khẽ lắc đầu, đúng là không có thuốc gì chưa nổi. Ông ấy như những người biết mình có sức hấp dẫn, không thể kiềm chế nổi sức hấp dẫn lúc nào cũng sẵn sàng thi thố, có thể không có tâm địa, chỉ là thử xem sức hấp dẫn của mình có còn tác dụng nữa không. Một khi có người bị sức hấp dẫn của mình cuốn hút, trong lòng cảm thấy rất đắc ý.

Theo cách nói của thời nay, tức là bị phóng điện. Người phóng điện phấn khởi vì dòng điện của mình quật đổ người khác; người bị phóng điện được tận hưởng cảm giác đê mê không gây chết người, đó là trò chơi hai bên hiểu ngầm nhau. Người phóng điện không mất nhiều nhưng thu về thắng lợi; người bị phóng điện bị bất ngờ, trở thành đồ chơi trong tay anh ta. Tất cả đều không dụng ý, không có mục đích đặc biệt. Chỉ có vợ anh ta, giống như người dân sống ở nơi thiếu điện, căm giận anh ta lãng phí điện năng, nhưng chị ta lại không có cách gì để khống chế. Anh ta không làm gì, điện anh ta phóng ra cho bạn không thể thu hồi để làm bằng chứng cụ thể.

Carol nhớ lại, hồi nhỏ cùng bố đi ăn sáng, không bao giờ phải xếp hàng, những cô nhân viên phục vụ rất thích nói chuyện, đùa vui vài câu với bố, vừa nói vừa chuẩn bị những thứ bố cần. Từ nhỏ, Carol thấy những cô gái kia cười hết sức ngọt ngào với bố, rất ân cần săn sóc đến mình. Nhưng nếu đi với mẹ đến những nhà hàng ấy, Carol không bao giờ được đối đãi tử tế như thế.

Carol cảm thấy từ nhỏ mình đã quen với trò chơi ấy rồi. Hồi năm, sáu tuổi còn chưa biết từ ngữ “khoe mẽ”, cảm thấy bố rất thích khoe mẽ. Có lúc ở chỗ đông người, ví dụ chờ xe buýt hoặc dạo chơi trong công viên, bố thích dạy Carol hát hoặc xướng âm. Bố dạy Carol những kiến thức quá tầm tuổi, khiến những người đi qua phải ngoái lại nhìn, lắng nghe, người đứng quanh bố càng nhiều, bố giảng giải càng sôi nổi. Nó cảm thấy hình như bố không phải đang giảng cho nó nghe, mà giảng cho những người đứng xung quanh.

Có thể vì bố, Carol nhận ra cái khoe mẽ của đàn ông. Nó lạnh lùng nhìn những người xem ra rất giỏi giang, rất cao siêu, coi họ như lũ trẻ đang khoe khoang trước mọi người, vì vậy nó thường có cảm giác mình rất già.

Ông như cảm thấy con gái đang đứng trên tầm cao nhìn xuống đánh giá ông, ông mỉm cười, nói:

- Đây là những món con thích ăn. Trước kia bố vẫn thường đi bắt ếch, bố đưa mẹ với con đi, buổi tối ra những ruộng nước, soi đèn pin, vậy là con ếch nằm yên, rất ngoan ngoãn. Con rất dạn, đưa tay bắt ếch, cái bàn tay nhỏ nhắn bụ bẫm, vồ ngay con ếch. Mẹ không dám, bố với con thường dọa mẹ bằng những con ếch ấy.

Nghe bố nói như vậy, Carol có cảm giác vừa thực vừa hư từ một nơi rất xa vọng đến. Carol nhớ, đúng là có đi bắt ếch, cho đến nay cô vẫn còn cảm giác da con ếch trơn nhẵn, nhưng bây giờ lại sợ, vì Carol không thích cái cảm giác kia nữa. Carol nhớ, đấy là sự việc lúc chưa đầy sáu tuổi, một người có thể nhớ được những sự việc hồi sáu tuổi không? Có thể là sự tưởng tượng trong những năm gần đây? Hoặc lúc này nghe bố nói, mới tạo nên trong đầu óc?

- Giọng của con rất tốt.

Ông vừa tiếp tục nói, vừa gắp miếng thịt ếch vào bát cho Carol, đó là phần thịt ếch mà Carol thích ăn nhất. Rồi ông gỡ xương cá, gắp cho Carol một miếng thật to.

Carol không biết bố chuyển sang chuyện khác từ lúc nào, có thể khi cô đang chìm trong suy tư.

Ông nói với giọng kiêu ngạo:

- Lúc bấy giờ con mới năm tuổi, trong hội trường con hát bài hát trong phim Ngày đẹp nhất trên núi Kha trước hàng nghìn người. Giọng hát rất cao, con lên giọng không chút vất vả. Con có còn nhớ không?

Rồi ông khe khẽ hát.

Suốt đêm, suốt đêm gió bấc thổi trên núi Kha,

Nô lệ đói rét ngủ cùng tuyết,

Có biết bao nhiêu cặp mắt trông chờ mặt trời đỏ,

Xiềng xích gông cùm trên cổ xé nát thịt da.

Kẻ nô lệ trông mong đêm đông chóng qua,

Chủ nô mong cho đêm dài, đêm dài ngủ yên giấc,

Cha mong Hồng quân nước mắt trào,

Tôi mong Hồng quân mỏi mắt,

Nước mắt tràn núi Kha,

Người ơi, bao giờ người đem đến tin tốt lành.

Giọng của ông rất sâu, rất biết sử dụng kỹ thuật thanh nhạc cho nên ông hát khẽ nhưng nghe rất chuyên nghiệp. Carol nghe, nhớ lại giai điệu và lời ca của bài hát, nhớ từng câu, từng chữ. Cô tin rằng, hồi năm tuổi mình đã hát bài này. Vì bài hát có cũng đến đâu, nếu không phải bố dạy, thì Carol cũng không được nghe hoặc học bài hát này ở đâu.

- Ngón tay con dài, lực ngón tay rất mạnh là điều kiện tốt để chơi piano, đáng tiếc, sau đấy con không học tiếp, nếu không…

Ông tỏ ra tiếc nuối. Rõ ràng ông vẫn liên hệ với mẹ và biết rõ mọi chuyện của Carol.

Carol nhớ lại hồi nhỏ đến trường của bố, bố dạy nó tập đàn trong phòng tập, những gì đã học được nay cũng quên hết. Nhưng Carol vẫn nhớ bố dạy cách điều chỉnh âm điệu làm sao để ngón cái “vượt biên” dưới ngón trỏ và ngón giữa, có thể đó là từ “vượt biên” mà Carol được tiếp xúc.

Những chuyện vụn vặt giống như những ngôi sao nhỏ cứ long lanh nơi sâu thẳm ký ức, khiến lòng Carol cảm thấy ấm áp. Phải nói rằng, những ngày sống với bố vô cùng hạnh phúc và vui vẻ. Bố biết chơi đàn, biết hát, biết vẽ, biết cả chơi đùa với trẻ con. Bố rất kiên trì với trẻ con, Carol nhớ chưa bao giờ bố cáu với mình. Thậm chí bố còn biết may vá, bố đã từng may váy hoa cho Carol. Bố còn biết thổi cơm, giặt áo quần, chăm sóc cây cỏ, sửa đồ điện và đồ gia dụng. Cho đến bây giờ trong nhà có đồ dùng hỏng cần sửa, mẹ lại bất giác nói: “Nếu bố ở nhà thì đã chữa rồi đấy!”.

Bố là người có thể làm cho Carol hạnh phúc, tất nhiên con người như thế cũng có thể làm cho Carol đau khổ. Tóm lại, con người ấy trừ phi không đi vào cuộc sống của bạn, nhưng nếu đi vào thì cuộc sống của bạn sẽ hoặc vui hoặc buồn. Bạn có thể căm giận cùng cực, có thể yêu hết mình, không có con đường trung gian.

Nhưng không thể quên lãng.
Bình Luận (0)
Comment